ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 5821/QĐ-UBND | Nghệ An, ngày 29 tháng 12 năm 2011 |
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH XÚC TIẾN ĐẦU TƯ VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ ĐỐI NGOẠI TỈNH NGHỆ AN NĂM 2020
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư;
Căn cứ Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến 2020 của tỉnh Nghệ An được phê duyệt tại Quyết định số 197/2007/QĐ.TTg ngày 28/12/2007 của Thủ tướng Chính phủ;
Căn cứ Quyết định số 976/QĐ-UBND ngày 30/3/2011 của UBND tỉnh V/v phân bổ quy hoạch năm 2011;
Căn cứ Văn bản số 4062/UBND-TM ngày 18/7/2011 V/v phê duyệt đề cương Quy hoạch Xúc tiến đầu tư và phát triển kinh tế đối ngoại tỉnh Nghệ An đến năm 2020 của UBND tỉnh Nghệ An; Quyết định số 3531/QĐ-UBND.TM ngày 01/9/2011 của UBND tỉnh V/v phê duyệt dự toán kinh phí lập Quy hoạch Xúc tiến đầu tư và Phát triển kinh tế đối ngoại tỉnh Nghệ An đến năm 2020;
Xét đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Công văn số 2494/SKH-ĐT ngày 27/12/2011,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch Xúc tiến đầu tư và Phát triển kinh tế đối ngoại tỉnh Nghệ An đến năm 2020 với các nội dung chính như sau:
1. Tên quy hoạch: Quy hoạch Xúc tiến đầu tư và Phát triển kinh tế đối ngoại tỉnh Nghệ An đến năm 2020.
2. Quan điểm: Tiếp tục đổi mới và tạo đột phá về cải cách thể chế, phát triển nguồn nhân lực, xây dựng kết cấu hạ tầng để phát triển nhanh, bền vững, coi trọng ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội - xã hội của tỉnh trên cơ sở phát huy nội lực gắn với tranh thủ tối đa ngoại lực trong thế chủ động hội nhập và cạnh tranh quốc tế; hợp tác chặt chẽ với các địa phương trong cả nước, đặc biệt là các địa phương trong vùng Bắc Trung bộ và vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung.
a) Mục tiêu tổng quát: Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh Nghệ An theo hướng thông thoáng, thuận lợi cho nhà đầu tư nhằm thu hút vốn đầu tư vào tỉnh ngày càng nhiều, triển khai thực hiện có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu bổ sung nguồn lực từ bên ngoài vào tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội, góp phần đạt được mục tiêu trong quy hoạch tổng thể phát triển KT - XH tỉnh Nghệ An đến năm 2020.
b) Mục tiêu cụ thể: Thu hút được 90.000 - 110.000 tỷ đồng vốn đăng ký của các dự án đầu tư không sử dụng vốn ngân sách tỉnh; vốn thực hiện đạt 60.000 - 65.000 tỷ đồng (bao gồm cả vốn thực hiện của các dự án đã đăng ký giai đoạn 2006 - 2010), chiếm 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội (180.000 tỷ đồng), chú trọng thu hút các dự án FDI.
a) Nhu cầu vốn đầu tư phát triển của toàn xã hội.
- Tổng vốn đầu tư: Khoảng 180.000 tỷ đồng giai đoạn 2011 - 2015 và khoảng 350.000 - 400.000 tỷ đồng giai đoạn 2016 - 2020. Kim ngạch xuất khẩu năm 2015 trên 550 - 600 triệu USD. Năm 2020 khoảng 1.900 triệu USD.
- Phấn đấu mức thu ngân sách trên địa bàn tăng bình quân hàng năm khoảng 17 - 20% trong cả thời kỳ 2011 - 2020, năm 2015 đạt khoảng 9.500 - 10.000 tỷ đồng và đến năm 2020 đạt khoảng 30.000 tỷ đồng.
b) Nhu cầu vốn đầu tư các dự án ngoài ngân sách.
- Nguồn vốn đầu tư từ các doanh nghiệp: Dự báo trong giai đoạn 2011 - 2015 có thể huy động được khoảng 31.000 tỷ đồng, đáp ứng khoảng 17,0 - 18,0% nhu cầu vốn đầu tư; giai đoạn 2016 - 2020 huy động được khoảng 90.000 tỷ, đáp ứng được khoảng 20,0% nhu cầu vốn đầu tư.
- Nguồn vốn dân cư và tư nhân: Nguồn vốn này có thể đáp ứng được 20% nhu cầu vốn đầu tư của giai đoạn 2011 - 2020; tương ứng số tiền huy động giai đoạn 2011 - 2015 là 36.000 tỷ đồng, giai đoạn 2015 - 2020 là 90.000 tỷ.
- Vốn đầu tư thu hút ngoài tỉnh và ngoài nước: Nguồn vốn này có vị trí rất quan trọng, việc thu hút đầu tư bên ngoài không chỉ là tạo vốn mà còn là cơ hội để đổi mới công nghệ, đào tạo cán bộ kỹ thuật và mở rộng thị trường. Ước giai đoạn 2011 - 2020, có thể huy động được khoảng 86.000 tỷ đồng (trong đó giai đoạn 2011 - 2015 dự kiến huy động 36.000 tỷ đồng; Trong đó FDI khoảng 10.000 tỷ đồng; Giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 50.000 tỷ đồng, trong đó vốn FDI khoảng 50.000 tỷ đồng).
- Vốn tín dụng: Sự điều tiết của nhà nước thể hiện bằng nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi. Dự kiến giai đoạn 2011 - 2015 dự kiến cần khoảng 32.000 tỷ đồng; 2016 - 2020, cần khoảng 90.000 tỷ, chiếm khoảng 20,0% tổng nhu cầu vốn đầu tư. Nguồn vốn vay được sử dụng chủ yếu để thực hiện các dự án phát triển sản xuất trọng điểm.
- Vận động viện trợ ODA: Đạt từ 300 - 350 triệu USD (6.000 - 7.200 tỷ đồng). Tiếp tục chú trọng vận động các nhà tài trợ đa phương (WB, ADB) và các nhà tài trợ truyền thống như JICA, KfW; AFD đối với các dự án đầu tư hạ tầng đô thị (cấp thoát nước, xử lý chất thải, biến đổi khí hậu,...); nông nghiệp và PTNT; xây dựng nông thôn mới...
- Vận động viện trợ NGO: Đạt 12 - 13 triệu USD (240 - 260 tỷ đồng). Vận động các tổ chức đang hoạt động (Oxfam Hồng Kông, Orbis Quốc tế...) mở rộng địa bàn hoặc kéo dài các chương trình, dự án đồng thời với thu hút các tổ chức NGO mới (AP, Mỹ hoạt động trong lĩnh vực y tế,...).
5. Định hướng xúc tiến đầu tư, phát triển Kinh tế đối ngoại
a) Định hướng chung: Thu hút đầu tư các dự án có định hướng và chọn lọc, chú trọng chất lượng dự án và thẩm tra kỹ năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư, phù hợp với tiềm năng và thế mạnh của Nghệ An, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội chung của toàn tỉnh, các huyện thành thị, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và sản phẩm ưu tiên, đảm bảo phát triển bền vững. Ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, sử dụng nhiều lao động, chiếm ít diện tích, thân thiện với môi trường; sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả tài nguyên; hạn chế các dự án có công nghệ, thiết bị lạc hậu, đóng góp ngân sách ít và sử dụng đất đai lớn.
b) Định hướng ngành, lĩnh vực:
- Ngành Công nghiệp - Xây dựng: Kết hợp phát triển công nghiệp truyền thống với công nghiệp hiện đại. Trong đó, tập trung ưu tiên các lĩnh vực: công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản (chè, cà phê, cao su, hoa quả, thực phẩm, lâm sản, thủy sản); cơ khí, điện tử, công nghệ thông tin và truyền thông; sản xuất vật liệu mới, chế biến khoáng sản, vật liệu xây dựng (xi măng, vật liệu không nung, gạch granite ốp lát tự nhiên và nhân tạo, chế biến đá trắng); điện, thiết bị tự động hóa, công nghệ sinh học; hóa dầu; dệt may, da giày; hàng thủ công mỹ nghệ; các dự án công nghiệp hỗ trợ; xây dựng cơ sở hạ tầng theo các hình thức BOT, BT, PPP (khu, cụm công nghiệp, đường giao thông, cấp thoát nước, xử lý rác thải, chất thải...).
- Ngành Dịch vụ: Phát triển các dịch vụ để tạo động lực thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển. Cụ thể, khuyến khích mạnh thu hút đầu tư vào các ngành du lịch, y tế, giáo dục - đào tạo (chú trọng đào tạo nghề), ngân hàng, tài chính, logistic (vận tải đa phương thức, kho bãi, hậu cần cảng...); bưu chính, viễn thông, bán buôn, bán lẻ và văn hóa.
- Ngành Nông - Lâm - Ngư nghiệp: Xây dựng nông nghiệp công nghệ cao phù hợp chiến lược phát triển ngành, thu hút đầu tư định hướng theo ngành hàng, sản phẩm chủ yếu.
c) Địa bàn trọng điểm:
- Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An gắn với thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò gắn với vùng Nam Nghệ - Bắc Hà:
+ Thành phố Vinh: Thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực thương mại, du lịch, giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chăm sóc y tế hiện đại, tài chính, tín dụng, ngân hàng, vận tải, bảo hiểm, bưu chính viễn thông, công nghiệp sạch, sử dụng công nghệ cao, ít diện tích.
+ Thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An theo hướng khu kinh tế đa ngành, đa chức năng gắn với thành phố Vinh trở thành địa bàn phát triển có tính đột phá của tỉnh Nghệ An.
+ Thu hút đầu tư vào thị xã Cửa Lò các dự án phát triển dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí, thương mại.
+ Triển khai thực hiện Dự án Cảng nước sâu Cửa Lò; Đại lộ Vinh - Cửa Lò...
- Khu công nghiệp Hoàng Mai, Đông Hồi gắn với vùng Nam Thanh - Bắc Nghệ: Tập trung thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp động lực: xi măng, nhiệt điện, luyện thép, công nghiệp cơ khí; đầu tư xây dựng cảng Đông Hồi, hạ tầng các Khu công nghiệp Đông Hồi, Hoàng Mai.
- Khu vực miền Tây Nghệ An (Nghĩa Đàn - Thái Hòa - Quỳ Hợp - Tân Kỳ):
+ Thu hút đầu tư chăn nuôi đại gia súc, cây công nghiệp và chế biến nông lâm sản: mía, cao su, chè, chế biến hoa quả, chế biệt thịt, sữa; Tiếp tục triển khai các dự án thủy điện, xi măng, vật liệu xây dựng, khoáng sản.
+ Xây dựng hạ tầng và thu hút đầu tư vào các KCN tập trung, cụm công nghiệp trong vùng.
d) Đối tác thu hút đầu tư:
- Tập trung thu hút các nhà đầu tư lớn có tiềm lực và kinh nghiệm, đặc biệt là các Tổng công ty lớn trong nước; các Tập đoàn, Công ty đa quốc gia thuộc các nước thành viên EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore... Gắn ưu tiên ngành lĩnh vực đầu tư với đối tác đầu tư.
- Hỗ trợ phát triển mạnh các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tạo điều kiện để hình thành các doanh nghiệp lớn, có sức cạnh tranh trên thị trường. Phát triển doanh nhân về số lượng và năng lực quản lý, có đạo đức và trách nhiệm xã hội. Tăng cường sự gắn bó mật thiết giữa người lao động và người sử dụng lao động.
e) Thu hút viện trợ ODA, NGO
- Đối với các dự án ODA, tập trung ưu tiên: Xây dựng hạ tầng kinh tế đồng bộ theo hướng hiện đại; Phát triển nông nghiệp; xây dựng nông thôn mới kết hợp xoá đói, giảm nghèo; Xây dựng kết cấu hạ tầng xã hội (y tế, giáo dục đào tạo, dân số phát triển và một số lĩnh vực khác); Bảo vệ môi trường và các nguồn tài nguyên thiên nhiên; Thích ứng với biến đổi khí hậu,... Tăng cường năng lực thể chế và phát triển nguồn nhân lực; chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực nghiên cứu và triển khai.
- Đối với các dự án NGO, tập trung ưu tiên:
+ Địa bàn: Các huyện miền núi cao như Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong; các xã nghèo của vùng miền núi thấp thuộc các huyện Thanh Chương, Đô Lương…; các xã trung du, đồng bằng, ven biển, hải đảo thu nhập thấp;
+ Các đối tác NGO: Oxfam Hồng Kông, Oxfam Quebec Canada, CRS Mỹ; PED; ICCO Hà Lan, PyD, ANESVAD Tây Ban Nha; GTV Italia; ORBIS quốc tế; ITI Mỹ; MSI Anh; SODI Đức; Đông Tây hội ngộ Mỹ; Hội Chữ thập đỏ quốc tế; Tầm nhìn thế giới Mỹ; Hội VNAH & HEALTHED Mỹ; DED Đức; Hội tình nguyện Pháp, Bỉ và một số Đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam. Đặc biệt, cần tập trung vào vận động Tổ chức AP (Mỹ) tài trợ xây dựng cơ bản, cung cấp trang thiết bị y tế cho các trạm y tế xã, ưu tiên vùng sâu, vùng xa và các Bệnh viện chuyên ngành của tỉnh và Trung ương trên địa bàn.
6. Nội dung các hoạt động xúc tiến đầu tư và phát triển kinh tế đối ngoại
a) Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các ấn phẩm
- Xây dựng trang Website chuyên đề về xúc tiến đầu tư và phát triển kinh tế đối ngoại được thể hiện bằng 3 ngôn ngữ: Việt, Anh, Hàn Quốc để truyền tải thông tin nhanh nhất tới đông đảo các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
- Mỗi năm một lần sửa đổi và bổ sung cuốn “ Nghệ An - Tiềm năng và cơ hội đầu tư”, trình bày dưới dạng sách mỏng thể hiện bằng 5 ngôn ngữ; Việt, Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc. Cung cấp các thông tin về: Thông điệp của lãnh đạo tỉnh; tiềm năng, cơ hội; môi trường đầu tư; định hướng phát triển, các thủ tục hành chính; chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư. Sách, ấn phẩm phải được thiết kế khoa học, hình thức đẹp, dễ đọc, dễ nhớ, dễ hiểu và gây ấn tượng cho nhà đầu tư.
- Xây dựng phim, clip giới thiệu hình ảnh tỉnh Nghệ An thể hiện bằng 3 ngôn ngữ Việt, Anh và Hàn Quốc.
- Thường xuyên sửa đổi, bổ sung danh mục các dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư trên địa bàn; danh mục vận động ODA giai đoạn 2011 - 2015; 2016 - 2020. Các dự án phải xác định rõ vị trí phù hợp với quy hoạch phát triển KT - XH và các quy hoạch chuyên ngành.
- Hàng năm lựa chọn các dự án trong danh mục đã được phê duyệt, các dự án đầu tư theo hình thức BOT, BTO, BT và PPP để xây dựng dự án tóm tắt (Project Profile) giới thiệu tới các nhà đầu tư.
- Thường xuyên cập nhật các thông tin mới về giá một số dịch vụ thiết yếu để cung cấp cho nhà đầu tư như: Giá đất, điện, nước, giá nhân công, cước vận chuyển, cước thông tin,...
b) Đẩy mạnh tuyên truyền và quảng bá
- Liên kết Website của Sở Kế hoạch và Đầu tư với Website của Trung tâm xúc tiến đầu tư phía Bắc; Cục đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Viện nghiên cứu kinh tế Việt Nam; Các hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ của Hàn Quốc; Nhật Bản,...
- Phối hợp với các cơ quan tuyên truyền (báo chí, đài truyền hình) ở Trung ương tăng cường quảng bá hình ảnh của tỉnh; Chủ động giới thiệu tiềm năng, cơ hội, các chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư của tỉnh ra nước ngoài bằng các hình thức như: Gửi thư mời, thư điện tử, thông tin trên Website,...
- Thông qua đại diện của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại các đại sứ quán của Việt Nam ở nước ngoài để tuyên truyền quảng bá và kêu gọi đầu tư.
- Gửi các tài liệu, ấn phẩm của tỉnh tới các Hội nghị, Hội thảo về xúc tiến đầu tư; Đánh giá hiệu quả viện trợ; Hội chợ Thương mại trong nước và ngoài nước.
c) Vận động thu hút đầu tư và vận động viện trợ
- Năm 2012: Tập trung thu hút đầu tư vào các lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng khu vực đô thị và nông thôn; Chế biến Nông lâm thủy hải sản; Xây dựng nông thôn mới;
- Năm 2013: Tập trung thu hút đầu tư vào các lĩnh vực Công nghệ sinh học, Y tế, sản xuất dược phẩm, giáo dục, thương mại và du lịch.
- Năm 2014: Tập trung thu hút đầu tư vào các lĩnh vực Điện, điện tử; thiết bị tự động hóa, công nghệ thông tin và truyền thông;
- Năm 2015: Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư nhằm thu hút đầu tư vào các lĩnh vực Du lịch sinh thái, hạ tầng thương mại; giao thông và Khu kinh tế cửa khẩu,...
- Năm 2016 - 2020: Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư nhằm thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao; Công nghiệp hỗ trợ; Vật liệu xây dựng cao cấp; Tài chính; Tín dụng; Văn hóa thể thao...
- Tổ chức các đoàn xúc tiến đầu tư tham dự các Hội nghị, Hội thảo về xúc tiến đầu tư do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ, ngành TW và các địa phương tổ chức.
- Tăng cường trao đổi thông tin với Tham tán các Đại sứ quán Việt Nam phụ trách xúc tiến đầu tư tại các quốc gia: Nhật Bản, Hàn Quốc; Đài Loan; Mỹ; Đức; Singapore; Úc,.. để làm cầu nối tuyên truyền, quảng bá thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư tại các quốc gia mục tiêu.
- Thông qua các Tổ chức hữu nghị Việt Nam, đặt mối quan hệ với các tổ chức phi Chính phủ, các hội hữu nghị của nước bạn; khuyến khích các Sở, ban ngành, các địa phương tạo mối quan hệ với các tổ chức quốc tế, tăng cường hoạt động ngoại giao nhân dân, tạo hình ảnh tốt đẹp về tỉnh Nghệ An.
- Thông qua Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đặt mối quan hệ với các Công ty đa quốc gia (các nhà đầu tư tiềm năng); tiếp tục tạo mối quan hệ với các Tổng công ty 90, 91 và các tập đoàn kinh tế mạnh trong nước,...
d) Nâng cao năng lực hoạt động xúc tiến đầu tư và vận động viện trợ
- Phối hợp với Vụ Kinh tế đối ngoại, Cục đầu tư nước ngoài, Trung tâm XTĐT phía Bắc thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Các vụ Hợp tác quốc tế của các Bộ, ngành TW tổ chức các lớp tập huấn về nâng cao năng lực vận động viện trợ ODA; năng lực xúc tiến đầu tư cho các cán bộ trực tiếp làm công tác kinh tế đối ngoại và xúc tiến đầu tư, các cán bộ quản lý nhà nước có liên quan và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
- Tổ chức cho các cán bộ chủ chốt, cán bộ trực tiếp làm công tác xúc tiến vận động đầu tư, vận động viện trợ đi thăm quan và học tập kinh nghiệm tại nước ngoài và các địa phương trong nước.
- Tiếp tục nâng cao trình độ ngoại ngữ cho các cán bộ làm công tác XTĐT. Từng bước xây dựng đội ngũ làm công tác XTĐT chuyên nghiệp, đáp ứng được nhiệm vụ đặt ra.
e) Hỗ trợ nhà đầu tư
- Thực hiện tốt việc tiếp đón và giới thiệu địa điểm thực hiện dự án cho nhà đầu tư và cung cấp đầy đủ các thông tin liên quan cho nhà đầu tư. Tăng cường các công tác trợ giúp nhà đầu tư thực hiện các thủ tục hành chính nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án.
- Duy trì cơ chế đối thoại thường xuyên giữa lãnh đạo UBND tỉnh, các Sở, ban, ngành với các nhà đầu tư, đặc biệt coi trọng diễn đàn doanh nghiệp hàng năm; hội nghị cả năm và giữa kỳ. Kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách và pháp luật hiện hành, đảm bảo các dự án hoạt động hiệu quả, nhằm tiếp tục củng cố lòng tin của các nhà đầu tư đối với môi trường kinh doanh của tỉnh, tạo hiệu ứng lan tỏa và tác động tích cực tới nhà đầu tư mới.
f) Xã hội hóa công tác xúc tiến đầu tư
- Chú trọng liên kết, phối hợp với các cơ quan xúc tiến đầu tư ở TW, các tổ chức Hội doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế trong vận động thu hút đầu tư và viện trợ.
- Liên kết và khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, doanh nghiệp và các thành phần kinh tế tham gia vào công tác xúc tiến đầu tư, vận động các nguồn vốn viện trợ,...
- Khuyến khích thành lập các Công ty tư vấn xúc tiến đầu tư, hoạt động môi giới đầu tư.
6. Giải pháp thực hiện quy hoạch
a) Về tuyên truyền
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thông qua tiếp xúc, gặp gỡ, qua các phương tiện thông tin đại chúng, báo chí tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong hệ thống chính trị, các doanh nghiệp và đặc biệt là nhân dân trong vùng dự án.
- Xây dựng mối quan hệ thân thiện, thông thoáng và nhất quán trước sau với nhà đầu tư, doanh nghiệp vì mục tiêu phát triển của Nghệ An, lợi nhuận của doanh nghiệp và lợi ích của cộng đồng. Luôn đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình triển khai thực hiện dự án.
- Chủ động gặp gỡ, trao đổi và lắng nghe các phản hồi, phản ánh từ cơ sở, doanh nghiệp để giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp và hoàn thiện cơ chế, chính sách của tỉnh. Các doanh nghiệp cũng có thể phản ánh, đối thoại, trao đổi cởi mở và nêu câu hỏi để được giải đáp qua trang web Cổng thông tin doanh nghiệp và đầu tư tại Nghệ An tại địa chỉ http://khdt.nghean.gov.vn .
b) Quy hoạch, kế hoạch, cơ chế chính sách
- Làm tốt xây dựng, rà soát, bổ sung quy hoạch và quản lý quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch sử dụng đất chi tiết, quy hoạch của các địa phương, quy hoạch ngành và các sản phẩm chủ yếu.
- Chú trọng công bố rộng rãi các quy hoạch đã được phê duyệt, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng cho các dự án đầu tư; rà soát, kiểm tra, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất.
- Xây dựng và thực hiện các cơ chế, chính sách động viên, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vốn phát triển kinh tế, nhất là phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn nông thôn.
- Đẩy mạnh xã hội hóa các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa - thông tin, thể dục - thể thao, nhằm huy động mọi nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển các lĩnh vực này.
c) Phát triển cơ sở hạ tầng
- Tranh thủ tối đa các nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước; ưu tiên các lĩnh vực cấp, thoát nước, vệ sinh môi trường (xử lý chất thải rắn, nước thải.v.v.);
- Xây dựng và ban hành cơ chế khuyến khích các thành phần kinh tế ngoài nhà nước tham gia phát triển các công trình kết cấu hạ tầng trong đó có các công trình giao thông, cảng biển,...
- Mở rộng đối tượng cho phép đầu tư dịch vụ cảng biển, đặc biệt dịch vụ hậu cần (logistic) để tăng cường năng lực cạnh tranh của hệ thống cảng biển Việt Nam; kêu gọi vốn đầu tư các cảng lớn của các khu vực kinh tế như hệ thống cảng nước sâu Cửa Lò, cảng nước sâu Đông Hồi.
d) Cải cách hành chính
- Thực hiện tốt việc phân cấp quản lý nhà nước đối với nhà đầu tư, đặc biệt trong việc phê duyệt, cấp Giấy chứng nhận đầu tư, quản lý tốt các dự án ĐTNN, gắn với việc tăng cường hợp tác, hỗ trợ, phối hợp hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát việc thi hành pháp luật về đầu tư.
- Nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức nhằm đảm bảo thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại Luật Đầu tư và quy định mới về phân cấp quản lý đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài.
- Đơn giản hóa và công khai quy trình, thủ tục hành chính đối với đầu tư nước ngoài, thực hiện cơ chế "một cửa" trong việc giải quyết thủ tục đầu tư. Đảm bảo sự thống nhất, các quy trình, thủ tục tại các địa phương, đồng thời, phù hợp với điều kiện cụ thể.
- Xử lý dứt điểm, kịp thời các vấn đề vướng mắc trong quá trình cấp phép, điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư.
- Rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy định liên quan đến thủ tục đầu tư. Xây dựng và triển khai thực hiện cơ chế một cửa liên thông trong xử lý hồ sơ của nhà đầu tư. Thí điểm cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, đầu tư, đấu thầu qua mạng.
e) Phát triển nguồn nhân lực
- Đào tạo nghề gắn với đầu ra nhằm đáp ứng nhu cầu lao động kỹ thuật cao của nhà đầu tư. Phát triển hệ thống dạy nghề đa cấp (sơ cấp, trung cấp và cao đẳng nghề), chuyển từ dạy nghề trình độ thấp sang trình độ cao nhằm nâng cao chất lượng lao động, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.
- Nghiên cứu điều chỉnh chuyển dịch cơ cấu lao động theo tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Dự báo nhu cầu lao động cả về số lượng, cơ cấu ngành nghề để có kế hoạch đào tạo phù hợp, đáp ứng nhu cầu lao động của các dự án đầu tư.
f) Bảo đảm an ninh, trật tự cho hoạt động của các doanh nghiệp, nhà đầu tư
- Tạo môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi nhằm thu hút các nhà đầu tư từ bên ngoài và huy động các nguồn lực trong tỉnh. Phát triển dịch vụ tư vấn pháp lý để nâng cao năng lực hội nhập của doanh nghiệp.
- Tiếp tục nâng cao hiệu quả việc chống tham nhũng, tiêu cực và tình trạng nhũng nhiễu đối với nhà đầu tư. Đề cao tinh thần trách nhiệm cá nhân trong xử lý công việc, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở các cơ quan quản lý nhà nước.
a) Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Triển khai công bố quy hoạch. Hàng năm xây dựng nội dung chi tiết kế hoạch xúc tiến đầu tư và phát triển kinh tế đối ngoại; dự trù kinh phí trình UBND tỉnh phê duyệt;
- Làm đầu mối Xây dựng kế hoạch hàng năm, 05 năm về vận động, thu hút, quản lý ODA, NGO; tổ chức chủ động tham mưu cho Lãnh đạo Sở trong công tác chỉ đạo quản lý điều hành các Sở, ban, ngành, các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh thực hiện dự án ODA, NGO. Tham mưu tổng hợp, đề xuất danh mục các dự án ODA, NGO trình UBND tỉnh và các cơ quan Trung ương (Văn phòng Chính phủ; các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Ngoại giao, Tài chính, Uỷ ban công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài....) tổng hợp vào danh mục dự án và vận động các nguồn tài trợ. Chủ trì tập hợp nhu cầu, đề xuất bố trí và điều chỉnh vốn đối ứng cho các dự án ODA và NGO thuộc tỉnh tiếp nhận, quản lý.
- Chủ trì phối hợp với các Sở, ban ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố, thị xã tổ chức triển khai có hiệu quả kế hoạch xúc tiến đầu tư và vận động viện trợ hàng năm và 5 năm.
- Làm đầu mối thực hiện công tác xây dựng quan hệ, tuyên truyền, quảng bá, vận động xúc tiến đầu tư và hỗ trợ các nhà đầu tư. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực xúc tiến đầu tư, vận động viện trợ.
- Tiếp nhận các kiến nghị, phản ánh của các cơ quan, các tổ chức và cá nhân có liên quan khi gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện kế hoạch, quy hoạch. Kiến nghị UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung kế hoạch, quy hoạch cho phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh và các quy định, hướng dẫn của TW.
b) Sở Tài chính: Tham mưu cho UBND tỉnh, bố trí cân đối nguồn vốn ngân sách hàng năm để đảm bảo kinh phí triển khai kế hoạch, quy hoạch.
c) Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam: Chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan có liên quan và các công ty đầu tư hạ tầng khu công nghiệp thực hiện vận động thu hút đầu tư vào khu công nghiệp. Vận động các công ty đầu tư hạ tầng khu công nghiệp đóng góp kinh phí cho hoạt động xúc tiến đầu tư và vận động viện trợ.
d) Các Sở, ngành khác: Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình phối hợp chặt chẽ với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban QL KKT Đông Nam thực hiện tốt công tác xúc tiến đầu tư và vận động viện trợ thuộc lĩnh vực ngành quản lý.
e) Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; các cơ quan Báo đài địa phương: Phối hợp với các cơ quan báo chí, đài phát thanh, truyền hình ở TW để tuyên truyền, vận động thu hút đầu tư và quảng bá hình ảnh tỉnh Nghệ An. Tổ chức thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ đảng viên và nhân dân, nhất là ở cấp cơ sở về nhiệm vụ xúc tiến đầu tư.
f) UBND các huyện, thành phố: Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện công tác xúc tiến đầu tư và vận động viện trợ vào địa bàn của huyện, thành phố.
h) Các tổ chức hội doanh nghiệp của tỉnh: Giúp đỡ các doanh nghiệp hội viên chủ động liên doanh, liên kết, tăng cường thu hút đầu tư vào địa bàn tỉnh. Vận động các doanh nghiệp hội viên đóng góp kinh phí cho hoạt động xúc tiến đầu tư.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Ngoại vụ; Công Thương; Giao thông vận tải; Nông nghiệp và PTNT; Trưởng ban Khu Kinh tế Đông Nam; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban ngành, đơn vị cấp tỉnh và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1Quyết định 23/2008/QĐ-UBND Quy định về hoạt động kinh tế đối ngoại trên địa bàn tỉnh Yên Bái do Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái ban hành
- 2Quyết định 472/QĐ-UBND năm 2013 về chuyển Trung tâm Tư vấn và Xúc tiến thương mại, đầu tư thuộc Ban Kinh tế đối ngoại và Xúc tiến đầu tư sang Sở Kế hoạch và Đầu tư quản lý do tỉnh Yên Bái ban hành
- 3Quyết định 1107/QĐ-UBND năm 2013 về chấm dứt hoạt động của Ban Kinh tế đối ngoại và Xúc tiến đầu tư tỉnh Yên Bái
- 1Luật Đầu tư 2005
- 2Nghị định 108/2006/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Đầu tư
- 3Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 4Quyết định 197/2007/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Quyết định 23/2008/QĐ-UBND Quy định về hoạt động kinh tế đối ngoại trên địa bàn tỉnh Yên Bái do Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái ban hành
- 6Quyết định 472/QĐ-UBND năm 2013 về chuyển Trung tâm Tư vấn và Xúc tiến thương mại, đầu tư thuộc Ban Kinh tế đối ngoại và Xúc tiến đầu tư sang Sở Kế hoạch và Đầu tư quản lý do tỉnh Yên Bái ban hành
- 7Quyết định 1107/QĐ-UBND năm 2013 về chấm dứt hoạt động của Ban Kinh tế đối ngoại và Xúc tiến đầu tư tỉnh Yên Bái
Quyết định 5821/QĐ-UBND năm 2011 phê duyệt Quy hoạch Xúc tiến đầu tư và Phát triển kinh tế đối ngoại tỉnh Nghệ An đến năm 2020
- Số hiệu: 5821/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 29/12/2011
- Nơi ban hành: Tỉnh Nghệ An
- Người ký: Hồ Đức Phớc
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 29/12/2011
- Tình trạng hiệu lực: Đã biết