Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 63/2000/QĐ-UB

Hà Nội, ngày 26 tháng 06 năm 2000 

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA UBND THÀNH PHỐ VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG NGUỒN VỐN NGÂN SÁCH CHO CÁC HỘ NGHÈO NGOẠI THÀNH VAY ĐỂ CHĂN NUÔI BÒ SINH SẢN

UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND;
Căn cứ Quyết định số 1138/QĐ-UB ngày 15/3/1999 của Chủ tịch UBND Thành phố về việc thành lập Ban Chỉ đạo trợ giúp người nghèo Thành phố, và Quyết định số 1138/QĐ-UB, ngày 27/4/2000 của UBND Thành phố về việc phê duyệt kế hoạch phân bổ kinh phí chương trình xoá đói giảm nghèo năm 2000;
Xét đề nghị của liên Sở: Sở Lao động Thương binh và Xã hội - Sở Tài chính Vật giá - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số: 427/CV/LS ngày 25/5/2000,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1 : Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về việc quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách Thành phố cho các hộ nghèo ngoại thành vay để chăn nuôi bò sinh sản.

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 85/1999/QĐ- UB, ngày 30/9/1999 của UBND Thành phố.

Điều 3 : Chánh Văn phòng UBND Thành phố, Giám đốc các Sở, Ngành có liên quan, Chủ tịch UBND các huyện và thành viên Tổ điều hành nguồn vốn vay để chăn nuôi bò sinh sản của Thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định .

 

 

T/M. UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
K/T. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TICH




Nguyễn Quốc Triệu

 

 

QUY ĐỊNH

VỀ VIỆC QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG NGUỒN VỐN NGÂN SÁCH THÀNH PHỐ CHO CÁC HỘ NGHÈO NGOẠI THÀNH VAY CHĂN NUÔI BÒ SINH SẢN
(Ban hành kèm theo quyết định số: 63/2000/QĐ ngày 26/6/2000 của UBND thành phố)

Chương 1:

NHỮNG NGUYÊN TẮC CHUNG

Điều 1: Nguồn vốn ngân sách cho các hộ nghèo vay (không tính lãi) để chăn nuôi bò sinh sản theo dự án 1, “Ngân hàng bò” nhằm tạo điều kiện hỗ trợ các hộ nghèo nguồn vốn bò sinh sản để phát triển chăn nuôi, giải quyết việc làm, tạo điều kiện nâng cao thu nhập, xoá đói giảm nghèo.

Điều 2: Giao cho Ban chỉ Đạo XĐGN các huyện trực tiếp quản lý nguồn vốn ngân sách cho vay chăn nuôi bò sinh sản theo dự án "Ngân hàng bò" để cho vay, đảm bảo đúng đối tượng , thủ tục và thu hồi vốn vay hoàn trả ngân sách Thành phố theo quy đỉnh này.

Chương 2:

ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC VAY VÀ PHƯƠNG THỨC TỔ CHỨC CHO VAY

Điều 3: Đối tượng được vay vốn :

Là những hộ nông dân nghèo được Ban chỉ đạo Trợ giúp người nghèo của xã xét duyệt, đảm bảo các yêu cầu sau:

- Có lao động chăn dắt.

- Chuồng trại đảm bảo yêu cầu.

- Chủ hộ cần cù, tích cực và tự nguyện làm dợn xin vay để phát triển chăn nuôi, quyết tâm xoá đói giảm nghèo.

Ưu tiên hộ nghèo có trẻ em lang thang kiếm sống .

Điều 4: Nguyên tác và thời hạn cho vay:

a) Hộ nghèo được vay bằng bò và trả bằng, mỗi hộ được vay 01 con bò cái để tạo giống. Sau khi bò cái sinh sản, hộ vay phải báo cáo Ban chỉ đạo xoá đói giảm nghèo của xã. Khi bò con được 12 - 15 tháng tuổi, chủ hộ phải trả lại bò mẹ cho Ban chỉ đạo xoá đói giảm nghèo của xã và giữ lại bê để làm vốn chăn nuôi.

b) Nếu bê con bị chết phải báo cáo ngay cho Ban chỉ đạo xã lập biên bản xác định nguyên nhân và xử lý theo nguyên tắc:

+ Nếu do chủ hộ chăm sóc không tốt: phải trả lại bò mẹ cho Ban chỉ đạo xã

+ Nếu vì lý do bất khả kháng...Ban chỉ đạo xã báo cáo Ban chỉ đạo Huyện quyết định cho vay thêm 1 năm.

c) Hộ được vay bò có trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc, đảm bảo sức khoẻ bò mẹ khi trả lại cho Ban chỉ đạo của xã.

Điều 5: Quy trình (thủ tục) cho vay :

a) Hộ nghèo có nhu cầu vay, tự nguyện làm đơn xin vay và cam đoan thực hiện đúng quy định của thành phố, huyện, xã .

b) Ban chỉ đạo Xoá đói giảm nghèo xã xem xét, lựa chọn những hộ đủ điều kiện vay, lập danh sách và tờ trình gỉn Ban chỉ đạo xoá đói giảm nghèo của huyện.

c) Ban chỉ đạo Xoá đói giảm nghèo của huyện xem xét các điều kiện, thủ tục quyết định danh sách hộ được vay của từng xã.

Điều 6: Phương thức mua bò:

Để thích nghi với điều kiện sống của bò mẹ và phát triển đàn bò, Ban chỉ đạo xã và hộ được vay chọn mua bò ngay tại đỉa phương hoặc các vùng lân cận, đồng thời lập biên bản theo mẫu, giao bò cho chủ hộ.

Điều 7: Về hoàn vốn vay:

Theo nguyên tắc các hộ vay phải hoàn trả vốn vay và bảo toàn nguồn vốn cho vay của nhà nước ( Vay bằng hiện vật, trả bằng hiện vật ).

Sau khi các hộ nghèo đã hết thời hạn được vay phải trả lại bò mẹ cho Ban chỉ đạo xoá đói giảm nghèo xã và xử lý như sau:

- Bò mẹ còn điều kiện duy trì phát triển, ban chỉ đạo xoá đói giảm nghèo xã báo cáo Ban chỉ đạo xoá đói giảm nghèo huyện xét quyết định luân chuyển cho hộ nghèo khác của xã được vay tiếp. Khi bò mẹ đẻ được 03 con và đủ 6 năm tính từ thời điểm của hộ vay trước thì Ban chỉ đạo xoá đói giảm đã nghèo xã thẩm định và đánh giá xác nhận (bằng văn bản) báo cáo Ban chỉ đạo huyện thành lập hội đồng thanh lý và lập biên bản thanh lý (theo nguyên tắc định giá ở thời điểm thanh lý). Số tiền thu được sau khi bán thanh lý, nộp vào ngân sách Thành phố ( theo hướng dẫn của Sở Tài chính Vật giá).

Ngoài hình thức thu hồi vốn nêu trên, Ban chỉ đạo huyện được áp dụng hình thức thu hồi vốn: khi bò mẹ đã sinh 03 bê con, hộ nuôi có đơn xin trả lại bê con đã đủ 17- 18 tháng tuổi cho Ban chỉ đạo huyện và giữ lại bò mẹ. Ban chỉ đạo huyện tổ chức bán đấu giá bê con, thu lại vốn trả ngân sách Thành phố.

Chương 3:

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 8: Phân công trách nhiệm:

1) Uỷ ban nhân dân Thành phố giao cho Tổ điều hành Thành phố phối hợp với Uỷ ban nhân dân các huyện chỉ đạo hướng dẫn việc quản lý sử dụng nguồn vốn đảm bảo đúng mục đích và có hiệu quả .

2) Uỷ ban nhân dân huyện, Ban Chỉ đạo Xoá đói giảm nghèo của huyện có trách nhiệm:

- Tổ chức thực hiện cho hộ nghèo vay bò sinh sản đảm bảo đúng quy định của Uỷ ban Nhân dân Thành phố, lập các thủ tục, mẫu biểu, chứng từ, sổ sách để quản lý vốn vay và hướng dẫn Ban chỉ đạo xã cho vay, thu hồi vốn vay.

- Thường xuyên kiểm tra hiệu quả sử dụng nguồn vốn trên, nếu hộ vay thường xuyên không đảm bảo sử dụng vốn đúng mục đích phải thu hồi và chuyển bò cho hộ khác vay.

- Định kỳ 6 tháng, một năm tổng hợp, báo cáo Uỷ ban nhân dân Thành phố kết quả sử dụng nguồn vốn.

- Bố trí kinh phí từ ngân sách huyện để chi cho hoạt động của Ban chỉ đạo

- Chỉ đạo Phòng Nông nghiệp hoặc Phòng kinh tế huyện:

+ Hướng dẫn kiến thức chăn nuôi bò cho các hộ.

+ Thường xuyên kiểm tra chất lượng chăn nuôi để báo cáo UBND huyện, Ban chỉ đạo huyện để có biện pháp giải quyết.

+ Tổ chức tiêm phòng trà phát hiện kịp thời dịch bệnh cho đàn bò.

3) Ban chỉ đạo Xoá đói giảm nghèo xã có trách nhiệm:

Trực tiếp cho vay và quản lý các hộ được vay sử dụng vốn vay đúng mục đích, tổ chức giải quyết xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm và có trách nhiệm bảo toàn, phát triển nguồn vốn.

- Lập sổ theo dõi hộ vay.

- Thu hồi vốn vay hoàn trả UBND huyện theo quy định của luật ngân sách

- Tổng hợp báo cáo huyện về kết quả sử dụng nguồn vốn.

4) Chủ hộ vay có trách nhiệm :

- Cam kết và thực hiện đúng các quy đình vay và trả vốn.

- Sử dụng, nuôi dưỡng tết bò vay bằng nguồn vốn " Ngân hàng bò" có hiệu quả.

- Trong thời gian vay, nếu để bò chết phải đền bò cái giống khác với giá trị tương ứng cho Ban chỉ đạo xã, trường hợp chết do nguyên nhân bất khả kháng (thiên tai, dịch bệnh) phải báo cáo kịp thời với Ban chỉ đạo xã, huyện để kịp thời xử lý .

Điều 9: Để hoạt động của Ban điều hành xã, huyện có hiệu quả, Uỷ ban nhân dân huyện căn cứ điều kiện, khả năng của đơn vị trích ngân sách hỗ trợ công tác hướng dẫn, kiểm tra và các hoạt động của Ban chỉ đạo điều hành chương trình./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 63/2000/QĐ-UB về Quy định quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách cho các hộ nghèo ngoại thành vay để chăn nuôi bò sinh sản do Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội ban hành

  • Số hiệu: 63/2000/QĐ-UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 26/06/2000
  • Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Người ký: Nguyễn Quốc Triệu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 11/07/2000
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản