Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 5913/QĐ-UBND | TP. Hồ Chí Minh, ngày 28 tháng 12 năm 2010 |
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 23/2009/NĐ-CP ngày 27 tháng 02 năm 2009 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà ở và công sở;
Căn cứ Nghị định số 34/2010/NĐ-CP ngày 02 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông vận tải tại văn bản số 6657/SGTVT-TTr ngày 01 tháng 11 năm 2010, của Giám đốc Sở Xây dựng tại văn bản số 8114/SXD-TT ngày 18 tháng 10 năm 2010 và của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 1697/TTr-SNV ngày 02 tháng 12 năm 2010,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế Phối hợp hoạt động của Tổ Kiểm tra liên ngành xử lý những vi phạm trong lĩnh vực quản lý công trình hạ tầng đô thị.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, Giám đốc Sở Xây dựng, Thủ trưởng các Sở - ngành thành phố và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
PHỐI HỢP HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ KIỂM TRA LIÊN NGÀNH XỬ LÝ NHỮNG VI PHẠM TRONG LĨNH VỰC QUẢN LÝ CÔNG TRÌNH HẠ TẦNG ĐÔ THỊ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 5913/QĐ-UBND ngày 28 tháng 12 năm 2010 của Ủy ban nhân dân thành phố)
1. Nhằm tăng cường quản lý, bảo vệ công trình giao thông đường bộ và công trình hạ tầng đô thị trên địa bàn thành phố.
2. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và quản lý công trình hạ tầng đô thị được đồng bộ, hiệu quả, kịp thời; góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước chuyên ngành của ngành giao thông vận tải và ngành xây dựng thành phố.
3. Nâng cao trách nhiệm của các chủ thể được giao quản lý, vận hành, khai thác; khắc phục kịp thời những hư hỏng, khuyết tật của công trình hạ tầng đô thị cũng như công trình giao thông đường bộ;
II. NỘI DUNG PHỐI HỢP KIỂM TRA LIÊN NGÀNH
1. Những vi phạm hành chính của tổ chức, cá nhân trên lĩnh vực quản lý công trình hạ tầng đô thị (cấp nước, thoát nước, chiếu sáng công cộng, công viên - cây xanh…) được quy định hành vi và biện pháp chế tài tại Nghị định số 23/2009/NĐ-CP ngày 27 tháng 02 năm 2009 của Chính phủ.
2. Những vi phạm hành chính của tổ chức, cá nhân trên lĩnh vực giao thông đường bộ được quy định hành vi và biện pháp chế tài tại Nghị định số 34/2010/NĐ-CP ngày 02 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ nhưng có nội dung và biện pháp chế tài tương tự được quy định tại Nghị định số 23/2009/NĐ-CP ngày 27 tháng 02 năm 2009 của Chính phủ.
3. Trách nhiệm của các chủ thể được giao quản lý nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không kịp thời công tác duy tu, bảo dưỡng công trình hạ tầng đô thị và công trình giao thông đường bộ.
1. Về lực lượng phối hợp:
a) Tại cấp Sở:
- Hình thành 01 Tổ kiểm tra liên ngành thành phố với số lượng 08 thành viên gồm lực lượng của Thanh tra Sở Giao thông vận tải và Thanh tra Sở Xây dựng (Trong đó số lượng Thanh tra Sở Giao thông vận tải là 05; Thanh tra Sở Xây dựng là 03) do Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải làm Tổ trưởng và 01 Phó Chánh Thanh tra Sở Xây dựng làm Tổ phó.
b) Tại các quận, huyện:
- Mỗi quận, huyện hình thành 01 Tổ kiểm tra liên ngành quận, huyện với số lượng 03 thành viên gồm lực lượng của Đội Thanh tra Giao thông phụ trách địa bàn của Thanh tra Sở Giao thông vận tải (02 thành viên) và Thanh tra Xây dựng quận, huyện (01 thành viên) do Đội trưởng Đội Thanh tra giao thông làm Tổ trưởng.
2. Về phương thức phối hợp:
a) Hình thức phối hợp:
- Việc phối hợp kiểm tra liên ngành được thực hiện dưới các hình thức:
+ Kiểm tra thường xuyên: được thực hiện ít nhất mỗi tuần 01 ngày trên địa bàn phụ trách.
+ Kiểm tra đột xuất: kiểm tra bất kỳ theo tin báo vi phạm hành chính của nhân dân; theo phản ảnh của cơ quan thông tin đại chúng (báo, đài…), theo thông tin từ các cơ quan chức năng hoặc chỉ đạo của Giám đốc Sở Xây dựng, Giám đốc Sở Giao thông vận tải.
- Các Tổ phối hợp kiểm tra liên ngành bố trí lịch kiểm tra thường xuyên theo tháng; lịch kiểm tra thường xuyên được báo cáo cho Lãnh đạo 2 Sở và Ủy ban nhân dân quận, huyện (đối với Tổ kiểm tra liên ngành quận, huyện) để biết, theo dõi và chỉ đạo.
- Đối với kiểm tra đột xuất (sau khi tiếp nhận tin báo vi phạm) do Tổ trưởng Tổ kiểm tra liên ngành bố trí, điều động lực lượng đến kiểm tra nhưng phải đảm bảo tính cơ động và kịp thời.
b) Địa bàn phụ trách:
- Các Tổ kiểm tra liên ngành quận, huyện thực hiện việc kiểm tra thường xuyên và kiểm tra đột xuất trên địa bàn phụ trách của từng quận, huyện.
- Tổ Kiểm tra liên ngành thành phố đôn đốc, hỗ trợ các Tổ Kiểm tra liên ngành quận, huyện đồng thời tập trung kiểm tra thường xuyên và kiểm tra đột xuất tại khu vực các quận trung tâm thành phố, bao gồm các quận: quận 1, 3, 5, 6, 10, 11, Tân Bình, Tân Phú, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Gò Vấp.
c) Phương thức kiểm tra, xử lý:
- Theo nội dung phối hợp kiểm tra liên ngành đã nêu tại phần II Quy chế này, trong quá trình thực hiện phối hợp kiểm tra liên ngành nếu phát hiện vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền xử lý của lực lượng nào (đã quy định trong Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trên từng lĩnh vực) thì lực lượng đó lập biên bản vi phạm hành chính để tiến hành thụ lý và xử phạt (trong biên bản vẫn phải ghi đầy đủ họ, tên của các thành viên Tổ Kiểm tra liên ngành).Riêng vi phạm của các tổ chức, cá nhân trên lĩnh vực giao thông đường bộ được quy định hành vi và biện pháp chế tài tại Nghị định số 34/2010/NĐ-CP ngày 02 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ nhưng có nội dung và biện pháp chế tài tương tự được quy định tại Nghị định số 23/2009/NĐ-CP ngày 27 tháng 02 năm 2009 của Chính phủ thì do lực lượng Thanh tra giao thông lập biên bản vi phạm hành chính.
- Đối với Tổ kiểm tra liên ngành thành phố, nếu xét thấy hành vi phạm hành chính vượt thẩm quyền xử phạt của Chánh Thanh tra Sở Xây dựng hoặc Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải thì đơn vị thụ lý ban đầu lập thủ tục trình Ủy ban nhân dân thành phố xử lý.
- Đối với Tổ kiểm tra liên ngành quận, huyện; tùy theo vi phạm, nếu xét thấy hành vi vi phạm hành chính vượt thẩm quyền xử phạt của Chánh Thanh tra Xây dựng quận, huyện; vượt thẩm quyền xử phạt của Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải hoặc vượt thẩm quyển của Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện thì trong 07 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, đơn vị thụ lý ban đầu lập thủ tục chuyển hồ sơ đến Sở Xây dựng (nếu xử phạt theo Nghị định số 23/2009/NĐ-CP) hoặc chuyển đến Sở Giao thông vận tải (nếu xử phạt theo Nghị định số 34/2010/NĐ-CP) để rà soát, tham mưu trình Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quyết định xử lý vi phạm.
- Đối với các hành vi vi phạm về quản lý công trình hạ tầng đô thị như: cấp nước, thoát nước, chiếu sáng công cộng, công viên-cây xanh nếu chưa xác định được chủ thể vi phạm hoặc mức độ xâm hại thì lực lượng Thanh tra giao thông chịu trách nhiệm mời cơ quan quản lý đến tại hiện trường để xác định hoặc chứng kiến để Tổ Kiểm tra liên ngành lập biên bản vi phạm hành chính..
- Quá trình kiểm tra, xử lý của mỗi lực lượng trong liên ngành phải đảm bảo đúng thủ tục, trình tự, thẩm quyền theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
d) Phương tiện, trang, thiết bị phục vụ kiểm tra:
- Phương tiện (xe ô tô chuyên dùng), nhiên liệu phục vụ cho các Tổ Kiểm tra liên ngành do Thanh tra Sở Giao thông vận tải đảm nhiệm trong nguồn kinh phí của cơ quan.
- Trang, thiết bị phục vụ kiểm tra do các bên sử dụng từ trang, thiết bị chuyên ngành của đơn vị mình.
- Chi phí phục vụ việc cưỡng chế, tháo dỡ, buộc khắc phục hậu quả (nếu có) do Thanh tra Sở Giao thông vận tải đảm nhiệm trong Kế hoạch dự toán hàng năm của đơn vị.
- Quá trình phối hợp kiểm tra liên ngành, định kỳ 6 tháng một lần, Tổ trưởng Tổ kiểm tra liên ngành tổ chức sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện, báo cáo Giám đốc Sở Giao thông vận tải và Giám đốc Sở Xây dựng để xem xét, chỉ đạo và báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố.
- Giao Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Giám đốc Sở Xây dựng và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện trong phạm vị trách nhiệm và thẩm quyền quản lý theo dõi và chỉ đạo trực tiếp hoạt động của các Tổ Kiểm tra liên ngành./.
- 1Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 2Nghị định 23/2009/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở
- 3Nghị định 34/2010/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ
Quyết định 5913/QĐ-UBND năm 2010 về Quy chế phối hợp hoạt động của Tổ Kiểm tra liên ngành xử lý những vi phạm trong lĩnh vực quản lý công trình hạ tầng đô thị do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- Số hiệu: 5913/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 28/12/2010
- Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Người ký: Nguyễn Thành Tài
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 9
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra