Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẬU GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 616/QĐ-UBND

Hậu Giang, ngày 20 tháng 4 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V PHÊ DUYỆT NHIỆM VỤ ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH CHUNG ĐÔ THỊ VĨNH VIỄN, HUYỆN LONG MỸ, TỈNH HẬU GIANG ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HẬU GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Quy hoạch đô thị ngày 17 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị;

Căn cứ Thông tư số 10/2010/TT-BXD ngày 11 tháng 8 năm 2010 của Bộ Xây dựng về quy định hồ sơ của từng loại quy hoạch đô thị;

Căn cứ Thông tư số 01/2013/TT-BXD ngày 08 tháng 02 năm 2013 của Bộ Xây dựng hướng dẫn xác định, quản lý chi phí quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị;

Căn cứ Công văn số 26/UBND-KTTH ngày 11 tháng 01 năm 2016 của Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang V/v chủ trương điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Vĩnh Viễn và lập quy hoạch chung đô thị Xà Phiên;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng tại Tờ trình số 340/TTr-SXD ngày 16 tháng 3 năm 2016,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang đến năm 2030, với các nội dung như sau:

1. Tên đồ án quy hoạch:

Điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang đến năm 2030.

2. Ranh giới và phạm vi nghiên cứu:

Phạm vi nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch có quy mô diện tích khoảng 390ha thuộc địa giới hành chính của xã Vĩnh Viễn, có tứ cận tiếp giáp như sau:

- Phía Đông giáp đất dân và kênh Sóc Miên;

- Phía Tây giáp Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và kênh 13;

- Phía Nam giáp kênh Ngang và sông Nước Trong;

- Phía Bắc giáp đất dân và kênh Trâm Bầu.

3. Tính chất đô thị:

Đô thị Vĩnh Viễn là trung tâm kinh tế, văn hóa, hành chính, khoa học - kỹ thuật, giáo dục - đào tạo, thương mại - dịch vụ, đầu mối giao thông, giao lưu hàng hóa chính của huyện Long Mỹ, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của một vùng tỉnh Hậu Giang.

4. Mục tiêu, yêu cầu phát triển:

- Mục tiêu của việc điều chỉnh quy hoạch để phát huy hết tiềm năng và thế mạnh, sắp xếp, bố trí lại các khu dân cư, khu dịch vụ thương mại và các khu cảnh quan phục vụ đô thị nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng một cách nhanh chóng và thỏa các tiêu chí đô thị loại IV trong tương lai.

- Phục vụ công tác quản lý, đáp ứng nhu cầu cải tạo và xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, không gian đô thị, tạo lập bộ mặt kiến trúc có trật tự, đạt mỹ quan với cơ sở hạ tầng đồng bộ, điều kiện sinh hoạt tối ưu, xử lý tốt tác động của dân cư đến môi trường đô thị. Hình thành trung tâm hành chính, thương mại- dịch vụ, các khu ở cao cấp và các khu cảnh quan phục vụ đô thị.

- Yêu cầu của đồ án là định hướng cải tạo và xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng xã hội và không gian đô thị hiện đại, hài hòa với tổng thể chung của đô thị và phát triển một cách khách quan, bền vững; đồng thời, đủ cơ sở để quản lý sử dụng đất đai, quản lý các dự án đầu tư xây dựng theo quy hoạch.

- Khi điều chỉnh quy hoạch cần cập nhật những nội dung đồ án quy hoạch được duyệt còn phù hợp, tận dụng triệt để và phát huy tối đa tiềm năng sẵn có trong khu vực để phân khu chức năng và định hướng phát triển đô thị.

5. Dự báo quy mô dân số, diện tích đất xây dựng đô thị:

5.1. Quy mô dân số:

- Dự báo dân số đến năm 2020 khoảng 16.000 người.

- Dự báo dân số đến năm 2030 khoảng 30.000 người.

5.2. Quy mô diện tích:

Dự kiến quy mô sử dụng đất xây dựng đô thị:

- Dự kiến đến năm 2020 khoảng 210 - 270ha.

- Dự kiến đến năm 2030 khoảng 300 - 390ha.

6. Một số chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật chủ yếu:

6.1. Chỉ tiêu sử dụng đất xây dựng đô thị:

- Đất ở: 35 - 45m2/người.

- Đất hành chính công cộng: 11,5 - 17m2/người.

- Đất giáo dục: 4 - 5m2/người.

- Đất y tế: 1-1,5 m2/người.

- Đất thể dục thể thao: 2- 2,5m2/người.

- Đất văn hóa: 2 - 2,5m2/người.

- Đất thương mại dịch vụ - chợ: 1,5 - 2m2/người.

- Đất giao thông - bến bãi: 16,5- 20m2/người.

- Đất cây xanh: 7 - 9m2/người.

- Đất tiểu thủ công nghiệp - làng nghề truyền thống: 5 - 6m2/người (áp dụng tiêu chuẩn thiết kế đối với các đô thị hành chính).

- Đất kênh rạch khác và đất dự trữ phát triển dự kiến: khoảng 20% tổng diện tích đất xây dựng đô thị.

- Chỉ tiêu sử dụng đất xây dựng đô thị trung bình: 100 - 130m2/người.

6.2. Các chỉ tiêu về hạ tầng kỹ thuật:

a) Cao độ san nền: ≥ +1,55m (theo cao độ Hòn Dấu).

b) Chỉ tiêu cấp nước:

- Nhu cầu cấp nước sinh hoạt (QSH): 100lít/người/ngày đêm.

- Nước cấp cho công trình công cộng - dịch vụ (QCC): ≥ 10% (QSH).

- Nước cho công trình công nghiệp-TTCN (QCN): ≥ 8% (QSH).

- Nước tưới cây, rửa đường (QTC): ≥ 8% (QSH).

- Nước dự phòng rò rỉ (QRR): ≥ 30% (QSH + QCC + QCN + QTC).

- Nước cấp cho bản thân nhà máy: ≥4% (QSH + QCC + QCN + QTC + QRR).

c) Chỉ tiêu thoát nước thải sinh hoạt và vệ sinh môi trường:

- Lượng nước thải được thu gom: 80% tổng lưu lượng nước cấp.

- Lượng rác thải tính toán: 0,9kg/người/ngày đêm.

d) Chỉ tiêu cấp điện:

- Điện sinh hoạt:

+ Điện năng: 1000KWh/người.năm.

+ Số giờ sử dụng điện lớn nhất: 3000h/năm.

+ Phụ tải: 330W/người.

- Điện công trình công cộng: ≥ 30% phụ tải điện sinh hoạt.

- Điện công trình công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp: ≥ 140KW/ha.

- Trị số độ chói, độ rọi cho các đường phố:

+ Đường trục chính đô thị: 1,2Cd/m2.

+ Đường chính đô thị: 1Cd/m2.

+ Đường liên khu vực: 0,8Cd/m2.

e) Chỉ tiêu thông tin liên lạc:

- Có đầy đủ hệ thống thông tin liên lạc đáp ứng các nhu cầu thông tin liên lạc phục vụ toàn đô thị.

- Phải đảm bảo thông suốt, an toàn và an ninh mạng.

7. Các yêu cầu, định hướng phát triển đô thị:

7.1. Mục tiêu, yêu cầu cần nghiên cứu:

- Phân tích, đánh giá điều kiện tự nhiên và hiện trạng về kinh tế - xã hội, dân số, lao động, sử dụng đất đai, hiện trạng về xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, cơ sở hạ tầng xã hội, môi trường của đô thị và đồ án quy hoạch chung đã được phê duyệt.

- Xác định tính chất, mục tiêu, động lực phát triển, quy mô dân số, lao động, quy mô đất xây dựng đô thị, các chỉ tiêu đất đai, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật cho đô thị phù hợp với các yêu cầu phát triển của từng giai đoạn.

- Dự kiến sử dụng đất của đô thị theo yêu cầu phát triển từng giai đoạn.

- Yêu cầu của đồ án là định hướng cải tạo và xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị trên cơ sở hiện trạng phát triển của khu vực, đảm bảo hài hòa với tổng thể chung của đô thị hiện tại và có điều kiện phát triển, mở rộng ở tương lai. Từ đó làm cơ sở cho việc quản lý sử dụng đất đai, quản lý các dự án đầu tư xây dựng theo quy hoạch.

7.2. Định hướng phát triển không gian đô thị:

- Phát huy hết tiềm năng về điều kiện tự nhiên, xã hội và hạ tầng kỹ thuật hiện có. Đề xuất phân khu chức năng, sắp xếp, bố trí lại các khu dân cư, khu dịch vụ thương mại và các khu cảnh quan phục vụ đô thị.

- Xác định phạm vi, quy mô các khu chức năng của đô thị: khu hiện có hạn chế phát triển, khu cải tạo chỉnh trang, khu cần bảo tồn, các khu chuyển đổi chức năng, khu phát triển mới, khu cấm xây dựng, khu dự trữ phát triển.

- Xác định các chỉ tiêu về mật độ dân cư, chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch đô thị, định hướng và nguyên tắc phát triển đối với từng khu chức năng.

- Xác định trung tâm hành chính, trung tâm thương mại, dịch vụ, trung tâm công cộng, thể dục thể thao, công viên, cây xanh, trung tâm chuyên ngành cấp đô thị.

- Xác định các vùng kiến trúc, cảnh quan, các không gian chính, quảng trường, cửa ngõ đô thị, điểm nhấn đô thị; đề xuất tổ chức không gian, kiến trúc cho các khu vực.

7.3. Định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị:

- Xác định mạng lưới giao thông đối ngoại, giao thông đô thị, vị trí và quy mô các công trình đầu mối giao thông như: bến tàu, bến xe, tổ chức hệ thống giao thông công cộng và hệ thống bến, bãi đỗ xe, xác định chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây dựng cho các trục đường.

- Xác định nhu cầu và nguồn cung cấp nước, cấp điện, thông tin liên lạc, tổng lượng nước thải, rác thải, vị trí, quy mô công trình đầu mối và mạng lưới truyền tải, phân phối chính của hệ thống cấp nước, cấp điện và chiếu sáng đô thị, thông tin liên lạc, thoát nước và công trình xử lý nước thải, vị trí, quy mô khu xử lý chất thải rắn, nghĩa trang và các công trình khác.

7.4. Đề xuất các yêu cầu về quản lý quy hoạch xây dựng:

Xây dựng quy định quản lý theo đồ án quy hoạch thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 10/2010/TT-BXD ngày 11/8/2010 của Bộ Xây dựng về quy định hồ sơ của từng loại quy hoạch đô thị.

7.5. Đánh giá môi trường chiến lược:

Thực hiện theo Thông tư số 01/2011/TT- BXD ngày 27/01/2011 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn đánh giá môi trường chiến lược trong đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị.

8. Thành phần hồ sơ quy hoạch:

Thực hiện theo Luật Quy hoạch đô thị ngày 17/6/2009, Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 và Thông tư số 10/2010/TT-BXD ngày 11/8/2010.

9. Kinh phí lập quy hoạch:

Tổng kinh phí khái toán: 1.742.518.000 đồng (một tỷ bảy trăm bốn mươi hai triệu năm trăm mười tám nghìn đồng), trong đó:

- Chi phí lập nhiệm vụ quy hoạch: 73.110.000đ.

- Chi phí khảo sát hiện trạng địa hình: 498.455.000đ.

- Chi phí lập đồ án quy hoạch: 973.500.000đ.

- Chi phí thẩm định đồ án quy hoạch: 62.932.000đ.

- Chi phí thẩm định nhiệm vụ quy hoạch: 13.293.000đ.

- Chi phí quản lý lập đồ án quy hoạch: 59.383.000đ.

- Chi phí tổ chức lấy ý kiến: 17.700.000đ.

- Chi phí công bố quy hoạch: 26.550.000đ.

- Chi phí thẩm tra phê duyệt quyết toán: 6.555.000đ.

- Chi phí kiểm toán: 11.040.000đ.

10. Tổ chức thực hiện:

- Chủ đầu tư lập quy hoạch: Sở Xây dựng.

- Vốn đầu tư: ngân sách Nhà nước.

- Cơ quan thẩm định nhiệm vụ và đồ án quy hoạch: Sở Xây dựng.

- Cơ quan phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch: UBND tỉnh Hậu Giang.

- Thời gian lập đồ án quy hoạch: 09 tháng sau khi Nhiệm vụ quy hoạch được phê duyệt.

Điều 2. Giao Giám đốc Sở Xây dựng phối hợp với Đơn vị tư vấn cùng các sở, ban ngành có liên quan tổ chức lập đồ án quy hoạch theo nội dung Nhiệm vụ quy hoạch đã được phê duyệt.

Điều 3. Giao Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm cung cấp các dữ liệu cần thiết và bản đồ đã số hóa cho Đơn vị tư vấn để lập đồ án quy hoạch nhằm đảm bảo sự trùng khớp với bản đồ địa hình.

Điều 4. Giám đốc Sở: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính; Chủ tịch UBND huyện Long Mỹ; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Lưu: VT, KTTH . TĐ
E\2014\QD\NV dieu chinh QHC do thi Cai Tac

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Tuấn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 616/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang đến năm 2030

  • Số hiệu: 616/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 20/04/2016
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hậu Giang
  • Người ký: Nguyễn Văn Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 20/04/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản