Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 6358/QĐ-UBND | Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 14 tháng 12 năm 2012 |
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Công nghệ thông tin ngày 29 tháng 6 năm 2006;
Căn cứ Nghị định số 71/2007/NĐ-CP ngày 03 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Công nghệ thông tin về công nghiệp công nghệ thông tin;
Căn cứ Quyết định số 246/2005/QĐ-TTg ngày 06 tháng 10 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam đến năm 2012 và định hướng đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 1605/QĐ-TTg ngày 27 tháng 8 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2011 - 2015;
Căn cứ Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 22 tháng 9 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông;
Căn cứ Quyết định số 2457/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 2441/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 24/2011/QĐ-UBND ngày 14 tháng 5 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố về ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ IX về Chương trình hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế thành phố giai đoạn 2011 - 2015;
Căn cứ Quyết định số 27/2012/QĐ-UBND ngày 28 tháng 6 năm 2012 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc phê duyệt chương trình phát triển công nghệ thông tin - truyền thông giai đoạn 2011 - 2015;
Căn cứ Quyết định số 2519/QĐ-UBND ngày 18 tháng 5 năm 2012 của Ủy ban nhân dân thành phố về thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ chuyên viên giúp việc Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình phát triển vi mạch (chip điện tử) trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh; Quyết định số 3804/QĐ-UBND ngày 28 tháng 7 năm 2012 của Ủy ban nhân dân thành phố về bổ sung thành viên Tổ chuyên viên giúp việc Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình phát triển vi mạch trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
Xét đề nghị của Sở Thông tin và Truyền thông tại Tờ trình số 19/TTr-STTTT ngày 27 tháng 11 năm 2012,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2012 - 2020.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch thành phố Hồ Chí Minh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Giám đốc Kho bạc Nhà nước thành phố, Thủ trưởng các Sở - ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện, phường - xã, thị trấn trên địa bàn thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP VI MẠCH THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH GIAI ĐOẠN 2013 - 2020
(Ban hành kèm Quyết định số: 6358 /QĐ-UBND ngày 14 tháng 12 năm 2012 của Ủy ban nhân dân thành phố)
Ngành công nghiệp vi mạch là một ngành công nghệ cao đem lại nhiều giá trị gia tăng, là nền tảng để hỗ trợ và đẩy mạnh sự phát triển của các ngành công nghiệp khác, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế theo chiều sâu.
Phát triển sản phẩm của ngành công nghiệp vi mạch điện tử là một trong 9 sản phẩm quốc gia là phương thức quan trọng để chuyển hóa các thành tựu khoa học và công nghệ thành hàng hóa thương mại.
Phát triển ngành công nghiệp vi mạch tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tạo nên bước nhảy bứt phá trong lĩnh vực vi mạch điện tử của thành phố và của cả nước.
Xây dựng quy trình khép kín và đồng bộ cho ngành công nghiệp vi mạch thành phố Hồ Chí Minh với các khâu đào tạo, thiết kế, chế tạo chip, chế tạo và sản xuất ứng dụng, kinh doanh và quảng bá sản phẩm phù hợp với nhu cầu và tình hình phát triển của đất nước.
Thu hút nguồn nhân lực cao cấp đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành, làm chủ những công nghệ mới và tiên tiến trong lĩnh vực vi mạch; thúc đẩy, tạo mối liên hệ giữa các cộng đồng phát triển vi mạch trên cả nước; qua đó làm cơ sở lan tỏa, đẩy mạnh phát triển kinh tế tại khu vực phía Nam và tiến tới cả nước.
1. Nâng cao giá trị gia tăng của các sản phẩm điện tử, viễn thông sản xuất tại Việt Nam.
- Sản phẩm điện tử, viễn thông có sử dụng vi mạch được thiết kế và chế tạo tại Việt Nam sẽ có giá trị gia tăng từ 15-30%.
- Đến năm 2020, doanh thu của riêng ngành vi mạch điện tử sẽ đạt tối thiểu 120 triệu USD/năm.
2. Công nghiệp vi mạch thành phố Hồ Chí Minh:
- Phát triển công nghiệp vi mạch điện tử Thành phố Hồ Chí Minh trở thành một ngành kinh tế chủ lực, tăng trưởng cao (từ 20 - 30%/ năm), làm nền tảng cho sự phát triển chung và thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của thành phố, củng cố vị thế của thành phố là mũi nhọn phát triển kinh tế, khoa học kỹ thuật của cả nước.
- Thu hút ít nhất 5 tập đoàn đa quốc gia về lĩnh vực vi mạch điện tử đầu tư và hoạt động tại Việt Nam.
- Ươm tạo được khoảng 25 doanh nghiệp khoa học công nghệ hoạt động trong lĩnh vực vi mạch điện tử.
3. Cơ sở vật chất, nguồn nhân lực:
- Xây dựng nhà máy chế tạo vi mạch đầu tiên tại Việt Nam.
- Xây dựng cơ sở hạ tầng về thiết kế vi mạch và các sản phẩm liên quan (Design House) cho Thành phố Hồ Chí Minh. Chia sẻ thư viện thiết kế, lõi IP, các dịch vụ sử dụng phần mềm chung cho toàn thành phố, hỗ trợ đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ. Trung tâm này sẽ là đầu mối cung cấp phần mềm và dịch vụ thiết kế, chế tạo vi mạch cũng như các sản phẩm liên quan cho cả nước.
- Đào tạo được khoảng 2.000 kỹ sư, kỹ thuật viên... hoạt động trong lĩnh vực vi mạch điện tử.
1. Phát triển công nghiệp vi mạch điện tử:
- Phấn đấu đến năm 2020, lĩnh vực vi mạch Việt Nam đạt trình độ phát triển của nhóm các nước dẫn đầu trong khu vực ASEAN.
- Phát triển công nghiệp vi mạch điện tử theo hướng thương mại. Nắm vững các công nghệ nền và nghiên cứu các công nghệ mới có khả năng ứng dụng phù hợp với hiện trạng và tiềm năng phát triển của đất nước.
- Đào tạo đội ngũ kỹ sư, cán bộ khoa học kỹ thuật chất lượng cao. Đẩy mạnh thiết kế, chế tạo vi mạch tích hợp và xây dựng các ứng dụng dựa trên thành quả từ các trường, viện, trung tâm nghiên cứu.
- Nâng cấp cơ sở hạ tầng cho ngành công nghiệp vi mạch nhằm theo kịp sự phát triển chung của thế giới.
2. Ứng dụng công nghiệp vi mạch điện tử vào những lĩnh vực khác:
Triển khai phối hợp với các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp tư nhân thuộc các lĩnh vực trọng điểm khác được Chính phủ ưu tiên phát triển như quốc phòng, giao thông, nông nghiệp, công nghệ thông tin, y tế, giáo dục... nhằm tối ưu hóa quy trình quản lý, sản xuất để nâng cao hiệu quả hoạt động và chất lượng sản phẩm, dịch vụ của những ngành này.
3. Tăng cường an ninh quốc phòng và an ninh đô thị:
- Nghiên cứu, cung cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho Chính phủ trong lĩnh vực quốc phòng, giảm dần sự phụ thuộc và tiến đến thay thế hoàn toàn các sản phẩm điện tử của nước ngoài.
- Phối hợp nghiên cứu, cung cấp trang thiết bị cho các cơ quan nhà nước trong lĩnh vực an ninh đô thị nhằm nâng cao đời sống nhân dân.
4. Phát triển nguồn nhân lực cho nền công nghiệp vi mạch điện tử:
- Thu hút, tập hợp và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đạt trình độ quốc tế nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của công nghiệp vi mạch thành phố cũng như quốc gia.
- Thu hút các chuyên gia Việt kiều trong lĩnh vực vi mạch điện tử tham gia các dự án trong nước.
5. Nâng cao vị trí quốc tế của Việt Nam:
- Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, thu hút các tập đoàn đa quốc gia trong lĩnh vực vi mạch điện tử đầu tư và hoạt động tại thành phố Hồ Chí Minh, gây tiếng vang và khẳng định vị trí của nước ta trên thương trường thế giới.
- Xây dựng thương hiệu sản phẩm và dịch vụ trong lĩnh vực vi mạch điện tử, hỗ trợ các ngành khác tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Chương trình bao gồm 7 dự án, đề án có quan hệ mật thiết, được triển khai đồng bộ nhằm tối ưu hóa hiệu quả của chương trình và đạt được các mục tiêu đề ra. Đơn vị chủ trì và quản lý Chương trình là Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh. Các đơn vị phối hợp là các sở, ban, ngành liên quan, các trường đại học, viện nghiên cứu, Khu công nghệ cao, Công viên phần mềm, các hiệp hội, doanh nghiệp và các cá thể hoạt động trong lĩnh vực điện tử vi mạch.
1. Đề án đào tạo lĩnh vực thiết kế vi mạch:
- Cơ quan chủ trì: Sở Thông tin và Truyền thông.
- Cơ quan phối hợp: Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao, các sở - ngành, Hội Tin học thành phố, các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
- Nội dung thực hiện:
+ Xây dựng và phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh về vi mạch bán dẫn theo hướng sản phẩm;
+ Đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học và kỹ sư có trình độ cao, cập nhật các kiến thức mới nhất về khoa học và công nghệ trên thế giới, qua đó tạo nguồn Kỹ sư thực hành giỏi và triển khai thực tế trong việc thương mại hóa sản phẩm chất lượng cao cho đất nước;
+ Thu hút sinh viên giỏi, giáo sư giỏi tham gia vào các đề án nhằm hình thành đội ngũ cán bộ phục vụ cho nhà máy bán dẫn do doanh nghiệp thành phố đầu tư;
+ Hợp tác với các trường đại học uy tín trên thế giới để tiếp thu, chuyển giao kiến thức và kinh nghiệm của các nhà khoa học nước ngoài phục vụ phát triển khoa học công nghệ Việt Nam, đẩy mạnh quá trình hội nhập thế giới.
- Thời gian thực hiện: năm 2013 - 2020.
2. Đề án ươm tạo doanh nghiệp công nghệ vi mạch và hệ thống nhúng:
- Cơ quan chủ trì: Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh.
- Cơ quan phối hợp: Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, các sở -ngành, Công ty Phát triển công viên phần mềm Quang Trung, Hội Tin học thành phố, các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
- Nội dung thực hiện:
+ Xây dựng Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ có khả năng cung cấp môi trường làm việc hiện đại và tiện nghi nhằm thu hút các doanh nghiệp công nghệ chuyển giao kết quả nghiên cứu, ý tưởng sáng tạo khoa học kỹ thuật, ý tưởng kinh doanh gia nhập vườn ươm để sáng lập hay phát triển các doanh nghiệp công nghệ mới;
+ Tìm kiếm và kêu gọi đầu tư từ các thành phần kinh tế khác như: các tập đoàn kinh tế lớn, các tổ chức phi lợi nhuận, và các nhà đầu tư mạo hiểm trong và ngoài nước nhằm mục đích tạo nguồn vốn dồi dào phát để nuôi dưỡng và phát triển các doanh nghiệp công nghệ hoạt động tại vườn ươm;
+ Xây dựng bộ máy hành chính vườn ươm chuyên nghiệp nhằm cung cấp các dịch vụ chuyên nghiệp cho các công ty công nghệ hoạt động tại vườn ươm. Cung cấp các dịch vụ chuyên nghiệp khác bao gồm các quy phạm pháp luật và kế toán, hợp đồng thương mại, tranh chấp thương hiệu, bằng sáng chế, bí quyết kinh doanh, quản lý tài chính, tiếp thị và nghiên cứu thị trường;
+ Tìm kiếm và liên kết các kênh hỗ trợ công cụ nghiên cứu, thiết kế, thí nghiệm và sản xuất sản phẩm công nghệ từ các phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu, viện và trường đại học trong nước nhằm đáp ứng nhu cầu thiết kế, đo thử nghiệm và sản xuất các sản phẩm công nghệ của các doanh nghiệp hoạt động trong vườn ươm;
+ Tìm kiếm và liên kết các kênh truy cập kiến thức từ các viện, trường đại học trong và ngoài nước cũng như các chuyên gia nhằm phục vụ nhu cầu truy cập kiến thức và tạo điều kiện cho các công ty khách hàng, các doanh nghiệp công nghệ trao đổi và liên lạc trực tiếp với các chuyên gia và các giáo sư đầu ngành về lĩnh vực vi mạch điện tử;
+ Tìm kiếm các nhà nghiên cứu tiềm năng (doanh nhân công nghệ) có kết quả nghiên cứu khoa học hoặc ý tưởng sáng tạo có khả năng ứng dụng vào thực tiễn sản xuất từ các viện, trường đại học trong và ngoài nước thuộc các chuyên ngành điện-điện tử, cơ-điện tử, tự động hóa và công nghệ thông tin; khuyến khích, tạo điều kiện tối đa để họ gia nhập vườn ươm sáng lập các công ty công nghệ và thương mại hóa kết quả nghiên cứu hay ý tưởng sáng tạo khoa học kỹ thuật phục vụ xã hội.
- Thời gian thực hiện: năm 2013 - 2020.
3. Đề án phát triển thị trường vi mạch điện tử:
- Cơ quan chủ trì: Sở Thông tin và Truyền thông.
- Cơ quan phối hợp: Các sở - ngành, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao, Công ty Phát triển công viên phần mềm Quang Trung, Hội Tin học thành phố, các doanh nghiệp trong và ngoài nước
- Nội dung thực hiện: Đề án là sự kết hợp nhiều tổ chức khác nhau và được phân chia thành các tiểu chương trình nhằm quảng bá tốt đến từng đối tượng cụ thể trong tầng lớp xã hội dưới sự điều phối của một tổ chức có chức năng, hoạt động liên quan đến lĩnh vực vi mạch bán dẫn.
+ Quảng bá vi mạch đến sinh viên, doanh nghiệp thiết kế và ứng dụng vi mạch trong nước qua các hội thảo, các cuộc thi thiết kế vi mạch;
+ Quảng bá, hợp tác quốc tế về lĩnh vực vi mạch qua các hội nghị nhằm học hỏi kinh nghiệm và nâng cao vị trí của Việt Nam trên thế giới trong lĩnh vực vi mạch;
+ Nghiên cứu thị trường, xúc tiến thương mại, hỗ trợ các doanh nghiệp trung gian phát triển thị trường trong lĩnh vực vi mạch nhằm đem lại hiệu quả cao nhất;
+ Xây dựng cổng thông tin điện tử quản lý và cập nhật liên tục các thông tin về chính sách, kết quả nghiên cứu, sản phẩm ứng dụng của ngành vi mạch điện tử. Tạo diễn đàn tư vấn, giải đáp thắc mắc về công nghệ cũng như sản phẩm vi mạch, sản phẩm điện tử ứng dụng cho khách hàng.
- Thời gian thực hiện: năm 2013 - 2020.
4. Chương trình nghiên cứu thiết kế và sản xuất thử nghiệm vi mạch:
- Cơ quan chủ trì: Sở Khoa học và Công nghệ.
- Cơ quan phối hợp: Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, các trường, viện, các sở - ngành, Hội Tin học thành phố, các công viên phần mềm, các doanh nghiệp trong và ngoài nước
- Nội dung thực hiện:
Ủy ban nhân dân thành phố: là cơ quan quản lý toàn bộ nội dung của Chương trình “Nghiên cứu thiết kế và sản xuất thử nghiệm vi mạch thành phố Hồ Chí Minh”.
- Thời gian thực hiện: năm 2013 - 2020.
5. Đề án nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách, và biện pháp hỗ trợ phát triển công nghiệp vi mạch Thành phố Hồ Chí Minh:
- Cơ quan chủ trì: Sở Thông tin và Truyền Thông.
- Cơ quan phối hợp: Các sở - ngành, trường/viện, Hội Tin học thành phố, Khu Công nghệ cao, Công viên phần mềm Quang Trung.
- Nội dung thực hiện:
+ Nghiên cứu và phân tích chi tiết về định hướng sản phẩm vi mạch chủ lực của nhà máy, cũng như ngành công nghiệp vi mạch thành phố;
+ Dựa trên những sản phẩm vi mạch điện tử và ứng dụng cụ thể từ chương trình vi mạch Thành phố Hồ Chí Minh, nghiên cứu và xây dựng hàng rào an ninh kỹ thuật để đề xuất cơ chế và chính sách hỗ trợ sản phẩm;
+ Nghiên cứu và tìm kiếm sự liên kết của ứng dụng vi mạch với từng ngành nghề cụ thể như: vi mạch phục vụ nông nghiệp, vi mạch phục vụ môi trường, vi mạch phục vụ quản lý xuất nhập khẩu... nhằm tạo mạng lưới ứng dụng vi mạch Việt trong các lĩnh vực khác nhau từ đó đưa ra các chính sách, cơ chế cho từng lĩnh vực;
+ Nghiên cứu, đề xuất các chính sách mới về sử dụng thiết bị và hệ thống điện tử để mở rộng thị trường trong và ngoài nước;
+ Nghiên cứu cơ chế, chính sách hỗ trợ thuế, tín dụng đối với các công ty nước ngoài đầu tư vào Việt Nam và các tập đoàn/tổng công ty/doanh nghiệp trong nước để kinh doanh sản xuất sản phẩm điện tử sử dụng vi mạch do Việt Nam nghiên cứu, chế tạo;
+ Nghiên cứu cơ chế về quỹ sử dụng đất phục vụ các hạng mục công trình phát triển ngành công nghiệp vi mạch tại Thành phố Hồ Chí Minh;
+ Tổ chức hội thảo, tư vấn góp ý về các cơ chế, chính sách và biện pháp hỗ trợ thuộc các lĩnh vực khác nhau như thuế, quỹ sử dụng đất, hàng rào anh ninh kỹ thuật... trước khi trình Ủy ban nhân dân thành phố đề xuất lên các bộ ngành có liên quan.
- Thời gian thực hiện: năm 2013 - 2020.
6. Dự án xây dựng nhà máy sản xuất vi mạch:
- Cơ quan chủ trì: Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn - TNHH Một thành viên.
- Cơ quan phối hợp: Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, các sở - ngành, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao, các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
- Nội dung thực hiện:
+ Đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến để hình thành nhà máy sản xuất vi mạch (chíp điện tử) công nghệ 180/130nm với công suất 6.000 wafer/tháng hay 72.000 wafer/năm (khoảng 1,8 tỷ con chip/năm);
+ Liên kết, hợp tác đầu tư đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho nhà máy vi mạch;
+ Nhận chuyển giao công nghệ, tiến đến làm chủ về mặt công nghệ;
+ Sản xuất sản phẩm mẫu phục vụ cho công tác nghiên cứu của các trường đại học, trung tâm thiết kế, viện nghiên cứu và những công ty thiết kế vi mạch. Cung cấp sản phẩm chip điện tử cho thị trường trong nước tiến đến xuất khẩu, gia công cho các công ty thiết kế nhỏ trong khu vực châu Á.
- Thời gian thực hiện: năm 2013 - 2020.
7. Dự án xây dựng Nhà thiết kế (Design House):
- Cơ quan chủ trì: Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
- Cơ quan phối hợp: Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn, các sở - ngành, Khu Công nghệ cao, Hội Tin học thành phố, các doanh nghiệp trong và ngoài nước, các trường/viện.
- Nội dung thực hiện:
+ Đầu tư cơ sở hạ tầng: thiết lập phòng server, phòng lab, phòng training, phòng làm việc, máy tính, các thiết bị văn phòng… và các hạ tầng mạng như server, thiết bị mạng, đường truyền internet tốc độ cao;
+ Đầu tư trang bị phần mềm thiết kế vi mạch: bao gồm các phần mềm tiên tiến, hỗ trợ thiết kế số và tương tự. Các phần mềm này được cài đặt trên các server. License bao gồm các license giáo dục, license thương mại tiêu chuẩn và mở rộng. License của mỗi phần mềm được mua dưới dạng gói nhiều license;
+ Đầu tư phát triển phần mềm quản lý: Để quản lý hiệu quả các license phần mềm cũng như các thành viên và việc sử dụng, chia sẻ license;
+ Đầu tư trang bị thư viện các lõi IP;
+ Tổ chức huấn luyện đội ngũ Design House về sử dụng phần mềm và thư viện các lõi IP: Việc huấn luyện và tập huấn được thực hiện bởi các chuyên gia nước ngoài và trong nước;
+ Tổ chức huấn luyện cán bộ các trường, viện và doanh nghiệp tham gia khai thác phần mềm và lõi IP: Việc huấn luyện được thực hiện bởi chính đội ngũ của Design House để trang bị cho các trường, viện và các doanh nghiệp những kiến thức cần thiết để khai thác hiệu quả các tài nguyên được trung tâm chia sẻ.
- Thời gian thực hiện: năm 2013 - 2020.
1. Ban Chỉ đạo Chương trình phát triển vi mạch Thành phố Hồ Chí Minh có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện Chương trình này.
2. Sở Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm:
- Chủ trì tổ chức triển khai thực hiện Chương trình;
- Tổ chức cung cấp thông tin, dự báo, theo dõi cập nhật, đánh giá tình hình thực hiện nội dung Chương trình; tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố định kỳ 6 tháng và đề xuất các cơ chế chính sách cần thiết để thúc đẩy thực hiện Chương trình;
- Triển khai công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về sự phát triển của ngành công nghiệp vi mạch điện tử;
- Tổ chức sơ kết hàng năm thực hiện Chương trình để rút kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình thực hiện.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông và các đơn vị liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố bố trí đủ kinh phí theo kế hoạch hàng năm để thực hiện các nội dung thuộc Chương trình.
4. Các sở - ngành, Ủy ban nhân dân các quận - huyện có trách nhiệm phối hợp xây dựng và triển khai thực hiện các nội dung thuộc Chương trình./.
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
- 1Quyết định 246/2005/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Luật Công nghệ thông tin 2006
- 3Nghị định 71/2007/NĐ-CP Hướng dẫn Luật công nghệ thông tin về công nghiệp công nghệ thông tin
- 4Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 5Quyết định 1605/QĐ-TTg năm 2010 phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2011 - 2015 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6Quyết định 1755/QĐ-TTg năm 2010 phê duyệt Đề án Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 7Quyết định 2441/QĐ-TTg năm 2010 phê duyệt Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 8Quyết định 2457/QĐ-TTg năm 2010 phê duyệt Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 9Quyết định 24/2011/QĐ-UBND Kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ IX về Chương trình hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế thành phố giai đoạn 2011 - 2015 do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 10Quyết định 27/2012/QĐ-UBND phê duyệt "Chương trình phát triển công nghệ thông tin - truyền thông giai đoạn 2011 - 2015" do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
Quyết định 6358/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2012 - 2020
- Số hiệu: 6358/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 14/12/2012
- Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Người ký: Lê Mạnh Hà
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 8
- Ngày hiệu lực: 14/12/2012
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra