Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 56/2003/ QĐ-UBBT

Phan Thiết, ngày 01 tháng 9 năm 2003

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V: PHÂN CẤP QUẢN LÝ, XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ, TRẬT TỰ ĐÔ THỊ CHO CHỦ TỊCH, TRƯỞNG CÔNG AN XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN

- Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 21 tháng 6 năm 1994;

- Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 7 năm 2002;

- Căn cứ Nghị định số 15/2003/NĐ-CP ngày 19 tháng 02 năm 2003 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về giao thông đường bộ;

- Căn cứ Chỉ thị số 03/2003/CT-UBBT ngày 22/01/2003 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận về việc triển khai Nghị Quyết số 13/2002/NQ-Chính phủ và các giải pháp kềm chế gia tăng và tiến tới giảm dần tai nạn giao thông trong địa bàn tỉnh;

 Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Quyết định này quy định về thẩm quyền xử phạt các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị cho Chủ tịch, Trưởng Công an các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Bình Thuận nhằm tăng cường trật tự, kỷ cương, xây dựng nếp sống văn minh đô thị tại tỉnh Bình Thuận.

2. Những biện pháp và hành vi vi phạm hành chính không được quy định tại Quyết định này thì áp dụng theo Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

3. Đối tượng bị xử phạt, thẩm quyền xử phạt, các hình thức xử phạt được áp dụng theo quy định của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 15/2003/NĐ-CP ngày 19/02/2003 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông đường bộ.

Điều 2. Áp dụng tối đa của khung tiền phạt để xử phạt tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính về giao thông đường bộ có tính chất lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè với mức tối đa của khung hình phạt được quy định tại Nghị định số 15/2003/NĐ-CP ngày 19/02/2003 của Chính phủ, cụ thể:

1. Xử phạt người điều khiển xe ôtô và các loại xe có kết cấu tương tự vi phạm quy tắc giao thông đường bộ:

Phạt tiền 80.000đồng đối với hành vi không dừng xe, đỗ xe sát mép đường nơi có lề đường hẹp ;

Phạt tiền 120.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

+ Để xe ở lòng đường, hè phố trái quy định;

+ Đi vào đường cấm, khu vực cấm, đi ngược chiều của đường một chiều

+ Bấm còi, rú ga liên tục; bấm còi hoặc gây ồn ào, tiếng động lớn làm ảnh hưởng đến sự yên tỉnh trong đô thị và khu đông dân cư khi xếp dỡ hàng trong thời gian từ 22 giờ đến 5 giờ ngày hôm sau

2. Xử phạt người điều khiển, người ngồi trên xe môtô, xe gắn máy và các loại xe có kết cấu tương tự vi phạm quy tắc giao thông đường bộ:

Phạt tiền 60.000 đồng đối với các hành vi sau:

+ Để xe ở lòng đường, hè phố trái quy định;

+ Tụ tập từ ba xe trở lên ở lòng đường, trên cầu;

+ Không sử dụng đèn chiếu sáng về ban đêm;

+ Người đang điều khiển xe sử dụng ô, điện thoại di động;

+ Điều khiển xe chạy dàn hàng ngang từ ba xe trở lên,

b. Phạt tiền 100.000 đồng đối với hành vi bấm còi, rú ga liên tục trong thời gian từ 22 giờ đến 5 giờ ngày hôm sau

3. Xử phạt người điều khiển xe máy chuyên dùng vi phạm quy tắc giao thông đường bộ.

a. Phạt tiền 60.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

+ Để xe ở lòng đường, hè phố trái quy định ;

+ Không dừng xe, đỗ xe sát mép đường nơi có lề đường hẹp;

+ Người điều khiển xe đạp sử dụng ô, điện thoại di động, người ngồi trên xe đạp mang, vác vật cồng kềnh, sử dụng ô;

+ Xe đạp, xe xích lô chở quá số người quy định,

4.Xử phạt người điều khiển, người ngồi trên xe đạp, người điều khiển xe thô sơ khác vi phạm quy tắc giao thông đường bộ:

Phạt tiền 20.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

+ Để xe ở lòng đường, hè phố trái quy định ;

+ Xe đạp đi dàn hàng ngang từ ba xe trở lên, xe thô sơ khác đi dàn hàng ngang từ hai xe trở lên.

Phạt tiền 40.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

+ Đỗ xe ở lòng đường đô thị, trên cầu, gây cản trở giao thông;

+ Người điều khiển hoặc người ngồi trên xe bám, kéo, đẩy xe khác, vật khác; mang vác, chở vật cồng kềnh;

+ Dùng xe đẩy làm quầy hàng lưu động trên đường trái quy định, gây cản trở giao thông.

c. Phạt tiền 80.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

+ Điều khiển xe đạp buông cả hai tay;

+ Rẽ đột ngột trước đầu xe cơ giới đang chạy;

+ Dùng chân điều khiển xe đạp;

d. Phạt tiền 200.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

+ Điều khiển xe đạp, xe thô sơ lạng lách, đánh võng, đuổi nhau trên đường;

+ Đi xe bằng một bánh đối với xe đạp, đi xe bằng hai bánh đối với xe ba bánh

5. Xử phạt người đi bộ vi phạm quy tắc giao thông đường bộ, phạt tiền 40.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

Mang, vác vật cồng kềnh gây cản trở giao thông;

Trèo qua giải phân cách khi đi ngang qua đường;

Đu, bám vào phương tiện giao thông đang chạy.

6. Xử phạt các hành vi vi phạm khác về quy tắc giao thông đường bộ:

a. Phạt tiền 40.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

+ Phơi thóc, lúa, rơm, rạ, nông sản, các vật khác trên đường bộ

+ Xây, đặt bục bệ trái phép trên hè phố hoặc lòng đường;

+ Lấn chiếm vỉa hè, đường giao thông để họp chợ, bầy bán hàng;

+ Chiếm dụng vỉa hè, lòng đường để đặt biển hiệu, buôn bán vặt, mời chào hàng, sửa chữa xe đạp, làm mái che, các hoạt động dịch vụ khác gây cản trở giao thông hoặc làm mất mỹ quan đường phố

+ Tập trung đông người trái phép; nằm, ngồi trên đường gây cản trở giao thông ;

+ Đá bóng, đá cầu, chơi cầu lông trên đường giao thông;

+ Thả diều trên đường giao thông hoặc gần đường dây tải điện.

b. Phạt tiền 100.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

+ Để vật liệu, phế thải, vật chướng ngại trên đường bộ gây cản trở giao thông;

+ Để vật che khuất biển báo, đèn tín hiệu giao thông.

c. Phạt tiền 300.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

+ Sử dụng đường bộ trái quy định để tổ chức các hoạt động văn hoá, thể thao, diễu hành, lễ hội;

+ Dựng cổng chào hoặc các vật che chắn khác trong phạm vi đất dành cho đường bộ;

+ Tự ý tháo, mở nắp cống trên đường giao thông;

+ Chiếm dụng vỉa hè, lòng đường làm nơi sửa chữa ôtô, môtô, xe gắn máy, sửa xe, làm nơi trông giữ xe trái phép;

d. Phạt tiền 500.000đồng đối với hành vi rải đinh hoặc vật sắc nhọn khác, chăng dây qua đường, đổ dầu nhờn trên đường bộ.

7. Ngoài việc bị phạt tiền, người có hành vi vi phạm quy định tại Điều 2 của Quyết định này còn bị áp dụng các biện pháp xử phạt bổ sung và các biện pháp xử lý khác theo quy định tại Nghị định số 15/2003/NĐ-CP ngày 19/02/2003 của Chính phủ .

Điều 3.Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 4.Chánh Văn phòng HĐND&UBND tỉnh, giám đốc Công an tỉnh, Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn căn cứ Quyết định thi hành.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Tư pháp (để b/c)
- TT. Tỉnh ủy (để b/c)
- TT. HĐND tỉnh (để b/c)
- Thành viên Ban ATGT tỉnh
- Báo, Đài Bình Thuận
- Như Điều 4
- Lưu VP(NC)

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN
CHỦ TỊCH




Huỳnh Tấn Thành

 

UBND TỈNH BÌNH THUẬN
SỞ TƯ PHÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số : /STP -PBGDPL
V/v Ban hành Quyết định phân cấp, quản lý xử phạt vi phạm trật tự ATGT cho Chủ tịch, Trưởng Công an cấp xã

 

Phan Thiết, ngày tháng 8 năm 2003

 

Kính gửi : Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận .

Sở Tư pháp nhận được công văn số 2638/UBBT-NC ngày 12/8/2003 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc “Một số công việc chuẩn bị cho Hội nghị sơ kết 7 tháng đầu năm 2003 về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông”. Trong công văn Chủ tịch UBNDD tỉnh giao trách nhiệm cho Sở Tư pháp xây dựng Quy chế phân cấp quản lý, xử phạt trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị cho các Chủ tịch, trưởng Công an các xã, phường, thị trấn theo thẩm quyền và quy định của pháp luật. Đồng thời xây dựng các biện pháp chế tài, tạm giữ phương tiện tại nhà đối với người sử dụng môtô, xe máy khi vi phạm, tái vi phạm trật tự ATGT để trình UBND tỉnh xem xét ban hành quyết định.

Sau khi nghiên cứu các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến lĩnh vực an toàn giao thông và thẩm quyền xử phạt, thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính được quy định trong Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 của Chính phủ, Sở Tư pháp có ý kiến như sau :

1. Thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính của Chủ tịch UBND cấp xã, Trưởng Công an cấp xã được quy định tại Điều 28 và Điều 31 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002, theo quy định thì Chủ tịch và Trưởng Công an cấp xã được quyền xử phạt tiền đến 500.000đồng, tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị đến 500.000 đồng.

2.Thẩm quyền tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính: Theo quy định tại Điều 45 và Điều 46 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính thì Chủ tịch UBND xã, thị trấn, Trưởng Công an phường có thẩm quyền tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, Pháp lệnh không quy định thẩm quyền tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với Trưởng Công an xã.

3. Về thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính được quy định tại Khoản 5 Điều 46 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính như sau: Trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày tạm giữ, người ra quyết định tạm giữ phải xử lý tang vật, phương tiện bị tạm giữ theo những biện pháp ghi trong quy định xử lý hoặc trả lại cho cá nhân, tổ chức nếu không áp dụng hình thức phạt tịch thu đối với tang vật, phương tiện bị tạm giữ thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có thể được kéo dài đối với những vụ việc phức tạp, cần tiến hành xác minh nhưng tối đa không quá 60 ngày, kể từ ngày tạm giữ tang vật, phương tiện.

4. Về xử phạt hành chính các hành vi vi phạm quy tắc giao thông đường bộ được quy định cụ thể trong Nghị định 15/2003/NĐ-CP , ngày 19/02/2003 của Chính phủ

Từ những cơ sở pháp lý trên, nhằm tăng cường trách nhiệm của Chủ tịch UBND, Trưởng Công an cấp xã, lập lại trật tự, kỷ cương, giảm dần tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh Sở Tư pháp đã dự thảo 02 Quyết định:

1. Quyết định về việc áp dụng biện pháp tịch thu, tạm giữ phương tiện vi phạm trật tự an toan giao thông trên địa bàn tỉnh Bình Thuận:

 Căn cứ Khoản 5 Điều 46 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính; Chỉ thị số 03/2003/CT-UBBT ngày 22/01/2003 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận về việc triển khai Nghị Quyết số 13/2002/NQ-CP và các giải pháp kềm chế gia tăng và tiến tới giảm dần tai nạn giao thông trong địa bàn tỉnh, Sở Tư pháp xây dựng các biện pháp tịch thu, tạm giữ các phương tiện vi phạm thường xảy ra trên địa bàn tỉnh, đặc biệt để tránh tình trạng xe bị tạm giữ quá nhiều mà chỗ tạm giữ của cơ quan Cảnh sát không đủ đáp ứng, Sở Tư pháp đã xây dựng chế tài tại Khoản 6 Điều 3 của Dự thảo Quyết định như sau: Trường hợp không đủ kho tạm giữ phương tiện vi phạm an toàn giao thông thì người có thẩm quyền có thể áp dụng hình thức tạm giữ biển đăng ký xe, giao phương tiện cho người vi phạm tự bảo quản. Trong thời gian bị tạm giữ biển đăng ký xe, chủ phương tiện không phải trả tiền lưu kho và không được dùng xe đó tham gia giao thông, nếu vi phạm thì bị xử lý theo điều luật tương ứng với tình tiết tăng nặng.

2. Quyết định phân cấp quản lý, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông đường bộ, trật tự đô thị cho Chủ tịch, Trưởng Công an xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Bình Thuận: Trong dự thảo Quyết định này chủ yếu giao cho Chủ tịch UBND và Trưởng Công an cấp xã được quyền áp dụng khung tiền phạt tối đa đối với các hành vi như lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè và một số hành vi khác phổ biến diễn ra ở tỉnh ta trong thời gian qua. Các tình tiết và mức phạt khác áp dụng theo Nghị định 15 của Chính phủ .

Sở Tư pháp kính trình UBND tỉnh xem xét, quyết định./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 56/2003/QĐ-UBBT về phân cấp quản lý, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông đường bộ, trật tự đô thị cho Chủ tịch, Trưởng Công an xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Bình Thuận

  • Số hiệu: 56/2003/QĐ-UBBT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 01/09/2003
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Thuận
  • Người ký: Trần Văn Xê
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/09/2003
  • Ngày hết hiệu lực: 19/01/2010
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản