Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CAO BẰNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 611/QĐ-UBND

Cao Bằng, ngày 14 tháng 05 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH THU THUẾ, PHÍ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG KHAI THÁC KHOÁNG SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CAO BẰNG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Quản lý thuế ngày 29 tháng 11 năm 2006;

Căn cứ Luật Khoáng sản số 60/2010/QH12 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 17 tháng 11 năm 2010;

Căn cứ Pháp lệnh Phí và Lệ phí số 38/2001/PL-UBTVQH10 ngày 28 tháng 8 năm 2001 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội;

Căn cứ Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03 tháng 6 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh phí và lệ phí; Nghị định số 24/2006/NĐ-CP ngày 06 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03/6/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh phí và lệ phí;

Căn cứ Nghị định số 50/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế tài nguyên;

Căn cứ Nghị định số 74/2011/NĐ-CP ngày 25 tháng 8 năm 2011 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản;

Căn cứ Thông tư số 105/2010/TT-BTC ngày 23 tháng 7 năm 2010 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế tài nguyên;

Căn cứ Thông tư số 158/TT-BTC ngày 16 tháng 11 năm 2011 của Bộ Tài chính về hướng dẫn Nghị định 74/2011/NĐ-CP về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản;

Căn cứ Thông báo số 53-TB/TU ngày 06 tháng 5 năm 2011 Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy lần thứ 11;

Xét đề nghị của Cục Thuế tỉnh (Tờ trình số 196/TTr-CT ngày 23 tháng 4 năm 2012),

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này quy định thu thuế, phí bảo vệ môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.

(Có Quy định chi tiết kèm theo).

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 883/QĐ-UBND ngày 19 tháng 5 năm 2011 của UBND tỉnh.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 3 (thực hiện)
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành;
- UBND các huyện, thị xã;
- Trung tâm Công báo tỉnh
- Cổng thông tin Điện tử tỉnh;
- Các PCVP, các CV: KTTH, KTN, NC;
- Lưu: VT, TM (D2).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Hoàng Anh

 

QUY ĐỊNH

VỀ THU THUẾ, PHÍ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG KHAI THÁC KHOÁNG SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CAO BẰNG
(Kèm theo Quyết định số: 611/QĐ-UBND ngày 14/5/2012 của UBND tỉnh)

Chương 1.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định về quản lý thu các loại thuế và phí bảo vệ môi trường theo công suất ghi trong giấy phép khai thác của các đơn vị khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh;

Quy định trách nhiệm kê khai thực hiện nghĩa vụ thuế và phí bảo vệ môi trường của các đơn vị khai thác, chế biến khoáng sản;

Quy định trách nhiệm và mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hoạt động khai thác khoáng sản.

Điều 2. Đối tượng thực hiện

- Các tổ chức kinh tế: Công ty cổ phần, Công ty TNHH, Doanh nghiệp tư nhân, Hợp tác xã...( gọi chung là các đơn vị) được cấp phép hoạt động khai thác, chế biến, tiêu thụ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.

- Sản lượng để tính thuế và phí bảo vệ môi trường: Sản lượng tài nguyên khoáng sản làm căn cứ để tính thuế và phí bảo vệ môi trường phải nộp ngân sách nhà nước là công suất khai thác/năm ghi trong giấy phép khai thác khoáng sản của từng điểm mỏ đã cấp phép cho các đơn vị khai thác.

Điều 3. Cơ quan thực hiện

Các cơ quan chuyên môn như: Cơ quan Thuế, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Ủy ban nhân dân các huyện, thị và các cơ quan liên quan đến công tác quản lý hoạt động khai thác, chế biến, tiêu thụ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.

Chương 2.

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4. Sản lượng tính thuế

Ấn định sản lượng tính thuế theo công suất khai thác ghi trong giấy phép/năm đối với các khoáng sản để làm căn cứ tính các loại thuế và phí bảo vệ môi trường như sau:

+ Quặng Sắt, quặng thiếc từ 80% trở lên.

+ Quặng Mangan từ 60% trở lên.

+ Đất, đá, cát, sỏi từ 80% trở lên.

+ Các loại khoáng sản khác từ 50% trở lên.

- Các đơn vị được cấp mỏ nhưng chưa khai thác hoặc chuẩn bị đưa vào khai thác phải thực hiện cam kết với cơ quan cấp phép về thời gian khai thác. Căn cứ từ thời điểm đơn vị cam kết khai thác, cơ quan thuế thực hiện ấn định sản lượng từ 50% trở lên so với công suất khai thác ghi trong giấy phép khai thác (mức ấn định trong thời hạn 6 tháng) để tính các khoản thuế và phí bảo vệ môi trường phải nộp. Quá thời hạn 6 tháng tính từ tháng đơn vị cam kết khai thác, thực hiện ấn định sản lượng tính các loại thuế và phí bảo vệ môi trường theo công suất ghi trong giấy phép khai thác và quy định hiện hành.

- Các cơ quan chức năng thống nhất mức ấn định sản lượng cụ thể từng điểm mỏ. Các đơn vị khai thác kê khai nộp thuế từng điểm mỏ theo mức sản lượng ấn định, trường hợp sản lượng khai thác thực tế cao hơn kê khai nộp thuế theo sản lượng khai thác thực tế.

- Việc ấn định sản lượng tính thuế theo công suất khai thác sẽ được xem xét lại cho chủ đầu tư sau khi có Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh cho phép điều chỉnh nội dung công suất khai thác ghi trên giấy phép khai thác khoáng sản đã cấp cho đơn vị.

Điều 5. Sản lượng tính phí bảo vệ môi trường

Sản lượng tính phí bảo vệ môi trường từng loại khoáng sản thực hiện theo quy định tại Điều 4. Khi kê khai nộp phí được xác định như sau:

Sản lượng khoáng sản tính phí bảo vệ môi trường là sản lượng khoáng sản nguyên khai khai thác trong kỳ nộp phí. Trường hợp khoáng sản khai thác qua sàng, tuyển, phân loại, làm giàu trước khi bán ra phải quy đổi từ sản lượng khoáng sản thành phẩm ra sản lượng khoáng sản nguyên khai làm căn cứ để tính phí bảo vệ môi trường. Tỷ lệ quy đổi từng loại khoáng sản do Ủy ban nhân dân tỉnh quy định.

Điều 6. Căn cứ để tính các loại thuế và phí bảo vệ môi trường

- Các đơn vị khai thác có nhà máy chế biến: sản lượng ấn định theo công suất khai thác để tính nộp ngân sách gồm thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường. Các điểm mỏ được cấp để phục vụ cho việc chế biến sâu nếu kê khai thấp hơn công suất khai thác ghi trên giấy phép thì phải thực hiện ấn định sản lượng theo quy định để tính thuế và phí. Định kỳ hàng quý, căn cứ sản phẩm chế biến đã kê khai đối chiếu định mức tiêu hao nguyên liệu quặng cho 1 tấn sản phẩm chế biến đã đăng ký với cơ quan chức năng (Sở Công Thương) để xác định phần chênh lệch giữa sản phẩm chế biến so với sản lượng ấn định theo công suất. Phần chênh lệch phải nộp thêm thuế Giá trị gia tăng, thuế Thu nhập doanh nghiệp.

- Các đơn vị được cấp phép khai thác khoáng sản không có nhà máy chế biến, sản lượng ấn định theo công suất khai thác để tính nộp ngân sách bao gồm: thuế Tài nguyên, thuế Giá trị gia tăng, thuế Thu nhập doanh nghiệp và phí bảo vệ môi trường.

- Các đơn vị không được cấp mỏ khai thác, trực tiếp thu mua quặng để bán; các đơn vị mua để sản xuất, chế biến khi mua, bán phải có đầy đủ hóa đơn, chứng từ chứng minh đã thực hiện nghĩa vụ thuế và phí bảo vệ môi trường. Nếu vi phạm, ngoài việc bị truy thu thuế và phí còn phải xử lý theo quy định.

Điều 7. Trách nhiệm các đơn vị khai thác, chế biến khoáng sản

- Các đơn vị khai thác, chế biến khoáng sản hàng năm trên cơ sở các nguồn lực phải xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh như kế hoạch về sản lượng sản xuất, doanh thu, nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước; xây dựng giá thành trên một đơn vị sản phẩm; dự báo giá bán sản phẩm, thị trường tiêu thụ sản phẩm của đơn vị và gửi các cơ quan quản lý nhà nước (Sở Tài nguyên & Môi trường, Sở Công Thương, Cục Thuế tỉnh).

- Các đơn vị có điểm mỏ khai thác khoáng sản phải thực hiện ký cam kết, kê khai và nộp thuế, phí theo sản lượng ấn định đã được các cơ quan chức năng thống nhất.

- Căn cứ sản lượng ấn định theo công suất khai thác hàng năm ghi trong giấy phép khai thác, các đơn vị xác định sản lượng bình quân 1 tháng trong năm để làm căn cứ kê khai nộp thuế và phí bảo vệ môi trường hàng tháng với cơ quan thuế trực tiếp quản lý. Kết thúc năm và khi hết hợp đồng khai thác, thực hiện quyết toán thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, sản lượng không thấp hơn sản lượng kê khai thuế hàng tháng theo quy định.

- Các trường hợp vi phạm Quyết định Ủy ban nhân dân tỉnh như: không kê khai hoặc kê khai thiếu sản lượng so với sản lượng ấn định theo công suất ghi trong giấy phép khai thác, dây dưa các khoản phải nộp ngân sách Nhà nước... ngoài việc phải nộp đủ số tiền thuế và phí còn bị xử phạt theo các quy định hiện hành, trường hợp cần thiết xem xét thu hồi giấy phép khai thác.

Điều 8. Trách nhiệm của các ngành:

- Sở Tài nguyên và Môi trường:

+ Định kỳ hàng tháng tổng hợp, báo cáo về tình hình cấp phép, thu hồi giấy phép hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh để cơ quan thuế làm căn cứ tính lại các loại thuế và phí bảo vệ môi trường các đơn vị phải nộp.

+ Trình UBND tỉnh điều chỉnh nội dung công suất khai thác ghi trên giấy phép khai thác khoáng sản đã cấp khi các chủ đầu tư hoàn thành công tác khảo sát thăm dò có báo cáo kết quả thăm dò được phê duyệt và điều chỉnh dự án, thiết kế khai thác.

+ Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khảo sát tỷ lệ quy đổi giữa sản lượng khoáng sản đã qua sàng tuyển với sản lượng khoáng sản chưa qua sàng tuyển từng loại khoáng sản, trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quy định tỷ lệ quy đổi sản lượng tùng loại khoáng sản để tính phí bảo vệ môi trường.

+ Tổng hợp báo cáo các điểm mỏ vi phạm không chấp hành đúng quy định báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xử lý: tạm dừng khai thác, thu hồi giấy phép...

+ Tổng hợp, báo cáo tình hình cho thuê đất đối với từng điểm mỏ đã được cấp phép khai thác.

- Sở Công Thương:

+ Yêu cầu các đơn vị có nhà máy chế biến khoáng sản đăng ký, xây dựng về định mức tiêu hao nguyên liệu quặng cho một tấn sản phẩm, tổng hợp từng đơn vị để làm căn cứ xác định phần chênh lệch giữa sản lượng quặng đưa vào nhà máy chế biến với sản lượng quặng ấn định theo công suất để tính thêm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp.

+ Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng thống nhất mức ấn định sản lượng từng điểm mỏ từng đơn vị khai thác.

+ Hàng tháng nắm, tổng hợp tình hình sản xuất kinh doanh, quy mô khai thác, sản phẩm chế biến, tiêu thụ từng đơn vị cung cấp cho các ngành chức năng để phục vụ cho công tác quản lý chuyên ngành.

- Cục Thuế tỉnh:

+ Căn cứ công suất khai thác từng điểm mỏ, sản lượng ấn định từng điểm mỏ đã được các ngành thống nhất, căn cứ cam kết đơn vị khai thác đã ký về thực hiện trách nhiệm kê khai nộp thuế, phí bảo vệ môi trường theo công suất ấn định, cơ quan thuế quản lý trực tiếp hướng dẫn các đơn vị khai thác, chế biến, tiêu thụ khoáng sản tính toán các loại thuế và phí bảo vệ môi trường, kê khai nộp tiền vào ngân sách nhà nước theo quy định.

Trường hợp đơn vị không kê khai hoặc kê khai thiếu theo quy định, cơ quan thuế trực tiếp quản lý lập danh sách gửi các cơ quan chức năng thống nhất các biện pháp xử lý, nếu tái phạm nhiều lần đề nghị đình chỉ khai thác, thu hồi giấy phép và xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.

+ Định kỳ hàng tháng tổng hợp kết quả thu, những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện gửi các ngành chức năng để phục vụ công tác quản lý và phối hợp thực hiện.

- Sở Tài chính:

+ Chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan khảo sát giá các loại khoáng sản để tổng hợp trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành bảng giá sát thực tế làm căn cứ để tính thuế Tài nguyên và ấn định các loại thuế khi đơn vị khai thác vi phạm quy định về kê khai sản lượng tính thuế và phí bảo vệ môi trường.

+ Chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan xác định đơn giá thuê đất của các tổ chức kinh tế để tính tiền thuê đất phải nộp hàng năm theo quy định của pháp luật; xác định các khoản thu đóng góp từ hoạt động khoáng sản.

Điều 9. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các huyện, thị

+ Căn cứ Quyết định này, Ủy ban nhân dân các huyện, thị giao nhiệm vụ cho các cơ quan chuyên môn kiểm tra, giám sát và chỉ đạo các lực lượng chức năng trên địa bàn quản lý các đơn vị có khai thác khoáng sản thực hiện nghiêm túc quy định về thuế, phí bảo vệ môi trường đối với hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn.

+ Định kỳ yêu cầu các cơ quan chức năng báo cáo kết quả thực hiện, những khó khăn vướng mắc xử lý kịp thời theo thẩm quyền.

Chương 3.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 10. Tổ chức thực hiện:

- Căn cứ quy định này của Ủy ban nhân dân tỉnh, thủ trưởng các sở, ngành: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Công Thương, Cục Thuế tỉnh và các đơn vị khai thác, chế biến khoáng sản tổ chức thực hiện.

- Các khoản thu nộp thuế và phí bảo vệ môi trường là khoản thu ấn định, có hiệu lực thi hành kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực.

- Định kỳ vào đầu quý, Cục Thuế chủ trì, phối hợp với các sở, ngành tổ chức cuộc họp đánh giá kết quả thực hiện Quyết định này của Ủy ban nhân dân tỉnh, tổng hợp những khó khăn vướng mắc cần đề xuất sửa đổi, bổ sung và đề xuất hướng xử lý các trường hợp vi phạm gửi Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét cho hướng xử lý./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 611/QĐ-UBND năm 2012 quy định thu thuế, phí bảo vệ môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Cao Bằng

  • Số hiệu: 611/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 14/05/2012
  • Nơi ban hành: Tỉnh Cao Bằng
  • Người ký: Nguyễn Hoàng Anh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản