Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂNTHÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 61/2007/QĐ-UBND | TP. Hồ Chí Minh, ngày 13 tháng 04 năm 2007 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ THÀNH LẬP BỆNH VIỆN HUYỆN NHÀ BÈ TRỰC THUỘC ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN NHÀ BÈ
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Thông tư Liên tịch số 11/2005/TTLT-BYT-BNV ngày 12 tháng 4 năm 2005 của Bộ Y tế - Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn giúp Ủy ban nhân dân quản lý Nhà nước về y tế ở địa phương;
Căn cứ Quyết định số 1895/1997/QĐ-BYT ngày 19 tháng 9 năm 1997 của Bộ trưởng Bộ Y tế về ban hành Quy chế Bệnh viện;
Xét đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Nhà Bè tại Công văn số 230/UBND ngày 21 tháng 3 năm 2007; của Giám đốc Sở Y tế tại Công văn số 1746/SYT-TCCB ngày 29 tháng 3 năm 2007 và của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 274/TTr-SNV ngày 05 tháng 4 năm 2007,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Nay thành lập Bệnh viện huyện Nhà Bè trực thuộc Ủy ban nhân dân huyện Nhà Bè trên cơ sở sắp xếp lại Trung tâm Y tế huyện Nhà Bè. Bệnh viện huyện Nhà Bè là đơn vị sự nghiệp y tế, có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, được cấp kinh phí hoạt động và mở tài khoản ở Kho bạc Nhà nước theo quy định. Trụ sở đặt tại số 281A đường Lê Văn Lương, ấp 3, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè.
Bệnh viện huyện Nhà Bè chịu sự quản lý, chỉ đạo trực tiếp của Ủy ban nhân dân huyện Nhà Bè và hướng dẫn về chuyên môn, kỹ thuật của Sở Y tế.
Điều 2. Chức năng, nhiệm vụ của Bệnh viện huyện Nhà Bè:
1. Cấp cứu - khám bệnh - chữa bệnh:
a) Tiếp nhận tất cả các trường hợp người bệnh từ ngoài vào hoặc từ các cơ sở y tế chuyển đến để cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh nội trú hoặc ngoại trú;
b) Tổ chức khám sức khỏe và chứng nhận sức khỏe theo quy định của Nhà nước;
c) Có trách nhiệm giải quyết toàn bộ bệnh thông thường về nội khoa và các trường hợp cấp cứu về ngoại khoa;
d) Tổ chức giám định sức khỏe khi có yêu cầu;
đ) Tổ chức chuyển người bệnh lên tuyến trên khi vượt quá khả năng của bệnh viện.
2. Đào tạo cán bộ y tế:
a) Bệnh viện là cơ sở thực hành cho các trường, lớp trung học y tế;
b) Tổ chức đào tạo liên tục cho các thành viên trong bệnh viện và cơ sở y tế tuyến dưới để nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng quản lý chăm sóc sức khỏe ban đầu.
3. Nghiên cứu khoa học về y học:
a) Tổ chức tổng kết, đánh giá các đề tài và chương trình về chăm sóc sức khỏe ban đầu;
b) Tham gia các công trình nghiên cứu về y tế cộng đồng và dịch tễ học trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu;
c) Nghiên cứu áp dụng y học cổ truyền và phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc.
4. Chỉ đạo tuyến dưới về chuyên môn, kỹ thuật:
a) Lập kế hoạch và chỉ đạo y tế cơ sở thực hiện các phác đồ chẩn đoán và điều trị;
b) Tổ chức chỉ đạo các phường thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu và thực hiện các chương trình y tế ở địa phương.
5. Phòng bệnh:
a) Phối hợp với các cơ sở y tế dự phòng thường xuyên thực hiện nhiệm vụ phòng bệnh, phòng dịch;
b) Tuyên truyền, giáo dục sức khỏe cho cộng đồng;
6. Hợp tác quốc tế:
Tham gia các chương trình hợp tác với các tổ chức và cá nhân ngoài nước theo quy định của Nhà nước.
7. Quản lý kinh tế y tế:
a) Có kế hoạch sử dụng hiệu quả cao ngân sách Nhà nước cấp và các nguồn kinh phí;
b) Tạo thêm nguồn kinh phí từ các dịch vụ y tế: Viện phí, bảo hiểm y tế, đầu tư nước ngoài, và các tổ chức kinh tế;
c) Thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của Nhà nước về thu, chi ngân sách của bệnh viện;
Điều 3. Tổ chức bộ máy của Bệnh viện huyện Nhà Bè:
1. Bệnh viện huyện Nhà Bè do Giám đốc phụ trách, có từ hai đến ba Phó Giám đốc giúp việc Giám đốc.
Giám đốc, Phó Giám đốc Bệnh viện do Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Nhà Bè bổ nhiệm theo đề nghị của Trưởng Phòng Nội vụ quận.
Giám đốc Bệnh viện huyện Nhà Bè quyết định bổ nhiệm trưởng, phó các khoa, phòng trực thuộc Bệnh viện.
2. Các phòng chức năng:
a) Phòng Tổ chức - Hành chính quản trị;
b) Phòng Kế hoạch tổng hợp;
c) Phòng Tài chính - Kế toán;
d) Phòng Điều dưỡng.
3. Các khoa:
a) Khoa Khám bệnh;
b) Khoa Hồi sức cấp cứu;
c) Khoa Nội tổng hợp;
d) Khoa Ngoại tổng hợp;
đ) Khoa Phụ sản;
e) Khoa Nhi;
g) Khoa Y học dân tộc;
h) Khoa Chẩn đoán hình ảnh;
i) Khoa Xét nghiệm;
k) Khoa Dược;
l) Khoa Chống nhiễm khuẩn;
m) Liên chuyên khoa Tai mũi họng - Răng hàm mặt - Mắt.
Điều 4. Về biên chế của Bệnh viện huyện Nhà Bè do Ủy ban nhân dân huyện Nhà Bè bố trí trên cơ sở chỉ tiêu biên chế sự nghiệp y tế do Ủy ban nhân dân thành phố giao hàng năm.
Căn cứ Quyết định này và Quyết định số 1895/1997/QĐ-BYT ngày 19 tháng 9 năm 1997 của Bộ trưởng Bộ Y tế về ban hành Quy chế Bệnh viện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Nhà Bè chỉ đạo việc xây dựng và ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Bệnh viện huyện Nhà Bè phù hợp với tình hình cụ thể tại đơn vị mình.
Điều 5. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký. Bãi bỏ Quyết định số 2100/QĐ-UB-NC ngày 02 tháng 7 năm 1991 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc thành lập Trung tâm Y tế huyện Nhà Bè.
Điều 6. Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Sở Tài chính, Thủ trưởng các cơ quan có liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Nhà Bè, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nhà Bè, Giám đốc Bệnh viện huyện Nhà Bè chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
Quyết định 61/2007/QĐ-UBND thành lập Bệnh viện huyện Nhà Bè trực thuộc Ủy ban nhân dân huyện Nhà Bè do Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- Số hiệu: 61/2007/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 13/04/2007
- Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Người ký: Nguyễn Thành Tài
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 30
- Ngày hiệu lực: 23/04/2007
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra