Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5448/QĐ-BNN-TT

Hà Nội, ngày 28 tháng 12 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT NGÔ TOÀN QUỐC ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Căn cứ Nghị định số 199/2013/NĐ-CP ngày 26/11/2013 của Chính phủ quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006;

Căn cứ Thông tư số 05/TT-BKHĐT ngày 31/10/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hướng dẫn tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu;

Căn cứ Quyết định số 1349/QĐ-BNN-KH ngày 18/6/2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quy định về quản lý quy hoạch ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn;

Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Trồng trọt và Vụ trưởng Vụ Kế hoạch,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Phê duyệt Quy hoạch phát triển sản xuất ngô toàn quốc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với những nội dung chủ yếu sau đây:

I. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN

1. Phát triển sản xuất ngô trên cơ sở áp dụng gói kỹ thuật đồng bộ nhằm tăng năng suất, chất lượng, hạ giá thành, nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất và bảo vệ bền vững quỹ đất sản xuất.

2. Phát triển sản xuất ngô trên cơ sở tổ chức hệ thống sản xuất theo hướng khuyến khích các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi liên kết với người sản xuất/Hợp tác xã thu mua ngô tươi để sấy, đáp ứng yêu cầu về chất lượng sản phẩm phục vụ chế biến thức ăn gia súc.

3. Khuyến khích mọi thành phần kinh tế huy động nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất, chế biến các sản phẩm từ ngô. Nhà nước ưu tiên đầu tư cho công tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ về sản xuất, sấy, bảo quản... ngô.

II. MỤC TIÊU

1. Đến năm 2020 và 2025

Diện tích gieo trồng ngô cả nước năm 2020 đạt khoảng 1.160 - 1.265 ngàn ha, sản lượng từ 5,4 - 5,8 triệu tấn, giá trị sản xuất đạt 28 triệu đồng/ha/vụ; đến năm 2025, diện tích gieo trồng ngô cả nước đạt khoảng 950 - 1.100 ngàn ha, sản lượng 4,8 - 5,5 triệu tấn, giá trị sản xuất đạt 32 triệu đồng/ha/vụ.

2. Đến năm 2030

Duy trì diện tích gieo trồng ngô cả nước ổn định như năm 2025, nhưng tăng năng suất lên 52 - 53 tạ/ha để sản lượng khoảng 5,0 - 5,7 triệu tấn, giá trị sản xuất đạt khoảng 35 - 40 triệu đồng/ha/vụ.

III. ĐỊNH HƯỚNG QUY HOẠCH

1. Đến năm 2020 và 2025

- Về quy mô: Dự kiến đến năm 2020, cả nước gieo trồng 1.160 - 1.265 ngàn ha ngô; đến năm 2025, diện tích gieo trồng ngô cả nước đạt 950 - 1.100 ngàn ha, phân bổ ở các vùng như sau: Đồng bằng sông Hồng 75 - 95 ngàn ha, Trung du miền núi phía Bắc 380 - 420 ngàn ha, Bắc Trung Bộ 120 - 140 ngàn ha, Duyên hải Nam Trung Bộ 65 - 85 ngàn ha, Tây Nguyên 195 - 220 ngàn ha, Đông Nam Bộ 65 - 75 ngàn ha, Đồng bằng sông Cửu Long 50 - 65 ngàn ha.

- Về cơ cấu mùa vụ: Năm 2020, diện tích gieo trồng ngô vụ xuân chiếm 32-33%, ngô hè thu chiếm 43-44%, còn lại là ngô thu đông và ngô đông. Đến năm 2025, diện tích gieo trồng ngô vụ xuân chiếm 33-34%, ngô hè thu chiếm 42%, ngô thu đông và ngô đông chiếm 24-25%.

2. Định hướng đến năm 2030

- Về quy mô: Diện tích gieo trồng ngô cả nước đạt 950 - 1.100 ngàn ha; trong đó, vùng Trung du miền núi phía Bắc và Tây Nguyên chiếm khoảng 60%, còn lại là các vùng khác.

- Về cơ cấu mùa vụ: Diện tích gieo trồng ngô vụ xuân chiếm khoảng 35-36%, ngô hè thu chiếm 40-41%, còn lại là ngô thu đông và ngô đông.

IV. MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Công tác quy hoạch

Trên cơ sở quy hoạch sản xuất ngô toàn quốc, các tỉnh/thành phố rà soát quy hoạch sản xuất ngô trên địa bàn trong quá trình điều chỉnh các phương án quy hoạch chuyên ngành có liên quan. Phương án quy hoạch cần gắn chặt sản xuất với thu mua, sơ chế, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm ngô.

2. Khoa học, công nghệ và khuyến nông

a) Về giống

Chọn tạo những giống lai năng suất, chất lượng cao, kháng sâu; những giống lai chịu lạnh, hạn, úng, phèn...; những giống có hàm lượng Protein cao, sinh khối lớn phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi; những giống ngô thực phẩm (ngô đường, ngô nếp...) nhằm nâng cao chuỗi giá trị gia tăng trong sản xuất. Để đáp ứng nhu cầu hạt giống, các địa phương phối hợp với doanh nghiệp/đơn vị tổ chức sản xuất hạt lai F1 cung cấp cho sản xuất.

b) Về kỹ thuật canh tác

- Trước hết, cần hoàn thiện gói kỹ thuật thâm canh đồng bộ gieo trồng ngô để triển khai áp dụng trên thực tiễn sản xuất nhằm tăng năng suất, giảm giá thành, nâng cao năng lực cạnh tranh về giá với ngô nhập khẩu.

- Tiếp tục xây dựng, điều chỉnh chế độ luân canh hợp lý trên từng loại đất, đặc biệt là chân ruộng 01 vụ ở khu vực miền núi nhằm khai thác tối đa diện tích gieo trồng ngô vụ Xuân.

- Áp dụng phương pháp làm đất tối thiểu nhằm chống xói mòn, giữ độ phì, giữ ẩm, tranh thủ thời vụ, tiết kiệm công lao động...

c) Một số nhiệm vụ khoa học công nghệ khác

Tiếp tục nghiên cứu cải tiến thiết bị, máy móc tẽ hạt, đảm bảo tỷ lệ vỡ ít nhất. Tăng cường cơ giới hóa một số khâu trong sản xuất ngô, trước mắt ưu tiên khâu thu hoạch, tẽ hạt, sấy và bảo quản hạt ngô. Đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ của nông dân về quy trình sấy ngô bằng các lò thủ công, đảm bảo chất lượng ngô nguyên liệu (hạn chế tối đa tỷ lệ cháy).

3. Tổ chức sản xuất

Khuyến khích các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi liên kết với nông dân/Hợp tác xã sản xuất, thu mua ngô tươi tại các vùng sản xuất tập trung để sấy đạt độ ẩm tiêu chuẩn, nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp/tổ chức/Hợp tác xã/cá nhân đầu tư hệ thống sấy, làm dịch vụ sấy ngô cho nông dân tại các vùng sản xuất tập trung.

4. Về thị trường tiêu thụ sản phẩm

Hiện nay, sản xuất ngô trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 40-45% nhu cầu ngô hạt phục vụ chế biến thức ăn chăn nuôi trong nước. Giai đoạn từ nay đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, sản xuất ngô trong nước tiếp tục hướng vào thị trường nội địa. Vấn đề cần đặt ra đối với sản xuất ngô trong thời gian tới là đẩy mạnh thực hiện các giải pháp hạ giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh với ngô nhập khẩu.

5. Cơ chế chính sách

- Đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Quyết định số 915/QĐ-TTg ngày 27/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về Chính sách hỗ trợ để chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng ngô tại vùng Trung du miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ, Đồng bằng sông Cửu Long, Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên.

- Tiếp tục triển khai có hiệu quả một số chính sách đã ban hành: Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg ngày 9/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn...

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Bộ Nông nghiệp và PTNT

a) Cục Trồng trọt

Chủ trì tham mưu cho Bộ hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện phương án quy hoạch, tổng hợp kết quả thực hiện phương án quy hoạch báo cáo Bộ Nông nghiệp và PTNT.

b) Các đơn vị khác

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp với Cục Trồng trọt triển khai, thực hiện phương án quy hoạch.

2. Các Bộ, ngành Trung ương

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT và các địa phương kiểm tra, giám sát thực hiện phương án quy hoạch; báo cáo cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách về phát triển sản xuất ngô.

3. Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh/thành phố

Tham mưu cho UBND tỉnh rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển sản xuất ngô của địa phương trong phương án quy hoạch tổng thể toàn ngành, hoặc các phương án quy hoạch có liên quan; chỉ đạo triển khai thực hiện phương án quy hoạch tại địa phương; tổng hợp báo cáo Bộ Nông nghiệp và PTNT.

4. Các doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ ngô thương phẩm

Liên kết với nông dân/Hợp tác xã sản xuất, thu mua, bảo quản, chế biến hạt ngô thương phẩm; tiếp tục đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ bảo quản, chế biến các sản phẩm ngô; đề xuất cơ chế chính sách khuyến khích phát triển sản xuất ngô.

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3: Chánh văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh/thành phố chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Bộ trưởng, các Thứ trưởng Bộ NN&PTNT;
- Các Bộ: VPCP, KH và ĐT, Tài chính, Công Thương, Khoa học và CN;
- Sở NN và PTNT các tỉnh/thành phố trực thuộc TW;
- Website Bộ NN&PTNT;
- Lưu: VT, TT.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Lê Quốc Doanh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 5448/QĐ-BNN-TT năm 2016 về phê duyệt Quy hoạch phát triển sản xuất ngô toàn quốc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 5448/QĐ-BNN-TT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 28/12/2016
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: Lê Quốc Doanh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 28/12/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản