Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 57/2023/QĐ-UBND | Thừa Thiên Huế, ngày 26 tháng 10 năm 2023 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ BẢO VỆ DI SẢN VĂN HÓA THẾ GIỚI QUẦN THỂ DI TÍCH HUẾ
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Di sản văn hóa ngày 29 tháng 6 năm 2001;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa ngày 18 tháng 6 năm 2009;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 29 tháng 11 năm 2013;
Căn cứ Luật Đấu thầu ngày 26 tháng 11 năm 2013;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Du lịch ngày 19 tháng 6 năm 2017;
Căn cứ Luật Đầu tư công ngày 13 tháng 6 năm 2019;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng ngày 17 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 17 tháng 11 năm 2020;
Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 17 tháng 11 năm 2020;
Căn cứ Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa;
Căn cứ Nghị định số 109/2017/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ quy định về bảo vệ và quản lý Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam;
Căn cứ Nghị định số 166/2018/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2018 của Chính phủ Quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh;
Căn cứ Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26/01/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng;
Căn cứ Thông tư số 18/2010/TT-BVHTTDL ngày 31 tháng 12 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về tổ chức hoạt động của Bảo tàng;
Căn cứ Thông tư số 11/2013/TT-BVHTTDL ngày 16 tháng 12 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Văn Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về sưu tầm hiện vật của Bảo tàng công lập;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 19/2013/TTLT-BVHTTDL-BTNMT ngày 30 tháng 12 năm 2013 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch, tổ chức lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di tích;
Căn cứ Thông tư số 15/2019/TT-BVHTTDL ngày 31 tháng 12 năm 2019 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết một số quy định về bảo quản, tu bổ phục hồi di tích;
Căn cứ Thông tư số 10/2021/TT-BXD ngày 25 tháng 8 năm 2021 của Bộ Xây dựng về việc hướng dẫn một số điều và biện pháp thi hành Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 01 năm 2021 và Nghị định số 44/2016/NĐ-CP ngày 15 năm 5 năm 2016 của Chính Phủ;
Căn cứ Thông tư số 11/2021/TT-BXD ngày 31 tháng 8 năm 2021 của Bộ Xây dựng về việc hướng dẫn một số nội dung xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng;
Căn cứ Thông tư số 12/2021/TT-BXD ngày 31 tháng 8 năm 2021 của Bộ Xây dựng về việc ban hành định mức xây dựng;
Căn cứ Thông tư số 13/2021/TT-BXD ngày 31 tháng 8 năm 2021 của Bộ Xây dựng về việc hướng dẫn phương pháp xác định các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và đo bóc khối lượng công trình;
Căn cứ Quyết định số 70/2006/QĐ-BVHTT ngày 15 tháng 9 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin về việc ban hành Quy chế kiểm kê hiện vật bảo tàng;
Theo đề nghị của Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế bảo vệ Di sản văn hóa thế giới Quần thể Di tích Huế.
Điều 2. Hiệu lực thi hành
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 06 tháng 11 năm 2023.
Điều 3. Trách nhiệm thi hành
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc: Sở Văn hóa và Thể thao, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế; Thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY CHẾ
BẢO VỆ DI SẢN VĂN HÓA THẾ GIỚI QUẦN THỂ DI TÍCH HUẾ
(Kèm theo Quyết định số 57/2023/QĐ-UBND ngày 26/10/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chế này quy định các hoạt động quản lý, bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị các di tích; quản lý di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia tại Bảo tàng và các điểm di tích thuộc Quần thể Di tích Huế được công nhận là Di sản văn hóa thế giới.
Danh mục Quần thể Di tích Huế tại Phụ lục 01 kèm theo Quyết định này.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Quy chế này áp dụng đối với các cơ quan Nhà nước, các tổ chức, cá nhân người Việt Nam; các tổ chức, cá nhân người nước ngoài; các tổ chức Quốc tế và người Việt Nam định cư ở nước ngoài có liên quan đến các hoạt động quản lý, nghiên cứu, khai thác, bảo vệ và phát huy giá trị Di sản văn hóa thế giới Quần thể Di tích Huế.
Điều 3. Nguyên tắc quản lý, bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị Quần thể Di tích Huế
1. Tuân thủ quy định của pháp luật về di sản văn hóa, các quy định pháp luật khác có liên quan và các văn bản quốc tế về bảo vệ Di sản văn hóa thế giới.
2. Đảm bảo hài hòa giữa yêu cầu giữ gìn tính nguyên vẹn, chân xác và bền vững Quần thể Di tích Huế.
3. Quản lý, bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị Quần thể Di tích Huế phải gắn liền giữa bảo tồn di sản văn hóa vật thể, di sản văn hóa phi vật thể và di sản tư liệu thế giới.
Danh mục di sản văn hóa phi vật thể và di sản tư liệu thế giới tại Phụ lục 02 kèm theo Quyết định này.
4. Quản lý, bảo quản, tu bổ, phục hồi Quần thể Di tích Huế không chỉ bảo tồn mà còn khai thác, phát huy giá trị di sản văn hóa cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nhưng không làm tổn hại đến di sản.
Chương II
QUY ĐỊNH PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG VÀ NGUYÊN TẮC HOẠT ĐỘNG
Điều 4. Phạm vi bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị Quần thể Di tích Huế
1. Các khu vực bảo quản, tu bổ, phục hồi.
a) Khu vực I: Là khu vực di sản thế giới, vùng được xác định là yếu tố gốc cấu thành di tích, phải được bảo vệ nguyên trạng. Các biện pháp bảo quản, tu bổ, phục hồi tác động đến các yếu tố gốc của di tích, cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái và các yếu tố khác có liên quan nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di tích trong khu vực này phải được các cơ quan thẩm quyền phê duyệt trước khi triển khai.
b) Khu vực II: Vùng đệm của khu vực di sản thế giới là vùng bao quanh hoặc tiếp giáp khu vực bảo vệ I di tích, có tác dụng tạo thêm một lớp bảo vệ cho khu vực I. Khu vực II có thể xây dựng những công trình phục vụ cho việc phát huy giá trị di sản nhưng không làm ảnh hưởng tới kiến trúc, cảnh quan thiên nhiên và môi trường - sinh thái của Quần thể Di tích Huế và phải được các cơ quan thẩm quyền phê duyệt trước khi triển khai.
2. Giới hạn phạm vi khoanh vùng bảo vệ các khu vực được quy định tại Biên bản khoanh vùng bảo vệ; Bản đồ khoanh vùng bảo vệ di tích; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Quy hoạch chi tiết trong đó có khu vực di sản thế giới và các văn bản quy phạm liên quan.
Điều 5. Đối tượng quản lý, bảo quản, tu bổ, phục hồi
1. Các di tích cấp quốc gia và cấp quốc gia đặc biệt thuộc Quần thể Di tích Huế được Tổ chức Văn hóa, Giáo dục và Khoa học thế giới công nhận là di sản thế giới.
2. Các loại hình di sản văn hóa vật thể, di sản văn hóa phi vật thể và di sản tư liệu thế giới gắn liền với Quần thể Di tích Huế.
Điều 6. Nguyên tắc hoạt động quản lý, bảo quản, tu bổ, phục hồi
1. Tư liệu, tài liệu, hiện vật phải được lưu trữ và bảo quản theo quy định.
2. Mọi hoạt động tu bổ di tích chỉ được thực hiện khi cơ quan có thẩm quyền cấp phê duyệt.
3. Các loại hình di sản văn hóa vật thể, di sản văn hóa phi vật thể và di sản tư liệu thế giới được nhận diện, kiểm kê, bảo tồn theo quy định.
4. Các hoạt động liên quan đến bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa cần tránh và hạn chế tối đa những tác động làm ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường sinh thái.
5. Các yếu tố cảnh quan, môi trường sinh thái (cây xanh, mặt nước, khoảng sân) trong Quần thể Di tích Huế và từng di tích cần được bảo vệ tối đa.
Điều 7. Nguồn tài chính phục vụ cho hoạt động quản lý, bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy Quần thể Di tích Huế
1. Ngân sách nhà nước.
2. Khoản thu từ hoạt động dịch vụ tại Quần thể Di tích Huế.
3. Tài trợ và đóng góp của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài.
4. Nguồn quỹ bảo tồn Di sản Huế.
5. Các nguồn tài chính hợp pháp khác.
Chương III
HOẠT ĐỘNG QUẢN LÝ, BẢO QUẢN, TU BỔ, PHỤC HỒI QUẦN THỂ DI TÍCH HUẾ
Điều 8. Quản lý, bảo quản, tu bổ, phục hồi Quần thể Di tích Huế
1. Giữ gìn tối đa các yếu tố gốc cấu thành di tích.
2. Mọi hoạt động của công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi Quần thể Di tích Huế phải được thực hiện theo đúng trình tự thủ tục được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, trừ trường hợp sửa chữa nhỏ không ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích.
3. Tuân thủ hồ sơ thiết kế tu bổ di tích đã phê duyệt, các quy định về quản lý chất lượng, tiến độ, khối lượng thi công, an toàn lao động, an toàn cháy nổ, các quy định pháp luật liên quan.
4. Ưu tiên sử dụng vật liệu, phương pháp thi công truyền thống, chú trọng bảo tồn các yếu tố gốc cấu thành di tích, bảo vệ tối đa các cấu kiện trong suốt quá trình thi công tu bổ di tích.
5. Khi có phát sinh, phát hiện tư liệu mới so với hồ sơ thiết kế tu bổ di tích đã được phê duyệt, đơn vị thi công và đơn vị tư vấn giám sát phải kịp thời thông báo cho chủ đầu tư dự án. Trong trường hợp điều chỉnh hồ sơ thiết kế, chủ đầu tư dự án phải xem xét trình cấp có thẩm quyền quyết định phù hợp với yêu cầu và điều kiện thực tế.
6. Hoạt động thi công tu bổ di tích được thực hiện dưới sự giám sát của tổ chức và cá nhân có đủ điều kiện năng lực theo quy định của pháp luật; đồng thời có sự giám sát của cộng đồng dân cư nơi có di tích.
7. Thường xuyên tham vấn ý kiến nhân chứng lịch sử, chuyên gia, nghệ nhân trong suốt quá trình tu bổ di tích.
8. Ghi nhận đầy đủ trong nhật ký công trình và hồ sơ hoàn công mọi hoạt động tu bổ di tích đã thực hiện tại công trường.
9. Bảo đảm an toàn trong quá trình thi công và gìn giữ tối đa về môi trường cảnh quan di tích và khách tham quan.
10. Thực hiện lập kế hoạch bảo trì các công trình di tích và thường xuyên kiểm tra, xem xét tình trạng của di tích, kịp thời có phương án đề nghị tu bổ, tôn tạo đối với các hạng mục di tích bị xuống cấp.
Điều 9. Cơ chế hỗ trợ tu bổ, tôn tạo Quần thể Di tích Huế
Đối tượng áp dụng: Những di tích (thuộc Di sản văn hóa thế giới Quần thể Di tích Huế được nêu tại Phụ lục I kèm theo Quyết định này) đang trong tình trạng xuống cấp, nguy hiểm và được kiểm định chất lượng từ hạng C trở xuống hoặc bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa thiên nhiên, cháy, nổ.
Điều kiện để được đầu tư, hỗ trợ: Các di tích chỉ được xem xét đầu tư, hỗ trợ kinh phí sau khi dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.
Nguồn kinh phí thực hiện: Dự án được thực hiện từ một trong các nguồn vốn sau: ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, Quỹ bảo tồn Di sản Huế, nguồn vốn xã hội hóa, các nguồn thu hợp pháp khác.
Điều 10. Phối hợp cấp phép xây dựng và kiểm tra, xử lý vi phạm
1. Quy trình xử lý trả lời đơn thư xin xây dựng, sửa chữa nhà ở trong khu vực I, khu vực II khoanh vùng bảo vệ của Quần thể Di tích Huế
a) Các hộ dân chỉ được phép sửa chữa nhà ở khi có sự đồng ý bằng văn bản của chính quyền địa phương trên cơ sở phạm vi khoanh vùng bảo vệ hiện hành và các quy hoạch có liên quan.
b) Sau khi tiếp nhận công văn từ chính quyền địa phương về việc đề nghị xem xét thỏa thuận để các hộ dân được phép sửa chữa nhà ở trong khu vực khoanh vùng bảo vệ của Quần thể Di tích Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế căn cứ các chức năng nhiệm vụ gửi văn bản trả lời đến chính quyền địa phương.
c) Trong quá trình các hộ dân tiến hành sửa chữa nhà ở, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế có trách nhiệm kiểm tra và kịp thời thông báo cho chính quyền địa phương có di tích xử lý các trường hợp vi phạm.
2. Phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm xây dựng, sửa chữa trong khu vực I, khu vực II khoanh vùng bảo vệ Quần thể Di tích Huế
a) Trường hợp vi phạm
- Trường hợp tự ý xây dựng, sửa chữa, cơi nới nhà ở khi chưa được sự đồng ý bằng văn bản của chính quyền địa phương.
- Trường hợp tự ý xây dựng, sửa chữa, cơi nới nhà ở không đúng với nội dung văn bản trả lời của chính quyền địa phương.
- Trường hợp tự ý lấn chiếm, xây dựng, canh tác trên đất khu vực I, khu vực II khoanh vùng bảo vệ Quần thể Di tích Huế làm ảnh hưởng, xâm hại di tích.
b) Quy trình xử lý trường hợp vi phạm
- Khi phát hiện các trường hợp vi phạm, chính quyền địa phương có trách nhiệm phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và các đơn vị liên quan để kiểm tra và xử lý theo quy định.
- Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế có trách nhiệm báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Văn hóa và Thể thao, Ủy ban nhân dân thành phố, các huyện, thị xã nơi có các di tích và các sở, ban, ngành liên quan khi xảy ra sự việc vi phạm nghiêm trọng trong công tác quản lý, trùng tu và phát huy giá trị Di sản văn hóa thế giới Quần thể Di tích Huế.
Chương IV
TRẬT TỰ AN TOÀN VÀ QUẢN LÝ TÁC ĐỘNG RỦI RO
Điều 11. Trật tự an toàn
1.Trong khu vực I: lắp đặt các thiết bị, phương tiện phải đảm bảo không gây tiếng ồn và độ rung, gây cháy, nổ hoặc thải chất độc hại đến môi trường; không phát sáng, chiếu sáng quá mức cho phép ảnh hưởng đến cảnh quan và di tích.
2. Mọi hoạt động tiến hành trong khu vực Quần thể Di tích Huế, kể cả tu bổ di tích được thực hiện trên nguyên tắc đảm bảo an toàn về phòng cháy, chữa cháy và vệ sinh môi trường cảnh quan cho khách tham quan.
Điều 12. Phòng, chống cháy, nổ
1. Tổ chức tốt việc thực hiện Luật Phòng cháy, chữa cháy và Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Phòng cháy chữa cháy.
2. Xây dựng kế hoạch và kịch bản ứng phó hỏa hoạn trên cơ sở giả định các tình huống cháy ở các mức độ khác nhau và tại nhiều địa điểm thuộc Quần thể Di tích Huế.
3. Định kỳ thực hiện công tác kiểm tra, đánh giá để có kế hoạch phòng cháy và chữa cháy cho Quần thể Di tích Huế.
4. Định kỳ kiểm tra, vận hành hệ thống phòng cháy và chữa cháy để đảm bảo hoạt động tốt khi có sự cố cháy, nổ.
5. Hệ thống điện chiếu sáng và sinh hoạt ở Quần thể Di tích Huế, công trình được kiểm tra định kỳ, đảm bảo an toàn về thiết bị, đường dây.
6. Khi phát hiện cháy nổ, những người làm việc và khách tham quan tại Quần thể Di tích Huế có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các bước về “Tiêu lệnh chữa cháy” đã được quy định.
Điều 13. Phòng chống thiên tai
1. Hàng năm khảo sát kiểm tra, đánh giá tình trạng của Quần thể Di tích Huế để có kế hoạch triển khai phòng chống thiên tai trước mùa mưa bão.
2. Đơn vị quản lý di tích có trách nhiệm kiểm tra, phòng tránh mưa bão. Trường hợp đặc biệt được cấp có thẩm quyền xem xét hỗ trợ phòng chống.
3. Xây dựng phương án chuẩn bị công tác bảo đảm thực hiện phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ).
4. Khi có bão lũ xảy ra, nhiệm vụ chính là phải bảo vệ an toàn tuyệt đối các hiện vật, công trình di tích, tài sản vật tư, nhà cửa, hệ thống cây xanh. Phối hợp với chính quyền địa phương cứu hộ cứu nạn nhằm hạn chế thấp nhất các thiệt hại về người và tài sản.
5. Ứng cứu chi viện kịp thời về lực lượng và phương tiện theo yêu cầu của tỉnh và các địa phương.
6. Thực hiện khẩn trương công tác khôi phục và tái thiết.
Điều 14. Phòng, chống sạt lở đất và chống sét
1. Phòng, chống sạt lở
a) Hàng năm lập kế hoạch chỉnh trang, tu sửa cấp thiết một số công trình, kè hồ bị sạt lở hư hỏng.
b) Tổ chức cắm các biển báo những nơi nguy hiểm để cảnh báo cho nhân dân và du khách.
2. Phòng, chống sét
a) Lắp đặt hệ thống chống sét tại Quần thể Di tích Huế.
b) Kiểm tra định kỳ hệ thống chống sét tại Quần thể Di tích Huế để có phương án xử lý kịp thời.
Điều 15. Về phòng tránh tác động của du lịch tới di sản văn hóa phi vật thể và sự biến đổi thành phần của chủ thể/ người thực hành di sản văn hóa phi vật thể trong khu vực Quần thể Di tích Huế
1. Quy định về trang phục đối với du khách khi đến tham quan, tìm hiểu di sản văn hóa phi vật thể tại những nơi có yếu tố tâm linh.
2. Các chủ thể/người thực hành di sản văn hóa phi vật thể trong khu vực Quần thể Di tích Huế có trách nhiệm thuyết trình, hướng dẫn đúng nội dung, nguồn gốc, lịch sử của các di sản văn hóa phi vật thể.
3. Các hoạt động trình diễn, giới thiệu các giá trị di sản văn hóa phi vật thể phải tôn trọng nguyên tắc bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, không vì thương mại hóa mà nói quá, viện dẫn sai sự thật.
Chương V
TỔ CHỨC THAM QUAN DI TÍCH VÀ PHÁT TRIỂN DỊCH VỤ DU LỊCH
Điều 16. Đơn vị tổ chức hoạt động tham quan du lịch
Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế thực hiện nhiệm vụ tổ chức các hoạt động tham quan du lịch tại các điểm di tích thuộc Quần thể Di tích Huế. Tổ chức các tuyến tham quan trong di tích để phù hợp với lộ trình thời gian để khách tham quan được hết các điểm di tích, gắn liền với các hoạt động dịch vụ.
Điều 17. Khách du lịch, hướng dẫn viên du lịch
1. Khách du lịch
a) Mua vé trước khi vào tham quan các điểm di tích trong Quần thể Di tích Huế trừ đối tượng được miễn hoặc giảm mua vé tham quan theo quy định.
b) Thực hiện đúng những nội quy, quy định tại khu vực di sản thế giới, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội và môi trường du lịch.
2. Hướng dẫn viên du lịch nội địa, hướng dẫn viên du lịch quốc tế và hướng dẫn viên tại điểm (gọi tắt là Hướng dẫn viên du lịch).
a) Hướng dẫn viên du lịch phải tuân thủ, hướng dẫn khách du lịch tuân thủ pháp luật Việt Nam, pháp luật nơi đến du lịch, nội quy nơi đến tham quan; tôn trọng phong tục, tập quán của địa phương.
b) Hướng dẫn viên nội địa, hướng dẫn viên quốc tế khi đưa khách vào tham quan, học tập tại các điểm Di sản văn hóa thế giới, phải có thẻ hướng dẫn viên do cơ quan có thẩm quyền cấp và thực hiện đúng những nội quy, quy định của các khu Di sản văn hóa thế giới do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế ban hành.
c) Hướng dẫn viên du lịch khi thực hiện nhiệm vụ trong các điểm di tích do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế quản lý phải hướng dẫn du khách theo đúng nội dung chương trình tham quan du lịch, truyền đạt đầy đủ thông tin chính thống, đúng sự thật, có thái độ văn minh, lịch sự, tận tình với khách.
d) Hướng dẫn viên du lịch khi vi phạm các nội quy, quy định của cơ quan quản lý các điểm di tích thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Điều 18. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức quản lý điểm tham quan
1. Chấp hành và nhắc nhở khách du lịch chấp hành các quy định về bảo tồn di sản văn hóa; xây dựng và niêm yết nội quy điểm tham quan; phát hành vé, kiểm soát vé tham quan.
2. Tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân học tập, tham quan, nghiên cứu di sản văn hóa theo quy định của Luật Di sản văn hóa.
3. Cung cấp đầy đủ thông tin, diễn giải về di sản và nội quy tham quan cho du khách tại các điểm di tích.
4. Tổ chức trưng bày, triển lãm, tái hiện các nghi lễ cung đình, các hoạt động biểu diễn nghệ thuật truyền thống tại Quần thể Di tích Huế.
5. Tổ chức công tác bán vé, thu phí tham quan và các dịch vụ du lịch; quản lý và sử dụng nguồn thu theo các quy định của pháp luật.
6. Tuyên truyền, vận động mọi người có ý thức gìn giữ, bảo vệ Di sản văn hóa thế giới Quần thể Di tích Huế.
Điều 19. Hoạt động dịch vụ tại các điểm di tích
1. Đơn vị quản lý được phép đầu tư, tổ chức các hoạt động dịch vụ, liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân có năng lực, kinh nghiệm để khai thác các loại hình hoạt động dịch vụ phong phú, đa dạng, có chiều sâu trên nguyên tắc đảm bảo không ảnh hưởng xấu và làm giảm giá trị di sản phù hợp với định hướng phát triển du lịch của tỉnh, ngày càng nâng cao chất lượng phục vụ khách tham quan, công tác nghiên cứu, học tập, giải trí tại Quần thể Di tích Huế.
2. Đơn vị quản lý có trách nhiệm xây dựng Đề án khai thác dịch vụ, phát huy giá trị Quần thể Di tích Huế và trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
3. Khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia xã hội hóa trong các hoạt động phát triển du lịch bền vững, gia tăng các sản phẩm có gắn với yếu tố văn hóa cung đình triều Nguyễn và các sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng của địa phương, vùng miền.
4. Đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động dịch vụ thực hiện đầy đủ, đảm bảo các quy định về sử dụng, tu bổ, tôn tạo di tích; kinh doanh đúng ngành, nghề đăng ký; thực hiện đúng quy định về đảm bảo an toàn phòng, chống cháy, nổ; an ninh trật tự; vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm.
5. Các hoạt động dịch vụ tại các Quần thể Di tích Huế phải được bố trí ở vị trí thích hợp, đảm bảo nguyên tắc không làm ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích, cảnh quan môi trường của di tích, an ninh trật tự, thực hiện nếp sống văn minh tại di tích.
6. Đơn vị quản lý có trách nhiệm quản lý các nguồn thu, chi từ các hoạt động dịch vụ, thực hiện thu, chi theo quy định của pháp luật về tài chính hiện hành.
Điều 20. Hoạt động quảng cáo
Trong khu vực I, các hoạt động quảng cáo nhằm mục đích sinh lời bằng bảng, biển, pa nô, băng rôn, hình khối, các loại mái che, dù, phướn, dây cờ được thực hiện khi các cấp có thẩm quyền cho phép.
Chương VI
BẢO VỆ DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ VÀ DI SẢN TƯ LIỆU THẾ GIỚI
Điều 21. Quy định về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể và di sản tư liệu thế giới
1. Các loại hình di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu thế giới cần được giữ gìn và phát huy, phục vụ phát triển du lịch, kinh tế - xã hội, giáo dục truyền thống văn hóa, con người Thừa Thiên Huế.
2. Các không gian tín ngưỡng, thờ tự gắn liền với từng di tích cần được bảo vệ. Khi tu bổ, sửa chữa, sử dụng phải đảm bảo giữ gìn tối đa yếu tố nguyên gốc của các không gian này.
3. Định kỳ tổ chức kiểm kê, nhận diện, phân loại, quản lý, bảo vệ các giá trị di sản văn hóa phi vật thể: nhã nhạc, múa cung đình, tuồng cung đình và phát huy giá trị các giá trị Di sản văn hóa phi vật thể do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế quản lý.
4. Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân, cộng đồng dân cư nhận thức đúng và đầy đủ giá trị của Di sản Văn hóa phi vật thể Nhã nhạc, múa cung đình, tuồng cung đình.
5. Sử dụng khoa học công nghệ trong vấn đề bảo tồn Di sản văn hóa phi vật thể Nhã nhạc, múa cung đình, tuồng cung đình.
Chương VII
QUẢN LÝ DI VẬT, CỔ VẬT, BẢO VẬT QUỐC GIA TẠI BẢO TÀNG VÀ CÁC ĐIỂM DI TÍCH
Điều 22. Hoạt động kiểm kê, quản lý hiện vật, di vật, cổ vật và bảo vật quốc gia
1. Hoạt động kiểm kê di vật, cổ vật và bảo vật quốc gia tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế và các điểm di tích thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế quản lý được thực hiện theo Quy chế hiện hành về công tác kiểm kê hiện vật bảo tàng, bao gồm: Tiếp nhận, đăng ký, sắp xếp, theo dõi tình hình xuất, nhập và tình trạng bảo tàng hiện vật; Lập và quản lý hồ sơ liên quan đến hiện vật; Tổ chức thẩm định, bổ sung thông tin về hiện vật; Nghiên cứu xây dựng sưu tập hiện vật; Xây dựng hệ thống phiếu tra cứu hiện vật.
2. Các di vật và hiện vật chưa đủ điều kiện để lập hồ sơ kiểm kê nhưng có giá trị tham khảo thì vẫn được đánh số, lập danh mục để quản lý và sử dụng vào công tác trưng bày, nghiên cứu về hiện vật.
3. Việc đưa di vật, cổ vật ra khỏi di tích trong phạm vi tỉnh để nghiên cứu, trưng bày, triển lãm phải có văn bản đồng ý của Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao theo đề nghị bằng văn bản của Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.
4. Việc đưa di vật, cổ vật ra khỏi địa bàn tỉnh để nghiên cứu, trưng bày, triển lãm phải có văn bản đồng ý của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh theo đề nghị bằng văn bản của Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao.
5. Việc đưa di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia ra nước ngoài để trưng bày, triển lãm, nghiên cứu hoặc bảo quản thực hiện theo theo khoản d Điều 22 Quyết định số 82/2021/QĐ-UBND ngày 31 tháng 12 năm 2021 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Điều 23. Hoạt động bảo quản đối với di vật, cổ vật và bảo vật quốc gia
Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế thực hiện các hoạt động chuyên môn về bảo quản đối với di vật, cổ vật và bảo vật quốc gia; giám sát, bảo quản di vật, cổ vật và bảo vật quốc gia tại các di tích có dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi theo các quy định hiện hành. Bao gồm:
1. Hoạt động bảo quản (bao gồm bảo quản phòng ngừa và bảo quản trị liệu) phải đáp ứng các yêu cầu về phòng ngừa và hạn chế những nguy cơ làm hư hỏng mà không làm thay đổi những yếu tố nguyên gốc vốn có của di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.
2. Đối với các báo cáo khảo sát xây dựng: nội dung báo cáo bao gồm hệ thống hiện vật ngoại thất, hiện trạng bài trí nội thất, số lượng hiện vật, đồ thờ, tình trạng bảo tồn và nguyên nhân xuống cấp của hiện vật, đồ thờ.
3. Đối với thuyết minh thiết kế bản vẽ thi công tu bổ di tích: nêu giải pháp bảo vệ hiện vật di chuyển được và không di chuyển được.
4. Bộ ảnh hiện trạng di tích; bản vẽ mặt bằng tổng thể di tích và hệ thống hiện vật, đồ thờ ngoại thất; Bản vẽ sơ đồ bài trí hiện vật, đồ thờ nội thất của công trình di tích; hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công bảo quản hiện vật.
Điều 24. Hoạt động sưu tầm di vật, cổ vật và bảo vật quốc gia
Hoạt động sưu tầm di vật, cổ vật và bảo vật quốc gia tại Quần thể Di tích Huế được thực hiện theo các quy định hiện hành về công tác sưu tầm hiện vật của bảo tàng công lập, bao gồm:
1. Điều tra, khảo sát, thu thập thông tin và nghiên cứu về hiện vật.
2. Thăm dò, khai quật khảo cổ hoặc thu thập hiện vật tại thực địa.
3. Lập hồ sơ hiện vật dự kiến sưu tầm.
Thực hiện việc sưu tầm hiện vật theo đề cương, kế hoạch sưu tầm đã được phê duyệt (mua hiện vật của tổ chức, cá nhân hoặc tiếp nhận hiện vật từ tổ chức, cá nhân hiến tặng hoặc chuyển giao);
Bàn giao hiện vật và các tài liệu được hình thành trong quá trình sưu tầm theo quy định.
Điều 25. Hoạt động làm bản sao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia và tư liệu phục vụ trưng bày
1. Hoạt động phục hồi, làm bản sao hiện vật di tích và tư liệu phục vụ trưng bày tại các di tích do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế quản lý được thực hiện dựa trên các quy định hiện hành, đảm bảo các điều kiện sau:
a) Có mục đích rõ ràng;
b) Có bản gốc để đối chiếu;
c) Có dấu hiệu riêng để phân biệt với bản gốc;
d) Có sự đồng ý của chủ sở hữu di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia;
đ) Có giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch.
2. Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế chỉ đạo quy trình thực hiện, nội dung phục hồi, làm bản sao hiện vật và tư liệu phục vụ trưng bày tại các di tích.
Điều 26. Hoạt động trưng bày, triển lãm di vật, cổ vật và bảo vật quốc gia và giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể
Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế thực hiện hoạt động chuyên môn về trưng bày di vật, cổ vật và bảo vật quốc gia tại các điểm di tích do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế quản lý theo các quy định hiện hành về công tác hoạt động triển lãm, bao gồm:
1. Được tổ chức triển lãm khi có Giấy phép.
2. Thông báo tổ chức Trưng bày triển lãm; thực hiện triển lãm theo đúng nội dung đã được ghi trong Giấy phép hoặc Thông báo.
3. Tuân thủ các quy định về nếp sống văn minh, an ninh, trật tự; phòng chống cháy nổ và các quy định khác của pháp luật.
4. Tuân thủ quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ và chịu trách nhiệm pháp lý đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động triển lãm.
5. Thực hiện các hoạt động phối hợp trong triển lãm theo đúng quy định của pháp luật về các hoạt động đó.
6. Tuân thủ các quy định về tổ chức triển lãm tại nước sở tại khi tổ chức, tham gia tổ chức triển lãm tại nước ngoài.
7. Cá nhân, tổ chức đại diện chịu trách nhiệm ký tên, đóng dấu, nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép, gửi Thông báo, chịu trách nhiệm về nội dung kê khai.
8. Giải trình bằng văn bản về các nội dung của triển lãm khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu (trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền phát hiện có dấu hiệu vi phạm).
9. Hoạt động trưng bày, triển lãm di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia và giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể thực hiện theo quy định tại Điều 9 Thông tư số 18/TT-BVHTTDL ngày 31/12/2010 của Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch quy định về tổ chức và hoạt động của Bảo tàng.
Chương VIII
THỦ TỤC THỰC HIỆN QUẢN LÝ, BẢO QUẢN, TU BỔ, PHỤC HỒI QUẦN THỂ DI TÍCH HUẾ
Điều 27. Quản lý, bảo quản, tu bổ, phục hồi Quần thể Di tích Huế
Mọi hoạt động của cá nhân, tổ chức có liên quan đến Quần thể Di tích Huế đã được các cơ quan có thẩm quyền cho phép thì các cá nhân, tổ chức đó có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế trước khi tiến hành. Nếu công tác bảo vệ di sản không phù hợp với Quy chế này, hoặc có dấu hiệu tác hại đến di sản, đơn vị quản lý di sản có quyền yêu cầu tạm ngừng; đồng thời, báo cáo với cấp trên cho tới khi có văn bản phản hồi.
Điều 28. Quy trình quản lý thi công các dự án bảo quản, tu bổ và phục hồi Quần thể Di tích Huế
Chủ đầu tư thực hiện quản lý thi công các dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích theo trình tự như sau:
1. Giai đoạn chuẩn bị khởi công
a) Ký kết hợp đồng với Nhà thầu thi công;
b) Quyết định thành lập tổ giám sát;
c) Nhà thầu lập và trình Tư vấn giám sát kiểm tra, Chủ đầu tư xem xét chấp thuận kế hoạch tổng hợp về an toàn;
d) Tư vấn giám sát trình chủ đầu tư xem xét, chấp thuận đề cương, nhiệm vụ giám sát;
đ) Chủ đầu tư gửi thông báo khởi công xây dựng công trình đến các cơ quan chức năng;
e) Chủ đầu tư gửi báo cáo thông tin công trình đến các cơ quan chức năng;
g) Kiểm tra các điều kiện khởi công công trình;
h) Đăng tải trên trang mạng Internet các thông tin của dự án khởi công.
2. Giai đoạn ngay sau khi khởi công
a) Chủ đầu tư tổ chức thực hiện việc di dời, bảo quản hiện vật đảm bảo an ninh, an toàn;
b) Chủ đầu tư bàn giao mặt bằng thi công cho đơn vị thi công;
c) Lắp đặt biển báo công trình tại công trường;
d) Nhà thầu lập và trình Tư vấn giám sát kiểm tra, Chủ đầu tư xem xét chấp thuận các kế hoạch, biện pháp kiểm tra, kiểm soát chất lượng thi công tu bổ di tích công trình;
đ) Nhà thầu ban hành quyết định thành lập Ban chỉ huy công trình;
e) Thành lập Hội đồng đánh giá di tích và ban hành Quy chế làm việc của Hội đồng.
3. Giai đoạn thực hiện thi công
a) Kiểm tra các điều kiện chuẩn bị thi công tu bổ di tích;
b) Dọn dẹp vệ sinh chuẩn bị mặt bằng thi công công trình;
c) Xây dựng nhà bao che phục vụ thi công tu bổ di tích và bảo quản cấu kiện, thành phần kiến trúc;
d) Lập bản phương án hạ giải và vị trí tập kết trong nhà bảo quản;
đ) Lập hệ thống ký hiệu các cấu kiện, thành phần kiến trúc trên bản vẽ và đánh dấu vào cấu kiện, thành phần kiến trúc tương ứng của di tích;
e) Chụp ảnh, ghi hình sau khi đánh dấu theo hệ thống ký hiệu đã được lập trên bản vẽ;
g) Hạ giải di tích và tiến hành bảo quản, lưu giữ cấu kiện, thành phần kiến trúc thuộc di tích theo quy định;
h) Hoàn thiện hồ sơ đánh giá cấu kiện và thành phần kiến trúc sau hạ giải bao gồm: hồ sơ ảnh cấu kiện, bản vẽ các cấu kiện và bảng đánh giá mức độ hư hại, mức độ tái sử dụng của cấu kiện;
i) Mời hội đồng đánh giá di tích nghiên cứu đánh giá tình trạng cấu kiện sau hạ giải;
k) Thực hiện thi công tu bổ di tích;
l) Nghiệm thu giai đoạn thi công tu bổ di tích hoặc bộ phận công trình tu bổ di tích.
4. Giai đoạn nghiệm thu hoàn thành công trình, hạng mục công trình đưa vào sử dụng
a) Nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình, công trình tu bổ di tích;
b) Công tác kiểm tra, nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình, công trình tu bổ di tích của cơ quan chuyên môn về xây dựng theo kế hoạch;
c) Lập và lưu trữ hồ sơ hoàn thành hạng mục công trình, công trình tu bổ di tích.
5. Giai đoạn bảo hành công trình
Nhà thầu thi công thực hiện việc bảo hành công trình theo quy định của hợp đồng và pháp luật có liên quan.
Điều 29. Quy trình bảo trì công trình Quần thể Di tích Huế
Quy trình bảo trì công trình Quần thể Di tích Huế phải được thực hiện theo các quy định hiện hành về quản lý chất lượng và bảo trì công trình.
Chương IX
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 30. Trách nhiệm của các sở, ban, ngành cấp tỉnh.
1. Sở Văn hóa và Thể thao
a) Phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế triển khai công việc theo chức năng, nhiệm vụ của Sở. Thực hiện chức năng quản lý nhà nước theo quy định;
b) Chủ trì, tổ chức tuyên truyền, phổ biến, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các văn bản quy phạm pháp luật;
c) Hướng dẫn trình tự thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch dự án bảo quản, tu bổ, tôn tạo các di tích; phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế thực hiện các thủ tục về đầu tư xây dựng theo thẩm quyền;
d) Thực hiện quyền hạn, nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật và theo nhiệm vụ được phân công tại Quyết định số 82/2021/QĐ-UBND ngày 31/12/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
2. Sở Tài nguyên và Môi trường
a) Phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế triển khai công việc theo chức năng, nhiệm vụ của Sở. Thực hiện chức năng quản lý nhà nước theo quy định;
b) Thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư xây dựng (ngoài dự án xây dựng công trình bảo vệ Quần thể Di tích Huế) có sử dụng đất hoặc mặt nước thuộc Quần thể Di tích Huế hoặc xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường đối với dự án đầu tư xây dựng công trình bảo vệ Quần thể Di tích Huế theo thẩm quyền;
c) Phối hợp Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế xử lý các trường hợp khai thác và lập bến bãi tập kết cát sạn, sỏi trái phép không nằm trong quy hoạch của tỉnh và ảnh hưởng đến công trình di tích; trao đổi lấy ý kiến của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế trước khi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với các vùng đất tiếp giáp với các di tích; phối hợp thực hiện công tác đo đạc, chỉnh lý biến động và cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong khu di tích; hướng dẫn các đơn vị liên quan trong thực hiện quy hoạch sử dụng đất; quy hoạch về quản lý môi trường trong các khu di tích;
d) Nghiên cứu, xem xét và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các di tích do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế quản lý.
3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
a) Phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế triển khai công việc theo chức năng, nhiệm vụ của Sở. Thực hiện chức năng quản lý nhà nước theo quy định;
b) Hướng dẫn việc lập và chịu trách nhiệm thẩm định quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng tại các điểm di tích.
4. Sở Xây dựng
a) Phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế triển khai công việc theo chức năng, nhiệm vụ của Sở. Thực hiện chức năng quản lý nhà nước theo quy định;
b) Lấy ý kiến của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế trước khi cấp phép xây dựng cho các công trình trong khu vực Quần thể Di tích Huế theo thẩm quyền.
5. Sở Kế hoạch và Đầu tư
a) Phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế triển khai công việc theo chức năng, nhiệm vụ của Sở. Thực hiện chức năng quản lý nhà nước theo quy định;
b) Tổng hợp kế hoạch, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan cân đối bố trí nguồn vốn đầu tư từ ngân sách hàng năm, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phân bổ kế hoạch cho các dự án tu bổ Quần thể Di tích Huế theo quy định của pháp luật;
c) Lấy ý kiến của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế trước khi cấp chứng nhận đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp khi kinh doanh trong Quần thể Di tích Huế theo thẩm quyền, trừ các trường hợp đã có hợp đồng thuê mặt bằng giữa doanh nghiệp và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.
6. Sở Tài chính
a) Phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế triển khai công việc theo chức năng, nhiệm vụ của Sở. Thực hiện chức năng quản lý nhà nước theo quy định;
b) Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí nguồn tài chính phục vụ cho hoạt động bảo vệ và quản lý di sản;
c) Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu bố trí vốn cho các dự án tu bổ Quần thể Di tích Huế theo quy định của pháp luật về đầu tư công và pháp luật về ngân sách nhà nước;
d) Hướng dẫn cơ chế tài chính phù hợp với các đề án, dự án; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc sử dụng, thanh quyết toán nguồn vốn đảm bảo đúng quy định.
7. Công an tỉnh
a) Chỉ đạo, triển khai, kiểm tra, hướng dẫn công tác đảm bảo an ninh, trật tự, phòng cháy, chữa cháy đối với Quần thể Di tích Huế theo quy định của pháp luật;
b) Phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tăng cường và củng cố lực lượng bảo vệ, triển khai các kế hoạch, phương án đảm bảo an ninh trật tự khi có các sự kiện chính trị, văn hóa, du lịch và lễ hội và các đoàn khách quốc tế, lãnh đạo đảng, Nhà nước đến thăm, làm việc tại các điểm di tích, các công trình mục tiêu trọng điểm quan trọng cần có lực lượng Công an bảo vệ;
c) Phối hợp với Sở Văn hóa và Thể Thao, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tiến hành công tác kiểm kê định kỳ hiện vật thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế quản lý theo sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế. Chủ trì phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế trong việc xây dựng và triển khai các kế hoạch, phương án đảm bảo an ninh, an toàn cho di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia trong quá trình vận chuyển, trưng bày trong và ngoài địa phương, tham gia trưng bày triển lãm quốc tế.
8. Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh
a) Hướng dẫn xây dựng kế hoạch và triển khai các biện pháp phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn hàng năm tại Quần thể Di tích Huế;
b) Thông tin kịp thời về dự báo thiên tai, bão, lũ lụt để Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế có kế hoạch triển khai kịp thời các phương án phòng, chống, giảm thiểu rủi ro do thiên tai gây ra.
9. Sở Du lịch
a) Phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế triển khai công việc theo chức năng, nhiệm vụ của Sở. Thực hiện chức năng quản lý nhà nước theo quy định;
b) Phối hợp kích cầu du lịch, định hướng phát triển du lịch, truyền thông quảng bá, kết nối các khu di sản;
c) Liên kết với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế trong tổ chức hoạt động du lịch dịch vụ phục vụ công chúng tham quan, nghiên cứu, học tập, giải trí tại Quần thể Di tích Huế.
10. Sở Giao thông vận tải
a) Phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế triển khai công việc theo chức năng, nhiệm vụ của Sở. Thực hiện chức năng quản lý nhà nước theo quy định;
b) Phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế trong việc phân luồng, cắm biển báo bảo đảm an toàn giao thông tại các điểm di tích.
11. Sở Giáo dục và Đào tạo
Phối hợp Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế triển khai thực hiện Chương trình hợp tác “Giáo dục Di sản văn hóa Huế” trong giáo dục di sản học đường.
12. Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh
Phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế theo dõi hoạt động của các đơn vị liên quan để tổng hợp tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.
Điều 31. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân thành phố Huế
1. Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về phối hợp hoạt động bảo vệ Quần thể Di tích Huế theo quy định của pháp luật.
2. Phối hợp với các sở, ban, ngành trong việc quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị Quần thể Di tích Huế. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục cho mọi người tham gia bảo vệ các di tích.
3. Phối hợp thực hiện phương án đền bù, giải tỏa mặt bằng theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền.
4. Xây dựng quy trình phối hợp cấp phép sửa chữa công trình, nhà ở trong khu vực khoanh vùng bảo vệ của Quần thể Di tích Huế và kiểm tra, xử lý vi phạm; trong đó phân định nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, địa phương thuộc thẩm quyền quản lý để thực hiện đảm bảo theo quy định hiện hành.
Điều 32. Các sở, ban, ngành, địa phương khác
Các sở, ban, ngành căn cứ chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp trong việc bảo vệ Di sản văn hóa thế giới Quần thể Di tích Huế theo quy định hiện hành.
Điều 33. Trách nhiệm của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế
1. Ủy ban nhân dân tỉnh giao Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế quản lý, khai thác, sử dụng, phát huy giá trị Quần thể Di tích Huế và giao chức năng, nhiệm vụ cụ thể trên cơ sở quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Nghị định số 109/2017/NĐ-CP quy định về bảo vệ và quản lý di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam.
2. Theo dõi hoạt động của các đơn vị liên quan để tổng hợp tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.
3. Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế chủ trì, phối hợp với các cơ quan trung ương, địa phương và các sở, ban, ngành liên quan để tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Quần thể Di tích Huế, cụ thể như sau:
a) Nghiên cứu đề xuất tham mưu quy trình trùng tu, tôn tạo, phục hồi di tích lịch sử văn hóa; xây dựng quy chuẩn định mức tu bổ di tích phù hợp các Công ước Quốc tế mà Việt Nam đã phê chuẩn và đúng với quy định pháp luật hiện hành của Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; ứng dụng khoa học công nghệ thích ứng vào việc tu bổ, tôn tạo, phục hồi di tích; tư vấn giám sát thi công các công trình, đảm bảo tiến độ, đúng nguyên tắc trùng tu về bảo tồn di tích;
b) Tư vấn, khảo sát, thiết kế, giám sát thi công, lập dự án, quản lý dự án và tổ chức thực hiện dự án các công trình lịch sử văn hóa theo quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm trước Nhà nước về kỹ thuật, mỹ thuật và chất lượng công trình;
c) Xây dựng quy hoạch, kế hoạch dài hạn, trung hạn và ngắn hạn của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan tổ chức triển khai thực hiện;
d) Thực hiện công tác quản lý về kế hoạch, tài chính, đầu tư xây dựng cơ bản trong lĩnh vực trùng tu tôn tạo di tích theo quy định hiện hành;
đ) Tổ chức nghiên cứu khoa học, sưu tầm, lưu trữ tài liệu khoa học phục vụ cho công tác bảo tồn, tôn tạo và phục hồi các công trình di tích; đồng thời, làm phong phú giá trị di sản văn hóa Huế; chủ trì, xây dựng hồ sơ, thủ tục trình các cấp để xin giấy phép tiến hành khai quật khảo cổ học các di tích;
e) Phối hợp với các cơ quan để nghiên cứu các giá trị văn hóa, môi trường cảnh quan đô thị và thiên nhiên gắn liền với di tích nhằm giáo dục giữ gìn truyền thống bản sắc văn hóa dân tộc và nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân;
g) Nghiên cứu, sưu tầm nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể, nghệ thuật truyền thống văn hóa cung đình Huế, góp phần làm phong phú bản sắc văn hóa truyền thống cung đình để không ngừng nâng cao khả năng hưởng thụ văn hóa của nhân dân, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và dịch vụ du lịch của tỉnh;
h) Tổ chức thực hiện các chương trình hợp tác quốc tế, đặc biệt là với tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa, tranh thủ sự hợp tác và trợ giúp của quốc tế, các tổ chức Chính phủ, tổ chức phi Chính phủ và cá nhân người nước ngoài; quản lý và sử dụng đúng mục đích có hiệu quả mọi nguồn vốn theo quy định của Nhà nước;
i) Tổ chức bảo quản, nghiên cứu, sưu tầm, trưng bày hiện vật tại các điểm di tích và triển lãm lưu động khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;
k) Hướng dẫn, thuyết minh, phục vụ khách tham quan du lịch đến tham quan, tìm hiểu tại các điểm Quần thể Di tích Huế;
l) Quản lý, bảo vệ toàn bộ Quần thể Di tích Huế được Nhà nước giao, các di tích động sản, bất động sản ngăn chặn mọi hành vi xâm phạm di tích, phối hợp chặt chẽ với các chính quyền địa phương, các ngành để tổ chức tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia vào công cuộc bảo vệ di tích, tiến tới thực hiện xã hội hóa công tác bảo vệ, tu bổ di tích;
m) Lập kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác bảo tồn di sản văn hóa, từng bước nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, viên chức và người lao động toàn đơn vị;
n) Khai thác phát huy các tiềm năng kinh tế của Quần thể Di tích Huế bằng các hình thức phù hợp để tăng nguồn thu cho ngân sách;
o) Đảm bảo vệ sinh cảnh quan môi trường văn hóa tại các điểm di tích;
p) Quản lý chuyên môn, nghiệp vụ, vốn, tài sản, cơ sở vật chất, nhân sự theo sự phân công, phân cấp của Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao;
q) Thực hiện chế độ thông tin báo cáo định kỳ và đột xuất về tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao theo quy định hiện hành;
r) Thực hiện một số nhiệm vụ khác do Ủy ban nhân dân tỉnh giao.
Điều 34. Trách nhiệm của nghệ nhân, người thực hành di sản văn hóa phi vật thể
1. Tích cực tham gia nghiên cứu, sưu tầm di sản văn hóa phi vật thể.
2. Các nghệ nhân khi trao truyền thực hành di sản văn hóa phi vật thể phải sử dụng tư duy, kiến thức và sự sáng tạo để thực hành nâng tầm và làm giàu hơn vốn di sản truyền thống.
3. Có trách nhiệm trao truyền tri thức thực hành di sản văn hóa phi vật thể cho thế hệ trẻ.
Điều 35. Trách nhiệm của cộng đồng
1. Thực hiện đúng các quy định về bảo vệ Quần thể Di tích Huế.
2. Phối hợp với cơ quan nhà nước trong việc quản lý, bảo tồn giá trị di sản văn hóa Quần thể Di tích Huế; giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội và môi trường du lịch.
Điều 36. Điều khoản thi hành
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc phát sinh, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.
PHỤ LỤC 01
DANH MỤC QUẦN THỂ DI TÍCH HUẾ
(Kèm theo Quyết định số 57/2023/QĐ-UBND ngày 26 tháng 10 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế)
TT | Tên di tích | Địa điểm | Loại hình | Quyết định xếp hạng | Đơn vị trực tiếp quản lý | Đơn vị phối hợp quản lý | Tổ chức sử dụng |
1 | Kinh Thành Huế | Phường Đông Ba, Thuận Lộc, Thuận Hòa, Tây Lộc | Kiến trúc nghệ thuật | Quyết định số: 873-QĐ/BVHTT ngày 12/5/1997; 1272/QĐ-TTg ngày 12/8/2009 | Trung tâm BTDTCĐ Huế | UBND thành phố Huế | Trung tâm BTDTCĐ Huế |
Đại Nội (Thành nội Huế) | Phường Đông Ba, phường Thuận Hòa | Kiến trúc nghệ thuật | Quyết định số: 54-VH/TTQĐ ngày 29/4/1997; 1272/QĐ-TTg ngày 12/8/2009 | Trung tâm BTDTCĐ Huế | UBND thành phố Huế | Trung tâm BTDTCĐ Huế | |
Điện Long An | Phường Đông Ba | Kiến trúc nghệ thuật | Quyết định số: 872-QĐ/BVHTT ngày 12/5/1997 | Trung tâm BTDTCĐ Huế | UBND thành phố Huế | Trung tâm BTDTCĐ Huế | |
Quốc Tử Giám | Phường Đông Ba | Kiến trúc nghệ thuật | Quyết định số: 99/2004/QĐ-BVHTT ngày 15/12/2004 | Trung tâm BTDTCĐ Huế | UBND thành phố Huế | Bảo tàng Lịch sử | |
Tam Tòa (Cơ Mật Viện) | Phường Đông Ba | Kiến trúc nghệ thuật | Quyết định số: 99/2004/QĐ-BVHTT ngày 15/12/2004 | Trung tâm BTDTCĐ Huế | UBND thành phố Huế | Trung tâm BTDTCĐ Huế | |
Hồ Tịnh Tâm | Phường Đông Ba, phường Thuận Lộc | Kiến trúc nghệ thuật | Quyết định số: 99/2004/QĐ-BVHTT ngày 15/12/2004 | Trung tâm BTDTCĐ Huế | UBND thành phố Huế | Trung tâm BTDTCĐ Huế | |
Lầu Tàng Thơ - Hồ Học Hải | Phường Thuận Lộc | Kiến trúc nghệ thuật | Quyết định số: 99/2004/QĐ-BVHTT ngày 15/12/2004 | Trung tâm BTDTCĐ Huế | UBND thành phố Huế | Trung tâm BTDTCĐ Huế | |
2 | Lăng Gia Long | Xã Hương Thọ | Kiến trúc nghệ thuật | Quyết định số: 2890-VH/QĐ ngày 27/9/1997; 1272/QĐ-TTg ngày 12/8/2009 | Trung tâm BTDTCĐ Huế | UBND thành phố Huế | Trung tâm BTDTCĐ Huế |
3 | Lăng Minh Mạng | Xã Hương Thọ | Kiến trúc nghệ thuật | Quyết định số: 54-VH/TTQĐ ngày 29/4/1997; 1272/QĐ-TTg ngày 12/8/2009 | Trung tâm BTDTCĐ Huế | UBND thành phố Huế | Trung tâm BTDTCĐ Huế |
4 | Lăng Thiệu Trị | Xã Thủy Bằng | Kiến trúc nghệ thuật | Quyết định số: 2890-VH/QĐ ngày 27/9/1997; 1272/QĐ-TTg ngày 12/8/2009 | Trung tâm BTDTCĐ Huế | UBND thành phố Huế | Trung tâm BTDTCĐ Huế |
5 | Lăng Tự Đức | Phường Thủy Xuân | Kiến trúc nghệ thuật | Quyết định số: 54-VH/TTQĐ ngày 29/4/1997; 1272/QĐ-TTg ngày 12/8/2009 | Trung tâm BTDTCĐ Huế | UBND thành phố Huế | Trung tâm BTDTCĐ Huế |
6 | Lăng Dục Đức | Phường An Cựu | Kiến trúc nghệ thuật | Quyết định số: 2890-VH/QĐ ngày 27/9/1997; 1272/QĐ-TTg ngày 12/8/2009 | Trung tâm BTDTCĐ Huế | UBND thành phố Huế | Trung tâm BTDTCĐ Huế |
7 | Lăng Đồng Khánh | Phường Thủy Xuân | Kiến trúc nghệ thuật | Quyết định số: 2009/1998-QĐ/BVHTT ngày 26/9/1998; 1272/QĐ-TTg ngày 12/8/2009 | Trung tâm BTDTCĐ Huế | UBND thành phố Huế | Trung tâm BTDTCĐ Huế |
8 | Lăng Khải Định | Xã Thủy Bằng | Kiến trúc nghệ thuật | Quyết định số: 54-VH/TTQĐ ngày 29/4/1997; 1272/QĐ-TTg ngày 12/8/2009 | Trung tâm BTDTCĐ Huế | UBND thành phố Huế | Trung tâm BTDTCĐ Huế |
9 | Chùa Thiên Mụ | Phường Hương Long | Kiến trúc nghệ thuật và Thắng cảnh | Quyết định số: 1964-QĐVH/TT ngày 27/8/1996; 1272/QĐTTg ngày 12/8/2009 | Trung tâm BTDTCĐ Huế | UBND thành phố Huế | Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế |
10 | Văn Miếu | Phường Hương Hồ | Kiến trúc nghệ thuật | Quyết định số: 2890-VH/QĐ ngày 27/9/1997; 1272/QĐ-TTg ngày 12/8/2009 | Trung tâm BTDTCĐ Huế | UBND thành phố Huế | Trung tâm BTDTCĐ Huế |
11 | Đàn Nam Giao | Phường Trường An | Kiến trúc nghệ thuật | Quyết định số: 2890-VH/QĐ ngày 27/9/1997; 1272/QĐ-TTg ngày 12/8/2009 | Trung tâm BTDTCĐ Huế | UBND thành phố Huế | Trung tâm BTDTCĐ Huế |
12 | Hổ Quyền | Phường Thủy Biều | Kiến trúc nghệ thuật | Quyết định số: 2009/1998-QĐ/BVHTT ngày 26/9/1998; 1272/QĐ-TTg ngày 12/8/2009 | Trung tâm BTDTCĐ Huế | UBND thành phố Huế | Trung tâm BTDTCĐ Huế |
13 | Điện Hòn Chén | Xã Hương Thọ | Kiến trúc nghệ thuật | Quyết định số: 2009/1998-QĐ/BVHTT ngày 26/9/1998; 1272/QĐ-TTg ngày 12/8/2009 | Trung tâm BTDTCĐ Huế | UBND thành phố Huế | Trung tâm BTDTCĐ Huế |
14 | Trấn Hải Thành | Phường Thuận An | Kiến trúc nghệ thuật | Quyết định số: 871-QĐ/BVHTT ngày 12/5/1997 | Trung tâm BTDTCĐ Huế | UBND thành phố Huế | Đồn Biên phòng 220 |
PHỤ LỤC 02
DANH SÁCH DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ VÀ DI SẢN TƯ LIỆU THẾ GIỚI
(Kèm theo Quyết định số 57/2023/QĐ-UBND ngày 26 tháng 10 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế)
TT | LOẠI HÌNH | NĂM CÔNG NHẬN |
1 | Nhã nhạc cung đình Huế | 2003 |
2 | Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế | 2016 |
- 1Kế hoạch 209/KH-UBND năm 2022 triển khai Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể "Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam" trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2022-2027
- 2Quyết định 121/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Tín ngưỡng thờ Mẫu Tây Thiên, giai đoạn 2022 -2025, định hướng đến năm 2030” do tỉnh Vĩnh Phúc ban hành
- 3Kế hoạch 13/KH-UBND năm 2023 về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2023-2025
- 4Quyết định 1708/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt Đề án Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo
- 1Quyết định 70/2006/QĐ-BVHTT ban hành Quy chế kiểm kê hiện vật bảo tàng do Bộ trưởng Bộ Văn hóa và Thông tin ban hành
- 2Luật di sản văn hóa 2001
- 3Quyết định 99/2004/QĐ-BVHTT về việc xếp hạng di tích quốc gia do Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin ban hành
- 4Luật di sản văn hóa sửa đổi 2009
- 5Quyết định 1272/QĐ-TTg năm 2009 về việc xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6Nghị định 98/2010/NĐ-CP hướng dẫn Luật di sản văn hóa và Luật di sản văn hóa sửa đổi
- 7Thông tư 18/2010/TT-BVHTTDL quy định về tổ chức và hoạt động của bảo tàng do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành
- 8Luật đất đai 2013
- 9Luật đấu thầu 2013
- 10Thông tư 11/2013/TT-BVHTTDL quy định sưu tầm hiện vật của bảo tàng công lập do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành
- 11Thông tư liên tịch 19/2013/TTLT-BVHTTDL-BTNMT hướng dẫn bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch, tổ chức lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di tích do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành
- 12Luật bảo vệ môi trường 2014
- 13Luật Xây dựng 2014
- 14Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 15Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015
- 16Nghị định 109/2017/NĐ-CP quy định về bảo vệ và quản lý Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam
- 17Luật Du lịch 2017
- 18Luật Đầu tư công 2019
- 19Nghị định 166/2018/NĐ-CP quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh
- 20Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019
- 21Luật Xây dựng sửa đổi 2020
- 22Luật Doanh nghiệp 2020
- 23Thông tư 11/2021/TT-BXD hướng dẫn nội dung xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành
- 24Thông tư 15/2019/TT-BVHTTDL quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành
- 25Nghị định 06/2021/NĐ-CP hướng dẫn về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng
- 26Nghị định 15/2021/NĐ-CP hướng dẫn một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng
- 27Thông tư 10/2021/TT-BXD hướng dẫn Nghị định 06/2021/NĐ-CP và Nghị định 44/2016/NĐ-CP do Bộ Xây dựng ban hành
- 28Thông tư 12/2021/TT-BXD về định mức xây dựng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành
- 29Thông tư 13/2021/TT-BXD hướng dẫn phương pháp xác định các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và đo bóc khối lượng công trình do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành
- 30Quyết định 82/2021/QĐ-UBND về Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế
- 31Kế hoạch 209/KH-UBND năm 2022 triển khai Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể "Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam" trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2022-2027
- 32Quyết định 121/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Tín ngưỡng thờ Mẫu Tây Thiên, giai đoạn 2022 -2025, định hướng đến năm 2030” do tỉnh Vĩnh Phúc ban hành
- 33Kế hoạch 13/KH-UBND năm 2023 về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2023-2025
- 34Quyết định 1708/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt Đề án Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo
Quyết định 57/2023/QĐ-UBND về Quy chế bảo vệ Di sản văn hóa thế giới Quần thể Di tích Huế do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành
- Số hiệu: 57/2023/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 26/10/2023
- Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế
- Người ký: Nguyễn Thanh Bình
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 06/11/2023
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra