Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC KẠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 617/2008/QĐ-UBND

Bắc Kạn, ngày 01 tháng 4 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH THỰC HIỆN MỘT SỐ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ KHI NHÀ NƯỚC THU HỒI ĐẤT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC KẠN

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC KẠN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật đất đai ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số 197/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004 của Chính phủ về Bồi th­ường, hỗ trợ và tái định cư­ khi Nhà n­ước thu hồi đất;
Căn cứ Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ quy định bổ sung về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất, thực hiện quyền sử dụng đất, trình tự thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất và giải quyết khiếu nại về đất đai;
Căn cứ Thông tư­ số 116/2004/TT-BTC ngày 07/12/2004, Thông t­ư số 69/2006/TT-BTC ngày 02/8/2006 của Bộ Tài chính, Thông t­ư số 14/2008/ TTLT/BTC-BTNMT ngày 31/01/2008 của Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên và Môi tr­ường;
Theo đề nghị của Sở Tài chính tại Tờ trình số 34/STC-TCDN ngày 31/3/2008 về việc ban hành quy định thực hiện một số chính sách hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này quy định thực hiện một số chính sách hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký, thay thế Quyết định số 682/2006/QĐ-UBND ngày 11/4/2006 của UBND tỉnh Bắc Kạn về việc ban hành quy định thực hiện một số chính sách hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

Điều 3. Các ông, bà: Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở, ban ngành, đoàn thể của tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và chủ đầu tư các dự án trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Thành

 

QUY ĐỊNH

VỀ VIỆC THỰC HIỆN MỘT SỐ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ KHI NHÀ NƯỚC THU HỒI ĐẤT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC KẠN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 617/2008/QĐ-UBND ngày 01 tháng 4 năm 2008 của UBND tỉnh Bắc Kạn)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi áp dụng.

1. Quy định này cụ thể hoá một số nội dung về chính sách hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn khi áp dụng Nghị định số 197/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004 của Chính phủ về Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ quy định bổ sung về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất, thực hiện quyền sử dụng đất, trình tự thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất và giải quyết khiếu nại về đất đai.

2. Các nội dung không cụ thể hoá tại quy định này thì thực hiện theo quy định tại Nghị định số 197/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004 của Chính phủ về Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ và các văn bản có liên quan khác của các bộ, ngành Trung ương.

3. Quy định giá các loại đất, nhà ở, vật kiến trúc, cây cối hoa mầu để tính bồi thường, hỗ trợ thực hiện theo quy định tại các quyết định khác của UBND tỉnh.

Điều 2. Đối tượng áp dụng: Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất, có thiệt hại tài sản gắn liền trên đất bị thu hồi được hỗ trợ theo quy định của Nghị định số 197/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004 của Chính phủ, Nghị định số 17/2006/NĐ-CP , Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ.

Điều 3. Mục tiêu chính sách hỗ trợ: Thông qua chính sách bồi thường, hỗ trợ phải đảm bảo quyền lợi chính đáng, hợp pháp của cá nhân, tổ chức có đất bị thu hồi, góp phần làm ổn định cuộc sống theo chương trình phát triển bền vững và chuyển dịch được cơ cấu lao động nông nghiệp sang sản xuất công nghiệp, kinh doanh dịch vụ.

Điều 4. Nguyên tắc thực hiện.

1. Bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất tại tỉnh Bắc Kạn phải được tiến hành kịp thời, đáp ứng tiến độ thi công các dự án, cải thiện môi trường đầu tư trên địa bàn, đồng thời đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật.

2. Khi giải quyết bồi thường, hỗ trợ nhất thiết phải thực hiện công khai: Quy hoạch, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tiến độ thực hiện, số lượng đất đai, tài sản được bồi thường, hỗ trợ, đơn giá bồi thường, giá đất khu tái định cư, giá trị bồi thường.

3. Khi dự án đã được thông báo thực hiện của cấp có thẩm quyền, tổ chức hộ gia đình, cá nhân có nhà, đất nằm trong diện phải thu hồi giải phóng mặt bằng phải giữ nguyên hiện trạng nhà, đất.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 5. Hỗ trợ di chuyển.

1. Hỗ trợ di chuyển chỗ ở của hộ gia đình, cá nhân: Là khoản hỗ trợ cho những hộ khi thực hiện giải phóng mặt bằng phải phá dỡ nhà, công trình để di chuyển chỗ ở.

Thời gian phải di chuyển chỗ ở tối đa là 06 tháng, kể từ ngày thông báo giao đất tái định cư hoặc thông báo nhận tiền hỗ trợ để tự tìm nơi tái định cư; khoản tiền hỗ trợ này được tính trên giá trị bồi thường như sau:

a) Di chuyển trong phạm vi tỉnh:

- Mức 02 triệu đồng cho những hộ có tổng giá trị bồi thường dưới 100 triệu đồng.

- Mức 03 triệu đồng cho những hộ có tổng giá trị bồi thường từ 100 triệu đồng trở lên.

b) Di chuyển ra ngoài tỉnh:

- Mức 3,5 triệu đồng cho những hộ có giá trị bồi thường dưới 100 triệu đồng.

- Mức 05 triệu đồng cho những hộ có giá trị bồi thường từ 100 triệu đồng trở lên.

2. Di chuyển cơ sở sản xuất, địa điểm làm việc của tổ chức và doanh nghiệp (chỉ tính cho đơn vị tiếp tục được duy trì hoạt động) thực hiện theo khoản 2 Điều 27 Nghị định số 197/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004 của Chính phủ. Đơn vị phải lập dự toán chi tiết gửi Hội đồng giải phóng mặt bằng tổng hợp, thời gian di chuyển là 06 tháng kể từ ngày thông báo giao đất di chuyển địa điểm.

3. Đối với với hộ gia đình, cá nhân, thực hiện di chuyển đúng trong thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này thì được hỗ trợ thuê nhà ở tạm là 03 triệu đồng.

Điều 6. Hỗ trợ ổn định đời sống và ổn định sản xuất.

1. Đối với hộ gia đình, cá nhân: Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp khi nhà nước thu hồi trên 30% diện tích đất nông nghiệp, được hỗ trợ ổn định đời sống, mức cụ thể như sau:

a) Hỗ trợ ổn định đời sống: Công thức tính như sau:

Mức hỗ trợ = Số nhân khẩu x 30 kg gạo x Đơn giá gạo * x Thời gian hỗ trợ *

* Thời gian hỗ trợ được xác định như sau:

- Không phải di chuyển chỗ ở: 03 tháng.

- Phải di chuyển chỗ ở: 06 tháng.

- Di chuyển đến địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn: 12 tháng (địa bàn có mức hưởng phụ cấp khu vực từ 0,5 trở lên).

* Đơn giá gạo: Áp dụng theo giá gạo tẻ thường tại báo cáo giá thị trường hàng tháng của Sở Tài chính tại thời điểm lập phương án đền bù và thời điểm phê duyệt phương án đền bù.

b) Hỗ trợ ổn định sản xuất:

Đối với hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, khi nhà nước thu hồi đất nông nghiệp trồng cây hàng năm, cây lâu năm, đất nuôi trồng thuỷ sản được hỗ trợ ổn định sản xuất là 5.000đ/m² bị thu hồi.

Trường hợp hộ gia đình bị thu hồi đất có mức sống thuộc diện hộ nghèo theo tiêu chí hộ nghèo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội công bố trong cùng thời kỳ, ngoài mức hỗ trợ ổn định đời sống và hỗ trợ ổn định sản xuất trên còn được hỗ trợ để vượt qua hộ nghèo. Mức quy định cụ thể như sau:

Mức hỗ trợ = Số nhân khẩu x 200.000đồng x 36 tháng

2. Đối với tổ chức kinh tế, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp có đăng ký kinh doanh, khi nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ ngừng sản xuất, kinh doanh bằng 30% thu nhập sau thuế của 01 năm, theo mức thu nhập bình quân của 03 năm liền kề trước đó do cơ quan thuế xác định.

Trường hợp trên cùng một diện tích đất thu hồi mà kinh doanh nhiều ngành nghề khác nhau và có nộp thuế riêng cho từng ngành nghề thì được xét cho tất cả các ngành nghề mà chủ doanh nghiệp đã thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước.

Trường hợp một chủ sử dụng có nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thì sẽ được phân bổ thu nhập cho cơ sở bị thu hồi, việc phân bổ do cơ quan thuế xác định và chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Điều 7. Hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm.

- Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp khi nhà nước thu hồi trên 30% diện tích đất nông nghiệp mà không được Nhà nước bồi thường bằng đất nông nghiệp tương ứng thì được hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm:

+ Hỗ trợ một phần chi phí đào tạo chuyển đổi nghề mức hỗ trợ là 03 triệu đồng cho một người trong độ tuổi lao động, phương thức hỗ trợ được thực hiện chủ yếu bằng hình thức cho đi học nghề tại các cơ sở dạy nghề. Trường hợp chủ dự án sử dụng đất không thể tổ chức được đào tạo nghề hoặc người lao động không có nhu cầu đi học nghề thì được chi trả bằng tiền.

Điều 8. Hỗ trợ đối với đất nông nghiệp xen kẽ trong khu dân cư và đất vườn, ao liền kề với đất ở trong khu dân cư.

1. Đất nông nghiệp xen kẽ trong khu dân cư và đất vườn, ao liền kề với đất ở trong khu dân cư khi Nhà nước thu hồi đất thì ngoài việc được bồi thường theo giá đất nông nghiệp cùng mục đích còn được hỗ trợ bằng tiền mức hỗ trợ cụ thể như sau:

- Đất nông nghiệp xen kẽ trong khu dân cư: Bằng 30% giá đất ở liền kề.

- Đất vườn, ao liền kề với đất ở trong khu dân cư: Bằng 40% giá đất ở liền kề.

2. Diện tích được hỗ trợ là toàn bộ diện tích đất nông nghiệp, đất vườn, ao trong cùng thửa đất có nhà nhưng không được công nhận là đất ở thuộc phạm vi các khu vực sau:

a) Trong phạm vi địa giới hành chính phường;

b) Trong phạm vi khu dân cư thuộc thị trấn, khu dân cư nông thôn mà ranh giới khu dân cư đã được thể hiện trên bản đồ quy hoạch sử dụng đất chi tiết của xã, thị trấn được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xét duyệt; trường hợp khu dân cư thuộc thị trấn, khu dân cư nông thôn mà chưa có quy hoạch khu dân cư, quy hoạch sử dụng đất chi tiết của xã, thị trấn được xét duyệt thì xác định theo ranh giới của thửa đất có nhà ở ngoài cùng của khu dân cư.

3. Đối với diện tích vườn, ao thực tế đang sử dụng trong cùng thửa đất có nhà ở riêng lẻ, nhà ở dọc kênh mương, nhà ở dọc tuyến đường giao thông không thuộc các khu vực quy định tại khoản 2 Điều này thì diện tích đất để tính hỗ trợ bằng tiền của mỗi thửa không vượt quá năm (05) lần hạn mức diện tích giao đất ở của địa phương (Hạn mức giao đất ở được tính theo quyết định của UBND tỉnh về ban hành bảng giá các loại đất công bố vào ngày 01/01 hàng năm).

4. Đối với diện tích đất thuộc thửa đất nông nghiệp tiếp giáp với ranh giới các khu vực quy định tại khoản 2 Điều này thì diện tích đất để tính hỗ trợ bằng tiền của mỗi thửa không vượt quá năm (05) lần hạn mức diện tích giao đất ở của địa phương.

5. Xác định mức giá đất ở liền kề để tính hỗ trợ.

Đối với thửa đất nông nghiệp xen kẽ trong khu dân cư và đất vườn, ao trong cùng thửa đất có nhà ở thuộc khu dân cư bị thu hồi mà có ranh giới tiếp giáp với nhiều thửa đất có giá khác nhau thì giá đất để tính tiền hỗ trợ là giá bình quân của các thửa đất ở liền kề; trường hợp các thửa đất liền kề không phải là đất ở thì giá đất ở làm căn cứ để tính tiền hỗ trợ là giá đất ở của thửa đất có nhà ở gần nhất hoặc giá đất ở bình quân của các thửa đất có nhà ở gần nhất.

Điều 9. Hỗ trợ gia đình chính sách.

a) Hộ gia đình có người hoạt động cách mạng trước năm 1945, Anh hùng lực lượng vũ trang, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, bệnh binh mất từ 81% sức khoẻ trở lên, thân nhân liệt sĩ đang hưởng tuất hàng tháng, phải phá dỡ nhà chính để thực hiện giải phóng mặt bằng được hỗ trợ 02 triệu đồng/hộ.

b) Hộ gia đình thương binh, bệnh binh và người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh mất sức từ 21%-80% sức khoẻ, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp hàng tháng phải phá dỡ nhà chính để thực hiện giải phóng mặt bằng được hỗ trợ 01 triệu đồng/hộ.

Điều 10. Các biện pháp hỗ trợ sản xuất và đời sống để GPMB, tái định cư của các dự án có tính chất đặc thù, cấp bách:

Tuỳ từng dự án có tính chất đặc thù và cấp bách do chủ đầu tư trình Chủ tịch UBND tỉnh quyết định cụ thể.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 11. Khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo.

1. Người bị thu hồi đất thấy cán bộ, hay tổ chức làm nhiệm vụ liên quan tới việc thu hồi đất, GPMB có vi phạm hoặc không đồng ý với quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt phương án dự toán bồi thường, hỗ trợ của cấp có thẩm quyền thì được khiếu nại, tố cáo theo quy định của luật khiếu nại, tố cáo. Người khiếu nại, tố cáo phải gửi đơn đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong thời gian quy định tính từ ngày nhận được thông báo nhận tiền bồi thường; quá thời hạn, thời hiệu quy định, đơn thư khiếu nại, tố cáo sẽ không được giải quyết.

2. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo phải theo quy định của pháp luật; khiếu nại, tố cáo phải theo quy định của pháp luật; khiếu nại, tố cáo về bồi thường, hỗ trợ tái định cư do Chủ tịch UBND cấp huyện ra quyết định giải quyết lần đầu. Nếu đương sự còn tiếp tục khiếu nại, tố cáo thì UBND tỉnh giao cho một ngành chuyên môn chủ trì phối hợp với các ngành xác minh, báo cáo UBND tỉnh quyết định. Quyết định của UBND tỉnh là quyết định có hiệu lực thi hành.

3. Khi các cơ quan đang xem xét, kiểm tra theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này, người khiếu nại, tố cáo vẫn phải chấp hành quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt dự toán bồi thường, hỗ trợ GPMB và bàn giao mặt bằng đúng thời hạn.

Điều 12. Điều khoản thi hành.

1. Thẩm quyền phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng:

Thực hiện theo Quyết định số 2532/2007/QĐ-UBND ngày 21/12/2007 của UBND tỉnh về việc phân cấp thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh.

2. Những dự án đã có quyết định phê duyệt và thông báo nhận tiền bồi thường thì thực hiện theo quyết định đã phê duyệt, không áp dụng điều chỉnh theo quy định này.

3. Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có vướng mắc và phát sinh mới, các cơ quan có liên quan, chủ tịch UBND các huyện, thị xã và chủ dự án phản ánh kịp thời về Sở Tài chính để tổng hợp và báo cáo UBND tỉnh xem xét giải quyết./.