Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 591/QĐ-UBND.HC | Đồng Tháp, ngày 30 tháng 6 năm 2014 |
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN TÁI CƠ CẤU NGÀNH NÔNG NGHIỆP TỈNH ĐỒNG THÁP ĐẾN NĂM 2020 VÀ TẦM NHÌN 2030
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG THÁP
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân và Ủy ban ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10 tháng 06 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững;
Căn cứ Quyết định số 138/QĐ-UBND.HC ngày 22 tháng 01 năm 2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp về việc ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh về nông nghiệp, nông dân, nông thôn tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại công văn số 103/TTr-SNN ngày 30 tháng 06 năm 2014,
QUYẾT ĐỊNH:
I. Mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp
1. Mục tiêu chung
Tái cơ cấu ngành nông nghiệp Đồng Tháp nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững sản xuất nông nghiệp dựa trên đổi mới tổ chức sản xuất; đẩy mạnh liên kết giữa sản xuất và thị trường, ứng dụng khoa học công nghệ; chuyên môn hóa và tạo việc làm ổn định cho nông dân, chuyển dịch lao động ra khỏi khu vực nông nghiệp; nâng cao thu nhập, đời sống của dân cư nông thôn; bảo vệ môi trường sinh thái và xây dựng nông thôn mới.
2. Mục tiêu đến năm 2020
- Phục hồi và ổn định tăng trưởng nông nghiệp bằng hoặc hơn mức tăng trưởng nông nghiệp chung của cả nước: tốc độ tăng trưởng 4,5%/năm giai đoạn 2011-2015 và 5%/năm giai đoạn 2016-2020.
- Chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng những ngành có giá trị, có thị trường như chăn nuôi, hoa màu, cây ăn trái, hoa kiểng, tôm càng xanh, cá đồng.
- Tăng quy mô sản xuất nông nghiệp dưới nhiều hình thức khác nhau, phát triển mô hình cánh đồng liên kết, sản xuất gắn với tiêu thụ, hình thành các cụm công nghiệp - dịch vụ trung tâm, các vùng chuyên canh hoàn chỉnh hạ tầng phục vụ sản xuất và sau thu hoạch như: lò sấy, kho chứa, công trình bảo quản sau thu hoạch.
- Bước đầu hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, có kỹ năng sản xuất và quản lý. Đẩy mạnh đào tạo nghề phi nông nghiệp và chuyển lao động nông thôn ra khỏi lĩnh vực nông nghiệp, xuống còn khoảng 50% lao động xã hội. Phát triển đa dạng các loại hình ngành nghề thu hút nhiều lao động, du lịch nông thôn.
- Chương trình xây dựng nông thôn mới phát triển mạnh với ít nhất 50% số xã cơ bản đạt tiêu chuẩn. Nâng cao thu nhập của dân cư nông thôn lên 2 lần so với hiện nay. Giảm tỷ lệ nghèo nông thôn 2% mỗi năm. Phát huy dân chủ cơ sở, sự tự chủ của cộng đồng, huy động sức mạnh toàn xã hội để phát triển nông thôn.
- Từng bước hiện đại hóa nông nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa, áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn thị trường trong sản xuất các mặt hàng chiến lược như lúa gạo, cá tra và xoài, đảm bảo an ninh sinh học trong chăn nuôi, bảo vệ môi trường.
3. Mục tiêu đến năm 2030
- Tốc độ tăng trưởng GDP nông lâm thủy sản tương đương với giai đoạn 2016-2020.
- Phát triển đồng bộ các vùng chuyên canh nông nghiệp có các cụm công nghiệp - dịch vụ trung tâm với kết cấu hạ tầng hiện đại. Hoàn thiện kinh tế hợp tác, trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp, hiệp hội, hoàn chỉnh liên kết dọc theo ngành hàng, kết nối giữa sản xuất - chế biến - kinh doanh.
- Tạo bước đột phá trong thu hút đầu tư tư nhân trong và ngoài tỉnh. Phát triển kinh tế dịch vụ, thương mại, du lịch nông thôn để thu hút lao động nông thôn, giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp xuống 25% lao động xã hội.
- Cơ bản hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới. Đảm bảo quy hoạch dân cư, quy hoạch lãnh thổ nông thôn gắn kết hài hòa với phát triển đô thị, công nghiệp. Nâng cao thu nhập của dân cư nông thôn và đảm bảo an ninh dinh dưỡng ở nông thôn.
- Bảo vệ tài nguyên tự nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học; thúc đẩy phát triển nền “nông nghiệp xanh”; cải thiện căn bản năng lực phòng chống thiên tai, dịch bệnh; nâng cao năng lực quản lý rủi ro để ứng phó với các tác động xấu của biến đổi khí hậu.
II. Quan điểm tái cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn
1. Phát huy ưu thế của tỉnh về sản xuất nông nghiệp làm động lực phát triển kinh tế, xã hội hiệu quả và vững bền. Lấy tái cơ cấu ngành nông nghiệp làm trọng tâm tái cơ cấu kinh tế chung của tỉnh.
2. Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo cơ chế thị trường, dựa trên các ngành hàng có lợi thế, nâng cao chất lượng, hiệu quả thể hiện bằng giá trị, lợi nhuận; đồng thời, chú trọng đáp ứng các yêu cầu về xã hội, môi trường.
3. Nhà nước làm tốt vai trò kiến tạo phát triển thông qua đổi mới cơ chế, chính sách, thể chế và các hỗ trợ cần thiết, tạo môi trường thuận lợi cho các thành phần kinh tế hoạt động. Phát huy tinh thần tự chủ, tự lực của dân cư nông thôn, lấy nông dân làm chủ thể của quá trình phát triển.
4. Lấy khoa học công nghệ và đổi mới quan hệ sản xuất làm động lực cho tăng trưởng. Huy động tài nguyên con người để tăng thu nhập, tạo tích lũy, phát triển nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội.
5. Sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, tập trung, hiện đại, hướng về xuất khẩu. Chủ động và kiên quyết tổ chức chuyển đổi lao động ra khỏi nông nghiệp thông qua các kênh thị trường đa dạng từ xuất khẩu lao động đến tạo việc làm mới trong và ngoài tỉnh.
6. Lấy liên kết sản xuất và tiêu thụ làm trung tâm của quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp; tập trung phát triển kinh tế hợp tác và thu hút các thành phần kinh tế làm nhiệm vụ hàng đầu.
B. Định hướng tái cơ cấu nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp
Tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh trên cơ sở cơ cấu lại nội bộ ngành, cơ cấu lại lao động, áp dụng khoa học công nghệ với kết cấu hạ tầng đồng bộ; sản xuất gắn với tiêu thụ, trên cơ sở phát huy vai trò của kinh tế hợp tác, liên kết đa dạng. Mục đích cuối cùng là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cư dân nông thôn, phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
1. Đổi mới thị trường
- Phát triển các thị trường xuất khẩu có giá trị cao (Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản,…) trên cơ sở đưa hàng hóa, dịch vụ đến khâu tiêu thụ cuối cùng, xây dựng hàng hóa có thương hiệu, có nhãn mác, có thể truy lại nguồn gốc xuất xứ, áp dụng tiêu chuẩn được ưa chuộng.
- Phát triển các thị trường mới có quy mô lớn đặc biệt là các thị trường mới nổi và có triển vọng (như Trung Quốc) và các nước Đông Á.
- Tại thị trường trong nước, duy trì và phát triển các thị trường truyền thống phía Nam, đồng thời phát triển thị trường mới có tiềm năng tại các tỉnh thành miền Bắc.
2. Xây dựng chuỗi ngành hàng và vùng chuyên canh
- Xác định những ngành hàng có lợi thế và có tiềm năng thị trường để tập trung phát triển. Xác định địa bàn thuận lợi nhất để xây dựng vùng chuyên canh có quy mô sản xuất hàng hóa lớn và đồng đều về tiêu chuẩn kỹ thuật.
- Tại các vùng chuyên canh, đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng, dịch vụ kỹ thuật để sản xuất thuận tiện, hỗ trợ cơ giới hóa và sản xuất quy mô lớn; hình thành các cụm hạt nhân có cơ sở hạ tầng hiện đại (gồm các trung tâm dịch vụ kỹ thuật, cung cấp đầu vào, chế biến, thương mại,…).
- Tập trung xây dựng một số chuỗi ngành hàng chiến lược. Cải tiến tổ chức và thể chế, xử lý các nút thắt để giảm chi phí, tiết kiệm thời gian, tăng hiệu quả của chuỗi giá trị. Tăng đầu tư vào các khâu tạo giá trị gia tăng cao (chế biến tinh, chế biến sâu, chế biến phụ phẩm, vận chuyển, tiếp thị…) và những ngành hàng, những lĩnh vực có tiềm năng thị trường và giá trị gia tăng cao.
3. Đổi mới thể chế
- Phát triển liên kết ngang giữa các tác nhân (kinh tế hộ, nông trang, trang trại, HTX, doanh nghiệp nông nghiệp,…) và liên kết dọc theo toàn chuỗi giá trị (với các doanh nghiệp đầu vào, đầu ra) để đảm bảo sản xuất hàng hóa lớn đồng bộ trong cả chuỗi giá trị.
- Huy động liên kết trong chuỗi giá trị để cung cấp vật tư, tín dụng, hướng dẫn kỹ thuật đảm bảo chất lượng, giá ổn định, phòng chống rủi ro, bảo vệ môi trường. Xây dựng hệ thống tiêu chuẩn chất lượng, tiến đến hình thành thương hiệu, nhãn mác đồng bộ. Đảm bảo chia sẻ hợp lý thu nhập và rủi ro cho tất cả các tác nhân trong chuỗi giá trị.
- Đổi mới cung cách quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng quản lý hành chính công và chuyển một số dịch vụ công sang cho tư nhân và các tổ chức xã hội thực hiện.
- Phát triển hiệp hội ngành hàng với sự tham gia của tất cả tác nhân trong chuỗi giá trị, khuyến khích hiệp hội tham gia vào dịch vụ công của ngành hàng (khuyến nông, bảo vệ thực vật, thú y, thủy lợi) và tham gia vào quản lý (tiêu chuẩn chất lượng, thị trường, quy hoạch,…).
- Phát triển liên kết công - tư, khuyến khích tư nhân tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng và cung cấp dịch vụ công có thể đem lại lợi nhuận nhưng tư nhân khó thực hiện nếu không có sự hỗ trợ của nhà nước (các trục đường chính, cầu cảng, kho tàng, cấp nước, cấp điện, nghiên cứu khoa học, khuyến nông,...).
- Phát triển tổ chức cộng đồng, phát huy dân chủ cơ sở, phân cấp để khuyến khích các tổ chức cộng đồng và cư dân nông thôn chủ động tham gia các hoạt động phát triển nông thôn, phát triển làng nghề, phát triển du lịch, quản lý xã hội, quản lý môi trường, quản lý tài nguyên thiên nhiên.
4. Đổi mới động lực
- Phát triển khoa học công nghệ, phối hợp với các Viện nghiên cứu, trường đại học ở trong và ngoài tỉnh nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu thị trường, nghiên cứu lịch sử - văn hóa,…; phát triển và tổ chức dịch vụ phục vụ khoa học công nghệ (sản xuất giống, sửa chữa máy móc, hỗ trợ áp dụng khoa học công nghệ,...).
- Phát triển tài nguyên con người, đổi mới căn bản và toàn diện công tác giáo dục và đào tạo để nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông và đào tạo nghề; có chính sách thu hút trí thức (chuyên gia, lao động chất lượng cao) về tỉnh sinh sống và làm việc.
- Sử dụng hiệu quả tài nguyên tự nhiên theo hướng bền vững trên cơ sở tiết kiệm và bảo vệ các nguồn tài nguyên đất, nước, đa dạng sinh học và phòng chống thiên tai.
5. Đổi mới nguồn vốn phát triển
- Đổi mới căn bản công tác huy động vốn đầu tư xã hội, phát huy vai trò trung tâm của đầu tư tư nhân trong tất cả các lĩnh vực từ cơ sở hạ tầng đến công nghiệp, dịch vụ.
- Đổi mới cơ chế theo hướng tập trung đầu tư công chỉ vào các hoạt động xúc tác cho các công trình và dịch vụ an sinh xã hội, dịch vụ môi trường thiết yếu để thu hút đầu tư tư nhân.
- Phát triển các hình thức liên kết công-tư để tăng hiệu quả của đầu tư công đồng thời phát huy được các thế mạnh của tư nhân về vốn, khoa học công nghệ, quản lý …
- Tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài kết hợp với vốn viện trợ ODA để nâng cao khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, xuất khẩu lao động, tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật, tri thức về quản lý, và kinh doanh.
6. Tăng cường liên kết vùng
- Xây dựng và phát triển liên kết vùng dựa trên quy hoạch chung cả vùng ĐBSCL. Về giao thông, với hai trục giao thông chính sẽ phát triển tương lai (trục cao tốc thành phố Hồ Chí Minh qua Đồng Tháp Mười và trục đường bộ, đường thủy lên Campuchia) cùng với việc nạo vét luồng lạch để khai thác cảng Cần Thơ tạo cơ sở cho liên kết kinh tế, thuận tiện vận chuyển hàng hóa, thu hút đầu tư, dịch chuyển lao động. Về sản xuất năng lượng từ sinh khối, theo quy hoạch sản xuất điện từ sinh khối của ĐBSCL, tỉnh Đồng Tháp có nguồn tài nguyên năng lượng sinh khối (biomass) rất dồi dào có thể thu hút các doanh nghiệp sản xuất điện sinh khối đầu tư về tỉnh để phát triển năng lượng xanh.
- Với triển vọng đàm phán TPP và các hiệp định thương mại mới, tỉnh có cơ hội phát triển các cụm công nghiệp thu hút nhiều lao động như dệt may, da giày để thu hút các doanh nghiệp từ thành phố Hồ Chí Minh tới sản xuất, kinh doanh ở các vùng đông dân ở phía Nam tỉnh, rút lao động ra khỏi nông nghiệp. Đồng thời, phát triển công nghiệp và dịch vụ hỗ trợ cho nông nghiệp.
- Phát triển nghiên cứu khoa học và dịch vụ theo hướng đưa tỉnh thành trung tâm cung cấp giống thủy sản và hoa kiểng, thức ăn gia súc và thức ăn thủy sản cho cả vùng ĐBSCL. Đối với các mặt hàng khác, tùy theo hoàn cảnh cụ thể, xem xét việc liên kết với các trung tâm nghiên cứu khoa học lớn trong vùng hoặc thành lập các trung tâm khoa học ứng dụng nếu có nhu cầu thị trường và có tính kinh tế theo quy mô.
- Phát triển liên kết với các tỉnh ĐBSCL khác để thống nhất về chất lượng, thương hiệu nông sản và phối hợp phát triển du lịch.
- Phát triển liên kết toàn diện với Campuchia và Lào để phát huy thế mạnh của tỉnh về nông nghiệp, thương mại, du lịch,…
II. Định hướng phát triển đối với 5 ngành hàng chủ lực và phân bổ lại lao động nông thôn
1. Phát triển ngành hàng lúa gạo:
Phát triển ngành lúa gạo trở thành ngành xuất khẩu chiến lược quốc gia theo hướng bền vững, đảm bảo hiệu quả, chất lượng, có giá trị gia tăng cao. Rà soát quy hoạch vùng chuyên canh, cải thiện cơ cấu giống, tổ chức luân canh với hoa màu và thủy sản, tăng quy mô sản xuất, áp dụng cơ giới hóa, kỹ thuật thân thiện môi trường, chủ động điều tiết cung, mở rộng thị trường, tăng cường liên kết kinh doanh giữa nông dân và doanh nghiệp, giảm tổn thất sau thu hoạch, tăng cường chế biến tinh, chế biến sâu các sản phẩm từ lúa gạo, chế biến phụ phẩm, cải thiện công tác vận tải và hậu cần hỗ trợ tiếp thị, phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu của lúa gạo Đồng Tháp.
2. Phát triển ngành hàng cá tra
Phát triển ngành sản xuất cá tra thành ngành xuất khẩu chiến lược quốc gia theo hướng bền vững, có giá trị gia tăng cao, thỏa mãn nhu cầu thị trường đa dạng và ngày càng mở rộng. Rà soát quy hoạch và phát triển vùng nguyên liệu cá tra gắn với cụm công nghiệp - dịch vụ phục vụ sản xuất, kiap dụng kỹ thuật sản xuất tiên tiến và thân thiện môi trường , áp dụng tiêu chuẩn vệ sinh an toàn quốc tế, tạo đột phá từ cải thiện hai khâu giống và thức ăn chăn nuôi, phát triển công nghệ chế biến sâu, tận dụng phụ phẩm, bảo vệ môi trường, tổ chức lại Hiệp hội ngành hàng cá tra để cải thiện căn bản quan hệ giữa các doanh nghiệp, nghiên cứu phát triển thị trường trong và ngoài nước.
3. Phát triển ngành hàng vịt
Nghiên cứu chi tiết hơn để khai thác triển vọng ngành chăn nuôi vịt thành một ngành sản xuất chiến lược của tỉnh, có quy mô lớn, tập trung,vững bền, khai thác hết phụ phẩm và phối hợp hiệu quả với việc phát triển ngành lúa gạo và cá tra của tỉnh, có hình thức tổ chức và kỹ thuật thích hợp, tạo ra giá trị gia tăng cao có chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, chế biến phù hợp thị hiếu đa dạng trong nước và hướng tới thị trường quốc tế.
4. Phát triển ngành hàng xoài
Phát triển ngành hàng xoài tỉnh Đồng Tháp thành ngành hàng chiến lược của tỉnh theo hướng bền vững, có giá trị gia tăng cao. Cải tiến tổ chức và tăng quy mô sản xuất, áp dụng tiêu chuẩn GAP và các tiêu chuẩn kỹ thuật vững bền, đầu tư phát triển chế biến, bảo quản, vận chuyển, nâng cao chất lượng, khả năng tiếp thị và xây dựng thương hiệu của xoài Đồng Tháp ở thị trường trong nước và thế giới.
5. Phát triển ngành hàng hoa cây kiểng
Phát triển ngành hoa kiểng thành ngành hàng chiến lược của tỉnh theo hướng bền vững, có giá trị gia tăng cao. Tăng hiệu quả sản xuất, tăng cường liên kết giữa các hình thức kinh tế hợp tác nông hộ với doanh nghiệp, và phát triển cộng đồng. Xây dựng Sa Đéc trở thành vùng sản xuất hoa tập trung lớn nhất ĐBSCL, phát huy vai trò của cộng đồng làng nghề trong phát triển dịch vụ du lịch gắn với vùng sản xuất hoa.
Ngoài các ngành hàng trên, hình thành năng lực hỗ trợ của tỉnh kết hợp với các cơ quan tư vấn để tiếp tục nghiên cứu đề xuất và phát triển các ngành hàng khác mà tỉnh có thế mạnh và có tiềm năng phát triển trong tương lai như tôm càng xanh, cá đồng, rau màu,… để hình thành các chuỗi ngành hàng đồng bộ cho từng địa phương và cả tỉnh.
6. Định hướng phân bổ lại lao động nông thôn
Tạo việc làm đầy đủ và phù hợp trên thị trường lao động chính thức để tăng thu nhập cho lao động nông thôn, thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa mức sống và điều kiện sống giữa cư dân nông thôn và đô thị. Giải pháp căn bản là phát triển tài nguyên con người, nâng cao chất lượng lao động để lao động đi ra từ nông nghiệp có cơ hội tham gia xã hội hiện đại tương lai. Thực hiện hai giải pháp đột phá là hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, sản xuất nông nghiệp quy mô hàng hóa lớn và thu hút các doanh nghiệp trong các lĩnh vực tạo việc làm nhiều (dệt may, da giày…) về tỉnh đầu tư, nối kết với các doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc trong và ngoài nước. Về lâu dài, phát triển kinh tế dịch vụ và công nghiệp phục vụ nông nghiệp để thu hút hết lao động rút ra từ nông thôn.
1. Chính sách mở rộng diện tích đất sản xuất nông nghiệp theo cánh đồng lớn và hỗ trợ san bằng đồng ruộng ở những vùng chuyên canh tập trung
- Thực hiện thí điểm hỗ trợ 50% lãi suất trung, dài hạn cho hộ gia đình, cá nhân để thuê đất sản xuất nông nghiệp nhằm tăng quy mô sản xuất đạt từ 3 ha/1 chủ thể (hộ gia đình, cá nhân) trở lên. Thực hiện thí điểm tại HTX Phú Đức, HTX Tân Tiến, xã Phú Đức và HTX Tân Cường, xã Phú Cường huyện Tam Nông.
- Ưu tiên cho vay và hỗ trợ 50% lãi suất chi phí san bằng mặt ruộng cho các hộ nông dân liên kết sản xuất mở rộng diện tích canh tác lúa tại HTX Tân Cường Xã Phú Cường huyện Tam Nông
2. Chính sách thu hút đầu tư tư nhân
- Cấp 100% kinh phí từ nguồn Trung ương cho địa phương để hỗ trợ đầu tư đối với các doanh nghiệp thuộc danh mục ưu tiên theo Nghị định 210/2013/NĐ-CP đầu tư vào các khu công nghiệp chế biến nông sản và cụm công nghiệp - dịch vụ - thương mại theo quy hoạch của tỉnh.
- Trang trại, tổ hợp tác và HTX nông nghiệp có đăng ký kinh doanh, sản xuất, kinh doanh các lĩnh vực ưu tiên đầu tư của tỉnh được hưởng các chính sách hỗ trợ như doanh nghiệp theo Nghị định 210/2013/NĐ-CP.
- Cho phép tỉnh thí điểm cơ chế đối tác công - tư trong phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn, xây dựng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp - dịch vụ tại các vùng chuyên canh, phát triển các chuỗi giá trị ngành hàng nông nghiệp chủ lực, hiện vẫn nằm ngoài quy định của Quyết định 71/2010/QĐ-TTg.
- Cho phép tỉnh Đồng Tháp thực hiện các chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư khoa học - công nghệ, xây dựng thương hiệu sản phẩm, đầu tư hạ tầng cho các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; thí điểm chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trong sản xuất hoa kiểng ở thành phố Sa Đéc theo Luật Công nghệ cao
3. Chính sách tạm trữ lúa gạo
- Kiến nghị Chính phủ cho thực hiện thí điểm tạm trữ lúa gạo tại Hợp tác xã Tân Cường, xã Phú Cường, huyện Tam Nông.
- Có chính sách hỗ trợ tạm trữ cho nông dân khi gởi lúa tạm trữ chờ giá ở kho của các doanh nghiệp với thời gian gởi từ 1-3 tháng, ngân hàng mở hồ sơ tiếp tục cho vay để nông dân có vốn sản xuất vụ kế tiếp.
4. Chính sách đầu tư công
- Kiến nghị Chính phủ ưu tiên kinh phí xây dựng và hoàn thiện các công trình thủy lợi đầu mối lớn, nạo vét kênh mương chính, phát triển khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại. Ưu tiên tài trợ và cho vay ODA đối với việc phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn Đồng Tháp: đường thủy, đường bộ, cầu cảng, thủy lợi, nhà kho, trung tâm khoa học công nghệ, đào tạo nghề, vệ sinh môi trường nông thôn, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học…
- Kiến nghị Chính phủ hỗ trợ địa phương huy động tài trợ quốc tế thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp Đồng Tháp; thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển liên doanh liên kết quốc tế giữa các doanh nghiệp của Đồng Tháp với các đối tác trong các lĩnh vực phát triển sản xuất nông nghiệp, xuất khẩu nông sản, xuất khẩu lao động. Trước mắt, tạo điều kiện cho Đồng Tháp ký hợp tác lao động và thu hút đầu tư với tỉnh Ibaraki và Hokkaido của Nhật bản.
- Kiến nghị Chính phủ có Nghị định riêng về HTX nông nghiệp; Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương nhanh chóng ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật HTX, xây dựng chiến lược, chính sách, chương trình kế hoạch phát triển HTX, Liên hiệp HTX theo Luật HTX và Nghị định 193/2013/NĐCP ngày 21 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ.
- Chính phủ sớm xem xét sửa đổi, nâng hạn mức cho vay tín chấp đối với mục đích vay sản xuất nông nghiệp gắn với thực hiện hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, cụ thể hộ gia đình được vay đến 500 triệu đồng/hộ, hợp tác xã, trang trại được vay đến 4 tỷ đồng/đơn vị; đồng thời chỉ đạo Ngân hàng nhà nước Việt Nam có văn bản hướng dẫn các Ngân hàng thương mại cho vay luân chuyển từ khâu nuôi thủy sản (sản xuất giống, chế biến thức ăn thỦy ban sản) đến thu mua, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm từ cá tra; bổ sung quy định về nhận tài sản thế chấp hình thành trong tương lai đối với sản lượng cá trong ao nuôi nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn vay phục vụ sản xuất.
II. Thu hút đầu tư tư nhân và hỗ trợ liên kết doanh nghiệp - nông dân.
- Ưu đãi cao nhất để thu hút các doanh nghiệp thuộc diện ưu tiên đặc biệt (sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày..., và các doanh nghiệp nằm trong cụm công nghiệp - dịch vụ gắn với vùng chuyên canh và có hợp đồng liên kết với nông dân: (i) tạo thủ tục giao đất thuận lợi, giảm tiền thuê đất; (ii) hình thành quỹ hỗ trợ xây dựng nhà ở và các công trình phục vụ đời sống cho công nhân; (iii) xây dựng hạ tầng điện, nước, thủy lợi đầy đủ cho các doanh nghiệp nằm trong cụm công nghiệp - dịch vụ phục vụ nông nghiệp. Đối với doanh nghiệp chế biến nằm trong vùng ngập sâu theo quy hoạch, hỗ trợ xây dựng nền, đường trục chính (thủy hoặc bộ) đến các khu công nghiệp; (iv) ưu đãi cao nhất về tín dụng, thuế, khoa học công nghệ, đào tạo nghề,... theo quy định của Nhà nước.
- Tiếp tục rà soát nhằm đơn giản thủ tục cấp phép đầu tư và đăng ký hoạt động đối với các doanh nghiệp chế biến nông sản nói chung khác.
III.Tăng quy mô và sử dụng hiệu quả đầu tư công
- Tỉnh cần sẵn sàng kinh phí và quỹ đất để xây dựng hệ thống hạ tầng của tỉnh nối kết với các trục giao thông chính do Trung ương xây dựng, đặc biệt là các huyện vùng ngập sâu.
- Tăng đầu tư cho cơ sở hạ tầng nông thôn hoặc thủy lợi nội đồng phục vụ sản xuất, đặc biệt hệ thống đê bao cho vùng sản xuất chuyên canh cây ăn trái và vùng hoa cây cảnh.
- Dành kinh phí đáng kể cho đầu tư nạo vét kênh mương trong vùng chuyên canh phục vụ giao thông thủy, tạo điều kiện vận chuyển thuận lợi; xây dựng thiết kế phù hợp khai thác tối đa tiềm năng phát triển đường thủy.
- Huy động đối tác công - tư để phát triển giao thông nông thôn, cầu cảng, hệ thống điện phục vụ sản xuất - kinh doanh nông nghiệp.
- Hỗ trợ vốn và lãi suất tín dụng nông dân và hợp tác xã mua, bảo hành, bảo dưỡng đi kèm với việc đào tạo sử dụng máy móc tại các vùng chuyên canh. Đặc biệt hệ thống làm phẳng ruộng bằng công nghệ laser và máy gặt đập liên hợp cho sản xuất lúa gạo.
- Củng cố cầu, đường, mở rộng quy mô bờ thủa để vận chuyển bằng xe cơ giới thuận tiện.
V. Phát triển kinh tế trang trại
- Hình thành quỹ phát triển kinh tế trang trại từ nguồn ưu đãi của Nhà nước và các tổ chức quốc tế nhằm hỗ trợ tối đa cho các trang trại có quy mô lớn, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng. Tạo điều kiện để để các trang trại này xây dựng đồng ruộng, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp, đặc biệt ưu tiên cao nhất cho các sản phẩm chủ lực.
- Ưu đãi nông dân trong vùng chuyên canh được công nhận là nông dân giỏi như: hỗ trợ tích tụ (tạo điều kiện vay vốn mua đất, trợ cấp tiền thuê đất, hỗ trợ thủ tục mua bán đất), hỗ trợ tham gia hợp tác xã, liên kết với doanh nghiệp (hỗ trợ đầu tư xây dựng đồng ruộng, được đào tạo kỹ thuật, được ứng trước vật tư, ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm và liên kết doanh nghiệp...).
VI. Phát triển kinh tế hợp tác
- Thực hiện đãi ngộ để thu hút sinh viên đã tốt nghiệp Đại học về làm việc cho HTX: Ngân sách Nhà nước hỗ trợ trong 03 năm đầu với mức lương cơ bản như cán bộ công chức hiện hưởng và các chế độ khác do HTX thoả thuận
- Hình thành quỹ bảo lãnh tín dụng cho các HTX vay vốn ưu đãi mua máy, xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất.
- Hỗ trợ việc thành lập các Hợp tác xã mới như thông tin, đào tạo, tư vấn kiến thức quản lý, tư vấn xây dựng điều lệ và hỗ trợ hoàn thiện các thủ tục liên quan đến việc thành lập; tăng mức kinh phí hỗ trợ trong 2 năm đầu.
- Khuyến khích và hỗ trợ các hợp tác xã thành lập các tổ cung cấp dịch vụ như làm đất, phun rải phân bón và thuốc BVTV, thu hoạch bằng cơ giới.
VII. Đẩy mạnh việc rút lao động ra khỏi nông nghiệp
- Nâng mức hỗ trợ cho lao động theo học các ngành nghề trong quy hoạch để đi xuất khẩu lao động nhằm khuyến khích và nâng cao chất lượng lao động xuất khẩu.
- Xem xét thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất đầu tư cơ sở vật chất cho các doanh nghiệp mở rộng sản xuất có thu thêm lao động (thực hiện theo chương trình khuyến công của tỉnh với mức hỗ trợ cụ thể phụ thuộc vào số lao động tăng thêm); Hỗ trợ lãi suất hoặc vốn vay ưu đãi cho dự án thành lập doanh nghiệp mới hoặc mở cơ sở sản xuất kinh doanh ban đầu thuộc các ngành hàng chủ lực của tỉnh.
- Hỗ trợ đào tạo nghề để chuyển lao động ra khỏi nông nghiệp. Riêng đối với lao động xuất khẩu, hỗ trợ đào tạo về tập quán, tác phong, ngôn ngữ, văn hóa của nơi tiếp nhận lao động và các thủ tục cho việc xuất khẩu lao động.
- Xây dựng chương trình cung cấp thông tin về thị trường (doanh nghiệp, địa bàn, điều kiện làm việc, điều kiện ăn ở, giá cả thị trường, quy định, luật lệ,...)
- Hỗ trợ việc làm (hỗ trợ vay vốn, thủ tục, hỗ trợ kết nối doanh nghiệp với người lao động...)
- Hỗ trợ xây dựng tổ chức nghiệp đoàn của lao động di cư trong và ngoài nước (đăng ký, quỹ hoạt động, tổ chức, bảo hiểm, thông tin...)
- Thông qua nghiệp đoàn và phối hợp với doanh nghiệp để đảm bảo ăn ở, an ninh, đi lại, sức khỏe, chuyển tiền và các quyền lợi chính đáng... của người lao động tại điểm đến.
- Đổi mới hoạt động quản lý nhà nước để hỗ trợ doanh nghiệp, tập trung vào những dịch vụ công mới (phát triển thị trường, xúc tiến thương mại, quản lý chất lượng, phòng chống rủi ro, bảo vệ môi trường…).
- Hình thành các quỹ hoạt động từ nguồn ngân sách phục vụ cho công tác cung cấp dịch vụ công với sự tham gia đánh giá hiệu quả của cả các đối tượng được hưởng lợi.
- Xây dựng mới Trung tâm nông nghiệp huyện sát nhập từ các trung tâm khuyến nông, BVTV, thú y, trạm thủy sản; có tư cách pháp nhân độc lập, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, chịu sự chỉ đạo trực tiếp của UBND huyện và hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ của cơ quan chuyên môn cấp trên.
IX. Phát triển nguồn nhân lực, tăng cường thu hút và đào tạo tri thức
- Thu hút chuyên gia: Căn cứ vào việc xác định các vị trí cần thu hút trí thức ở tỉnh, huyện và cơ sở (tập trung vào các bộ phận nghiên cứu, dịch vụ kỹ thuật, dịch vụ công) cân đối với khả năng chi trả của ngân sách để hình thành quỹ lương và trợ cấp thỏa đáng để thu hút chuyên gia đáp ứng đủ trình độ vào những vị trí then chốt.
- Thu hút cán bộ trí thức: Khuyến khích các cơ quan sử dụng cán bộ trí thức để tăng hiệu quả công việc (chọn lựa cán bộ có năng lực, trẻ; khoán quỹ lương, trao quyền tự chủ để lấy thu bù chi cho các đơn vị, hỗ trợ nhà ở, tạo điều kiện bảo hiểm y tế, hỗ trợ học tập cho con cái…).
- Đào tạo và thu hút trí thức trẻ về công tác tại địa bàn nông thôn: cấp học bổng những năm cuối cho các sinh viên giỏi, ưu tiên vào biên chế, cho vay vốn mở dịch vụ nếu ở khu vực tư nhân, trợ cấp cho các HTX hoặc doanh nghiệp sử dụng trí thức trẻ, tiến hành đào tạo, cung cấp thông tin, hỗ trợ thủ tục hành chính…
- Thu hút chuyên gia, trí thức từ các Viện nghiên cứu và Trường đại học làm việc bán thời gian tại Đồng Tháp: đặt hàng mua sản phẩm và dịch vụ KHCN, đặt hàng tư vấn, tạo điều kiện đi lại ăn ở, cung cấp thông tin…
- Tổ chức đào tạo kỹ năng quản lý, kỹ năng mềm, và kỹ năng lãnh đạo cho nhân lực chủ chốt trong các lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ, và quản lý nhà nước.
- Thành lập Ban Điều hành thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp do Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh làm Trưởng Ban, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm Phó Ban trực và lãnh đạo một số Sở, Ngành tỉnh làm thành viên.
- Thành lập Nhóm tư vấn triển khai thực hiện Đề án với nhiệm vụ hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn triển khai, vận động chính sách, nguồn lực và tài trợ quốc tế. Thành phần nhóm tư bao gồm: Lãnh đạo tỉnh, chuyên gia Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, Vụ Quan hệ quốc tế, VCCI, Doanh nghiệp tham gia liên kết, HTX tiêu biểu, cơ quan truyền thông và lãnh đạo một số Sở, Ngành tỉnh.
- Thành lập Phòng Quản lý thực hiện Đề án trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm giúp việc cho Ban Điều hành và nhóm tư vấn; phối hợp với các Sở, Ngành tỉnh và địa phương theo dõi, đôn đốc, triển khai thực hiện đề án và định kỳ báo cáo kết quả thực hiện cho Ban Điều hành và Ủy ban nhân dân tỉnh.
- Phân công nhiệm vụ các Sở, Ngành Tỉnh, địa phương và các tổ chức chính trị xã hội: Căn cứ nội dung Đề án, các sở ngành tỉnh, các tổ chức chính trị xã hội và địa phương dựa trên chức năng, nhiệm vụ cụ thể của từng cơ quan đơn vị tiến hành xây dựng và trình kế hoạch cụ thể và triển khai thực hiện nhằm đảm bảo thực hiện đúng tiến độ và nội dung Đề án đề ra.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1Quyết định 2708/QĐ-UBND năm 2017 về điều chỉnh Quyết định 952/QĐ-UBND phê duyệt Đề án phát triển vùng nguyên liệu Dứa phục vụ chế biến, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2017-2020
- 2Quyết định 3796/QĐ-UBND năm 2017 về Kế hoạch thực hiện phong trào thi đua Đổi mới, phát triển hợp tác xã nông nghiệp theo Luật Hợp tác xã năm 2012 góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới do tỉnh Đồng Nai ban hành
- 3Nghị quyết 71/2017/NQ-HĐND về sửa đổi Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp được kèm theo Nghị quyết 254/2016/NQ-HĐND do tỉnh Long An ban hành
- 4Quyết định 888/QĐ-UBND-HC năm 2022 phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030
- 1Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 2Luật Công nghệ cao 2008
- 3Quyết định 71/2010/QĐ-TTg ban hành Quy chế thí điểm đầu tư theo hình thức đối tác công - tư do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Luật hợp tác xã 2012
- 5Quyết định 138/QĐ-UBND.HC năm 2009 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh về nông nghiệp, nông dân, nông thôn tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020
- 6Quyết định 899/QĐ-TTg năm 2013 phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 7Nghị định 193/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật hợp tác xã
- 8Nghị định 210/2013/NĐ-CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn
- 9Quyết định 2708/QĐ-UBND năm 2017 về điều chỉnh Quyết định 952/QĐ-UBND phê duyệt Đề án phát triển vùng nguyên liệu Dứa phục vụ chế biến, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2017-2020
- 10Quyết định 3796/QĐ-UBND năm 2017 về Kế hoạch thực hiện phong trào thi đua Đổi mới, phát triển hợp tác xã nông nghiệp theo Luật Hợp tác xã năm 2012 góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới do tỉnh Đồng Nai ban hành
- 11Nghị quyết 71/2017/NQ-HĐND về sửa đổi Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp được kèm theo Nghị quyết 254/2016/NQ-HĐND do tỉnh Long An ban hành
Quyết định 591/QĐ-UBND.HC năm 2014 về phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020 và tầm nhìn năm 2030
- Số hiệu: 591/QĐ-UBND.HC
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 30/06/2014
- Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Tháp
- Người ký: Lê Minh Hoan
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra