Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 65/2003/QĐ-UB

Hà Nội, ngày 28 tháng 05 năm 2003 

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA KHUYẾN NÔNG VIÊN CƠ SỞ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân;
Căn cứ Nghị định số 13/CP ngày 02/3/2001 của Chính phủ ban hành bản Quy định về công tác Khuyến nông;
Căn cứ chương trình 12-CTr/TU ngày 05/11/2001 của Thành uỷ về phát triển kinh tế ngoại thành và từng bước hiện đại hoá nông thôn (2001-2005);
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tại Tờ trình số 361 TTr/SNN-CS ngày 24/3/2003 về việc ban hành Quy định tổ chức và hoạt động của Khuyến nông viên cơ sở trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành theo Quyết định này bản Quy định tổ chức và hoạt động của Khuyến nông viên cơ sở trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Những quy định trước đây trái với Quy định này đều bãi bỏ.

Điều 3: Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân Thành phố, Thủ trưởng các sở, ban, ngành của Thành phố và Chủ tịch UBND các huyện chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH



 
Lê Quý Đôn

 

QUY ĐỊNH

TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA KHUYẾN NÔNG VIÊN CƠ SỞ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI.
(Ban hành kèm theo Quyết định số 65/2003/QĐ-UB ngày 28/5/2003 của UBND Thành phố Hà Nội )

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh.

 Quy định tiêu chuẩn, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mạng lưới Khuyến nông viên tại xã (được gọi là Khuyến nông viên cơ sở ) trên địa bàn Thành phố  Hà Nội

Điều 2. Đối tượng áp dụng.

 Là Khuyến nông viên cơ sở. Khuyến nông viên cơ sở là người có đủ tiêu chuẩn như Điều 5 của Quy định này.

Điều 3. Tổ chức Khuyến nông viên cơ sở.

1. Tại mỗi xã của các huyện đuowcj bố trí một Khuyến nông viên cơ sở.

2. Khuyến nông viên cơ sở do UBND xã giới thiệu, UBND các huyện đề nghị, Sở Nông nghiệp và PTNT xem xét phê duyệt.

Điều 4. Quản lý Nhà nước về tổ chức, hoạt động Khuyến nông viên cơ sở.

1. UBND Thành phố thực hiện quản lý Nhà nước thống nhất đối với tổ chức và hoạt động của Khuyến nông viên cơ sở.

2. Sở Nông nghiệp và PTNT là cơ quan chuyên môn giúp UBND Thành phố trực tiếp quản lý tổ chức, hoạt động của Khuyến nông viên cơ sở trên địa bàn Thành phố  Hà Nội.

Chương 2:

TIÊU CHUẨN, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ KINH PHÍ HOẠT ĐỘNG CỦA KHUYẾN NÔNG VIÊN CƠ SỞ.

Điều 5. Tiêu chuẩn Khuyến nông viên cơ sở.

1. Có trình độ chuyên môn kỹ thuật từ trung cấp trở lên.

2. Có hộ khẩu thường trú tại địa phương.

3. Có khả năng tổ chức, quản lý và tham mưu đề xuất với Chính quyền địa phương về công tác khuyến nông. Phẩm chất đạo đức và sức khoẻ tốt.

Điều 6. Nhiệm vụ của Khuyến nông viên cơ sở.

1. Tham mưu giúp UBND xã tổ chức tuyên truyền các chủ truơng, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn văn minh hiện đại. Tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về tiến bộ kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thuỷ sản, công nghệ chế biến bảo quản nông-lâm-thuỷ sản. Phổ biến kinh nghiệm điển hình sản xuất giỏi và thông tin về thị trường, giá cả nông sản để các hộ nông dân tự điều chỉnh, bố trí sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả cao.

2. Cung cấp thông tin hoặc viết bài cho các báo, đài ở địa phương về công tác khuyến nông cơ sở.

3. Chọn, tham gia chỉ đạo xây dựng các mô hình khuyến nông và nghiên cứu đề tài khoa học kỹ thuật có liên quan tại địa phương.

4. Chủ động thực hiện mô hình khuyến nông tại gia đình, để các hộ nông dân khác thăm quan, học tập và vận dụng vào thực tế sản xuất.

5. Báo cáo định kỳ hoặc đột xuất về kết quả hoạt động, tình hình sản xuất nông nghiệp tại địa phương, đề xuất biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc với Ngành Nông nghiệp và PTNT ở địa phương để được hướng dẫn, giải quyết.

Điều 7: Quyền hạn của Khuyến nông viên cơ sở

1. Tham gia trao đổi, thực hiện các hợp đồng giữa ngành Nông nghiệp và PTNT với UBND các xã để triển khai chương trình Khuyến nông cơ sở.

2. Được tham gia các đợt bồi dưỡng, tập huấn về kỹ năng, nghiệp vụ công tác khuyến nông. Được cung cấp các thông tin liên quan đến chủ trương phát triển ngành, tiến bộ khoa học kỹ thuật nông nghiệp, kinh tế thị trường, hoạt động khuyến nông từng quý, năm của trung ương và địa phương.

3. Tham dự các cuộc họp do UBND các cấp tại địa phương và ngành Nông nghiệp và PTNT tổ chức.

Điều 8: Kinh phí hoạt động của Khuyến nông viên cơ sở.

1. Khuyến nông viên cơ sở được hỗ trợ kinh phí từ Ngân sách Thành phố với định mức 150.000 đồng (một trăm năm mươi ngàn đồng)/người/tháng.

2. Khoản kinh phí quy định tại khoản Sở Nông nghiệp và PTNT của Điều 8 này đuợc ghi trong dự toán Ngân sách hàng năm của Sở Nông nghiệp và PTNT thực hiện chương trình khuyến nông ở cơ sở, trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

3. Sở Nông nghiệp và PTNT chịu trách nhiệm hướng dẫn đơn vị trực thuộc (Trung tâm Khuyến nông Hà nội) ký hợp đồng theo quy định; thực hiện chi trả kinh phí hỗ trợ cho Khuyến nông viên cơ sở theo quy định; thực hiện chi trả kinh phí hỗ trợ cho khuyến nông viên cơ sở theo quy định tại khoản 1 của Điều 8 này.

Chương 3:

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 9: Trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và PTNT.

1. Chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra các đơn vị trực thuộc trong việc tham mưu giúp UBND các cấp tổ chức thực hiện Quy định này.

2. Đề xuất lên cấp trên và xem xét khen thưởng theo thẩm quyền đối với Khuyến nông viên cơ sở có thành tích xuất sắc.

Điều 10. Trách nhiệm của UBND các huyện.

1. Tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn và đôn đốc việc thực hiện Quy định này ở cơ sở tại địa phương.

2. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo, hướng dẫn UBND các xã, tạo thuận lợi để Khuyến nông viên cơ sở thực hiện nhiệm vụ.

3. Định kỳ tổ chức sơ kết, kiểm tra việc thực hiện Quy định này, thống nhất với Sở Nông nghiệp và PTNT, báo cáo với UBND Thành phố.

Điều 11. Trách nhiệm của UBND các xã.

1. Tổ chức thực hiện Quy định này thưo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND các huyện về công tác khuyến nông ở cơ sở.

2. Chủ động phối hợp với các đơn vị thuộc ngành Nông nghiệp và PTNT tại địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho Khuyến nông viên cơ sở hoàn thành nhiệm vụ.

Điều 12. Khen thưởng và xử lý vi phạm.

1. Tổ chức, cá nhân có thành tích trong quá trình thực hiện Quy định này sẽ được xem xét khen thưởng theo quy định hiện hành.

2. Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm Quy định này thì tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ bị xem xét kỷ luật hoặc xủe lý theo pháp luật.

Điều 13. Điều khoản thi hành.

 Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề vướng mắc cần sửa đổi, bổ sung, Sở Nông nghiệp và PTNT chịu trách nhiệm tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố xem xét quyết định ./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 65/2003/QĐ-UB Quy định tổ chức và hoạt động của Khuyến nông viên cơ sở trên địa bàn Thành phố Hà Nội do Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội ban hành

  • Số hiệu: 65/2003/QĐ-UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 28/05/2003
  • Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Người ký: Lê Quý Đôn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 28/05/2003
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản