Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 60/2008/QĐ-UBND

Vinh, ngày 26 tháng 9 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ ĐỂ THAY THẾ, HUỶ BỎ XE CÔNG NÔNG, XE CƠ GIỚI TỰ CHẾ 3, 4 BÁNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Chỉ thị 46/CT-TTg ngày 19 tháng 12 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý xe Công nông tham gia giao thông đường bộ; Nghị quyết số 32/NQ-CP ngày 29/6/2007 của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông;
Căn cứ Nghị quyết số 235/2008/NQ-HĐND ngày 23/7/2008 của Hội đồng Nhân dân tỉnh Nghệ An khoá XV, kỳ họp thứ 13;
Xét Tờ trình số 1211/SGTVT ngày 09/9/2008 của Giám đốc Sở Giao thông Vận tải,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành Chính sách hỗ trợ để thay thế, huỷ bỏ xe công nông, xe cơ giới tự chế 3, 4 bánh trên địa bàn tỉnh Nghệ An, với những nội dung như sau:

1. Đối tượng hỗ trợ:

Chủ sở hữu xe Công nông (xe có kết cấu tương tự ô tô, lắp ráp máy ngang), xe cơ giới tự chế 3, 4 bánh có trước ngày 31/12/2007 hiện đang sở hữu (kể cả xe đăng ký và xe chưa đăng ký);

2. Điều kiện được hỗ trợ:

Xe công nông, xe cơ giới tự chế 3, 4 bánh thuộc diện được hỗ trợ theo quy định tại Quyết định này có trước ngày 31/12/2007 hiện đang sở hữu, kể cả xe đăng ký và xe chưa đăng ký, cụ thể:

a) Đối với xe có đăng ký: Chủ phương tiện phải có đề nghị, được UBND xã, phường, thị trấn nơi cư trú xác nhận; có giấy chứng nhận của Công an huyện, thành phố, thị xã về việc đã nộp giấy đăng ký và biển kiểm soát phương tiện.

b) Đối với xe không có đăng ký: Chủ phương tiện phải có đơn đề nghị gửi kèm theo hồ sơ có xác nhận của khối, xóm, thôn, bản, và UBND cấp xã, phường, thị trấn nơi cư trú (UBND xã, phường, thị trấn phải chịu trách nhiệm sự chính xác về thủ tục hồ sơ phương tiện thuộc đối tượng này).

3. Chính sách hỗ trợ:

a)Đối với xe đã đăng ký thì chủ xe được hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp hoặc mua ô tô mới, mức hỗ trợ là 3.500.000đ/ xe (ba triệu năm trăm nghìn đồng).

b) Đối với xe chưa đăng ký thì chủ xe được hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp hoặc mua ô tô mới, mức hỗ trợ là 2.500.000đ/ xe (hai triệu năm trăm nghìn đồng).

c) Đối với các chủ xe đã đăng ký được vay vốn sản xuất kinh doanh để giải quyết việc làm, cụ thể như sau:

- Các chủ xe thuộc đối tượng là hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác theo quy định tại Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ thì được vay vốn từ chương trình cho vay giải quyết việc làm tại Ngân hàng chính sách xã hội theo quy định hiện hành.

- Các chủ xe không thuộc diện được vay vốn theo quy định tại Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ thì được vay vốn từ nguồn của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, mức vay tối đa không quá 30 triệu đồng/ hộ. Thời hạn cho vay không quá 36 tháng, lãi suất cho vay theo quy định của Chính phủ tại thời điểm vay.

4. Thời gian thực hiện:

Việc hỗ trợ bằng tiền mặt được thực hiện 01 lần, thời gian thực hiện đến hết ngày 31/12/2009; Thời hạn cho vay vốn được thực hiện trong 03 năm, kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành.

Điều 2. Nguồn vốn và phương thức hỗ trợ

1. Nguồn vốn:

a) Đối với nguồn chi trả một lần bằng tiền mặt, UBND các huyện, thành phố, thị xã tổng hợp, kiểm tra hồ sơ và đề xuất với Sở Tài chính để tham mưu UBND tỉnh bố trí nguồn vốn từ ngân sách của tỉnh cấp cho UBND các huyện, thành phố, thị xã triển khai thực hiện.

b) Đối với nguồn cho vay sản xuất kinh doanh để giải quyết việc làm:

- Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cân đối cho vay theo quy định của Chính phủ đối với các chủ xe là đối tượng hộ nghèo và chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ.

- Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh bố trí đưa vào cân đối ngân sách hàng năm để chuyển cho Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh cho vay đối với chủ xe các đối tượng còn lại.

2. Phương thức hỗ trợ:

a) Kinh phí hỗ trợ một lần bằng tiền mặt, UBND cấp huyện, thành, thị cấp chuyển cho UBND các xã, phường, thị trấn để trực tiếp cấp phát cho đối tượng được hỗ trợ.

b) Vốn cho vay để sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm sau khi huỷ bỏ xe công nông, xe cơ giới tự chế 3, 4 bánh do Ngân hàng Chính sách tỉnh thực hiện giải quyết vốn cho vay qua Ngân hàng Chính sách cấp huyện.

Điều 3. Thủ tục hỗ trợ

Chủ sở hữu xe công nông, xe cơ giới tự chế 3, 4 bánh thuộc đối tượng được hỗ trợ theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Quyết định này phải có hồ sơ xin hỗ trợ gồm:

1. Đối với phương thức hỗ trợ một lần bằng tiền mặt:

a) Đơn xin hỗ trợ kinh phí để chuyển đổi phương tiện, nghề nghiệp khi huỷ bỏ xe công nông, xe cơ giới tự chế 3, 4 bánh.

b) Có giấy chứng nhận đã xoá đăng ký và thu hồi biển kiểm soát của cơ quan Công an cấp huyện đối với xe có đăng ký và cấp biển kiểm soát hoặc xác nhận của thôn, xóm và của UBND cấp xã, phường, thị trấn nơi cư trú của chủ phương tiện đối với xe không có đăng ký.

c) Hồ sơ gửi về UBND các huyện, thành, thị để kiểm tra, tổng hợp đề xuất Sở Tài chính trình UBND tỉnh bố trí kinh phí từ ngân sách tỉnh cấp cho UBND cấp huyện.

2. Đối với phương thức hỗ trợ vay vốn giải quyết việc làm thủ tục do Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh quy định.

Điều 4. Tổ chức thực hiện

1. Sở Giao thông Vận tải theo dõi tổng hợp tình hình triển khai thực hiện, hàng quý, 6 tháng và hàng năm báo cáo về UBND tỉnh để chỉ đạo.

2. Công an tỉnh chỉ đạo Công an cấp huyện, phường, xã thông báo cho chủ sở hữu xe công nông, xe cơ giới tự chế 3, 4 bánh đến Công an cấp huyện làm thủ tục xoá sổ, nộp lại giấy đăng ký xe, biển số xe và cấp Giấy chứng nhận xoá sổ đăng ký cho chủ sở hữu phương tiện để làm cơ sở cho việc hỗ trợ.

3. Sở Tài chính tổng hợp kinh phí hỗ trợ, theo đề nghị của UBND các huyện, thành, thị tham mưu UBND tỉnh quyết định.

4. Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh bố trí nguồn vốn và hướng dẫn Ngân hàng chính sách xã hội cấp huyện thực hiện việc cho vay vốn giải quyết việc làm đối với các chủ xe công nông, xe cơ giới tự chế 3, 4 bánh theo Quyết định này.

5. Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị:

a) Chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc UBND cấp xã, phường, thị trấn tổ chức thực hiện Chính sách hỗ trợ trên địa bàn quản lý theo quy định.

b) Tổ chức kiểm tra, giám sát việc thanh lý, hủy bỏ xe công nông, xe cơ giới tự chế 3, 4 bánh. Chỉ đạo các ngành liên quan xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định tại Nghị quyết 32/2007/NQ-CP của Chính phủ.

c) Định kỳ hàng quý, 6 tháng và cả năm báo cáo kết quả thực hiện qua Sở Giao thông Vận tải để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

6. Uỷ ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn:

a) Kiểm tra thực tế và chịu trách nhiệm về xác nhận thủ tục hồ sơ của các chủ sở hữu xe công nông, xe cơ giới tự chế 3, 4 bánh trên địa bàn quản lý.

b) Chỉ đạo triển khai thực hiện chính sách này đảm bảo đúng đối tượng và đúng nguyên tắc mỗi phương tiện chỉ được hỗ trợ 01 lần.

7. Chủ sở hữu xe công nông, xe cơ giới tự chế 3, 4 bánh chịu trách nhiệm về tính chính xác việc lập hồ sơ đúng quy định đề nghị được hỗ trợ.

Điều 5. Hiệu lực thi hành

Quyết định có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký;

Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh, Giám đốc các sở: Giao thông Vận tải, Tài chính, Lao động- Thương binh và Xã hội, Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hồ Đức Phớc

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 60/2008/QĐ-UBND ban hành chính sách hỗ trợ để thay thế, hủy bỏ xe công nông, xe cơ giới tự chế 3, 4 bánh trên địa bàn tỉnh Nghệ An do Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An ban hành

  • Số hiệu: 60/2008/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 26/09/2008
  • Nơi ban hành: Tỉnh Nghệ An
  • Người ký: Hồ Đức Phớc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản