Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BỘ THUỶ SẢN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 649/2000/QĐ-BTS | Hà Nội, ngày 04 tháng 8 năm 2000 |
QUYẾT ĐỊNH
CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ THUỶ SẢN SỐ 649/2000/QĐ-BTS NGÀY 04 THÁNG 8 NĂM 2000 BAN HÀNH QUY CHẾ KIỂM TRA VÀ CÔNG NHẬN CƠ SỞ SẢN XUẤT, KINH DOANH THUỶ SẢN ĐẠT TIÊU CHUẨN ĐẢM BẢO VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM, THAY THẾ QUY CHẾ BAN HÀNH THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 01/2000/QĐ-BTS NGÀY 03/01/2000
BỘ TRƯỞNG BỘ THỦY SẢN
Căn cứ Nghị định 50/CP ngày 21/6/1994 của Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Thuỷ sản;
Căn cứ Nghị định 86/CP ngày 8/12/1995 của Chính phủ phân công trách nhiệm quản lý Nhà nước về chất lượng hàng hoá.
Căn cứ Quyết định số 19/2000/QĐ/TTg ngày 3/2/2000 của Thủ tướng Chính phủ về bãi bỏ các loại giấy phép trái với quy định của Luật Doanh nghiệp;
Căn cứ Thông tư 02 TT/LB ngày 24/5/1996 của Liên bộ Khoa học Công nghệ Môi trường - Thuỷ sản hướng dẫn thực hiện Nghị định 86/CP ngày 8/12/1995 của Chính phủ;
Theo đề nghị của Ông Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ;
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế kiểm tra và công nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thuỷ sản đạt tiêu chuẩn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thay thế Quy chế ban hành theo Quyết định số 01/2000/QĐ-BTS ngày 3/1/2000 của Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản.
Điều 2. Các đối tượng sau đây không thuộc phạm vi điều chỉnh của Quy chế này:
a. Cơ sở chế biến thuỷ sản quy mô hộ gia đình để bán lẻ;
b. Cơ sở bán lẻ thực phẩm thuỷ sản, dịch vụ ăn uống thuỷ sản;
c. Tàu cá có công suất máy chính dưới 90cv;
d. Thuyền đánh cá thủ công;
đ. Bến cá (thủ công);
e. Cơ sở chế biến thuỷ sản không dùng làm thực phẩm.
| Tạ Quang Ngọc (Đã ký) |
KIỂM TRA VÀ CÔNG NHẬN CƠ SỞ SẢN XUẤT, KINH DOANH THUỶ SẢN ĐẠT TIÊU CHUẨN ĐẢM BẢO VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 649/2000/QĐ-BTS ngày 04/08/2000 của Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản)
Điều 1. Đối tượng và phạm vi áp dụng
1. Quy chế này quy định trình tự, thủ tục kiểm tra và công nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thuỷ sản (dưới đây gọi tắt là cơ sở) đạt tiêu chuẩn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (dưới đây viết tắt là VSATTP).
2. Đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh của Quy chế này là:
a. Các cơ sở chế biến, cơ sở đóng gói, cơ sở bảo quản thuỷ sản dùng làm thực phẩm theo phương thức công nghiệp.
b. Các cơ sở chế biến/sơ chế thuỷ sản theo phương thức thủ công; các cơ sở thu mua thuỷ sản, cơ sở làm sạch nhuyễn thể hai mảnh vỏ; các tàu cá; các cảng cá, các cơ sở nuôi thuỷ sản bán thâm canh, thâm canh, công nghiệp; các chợ bán buôn nguyên liệu thuỷ sản; các phương tiện cơ giới chuyên dùng để vận chuyển thuỷ sản.
Trong Quy chế này, các thuật ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Cơ sở chế biến, cơ sở đóng gói, cơ sở bảo quản thuỷ sản theo phương thức công nghiệp: cơ sở sản xuất thuỷ sản, trong đó các thiết bị cơ, nhiệt, điện, lạnh đóng vai trò quyết định trong dây chuyền công nghệ chế biến, đóng gói hoặc bảo quản thuỷ sản.
2. Cơ sở chế biến, cơ sở sơ chế theo phương thức thủ công: cơ sở sản xuất thuỷ sản, tại đó các thiết bị cơ điện chỉ đóng vai trò phụ trợ trong dây chuyền công nghệ chế biến, sơ chế thuỷ sản.
3. Cơ sở nuôi thuỷ sản bán thâm canh, thâm canh, công nghiệp: cơ sở nuôi thuỷ sản thương phẩm, sử dụng với mức độ khác nhau giống nhân tạo, thức ăn công nghiệp và các trang thiết bị cơ điện để thực hiện quá trình công nghệ nuôi thuỷ sản.
4. Cảng cá: công trình xây dựng chuyên dùng, được trang bị phương tiện để tiếp nhận, bốc dỡ, xử lý, bảo quản nguyên liệu thuỷ sản từ các tàu cá và cung ứng dịch vụ cho tàu cá.
5. Chợ bán buôn nguyên liệu thuỷ sản: công trình xây dựng chuyên dùng nhằm mục đích tổ chức bán buôn nguyên liệu thuỷ sản.
6. Tàu cá: phương tiện thuỷ chuyên dùng để khai thác, thu gom, bảo quản, vận chuyển nguyên liệu thuỷ sản, có trang bị động cơ.
Điều 3. Căn cứ để kiểm tra, công nhận cơ sở đạt tiêu chuẩn đảm bảo VSATTP
1. Căn cứ để kiểm tra và công nhận cơ sở đạt tiêu chuẩn đảm bảo VSATTP là các Tiêu chuẩn Việt Nam. Tiêu chuẩn Ngành Thuỷ sản và các quy đinh của Bộ Thuỷ sản về điều kiện đảm bảo VSATTP, bao gồm cả hệ thống quản lý VSATTP bắt buộc áp dụng đối với từng loại hình cơ sở.
2. Thời hạn và các tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng cho từng loại hình cơ sở nói tại Khoản 2 Điều 1 do Bộ Thủy sản quy định cho từng thời kỳ, theo Phụ lục 1 của Quy chế này.
3. Đối với các cơ sở chế biến, đóng gói thuỷ sản xuất khẩu sang các nước có yêu cầu và tiêu chuẩn khác với quy định của Việt Nam, việc kiểm tra và công nhận điều kiện đảm bảo VSATTP sẽ căn cứ theo tiêu chuẩn và quy định của nước nhập khẩu, được Bộ Thuỷ sản công nhận và cho phép áp dụng, hoặc theo thoả ước giữa Việt Nam với các nước nhập khẩu.
Điều 4. Cơ quan Kiểm tra điều kiện đảm bảo VSATTP
1. Cơ quan kiểm tra điều kiện đảm bảo VSATTP (dưới đây gọi tắt là Cơ quan kiểm tra) gồm 2 cấp: Cơ quan kiểm tra Trung ương và Cơ quan kiểm tra địa phương (cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương).
2. Cơ quan kiểm tra Trung ương là Trung tâm kiểm tra chất lượng và vệ sinh thuỷ sản: chịu trách nhiệm kiểm tra điều kiện đảm bảo VSATTP cho các loại hình cơ sở nêu tại Mục a, Khoản 2, Điều 1 của Quy chế này.
3. Cơ quan kiểm tra địa phương là Chi cục bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản; ở địa phương không có Chi cục, cơ quan này do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có quản lý thuỷ sản chỉ định, sau khi có ý kiến chấp thuận của Bộ Thuỷ sản: chịu trách nhiệm kiểm tra điều kiện đảm bảo VSATTP cho các cơ sở nói tại Mục b, Khoản 2, Điều 1 Quy chế này.
Điều 5. Các hình thức kiểm tra và thẩm tra
1. Kiểm tra lần đầu, áp dụng cho:
a. Cơ sở chưa được kiểm tra và công nhận;
b. Cơ sở đã được công nhận nhưng thay đổi địa điểm sản xuất.
2. Kiểm tra lại, áp dụng cho:
a. Cơ sở đã được kiểm tra, nhưng chưa đủ điều kiện để được công nhận.
b. Cơ sở đã được công nhận, nhưng sau đó đã:
* Bố trí lại hoặc mở rộng mặt bằng sản xuất;
* Thay đổi thiết bị công nghệ chủ yếu;
* Sản xuất sản phẩm khác với nhóm sản phẩm đã đăng ký.
c. Cơ sở bị đình chỉ công nhận, nhưng đã khắc phục xong các sai lỗi.
3. Kiểm tra định kỳ: thực hiện theo kế hoạch của cơ quan kiểm tra nhằm giám sát việc duy trì điều kiện đảm bảo VSATTP của cơ sở.
4. Kiểm tra đột xuất: biện pháp được cơ quan kiểm tra thực hiện khi cần, không báo trước cho cơ sở.
5. Thẩm tra - biện pháp do cơ quan công nhận thực hiện:
a. Khi cơ sở có văn bản khiếu nại về kết luận của cơ quan kiểm tra.
b. Trong những trường hợp cần thiết để đáp ứng yêu cầu quản lý.
1. Cơ quan công nhận cơ sở đạt tiêu chuẩn đảm bảo VSATTP (dưới đây gọi tắt là cơ quan công nhận) gồm 2 cấp: ở Trung ương là Bộ Thuỷ sản; ở tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương là Sở Thuỷ sản hoặc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có quản lý thuỷ sản.
2. Bộ Thuỷ sản công nhận cho các cơ sở nêu tại Mục a, Khoản 2, Điều 1 của Quy chế này.
3. Sở Thuỷ sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có quản lý thuỷ sản công nhận cho các cơ sở tại địa phương nêu tại Mục b, Khoản 2, Điều 1 của Quy chế này.
Điều 7. Hình thức công nhận cơ sở đạt tiêu chuẩn đảm bảo VSATTP
1. Theo phạm vi quy định tại Khoản 1 hoặc Khoản 2 Điều 6, cơ quan công nhận ban hành quyết định công nhận cơ sở đạt tiêu chuẩn đảm bảo VSATTP. Định kỳ hàng quý công bố danh sách các cơ sở nói trên.
2. Trường hợp doanh nghiệp có từ 02 cơ sở (phân xưởng) độc lập trở lên, việc công nhận chỉ có giá trị đối với cơ sở được xác định rõ trong danh sách nói tại Khoản 1 điều này.
3. Mỗi cơ sở được công nhận sẽ được cấp một mã số. Hệ thống mã số do Bộ Thuỷ sản quy định và được áp dụng thống nhất trong cả nước, theo Phụ lục 2 của Quy chế này
KIỂM TRA ĐIỀU KIỆN ĐẢM BẢO VSATTP
1. Cơ sở phải đăng ký với cơ quan kiểm tra theo sự phân cấp được nêu tại Điều 4 để được kiểm tra và công nhận điều kiện đảm bảo VSATTP.
2. Hồ sơ đăng ký kiểm tra lần đầu: Cơ sở nộp 02 (hai) bộ hồ sơ, mỗi bộ gồm:
a. Giấy đăng ký kiểm tra;
b. Báo cáo về điều kiện đảm bảo VSATTP của cơ sở
3. Hồ sơ đăng ký kiểm tra lại: Cơ sở nộp 02 (hai) bộ hồ sơ, mỗi bộ gồm:
a. Giấy đăng ký kiểm tra lại;
b. Báo cáo thay đổi điều kiện đảm bảo VSATTP
4. Mẫu giấy đăng ký kiểm tra, kiểm tra lại, mẫu đề cương báo cáo về điều kiện đảm bảo VSATTP của cơ sở, mẫu đề cương bác cáo thay đổi điều kiện đảm bảo VSATTP do cơ quan Kiểm tra Trung ương quy định, áp dụng thống nhất trong cả nước.
Điều 9. Xác nhận đăng ký và thông báo kiểm tra
Khi nhận được hồ sơ đăng ký kiểm tra, cơ quan kiểm tra có trách nhiệm:
1. Xem xét hồ sơ, hướng dẫn cơ sở bổ sung những nội dung còn thiếu.
2. Xác nhận đã nhận đủ hồ sơ đăng ký;
3. Thông báo về thời gian kiểm tra (thời gian đó không được muộn hơn 30 ngày kể từ khi nhận đầy đủ hồ sơ đăng ký).
Điều 10. Thành lập Đoàn Kiểm tra/Đoàn Thẩm tra
1. Thủ trưởng cơ quan kiểm tra ra quyết định thành lập Đoàn Kiểm tra điều kiện đảm bảo VSATTP đối với các cơ sở kiểm tra lần đầu, kiểm tra lại hoặc kiểm tra đột xuất. Việc kiểm tra định kỳ tiến hành theo kế hoạch của cơ quan kiểm tra, không cần ra quyết định.
2. Thủ trưởng cơ quan công nhận ra quyết định thành lập Đoàn Thẩm tra trong các trường hợp nói tại Khoản 5 Điều 5 .
3. Quyết định thành lập Đoàn Kiểm tra hoặc Đoàn Thẩm tra cần nêu rõ:
a. Phạm vi kiểm tra và trách nhiệm của đoàn;
b. Tên của cơ sở được kiểm tra, thẩm tra;
c. Họ tên, chức danh của trưởng đoàn và các thành viên trong đoàn.
4. Thành viên của đoàn kiểm tra, đoàn thẩm tra là cán bộ đã được đào tạo nghiệp vụ kiểm tra, có đủ năng lực thực hiện việc kiểm tra điều kiện đảm bảo VSATTP trong lĩnh vục thuỷ sản.
Điều 11. Nội dung, phương pháp kiểm tra
1. Nội dung kiểm tra phải phù hợp với quy định trong tiêu chuẩn về điều kiện đảm bảo VSATTP, tương ứng với từng loại hình cơ sở cần kiểm tra (theo quy định tại Phụ lục 1 của Quy chế này).
2. Phương pháp kiểm tra, danh mục các nhóm hạng mục cần kiểm tra, phương pháp đánh giá mức độ sai lỗi đối với từng nhóm hạng mục, tiêu chuẩn phân loại áp dụng cho từng loại cơ sở do cơ quan kiểm tra Trung ương xây dựng, trình Bộ Thủy sản ban hành áp dụng thống nhất trên phạm vi cả nước.
Đoàn kiểm tra phải tiến hành đánh giá tất cả các nội dung và nhóm hạng mục cần kiểm tra theo quy định tại Khoản 2 của điều này; sau khi kiểm tra phải xếp hạng mức độ đảm bảo VSATTP của cơ sở theo tiêu chuẩn phân loại:
a. Loại A: đạt tiêu chuẩn đảm bảo VSATTP;
b. Loại B: đạt tiêu chuẩn đảm bảo VSATTP nhưng còn một số sai lỗi nhẹ, ảnh hưởng không đáng kể đến VSATTP của sản phẩm thuỷ sản;
c. Loại C: còn một số sai lỗi nặng, có thể gây ảnh hưởng đến VSATTP của sản phẩm.
d. Loại D: còn nhiều sai lỗi nghiêm trọng, không có khả năng sửa chữa trong thời gian ngắn, nếu tiếp tục sản xuất sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến VSATTP cho sản phẩm thuỷ sản.
1. Tần suất kiểm tra định kỳ cho các cơ sở quy định như sau:
a. Đối với các cơ sở nói tại Mục a, Khoản 2, Điều 1:
- Cơ sở loại A: 06 tháng/lần
- Cơ sở loại B: 03 tháng/lần
- Cơ sở loại C: 01 thánhg/1ần
b. Đối với các cơ sở nói tại Mục b, Khoản 2, Điều 1:
- Cơ sở loại A: 12 tháng/lần
- Cơ sở loại B: 06 tháng/1ần
- Cơ sở loại C: 03 tháng/lần
2. Các cơ sở xuất khẩu vào thị trường EU hoặc thị trường khác, yêu cầu tần suất kiểm tra định kỳ cao hơn quy định tại Khoản 1, sẽ thực hiện theo yêu cầu đó.
1. Mẫu biên bản kiểm tra do cơ quan kiểm tra Trung ương xây dựng cho các loại hình cơ sở, trình Bộ Thuỷ sản ban hành, áp dụng thống nhất.
2. Biên bản kiểm tra phải:
a. Được chi theo mẫu quy định, thể hiện đầy đủ và chính xác kết quả kiểm tra, được làm ngay tại cơ sở sau khi kết thúc kiểm tra;
b. Ghi rõ các nội dung cần được sửa chữa của từng hạng mục không đáp ứng tiêu chuẩn và quy định (nếu có);
c. Nêu rõ ý kiến đánh giá tổng hợp của Đoàn Kiểm tra, xếp hạng mức độ đảm bảo VSATTP của cơ sở theo quy định tại Khoản 3, Điều 11;
d. Có chữ ký của trưởng Đoàn kiểm tra, chữ ký của người đại diện có thẩm quyền của cơ sở và đóng dấu của cơ sở được kiểm tra (nếu có);
e. Được lập thành 02 (hai) bản: 01 bản lưu tại cơ quan kiểm tra, 01 bản giao cho cơ sở; trường hợp cần thiết có thể tăng thêm số bản.
3. Nếu không đồng ý với kết luận của Đoàn kiểm tra, đại diện của cơ sở có quyền ghi kiến nghị, khiếu nại của mình vào cuối biên bản, trước khi ký tên và đóng dấu xác nhận. Biên bản kiểm tra vẫn có giá trị pháp lý trong trường hợp cơ sở không ký tên vào biên bản.
CÔNG NHẬN CƠ SỞ ĐẠT TIÊU CHUẨN ĐẢM BẢO VSATTP
1. Đối với cơ sở kiểm tra lần đầu hoặc kiểm tra lại, đạt loại A hoặc loại B như quy định tại Khoản 3, Điều 11, trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày sau khi kiểm tra, cơ quan kiểm tra phải gửi hồ sơ cho cơ quan công nhận đề nghị công nhận cơ sở đạt tiêu chuẩn đảm bảo VSATTP.
2. Hồ sơ đề nghị công nhận bao gồm:
a. Hồ sơ đăng ký kiểm tra của cơ sở nêu tại Điều 8;
b. Biên bản kiểm tra.
c. Văn bản của thủ trưởng cơ quan kiểm tra đề nghị công nhận cơ sở đạt tiêu chuẩn đảm bảo VSATTP.
3. Trong thời hạn 07 (bẩy) ngày sau khi nhận đủ hồ sơ, cơ quan công nhận phải ra quyết định công nhận và cấp mã số cho cơ sở theo quy định tại Điều 7 của Quy chế này. Quyết định được làm thành 04 (bốn) bản: gửi cơ sở, cơ quan kiểm tra, cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho cơ sở, và lưu hồ sơ.
4. Sau khi công nhận, cơ quan công nhận chuyển bộ hồ sơ đề nghị công nhận về cơ quan kiểm tra cùng cấp để lưu trữ.
Điều 15. Các trường hợp chưa đủ điều kiện để được công nhận
Đối với cơ sở kiểm tra lần đầu hoặc kiểm tra lại chưa đạt tiêu chuẩn về điều kiện đảm bảo VSATTP (loại C và loại D), căn cứ biên bản kiểm tra, trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày sau khi kiểm tra, cơ quan kiểm tra và cơ quan công nhận phải áp dụng các biện pháp sau đây:
1. Đối với cơ sở loại C:
a. Thủ trưởng cơ quan kiểm tra gửi Thông báo chưa đạt tiêu chuẩn đảm bảo VSATTP cho cơ sở. Thông báo được làm thành 03 (ba) bản: gửi cơ sở, cơ quan công nhận (kèm theo bản sao biên bản kiểm tra) và lưu hồ sơ.
b. Nội dung thông báo:
* Lý do xếp loại C;
* Thời hạn phải hoàn thành việc sửa chữa các hạng mục;
* Thông báo hình thức tăng cường kiểm soát điều kiện đảm bảo VSATTP.
2. Đối với cơ sở loại D
a. Cơ quan kiểm tra gửi văn bản đề nghị không công nhận, kèm theo hồ sơ theo quy định tại Điều 14, Khoản 2, Mục a và b cho cơ quan công nhận.
b. Ngay sau khi nhận đủ hồ sơ, Thủ trưởng cơ quan công nhận xem xét gửi thông báo không công nhận. Thông báo được làm thành 04 (bốn) bản, gửi: cơ sở, cơ quan kiểm tra, cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho cơ sở, và lưu hồ sơ.
c. Nội dung thông báo:
* Lý do xếp loại D, nêu rõ số sai lỗi và mức độ nghiêm trọng của các sai lỗi;
* Quy định các hạng mục cần phải sửa chữa;
* Yêu cầu cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho cơ sở thông báo đình chỉ có thời hạn hiệu lực của giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
* Yêu cầu cơ quan kiểm tra Nhà nước về chất lượng không cấp giấy chứng nhận chất lượng cho hàng hoá do cơ sở sản xuất kể từ ngày có thông báo.
Điều 16. Đối với các cơ sở đã được công nhận nhưng có vi phạm
1. Đối với cơ sở đã được công nhận, nhưng không duy trì tốt điều kiện đảm bảo VSATTP, khi kiểm tra bị xếp loại C thì áp dụng các biện pháp theo quy định tại Khoản 1 Điều 15.
2. Trong những trường hợp sau đây, Thủ trưởng cơ quan kiểm tra gửi văn bản kèm theo đầy đủ hồ sơ cho cơ quan công nhận, đề nghị ra quyết định thu hồi quyết định công nhận trước đây đối với:
a. Cơ sở bị xếp loại D.
b. Cơ sở bị xếp loại C quá 12 tháng mà không có biện pháp khắc phục sai lỗi.
c. Cơ sở có quá 02 lô hàng trong 6 tháng bị cơ quan kiểm tra trong và ngoài nước trả về hoặc huỷ bỏ;
d. Cơ sở không thực hiện các khuyến cáo bằng văn bản của cơ quan kiểm tra, vi phạm nghiêm trọng các quy định về sử dụng mã số.
3. Thủ trưởng cơ quan công nhận xem xét ra quyết định thu hồi quyết định công nhận trước đây đối với cơ sở. Quyết định này được làm thành 04 (bốn) bản, gửi: cơ sở, cơ quan kiểm tra, cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho cơ sở và lưu.
1. Sau khi khắc phục sai lỗi, cơ sở nói tại Điều 16 đăng ký kiểm tra lại theo thủ tục quy định tại Khoản 4, Điều 8 của Quy chế này.
2. Cơ quan kiểm tra thực hiện việc kiểm tra lại theo quy định tại Chương 2. Nếu cơ sở được xếp loại A hoặc B, cơ quan kiểm tra gửi văn bản đề nghị cơ quan công nhận ra quyết định công nhận cho cơ sở theo thủ tục quy định tại Khoản 2 Điều 14.
3. Trên cơ sở xem xét hồ sơ và đề nghị của cơ quan kiểm tra, Thủ trưởng cơ quan công nhận ra quyết định công nhận cho cơ sở theo quy định tại Khoản 3, Điều 14.
Điều 18. Trách nhiệm của cơ sở
1. Thực hiện đầy đủ các thủ tục, hồ sơ quy định tại Điều 8 Quy chế này;
2. Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho cán bộ kiểm tra khi làm việc tại cơ sở;
3 . Duy trì thường xuyên điều kiện đảm bảo VS ATTP đã được công nhận;
4. Thực hiện nghiêm túc việc sửa chữa các sai lỗi đã nêu trong biên bản kiểm tra và các thông báo của cơ quan kiểm tra, cơ quan công nhận.
5. Nộp phí kiểm tra theo quy định.
Điều 19. Trách nhiệm và quyền hạn của cơ quan kiểm tra Trung ương
1. Tổ chức thực hiện việc kiểm tra điều kiện đảm bảo VSATTP của các cơ sở trong phạm vi được phân công tại Khoản 2 Điều 4;
2. Xây dựng trình Bộ Thuỷ sản phê duyệt các tài liệu theo quy định tại Khoản 2 Điều 11 Quy chế này và cập nhật, sửa đổi, bổ sung các tài liệu đó để trình Bộ Thuỷ sản phê duyệt lại khi cần thiết;
3. Lưu giữ có hệ thống toàn bộ hồ sơ kiểm tra của các cơ sở; cung cấp hồ sơ, giải trình đầy đủ và chính xác về kết quả kiểm tra khi cơ quan công nhận cùng cấp yêu cầu;
4. Giải quyết khiếu nại của cơ sở theo quy định tại Chương 6 Quy chế này trong phạm vi thẩm quyền được phân công;
5. Hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ cho các cơ quan kiểm tra địa phương, hỗ trợ và phối hợp với cơ quan kiểm tra địa phương trong hoạt động quản lý VSATTP.
6. Định kỳ trước ngày 15/1 và ngày 15/7 hàng năm, tổng hợp các hoạt động quản lý VSATTP của các cơ quan kiểm tra địa phương, cơ sở thuộc phạm vi quản lý, báo cáo bằng văn bản cho Bộ Thuỷ sản, đề xuất các kiến nghị để cải thiện công tác này.
Điều 20. Trách nhiệm và quyền hạn của cơ quan kiểm tra địa phương
1. Thực hiện các nhiệm vụ nêu tại Khoản 1, Khoản 3 và Khoản 4 Điều 19 trong phạm vi quản lý được phân công tại Khoản 3 Điều 4.
2. Định kỳ trước ngày 7/1 và ngày 7/7 hàng năm báo cáo tổng hợp bằng văn bản cho Sở Thuỷ sản (hoặc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có quản lý thuỷ sản) và cơ quan kiểm tra Trung ương về kết quả kiểm tra điều kiện đảm bảo VSATTP của các cơ sở thuộc phạm vi quản lý, đề xuất kiến nghị để cải thiện công tác này;
3. Phối hợp với các cơ quan quản lý hữu quan trên địa bàn, tổ chức hướng dẫn, tuyên truyền giáo dục kiến thức và hiểu biết về đảm bảo VSATTP cho nhân dân địa phương và đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành các quy định tại các cơ sở thuộc phạm vi quản lý.
Điều 21. Trách nhiệm và quyền hạn của cán bộ kiểm tra
1. Kiểm tra, xem xét, đánh giá sự phù hợp của hiện trạng sản xuất và kinh doanh sản phẩm thuỷ sản so với tiêu chuẩn quy định;
2. Lấy mẫu theo quy định để kiểm tra điều kiện đảm bảo VSATTP cơ sở;
3. Yêu cầu được xem xét sổ sách, tài liệu, hồ sơ liên quan đến chương trình quản lý VSATTP thuỷ sản, được sao chụp và ghi chép các thông tin cần thiết.
4. Lập biên bản và niêm phong các mẫu vật trong một thời gian cần thiết: nếu có bằng chứng khẳng định việc cơ sở vi phạm Quy chế này và các quy định khác của Nhà nước liên quan đến đảm bảo VSATTP;
5. Báo cáo thủ trưởng cơ quan kiểm tra xử lý những trường hợp vượt quá thẩm quyền đã quy định;
6. Bảo mật các thông tin liên quan đến bí mật sản xuất kinh doanh của cơ sở được kiểm tra, tuân thủ mọi quy định của Pháp luật hiện hành.
Điều 22. Trách nhiệm của Bộ Thuỷ sản
1. Thống nhất quản lý công tác kiểm tra và công nhận cơ sở đạt tiêu chuẩn đảm bảo VSATTP của các cơ sở sản xuất kinh doanh thuỷ sản trên phạm vi cả nước;
2. Ra quyết định công nhận, thu hồi quyết định công nhận cơ sở đạt tiêu chuẩn đảm bảo VSATTP theo các quy định của Quy chế này;
3. Phê duyệt các tổ chức thuộc hệ thống các cơ quan kiểm tra ở Trung ương và địa phương;
4. Chỉ đạo thống nhất các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ; quản lý hoạt động của các cơ quan iểm tra Trung ương, cơ quan kiểm tra địa phương và cơ quan công nhận địa phương;
5. Định kỳ công bố danh sách các cơ sở đã được công nhận
6. Phối hợp các Bộ, Ngành hữu quan, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố hướng dẫn, phổ biến và kiểm tra việc chấp hành các quy định về đảm bảo VSATTP của cơ sở trong phạm vi quản lý.
Điều 23. Trách nhiệm của Sở Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có quản lý thuỷ sản
1. Chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện Quy chế này trong phạm vi quản lý được phân công tại Khoản 3, Điều 6.
2. Ra quyết định công nhận, thu hồi quyết định công nhận theo các quy định của Quy chế này trong phạm vi quản lý được phân công.
3. Hướng dẫn, phổ biến và kiểm tra việc chấp hành các quy định của Bộ Thủy sản và các hướng dẫn về nghiệp vụ chuyên môn của cơ quan kiểm tra Trung ương.
4. Xây dựng cơ sở vật chất và tổ chức bộ máy cán bộ cho cơ quan kiểm tra địa phương đủ năng lực để kiểm tra điều kiện đảm bảo VSATTP của các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm thuỷ sản thuộc phạm vi được phân công;
5. Trước ngày 15 tháng 1 và trước ngày 15 tháng 7 hàng năm báo cáo bằng văn bản cho Bộ Thủy sản và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, danh sách các cơ sở được công nhận trong kỳ; tình hình công nhận, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong phạm vi được phân công;
6. Phối hợp với các ngành hữu quan địa phương kiểm tra việc thực hiện các quy định về đảm bảo VSATTP của cơ sở thuộc phạm vi quản lý.
1. Cơ quan kiểm tra được thu phí kiểm tra trong các trường hợp: kiểm tra lần đầu, kiểm tra lại, kiểm tra định kỳ. Mức phí và việc sử dụng thực hiện theo quy định và hướng dẫn của Bộ Tài chính.
2. Nghiêm cấm cơ quan công nhận, cơ quan kiểm tra và các cán bộ kiểm tra thu các khoản lệ phí và phí khác trái với quy định.
KHIẾU NẠI, GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI VÀ XỬ PHẠT
Điều 25. Khiếu nại và giải quyết khiếu nại
Mọi hoạt động khiếu nại và giải quyết khiếu nại về các hoạt động kiểm tra và công nhận thực hiện theo các quy định của Luật Khiếu nại, Tố cáo được hướng dẫn tại Nghị định 67/1999/NĐ-CP ngày 07/8/1999 của Chính phủ.
1. Mọi hành vi vi phạm Quy chế này từ phía cơ sở, cơ quan kiểm tra, cơ quan ông nhận và các cán bộ kiểm tra, cán bộ thẩm tra sẽ bị xử phạt theo Nghị định 57/CP ngày 31/5/1997 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đo lường và chất lượng hàng hoá.
2. Những vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng hoặc tái phạm nguy hiểm sẽ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo luật định.
1. Quy chế này thay thế Quy chế được ban hành theo Quyết định số 01/2000/QĐ-BTS ngày 3/1/2000. Tất cả các quy định trước đây trái với Quy chế này đều bị bãi bỏ.
2. Mọi bổ sung hoặc sửa đổi của Quy chế này sẽ do Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản xem xét và quyết định bằng văn bản.
TT | Loại hình cơ sở | Tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng | Thời hạn bắt buộc |
1 | Cơ sở chế biến thuỷ sản đông lạnh | 28 TCN 129:1998 28 TCN 130:1998 | 1/1/2001 |
2 | Cơ sở chế biến đồ hộp thuỷ sản | 28 TCN 129:1998 28 TCN 130:1998 28 TCN 137:1999 | 1/1/2001 |
3 | Cơ sở chế biến nhuyễn thể 2 mảnh vỏ | 28 TCN 129:1998 28 TCN 130:1998 28 TCN 136:1999 | 1/1/2001 |
4 | Cơ sở chế biến thuỷ sản ăn liền xuất khẩu và tiêu thụ nội địa | 28 TCN 129:1998 28 TCN 130:1998 28 TCN 138:1999 | 1/1/2001 |
5 | Cơ sở chế biến thuỷ sản khô xuất khẩu | 28 TCN 129:1998 28 TCN 130:1998 28 TCN 139:2000 | 1/1/2001 |
6 | Tàu cá công suất trên 90 CV | 28 TCN 135:1999 | 1/1/2001 |
BẢNG 1. HỆ THỐNG MÃ SỐ ÁP DỤNG CHO CÁC LOẠI HÌNH CƠ SỞ SẢN XUẤT, KINH DOANH THUỶ SẢN
TT | Loại hình cơ sở | Mã số | Ghi chú |
1 | Cơ sở chế biến thuỷ sản đông lạnh | DL 000 | Áp dụng cho các cơ sở quy định tại Điều 1, Khoản 2, mục a của Quy chế, mã số bao gồm: |
2 | Cơ sở chế biến hàng khô quy mô công nghiệp | HK 000 | * Nhóm 2 chữ cái chỉ loại hình doanh nghiệp |
3 | Cơ sở chế biến nước mắm xuất khẩu | NM 000 | * Nhóm 3 chữ số chỉ số thứ tự của doanh nghiệp |
4 | Cơ sở chế biến đồ hộp | ĐH 000 |
|
5 | Tàu cá có công suất động cơ chính trên 90 cv | Theo quy định hiện hành của Bộ Thủy sản | Áp dụng cho các cơ sở quy định tại Điều 1, Khoản 2, mụa b của Quy chế. Mã số bao gồm: |
6 | Cơ sở thu mua nguyên liệu, sơ chế thuỷ sản | XXX/000 NL | * Nhóm 2 đến 3 chữ cái tên của tỉnh, thành phố, theo quy định hiện hành của Bộ Tthuỷ sản (theo Bảng 2 Phụ lục này) |
7 | Cơ sở nuôi trồng | XXX/000 NT | * Gạch chéo |
8 | Cơ sở chế biến nước mắm thủ công | XXX/000 NM | * Nhóm số 3 hoặc 4 chữ số chỉ số thứ tự của cơ sở |
9 | Cơ sở chế biến hàng khô thủ công | XXX/000 HK | * Nhóm 2 chữ cái ký hiệu loại hình doanh nghiệp |
10 | Chợ bán buôn nguyên liệu thuỷ sản | XXX/000 CH |
|
11 | Cảng cá quy mô công nghiệp | XXX/000 CA |
|
TT | Tên tỉnh, thành phố | XXX | TT | Tên tỉnh, thành phố | XXX |
1 | An Giang | AG | 31 | Kom Tum | KT |
2 | Bắc Cạn | BC | 32 | Long An | LA |
3 | Bình Dương | BD | 33 | Lai Châu | LC |
4 | Bình Định | BĐ | 34 | Lào Cai | LCa |
5 | Bắc Giang | BG | 35 | Lâm Đồng | LĐ |
6 | Bạc Liêu | BL | 36 | Lạng Sơn | LS |
7 | Bắc Ninh | BN | 37 | Nghệ An | NA |
8 | Bình Phước | BP | 38 | Ninh Bình | NB |
9 | Bến Tre | BT | 39 | Nam Định | NĐ |
10 | Bình Thuận | BTh | 40 | Ninh Thuận | NT |
11 | Bà Rịa - Vũng Tàu | BV | 41 | Phú Thọ | PT |
12 | Cao Bằng | CB | 42 | Phú Yên | PY |
13 | Cà Mau | CM | 43 | Quảng Bình | QB |
14 | Cần Thơ | CT | 44 | Quảng Ninh | QN |
15 | Đắc Lắc | ĐL | 45 | Quảng Nam | QNa |
16 | Đà Nẵng | ĐNa | 46 | Quảng Ngãi | QNg |
17 | Đồng Nai | ĐN | 47 | Quảng Trị | QT |
18 | Đồng Tháp | ĐT | 48 | TP. Hồ Chí Minh | SG |
19 | Gia Lai | GL | 49 | Sơn La | SL |
20 | Hoà Bình | HB | 50 | Sóc Trăng | ST |
21 | Hải Dương | HD | 51 | Thái Bình | TB |
22 | Hà Giang | HG | 52 | Tiền Giang | TG |
23 | Hà Nội | HN | 53 | Thanh Hoá | TH |
24 | Hà Nam | HNa | 54 | Thái Nguyên | TNg |
25 | Hải Phòng | HP | 55 | Tây Ninh | TN |
26 | Hà Tĩnh | HT | 56 | Tuyên Quang | TQ |
27 | Hà Tây | HTa | 57 | Thừa Thiên Huế | TTH |
28 | Hưng Yên | HY | 58 | Trà Vinh | TV |
29 | Kiên Giang | KG | 59 | Vĩnh Long | VL |
30 | Khánh Hoà | KH | 60 | Vĩnh Phúc | VP |
|
|
| 61 | Yên Bái | YB |
- 1Quyết định 09/2000/QĐ-BTS về việc cấp Giấy chứng nhận cơ sở sản xuất kinh doanh thuỷ sản đạt tiêu chuẩn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm do Bộ trưởng Bộ Thủy sản ban hành
- 2Quyết định 01/2000/QĐ-BTS về Quy chế kiểm tra và chứng nhận cơ sở sản xuất kinh doanh thuỷ sản đạt tiêu chuẩn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm do Bộ trưởng Bộ Thủy sản ban hành
- 3Quyết định 117/2008/QĐ-BNN về quy chế kiểm tra và công nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản đủ điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 4Quyết định 3593/QĐ-BNN-PC năm 2009 công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật tính đến ngày 30 tháng 09 năm 2009 hết hiệu lực thi hành do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 1Quyết định 01/2000/QĐ-BTS về Quy chế kiểm tra và chứng nhận cơ sở sản xuất kinh doanh thuỷ sản đạt tiêu chuẩn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm do Bộ trưởng Bộ Thủy sản ban hành
- 2Quyết định 117/2008/QĐ-BNN về quy chế kiểm tra và công nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản đủ điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 3Quyết định 3593/QĐ-BNN-PC năm 2009 công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật tính đến ngày 30 tháng 09 năm 2009 hết hiệu lực thi hành do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 1Nghị định 86-CP quy định phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng hàng hoá
- 2Quyết định 09/2000/QĐ-BTS về việc cấp Giấy chứng nhận cơ sở sản xuất kinh doanh thuỷ sản đạt tiêu chuẩn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm do Bộ trưởng Bộ Thủy sản ban hành
- 3Quyết định 19/2000/QĐ-TTg bãi bỏ các loại giấy phép trái với quy định của Luật Doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Quyết định 649/2000/QĐ-BTS về Quy chế kiểm tra và công nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thuỷ sản đạt tiêu chuẩn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thay thế Quy chế kèm theo Quyết định 01/2000/QĐ-BTS do Bộ trưởng Bộ Thủy sản ban hành
- Số hiệu: 649/2000/QĐ-BTS
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 04/08/2000
- Nơi ban hành: Bộ Thuỷ sản
- Người ký: Tạ Quang Ngọc
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 37
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra