Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 5747/QĐ-UBND | Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 21 tháng 10 năm 2013 |
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Người khuyết tật ngày 17 tháng 6 năm 2010;
Căn cứ Quyết định số 1208/QĐ-TTg ngày 04 tháng 9 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia Y tế giai đoạn 2012 - 2015;
Xét đề nghị của Sở Y tế thành phố tại Tờ trình số 6317/TTr-SYT ngày 25 tháng 9 năm 2013,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 1208/QĐ-TTg ngày 04 tháng 9 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình Phục hồi chức năng cho người khuyết tật trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2013 -2015.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Thủ trưởng các Sở - ngành thành phố và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| KT. CHỦ TỊCH |
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 1208/QĐ-TTG NGÀY 04 THÁNG 9 NĂM 2012 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ CHƯƠNG TRÌNH PHỤC HỒI CHỨC NĂNG CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH GIAI ĐOẠN 2013 - 2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 5747/QĐ-UBND ngày 21 tháng 10 năm 2013 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố)
Căn cứ Quyết định số 1208/QĐ-TTg ngày 04 tháng 9 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia Y tế giai đoạn 2012 - 2015. Trong đó, chương trình Phục hồi chức năng cho người khuyết tật được xem là một hoạt động quan trọng với các mục đích như sau: Củng cố phát triển hệ thống và nâng cao chất lượng dịch vụ phục hồi chức năng, tăng cường phát hiện sớm, can thiệp sớm và phòng ngừa khuyết tật, cải thiện chất lượng cuộc sống của người khuyết tật về mọi mặt để người khuyết tật được hòa nhập và tham gia bình đẳng vào các hoạt động trong xã hội, phát huy tối đa năng lực của người khuyết tật đóng góp vào sự phát triển chung của cộng đồng, góp phần giảm gánh nặng cho xã hội.
Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 1208/QĐ-TTg ngày 04 tháng 9 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình Phục hồi chức năng cho người khuyết tật trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2013 - 2015 như sau:
1. Mục tiêu chung
Củng cố phát triển hệ thống và nâng cao chất lượng dịch vụ phục hồi chức năng, tăng cường phát hiện sớm, can thiệp sớm và phòng ngừa khuyết tật, cải thiện chất lượng cuộc sống của người khuyết tật về mọi mặt để người khuyết tật được hòa nhập và tham gia bình đẳng vào các hoạt động trong xã hội, phát huy tối đa năng lực của người khuyết tật, đóng góp vào sự phát triển chung của cộng đồng, góp phần giảm gánh nặng cho xã hội.
2. Mục tiêu cụ thể
- 80% người khuyết tật có nhu cầu được tiếp cận với dịch vụ phục hồi chức năng phù hợp;
- 100% trẻ em dưới 6 tuổi được sàng lọc phát hiện sớm các khuyết tật bẩm sinh, rối loạn phát triển và can thiệp sớm để ngăn ngừa và điều trị phục hồi khuyết tật;
- 60% trẻ em khuyết tật được cải thiện chức năng, tăng cường năng lực để có thể tham gia vào học tập, tạo việc làm, có thu nhập và hòa nhập cộng đồng.
- 100% cơ sở y tế tuyến thành phố, 80% cơ sở y tế tuyến quận - huyện có năng lực thực hiện phát hiện sớm các khiếm khuyết ở trẻ sơ sinh và sàng lọc khuyết tật trước sinh;
- 90% cán bộ, nhân viên thuộc các cơ sở y tế, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực y tế có liên quan được tập huấn kiến thức về trợ giúp người khuyết tật, tư vấn sàng lọc trước sinh và sau sinh.
- 100% quận - huyện, phường - xã, thị trấn duy trì công tác phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng.
II. NỘI DUNG VÀ PHÂN CÔNG THỰC HIỆN
1. Sở Y tế
- Chỉ đạo các cơ sở y tế thực hiện việc phát hiện sớm, can thiệp sớm, phẫu thuật chỉnh hình phục hồi chức năng và cung cấp dụng cụ trợ giúp người khuyết tật, chú ý đến đối tượng là trẻ em và phụ nữ khuyết tật, tạo điều kiện để những người khuyết tật được tiếp cận và hưởng đầy đủ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng: triển khai áp dụng các dịch vụ phát hiện sớm những khiếm khuyết ở trẻ trước và sau sinh; tuyên truyền, tư vấn và cung cấp dịch vụ về chăm sóc sức khỏe sinh sản; triển khai thực hiện chương trình can thiệp sớm, phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng, cung cấp dụng cụ trợ giúp người khuyết tật, đặc biệt là ở tuyến y tế cơ sở.
- Tổ chức công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò và tầm quan trọng của công tác phục hồi chức năng cho người khuyết tật, vai trò của phát hiện sớm, can thiệp sớm và sàng lọc khuyết tật trước sinh và phòng ngừa khuyết tật thông qua hình thức xây dựng chuyên mục, tờ rơi, sổ tay hướng dẫn, panô, áp phích... Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Tiếng nói nhân dân thành phố, Đài Truyền hình thành phố, các cơ quan thông tấn báo chí trên địa bàn tích cực tổ chức các hoạt động tuyên truyền rộng rãi về mục đích, ý nghĩa, các nội dung của Chương trình Phục hồi chức năng cho người khuyết tật.
- Chỉ đạo tổ chức tập huấn cho người khuyết tật về các kỹ năng sống; cho gia đình người khuyết tật về kỹ năng, phương pháp chăm sóc và phục hồi chức năng cho người khuyết tật.
- Chủ trì, triển khai thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế về sàng lọc khuyết tật trước sinh, phát hiện sớm, can thiệp sớm, phẫu thuật chỉnh hình cho người khuyết tật.
- Tăng cường công tác đào tạo cán bộ có trình độ chuyên môn phục hồi chức năng chuyên sâu cho Bệnh viện Điều dưỡng - Phục hồi chức năng, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình và Khoa Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng trong các Bệnh viện đa khoa. Chú trọng công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn cho tuyến dưới, tổ chức tập huấn cho nhân viên y tế để nâng cao năng lực phát hiện và can thiệp sớm.
- Xây dựng kế hoạch đầu tư mở rộng, phát triển Bệnh viện Điều dưỡng - Phục hồi chức năng và Bệnh nghề nghiệp thành phố theo hướng hiện đại hóa, đồng thời nâng cấp hoặc thành lập Khoa Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng tại các Bệnh viện đa khoa trên địa bàn thành phố, đầu tư trang thiết bị, vật tư y tế cần thiết cho chuyên khoa Phục hồi chức năng; áp dụng khoa học công nghệ và kỹ thuật y học cao trong chuyên ngành Phục hồi chức năng, mở rộng các khoa, các chuyên ngành sâu về phục hồi chức năng theo hướng phục hồi chức năng riêng biệt cho từng loại bệnh và phục hồi chức năng cho người bệnh ngay từ giai đoạn cấp cứu; kết hợp Y học hiện đại và Y học cổ truyền trong điều trị phục hồi chức năng cho người khuyết tật; tham mưu cơ chế, chính sách tạo điều kiện, khuyến khích xã hội hóa công tác phục hồi chức năng cho người khuyết tật trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
- Củng cố, hoàn thiện mạng lưới phục hồi chức năng:
+ Tuyến phường - xã, thị trấn: Trạm y tế phân công cán bộ phụ trách công tác phục hồi chức năng được bồi dưỡng kiến thức cơ bản về phục hồi chức năng.
+ Tuyến quận - huyện: Bệnh viện quận - huyện phân công cán bộ y tế phụ trách công tác phục hồi chức năng, có ít nhất 02 cán bộ y tế có trình độ chuyên môn phục hồi chức năng từ chuyên khoa định hướng trở lên, khuyến khích thành lập Khoa Phục hồi chức năng.
+ Tuyến thành phố: các Bệnh viện chuyên khoa phân công cán bộ phụ trách công tác phục hồi chức năng và khuyến khích thành lập Khoa Phục hồi chức năng tại các Bệnh viện đa khoa và chuyên khoa.
2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
- Phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền phổ biến nội dung Luật Người khuyết tật; chính sách của Nhà nước đối với người khuyết tật và gia đình người khuyết tật; khuyến khích người dân trở thành cộng tác viên phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng và tư vấn tại địa phương.
- Xây dựng kế hoạch điều tra về người khuyết tật và phối hợp Sở Y tế đánh giá nhu cầu phục hồi chức năng của người khuyết tật trên địa bàn thành phố.
- Tổ chức các Hội nghị tập huấn kỹ năng cho các điều tra viên tại các địa phương và phối hợp Sở Y tế huấn luyện công tác phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng cho các cộng tác viên ở địa phương.
- Xây dựng mô hình hướng nghiệp, dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật sau khi phục hồi chức năng để tái hòa nhập cộng đồng.
3. Sở Thông tin và Truyền thông
Chỉ đạo Báo, Đài thành phố, trên cơ sở nội dung do Sở Y tế và các Sở - ngành chức năng cung cấp, mở các chuyên trang, chuyên mục, các chương trình phong phú, đa dạng phù hợp để tuyên truyền giúp nhân dân hiểu rõ vai trò, tầm quan trọng của công tác phục hồi chức năng trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, đặc biệt về phòng ngừa khuyết tật, phát hiện sớm, can thiệp sớm cho người khuyết tật và chương trình Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng.
4. Sở Giáo dục và Đào tạo
- Chỉ đạo việc đầu tư, cải tạo, mở rộng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và phục hồi chức năng tại các cơ sở giáo dục nhằm đáp ứng nhu cầu giáo dục hòa nhập và chuyên biệt cho trẻ khuyết tật, mở rộng mô hình tập luyện hướng nghiệp cho người khuyết tật.
- Tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ, giáo viên và biên soạn tài liệu chuyên môn giảng dạy trẻ khuyết tật và giáo dục phòng ngừa khuyết tật; mở các lớp học đặc biệt cho trẻ khiếm thính, khiếm thị kết hợp học văn hóa, học nghề và phục hồi chức năng.
5. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
- Xây dựng các khu vui chơi giải trí, rèn luyện thể thao dành cho người khuyết tật, đặc biệt là trẻ em.
- Tổ chức các sân chơi, hội thi văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao dành cho người khuyết tật.
6. Sở Tài chính
Tùy theo khả năng cân đối ngân sách thành phố, Sở Tài chính phối hợp với các Sở - ngành trình Ủy ban nhân dân thành phố bố trí dự toán hàng năm cho các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện chương trình Phục hồi chức năng cho người khuyết tật tại thành phố Hồ Chí Minh.
7. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Phối hợp với Sở Tài chính bảo đảm nguồn kinh phí và các nguồn lực cần thiết cho kế hoạch đầu tư mở rộng, nâng cấp hoặc thành lập Khoa Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng cho các bệnh viện; đầu tư trang thiết bị, vật tư y tế cần thiết cho việc hiện đại hóa Bệnh viện Điều dưỡng - Phục hồi chức năng.
8. Ủy ban nhân dân các quận - huyện
- Chỉ đạo Phòng Y tế phối hợp với Bệnh viện và Trung tâm Y tế dự phòng quận - huyện tham mưu xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình Phục hồi chức năng cho người khuyết tật tại địa phương.
- Chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội điều tra, khảo sát, thống kê đối tượng người khuyết tật để có chính sách chăm lo hỗ trợ kịp thời.
- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân phường - xã, thị trấn tổ chức thực hiện việc chăm sóc, hỗ trợ, giúp đỡ phục hồi chức năng cho người khuyết tật trên địa bàn.
- Phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể địa phương vận động nhân dân và các tổ chức kinh tế - xã hội tham gia hỗ trợ về vật chất cho công tác chăm lo, giúp đỡ và phục hồi chức năng cho người khuyết tật.
Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị theo nhiệm vụ được phân công trong Kế hoạch có trách nhiệm triển khai, tổ chức thực hiện và báo cáo kết quả định kỳ hàng năm về Sở Y tế để tổng hợp, đánh giá, báo cáo Bộ Y tế và Ủy ban nhân dân thành phố theo quy định./.
- 1Kế hoạch 3035/KH-UBND năm 2018 về Chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho người khuyết tật đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Điện Biên
- 2Kế hoạch 904/KH-UBND thực hiện Đề án trợ giúp người khuyết tật, trợ giúp và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng và Công ước của Liên hợp quốc về Quyền của người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Tây Ninh năm 2019
- 3Quyết định 2156/QĐ-UBND năm 2020 về phê duyệt Danh mục vị trí việc làm, Khung năng lực từng vị trí việc làm Trung tâm Công tác xã hội - Quỹ Bảo trợ trẻ em, tư vấn, giáo dục nghề nghiệp, phục hồi chức năng cho người khuyết tật Hà Tĩnh trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
- 1Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 2Luật người khuyết tật 2010
- 3Quyết định 1208/QĐ-TTg năm 2012 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia Y tế giai đoạn 2012 - 2015 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Kế hoạch 3035/KH-UBND năm 2018 về Chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho người khuyết tật đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Điện Biên
- 5Kế hoạch 904/KH-UBND thực hiện Đề án trợ giúp người khuyết tật, trợ giúp và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng và Công ước của Liên hợp quốc về Quyền của người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Tây Ninh năm 2019
- 6Quyết định 2156/QĐ-UBND năm 2020 về phê duyệt Danh mục vị trí việc làm, Khung năng lực từng vị trí việc làm Trung tâm Công tác xã hội - Quỹ Bảo trợ trẻ em, tư vấn, giáo dục nghề nghiệp, phục hồi chức năng cho người khuyết tật Hà Tĩnh trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
Quyết định 5747/QĐ-UBND năm 2013 về ban hành kế hoạch thực hiện Quyết định 1208/QĐ-TTg về Chương trình Phục hồi chức năng cho người khuyết tật trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2013-2015
- Số hiệu: 5747/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 21/10/2013
- Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Người ký: Hứa Ngọc Thuận
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 21/10/2013
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra