Hệ thống pháp luật

BỘ TƯ PHÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 56/QĐ-BTP

Hà Nội, ngày 17 tháng 01 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÂN CÔNG CÔNG TÁC CỦA BỘ TRƯỞNG VÀ CÁC THỨ TRƯỞNG

BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP

Căn cứ Nghị định số 98/2022/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;

Căn cứ Nghị định số 39/2022/NĐ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2022 của Chính phủ ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ;

Theo yêu cầu công tác của Bộ;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nguyên tắc phân công và quan hệ công tác giữa Bộ trưởng và các Thứ trưởng

1. Nguyên tắc phân công

a) Bảo đảm thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp theo quy định tại các Luật chuyên ngành, Nghị định của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp.

b) Bảo đảm thực hiện trách nhiệm, quyền hạn của Bộ trưởng, Thứ trưởng theo quy định tại Quy chế làm việc của Chính phủ, của Bộ Tư pháp và các quy định về phân cấp, ủy quyền quản lý của Bộ Tư pháp.

c) Bảo đảm chuyên môn hóa theo từng lĩnh vực công tác, tạo điều kiện để lãnh đạo Bộ Tư pháp nắm và hiểu rõ các mặt công tác khác của Ngành.

d) Bảo đảm tính ổn định, kế thừa và có sự điều chỉnh phù hợp. Khi có sự điều chỉnh việc phân công công tác giữa các Thứ trưởng, các Thứ trưởng phải bàn giao nội dung công việc, hồ sơ, tài liệu liên quan cho nhau và báo cáo Bộ trưởng.

đ) Bảo đảm tính hợp lý, hiệu lực, hiệu quả và thuận lợi trong giải quyết công việc.

2. Quan hệ công tác giữa Bộ trưởng và các Thứ trưởng

a) Bộ trưởng là thành viên Chính phủ và là người đứng đầu Bộ, lãnh đạo công tác của Bộ; chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, Quốc hội về ngành, lĩnh vực được phân công; thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật, bảo đảm thống nhất quản lý công tác tư pháp trong phạm vi cả nước; trực tiếp chỉ đạo, điều hành những vấn đề lớn, quan trọng, mang tính chiến lược trên tất cả các lĩnh vực công tác thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ.

b) Bộ trưởng phân công các Thứ trưởng giúp Bộ trưởng trực tiếp chỉ đạo và xử lý thường xuyên, toàn bộ các công việc trong các lĩnh vực, đơn vị và địa bàn công tác được phân công. Trường hợp cần thiết, Bộ trưởng trực tiếp xử lý công việc đã phân công cho các Thứ trưởng.

Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được phân công, Thứ trưởng chủ động chỉ đạo, xử lý công việc; sử dụng quyền hạn của Bộ trưởng và nhân danh Bộ trưởng để kiểm tra, đôn đốc, giải quyết các công việc thuộc các lĩnh vực, đơn vị, địa bàn công tác được phân công. Thứ trưởng không giải quyết các vấn đề không thuộc thẩm quyền của Thứ trưởng trừ trường hợp được Bộ trưởng phân công.

Trong khi thực thi nhiệm vụ, nếu có vấn đề liên quan đến lĩnh vực, đơn vị, địa bàn do Thứ trưởng khác phụ trách thì các Thứ trưởng chủ động phối hợp với nhau giải quyết. Trường hợp các Thứ trưởng có ý kiến khác nhau hoặc liên quan đến lĩnh vực, đơn vị, địa bàn do Bộ trưởng trực tiếp phụ trách thì Thứ trưởng đang giải quyết công việc báo cáo Bộ trưởng xem xét, quyết định.

c) Căn cứ tình hình thực tế, để đảm bảo yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chung của Bộ, Bộ trưởng sẽ xem xét, điều chỉnh việc phân công công tác giữa Bộ trưởng và các Thứ trưởng quy định tại Điều 3 Quyết định này.

d) Bộ trưởng và các Thứ trưởng duy trì các cuộc họp giao ban Lãnh đạo Bộ định kỳ theo Quy chế làm việc của Bộ hoặc đột xuất khi cần thiết để phối hợp xử lý công việc.

Điều 2. Nội dung công tác được phân công và trách nhiệm, quyền hạn của Thứ trưởng

Thứ trưởng giúp Bộ trưởng thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Bộ trưởng, chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng và trước pháp luật, có trách nhiệm và quyền hạn sau:

1. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thuộc Bộ xây dựng chiến lược, chương trình, kế hoạch dài hạn, hàng năm, các cơ chế, chính sách, các đề án, các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ trình Bộ trưởng ban hành, phê duyệt theo thẩm quyền hoặc Bộ trưởng trình cơ quan có thẩm quyền ban hành, phê duyệt; tổ chức triển khai thực hiện, kiểm tra, theo dõi tình hình thi hành các văn bản quy phạm pháp luật và các nhiệm vụ được phân công.

2. Đề xuất hoặc báo cáo Bộ trưởng các điều kiện về công tác tổ chức cán bộ, tài chính, thi đua khen thưởng và các điều kiện khác để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ; chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng về chất lượng, tiến độ thực hiện nhiệm vụ, về duy trì kỷ luật, kỷ cương hành chính, đoàn kết nội bộ, chăm lo, phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, về những vi phạm pháp luật, tiêu cực, tham nhũng xảy ra ở các lĩnh vực, đơn vị phụ trách. Kịp thời báo cáo Bộ trưởng về những vấn đề lớn, quan trọng, nhạy cảm; những vấn đề lớn có ý kiến khác nhau giữa Bộ Tư pháp với các Bộ, ngành, địa phương; những vấn đề do Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ hoặc các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước trực tiếp chỉ đạo; những vấn đề mới phát sinh chưa có trong quy định của Đảng và Nhà nước.

3. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật, các nhiệm vụ công tác tư pháp; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; đề nghị Bộ trưởng sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, pháp luật cho phù hợp, xử lý các hành vi vi phạm thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ theo quy định của pháp luật.

4. Thường xuyên theo dõi và xử lý các vấn đề cụ thể thuộc thẩm quyền được phân công và những vấn đề còn có ý kiến khác nhau giữa các Bộ, ngành, địa phương, Thủ trưởng đơn vị thuộc Bộ; chủ động phối hợp công tác với các cơ quan, tổ chức, các hội nghề nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực được phân công. Đề xuất với Bộ trưởng các chủ trương, chính sách, phương thức, giải pháp nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước của Bộ đối với các lĩnh vực công tác được phân công.

Điều 3. Phân công công tác cụ thể của Bộ trưởng và các Thứ trưởng

1. Bộ trưởng Lê Thành Long

a) Lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo, điều hành các hoạt động của Bộ theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ; những công việc thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của Bộ và Bộ trưởng được quy định trong Luật Tổ chức Chính phủ, Quy chế làm việc của Chính phủ, của Bộ Tư pháp và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

b) Trực tiếp chỉ đạo các lĩnh vực, nhiệm vụ công tác:

- Chiến lược, quy hoạch, chương trình, kế hoạch công tác dài hạn, năm năm và hàng năm;

- Công tác chính trị, tư tưởng, tổ chức cán bộ, bảo vệ chính trị nội bộ;

- Quyết định các vấn đề lớn về công tác xây dựng pháp luật; cải cách hành chính; xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số của Bộ; kế hoạch - tài chính của Bộ, Ngành theo quy định của pháp luật và theo phân công, phân cấp, ủy quyền quản lý của Bộ;

- Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam thuộc phạm vi, quyền hạn của Bộ.

c) Phối hợp công tác của Bộ Tư pháp, Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp với các Bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan Trung ương của Đảng, trừ những cơ quan, địa phương đã được phân công cho các Thứ trưởng.

d) Thực hiện nhiệm vụ của thành viên Chính phủ, thành viên hội đồng, các ban và các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật hoặc do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phân công.

đ) Phụ trách đơn vị: Vụ Tổ chức cán bộ.

e) Chỉ đạo công tác tư pháp của thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

2. Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc

a) Giúp Bộ trưởng phụ trách các lĩnh vực, nhiệm vụ công tác:

- Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật;

- Xây dựng và theo dõi chung việc thi hành pháp luật quốc tế;

- Bồi thường nhà nước;

- Nuôi con nuôi;

- Đăng ký biện pháp bảo đảm;

- Lý lịch tư pháp;

- Hợp tác quốc tế;

- Nghiên cứu khoa học pháp lý;

- Công tác hội luật gia.

b) Phối hợp công tác của Bộ Tư pháp với Ban Đối ngoại Trung ương, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bộ Khoa học và Công nghệ, Hội Luật gia Việt Nam và các cơ quan khác có liên quan đến lĩnh vực, nhiệm vụ và các địa phương được phân công phụ trách.

c) Thực hiện nhiệm vụ thành viên hội đồng, các ban và các nhiệm vụ khác theo sự phân công của Bộ trưởng.

d) Phụ trách các đơn vị: Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Vụ Pháp luật quốc tế, Vụ Hợp tác quốc tế, Cục Bồi thường nhà nước, Cục Con nuôi, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, Viện Khoa học pháp lý.

đ) Phụ trách Chi hội Luật gia Bộ Tư pháp.

e) Chỉ đạo công tác tư pháp của các tỉnh, thành phố: Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Thái Nguyên, Hòa Bình.

3. Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh

a) Giúp Bộ trưởng phụ trách các lĩnh vực, nhiệm vụ công tác:

- Xây dựng và theo dõi chung việc thi hành pháp luật về hình sự, hành chính và pháp luật về dân sự, kinh tế.

- Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật;

- Đào tạo luật các cấp học; đào tạo các chức danh tư pháp; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức;

- Công tác Đảng.

b) Phối hợp công tác của Bộ Tư pháp với Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc, Bộ Nội vụ, các Bộ kinh tế ngành, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, Hội Nông dân Việt Nam và các cơ quan khác có liên quan đến lĩnh vực, nhiệm vụ và các địa phương được phân công phụ trách.

c) Thực hiện nhiệm vụ thành viên hội đồng, các ban và các nhiệm vụ khác theo sự phân công của Bộ trưởng.

d) Phụ trách các đơn vị: Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, Trường Đại học Luật Hà Nội, Học viện Tư pháp, các Trường Cao đẳng Luật, Văn phòng Đảng - Đoàn thể.

đ) Chỉ đạo công tác tư pháp của các tỉnh, thành phố: Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông, Đắk Lắk.

4. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh

a) Giúp Bộ trưởng phụ trách các lĩnh vực, nhiệm vụ công tác:

- Công tác văn phòng; bảo vệ bí mật nhà nước; thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở của Bộ;

- Thi đua, khen thưởng;

- Kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa, hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật và pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật;

- Công tác thanh tra, phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí;

- Phổ biến, giáo dục pháp luật;

- Xuất bản, báo chí;

- Công nghệ thông tin;

- Công tác công đoàn, thanh niên, vì sự tiến bộ của phụ nữ;

- Trực tiếp giúp Bộ trưởng chỉ đạo công tác cải cách hành chính; xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số của Bộ;

- Giải quyết các công việc về tổ chức cán bộ thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng theo quy định về phân cấp quản lý công chức, viên chức của Bộ.

b) Phối hợp công tác của Bộ Tư pháp với Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Tổ chức Trung ương, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Dân vận Trung ương, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Văn phòng Chủ tịch nước, Thanh tra Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Công đoàn Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và các cơ quan khác có liên quan đến lĩnh vực, nhiệm vụ và các địa phương được phân công phụ trách.

c) Thực hiện nhiệm vụ thành viên hội đồng, các ban và các nhiệm vụ khác theo sự phân công của Bộ trưởng.

d) Phụ trách các đơn vị: Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ, Vụ Thi đua - Khen thưởng, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Cục Công nghệ thông tin, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, Báo Pháp luật Việt Nam, Nhà Xuất bản Tư pháp.

đ) Phụ trách Công đoàn, Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp.

e) Chỉ đạo công tác tư pháp của các tỉnh, thành phố: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Cần Thơ, Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, An Giang, Cà Mau.

5. Thứ trưởng Mai Lương Khôi

a) Giúp Bộ trưởng phụ trách các lĩnh vực, nhiệm vụ công tác:

- Thi hành án dân sự, hành chính;

- Bổ trợ tư pháp;

- Hành chính tư pháp (hộ tịch, quốc tịch, chứng thực);

- Trợ giúp pháp lý;

- Công tác của Bộ tại khu vực phía Nam;

- Công tác kế hoạch tài chính của Bộ, Ngành theo quy định về phân công, phân cấp quản lý của Bộ;

- Công tác quốc phòng, an ninh, cựu chiến binh.

b) Thực hiện các công việc thuộc phạm vi thẩm quyền Bộ trưởng phụ trách khi Bộ trưởng vắng mặt hoặc được Bộ trưởng ủy quyền điều phối hoạt động chung của Bộ.

c) Phối hợp công tác của Bộ Tư pháp với Ban Nội chính Trung ương, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài Chính, Hội Cựu chiến binh Việt Nam và các cơ quan khác có liên quan đến lĩnh vực, nhiệm vụ và các địa phương được phân công phụ trách.

d) Thực hiện nhiệm vụ thành viên hội đồng, các ban và các nhiệm vụ khác theo sự phân công của Bộ trưởng.

đ) Phụ trách các đơn vị: Tổng cục Thi hành án dân sự, Cục Bổ trợ tư pháp, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, Cục Trợ giúp pháp lý, Cục Công tác phía Nam, Cục Kế hoạch - Tài chính.

e) Phụ trách Hội Cựu chiến binh Bộ Tư pháp.

g) Chỉ đạo công tác tư pháp của các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh, Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam, Thái Bình, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Ninh Thuận.

Điều 4. Hiệu lực thi hành

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký; thay thế Quyết định số 446/QĐ-BTP ngày 05 tháng 3 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc phân công công tác của Bộ trưởng và các Thứ trưởng.

Điều 5. Trách nhiệm thi hành

Bộ trưởng, Thứ trưởng, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, Giám đốc Sở Tư pháp, Cục trưởng Cục thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 5;
- Ban Bí thư Trung ương Đảng (để b/c);
- Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Ban Tổ chức Trung ương (để b/c);
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng;
- Ban Nội chính Trung ương;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- UBTW Mặt trận tổ quốc Việt Nam;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp;
- Các tổ chức chính trị-xã hội cơ quan Bộ;
- Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư pháp;
- Lưu: VT, TCCB.

BỘ TRƯỞNG




Lê Thành Long

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 56/QĐ-BTP năm 2023 về phân công công tác của Bộ trưởng và các Thứ trưởng do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành

  • Số hiệu: 56/QĐ-BTP
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 17/01/2023
  • Nơi ban hành: Bộ Tư pháp
  • Người ký: Lê Thành Long
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 17/01/2023
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản