Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 560/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 25 tháng 6 năm 2024

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC THÀNH LẬP HỘI ĐỒNG QUỐC GIA VỀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Quyết định số 23/2023/QĐ-TTg ngày 18 tháng 9 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về thành lập, tổ chức và hoạt động của tổ chức phối hợp liên ngành;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Thành lập Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững

Thành lập Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững trên cơ sở kiện toàn Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh (được thành lập tại Quyết định số 641/QĐ-TTg ngày 31 tháng 5 năm 2012 và được kiện toàn tại Quyết định số 419/QĐ-TTg ngày 18 tháng 4 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ) (sau đây gọi tắt là Hội đồng) bao gồm các thành viên sau:

1. Chủ tịch Hội đồng: Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long.

2. Phó Chủ tịch Hội đồng: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

3. Các Ủy viên Hội đồng:

- Đại diện lãnh đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ: Văn phòng Chính phủ; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Ngoại giao; Bộ Tài chính; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Y tế; Bộ Xây dựng; Bộ Giao thông vận tải; Bộ Công Thương; Bộ Tư pháp; Bộ Công an; Bộ Nội vụ; Thanh tra Chính phủ; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Ủy ban Dân tộc; Đài Truyền hình Việt Nam; Đài Tiếng nói Việt Nam; Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

- Đại diện lãnh đạo các ban của Đảng: Ban Tuyên giáo Trung ương; Ban Kinh tế Trung ương.

- Đại diện lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội và cộng đồng doanh nghiệp: Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.

Điều 2. Chức năng của Hội đồng

Hội đồng là tổ chức phối hợp liên ngành có chức năng tham mưu, tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ trong việc chỉ đạo, phối hợp giữa các bên liên quan thực hiện phát triển bền vững ở Việt Nam.

Điều 3. Nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng

1. Nghiên cứu, tư vấn, khuyến nghị, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện các chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách thực hiện phát triển bền vững trên phạm vi quốc gia; triển khai các cam kết toàn cầu về phát triển bền vững tại Việt Nam, trong đó bao gồm triển khai có hiệu quả Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững; đánh giá, tổng kết kết quả thực hiện phát triển bền vững trên phạm vi quốc gia và tổ chức định kỳ Hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững.

2. Tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan, tổ chức liên quan giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành, liên vùng trong thực hiện phát triển bền vững.

Điều 4. Tổ chức và hoạt động của Hội đồng

1. Các thành viên Hội đồng làm việc theo Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng do Chủ tịch Hội đồng ban hành. Các thành viên Hội đồng làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, đề cao trách nhiệm cá nhân và được hưởng các chế độ theo quy định hiện hành.

2. Bộ phận tham mưu, giúp việc của Hội đồng gồm có Bộ Kế hoạch và Đầu tư là Cơ quan thường trực Hội đồng và Tổng thư ký Hội đồng là một đại diện cấp Vụ thuộc Văn phòng Chính phủ có trách nhiệm giúp việc cho Chủ tịch Hội đồng. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sử dụng bộ máy hiện có để tổ chức thực hiện nhiệm vụ được Hội đồng giao, bảo đảm không làm phát sinh biên chế.

3. Chủ tịch Hội đồng sử dụng con dấu của Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Hội đồng sử dụng con dấu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Điều 5. Hiệu lực thi hành

1. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký ban hành và thay thế Quyết định số 419/QĐ-TTg ngày 18 tháng 4 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về kiện toàn Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các thành viên Hội đồng nêu tại Điều 1 và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 1;
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam;
- Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam;
- Các thành viên Hội đồng quốc gia về PTBV;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc;
- Lưu: VT, KGVX (2).

THỦ TƯỚNG




Phạm Minh Chính

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 560/QĐ-TTg năm 2024 thành lập Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 560/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 25/06/2024
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Phạm Minh Chính
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 25/06/2024
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản