Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh Phúc
------------------

Số: 58/2014/QĐ-UBND

Bình Thuận, ngày 25 tháng 12 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ KINH PHÍ KHUYẾN CÔNG ĐỊA PHƯƠNG VÀ QUY ĐỊNH MỨC HỖ TRỢ CHO CÁC HOẠT ĐỘNG KHUYẾN CÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21 tháng 5 năm 2012 và Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ;

Căn cứ Thông tư số 46/2012/TT-BCT ngày 28 tháng 12 năm 2012 của Bộ Công Thương Quy định chi tiết một số nội dung của Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21 tháng 5 năm 2012 của Chính phủ về khuyến công; Thông tư số 26/2014/TTLT-BTC-BCT ngày 18 tháng 02 năm 2014 của liên Bộ Tài chính - Bộ Công thương hướng dẫn trình tự lập, quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công quốc gia và kinh phí khuyến công địa phương;

Căn cứ Nghị quyết số 76/2014/NQ-HĐND ngày 08 tháng 12 năm 2014 của Hội đồng nhân dân tỉnh;

Theo đề nghị của Liên Sở Công thương - Sở Tài chính tại Tờ trình số 2098/TTr-LS.CT-TC ngày 03 tháng 11 năm 2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy chế quản lý kinh phí khuyến công địa phương và quy định mức hỗ trợ cho các hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh Bình Thuận”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Công thương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và thủ trưởng các cơ quan có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Công Thương; Bộ Tài Chính;
- Cục Kiểm tra văn bản Bộ Tư pháp;
- TT. Tỉnh ủy; TT. HĐND tỉnh;
- Thường Trực UBMT TQ tỉnh; Đoàn Đại biểu QH tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT.UBND tỉnh;
- Như Điều 3;
- Báo, Đài PTTH Bình Thuận;
- Trung tâm Thông tin tỉnh;
- Lưu: VT, KTN, KSTTHC, NCPC Thuần (...b).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lê Tiến Phương

 

QUY CHẾ

QUẢN LÝ KINH PHÍ KHUYẾN CÔNG ĐỊA PHƯƠNG VÀ QUY ĐỊNH MỨC HỖ TRỢ CHO CÁC HOẠT ĐỘNG KHUYẾN CÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 58/2014/QĐ-UBND ngày 25/12/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận)

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định trình tự lập, quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công địa phương và quy định mức hỗ trợ cho các hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

2. Đối tượng áp dụng

a) Tổ chức, cá nhân trực tiếp đầu tư, sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Thuận; bao gồm: Doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật (sau đây gọi chung là cơ sở công nghiệp nông thôn);

b) Các cơ sở sản xuất công nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn;

c) Tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tham gia công tác quản lý, thực hiện hoạt động dịch vụ khuyến công.

Điều 2. Nguồn kinh phí bảo đảm hoạt động khuyến công địa phương

Nguồn kinh phí bảo đảm cho hoạt động khuyến công địa phương được quy định tại Điều 3, Thông tư Liên tịch số 26/2014/TTLT-BTC-BCT ngày 18 tháng 02 năm 2014 của liên Bộ Tài chính - Bộ Công thương, gồm các nguồn:

1. Ngân sách địa phương bảo đảm kinh phí cho các hoạt động khuyến công địa phương do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận quản lý, tổ chức thực hiện.

2. Kinh phí huy động từ các nguồn tài chính hợp pháp khác, lồng ghép các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia và các Chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác để thực hiện tốt mục tiêu của khuyến công.

Điều 3. Nguyên tắc sử dụng kinh phí khuyến công địa phương

1. Kinh phí khuyến công địa phương bảo đảm chi cho những hoạt động khuyến công do Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý và tổ chức thực hiện đối với các sản phẩm công nghiệp chủ lực, sản phẩm lợi thế của tỉnh, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm xuất khẩu trong tỉnh phù hợp với chiến lược, quy hoạch về phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.

2. Đề án, nhiệm vụ khuyến công địa phương thực hiện theo phương thức xét chọn hoặc đấu thầu theo quy định; kinh phí và nhiệm vụ của các đề án khuyến công địa phương được thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng trên địa bàn tỉnh.

3. Nguyên tắc ưu tiên: Kinh phí ưu tiên hỗ trợ cho các chương trình, đề án đầu tư phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, áp dụng sản xuất sạch hơn vào các địa bàn và ngành nghề cần ưu tiên trên địa bàn tỉnh Bình Thuận thực hiện theo quy định tại Điều 6, Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21 tháng 5 năm 2012 của Chính phủ về Khuyến công, cụ thể:

a) Địa bàn ưu tiên theo trình tự như sau:

- Ưu tiên địa bàn các xã nghèo, xã vùng cao, huyện đảo Phú Quý; vùng đồng bào dân tộc thiểu số;

- Địa bàn các xã trong kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới;

- Ưu tiên các chương trình, đề án thực hiện tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật.

b) Ngành nghề ưu tiên theo trình tự như sau:

- Các chương trình, đề án hỗ trợ phát triển công nghiệp cơ khí, hóa chất phục vụ nông nghiệp, nông thôn; công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản; công nghiệp hỗ trợ; áp dụng sản xuất sạch hơn trong sản xuất công nghiệp;

- Các chương trình, đề án hỗ trợ phát triển các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; sản phẩm công nghiệp lợi thế và sản phẩm công nghiệp phục vụ sản phẩm lợi thế của tỉnh;

- Các sản phẩm thuộc các chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực, sản phẩm thuộc các ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn theo danh mục được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt;

- Sản xuất các sản phẩm có thị trường xuất khẩu; sản xuất sản phẩm sử dụng nguyên liệu tại chỗ, sử dụng nhiều lao động.

Điều 4. Nội dung chi hoạt động khuyến công

Nội dung chi hoạt động khuyến công địa phương thực hiện theo quy định tại Điều 5, Thông tư Liên tịch số 26/2014/TTLT-BTC-BCT ngày 18 tháng 02 năm 2014 của liên Bộ Tài chính - Bộ Công thương, gồm:

1. Chi đào tạo nghề, truyền nghề ngắn hạn, gắn lý thuyết với thực hành theo nhu cầu của các cơ sở công nghiệp để tạo việc làm và nâng cao tay nghề cho người lao động.

2. Chi hỗ trợ hoạt động tập huấn, đào tạo, hội thảo, diễn đàn; tham quan, khảo sát học tập kinh nghiệm trong nước, ngoài nước để nâng cao năng lực quản lý doanh nghiệp và năng lực áp dụng sản xuất sạch hơn trong sản xuất công nghiệp; chi hỗ trợ đào tạo khởi sự doanh nghiệp; chi hỗ trợ thành lập doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nông thôn; chi hỗ trợ mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm công nghiệp nông thôn.

3. Chi hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật; chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; xây dựng các mô hình thí điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn.

4. Chi tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; chi tổ chức hội chợ, triển lãm hàng công nghiệp nông thôn, hàng thủ công mỹ nghệ; chi hỗ trợ gian hàng triển lãm tập trung của tỉnh và các cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia hội chợ, triển lãm; chi hỗ trợ xây dựng, đăng ký thương hiệu; chi hỗ trợ các phòng trưng bày để giới thiệu quảng bá sản phẩm (tại các Trung tâm Khuyến công cấp vùng, cấp tỉnh và cơ sở công nghiệp nông thôn) và các hoạt động xúc tiến thương mại khác.

5. Chi tư vấn: Lập dự án đầu tư, marketing; quản lý sản xuất - tài chính - kế toán - nhân lực; thành lập doanh nghiệp; liên doanh, liên kết trong sản xuất kinh doanh; thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói; ứng dụng công nghệ - thiết bị mới trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tiếp cận các chính sách ưu đãi đầu tư, chính sách đất đai, chính sách khoa học công nghệ, chính sách tài chính - tín dụng và các chính sách ưu đãi khác của Nhà nước.

6. Chi xây dựng các chương trình truyền hình, truyền thanh; xuất bản các bản tin, ấn phẩm; xây dựng dữ liệu, trang thông tin điện tử; tờ rơi, tờ gấp và các hình thức thông tin đại chúng khác về phát triển công thương.

7. Chi hỗ trợ liên doanh liên kết, hợp tác kinh tế, phát triển các cụm công nghiệp và di dời cơ sở gây ô nhiễm môi trường.

a) Chi hỗ trợ các cơ sở công nghiệp thành lập các hiệp hội, hội ngành nghề; cho hỗ trợ xây dựng các cụm liên kết doanh nghiệp công nghiệp;

b) Chi hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết; chi hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; chi tổ chức hội nghị, hội thảo và diễn đàn để thu hút đầu tư phát triển cụm công nghiệp;

c) Chi hỗ trợ tư vấn, lãi suất vốn vay cho các cơ sở công nghiệp nông thôn gây ô nhiễm môi trường di dời vào các khu, cụm công nghiệp;

d) Chi hỗ trợ xây dựng hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường tại các cụm công nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn.

8. Chi hợp tác quốc tế về khuyến công:

a) Chi xây dựng các chương trình, đề án, dự án hợp tác quốc tế về hoạt động khuyến công và sản xuất sạch hơn;

b) Chi trao đổi, học tập kinh nghiệm về công tác khuyến công, khuyến khích phát triển công nghiệp, quản lý cụm công nghiệp, sản xuất sạch hơn với các tổ chức, cá nhân nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam thông qua hội nghị, hội thảo và diễn đàn;

c) Chi nâng cao năng lực, trình độ cho cán bộ làm công tác khuyến công theo các chương trình hợp tác quốc tế và các chương trình, đề án học tập khảo sát ngoài nước.

9. Chi nâng cao năng lực quản lý và tổ chức thực hiện hoạt động khuyến công:

a) Chi xây dựng chương trình, tài liệu và tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác khuyến công;

b) Chi tổ chức tham quan khảo sát, học tập kinh nghiệm trong nước; chi hội thảo chuyên đề, hội nghị đánh giá tổng kết về hoạt động khuyến công; xây dựng, duy trì và phổ biến các cơ sở dữ liệu và trang thông tin điện tử về khuyến công, sản xuất sạch hơn;

c) Chi nâng cấp cơ sở vật chất, phương tiện, làm việc cho các Trung tâm khuyến công tỉnh; chi thù lao cho cộng tác viên để duy trì mạng lưới cộng tác viên khuyến công;

d) Chi xây dựng chương trình khuyến công từng giai đoạn và kế hoạch khuyến công hàng năm;

đ) Chi kiểm tra, giám sát, hướng dẫn triển khai thực hiện các chương trình, đề án và nghiệm thu hoạt động khuyến công địa phương.

10. Các khoản chi khác phục vụ hoạt động khuyến công (nếu có).

Điều 5. Mức chi cho hoạt động khuyến công

1. Chi tổ chức bình chọn và cấp Giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, cấp huyện:

a) Chi cho tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, cấp huyện. Mức hỗ trợ không quá 50 triệu đồng/lần đối với cấp tỉnh và 25 triệu đồng/lần đối với cấp huyện;

b) Chi thưởng cho sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu được bình chọn: Đạt giải cấp tỉnh được thưởng không quá 2,5 triệu đồng/sản phẩm; đạt giải cấp huyện được thưởng không quá 1,2 triệu đồng/sản phẩm.

2. Chi hỗ trợ các cơ sở công nghiệp thành lập hội, hiệp hội ngành nghề cấp tỉnh, mức hỗ trợ tối đa 30% chi phí thành lập, nhưng không quá 35 triệu đồng/hội, hiệp hội.

3. Chi thù lao cho cộng tác viên để duy trì mạng lưới cộng tác viên khuyến công. Mức hỗ trợ không quá 3 triệu đồng 01 cộng tác viên/năm.

4. Chi hỗ trợ các cơ sở sản xuất công nghiệp xây dựng mô hình thí điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn, gồm các mức:

a) Chi hỗ trợ tư vấn, đánh giá sản xuất sạch hơn cho các cơ sở sản xuất công nghiệp được chọn thí điểm tối đa không quá 50% chi phí tư vấn, nhưng không quá 20 triệu đồng/cơ sở;

b) Chi hỗ trợ xây dựng mô hình thí điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn tại các cơ sở sản xuất công nghiệp, mức hỗ trợ tối đa 30% nhưng không quá 150 triệu đồng/mô hình.

5. Chi cho cán bộ ngành Công thương tham dự hội nghị, hội thảo, hội chợ, diễn đàn, tổng kết, đào tạo, tập huấn, bảo vệ kế hoạch, quyết toán (chương trình khuyến công, sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng): Theo chế độ hội nghị, công tác phí hiện hành của tỉnh.

6. Chi cho hoạt động thẩm định các đề án khuyến công, gồm:

a) Chi văn phòng phẩm, điện thoại, bưu chính; chi công tác phí, xăng xe, thuê xe đi kiểm tra (nếu có) thực hiện theo thực tế phát sinh;

b) Chi công tác thẩm định, xét chọn, đề án khuyến công.

Chi họp thẩm định; mức chi không quá 250.000 đồng/01 lần họp đối với người chủ trì; mức chi không quá 200.000 đồng/01 lần họp đối với thành viên dự họp (vận dụng mức chi theo Quyết định số 21/2013/QĐ-UBND ngày 13 tháng 5 năm 2013 Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận Quy định định mức xây dựng, phân bổ dự toán kinh phí đề tài, dự án khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Bình Thuận).

7. Các nội dung chi còn lại của hoạt động khuyến công địa phương được áp dụng theo mức chi hoạt động khuyến công quốc gia quy định tại Khoản 1 và Khoản 2, Điều 6, Thông tư Liên tịch số 26/2014/TTLT-BTC-BCT ngày 18 tháng 02 năm 2014 của liên Bộ Tài chính - Bộ Công thương.

Điều 6. Điều kiện để được hỗ trợ kinh phí khuyến công

Điều kiện để các tổ chức, cá nhân được hỗ trợ kinh phí khuyến công địa phương phải đảm bảo các nguyên tắc sau:

1. Nội dung phù hợp với nội dung quy định tại Điều 4 và ngành nghề phù hợp với danh mục ngành nghề quy định tại Điều 5 của Nghị định số 45/2012/NĐ-CP.

2. Nhiệm vụ, đề án được cấp thẩm quyền phê duyệt.

3. Tổ chức, cá nhân đã đầu tư vốn hoặc cam kết đầu tư đủ kinh phí thực hiện đề án đã được cấp thẩm quyền phê duyệt (sau khi trừ số kinh phí được ngân sách nhà nước hỗ trợ).

4. Cam kết của tổ chức, cá nhân thực hiện đề án khuyến công chưa được hỗ trợ từ bất kỳ nguồn kinh phí nào của Nhà nước cho cùng một nội dung chi được kinh phí khuyến công hỗ trợ.

Điều 7. Lập, chấp hành và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước

Việc lập, chấp hành và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước cấp đối với hoạt động khuyến công địa phương thực hiện theo quy định tại điểm b, Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3 của Điều 8, Thông tư Liên tịch số 26/2014/TTLT-BTC-BCT ngày 18 tháng 02 năm 2014 của liên Bộ Tài chính – Bộ Công thương.

Điều 8. Kiểm tra, giám sát, thông tin báo cáo

1. Sở Công thương có trách nhiệm phối hợp với Sở Tài chính kiểm tra định kỳ, đột xuất; giám sát đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu của các đề án, bảo đảm việc quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả.

2. Sở Công thương có trách nhiệm theo dõi, đánh giá định kỳ hằng năm báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thực hiện các nhiệm vụ, đề án khuyến công trên địa bàn tỉnh.

Điều 9. Tổ chức thực hiện

1. Sở Công thương chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, các tổ chức, cá nhân có liên quan tuyên truyền, hướng dẫn kiểm tra việc thực hiện Quy chế này; Sở Công thương có trách nhiệm định kỳ hàng năm, đột xuất (khi có yêu cầu) tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

2. Khi quy định tại các văn bản Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21 tháng 5 năm 2012 của Chính phủ; Thông tư Liên tịch số 26/2014/TTLT-BTC-BCT ngày 18 tháng 02 năm 2014 của liên Bộ Tài chính - Công thương; Quyết định số 21/2013/QĐ-UBND ngày 13 tháng 5 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận được trích dẫn trong Quy chế này có thay đổi thì áp dụng theo các văn bản mới điều chỉnh các văn bản này.

3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các đơn vị phản ánh về Sở Công thương, Sở Tài chính để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định việc sửa đổi bổ sung Quy chế này./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 58/2014/QĐ-UBND về Quy chế quản lý kinh phí khuyến công địa phương và quy định mức hỗ trợ cho hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh Bình Thuận

  • Số hiệu: 58/2014/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 25/12/2014
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Thuận
  • Người ký: Lê Tiến Phương
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản