Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 546/QĐ-UBND | Vĩnh Long, ngày 22 tháng 3 năm 2017 |
CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG
Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Quyết định số 1533/QĐ-TTg ngày 02/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án nhân rộng mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau giai đoạn 2016-2020;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 35/TTr-SLĐTBXH ngày 06/3/2017,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về việc thực hiện Đề án nhân rộng mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2016-2020.
(Kèm theo Kế hoạch số 13/KH-SLĐTBXH ngày 13/3/2017 của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội).
Điều 2. Giao Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện tốt Kế hoạch nêu trên.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Lao động - Thương binh và Xã hội, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Văn hoá - Thể thao và Du lịch, Y tế, Chủ tịch Hội người cao tuổi tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký./.
| KT. CHỦ TỊCH |
UBND TỈNH VĨNH LONG | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 13/KH-SLĐTBXH | Vĩnh Long, ngày 13 tháng 3 năm 2017 |
THỰC HIỆN ĐỀ ÁN NHÂN RỘNG MÔ HÌNH CÂU LẠC BỘ LIÊN THẾ HỆ TỰ GIÚP NHAU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH LONG GIAI ĐOẠN 2016 - 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 546/QĐ-UBND ngày 22/3/2017 của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long)
CĂN CỨ VÀ SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG KẾ HOẠCH THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
1. Căn cứ pháp lý
Căn cứ Luật Người cao tuổi Việt Nam;
Căn cứ Quyết định số 1781/QĐ-TTg ngày 22 tháng 11 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về Người cao tuổi Việt Nam giai đoạn 2012 - 2020;
Căn cứ Quyết định số 1533/QĐ-TTg ngày 02 tháng 8 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án nhân rộng mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau giai đoạn 2016 - 2020;
Căn cứ Quyết định số 1035/QĐ-UBND ngày 16 tháng 6 năm 2013 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long về việc ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình hành động quốc gia về Người cao tuổi giai đoạn 2013 - 2020;
Căn cứ Công văn số 4397/UBND-VX ngày 21 tháng 11 năm 2016 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long về việc xây dựng Đề án nhân rộng mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau giai đoạn 2016 - 2020.
2. Căn cứ thực tiễn
Số người cao tuổi hiện nay trong toàn tỉnh là 114.524 người chiếm 11% dân số, trong đó 110.855 người là hội viên sinh hoạt tại 109 xã, phường, thị trấn. Trong số người cao tuổi, có 4.216 trường hợp nghèo khó cô đơn cần được bảo vệ, chăm sóc; 21.618 người ở độ tuổi từ 80 trở lên.
Theo Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2013 -2020 tỉnh Vĩnh Long phải có ít nhất 50% số xã, phường, thị trấn có Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau, trong đó có trên 70% người cao tuổi trên địa bàn tham gia và hưởng lợi. Theo hướng dẫn của Hội Người cao tuổi Việt Nam và học tập kinh nghiệm từ tỉnh bạn, các cấp Hội Người cao tuổi trong tỉnh đã phối hợp với thành viên Ban công tác người cao tuổi cùng các ban, ngành, đoàn thể địa phương thành lập được 21 câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau tại 109 xã, phường, thị trấn (tỷ lệ 19,26%) và đã trực tiếp giúp đỡ 456 người cao tuổi nghèo, cô đơn, ốm đau thường xuyên cần sự hỗ trợ của Nhà nước và toàn xã hội; các mô hình thực hiện công tác xã hội hoá trong chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi một cách bền vững, tạo cơ hội cho người cao tuổi được cải thiện đời sống của bản thân, gia đình và cộng đồng; đồng thời, giúp người cao tuổi tăng cường vai trò và sự đóng góp của họ trong nâng cao sức khỏe cộng đồng, thu nhập và phát triển kinh tế ở địa phương.
Sau hơn hai năm triển khai hoạt động, 21 mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau lần lượt ra đời và đã phát huy hiệu quả tích cực, giúp đỡ hơn 200 người cao tuổi nghèo được vay vốn sản xuất vươn lên thoát nghèo, 116 người già yếu bệnh tật được tình nguyện viên của câu lạc bộ chăm sóc sức khoẻ tại nhà, 1.100 người tham gia sinh hoạt văn hoá văn nghệ, luyện tập thể dục thể thao, chuyển giao kỹ thuật tự giúp nhau cải thiện cuộc sống, sinh hoạt cộng đồng, nâng cao năng lực, kiến thức của người cao tuổi. Đây là loại hình câu lạc bộ mang tính xã hội và nhân văn sâu sắc, góp phần tích cực vào cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, “Xây dựng nông thôn mới”.
3. Sự cần thiết xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án
Từ cơ sở thực tiễn trên, tỉnh Vĩnh Long cần xây dựng kế hoạch và thực hiện Đề án nhân rộng mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2016 - 2020, nhằm giúp cho người cao tuổi nghèo, khó khăn trên địa bàn tỉnh cải thiện điều kiện sống, nâng cao đời sống vật chất tinh thần, sống vui, sống khỏe và tiếp tục có nhiều đóng góp tích cực cho cộng đồng dân cư.
Việc xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện Đề án sẽ mang lại những mô hình tổ chức hoạt động năng động và sáng tạo, kết hợp được sự trợ giúp của cộng đồng liên thế hệ, đồng thời khai thác được sự chủ động tích cực của chính bản thân người cao tuổi, rất cần thiết để tạo điều kiện thực hiện tốt hơn công tác chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi, đặc biệt là chăm sóc đời sống của người cao tuổi thuộc hộ gia đình nghèo, người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, người già yếu thường xuyên ốm đau bệnh tật, là các đối tượng rất cần sự hỗ trợ tạo điều kiện của nhà nước, cộng đồng để tự vươn lên, phát huy vai trò và sự đóng góp của mình nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của bản thân, gia đình và cộng đồng.
NỘI DUNG KẾ HOẠCH THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
1. Mục tiêu tổng quát
Nhân rộng mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau trên địa bàn tỉnh, thông qua cách tiếp cận liên thế hệ, tự giúp nhau dựa vào cộng đồng để giúp đỡ người cao tuổi nghèo, hoàn cảnh khó khăn tại cộng đồng; tăng thêm nguồn động viên giúp người cao tuổi “Sống vui, sống khỏe, sống có ích” cho gia đình và xã hội; góp phần hoàn thành mục tiêu Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2013 - 2020 trong việc chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi. Giai đoạn 2013 - 2020 toàn tỉnh có ít nhất 55 xã, phường, thị trấn có câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau, giai đoạn 2013 - 2016 đã thành lập 21 câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau và giai đoạn 2017 - 2020 tiếp tục nhân rộng thêm 34 câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau tại xã, phường, thị trấn.
Hỗ trợ Hội Người cao tuổi cơ sở hoạt động hiệu quả, huy động sự tham gia của các cấp, các ngành, xã hội và cộng đồng trong công tác chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi.
2. Mục tiêu cụ thể
Giai đoạn 2017 - 2018: Tiếp tục duy trì hoạt động 21 câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau tại 21 xã, phường, thị trấn và nhân rộng thêm 17 câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau tại 17 xã, phường, thị trấn.
Giai đoạn 2019 - 2020: Nhân rộng và phát triển mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau tại 17 xã, phường, thị trấn còn lại, theo hướng mở rộng tới Chi hội ấp, khóm, khu (với cơ cấu 50 - 60 thành viên/1câu lạc bộ, trong đó ít nhất 70% người cao tuổi tham gia). Phấn đấu đến cuối năm 2020 ít nhất 50% số cơ sở có xây dựng mô hình câu bộ liên thế hệ tự giúp nhau.
2. Đối tượng
Người cao tuổi và thân nhân trong gia đình, các thành viên khác trong cộng đồng, đặc biệt người cao tuổi là phụ nữ nghèo, cận nghèo, khó khăn
3. Thời gian thực hiện Đề án: Từ 2016 - 2020.
- Năm 2016 thành lập và hoạt động 21 câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau.
- Năm 2017 - 2018 nhân rộng thêm 17 câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau.
- Năm 2019 - 2020 nhân rộng thêm 17 câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau.
- Tháng 12 năm 2020 tiến hành tổng kết thực hiện Đề án và triển khai nhân rộng trong toàn tỉnh.
4. Nội dung hoạt động của kế hoạch thực hiện Đề án.
- Quy mô của Câu lạc bộ: Xây dựng mỗi câu lạc bộ có từ 50 - 60 thành viên, trong đó: 70% là người cao tuổi (từ 55 tuổi trở lên), 60 - 70% là phụ nữ, 60% - 70% là người nghèo, cận nghèo hoặc có hoàn cảnh khó khăn; Câu lạc bộ được tổ chức ở một xã, hoặc ấp, liên ấp; Ban chủ nhiệm câu lạc bộ gồm 5 người (Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm, 3 uỷ viên); mỗi câu lạc bộ đều có tổ tình nguyện viên chăm sóc tại nhà, hỗ trợ phát triển kinh tế, giúp đỡ người cao tuổi khó khăn; các tổ văn nghệ, tổ quản lý vốn vay tăng thu nhập...;
- Cơ chế hoạt động: Câu lạc bộ do thành viên tự quản lý, có kế hoạch và báo cáo hàng tháng; sinh hoạt ít nhất 1 lần/tháng; Câu lạc bộ chủ động xây dựng, thực hiện và giám sát các hoạt động của mình; Câu lạc bộ công khai quản lý tài chính và tự tạo thu nhập thêm để đảm bảo các chi phí hoạt động trong thời gian triển khai và sau khi Đề án kết thúc;
- Hoạt động sinh kế và tăng thu nhập: Mỗi câu lạc bộ vận động hỗ trợ tiền hoặc hiện vật phục vụ các hoạt động tăng thu nhập làm quỹ tín dụng vi mô. Quỹ dùng để cho thành viên vay thực hiện hoạt động tăng thu nhập với lãi suất cho vay tối thiểu là 0,6%/tháng và tối đa là 1%/tháng. Toàn bộ số tiền lãi của quỹ tăng thu nhập được sử dụng hỗ trợ các hoạt động của câu lạc bộ lâu dài, nhằm đảm bảo tính bền vững về tài chính của câu lạc bộ; ngoài ra, các câu lạc bộ còn có phí thành viên (2.000 đồng - 5.000 đồng/tháng), vận động nguồn lực từ cộng đồng thông qua Sổ Tấm lòng vàng, tổ chức tiết kiệm và thực hiện các hoạt động gây quỹ tập thể khác;
- Phối hợp hoạt động chăm sóc sức khỏe: Tổ chức hướng dẫn kiến thức tự chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi (chế độ dinh dưỡng, lối sống lành mạnh, tự phòng bệnh, đặc biệt các bệnh hay mắc phải ở người cao tuổi...); hàng năm tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho thành viên ít nhất 2 lần và lập sổ theo dõi sức khỏe cho từng thành viên; hỗ trợ việc tiếp cận bảo hiểm y tế và các dịch vụ y tế. Tổ chức phong trào tập thể dục dưỡng sinh phù hợp với sức khỏe của mỗi người để tăng sức khỏe của các thành viên, ít nhất 3 lần/tuần;
- Hoạt động chăm sóc tại nhà dựa vào tình nguyện viên: Mỗi câu lạc bộ có ít nhất 5 tình nguyện viên nhằm chăm sóc cho những trường hợp cần sự giúp đỡ tại nhà với các hoạt động đa dạng: trò chuyện, nấu cơm, giặt giũ, giúp đỡ việc nhà…;
- Hoạt động tự giúp nhau và hỗ trợ cộng đồng: Các thành viên trong câu lạc bộ giúp nhau trong sản xuất, kinh doanh, thăm hỏi và giúp các thành viên khó khăn trong câu lạc bộ và ngoài cộng đồng trong sinh hoạt, chữa bệnh... khi cần thiết. Mỗi buổi sinh hoạt định kỳ, các câu lạc bộ dành thời gian thảo luận để đề xuất và lựa chọn giúp đỡ cho ít nhất một trường hợp khó khăn là thành viên câu lạc bộ hoặc thành viên cộng đồng; các câu lạc bộ tổ chức tham gia tích cực phong trào bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới, góp ý cho địa phương về các vấn đề liên quan;
- Hoạt động bảo vệ quyền của người cao tuổi: câu lạc bộ thực hiện việc tuyên truyền chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước cho người cao tuổi, Luật người cao tuổi; giám sát, phát hiện, đề xuất việc thực hiện quyền của người cao tuổi theo quy định của luật pháp, chính sách hiện hành.
- Tập huấn kỹ thuật để nhân rộng câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau tại địa phương; Giám sát, hỗ trợ, nâng cao năng lực cho các câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau đang hoạt động để làm nòng cốt nhân rộng các câu lạc bộ mới.
5. Giải pháp thực hiện
5.1. Giải pháp về tuyên truyền, phổ biến các chế độ chính sách đối với người cao tuổi nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về mục tiêu, ý nghĩa của tổ chức hoạt động của câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau, gồm:
- Tuyên truyền về gương điển hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau và tác động của mô hình trong công tác chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi.
- Hướng dẫn việc chăm sóc sức khỏe, tổ chức truyền thông về cách phòng tránh các bệnh hay gặp của người cao tuổi; hướng dẫn luyện tập thể dục thể thao, tập dưỡng sinh để nâng cao sức khoẻ cho hội viên người cao tuổi;
- Tuyên truyền, phổ biến các chế độ chính sách đối với người cao tuổi, cung cấp tài liệu về quyền và lợi ích của người cao tuổi để hỗ trợ câu lạc bộ giám sát, tổ chức thực hiện tại địa phương;
- Tổ chức các lớp tuyên truyền, in tờ gấp, thông qua báo, đài,... để truyền thông nâng cao nhận thức về hoạt động và hiệu quả của câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau.
5.2. Giải pháp về tập huấn kỹ thuật để nhân rộng mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau, gồm:
- Hỗ trợ tập huấn kỹ thuật, cung cấp các tài liệu hỗ trợ cho câu lạc bộ về cách quản lý và tổ chức các hoạt động của câu lạc bộ, tổ chức cho Ban Chủ nhiệm câu lạc bộ đi học tập kinh nghiệm thực tế để vận dụng tổ chức thực hiện quản lý và điều hành hoạt động của câu lạc bộ;
- Hỗ trợ tập huấn khoa học kỹ thuật, truyền thông, trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, học tập các mô hình sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi, trồng trọt, dịch vụ có hiệu quả; hướng dẫn cách làm các chế phẩm vi sinh thân thiện với môi trường, hướng dẫn phát triển các ngành nghề truyền thống của địa phương phù hợp với khả năng và sức khoẻ của người cao tuổi;
- Tổ chức giao ban định kỳ hàng quý giữa các câu lạc bộ, tạo điều kiện cho các câu lạc bộ được trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, cập nhật bổ sung những kiến thức mới để vận dụng vào việc quản lý, điều hành hoạt động của Câu lạc bộ đạt hiệu quả bền vững;
5.3. Giải pháp về huy động nguồn lực, gồm:
- Vận động nguồn lực từ các tổ chức chính trị, xã hội, các hội đoàn thể, doanh nghiệp cá nhân trong và ngoài nước.
- Hỗ trợ kinh phí cho quỹ tăng thu nhập của câu lạc bộ, hướng dẫn các câu lạc bộ tổ chức cho thành viên vay vốn để tự sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế tăng thu nhập cho gia đình;
- Tổ chức đa dạng hoá việc vận động nguồn lực cho câu lạc bộ, quan tâm lồng ghép, tạo điều kiện cho câu lạc bộ được tham gia các chương trình, dự án triển khai tại địa phương để hỗ trợ duy trì và phát triển câu lạc bộ;
5.4. Công tác kiểm tra, giám sát: Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan chuyên môn liên quan đến các hoạt động của câu lạc bộ để có những biện pháp hỗ trợ kịp thời, giúp cho câu lạc bộ tổ chức triển khai có hiệu quả các hoạt động của câu lạc bộ.
5.5. Định kỳ 6 tháng, năm có sơ tổng kết để rút kinh nghiệm nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau đồng thời hàng quí các cấp hội có báo cáo tình hình hoạt động câu lạc bộ về Ban công tác Người cao tuổi tỉnh.
III. Kinh phí tổ chức thực hiện
1. Ngân sách tỉnh hỗ trợ giai đoạn 2016 - 2020 dự kiến: 1.000.000.000 đồng (tùy theo khả năng ngân sách, ngân sách tỉnh bố trí kinh phí hỗ trợ hàng năm để thực hiện Đề án) do Sở Lao động – Thương binh và Xã hội quản lý và được chi cho các nội dung như sau:
- Quản lý, chỉ đạo triển khai đề án, tuyên truyền, sơ tổng kết. Quản lý các câu lạc bộ: 400.000.000 đồng (100.000.000đ/năm);
- Tổ chức tập huấn, cung cấp tài liệu cho Hội Người cao tuổi, cán bộ chính quyền và đoàn thể, ban chủ nhiệm câu lạc bộ; giám sát thực hiện Đề án: 400.000.000 đồng (100.000.000đ/năm);
2. Huy động đóng góp từ các tổ chức, cá nhân; Huy động đóng góp của hội viên và các nguồn quỹ của địa phương; Vận động nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế theo quy định của pháp luật để hỗ trợ kinh phí hoạt động của câu lạc bộ. Kinh phí huy động được chi cho các nội dung sau:
- Huy động hỗ trợ triển khai tập huấn nghiệp vụ quản lý, điều hành câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau khi bắt đầu thành lập; tập huấn kỹ thuật, chuyển giao khoa học kỹ thuật tiên tiến trong trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh; tổ chức các buổi sinh hoạt định kỳ luân phiên giữa các câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau để đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện; tổ chức các đợt tập huấn nghiệp vụ định kỳ để các câu lạc bộ cập nhật kịp thời những kiến thức mới vận dụng vào xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện cho giai đoạn tiếp theo;
- Huy động kinh phí hỗ trợ cho quỹ tăng thu nhập của câu lạc bộ liên thế hệ Tự giúp nhau;
- Hỗ trợ trang thiết bị hoạt động ban đầu (cân sức khoẻ, máy đo huyết áp, trang thiết bị phục vụ truyền thông;
3. Đề nghị các ngành, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc các cấp, các tổ chức đoàn thể và chính quyền cấp xã huy động kinh phí và tài trợ của các tổ chức, cá nhân, lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn để hỗ trợ thực hiện Đề án.
1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, đoàn thể, hội địa phương có liên quan; các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch thực hiện các hoạt động của Đề án; hướng dẫn, đôn đốc Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thành lập câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn; tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch thực hiện Đề án; Tổ chức tập huấn nghiệp vụ nâng cao nâng lực thành viên câu lạc bộ, quản lý kiểm tra, giám sát tiến độ và tình hình thực hiện, chủ động xử lý kịp thời những vấn đề vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện Đề án; Sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, đánh giá kết quả kế hoạch thực hiện Đề án và biểu dương khen thưởng thành viên, hội viên câu lạc bộ đã có thành tích xuất sắc.
2. Hội Người cao tuổi tỉnh
Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai quản lý kiểm tra giám sát thực hiện Đề án; chỉ đạo Hội người cao tuổi cơ sở thường xuyên phối hợp với Uỷ ban nhân dân cấp xã hỗ trợ câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau tại địa phương triển khai thực hiện các nội dung hoạt động chính đạt hiệu quả.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch thực hiện Đề án vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của tỉnh.
4. Sở Tài chính
Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí từ ngân sách tỉnh để tổ chức triển khai kế hoạch thực hiện Đề án.
5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý tạo điều kiện để người cao tuổi là thành viên câu lạc bộ tham gia các lớp tập huấn, hội thảo chuyển giao khoa học công nghệ trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản để góp phần tăng thu nhập trong sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn đảm bảo đúng chức năng, nhiệm vụ của ngành.
6. Sở Y tế
Chỉ đạo các Trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố; trạm y tế xã, phường, thị trấn phối hợp với câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau tại địa phương tổ chức truyền thông, khám sức khoẻ định kỳ cho các thành viên câu lạc bộ, phổ biến kiến thức phổ thông về tập luyện, tự chăm sóc, nâng cao sức khoẻ, phòng, chống bệnh tật cho người cao tuổi, khám chữa bệnh tại nhà cho người cao tuổi cô đơn, khó khăn hỗ trợ kỹ thuật để thành lập đội ngũ tình nguyện viên chăm sóc người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn theo lịch sinh hoạt định kỳ của câu lạc bộ.
7. Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch
Chỉ đạo triển khai thực hiện chăm sóc đời sống văn hoá, tinh thần cho người cao tuổi; hướng dẫn hoạt động văn hoá, thể dục dưỡng sinh, các hoạt động thể thao phù hợp cho người cao tuổi tại câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau.
8. Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Vĩnh Long
Phối hợp vận động hỗ trợ một phần nguồn lực để nhân rộng mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau; thống nhất với các tổ chức thành viên như Liên đoàn lao động, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi, Hội Chữ thập đỏ trong phối hợp hỗ trợ thực hiện và giám sát Đề án.
9. Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh
Tổ chức triển khai thực hiện Đề án tại địa phương theo hướng dẫn của cơ quan quản lý thực hiện Đề án; tổ chức thành lập, duy trì và tạo điều kiện cho câu lạc bộ Liên thế hệ Tự giúp nhau triển khai các hoạt động của mình để thực hiện chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi dựa vào cộng đồng đạt kết quả thiết thực; chủ động xây dựng kế hoạch, huy động mọi nguồn lực tại cộng đồng để đảm bảo thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án; tuyên truyền quảng bá về câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau và công tác chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi tại địa phương. Thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn, tổng hợp kết quả báo cáo việc thực hiện Đề án theo định kỳ 6 tháng, năm về Uỷ ban nhân dân tỉnh (qua Sở Lao động - TBXH tỉnh, cơ quan quản lý thực hiện kế hoạch Đề án).
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh đề nghị Thủ trưởng các sở, ngành tỉnh có liên quan, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố căn cứ vào chức năng nhiệm vụ, được giao xây dựng kế hoạch cụ thể để tổ chức triển khai thực hiện các nội dung hoạt động của Đề án đảm bảo đạt hiệu quả./.
| KT. GIÁM ĐỐC |
- 1Quyết định 1206/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Đề án xây dựng và nhân rộng mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau trên địa bàn tỉnh Kon Tum, giai đoạn 2016-2020
- 2Kế hoạch 899/KH-UBND năm 2017 thực hiện Đề án nhân rộng mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2017-2020
- 3Quyết định 249/QĐ-UBND năm 2017 phê duyệt Đề án thành lập và nhân rộng mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2017-2020
- 4Quyết định 1764/QĐ-UBND năm 2017 phê duyệt Đề án thành lập, nhân rộng mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau trên địa bàn tỉnh Thái Bình giai đoạn 2017-2020
- 5Quyết định 2384/QĐ-UBND năm 2017 phê duyệt Đề án nhân rộng mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2017-2020
- 6Quyết định 3984/QĐ-UBND năm 2017 phê duyệt Đề án thực hiện mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, giai đoạn 2017-2020
- 7Kế hoạch 2520/KH-UBND năm 2017 thực hiện Đề án nhân rộng mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai
- 1Luật người cao tuổi năm 2009
- 2Quyết định 1781/QĐ-TTg năm 2012 phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi Việt Nam giai đoạn 2012-2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Quyết định 1035/QĐ-UBND năm 2013 về Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2013 - 2020 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long
- 4Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 5Quyết định 1533/QĐ-TTg năm 2016 phê duyệt Đề án nhân rộng mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau giai đoạn 2016-2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6Quyết định 1206/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Đề án xây dựng và nhân rộng mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau trên địa bàn tỉnh Kon Tum, giai đoạn 2016-2020
- 7Kế hoạch 899/KH-UBND năm 2017 thực hiện Đề án nhân rộng mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2017-2020
- 8Quyết định 249/QĐ-UBND năm 2017 phê duyệt Đề án thành lập và nhân rộng mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2017-2020
- 9Quyết định 1764/QĐ-UBND năm 2017 phê duyệt Đề án thành lập, nhân rộng mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau trên địa bàn tỉnh Thái Bình giai đoạn 2017-2020
- 10Quyết định 2384/QĐ-UBND năm 2017 phê duyệt Đề án nhân rộng mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2017-2020
- 11Quyết định 3984/QĐ-UBND năm 2017 phê duyệt Đề án thực hiện mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, giai đoạn 2017-2020
- 12Kế hoạch 2520/KH-UBND năm 2017 thực hiện Đề án nhân rộng mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai
Quyết định 546/QĐ-UBND năm 2017 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án nhân rộng mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2016-2020
- Số hiệu: 546/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 22/03/2017
- Nơi ban hành: Tỉnh Vĩnh Long
- Người ký: Trần Hoàng Tựu
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra