Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH SƠN LA
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 600/QĐ-UBND

Sơn La, ngày 16 tháng 3 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT DỰ ÁN QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN VÙNG TRỒNG SẮN NGUYÊN LIỆU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SƠN LA ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2025

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH SƠN LA

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Quyết định số 1959/QĐ-TTg ngày 29 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Sơn La đến năm 2020;

Căn cứ Thông tư số 05/2013/TT-BKHĐT ngày 31 tháng 10 năm 2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu;

Xét đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 101/TTr-SKHĐT ngày 09 tháng 3 năm 2016,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt dự án Quy hoạch Phát triển vùng trồng sắn nguyên liệu trên địa bàn tỉnh Sơn La đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 với những nội dung sau:

I. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN

- Phát triển vùng nguyên liệu sắn trên địa bàn tỉnh theo hướng bền vững nhằm khai thác phát huy hiệu quả sử dụng đất của địa phương và đảm bảo phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Sơn La và quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp, nông thôn của tỉnh.

- Phát triển vùng nguyên liệu sắn phải gắn với công nghiệp bảo quản và chế biến, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, đáp ứng nhu cầu và nguyên liệu chế biến của các nhà máy, cơ sở chế biến trên địa bàn tỉnh.

- Tăng cường ứng dụng các kỹ thuật canh tác mới vào sản xuất nhằm nâng cao giá trị sản phẩm thu hoạch/1 ha đất trồng trọt.

II. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

1. Mục tiêu tổng quát

Xây dựng vùng trồng sắn nguyên liệu gắn với công nghiệp chế biến, tiêu thụ theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, phát huy tiềm năng về đất đai, điều kiện tự nhiên; áp dụng khoa học công nghệ để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh, đáp ứng được nhu cầu về nguyên liệu sắn trong nước và xuất khẩu; nâng cao hiệu quả sử dụng đất và thu nhập cho người trồng sắn.

Huy động được nhiều nguồn lực để phát triển vùng nguyên liệu sắn gắn với công nghiệp chế biến một cách bền vững.

2. Mục tiêu cụ thể

- Phát triển bền vững vùng trồng sắn nguyên liệu trên địa bàn tỉnh, thu hẹp một phần diện tích không hiệu quả, tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật, tăng năng xuất, đáp ứng nguyên liệu cho các nhà máy chế biên, cơ sở chế biến trên địa bàn tỉnh.

+ Đến năm 2020: Diện tích quy hoạch là 25.500 ha, sản lượng đạt 637.500 tấn; giá trị sản xuất/1 ha sắn khoảng trên 50 triệu đồng.

+ Định hướng đến năm 2025: Diện tích quy hoạch là 23.000 ha, sản lượng đạt 690.000 tấn. Giá trị sản xuất/1 ha sắn khoảng trên 70 triệu đồng.

Giai đoạn 2016 - 2020 đầu tư nâng công suất của Nhà máy tinh bột sắn Sơn La tại huyện Mai Sơn; xây dựng mới 03 nhà máy tinh bột sắn trên địa bàn huyện Mai Sơn, Phù Yên và Thuận Châu. Định hướng đến năm 2025, căn cứ vào tình hình thực tiễn có thể mở rộng các nhà máy, cơ sở chế biến sắn hiện có; xây dựng mới các nhà máy chế biến các sản phẩm từ sắn trên địa bàn các huyện, thành phố.

III. NỘI DUNG QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN VÙNG TRỒNG SẮN NGUYÊN LIỆU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SƠN LA ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2025

1. Tổng diện tích, sản lượng vùng trồng sắn nguyên liệu

Đến năm 2020: Diện tích vùng trồng sắn nguyên liệu đến năm 2020 là 25.500 ha (trong đó: Quỳnh Nhai 1.250 ha, Thuận Châu 6.000 ha, Mường La 1.650 ha, Bắc Yên 2.780 ha, Phù Yên 4.000 ha, Mộc Châu 400 ha, Vân Hồ 700 ha, Yên Châu 670 ha, Mai Sơn 3.200 ha, Sông Mã 1.850 ha và Sốp Cộp 3.000 ha). Sản lượng đạt khoảng 637.500 tấn.

Định hướng đến năm 2025: Diện tích vùng trồng sắn nguyên liệu đến năm 2025 là 23.000 ha (trong đó huyện: Quỳnh Nhai 1.250 ha, Thuận Châu 5.000 ha, Mường La 1.650 ha, Bắc Yên 2.780 ha, Phù Yên 3.500 ha, Mộc Châu 400 ha, Vân Hồ 700 ha, Yên Châu 800 ha, Mai Sơn 3.200 ha, Sông Mã 1.720 ha và Sốp Cộp 2.000 ha). Sản lượng đạt khoảng 690.000 tấn.

2. Quy hoạch các vùng trồng sắn nguyên liệu tập trung

a) Vùng nguyên liệu tập trung phục vụ các nhà máy, cơ sở chế biến sắn và các sản phẩm từ sắn trên địa bàn huyện Mai Sơn

Định hướng quy hoạch đến năm 2020, tổng diện tích quy hoạch vùng nguyên liệu là 7.500 ha; đến năm 2025, tổng diện tích quy hoạch vùng nguyên liệu là 7.000 ha. Cụ thể như sau:

- Huyện Mai Sơn gồm các xã: Chiềng Chăn, Chiềng Mung, Chiềng Chung, Hát Lót, Chiềng Nơi, Phiêng Cằm, Chiềng Ve, Chiềng Lương, Phiêng Pằn, Nà Ớt và Tà Hộc.

- Huyện Yên Châu gồm các xã: Chiềng Hặc, Chiềng Khoi, Lóng Phiêng, và Phiêng Khoài.

- Huyện Sông Mã gồm các xã: Chiềng Phung, Nậm Ty, Yên Hưng, Chiềng Khoong, Chiềng Cang, Huổi Một, Mường Sai, Mường Cai, Nà Nghịu, Chiềng Khương.

- Huyện Sốp Cộp tập trung ở 06 xã: Púng Bánh, Sốp Cộp, Dồm Cang, Nậm Lạnh, Mường Và, Mường Lạn.

- Huyện Mường La tập trung ở 06 xã: Mường Chùm, Chiềng Hoa, Tạ Bú, Mường Bú, Pi Toong và Chiềng San.

b) Vùng nguyên liệu tập trung phục vụ nhà máy, cơ sở chế biến sắn và các sản phẩm từ sắn trên địa bàn huyện Thuận Châu

Định hướng quy hoạch đến năm 2020, tổng diện tích quy hoạch vùng nguyên liệu là 2.500 ha; đến năm 2025, tổng diện tích quy hoạch vùng nguyên liệu là 4.200 ha. Cụ thể như sau:

- Huyện Thuận Châu gồm các xã: Phổng Lái, Mường É, Chiềng La, Chiềng Ngàm, Liệp Tè, Phổng Lập, Chiềng Ly, Mường Khiêng, Chiềng Bôm, Bó Mười, Tông Lệnh, Tông Cọ.

- Huyện Quỳnh Nhai gồm các xã: Cà Nàng, Pá Ma Pha Khinh, Chiềng Ơn, Mường Giàng, Chiềng Bằng, Mường Sại, Nậm Ét, Chiềng Khoang.

c) Vùng nguyên liệu tập trung phục vụ nhà máy, cơ sở chế biến sắn và các sản phẩm từ sắn trên địa bàn huyện Phù Yên

Định hướng quy hoạch đến năm 2020, tổng diện tích quy hoạch vùng nguyên liệu là 3.000 ha; đến năm 2025, tổng diện tích quy hoạch vùng nguyên liệu là 4.700 ha. Cụ thể như sau:

- Huyện Phù Yên gồm các xã: Mường Cơi, Huy Thượng, Tân Lang, Gia Phù, Tường Phù, Mường Lang, Suối Bau, Huy Tường, Tường Thượng, Tường Tiến, Tường Phong, Tường Hạ, Đá Đỏ, Tân Phong, Bắc Phong.

- Huyện Bắc Yên gồm các xã: Phiêng Ban, Pắc Ngà, Chim Vàn, Mường Khoa, Song Pe, Hồng Ngài, Tại Khoa.

- Huyện Mộc Châu gồm các xã: Nà Mường, Tà Lại, Hua Păng.

- Huyện Vân Hồ gồm các xã: Mường Tè, Chiềng Khoa, Tân Xuân.

d) Các vùng trồng sắn nguyên liệu còn lại phục vụ cho các nhà máy, cơ sở chế biến sắn khác và tiêu dùng tại chỗ

- Đến năm 2020, tổng diện tích quy hoạch 12.500 ha phục vụ cho các Nhà máy khác, các cơ sở chế biến sắn trên địa bàn tỉnh, các tỉnh lân cận và tiêu dùng tại chỗ, với sản lượng đạt khoảng 301.987 tấn.

- Đến năm 2025, tổng diện tích quy hoạch 7.100 ha phục vụ cho các Nhà máy khác, các cơ sở chế biến sắn trên địa bàn tỉnh, các tỉnh lân cận và tiêu dùng tại chỗ, với sản lượng đạt khoảng 192.270 tấn.

3. Định hướng một số giống sắn trồng vùng quy hoạch

Hiện tại đang trồng các giống sắn địa phương và các giống sắn KM60, KM94, KM987, KM95, KM98...; trong giai đoạn quy hoạch tiếp tục phát triển các giống sắn hiện nay đang cho năng suất cao; đồng thời khuyến khích lựa chọn sử dụng các giống sắn được phép sản xuất kinh doanh ở Việt Nam theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn như: KM94, KM140, KM98-5, KM98-7, KM419 (giống SVN5), KM414 (giống SVN1), KM397 (giống SVN2), KM444 (giống SVN7), KM325 (giống SVN3), KM228 (giống SVN4), KM297 (giống SVN9), SVN8, SVN11..., trên cơ sở phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tại địa phương để phát huy tối đa hiệu quả kinh tế.

4. Quy hoạch hệ thống cơ sở dịch vụ phát triển vùng trồng sắn nguyên liệu

Tiếp tục củng cố hệ thống bảo vệ thực vật ở dưới cơ sở (xã, bản) để theo dõi kiểm soát được tình hình sâu bệnh hại trên cây trồng, nhằm chủ động trong công tác phòng trừ dịch bệnh.

Củng cố hệ thống cung ứng giống, vật tư nhằm phục vụ đáp ứng đầy đủ kịp thời cho sản xuất, đảm bảo cả về khối lượng lẫn chất lượng vật tư. Mở rộng các hình thức cung ứng giống, vật tư trên địa bàn các xã, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất sắn.

5. Quy hoạch phát triển các nhà máy chế biến tiêu thụ sản phẩm từ sắn nguyên liệu

a) Giai đoạn 2016 - 2020

* Tại huyện Mai Sơn

- Đối với nhà máy tinh bột sắn Sơn La: Nâng công suất từ 100 tấn thành phẩm/ngày lên 300 tấn thành phẩm/ngày.

- Đầu tư xây dựng mới Nhà máy tinh bột sắn huyện Mai Sơn tại xã Mường Bằng với quy mô công suất khoảng 50 tấn thành phẩm/ngày.

* Tại huyện Thuận Châu: Đầu tư xây dựng mới Nhà máy tinh bột sắn tại huyện Thuận Châu, xã Tông Cọ huyện Thuận Châu, với công suất 100 tấn thành phẩm/ngày.

* Tại huyện Phù Yên: Đầu tư xây dựng mới Nhà máy tinh bột sắn tại huyện Phù Yên xã Gia Phù huyện Phù Yên với công suất 100 tấn thành phẩm/ngày.

b) Giai đoạn 2021 - 2025

- Duy trì công suất của Nhà máy tinh bột sắn Sơn La 300 tấn thành phẩm/ngày.

- Đầu tư nâng công suất Nhà máy tinh bột sắn huyện Mai Sơn từ 50 tấn thành phẩm/ngày lên 200 tấn thành phẩm/ngày.

- Đầu tư nâng công suất Nhà máy tinh bột sắn tại huyện Thuận Châu từ 100 tấn thành phẩm/ngày lên 200 tấn thành phẩm/ngày.

- Đầu tư nâng công suất Nhà máy tinh bột sắn tại huyện Phù Yên từ 100 tấn thành phẩm/ngày lên 200 tấn thành phẩm/ngày.

6. Danh mục các dự án ưu tiên đầu tư

STT

Tên dự án

Địa điểm

Dự kiến quy mô

Thời gian thực hiện

1

Phát triển vùng nguyên liệu dưới hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ sắn giữa cá nhân, hộ gia đình với doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

11 huyện

23.000 ha

2016 - 2020

2

Nâng công suất Nhà máy tinh bột sắn Sơn La từ 100 tấn thành phẩm/ngày lên 300 tấn thành phẩm/ngày.

Mai Sơn

Từ 100 tấn lên 300 tấn thành phẩm/ngày

2016

3

Xây dựng mới 03 nhà máy tinh bột sắn tại huyện Mai Sơn.

Mai Sơn, Thuận Châu, Phù Yên

Từ 50 tấn đến 200 tấn thành phẩm/ngày

2016 - 2020

4

Nghiên cứu, trồng thử nghiệm các giống sắn mới phù hợp với điều kiện khí hậu trên địa bàn các huyện, thành phố.

12 huyện, thành phố

Trồng thử nghiệm các giống sắn mới cho chất lượng và năng suất cao

2016 - 2020

5

Quảng bá, xây dựng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu, xúc tiến tiêu thụ các sản phẩm sản xuất từ sắn.

11 huyện

Xây dựng chỉ dẫn địa lý cho cây sắn; tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư có liên quan đến cây sắn và phát triển công nghiệp chế biến các sản phẩm từ sắn

2016 - 2020

6

Đầu tư xây dựng cơ sở chế biến các sản phẩm từ sắn.

12 huyện, thành phố

12 cơ sở

2016 - 2020

7

Phát triển cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, bảo quản, chế biến sắn.

12 huyện, thành phố

Hệ thống giao thông nội đồng, thủy lợi, nước sạch, điện….

2016 - 2020

8

Sản xuất và kinh doanh giống sắn

Mai Sơn, Thuận Châu, Phù Yên

Xây dựng 03 cơ sở sản xuất và kinh doanh

giống sắn

2016 - 2020

7. Nhu cầu vốn thực hiện quy hoạch

Trong giai đoạn quy hoạch, tổng nhu cầu vốn đầu tư là 1.541 tỷ đồng (Một nghìn năm trăm bốn mươi mốt tỷ đồng). Trong đó:

- Phân theo giai đoạn:

Giai đoạn 2016 - 2020: 798,5 tỷ đồng.

Giai đoạn 2021 - 2025: 742,5 tỷ đồng.

- Phân theo nguồn vốn:

Vốn ngân sách Nhà nước: 141 tỷ đồng.

Vốn hợp pháp khác (doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân…): 1.400 tỷ đồng.

8. Các giải pháp thực hiện quy hoạch

a) Giải pháp về đất đai

Tổ chức thực hiện tốt việc quản lý, sử dụng đất trồng sắn nguyên liệu theo quy định của pháp luật về đất đai.

Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích nông dân góp cổ phần bằng giá trị quyền sử dụng đất để tham gia vào các dự án đầu tư sản xuất, chế biến sắn.

Bố trí, cân đối đất đai để xây dựng các nhà máy chế biến tinh bột sắn và các công trình hạ tầng kỹ thuật của nhà máy, đặc biệt phải đảm bảo đủ diện tích để xây dựng hệ thống xử lý nước thải không gây ô nhiễm môi trường

b) Giải pháp về cơ chế chính sách

Thực hiện có hiệu quả các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư theo quy định tại Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25 tháng 20 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn; Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển vào nông nghiệp nông thôn và quy định tại các văn bản có liên quan.

Thực hiện các chính sách thúc đẩy phát triển nhanh kinh tế hợp tác, kinh tế tư nhân, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã ở nông thôn, để có điều kiện đầu tư sản xuất sắn theo quy hoạch gắn với thị trường.

Xây dựng chính sách hỗ trợ, bảo hiểm sản xuất cho người nông dân khi xảy ra thiên tai và hỗ trợ doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình đầu tư mua sắm máy móc thiết bị trong phát triển vùng nguyên liệu sắn.

c) Giải pháp về thông tin tuyên truyền

Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân có biện pháp canh tác hợp lý, chú trọng đầu tư thâm canh, làm tốt công tác phòng trừ sâu bệnh trên cây sắn; thay thế dần các giống sắn địa phương đã bị thoái hóa bằng những giống sắn mới có năng suất, hàm lượng tinh bột cao và ít sâu bệnh.

Thường xuyên cung cấp các thông tin chuyên ngành, phổ biến các tiến bộ kỹ thuật trong canh tác sắn bền vững, các loại giống sắn mới năng suất chất lượng cao, các điển hình tiên tiến trong sản xuất sắn, giá cả các sản phẩm sắn trên thị trường thông qua hệ thống truyền thông đại chúng (loa đài, ti vi, sách báo, tạp chí khuyến nông...), thông qua các buổi hội nghị, hội thảo tập huấn, hội thi, hội chợ và các tổ chức xã hội như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Thanh niên... cho người sản xuất.

d) Giải pháp thu hút vốn đầu tư

Khuyến khích các cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và các tổ chức khác có dự án hoặc phương án đầu tư hợp tác, liên kết sản xuất, bảo quản, chế biến tiêu thụ sắn trên địa bàn các huyện, thành phố.

Bố trí và sử dụng có hiệu quả vốn từ nguồn ngân sách Nhà nước, từ các nguồn vốn của các chương trình, dự án để phục vụ phát triển sản xuất, bảo quản, chế biến sắn như nguồn vốn: Xây dựng mô hình phát triển sản xuất nông lâm nghiệp từ nguồn dành cho chương trình khuyến nông; tập huấn, tuyên truyền lấy từ nguồn ngân sách tỉnh; đào tạo nghề cho lao động nông thôn lấy từ nguồn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ; Chương trình theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ; Chương trình hỗ trợ theo Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ...

đ) Giải pháp về thị trường và xúc tiến thương mại để thực hiện các mục tiêu của quy hoạch

Thực hiện tốt các quy định trong sản xuất sắn theo các cam kết của Việt Nam với ASEAN, WTO, TPP..., trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.

Xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình xúc tiến thương mại sắn, giữ vững các thị trường lớn, truyền thống (xuất ra ngoại tỉnh về Hà Nội, Phú Thọ..., và xuất sang Trung Quốc) và mở rộng các thị trường mới nhằm thúc đẩy tiêu thụ sắn trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xây dựng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu và tiêu chuẩn chất lượng các sản phẩm sắn; đáp ứng yêu cầu về chất lượng, mẫu mã và quy cách theo yêu cầu của thị trường.

Các địa phương hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã quy hoạch, đầu tư các vùng nguyên liệu, thực hiện ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm sắn với người sản xuất, tạo nguồn hàng ổn định cho chế biến và xuất khẩu.

e) Giải pháp về khoa học kỹ thuật

Khảo nghiệm, tuyển chọn và đưa vào trồng các giống sắn mới có năng suất, chất lượng cao, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, thời gian sinh trưởng ngắn, phù hợp với điều kiện sinh thái của tỉnh. Ưu tiên vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho nghiên cứu phát triển sắn nguyên liệu phục vụ chế biến theo quy hoạch được duyệt và đảm bảo theo quy định của pháp luật.

Tăng cường hợp tác với các trường đại học, trung tâm nghiên cứu…, nhằm tiếp cận được các công nghệ mới đưa vào áp dụng trong sản xuất và khai thác các nguồn tài nguyên. Nâng cao năng lực của hệ thống khuyến nông, hệ thống bảo vệ thực vật; hệ thống quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, các dịch vụ khác phục vụ sản xuất sắn để phòng chống dịch bệnh, bảo quản, chế biến sắn; thiết lập hệ thống thông tin quản lý sắn trên địa bàn tỉnh.

Thu hút các thành phần kinh tế tham gia nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ hiện đại trong việc trồng, bảo quản, chế biến các sản phẩm từ sắn để tăng giá trị sản phẩm cũng như kích thích thị trường gia tăng nhu cầu sử dụng sắn nguyên liệu.

f) Giải pháp bảo vệ môi trường

Áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác sắn bền vững trên đất dốc nhằm hạn chế đất bị xói mòn, rửa trôi; Áp dụng đúng quy trình kỹ thuật của ngành bảo vệ thực vật trong quá trình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để chăm sóc sắn.

Áp dụng các công nghệ tiên tiến, sử dụng các thiết bị hiện đại cả trong dây chuyền bảo quản, chế biến cũng như xử lý chất thải trong các cơ sở sản xuất, bảo quản và chế biến sắn.

g) Giải pháp về đổi mới và xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất sắn

Khuyến khích các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu nguyên liệu liên kết, hợp tác với người nông dân đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, phát triển mạng lưới đại lý thu mua sắn; tăng cường cung cấp thông tin chuyên ngành, quá trình sản xuất, chế biến, tình hình cung cầu, giá cả sắn nguyên liệu cho người sản xuất và các doanh nghiệp. Xây dựng mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác trong vùng sản xuất sắn nguyên liệu tập trung.

Khuyến khích phát triển liên kết hộ nông dân với các doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ chức khoa học, Hiệp hội ngành hàng trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Mở rộng sản xuất theo hướng tập trung chuyên canh, hình thành cánh đồng mẫu lớn, nhằm tạo điều kiện cho nông dân, doanh nghiệp, các tổ chức sản xuất nông nghiệp áp dụng nhanh cơ giới hóa vào các khâu từ sản xuất - bảo quản - chế biến - vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm sắn.

h) Phát triển cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, bảo quản, chế biến sắn theo quy hoạch.

Thực hiện quy hoạch hệ thống, nối liền giữa giao thông nông thôn với tỉnh lộ, quốc lộ hướng tới mục tiêu thúc đẩy phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa. Ưu tiên làm đường giao thông nông thôn ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Đầu tư nâng cao năng lực hệ thống cơ sở hạ tầng nghiên cứu khoa học công nghệ, nhất là chọn, tạo, sản xuất giống sắn; bảo vệ thực vật; kiểm tra chất lượng giống, phân bón, sản phẩm sản xuất ra từ sắn.

Điều 2. Tổ chức thực hiện quy hoạch

a) Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành phố phối hợp với các doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có dự án hoặc phương án đầu tư trồng sắn tổ chức thực hiện hiệu quả quy hoạch Phát triển vùng trồng sắn nguyên liệu trên địa bàn tỉnh Sơn La đến năm 2020, định hướng đến năm 2025.

b) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Tổ chức công bố, công khai nội dung quy hoạch Phát triển vùng trồng sắn nguyên liệu trên địa bàn tỉnh Sơn La đến năm 2020, định hướng đến năm 2025.

Hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra việc triển khai quy hoạch; kịp thời cập nhật về sản xuất, thông tin về thị trường, tiến bộ khoa học, công nghệ để điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp.

Kiểm tra đôn đốc quá trình thực hiện và tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện quy hoạch về thường trực UBND tỉnh.

c) Các sở, ban, ngành căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao thực hiện quản lý nhà nước đối với quy hoạch Phát triển vùng trồng sắn nguyên liệu trên địa bàn tỉnh Sơn La đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 theo đúng quy định. Trong đó có một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

- Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh về cân đối nguồn vốn cho đầu tư phát triển vùng nguyên liệu sắn trên cơ sở các dự án hoặc phương án đầu tư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.

- Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh trong việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ cho các dự án hoặc phương án đầu tư phát triển sản xuất, bảo quản, chế biến sắn theo quy định của pháp luật.

- Sở Tài nguyên và Môi trường: Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh giải quyết những vấn đề liên quan đến quản lý sử dụng đất đai, tài nguyên, môi trường ở nơi có dự án hoặc phương án đầu tư trồng cây sắn và xây dựng nhà máy chế biến các sản phẩm từ sắn.

- Sở Công thương: Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện quản lý Nhà nước đối với việc phát triển công nghiệp chế biến các sản phẩm từ sắn, đặc biệt là xây dựng nhà máy chế biến tinh bột sắn trên địa bàn tỉnh.

- Sở Khoa học và Công nghệ: Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh trong việc đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng cây sắn; xây dựng các đề tài nghiên cứu khoa học có liên quan đến trồng cây sắn và chế biến các sản phẩm từ sắn.

d) UBND cấp huyện trong vùng quy hoạch

UBND cấp huyện thực hiện trách nhiệm quản lý Nhà nước đối với dự án quy hoạch theo quy định của pháp luật; chỉ đạo các cấp, các ngành trên địa bàn, phối hợp với các đoàn thể chính trị xã hội, quán triệt tổ chức thực hiện phát triển vùng nguyên trồng sắn nguyên liệu theo quy hoạch; công khai, minh bạch các diện tích đất dự kiến phục vụ vào phát triển vùng nguyên liệu sắn và công nghiệp chế biến các sản phẩm từ sắn.

Phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để triển khai phát triển vùng trồng sắn nguyên liệu gắn với chế biến, tiêu thụ.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và PTNT, Công thương; Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh Sơn La; Chủ tịch UBND các huyện, Thành phố; Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và PTNT (b/c);
- TT. Tỉnh ủy (b/c);
- TT. HĐND tỉnh (b/c);
- TT. UBND tỉnh;
- Các tổ chức đoàn thể tỉnh;
- Huyện ủy, UBND các huyện: Mộc Châu, Mường La, Mai Sơn, Sông Mã, Sốp Cộp, Bắc Yên, Phù Yên, Quỳnh Nhai, Thuận Châu, Yên Châu;
- Trung tâm Công báo tỉnh;
- Như Điều 4;
- Lưu: VT, Mạnh-KTN, 138 bản.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lò Minh Hùng

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 600/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt dự án Quy hoạch Phát triển vùng trồng sắn nguyên liệu trên địa bàn tỉnh Sơn La đến năm 2020, định hướng đến năm 2025

  • Số hiệu: 600/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 16/03/2016
  • Nơi ban hành: Tỉnh Sơn La
  • Người ký: Lò Minh Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 16/03/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản