Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
--------------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 62/QĐ-UB

TP. Hồ Chí Minh, ngày 12 tháng 3 năm 1991

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ KIỂM TRA LIÊN NGÀNH GIAO THÔNG CÔNG CHÁNH – CÔNG AN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

- Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 30.6.1989.
- Căn cứ quyết định số 1693/QLVT ngày 15/9/1990 của Bộ Giao thông vận tải và bưu điện, và quyết định số 317/QĐ.UB ngày 14/10/1988 của UBND thành phố về việc lập lại trật tự giao thông vận tải trên địa bàn thành phố;
- Để tăng cường chức năng quản lý Nhà nước theo pháp luật, lập lại trật tự, kỷ cương trong giao thông vận tải thủy bộ;
- Theo đề nghị của các ông Giám đốc Công an thành phố Hồ Chí Minh và Giám đốc Sở Giao thông công chánh thành phố (tờ trình liên sở số 108/LS ngày 22/2/1991);

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. – Nay ban hành kèm theo quyết định này: “bản quy định về hoạt động của tổ kiểm tra liên ngành giao thông công chánh – Công an thành phố Hồ Chí Minh”.

Điều 2. – Bản quy định này có hiệu lực từ ngày ký quyết định.

Điều 3. – Các ông Chánh văn phòng UBND thành phố, Giám đốc Sở giao thông công chánh thành phố, Giám đốc công an thành phố, các thành viên tổ kiểm tra liên ngành GTCC – Công an thành phố chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC




Nguyễn Văn Huấn

 

QUY ĐỊNH

VỀ HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ KIỂM TRA LIÊN NGÀNH GIAO THÔNG CÔNG CHÁNH – CÔNG AN THÀNH PHỐ
(Ban hành kèm theo quyết định số 62/QĐ-UB ngày 12/3/1991 của UBND thành phố)

Tổ kiểm tra liên ngành được thành lập theo sự chỉ đạo của Ban chỉ huy thống nhất thành phố (KH.588) nhằm để duy trì trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự kinh doanh vận tải gồm một số sĩ quan nghiệp vụ CSGT và cán bộ pháp chế Sở GTCC hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm.

I.-NHIỆM VỤ:

1/ Kiểm tra xử lý các phương tiện kinh doanh vận tải (chuyên doanh, không chuyên doanh) vi phạm quyết định 1693 của Bộ giao thông vận tải – Bưu điện và quyết định 317 của UBND thành phố về kinh doanh vận tải hành khách công cộng.

2/ Tập trung giải toả các bến bãi đậu xe, rước trả khách lên xuống hàng hoá trái phép gây mất trật tự giao thông và trật tự vệ sinh công công khu vực nội thành.

3/ Thông qua việc kiểm tra xử lý các vi phạm về kinh doanh vận tải để phát hiện bắt giữ bọn tội phạm, bọn đầu cơ buôn lậu lợi dụng phương tiện này để hoạt động phạm pháp.

4/ Tham mưu đề xuất với lãnh đạo bổ sung các quy định chung và kiến nghị các ngành chức năng về biện pháp tổ chức quản lý trật tự an toàn giao thông vận tải đường bộ.

II.- VỀ QUYỀN HẠN KIỂM TRA XỬ LÝ VI PHẠM

1/ Trong khi thừa hành nhiệm vụ được dừng xe để kiểm tra giấy tờ xe, giấy phép lái xe, giấy phép kinh doanh, hợp đồng vận chuyển và danh sách người đi trên xe kèm theo… Trường hợp xe chạy dù, xe đậu rước khách ngoài bến bãi quy định được kiểm tra hàng hoá chở trên xe nếu phát hiện có nghi vấn.

2/ Lập biên bản vi phạm và áp dụng mức phạt tiền theo quyết định 229 của UBND thành phố.

3/ Những trường hợp xét thấy cần thiết phải phạt giam xe, thu giấy phép lái và phiếu KSLX, giấy phép lưu hành hoặc rút giấy phép kinh doanh vận tải thì lập biên bản vi phạm chuyển về trụ sở báo cáo với lãnh đạo Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ và lãnh đạo Sở Giao thông công chánh quyết định.

III.- TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1/ Mỗi ca làm việc trên đường phải đảm bảo đủ năm người (ba sĩ quan CSGT, hai cán bộ pháp chế Sở GTCC). Trong đó phải phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên. Trưởng ca là một sĩ quan CSGT chỉ huy chung.

2/ Ngoài số hiệu cảnh sát và số kiểm soát viên đeo ở ngực áo bên trái, các thành viên còn phải đeo thêm băng “Kiểm tra liên kiểm” ở cánh tay áo bên phải để mọi người nhận biết và giám sát dễ dàng trong khi thừa hành nhiệm vụ.

3/ Khi kiểm tra và xử lý vi phạm phải thực hiện đúng quy trình như: CSGT ra hiệu lệnh dừng lại, đến tận xe chào theo điều lệnh CSND rồi công bố cho lái xe và những người đi trên xe biết lý do dừng xe. Sau khi kiểm tra nếu phát hiện có vi phạm thì lập biên bản vi phạm và thông báo cho những người đi trên xe biết về lỗi vi phạm (theo biên bản) và hình thức xử lý… Phải giữ đúng tư thế tác phong, khiêm tốn, lịch sự, tôn trọng hành khách đi trên xe, đề cao cảnh giác, chủ động, tỉnh táo, không để bị khiêu khích, khéo léo phát hiện bắt giữ kịp thời kẻ phạm tội.

4/ Sử dụng biên bản vi pham theo mẫu của Phòng CSGT đường bộ và biên lai thu tiền phạt về kinh doanh vận tải của Sở tài chánh thành phố cấp. Phải ghi đầy đủ các cột mục theo mẫu thống nhất và đủ yếu tố về phát lý, chữ viết rõ ràng, dễ đọc.

5/ Hết ca làm việc phải bàn giao đầy đủ các biên bản, giấy tờ tạm giữ của người vi phạm, biên lai và tiền phạt cho cán bộ phụ trách để ký nhận, bàn giao cụ thể.

6/ Sau mỗi ca làm việc phải hội ý rút kinh nghiệm về hoạt động và ghi vào sổ nhật ký công tác liên kiểm. Mỗi tháng tổ chức sinh hoạt tổ liên ngành một lần để rút kinh nghiệm công tác. Đồng thời báo cáo đề xuất với lãnh đạo phòng, Sở các biện pháp công tác tiếp theo và thống kê các vi phạm để kiến nghị các ngành phối hợp giải quyết về trật tự vận tải công cộng.

7/ Trụ sở làm việc tại 341 Trần Hưng Đạo, Quận 1 (Phòng CSGT đường bộ) và phương tiện hoạt động bằng xe Jeep của Sở GTCC. Nhiên liệu do tổ liên ngành trích trong tỷ lệ tài chính trích thưởng.

8/ Trong khi làm nhiệm vụ, nghiêm chỉnh tự giác đáp ứng yêu cầu kiểm tra của lãnh đạo, chỉ huy cấp trên và các cán bộ có thẩm quyền về chức năng thanh tra, điều lệnh.

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 62/QĐ-UB năm 1991 về hoạt động của Tổ kiểm tra liên ngành giao thông công chánh – Công an thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 62/QĐ-UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 12/03/1991
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Nguyễn Văn Huấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản