Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 63/2006/QĐ-UBND

Đà Nẵng, ngày 27 tháng 6 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ ĐỐI VỚI CÁC DOANH NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ TIẾP NHẬN LAO ĐỘNG VÀO ĐÀO TẠO NGHỀ VÀ GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM

UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Quyết định số 142/2005/QĐ-UBND ngày 03 tháng 10 năm 2005 của Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Nẵng ban hành Đề án Giải quyết việc làm cho người trong độ tuổi lao động của thành phố;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định Chính sách hỗ trợ đối với các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố tiếp nhận lao động vào đào tạo nghề và giải quyết việc làm.

Điều 2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức triển khai, hướng dẫn và kiểm tra thực hiện Quy định nêu trên.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố; Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 4;
- Bộ LĐTBXH, Bộ Tư pháp (b/c); 
- TVTU, TT HĐND TP (b/c);
- Đoàn ĐBQH TP;
- UBMTTQVN TP;
- CT, các PCT UBND TP;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể;
- Báo ĐN, TT THVN tại ĐN, Đài PTTHĐN;
- Lưu: VT, VX, NC-PC, TH.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Văn Minh

 

QUY ĐỊNH

CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ ĐỐI VỚI CÁC DOANH NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ TIẾP NHẬN LAO ĐỘNG VÀO ĐÀO TẠO NGHỀ VÀ GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 63/2006/QĐ-UBND ngày 27 tháng 6 năm 2006 của UBND thành phố Đà Nẵng)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Văn bản này quy định về đối tượng, nguồn kinh phí, kế hoạch đào tạo và sử dụng lao động, chính sách hỗ trợ về đào tạo nhằm khuyến khích các doanh nghiệp tiếp nhận lao động vào đào tạo và giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp xây dựng đội ngũ lao động phù hợp với điều kiện sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm cho người lao động, góp phần thực hiện “Đề án giải quyết việc làm cho người trong độ tuổi lao động của thành phố” ban hành kèm theo Quyết định số 142/2005/QĐ-UBND ngày 03 tháng 10 năm 2005 của Ủy ban nhân dân thành phố.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, đang hoạt động trên địa bàn thành phố Đà Nẵng theo quy định của pháp luật và đảm bảo các điều kiện sau:

a) Có kế hoạch tiếp nhận lao động vào đào tạo và bố trí việc làm tại doanh nghiệp sau thời gian đào tạo;

b) Bố trí việc làm cho người lao động sau khi đào tạo theo hình thức hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên hoặc hợp đồng lao động không xác định thời hạn.

2. Quy định này không áp dụng đối với các doanh nghiệp đã được ngân sách hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề miễn phí trong Chương trình mục tiêu đào tạo nghề của thành phố hàng năm.

Chương II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3. Mức và nội dung hỗ trợ

1. Hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề ngắn hạn với mức 200.000 đồng/tháng/người lao động. Mức hỗ trợ không quá 03 tháng cho 01 khoá đào tạo.

2. Kinh phí hỗ trợ được sử dụng chi cho các hoạt động:

a) Thuê mướn chuyên gia; kỹ thuật viên hướng dẫn kỹ thuật;

b) Thuê giáo viên; trả lương cho công nhân lành nghề hướng dẫn thực hành;

c) Hợp đồng với các cơ sở được phép hoạt động đào tạo nghề; hợp đồng đào tạo và chuyển giao công nghệ;

d) Chi mua sắm nguyên liệu, vật tư, công cụ nhỏ và các khoản chi khác phục vụ cho công tác đào tạo.

Điều 4. Lập kế hoạch đào tạo, sử dụng lao động và nguồn kinh phí hỗ trợ

1. Căn cứ vào kế hoạch phát triển sản xuất kinh doanh, nhu cầu sử dụng lao động, doanh nghiệp lập kế hoạch đào tạo và sử dụng lao động, có xác nhận của cơ quan chủ quản (nếu có) trình Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thẩm định, tổng hợp trình UBND thành phố phê duyệt phân bổ chỉ tiêu và kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề hàng năm.

2. Căn cứ vào dự toán được UBND thành phố phê duyệt và số lao động được doanh nghiệp tuyển dụng để đào tạo, trên cơ sở xác nhận của cơ quan chủ quản (nếu có) và công văn của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính tạm cấp 50% kinh phí hỗ trợ đào tạo bằng hình thức lệnh chi tiền cho doanh nghiệp.

3. Sau khi kết thúc khoá đào tạo và tiến hành ký kết hợp đồng lao động với người lao động, doanh nghiệp lập thủ tục đề nghị thanh toán kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề có xác nhận của cơ quan chủ quản (nếu có) gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp gửi Sở Tài chính thẩm định, cấp phát kinh phí.

Căn cứ vào hồ sơ đề nghị thanh toán kinh phí đào tạo nghề, Sở Tài chính cấp tiếp 50% kinh phí còn lại cho doanh nghiệp (không thanh toán kinh phí đối với các trường hợp bỏ học dở dang hoặc không đạt kết quả kiểm tra).

Điều 5. Hồ sơ đề nghị thanh toán

Hồ sơ đề nghị thanh toán gồm:

1. Tờ trình đề nghị thanh toán kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề, có xác nhận của cơ quan chủ quản (nếu có);

2. Quyết định thành lập Hội đồng kiểm tra tay nghề;

3. Biên bản kết quả kiểm tra tay nghề (kèm theo danh sách người lao động);

4. Danh sách người lao động được ký kết hợp đồng lao động với doanh nghiệp;

5. Bản sao hợp đồng lao động của từng người lao động;

6. Hợp đồng đào tạo với các cơ sở được phép hoạt động đào tạo nghề (trong trường hợp doanh nghiệp liên kết hoặc thuê cơ sở đào tạo nghề cho người lao động).

Điều 6. Tổ chức đào tạo nghề và bố trí việc làm

1. Đối tượng học nghề:

Người lao động được tiếp nhận vào doanh nghiệp phải có hộ khẩu thường trú tại thành phố Đà Nẵng;

Doanh nghiệp phải ưu tiên tiếp nhận lao động thuộc diện chính sách, thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, lao động trong diện thu hồi đất sản xuất, di dời, giải toả, lao động thuộc hộ nghèo, miền núi, dân tộc ít người. Trường hợp các đối tượng nêu trên không đủ số lượng theo yêu cầu thì doanh nghiệp mới tiếp nhận đối tượng khác. Đối tượng học nghề phải có trình độ văn hoá và sức khoẻ phù hợp với ngành nghề đào tạo, có nhu cầu học nghề để tìm việc làm.

2. Hồ sơ xin học nghề gồm có:

a) Đơn xin học nghề (có xác nhận của UBND xã, phường, nơi đăng ký hộ khẩu thường trú và ý kiến đề nghị của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội);

b) Phiếu khám sức khoẻ;

c) Sơ yếu lý lịch.

3. Tổ chức đào tạo nghề và bố trí việc làm:

Doanh nghiệp tổ chức đào tạo theo kế hoạch. Kết thúc khoá học, doanh nghiệp tổ chức thi kiểm tra tay nghề cho người lao động. Việc kiểm tra tay nghề phải được tiến hành thông qua Hội đồng kiểm tra tay nghề do doanh nghiệp thành lập, có sự tham gia của đại diện cơ quan quản lý nhà nước về đào tạo nghề (Phòng Quản lý đào tạo nghề, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội).

Căn cứ kết quả kiểm tra tay nghề, doanh nghiệp tiếp nhận số lao động đã qua đào tạo đạt yêu cầu vào làm việc và tiến hành ký kết hợp đồng lao động theo quy định của Luật Lao động và điểm b, khoản 1, điều 2 của Quy định này.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 7. Trách nhiệm của Sở Tài chính

Sở Tài chính phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư bố trí kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề cho các doanh nghiệp từ nguồn ngân sách thành phố hàng năm theo quy định.

Điều 8. Trách nhiệm của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương, hội, đoàn thể để giới thiệu nguồn lao động cho các doanh nghiệp; thẩm định kế hoạch đào tạo và sử dụng lao động của các doanh nghiệp; hướng dẫn việc lập hồ sơ, thủ tục; đôn đốc, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm của các doanh nghiệp; tổng hợp, báo cáo tình hình thực hiện với UBND thành phố đồng gửi Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư để phối hợp thực hiện.

Điều 9. Trách nhiệm của doanh nghiệp được hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề

1. Phối hợp với các ngành, địa phương, hội, đoàn thể để tuyển chọn, đào tạo và bố trí việc làm cho người lao động phù hợp với tình hình phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, ngành nghề đã được đào tạo và tình trạng sức khoẻ của người lao động;

2. Sử dụng kinh phí được hỗ trợ đúng mục đích, có hiệu quả và thanh quyết toán theo đúng chế độ quy định.

Điều 10. Trong quá trình triển khai thực hiện Quy định này nếu có vướng mắc, phát sinh, các cơ quan, đơn vị phản ánh bằng văn bản về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.