Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 649/QĐ-UBND-HC

Đồng Tháp, ngày 22 tháng 6 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH BỘ TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ, PHÂN LOẠI KẾT QUẢ THỰC HIỆN QUY CHẾ DÂN CHỦ Ở CƠ SỞ TRONG CÁC DOANH NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG THÁP

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 1002/TTr-SLĐTBXH ngày 30 tháng 5 năm 2022,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Bộ tiêu chí đánh giá, phân loại kết quả thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Điều 2. Giao Giám đốc Sở Lao động -Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan và UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng UBND Tỉnh; Giám đốc các Sở: Lao động - Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Chủ tịch và các PCT/UBND Tỉnh;
- Ban Quản lý Khu kinh tế Tỉnh;
- Liên đoàn Lao động Tỉnh;
- Lãnh đạo VP/UBND Tỉnh;
- Lưu: VT, THVX(Tuyen).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đoàn Tấn Bửu

 

BỘ TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ, PHÂN LOẠI KẾT QUẢ THỰC HIỆN QUY CHẾ DÂN CHỦ Ở CƠ SỞ TRONG CÁC DOANH NGHIỆP

(Ban hành kèm theo Quyết định số 649/QĐ-UBND-HC ngày 22/6/2022 của UBND Tỉnh)

I. Bộ tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện quy chế dân chủ trong các doanh nghiệp

STT

Nội dung tiêu chí

Điểm chuẩn

Tự chấm điểm

I

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo

10

 

Tiêu chí 1

Người sử dụng lao động, các đoàn thể trong doanh nghiệp phối hợp triển khai thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở; có phân công trách nhiệm của người sử dụng lao động, đoàn thể trong doanh nghiệp phụ trách công tác triển khai thực hiện QCDC.

2

 

Tiêu chí 2

Xây dựng, ban hành các quy chế về thực hiện QCDC, hội nghị người lao động, đối thoại định kỳ tại nơi làm việc theo đúng quy định.

3

 

Tiêu chí 3

Người sử dụng lao động, tổ chức đại diện tập thể người lao động đã phối hợp tổ chức thực hiện QCDC ở cơ sở; tổ chức cho người lao động tham gia xây dựng chính quyền; tạo điều kiện cho người lao động tham gia các phong trào thi đua do tổ chức đại diện tập thể người lao động, doanh nghiệp phát động, tổ chức.

5

 

II

Thực hiện các nội dung người sử dụng lao động phải công khai

20

 

Tiêu chí 1

Tổ chức thực hiện 7 nội dung người sử dụng lao động phải công khai theo quy định tại khoản 1 Điều 43 Nghị định 145/2020/NĐ-CP.

1.1. Tình hình sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động (1 điểm);

1.2. Nội quy lao động, thang lương, bảng lương, định mức lao động, nội quy, quy chế và các văn bản quy định khác của người sử dụng lao động liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của người lao động (1,5 điểm);

1.3. Các thỏa ước lao động tập thể mà người sử dụng lao động tham gia (1,5 điểm);

1.4. Việc trích lập, sử dụng quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi và các quỹ do người lao động đóng góp (nếu có) - (1 điểm);

1.5. Việc trích nộp kinh phí công đoàn, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (1,5 điểm);

1.6. Tình hình thực hiện thi đua, khen thưởng, kỷ luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động (1 điểm);

1.7. Nội dung khác theo quy định của pháp luật (0,5 điểm).

8

 

Tiêu chí 2

Có 90% trở lên người lao động nắm được các nội quy, quy chế, chế độ, chính sách đang thực hiện trong doanh nghiệp.

4

 

Tiêu chí 3

Có 90% trở lên người lao động nắm được kế hoạch, tình hình sản xuất kinh doanh và tình hình công khai tài chính hằng năm của doanh nghiệp về các nội dung liên quan đến người lao động.

3

 

Tiêu chí 4

Thực hiện tốt việc công khai tất cả các ý kiến tham gia của người lao động: Các nội dung tiếp thu hoặc không tiếp thu, giải trình nêu rõ lý do; nêu các giải pháp, lộ trình thực hiện.

5

 

III

Tổ chức để người lao động tham gia ý kiến và quyết định các vấn đề liên quan theo quy định

20

 

Tiêu chí 1

Tổ chức thực hiện đầy đủ các nội dung người lao động tham gia ý kiến theo quy định tại khoản 1 Điều 44 Nghị định 145/2020/NĐ-CP.

1.1. Xây dựng, sửa đổi, bổ sung nội quy, quy chế và các văn bản quy định khác của người sử dụng lao động liên quan đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động (1,5 điểm);

1.2. Xây dựng, sửa đổi, bổ sung thang lương, bảng lương, định mức lao động; đề xuất nội dung thương lượng tập thể (1,5 điểm);

1.3. Đề xuất, thực hiện giải pháp tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất lao động, cải thiện điều kiện làm việc, bảo vệ môi trường, phòng, chống cháy nổ (2 điểm);

1.4. Nội dung khác liên quan đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động theo quy định của pháp luật (1 điểm).

6

 

Tiêu chí 2

Có nhiều hình thức linh hoạt để người lao động tham gia ý kiến vào các nội dung phù hợp với điều kiện theo quy định tại khoản 2 Điều 44 Nghị định 145/2020/NĐ-CP.

2.1. Tham gia ý kiến trực tiếp hoặc thông qua tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở (1 điểm);

2.2. Gửi góp ý, kiến nghị trực tiếp (1 điểm);

2.3. Hình thức khác mà pháp luật không cấm (1 điểm).

3

 

Tiêu chí 3

Tổ chức thực hiện đầy đủ 5 nội dung người lao động quyết định theo quy định tại khoản 1 Điều 45 Nghị định 145/2020/NĐ-CP.

3.1. Giao kết, sửa đổi, bổ sung, chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật (1,5 điểm);

3.2. Gia nhập hoặc không gia nhập tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở (1,5 điểm);

3.3. Tham gia hoặc không tham gia đình công theo quy định của pháp luật (1 điểm);

3.4. Biểu quyết nội dung thương lượng tập thể đã đạt được để ký kết thỏa ước lao động tập thể theo quy định (1,5 điểm);

3.5. Nội dung khác theo quy định của pháp luật hoặc theo thỏa thuận của các bên (0,5 điểm).

6

 

Tiêu chí 4

Phát huy được quyền làm chủ của người lao động khi thực hiện các nội dung người lao động quyết định theo Điều 45 của Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ, không để xảy ra tình trạng vi phạm dân chủ, nhân quyền, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người lao động

5

 

IV

Tổ chức thực hiện các nội dung người lao động kiểm tra, giám sát

20

 

Tiêu chí 1

Tổ chức thực hiện đầy đủ 5 nội dung người lao động kiểm tra, giám sát theo quy định tại khoản 1 Điều 46 Nghị định 145/2020/NĐ-CP.

1.1. Việc thực hiện hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể (2 điểm);

1.2. Việc thực hiện nội quy lao động, quy chế và các văn bản quy định khác của người sử dụng lao động liên quan đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động (2 điểm);

1.3. Việc sử dụng quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi, các quỹ do người lao động đóng góp (1,5 điểm);

1.4. Việc trích nộp kinh phí công đoàn, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của người sử dụng lao động (2 điểm);

1.5. Việc thực hiện thi đua, khen thưởng, kỷ luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động (1,5 điểm).

9

 

Tiêu chí 2

Có chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát hằng năm.

3

 

Tiêu chí 3

Người sử dụng lao động và tổ chức đại diện tập thể người lao động tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động thực hiện quyền kiểm tra, giám sát.

4

 

Tiêu chí 4

Kết quả kiểm tra, giám sát được công khai theo quy định, nhất là việc thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động, các quy định, quy chế của doanh nghiệp.

4

 

V

Tổ chức các hình thức thực hiện dân chủ tại nơi làm việc

15

 

Tiêu chí 1

Tổ chức tốt Hội nghị người lao động hằng năm theo quy định (thời gian, thành phần và nội dung, quy trình hội nghị…)

5

 

Tiêu chí 2

Tổ chức tốt đối thoại tại nơi làm việc (định kỳ, khi một bên yêu cầu) đảm bảo đúng thời gian, địa điểm, thành phần, quy trình và trách nhiệm.

5

 

Tiêu chí 3

Lựa chọn, tổ chức thực hiện tốt các hình thức thực hiện dân chủ cơ sở khác tại doanh nghiệp phù hợp điều kiện, thực tế sản xuất của doanh nghiệp, đem lại hiệu quả.

2

 

Tiêu chí 4

Tổ chức thực hiện các kiến nghị, phản ánh của người lao động dân chủ, khách quan, công bằng, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

3

 

VI

Hiệu quả của việc tổ chức thực hiện QCDC ở cơ sở trong doanh nghiệp

15

 

Tiêu chí 1

Thường xuyên kiện toàn, củng cố, phát huy vai trò của các tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp. Xây dựng tổ chức đảng, đoàn thể vững mạnh theo kế hoạch đề ra hằng năm.

3

 

Tiêu chí 2

Thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu về phát triển sản xuất, kinh doanh hàng năm theo kế hoạch đề ra; bảo đảm doanh nghiệp hoạt động đúng hiến pháp, pháp luật; thực hiện tốt chế độ, chính sách với người lao động theo quy định.

3

 

Tiêu chí 3

Đảm bảo việc làm, nâng cao đời sống người lao động: Tiền lương, thu nhập, tiền thưởng, phúc lợi xã hội… đảm bảo năm sau cao hơn năm trước; quan tâm đời sống tinh thần của người lao động.

3

 

Tiêu chí 4

Thực hiện tốt công tác an toàn, vệ sinh lao động trong doanh nghiệp; quan tâm cải thiện điều kiện làm việc, bảo vệ môi trường; không để xảy ra tai nạn lao động chết người hoặc tai nạn nặng từ 02 người trở lên hoặc xảy ra sự cố thiết bị nghiêm trọng.

3

 

Tiêu chí 5

Không có khiếu nại, tố cáo liên quan đến vi phạm dân chủ trong quản lý, điều hành của người sử dụng lao động; không để xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật trong doanh nghiệp đến mức phải xử lý hình sự; không có đình công, bãi công, lãn công trái quy định của pháp luật.

3

 

 

Tổng cộng:

100

 

II. Cách thức đánh giá kết quả thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở

1. Nội dung đánh giá kết quả thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trong các doanh nghiệp, gồm có 6 nội dung đánh giá; mỗi nội dung có các tiêu chí đánh giá và trong các tiêu chí có thể có các tiêu chuẩn chấm điểm.

2. Cách chấm điểm các tiêu chí

2.1. Đối với các tiêu chí không có các tiêu chuẩn chấm điểm:

Tiêu chí nào thực hiện tốt chấm 100% số điểm chuẩn; tiêu chí nào thực hiện chưa tốt tính điểm tương ứng theo tỷ lệ các nội dung đạt được trong tiêu chí, ở các mức 25% hoặc 50% hoặc 75%; và tiêu chí nào chưa thực hiện thì chấm 0 điểm.

Ví dụ: Tiêu chí 3 của nội dung I, có điểm chuẩn là 4 điểm.

- Nếu thực hiện tốt, đủ các nội dung theo quy định thì được 4 điểm (100%);

- Thực hiện được 3 nội dung trong tiêu chí, thì đạt 3 điểm (75%);

- Thực hiện được 2 nội dung trong tiêu chí, thì đạt 2 điểm (50%);

- Thực hiện được 1 nội dung trong tiêu chí, thì đạt 1 điểm (25%);

- Không thực hiện các nội dung trong tiêu chí, thì chấm 0 điểm.

2.2. Đối với các tiêu chí có các tiêu chuẩn chấm điểm:

Tiêu chuẩn nào thực hiện tốt chấm 100% số điểm chuẩn; tiêu chuẩn nào có thực hiện nhưng chưa tốt chấm 50% số điểm chuẩn và tiêu chuẩn chưa thực hiện thì chấm 0 điểm cho tiêu chuẩn đó.

Ví dụ: Tiêu chuẩn 1 của tiêu chí 2 nội dung III, có điểm chuẩn là 1 điểm.

- Nếu thực hiện tốt, đầy đủ các nội dung theo quy định thì đạt 1 điểm (100%);

- Nếu có thực hiện, nhưng chưa tốt các nội dung theo quy định thì đạt 0,5 điểm (50%);

- Không thực hiện các nội dung trong tiêu chuẩn, thì chấm 0 điểm.

3. Việc xét điểm thưởng hoặc điểm trừ trong tổ chức thực hiện

3.1. Điểm thưởng (tối đa 5 điểm):

Doanh nghiệp hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch đề ra, đời sống công nhân lao động nâng lên (cộng tối đa 3 điểm); có nhiều vận dụng sáng tạo trong triển khai thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở phù hợp với tình hình thực tế của doanh nghiệp (cộng tối đa 2 điểm).

3.2. Điểm trừ (tối đa 5 điểm):

Doanh nghiệp thực hiện chế độ báo cáo xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở không đảm bảo thời gian, chất lượng theo yêu cầu (trừ tối đa 2 điểm); lãnh đạo doanh nghiệp bị xử lý hình thức kỷ luật liên quan đến vi phạm quy chế dân chủ ở cơ sở (trừ tối đa 3 điểm).

III. Xếp loại kết quả thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở

Căn cứ tổng số điểm đánh giá các nội dung thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trong các doanh nghiệp và điểm thưởng/hoặc điểm trừ trong tổ chức thực hiện; để xếp loại kết quả thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở:

1. Loại xuất sắc: Đạt từ trên 90 điểm trở lên, trong đó không có tiêu chí nào có số điểm đạt dưới 75% số điểm chuẩn của từng tiêu chí.

2. Loại tốt: Đạt từ trên 80 điểm đến 90 điểm, trong đó không có tiêu chí nào có số điểm đạt dưới 60% số điểm chuẩn của từng tiêu chí.

3. Loại khá: Đạt từ trên 70 điểm đến 80 điểm, trong đó không có tiêu chí nào có số điểm đạt dưới 50% số điểm chuẩn của từng tiêu chí.

4. Loại trung bình: Đạt từ 50 điểm đến 70 điểm, trong đó không có tiêu chí nào bị 0 điểm.

5. Loại yếu: Đạt dưới 50 điểm.

* Hằng năm, Ban Chỉ đạo quy chế dân chủ tại đơn vị căn cứ Bảng tiêu chí này để tự đánh giá, xếp loại gửi về Ban Chỉ đạo cấp trên trực tiếp (Liên đoàn Lao động Tỉnh hoặc Liên đoàn Lao động cấp huyện và tương đương) vào cuối tháng 11 hằng năm.

Thành viên Ban Chỉ đạo Tỉnh (Liên đoàn Lao động Tỉnh) thẩm định, ra thông báo kết quả xếp loại và bình xét trong số các đơn vị, doanh nghiệp trực thuộc Tỉnh được xếp loại “Xuất sắc” đề nghị Thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở Tỉnh xem xét, đề nghị UBND Tỉnh khen thưởng.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 649/QĐ-UBND-HC năm 2022 về Bộ tiêu chí đánh giá, phân loại kết quả thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp

  • Số hiệu: 649/QĐ-UBND-HC
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 22/06/2022
  • Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Tháp
  • Người ký: Đoàn Tấn Bửu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản