Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 546/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 17 tháng 6 năm 2005 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC ĐIỀU CHỈNH DỰ ÁN ĐẦU TƯ NHÀ MÁY LỌC DẦU SỐ 1 DUNG QUẤT
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Xây dựng số 16/2003/QH XI ngày 26 tháng 11 năm 2003 và các Luật có liên quan;
Căn cứ kết luận của Bộ Chính trị về tình hình triển khai Dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất tại Thông báo số 174-TB/TW ngày 06 tháng 4 năm 2005;
Căn cứ Nghị quyết của Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XI;
Căn cứ Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07/02/2005 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình;
Căn cứ Quyết định số 514/QĐ-TTg ngày 10/7/1997 của Thủ tướng Chính phủ về việc đầu tư Dự án Nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất;
Xét kết quả thẩm định Hồ sơ phát triển thiết kế kỹ thuật tổng thể công trình Nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất tại Công văn số 1808/BXD ngày 05/11/2004, kết quả thẩm định hợp đồng gói thầu EPC số 1+4 Dự án Nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất tại Công văn số 668/QĐ-HĐQT ngày 04/02/2005, Quyết định số 2110/QĐ-HĐQT ngày 25/4/2005 về việc phê duyệt Hồ sơ phát triển thiết kế kỹ thuật tổng thể Nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất và Tờ trình số 039/TT-HĐQT ngày 07/4/2005 về việc điều chỉnh Dự án đầu tư Nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất của Tổng công ty Dầu khí Việt Nam;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư về việc điều chỉnh Quyết định đầu tư Dự án Nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất tại Công văn số 48 BKH/TĐGS&ĐT ngày 12/5/2005,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Điều chỉnh Dự án đầu tư Nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất với các nội dung chính như sau:
1. Tên dự án: Nhà máy lọc dầu Dung Quất.
2. Chủ đầu tư: Tổng công ty Dầu khí Việt Nam.
3. Hình thức đầu tư: tự đầu tư.
4. Địa điểm xây dựng: tại hai xã Bình Trị và Bình Thuận trong Khu kinh tế Dung Quất, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
5. Diện tích chiếm đất và mặt biển: 816,03 ha, trong đó:
- Nhà máy chính: 110 ha.
- Khu bể chứa dầu thô, sản phẩm: 85,83 ha.
- Tuyến ống dẫn dầu thô, sản phẩm, cấp và xả nước biển: 94,46 ha.
- Bến cảng xây dựng, khu cảng xuất sản phẩm, hệ thống phao rót dầu không bến (SPM), đường ống ngầm dưới biển và khu vực vòng quay tàu: 486,04 ha đất và mặt biển.
- Đường vào Nhà máy lọc dầu, khu nhà ở cho cán bộ, công nhân viên tại Vạn Tường: 39,7 ha.
6. Công suất thiết kế: 6,5 triệu tấn dầu thô/năm.
7. Nguồn cung cấp dầu thô: dầu thô dùng làm nguyên liệu cho Nhà máy là dầu Việt Nam và dầu nhập khẩu.
8. Sản phẩm:
- Chủng loại sản phẩm: propylen, khí hóa lỏng (LPG), xăng ô tô không pha chì (xăng A-90/92/95 RON), nhiên liệu phản lực/dầu hỏa dân dụng, nhiên liệu diezel ô tô (DO) và dầu nhiên liệu (FO).
- Chất lượng sản phẩm: đối với các sản phẩm tiêu thụ trong nước tuân theo các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm của Việt nam. Đối với các sản phẩm xuất khẩu phải đáp ứng các yêu cầu chất lượng xuất khẩu.
9. Công nghệ và thiết bị: theo Hồ sơ thiết kế kỹ thuật tổng thể được duyệt cho giai đoạn chế biến dầu ngọt, bao gồm các phân xưởng chính sau:
- Phân xưởng chưng cất dầu thô ở áp suất khí quyển (CDU);
- Phân xưởng xử lý naphtha bằng hyđro (NHT);
- Phân xưởng reforming xúc tác liên tục;
- Phân xưởng xử lý LPG (LTU);
- Phân xưởng thu hồi propylene (PRU);
- Phân xưởng xử lý kerosene (KTU);
- Phân xưởng xử lý naphta từ RFCC (NTU);
- Phân xưởng xử lý nước chua;
- Phân xưởng nước chua (SWS);
- Phân xưởng tái sinh amine (ARU);
- Phân xưởng trung hòa kiềm (CNU);
- Phân xưởng thu hồi lưu huỳnh (SRU);
- Phân xưởng isomer hóa (ISOM);
- Phân xưởng xử lý LCO bằng hyđro (LCO-HDT).
10. Các hạng mục phụ trợ của Nhà máy: Công suất các hạng mục phụ trợ và ngoại vi như nhà máy điện, hệ thống cung cấp hơi, khí trơ, nhiên liệu, khí nén, xử lý nước thải, khu bể chứa trung gian, khu bể chứa dầu thô, khu bể chứa sản phẩm, nhà hành chính, xưởng bảo dưỡng sửa chữa,... được thiết kế phù hợp với nhu cầu công nghệ và yêu cầu vận hành của Nhà máy.
11. Các công trình biển:
- Hệ thống phao rót dầu không bến nhập dầu thô tại vịnh Việt Thanh được thiết kế để tiếp nhận tàu dầu có trọng tải 80.000 – 110.000 DWT.
- Công suất 6 bến xuất sản phẩm của cảng kín bố trí tại vịnh Dung Quất như sau:
+ Bến số 1 và 2 cho tàu có trọng tải tới 50.000 DWT;
+ Bến số 3, 4 và 5 cho tàu có trọng tải tới 30.000 DWT;
+ Bến số 6 cho tàu có trọng tải tới 30.000 DWT.
- Đê chắn sóng được thiết kế bảo đảm việc xuất sản phẩm tại cảng kín liên tục và an toàn.
- Bến phục vụ cho giai đoạn xây dựng và phục vụ cho công tác bảo dưỡng các công trình biển sau này.
12. Các công trình cơ sở hạ tầng chính ngoài hàng rào trước đây đầu tư bằng nguồn vốn khác ngoài Dự án, nay được đầu tư bằng vốn của Dự án, bao gồm các hạng mục:
- Hệ thống cung cấp điện cho giai đoạn xây dựng từ trạm biến áp Dung Quất đến mặt bằng Nhà máy, khu cảng và hệ thống cung cấp điện dự phòng từ mạng lưới điện quốc gia cho vận hành Nhà máy lọc dầu (nguồn 2).
- Hai đoạn đường nối Nhà máy với đường cao tốc và một đoạn đường nối khu bể chứa sản phẩm với đường cao tốc (tổng cộng dài 2,5km).
- Nhà ở và cơ sở dịch vụ cho cán bộ, công nhân viên vận hành Nhà máy (khu đê quai bao Sông Trà và khu nhà ở và cơ sở dịch vụ tại Vạn Tường).
13. Tổng mức đầu tư và nguồn vốn:
- Tổng mức đầu tư: 2.501 triệu USD (chưa bao gồm phí tài chính trong thời gian xây dựng).
- Nguồn vốn:
+ Ngân sách nhà nước cấp 800 triệu USD từ tiền lãi dầu thô sau thuế được chia từ Xí nghiệp liên doanh Vietsovprtro trong giai đoạn 1995 – 2010.
+ Vốn tín dụng ưu đãi đầu tư phát triển của Nhà nước 1.000 triệu USD với mức ưu đãi theo quy định của Chính phủ (lãi suất 3,6%/năm, thời hạn cho vay 16 năm, trong đó ân hạn trong thời gian xây dựng là 4 năm).
+ Vốn vay thương mại: 475 triệu USD, trong đó:
* Vay của Ngân hàng ngoại thương Việt Nam: 250 triệu USD.
* Vay hợp vốn các ngân hàng thương mại trong nước: 225 triệu USD (Quyết định số 337/QĐ-TTg ngày 28 tháng 3 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ).
+ Phần còn lại do Chủ đầu tư tự thu xếp: 226 triệu USD.
14. Tiến độ thực hiện: hoàn thành xây dựng và đưa vào vận hành năm 2009.
15. Phương thức tổ chức quản lý thực hiện Dự án: Chủ đầu tư tổ chức thực hiện Dự án theo quy định của pháp luật và quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
16. Các quy định khác đối với Dự án:
- Chủ đầu tư được phép thuê tổ chức tư vấn, tổ chức đăng kiểm trong và ngoài nước để tư vấn cho việc quản lý dự án, thu xếp vốn vay nước ngoài, kiểm tra, giám sát thực hiện hợp đồng, cấp chứng chỉ chất lượng, nghiệm thu và nhận bàn giao công trình.
- Chủ đầu tư có kế hoạch đào tạo trong nước và nước ngoài cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý và công nhân vận hành đủ khả năng tiếp thu kỹ thuật, chuyển giao công nghệ để tự vận hành Nhà máy. Trong những năm đầu mới đi vào sản xuất, Chủ đầu tư được thuê các chuyên gia nước ngoài trợ giúp trong quản lý, vận hành và bảo dưỡng Nhà máy.
- Được phép áp dụng Tiêu chuẩn môi trường TCVN 1995 cho giai đoạn chế biến dầu ngọt.
- Được áp dụng chính sách thuế ưu đãi:
+ Miễn thuế nhập khẩu vật tư thiết bị trong quá trình xây dựng.
+ Ưu đãi tối đa về thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
Điều 2. Tổ chức thực hiện:
- Tổng công ty Dầu khí Việt Nam là Chủ đầu tư chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Dự án, bảo đảm chất lượng và tiến độ.
- Bộ Công nghiệp chỉ đạo Tổng công ty Dầu khí Việt Nam triển khai Dự án, bảo đảm chất lượng và tiến độ.
- Ban Chỉ đạo Nhà nước các dự án trọng điểm về dầu khí thực hiện các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1071/QĐ-TTg ngày 26 tháng 9 năm 2003.
- Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo Tổng công ty Dầu khí Việt Nam hoàn chỉnh phương án tài chính chi tiết, bảo đảm đủ vốn thực hiện Dự án theo đúng tiến độ.
- Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất, Ủy ban nhân dân các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam có trách nhiệm phối hợp với Tổng công ty Dầu khí Việt Nam triển khai các việc liên quan đến Dự án.
- Các Bộ, ngành và địa phương có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm phối hợp và hỗ trợ Tổng công ty Dầu khí Việt Nam thực hiện Dự án đầu tư, bảo đảm chất lượng và tiến độ.
Điều 3. Quyết định này thay thế Quyết định số 514/TTg ngày 10 tháng 7 năm 1997 của Thủ tướng Chính phủ.
Điều 4. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 5. Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Công nghiệp, Tài chính, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Thương mại, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc phòng, Công an, Nội vụ, Bưu chính, Viễn thông, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Tổng công ty Dầu khí Việt Nam và Thủ trưởng các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| THỦ TƯỚNG |
- 1Luật xây dựng 2003
- 2Nghị định 16/2005/NĐ-CP về việc quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình
- 3Công văn số 1586/TTg-DK về việc dự án đầu tư Nhà máy lọc dầu Vũng Rô tại tỉnh Phú Yên do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Công văn số 553/TTg-KTN về dự án Đầu tư Nhà máy lọc dầu Cần Thơ do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Quyết định 546/QĐ-TTg về việc điều chỉnh Dự án đầu tư Nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 546/QĐ-TTg
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 17/06/2005
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Phan Văn Khải
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra