Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 56/2020/QĐ-UBND

An Giang, ngày 23 tháng 12 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ CAO ĐỘ THIẾT KẾ CHO CÁC CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng;

Căn cứ Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng;

Căn cứ Nghị định số 42/2017/NĐ-CP ngày 05 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng;

Căn cứ Thông tư số 04/2004/TT-BXD ngày 07 tháng 7 năm 2004 của Bộ Xây dựng, hướng dẫn thực hiện quyết định 78/2004/QĐ-TTg ngày 7 tháng 5 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh, bổ sung một số cơ chế chính sách để đẩy nhanh tiến độ xây dựng cụm tuyến dân cư và nhà ở tại các tỉnh thường xuyên ngập lũ ĐBSCL;

Căn cứ Thông tư số 27/2012/TT-BNNPTNT ngày 26 tháng 6 năm 2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về công trình thủy lợi;

Căn cứ Thông tư số 22/2019/TT-BXD ngày 31 tháng 12 năm 2019 của Bộ Xây dựng Ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Quy hoạch xây dựng;

Theo đề nghị của Giám đốc sở Xây dựng tại Tờ trình số 3835/TTr-SXD ngày 10 tháng 11 năm 2020.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về cao độ thiết kế cho các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh An Giang.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 07 tháng 01 năm 2021.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc sở Xây dựng, Giám đốc sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc sở Tài nguyên và Môi trường, Thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn, các tổ chức, đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Website Chính phủ;
- Bộ Xây dựng;
- Cục Kiểm tra VBQPPL - Bộ Tư pháp;
- Thường trực: Tỉnh ủy, HĐND tỉnh; UBMTTQ tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- VP UBND tỉnh: LĐVP và các phòng, đơn vị;
- Cổng Thông tin điện tử tỉnh An Giang;
- Đài PTTH, Báo An Giang;
- Trung tâm Công báo - Tin học;
- Lưu: VT, P KTN.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Thanh Bình

 

QUY ĐỊNH

VỀ CAO ĐỘ THIẾT KẾ CHO CÁC CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 56/2020/QĐ-UBND ngày 23 tháng 12 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định về nguyên tắc và phương pháp để xác định cao độ thiết kế tối thiểu cho các công trình xây dựng, cao độ hạng mục công trình san lấp mặt bằng (viết tắt SLMB) trong các đồ án quy hoạch xây dựng, các dự án đầu tư xây dựng khu dân cư từ nguồn vốn khác trên địa bàn tỉnh An Giang.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy định này áp dụng đối với các công trình xây dựng sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước; sử dụng vốn tín dụng do Nhà nước bảo lãnh, vốn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước; sử dụng vốn đầu tư phát triển của doanh nghiệp nhà nước và vốn huy động khác từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong công tác khảo sát thiết kế và đầu tư xây dựng các loại công trình xây dựng trong phạm vi địa giới hành chính của tỉnh An Giang.

Chương II

NGUYÊN TẮC XÁC ĐỊNH CAO ĐỘ THIẾT KẾ

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Quy định này, các chữ viết tắt và từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. MNLmax (2000, 2011): Trị số lớn nhất của cao độ mực nước lũ cao nhất của khu vực công trình theo hệ cao độ Quốc gia (hệ Hòn Dấu) đo được của năm 2000, năm 2011.

2. MNLts: Cao độ mực nước lũ theo tần suất tính toán quy định trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, Tiêu chuẩn Việt Nam (sau đây gọi tắt là QCVN, TCVN).

3. Cao độ thiết kế (CĐTK): Cao độ thiết kế các công trình xây dựng được đơn vị tư vấn thiết kế quy định trong các đồ án quy hoạch xây dựng, hồ sơ thiết kế cơ sở, hồ sơ thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công xây dựng công trình.

4. CĐTKmép đường (là mép mặt đường): Là cao độ thiết kế tại vị trí tiếp giáp giữa phần mặt đường hoàn thiện và gờ bó vỉa hoặc là nơi tiếp giáp giữa mặt đường hoàn thiện và lề đường chỗ không có gờ bó vỉa.

5. Đê bao kiên cố: là đê hoặc đê kết hợp với đường giao thông có kết cấu kiên cố, ổn định lâu dài, có cao trình đảm bảo vượt lũ cao nhất của các năm 2000, năm 2011.

6. Đê bao tạm thời: Là đê hoặc đê kết hợp với đường giao thông có cao trình không đảm bảo vượt lũ cao nhất của các năm 2000, năm 2011.

7. Vùng đê bao kiên cố: Là diện tích nằm trong một hoặc nhiều đê bao kiên cố nối liền nhau, kép kín , không chịu ảnh hưởng của nước lũ.

8. SLMB: San lấp mặt bằng.

9. H: Chiều cao vượt lũ - căn cứ QCVN, TCVN được áp dụng cho các công trình xây dựng chuyên ngành để xác định.

10. Hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật: Bao gồm các loại công trình (hạng mục công trình) SLMB, giao thông, thông tin liên lạc, cung cấp năng lượng, chiếu sáng công cộng, cấp nước, thoát nước, xử lý chất thải …

Điều 4. Các nguyên tắc chung

Việc xác định cao độ thiết kế các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh An Giang phải tuân thủ các nguyên tắc chung sau đây:

1. Đối với công trình nằm trong khu vực không có hệ thống đê bao kiên cố:

- CĐTK = MNLts H.

- Tần suất thiết kế và chiều cao vượt lũ: Tham khảo tại Điều 2.16.11 của QCVN : 01/2019/BXD "Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về Quy hoạch Xây dựng; Điều 6.3.4 TCVN 4454:2012 “Quy hoạch xây dựng nông thôn - Tiêu chuẩn thiết kế”; TCVN 4054 : 2005 "Đường Ô tô - Yêu cầu thiết kế"; TCXDVN 104 : 2007 “Đường đô thị - Yêu cầu thiết kế” TCVN 10380:2014 (Đường giao thông nông thôn- Yêu cầu thiết kế ); Quy chuẩn QCVN 04-05:2012/BNNPTNT (Công trình thủy lợi - Các quy định chủ yếu về thiết kế) ; TCVN 9902:2016 (Công trình thủy lợi -Yêu cầu thiết kế đê sông); Điều 4.5.3 của TCVN 7957 : 2008 "Thoát nước - Mạng lưới và công trình bên ngoài - Tiêu chuẩn thiết kế"; mục 2.II của Thông tư hướng dẫn thực hiện Quyết định 78/2004/QĐ-TTg của Bộ Xây dựng...

- Trong dự án có nhiều loại, cấp công trình, cần chọn cao độ thiết kế cơ sở cho dự án là CĐTKmép đường.

2. MNLmax (2000, 2011) tương ứng tần suất lũ 2% - 3% được sử dụng để tính toán cao độ thiết kế cho đê bao kiên cố hoặc đường giao thông kết hợp đê bao kiên cố trong trường hợp MNLts< MNLmax (2000, 2011).

3. Đối với công trình giao thông không có chức năng kết hợp đê bao kiểm soát lũ cả năm: Tần suất tính toán thủy văn theo quy định tại TCVN 4054:2005 (Đường ô tô -Tiêu chuẩn thiết kế ); TCXDVN 104 : 2007 “Đường đô thị - Yêu cầu thiết kế” và TCVN 10380:2014 (Đường giao thông nông thôn -Yêu cầu thiết kế). Việc chọn cao độ thiết kế theo các tần suất lũ phải tuân thủ Quy chuẩn, Tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam. Tuy nhiên, để đảm bảo yêu cầu kinh tế - kỹ thuật cần xem xét các trường hợp sau:

a) Đối với công trình giao thông nằm trong khu vực có hệ thống đê bao kiên cố hoặc các tuyến đường giao thông nằm bên trong hoặc đi qua đô thị hiện hữu:

- Chủ đầu tư, đơn vị tư vấn khảo sát - thiết kế cần tổ chức xác định sự phù hợp của cao độ thiết kế đối với cao độ hiện trạng của các công trình tại khu vực lân cận đã xây dựng, để lựa chọn cao độ thiết kế đảm bảo tính đồng bộ; phù hợp với Quy chuẩn, Tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam.

- Cao độ thiết kế của nền đường phải phù hợp với cao độ xây dựng khống chế trong quy hoạch xây dựng đã được duyệt. Trong trường hợp chưa có quy hoạch xây dựng, có thể căn cứ vào quy định tại TCVN 4054:2005, đồng thời xét đến các yếu tố: Hiện trạng tự nhiên, các cao độ khống chế bởi các công trình ngầm và công trình trên mặt đất tại khu vực lân cận tuyến đường và cần tổ chức lấy ý kiến đồng thuận của người dân chịu ảnh hưởng trực tiếp (trên nguyên tắc đảm bảo sự đồng bộ giữa cốt nền nhà dân với hệ thống giao thông và thoát nước chung).

b) Đối với các tuyến đường dọc theo sông (kênh): Nên thiết kế cao độ nền đường thay đổi phù hợp độ dốc dọc của MNLts dọc sông (kênh) theo tần suất lũ thiết kế được quy định tại QCVN, TCVN được áp dụng cho công trình.

c) Trong trường hợp có khó khăn, đặc biệt là trường hợp đường qua vùng có nhiều dân cư và mức nước ngập duy trì liên tục không quá 20 ngày thì việc quyết định tần suất ngập lũ tính toán nên được cân nhắc trên quan điểm kinh tế, kỹ thuật và cả trên quan điểm tác động môi trường. Khi cần thiết có thể đề xuất việc hạ thấp cao độ thiết kế của nền đường. Trong trường hợp như vậy, tư vấn thiết kế có trách nhiệm đề xuất và kiểm tra sự ổn định lâu dài của công trình và việc quyết định là thuộc thẩm quyền của người quyết định đầu tư.

4. Số liệu về cao độ đỉnh lũ năm 2000 - 2011 và bản đồ MNLmax (2000, 2011) trên địa bàn tỉnh An Giang đã được công bố, đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Sở Xây dựng và đã được chuyển giao cho phòng Quản lý Đô thị, Kinh tế - Hạ tầng của các huyện, thị xã, thành phố quản lý.

5. MNLmax (2000, 2011) tương ứng với mực nước lũ có tần suất 2% - 3%. Trường hợp, các công trình dân dụng và công nghiệp, giao thông, thủy lợi …cần được thiết kế với tần suất lũ ngoài (2% - 3%) theo quy định của QCVN, TCVN: Khi thiết kế, tổ chức tư vấn thiết kế có trách nhiệm thu thập (mua) số liệu thủy văn do Đài Khí tượng Thủy văn An Giang cung cấp (chi phí này được thanh toán theo quy định), để xác định mực nước lũ tính toán theo tần suất phù hợp với Quy chuẩn, Tiêu chuẩn Việt Nam.

6. Việc triển khai mốc cao độ từ hồ sơ thiết kế ra thực địa phải căn cứ và sử dụng trên mạng lưới mốc hệ cao độ Nhà nước trên địa bàn tỉnh An Giang, không dẫn cao độ từ vị trí đánh dấu vết lũ để phục vụ khảo sát, thiết kế xây dựng công trình. Nghiêm cấm việc sử dụng cao độ giả định.

Chương III

CÁC PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH VÀ MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 5. Cao độ thiết kế của đường giao thông, đê bao kiên cố

Cao độ thiết kế đường giao thông, đê bao kiên cố được xác định theo công thức tính toán tại Khoản 1 Điều 4 Quy định này, trong đó:

1. Cao độ hoàn thiện (CĐTKmép đường) đường tỉnh, quốc lộ, đỉnh đê bao kiên cố:

H được xác định theo khoản 9 điều 3 Quy định này và không được nhỏ hơn 0,5(m).

2. Cao độ hoàn thiện (CĐTKmép đường) đường giao thông nông thôn (viết tắt đường GTNT) H được xác định tùy theo loại đường:

a) Đường GTNT kết hợp đê bao kiên cố, đường GTNT nằm ngoài vùng đê bao kiên cố:

H được xác định theo khoản 9 Điều 3 Quy định này và không được nhỏ hơn 0,5(m).

b) Cao độ hoàn thiện (CĐTKmép đường) đường GTNT nằm trong vùng đê bao kiên cố:

H (được xác định phụ thuộc vào tính toán kinh tế - kỹ thuật của dự án) và phù hợp với nguyên tắc tại điểm a Khoản 3 Điều 4 Quy định này.

Điều 6. Cao độ thiết kế hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật (đường giao thông và san lấp mặt bằng) của khu dân cư

Cao độ thiết kế hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật (đường giao thông và SLMB) của khu dân cư được xác định theo công thức tính toán tại khoản 1 điều 4 Quy định này, trong đó:

1. Tại khu vực nằm ngoài vùng đê bao kiên cố:

H được xác định theo Khoản 9 Điều 3 Quy định này và không được nhỏ hơn 0,5(m).

2. Tại khu vực nằm trong vùng đê bao kiên cố:

H (được xác định phụ thuộc vào tính toán kinh tế - kỹ thuật của dự án) và phù hợp với nguyên tắc tại điểm a Khoản 3 Điều 4 Quy định này.

Điều 7. Cao độ thiết kế của các công trình dân dụng, công nghiệp

Cao độ thiết kế của các công trình dân dụng (được phân loại theo điểm 2.1.2 và 2.1.3 của Quy chuẩn số QCVN 03:2012/BXD) và công trình công nghiệp (được phân loại theo điểm 2.1.4 của Quy chuẩn số QCVN 03:2012/BXD) quy định như sau:

1. Tại khu vực nằm ngoài vùng đê bao kiên cố:

H được xác định theo Khoản 9 Điều 3 Quy định này và không được nhỏ hơn 0,5(m).

2. Tại khu vực nằm trong vùng đê bao kiên cố:

CĐTK được tính toán căn cứ vào cao độ thiết kế của công trình giao thông, hạng mục SLMB đã đảm bảo vượt lũ theo Quy định này và các yêu cầu về kinh tế - kỹ thuật của dự án để xác định.

Điều 8. Cao độ thiết kế của các công trình giao thông, thủy lợi khác

Cao độ thiết kế của các công trình giao thông, thủy lợi khác như: cầu, cống, trạm bơm, kênh,...được xác định theo các tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên ngành.

Điều 9. Cao độ thiết kế của các công trình xây dựng tại thành phố Long Xuyên

1. Trong khu vực đô thị hiện hữu:

a) Công trình (hạng mục công trình) SLMB: CĐTK được tính toán xác định theo công thức quy định tại Khoản 1 Điều 4 Quy định này và ≥ 3.0(m).

b) Đường giao thông: Cao độ thiết kế tim đường được xác định trên cơ sở đảm bảo (CĐTKmép đường) được tính toán xác định theo công thức quy định tại khoản 1 Điều 4 Qui định này.

- Đối với các tuyến đường và hẻm có cao trình mặt đường hiện trạng ≥ 3.0 (m) thì giữ nguyên. Khi có đầu tư nâng cấp, cải tạo, sửa chữa thì cơ bản vẫn giữ CĐTKmép đường ≥ 3.0 (m).

- Đối với các tuyến đường và hẻm có cao độ mặt đường hiện trạng thấp hơn 3.0(m) khi có đầu tư nâng cấp, cải tạo, sửa chữa thì nâng cao trình đảm bảo CĐTKmép đường ≥ 3.0 (m), nhưng phải phù hợp với quy định tại Khoản 3 Điều 4 Quy định này.

2. Tại các khu vực đô thị mới và khu có chức năng khác:

a) Công trình (hạng mục công trình) SLMB: CĐTK được tính toán xác định theo công thức quy định tại Khoản 1 Điều 4 Quy định này và ≥ 3.1(m).

b) Đường giao thông: Cao độ thiết kế tim đường được xác định trên cơ sở đảm bảo (CĐTKmép đường) được tính toán xác định theo công thức quy định tại khoản 1 Điều 4 Quy định này và ≥ 3.1(m).

3. Đối với các công trình xây dựng khác: chọn CĐTK theo Khoản 1,4,5,6 Điều 4 của Quy định này để đảm bảo yêu cầu vượt lũ, phù hợp với các bản vẽ đồ án quy hoạch chi tiết, quy hoạch phân khu đã được phê duyệt.

Điều 10. Cao độ thiết kế của các công trình xây dựng tại thành phố Châu Đốc

1. Trong khu vực đô thị hiện hữu:

a) Công trình (hạng mục công trình) SLMB xây dựng mới: CĐTK được tính toán xác định theo công thức quy định tại Khoản 1 Điều 4 Quy định này và không nhỏ hơn 5.0(m).

b) Đường giao thông: Cao độ thiết kế tim đường được xác định trên cơ sở đảm bảo CĐTKmép đường được tính toán xác định theo công thức quy định tại khoản 1 Điều 4 Quy định này.

- Đối với các tuyến đường và hẻm có cao trình mặt đường hiện trạng ≥ 5.0 (m) thì giữ nguyên. Khi có đầu tư nâng cấp, cải tạo, sửa chữa thì cơ bản vẫn giữ CĐTKmép đường ≥ 5.0 (m).

- Đối với các tuyến đường và hẻm có cao độ mặt đường hiện trạng từ 3.5 (m) đến 4.9 (m) khi có đầu tư nâng cấp, cải tạo, sửa thì nâng dần CĐTKmép đường ≥ 5.0 (m), nhưng phải phù hợp với từng giai đoạn, nguồn vốn đầu tư và quy định tại Khoản 3 Điều 4 Quy định này.

2. Tại các khu vực đô thị mới và khu có chức năng khác:

a) Công trình (hạng mục công trình) SLMB: CĐTK được tính toán xác định theo công thức quy định tại Khoản 1 Điều 4 Quy định này và ≥ 5.0(m).

b) Đường giao thông: Cao độ thiết kế tim đường được xác định trên cơ sở đảm bảo CĐTKmép đường được tính toán xác định theo công thức quy định tại khoản 1 Điều 4 Quy định này và ≥ 5.0(m).

3. Đối với các công trình xây dựng khác: chọn CĐTK theo Khoản 1, 4, 5, 6 Điều 4 của Quy định này để đảm bảo yêu cầu vượt lũ, phù hợp với các bản vẽ đồ án quy hoạch chi tiết, quy hoạch phân khu đã được phê duyệt.

Điều 11. Cao độ thiết kế của các công trình xây dựng tại thị xã Tân Châu

1. Trong khu vực đô thị hiện hữu:

a) Công trình (hạng mục công trình) SLMB xây dựng mới: CĐTK được tính toán xác định theo công thức quy định tại Khoản 1 Điều 4 Quy định này và không nhỏ hơn 5.45(m).

b) Đường giao thông: Cao độ thiết kế tim đường được xác định trên cơ sở đảm bảo CĐTKmép đường được tính toán xác định theo công thức quy định tại khoản 1 Điều 4 Quy định này.

- Đối với các tuyến đường và hẻm có cao độ mặt đường hiện trạng ≥ 5.45 (m) thì giữ nguyên. Khi có đầu tư nâng cấp, cải tạo, sửa chữa thì cơ bản vẫn giữ CĐTKmép đường ≥ 5.45 (m).

- Đối với các tuyến đường và hẻm có cao trình mặt đường hiện trạng thấp hơn 5.45 (m) khi có đầu tư nâng cấp, cải tạo, sửa chữa thì nâng dần lên CĐTKmép đường ≥ 5.45 (m), nhưng phải phù hợp với từng giai đoạn, nguồn vốn đầu tư và quy định tại Khoản 3 Điều 4 Quy định này.

2. Tại các khu vực đô thị mới và khu có chức năng khác:

a) Công trình (hạng mục công trình) SLMB: CĐTK được tính toán xác định theo công thức quy định tại Khoản 1 Điều 4 Quy định này và ≥ 5.45 (m).

b) Đường giao thông: Cao độ thiết kế tim đường được xác định trên cơ sở đảm bảo CĐTKmép đường được tính toán xác định theo công thức quy định tại khoản 1 Điều 4 Quy định này và ≥ 5.45 (m).

3. Đối với các công trình xây dựng khác: chọn CĐTK theo Khoản 1, 4, 5, 6 Điều 4 của Quy định này để đảm bảo yêu cầu vượt lũ, phù hợp với các bản vẽ đồ án quy hoạch chi tiết, quy hoạch phân khu đã được phê duyệt.

Điều 12. Cao độ thiết kế của các công trình xây dựng tại các huyện còn lại

1. Đối với các huyện: An Phú, Châu Phú, Chợ Mới, Châu Thành, Phú Tân, Tịnh Biên, Tri Tôn, Thoại Sơn việc chọn CĐTK cho các công trình xây dựng, đơn vị tư vấn thiết kế phải tổ chức thực hiện việc khảo sát để xác định đỉnh lũ cao nhất trong các năm 2000 và 2011 tại khu vực xây dựng, quy về hệ cao độ quốc gia (hệ Hòn Dấu) và tuân thủ quy định này để chọn cao độ thiết kế đảm bảo yêu cầu vượt lũ, phù hợp với các bản đồ quy hoạch chi tiết, quy hoạch phân khu được phê duyệt.

2. Cao độ mực nước lũ cao nhất theo kết quả khảo sát vết lũ đo được trong các năm 2000 và 2011 trên địa bàn các thị trấn huyện lỵ của 08 huyện (MNLmax (2000, 2011)) như sau:

a) Tại huyện An Phú:

- Tại thị trấn An Phú: 5.32 (m).

- Tại thị trấn Long Bình: 5.86 (m).

b) Tại thị trấn Cái Dầu, huyện Châu Phú: 3.88 (m).

c) Tại huyện Chợ Mới:

- Tại thị trấn Mỹ Luông: 3.40 (m).

- Tại thị trấn Chợ Mới: 3.58 (m).

d) Tại thị trấn An Châu, huyện Châu Thành: 2,97 (m).

đ) Tại huyện Phú Tân:

- Tại thị trấn Chợ Vàm: 4,33 (m).

- Tại thị trấn Phú Mỹ: 3.77 (m).

e) Tại huyện Tịnh Biên:

- Tại thị trấn Chi Lăng: 3.50 (m).

- Tại thị trấn Nhà Bàng: 4.50 (m).

- Tại thị trấn Tịnh Biên: 4.73 (m).

g) Tại huyện Tri Tôn:

- Tại thị trấn Tri Tôn: 3.09 (m).

- Tại thị trấn Ba Chúc: 4.10 (m).

h) Tại huyện Thoại Sơn:

- Thị trấn Phú Hòa: 2,55 (m)

- Thị trấn Óc Eo: 2.75 (m)

- Thị trấn Núi Sập: 2,52 (m).

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 13. Xử lý chuyển tiếp

Đối với các công trình đã được phê duyệt thiết kế trước ngày Quy định này có hiệu lực nhưng chưa triển khai thi công thì phải kiểm tra, tính toán điều chỉnh lại CĐTK theo đúng Quy định này.

Đối với các công trình đang xây dựng chưa hoàn thành, tùy theo tính chất và quy mô công trình, chủ đầu tư báo cáo xin ý kiến cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư xem xét, quyết định việc sử dụng CĐTK theo đúng Quy định này.

Điều 14. Trách nhiệm thi hành

1. Giám đốc sở Xây dựng, Thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn, các tổ chức, đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quy định này.

2. Trong quá trình thực hiện nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh về Sở Xây dựng để tổng hợp trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết theo thẩm quyền./.