Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 62/2014/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 06 tháng 11 năm 2014 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ, KHAI THÁC, SỬ DỤNG THÔNG TIN NHẬN DẠNG VÀ TRUY THEO TẦM XA CỦA TÀU THUYỀN
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Bộ luật Hàng hải Việt Nam ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Công ước quốc tế về an toàn sinh mạng con người trên biển năm 1974 và các sửa đổi, bổ sung;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải,
Thủ tướng Chính phủ quyết định ban hành Quy chế quản lý, khai thác, sử dụng thông tin nhận dạng và truy theo tầm xa của tàu thuyền.
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý, khai thác, sử dụng thông tin nhận dạng và truy theo tầm xa của tàu thuyền.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2015.
Điều 3. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| THỦ TƯỚNG |
QUY CHẾ
QUẢN LÝ, KHAI THÁC, SỬ DỤNG THÔNG TIN NHẬN DẠNG VÀ TRUY THEO TẦM XA CỦA THUYỀN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 62/2014/QĐ-TTg ngày 06 tháng 11 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chế này quy định về quản lý, khai thác, sử dụng thông tin nhận dạng và truy theo tầm xa của tàu thuyền mang cờ quốc tịch Việt Nam hoạt động tuyến quốc tế trong phạm vi vùng biển A1, A2, A3 và tàu thuyền mang cờ quốc tịch nước ngoài hoạt động trong vùng thông tin nhận dạng và truy theo tầm xa của Việt Nam.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Quy chế này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài liên quan đến quản lý, khai thác, sử dụng thông tin nhận dạng và truy theo tầm xa của tàu thuyền mang cờ quốc tịch Việt Nam hoạt động tuyến quốc tế trong phạm vi vùng biển A1, A2, A3 và tàu thuyền mang cờ quốc tịch nước ngoài hoạt động trong vùng thông tin nhận dạng và truy theo tầm xa của Việt Nam.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong quy chế này, những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Hệ thống thông tin nhận dạng và truy theo tầm xa của tàu thuyền (sau đây gọi tắt là hệ thống LRIT) là hệ thống thu nhận, truyền phát, cung cấp thông tin nhận dạng và theo dõi vị trí tàu thuyền, bao gồm: Thiết bị nhận dạng và truy theo tầm xa của tàu thuyền, phân hệ cung cấp dịch vụ truyền thông, phân hệ cung cấp dịch vụ ứng dụng và trung tâm dữ liệu.
2. Thiết bị nhận dạng và truy theo tầm xa của tàu thuyền (sau đây gọi tắt là thiết bị LRIT) là thiết bị được lắp đặt trên tàu thuyền dùng để phát thông tin nhận dạng và truy theo tầm xa của tàu thuyền.
3. Phân hệ cung cấp dịch vụ truyền thông là một thành phần kỹ thuật được lắp đặt trên bờ của hệ thống LRIT, có chức năng kết nối thông tin nhận dạng và truy theo tầm xa của tàu thuyền giữa thiết bị LRIT với phân hệ cung cấp dịch vụ ứng dụng.
4. Phân hệ cung cấp dịch vụ ứng dụng là một thành phần kỹ thuật được lắp đặt trên bờ của hệ thống LRIT, có chức năng thu nhận thông tin nhận dạng và truy theo tầm xa của tàu thuyền từ phân hệ cung cấp dịch vụ truyền thông, xử lý và gửi đến trung tâm dữ liệu.
5. Trung tâm dữ liệu là một thành phần kỹ thuật được lắp đặt trên bờ của hệ thống LRIT, có chức năng xử lý, cung cấp, lưu trữ dữ liệu về thông tin nhận dạng và truy theo tầm xa của tàu thuyền theo quy định của Công ước quốc tế về an toàn sinh mạng con người trên biển (sau đây gọi tắt là Công ước SOLAS).
6. Thông tin nhận dạng và truy theo tầm xa của tàu thuyền (sau đây gọi tắt là thông tin LRIT) là thông tin về mã nhận dạng, vị trí, thời gian xác định vị trí của tàu thuyền theo giờ quốc tế - UTC được phát ra từ thiết bị LRIT.
7. Vùng biển A1 là vùng biển trong phạm vi vùng phủ sóng vô tuyến điện thoại của ít nhất một Đài thông tin duyên hải VHF mà trong đó tàu thuyền có khả năng báo động cấp cứu liên tục bằng gọi chọn số (vùng biển này có bán kính cách Đài thông tin duyên hải khoảng 30 hải lý).
8. Vùng biển A2 là vùng biển phía ngoài vùng biển A1 và trong phạm vi vùng phủ sóng vô tuyến điện thoại của ít nhất một Đài thông tin duyên hải MF mà trong đó tàu thuyền có khả năng báo động cấp cứu liên tục bằng gọi chọn số (vùng biển này có bán kính cách Đài thông tin duyên hải khoảng 250 hải lý).
9. Vùng biển A3 là vùng biển phía ngoài vùng biển A1, A2 và trong phạm vi vùng phủ sóng của vệ tinh địa tĩnh Inmarsat mà trong đó tàu thuyền có khả năng báo động cấp cứu liên tục (vùng biển này có phạm vi từ 70 vĩ độ Bắc đến 70 vĩ độ Nam).
10. Vùng thông tin nhận dạng và truy theo tầm xa của Việt Nam (sau đây gọi tắt là vùng thông tin LRIT của Việt Nam) là vùng thông tin do Bộ Giao thông vận tải tổ chức công bố theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế liên quan mà Việt Nam là thành viên, bao gồm: Vùng nội thủy LRIT, vùng lãnh hải LRIT, vùng LRIT 1.000 hải lý và vùng LRIT tự chọn.
11. Chủ tàu là người sở hữu hoặc quản lý, khai thác, sử dụng tàu thuyền.
12. Chế độ 24/7 là chế độ hoạt động liên tục 24 giờ trong ngày và 07 ngày trong tuần.
Điều 4. Đối tượng lắp đặt thiết bị LRIT
1. Các loại tàu biển phải được lắp đặt thiết bị LRIT theo quy định của Công ước SOLAS, bao gồm:
a) Tàu chở khách, bao gồm cả tàu cao tốc chở khách, hoạt động trên tuyến quốc tế;
b) Tàu chở hàng, bao gồm cả tàu cao tốc chở hàng, có tổng dung tích từ 300 GT trở lên, hoạt động trên tuyến quốc tế;
c) Giàn khoan di động.
2. Miễn trừ việc lắp đặt thiết bị LRIT đối với tàu biển chỉ hoạt động trong vùng biển A1 và đã được lắp đặt thiết bị nhận dạng tự động AIS.
3. Các loại tàu thuyền không được quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này có thể được lắp đặt thiết bị LRIT khi chủ tàu có yêu cầu.
Điều 5. Yêu cầu đối với hệ thống LRIT và thiết bị LRIT
1. Hệ thống LRIT phải bảo đảm phù hợp với các yêu cầu của Công ước SOLAS, quy định của Tổ chức Vệ tinh Di động Quốc tế và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
2. Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Giao thông vận tải ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với thiết bị LRIT được lắp đặt trên tàu thuyền mang cờ quốc tịch Việt Nam.
3. Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn trình tự, thủ tục kiểm tra, cấp giấy chứng nhận đối với thiết bị LRIT được lắp đặt trên tàu thuyền mang cờ quốc tịch Việt Nam.
Chương II
QUẢN LÝ, KHAI THÁC, SỬ DỤNG THÔNG TIN LRIT
Điều 6. Các loại thông tin LRIT
1. Thông tin LRIT của tàu thuyền mang cờ quốc tịch Việt Nam hoạt động trong các vùng biển A1, A2 và A3.
2. Thông tin LRIT của tàu thuyền mang cờ quốc tịch nước ngoài đang hoạt động trong vùng thông tin LRIT của Việt Nam, đã có thông báo dự kiến đến cảng hoặc vùng biển thuộc quyền tài phán của Việt Nam, trừ trường hợp tàu thuyền đó hoạt động trong vùng nội thủy của quốc gia khác.
3. Thông tin LRIT của tàu thuyền mang cờ quốc tịch nước ngoài không có dự kiến đến cảng hoặc vùng biển thuộc quyền tài phán của Việt Nam nhưng đang hoạt động trong vùng thông tin LRIT của Việt Nam, trừ trường hợp tàu thuyền đó hoạt động trong vùng nội thủy của quốc gia khác hoặc trong vùng lãnh hải của quốc gia mà tàu đó mang cờ quốc tịch.
4. Thông tin LRIT của tàu thuyền trong trường hợp có liên quan đến hoạt động tìm kiếm, cứu nạn.
Điều 7. Nguyên tắc khai thác, sử dụng thông tin LRIT
1. Thông tin LRIT chỉ được sử dụng vào mục đích an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, bảo vệ môi trường và hoạt động tìm kiếm cứu nạn có liên quan đến hoạt động của tàu thuyền.
2. Việc khai thác, sử dụng thông tin LRIT của Việt Nam phải tuân theo các quy định của Công ước SOLAS, quy định tại Quy chế này và các quy định khác có liên quan của pháp luật.
Điều 8. Trách nhiệm quản lý, khai thác và cung cấp thông tin LRIT
1. Cục Hàng hải Việt Nam có trách nhiệm tổ chức quản lý, khai thác, sử dụng, thu nhận, truyền phát và cung cấp thông tin LRIT của Việt Nam theo quy định tại Quy chế này và các quy định khác có liên quan của pháp luật.
2. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thông tin Điện tử Hàng hải Việt Nam có trách nhiệm:
a) Trực tiếp quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng, bảo dưỡng và quản trị hệ thống LRIT của Việt Nam;
b) Thực hiện việc cung cấp thông tin LRIT theo chế độ 24/7, kịp thời, chính xác và bảo mật thông tin theo quy định của pháp luật;
c) Thực hiện báo cáo định kỳ hoặc đột xuất khi có yêu cầu của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
3. Cảng vụ hàng hải, thanh tra chuyên ngành hàng hải có trách nhiệm tổ chức kiểm tra, thanh tra và xử lý các hành vi vi phạm Quy chế này theo quy định của pháp luật.
Điều 9. Truyền phát, trao đổi thông tin LRIT
1. Việc truyền phát thông tin LRIT được thực hiện tự động từ tàu thuyền về Trung tâm dữ liệu với tần suất 6 tiếng 01 lần. Trường hợp tàu thuyền mang cờ quốc tịch Việt Nam đang sửa chữa hoặc tạm dừng hoạt động, chủ tàu phải có trách nhiệm thông báo bằng văn bản hoặc bằng thư điện tử cho Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thông tin Điện tử Hàng hải Việt Nam để giảm tần suất phát thông tin.
2. Việc tao đổi thông tin LRIT giữa Trung tâm dữ liệu của Việt Nam với Trung tâm dữ liệu nước ngoài được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận trao đổi thông tin giữa hai bên bằng văn bản.
3. Cục Hàng hải Việt Nam tổ chức ký kết Thỏa thuận trao đổi thông tin LRIT giữa Trung tâm dữ liệu của Việt Nam với Trung tâm dữ liệu nước ngoài. Nội dung cơ bản của Thỏa thuận gồm:
a) Mục đích sử dụng thông tin;
b) Phạm vi thông tin trao đổi;
c) Các quy định về bảo mật thông tin;
d) Các quy định về chi phí, thanh toán;
đ) Các điều khoản quy định về bất khả kháng và giải quyết tranh chấp;
e) Các nội dung khác (nếu có).
4. Tàu thuyền quy định tại Điều 4 của Quy chế này có nghĩa vụ duy trì thiết bị LRIT hoạt động theo chế độ 24/7.
5. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền được cấp tài khoản truy cập thông tin LRIT theo quy định tại Khoản 1 Điều 10 của Quy chế này với tần suất thu nhận thông tin LRIT quy định tại Khoản 1 Điều này, trong trường hợp cần thiết cơ quan này có thể tăng tần suất phát thông tin LRIT (nhưng không được nhỏ hơn 15 phút 01 lần).
6. Nội dung thông tin LRIT được truyền phát, trao đổi gồm các thông tin về mã nhận dạng, vị trí, thời gian xác định vị trí của tàu thuyền phục vụ an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, bảo vệ môi trường và hoạt động tìm kiếm, cứu nạn.
7. Việc truyền phát, cung cấp thông tin LRIT có liên quan đến quốc phòng, an ninh hoặc chủ quyền đối với biển, đảo của quốc gia phải được sự thống nhất của các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan.
Điều 10. Đăng ký sử dụng, cung cấp thông tin LRIT
1. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi hoạt động có liên quan đến an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, bảo vệ môi trường và hoạt động tìm kiếm, cứu nạn gửi đến Cục Hàng hải Việt Nam văn bản đề nghị theo mẫu quy định tại Phụ lục của Quy chế này để yêu cầu cấp tài khoản truy cập thông tin LRIT. Chậm nhất sau 05 ngày làm việc, kể từ khi nhận được văn bản đề nghị, Cục Hàng hải Việt Nam tổ chức cấp tài khoản, trường hợp không cung cấp phải có văn bản trả lời nêu rõ lý do.
2. Trường hợp chủ tàu thuyền Việt Nam có nhu cầu được cung cấp thông tin liên quan đến an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và hoạt động tìm kiếm, cứu nạn đối với tàu thuyền do mình sở hữu hoặc quản lý, khai thác, chủ tàu thuyền gửi văn bản đề nghị đến Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thông tin Điện tử Hàng hải Việt Nam để được cung cấp thông tin LRIT về tàu thuyền. Trong thời hạn 01 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thông tin Điện tử Hàng hải Việt Nam cung cấp thông tin LRIT cho chủ tàu, trường hợp không cấp phải trả lời và nêu rõ lý do.
3. Tổ chức nước ngoài có thể được cung cấp thông tin LRIT trên cơ sở các quy định của Công ước SOLAS, quy định tại Quy chế này, các quy định khác có liên quan của pháp luật Việt Nam và theo thỏa thuận trao đổi thông tin LRIT giữa Trung tâm dữ liệu của Việt Nam với Trung tâm dữ liệu của nước ngoài.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 11. Trách nhiệm thực hiện
1. Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Quy chế này; phối hợp với các cơ quan liên quan kịp thời giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.
2. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao và các Bộ, ngành khác có liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, có trách nhiệm phối hợp với Bộ Giao thông vận tải trong việc xử lý các trường hợp truyền phát, cung cấp, sử dụng thông tin LRIT gây hại đến quốc phòng, an ninh và các lợi ích khác của quốc gia.
3. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải bố trí, hướng dẫn sử dụng kinh phí quản lý, khai thác, vận hành, bảo dưỡng hệ thống LRIT và chi phí sử dụng thông tin LRIT.
4. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng thông tin LRIT phải đảm bảo đúng mục đích và bảo mật thông tin theo quy định của pháp luật.
5. Các chủ tàu thuyền, thuyền trưởng có trách nhiệm lắp đặt và duy trì hoạt động của thiết bị LRIT trên tàu thuyền theo quy định của Quy chế này.
Điều 12. Kinh phí thực hiện
1. Kinh phí quản lý, khai thác, vận hành, bảo dưỡng hệ thống LRIT và kinh phí đào tạo, tập huấn, quản lý, khai thác, sử dụng thông tin LRIT do Ngân sách nhà nước bảo đảm.
2. Hàng năm, Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Cục Hàng hải Việt Nam tổ chức xây dựng dự toán kinh phí quản lý, khai thác, vận hành, bảo dưỡng hệ thống LRIT và kinh phí đào tạo, tập huấn, quản lý, khai thác, sử dụng thông tin LRIT và tổ chức thực hiện khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật.
PHỤ LỤC
MẪU ĐỀ NGHỊ CẤP TÀI KHOẢN TRUY CẬP, SỬ DỤNG THÔNG TIN LRIT
(Ban hành kèm theo Quyết định số 62/2014/QĐ-TTg ngày 06 tháng 11 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ)
TÊN CƠ QUAN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: … | ……., ngày……. tháng……. năm……. |
Kính gửi: Cục Hàng hải Việt Nam
1. Cơ quan đề nghị:
Tên |
| ||
Địa chỉ |
| ||
Điện thoại |
| Fax |
|
|
| ||
Đầu mối liên hệ | Tên người liên hệ |
| |
Điện thoại |
| ||
|
|
2. Nội dung đề nghị:
a) Người truy cập, sử dụng thông tin LRIT:
Tên người sử dụng |
|
Bộ phận |
|
Điện thoại |
|
|
|
b) Mục đích truy cập, sử dụng thông tin LRIT:
□ Phục vụ tìm kiếm cứu nạn | □ Phục vụ an toàn hàng hải |
□ Phục vụ bảo vệ môi trường | □ Phục vụ an ninh hàng hải |
□ Khác: |
3. Thời hạn truy cập, sử dụng:
Từ:……………………………………………… Đến: ……………………………………
Đề nghị Quý Cục cấp tài khoản truy cập, sử dụng thông tin LRIT.
| Ký tên và đóng dấu |
- 1Quyết định 1577/QĐ-TTg năm 2011 phê duyệt Đề án Đầu tư trang bị và quản lý tàu thuyền của ngành Hải quan giai đoạn 2011 - 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Thông tư 32/2017/TT-BQP quy định đăng ký, quản lý, sử dụng tàu thuyền quân sự do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành
- 3Thông tư 17/2018/TT-BGTVT quy định về quản lý và khai thác thông tin nhận dạng tự động của tàu thuyền do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 1Bộ luật Hàng hải 2005
- 2Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 3Quyết định 1577/QĐ-TTg năm 2011 phê duyệt Đề án Đầu tư trang bị và quản lý tàu thuyền của ngành Hải quan giai đoạn 2011 - 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Công ước về an toàn sinh mạng con người trên biển - SOLAS-74
- 5Thông tư 32/2017/TT-BQP quy định đăng ký, quản lý, sử dụng tàu thuyền quân sự do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành
- 6Thông tư 17/2018/TT-BGTVT quy định về quản lý và khai thác thông tin nhận dạng tự động của tàu thuyền do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
Quyết định 62/2014/QĐ-TTg quy chế quản lý, khai thác, sử dụng thông tin nhận dạng và truy theo tầm xa của tàu thuyền do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 62/2014/QĐ-TTg
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 06/11/2014
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Từ số 991 đến số 992
- Ngày hiệu lực: 01/01/2015
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra