- 1Luật Xây dựng 2014
- 2Nghị định 44/2015/NĐ-CP Quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng
- 3Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 4Thông tư 12/2016/TT-BXD quy định về hồ sơ của nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch đô thị và quy hoạch xây dựng khu chức năng đặc thù do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành
- 5Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch 2018
- 6Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019
- 7Nghị định 72/2019/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 37/2010/NĐ-CP về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị và Nghị định 44/2015/NĐ-CP hướng dẫn về quy hoạch xây dựng
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 5445/QĐ-UBND | Thanh Hóa, ngày 28 tháng 12 năm 2021 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỒ ÁN ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH XÂY DỰNG VÙNG HUYỆN QUẢNG XƯƠNG, TỈNH THANH HÓA ĐẾN NĂM 2045
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HOÁ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch ngày 20 tháng 11 năm 2018;
Căn cứ Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ về quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 72/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 8 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07 tháng 4 năm 2010 về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị và Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2015 quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng;
Căn cứ Thông tư số 12/2016/TT-BXD ngày 29 tháng 6 năm 2016 của Bộ Xây dựng quy định về hồ sơ của nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch đô thị và quy hoạch xây dựng khu chức năng đặc thù và các quy định của pháp luật có liên quan;
Căn cứ Quyết định số 4711/QĐ-UBND, ngày 26 tháng 11 năm 2018 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Quy hoạch vùng huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2065;
Theo đề nghị của Sở Xây dựng tại Báo cáo thẩm định số 9503/SXD-QH ngày 20 tháng 12 năm 2021 về việc điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2045(kèm theo Tờ trình số 314/TTr-UBND ngày 03 tháng 12 năm 2021 của UBND huyện Quảng Xương).
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2045, với nội dung chính sau:
1. Quan điểm, mục tiêu điều chỉnh quy hoạch
1.1. Quan điểm
- Phát triển kinh tế - xã hội huyện Quảng Xương đặt trong tổng thể phát triển chung của tỉnh Thanh Hóa, phát triển kinh tế xã - xã hội vùng ven biển tỉnh Thanh Hóa và vùng Bắc Trung Bộ, đồng thời phải phù hợp với chiến lược biển Việt Nam. Gắn kết chặt chẽ giữa phát triển huyện với sự phát triển trong khu vực, nhất là thành phố Thanh Hóa, Khu kinh tế Nghi Sơn, thành phố Sầm Sơn, các khu du lịch lớn trong tỉnh và vùng Bắc Trung bộ… Nắm bắt các cơ hội phát triển mới trong khu vực để thu hút đầu tư bên ngoài tạo sự bứt phá về tăng trưởng, đồng thời tạo động lực mạnh thúc đẩy kinh tế - xã hội huyện.
- Tập trung mọi nguồn lực để đầu tư, khai thác tiềm năng lợi thế của từng vung, đặc biệt là khu vực ven biển để phát triển các ngành kinh tế biển hiệu quả và bền vững. Chú trọng phát triển thương mại và du lịch, công nghiệp và TTCN có trọng tâm, trọng điểm.
- Coi trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng được nhu cầu về nguồn nhân lực cho KKT Nghi Sơn, thành phố Thanh Hóa, thành phố Sầm Sơn, Khu công nghiệp Lam Sơn - Sao Vàng. Đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học - công nghệ (đặc biệt trong ngành nông nghiệp, công nghiệp) xem đây là khâu then chốt để nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm hàng hóa.
- Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ môi trường, phòng tránh thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu.
- Huy động nguồn lực tập trung phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Ưu tiên phát triển giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng nước sạch, hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, hạ tầng thương mại và du lịch.
- Phát triển kinh tế - xã hội gắn liền với đảm bảo quốc phòng an ninh, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội trong khu vực.
1.2. Mục tiêu điều chỉnh
- Điều chỉnh giai đoạn lập quy hoạch cho phù hợp với Luật Xây dựng;
- Điều chỉnh các định hướng phát triển đô thị, nông thôn, một số khu chức năng và hệ thống hạ tầng kỹ thuật cấp vùng.
2. Phạm vi và ranh giới lập quy hoạch
Toàn bộ địa giới hành chính huyện Quảng Xương, bao gồm 26 đơn vị hành chính (01 thị trấn và 25 xã), ranh giới lập quy hoạch cụ thể như sau:
- Phía Bắc: giáp thành phố Thanh Hóa và thành phố Sầm Sơn;
- Phía Nam: giáp thị xã Nghi Sơn;
- Phía Đông: giáp biển Đông;
- Phía Tây: giáp huyện Nông Cống, huyện Đông Sơn.
Diện tích lập quy hoạch khoảng 174,47 km2.
3. Tính chất
Là vùng phát triển đa ngành, tập trung phát triển kinh tế biển; thương mại; du lịch sinh thái nghỉ dưỡng; công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao.
Là địa bàn chiến lược, khu vực kết nối, hỗ trợ phát triển cho tam giác tăng trưởng thành phố Thanh Hóa, thành phố Sầm Sơn, thị xã Nghi Sơn qua 2 hành lang kinh tế dọc tuyến đường ven biển và dọc tuyến Quốc lộ 1A.
4. Các dự báo phát triển
Định hướng huyện Quảng Xương sẽ phát triển chia làm 02 giai đoạn: giai đoạn đến năm 2030 phát triển huyện Quảng Xương là thị xã - đô thị loại IV; giai đoạn đến năm 2045 là đô thị loại III trở lên.
4.1. Quy mô dân số
Dự báo đến năm 2030 dân số toàn huyện khoảng 230.000 người. Đến năm 2045 dân số toàn huyện là 260.000 người.
4.2. Quy mô đất đai
- Đất xây dựng đô thị: Đến năm 2030 khoảng 3.000 - 3.500ha; đến năm 2045 khoảng: 4.000 - 5.000ha.
- Đất khu, cụm công nghiệp: Đến năm 2030 khoảng 500 ha; đến năm 2045 khoảng 925ha.
5. Định hướng phát triển không gian vùng
5.1. Cấu trúc phát triển không gian vùng
- Trên cơ sở trục phát triển kinh tế xã hội thành phố Thanh Hóa - KKT Nghi Sơn, phát triển các đô thị dọc theo Quốc lộ 1A tại các khu vực trọng tâm bao gồm: thị trấn Tân Phong (cửa ngõ phía Bắc), đô thị Tiên Trang (cửa ngõ phía Nam) và khu vực Cống Trúc.
- Xây dựng 02 tuyến đường mới để tăng cường kết nối về phía Tây huyện, bao gồm: Tuyến Quốc lộ 47C kéo dài nối với đường Thái - Bình (kết nối vùng huyện Quảng Xương với huyện Triệu Sơn, Thọ Xuân, góp phần thúc đẩy giao lưu, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội); tuyến nối đường bộ ven biển với nút giao đường bộ cao tốc tại huyện Nông Cống (nút giao Vạn Thiện) hình thành tuyến kết nối du lịch biển Quảng Xương với các khu du lịch lớn của tỉnh như: Sầm Sơn, khu du lịch ven biển Quảng Xương, khu du lịch Bến En.
- Hình thành các tuyến đường huyện theo hướng Bắc Nam và Đông Tây để kết nối hoàn chỉnh các khu vực trong huyện trên cơ sở xây mới một số đoạn để kết nối các tuyến đã có, ưu tiên kết nối với khu vực trung tâm huyện và hướng về phía Đông để phát triển khu vực ven biển.
- Trên cơ sở khung giao thông, bố trí các khu chức năng theo quy mô đất đai dự báo và các lợi thế về tài nguyên, hạ tầng giao thông, vị trí địa lý.
5.2. Tổ chức hệ thống đô thị và nông thôn
5.2.1. Hệ thống đô thị
* Giai đoạn đến năm 2025: huyện Quảng Xương có 02 đô thị, dân số hiện trạng khu vực dự kiến phát triển đô thị: 32.752 người, dự báo dân số đô thị đến năm 2025 khoảng 40.000 người, tỷ lệ đô thị hóa đạt 19,04%.
- Thị trấn Tân Phong:
Phạm vi ranh giới: diện tích: 1.463ha.
Dân số hiện trạng: 21.074 người, đến năm 2025 dân số dự báo khoảng 25.000 người.
Tính chất: Là thị trấn huyện lỵ, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của huyện.
- Đô thị Tiên Trang:
Phạm vi ranh giới: bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên của xã Tiên Trang với tổng diện tích 1.031ha.
Dân số hiện trạng: 11.678 người, dự báo đến năm 2025 dân số khoảng 15.000 người.
Tính chất: Là đô thị du lịch, dịch vụ thương mại và sản xuất công nghiệp.
* Giai đoạn đến năm 2030: Phát triển huyện Quảng Xương trở thành thị xã, đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV:
- Dân số toàn huyện khoảng 230.000 người, dân số nội thị khoảng 165.000 người, tỷ lệ đô thị hóa 71,7%.
- Khu vực nội thị bao gồm các phường: Tân Phong, Quảng Định, Quảng Đức, Quảng Giao, Quảng Ninh, Quảng Nhân, Quảng Hải, Quảng Bình, Quảng Lưu, Quảng Thái, Quảng Lộc, Quảng Khê, Tiên Trang, Quảng Chính, Quảng Thạch, Quảng Nham, Quảng Trung, Quảng Yên, Quảng Trạch.
Khu vực ngoại thị gồm các xã: Quảng Hòa, Quảng Long, Quảng Văn, Quảng Hợp, Quảng Ngọc, Quảng Phúc, Quảng Trường.
* Định hướng đến năm 2045: Dự báo dân số toàn huyện khoảng 260.000 người, dân số nội thị khoảng 195.000 người, tỷ lệ đô thị hóa 75,0%.
* Định hướng phát triển các khu đô thị, khu dân cư mới:
- Phát triển các khu đô thị mới tại các phường nội thị dự kiến, giáp ranh với thành phố Thanh Hoá, là đô thị sinh thái, hiện đại , tạo động lực phát triển vùng huyện (tại xã Quảng Yên, Quảng Trạch, Quảng Định...).
- Phát triển các khu dân cư mới tại các xã theo hướng tập trung đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, không phát triển dàn trải dọc theo các tuyến giao thông.
5.2.2. Định hướng phát triển khu vực nông thôn và nông nghiệp
- Hạn chế phát triển dàn trải các khu dân cư mới, phát triển các điểm dân cư nông thôn cân bằng với nhu cầu thực tế, theo định hướng quy hoạch chung xã. Tập trung phát triển trung tâm cụm xã tại Quảng Ngọc gắn với cụm công nghiệp (bao gồm các chức năng: dân cư mới, khu thương mại, dịch vụ hỗ trợ sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, kho bãi...).
- Tiếp tục đẩy mạnh tích tụ ruộng đất, sản xuất quy mô lớn, an toàn, ứng dụng hiện đại hóa trong nông nghiệp để phục vụ cho các thị trường lớn như tp Thanh Hóa, Sầm Sơn, Nghi Sơn. Định hướng đến năm 2030 hình thành các vùng sản xuất lớn, quy mô tập trung, phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực bao gồm:
Vùng lúa năng xuất cao diện tích khoảng 2.000ha ở các xã phía Tây Quốc lộ 1.
Ổn định vùng trồng cói diện tích khoảng 550ha phục vụ phát triển nghề truyền thống ở các xã: Quảng Khê, Quảng Phúc.
Ổn định các khu vực nuôi trồng thủy sản hiện có, phát triển vùng nuôi trồng thủy sản quy mô công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao quy mô khoảng 450ha tại các xã Quảng Khê, Quảng Chính, Quảng Trung.
Xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao diện tích khoảng 260 ha tại xã Quảng Hòa và thị trấn Tân Phong để phát triển sản xuất rau an toàn, hoa, cây cảnh... phục vụ nhu cầu thành phố Thanh Hóa, thành phố Sầm Sơn, KKT Nghi Sơn.
- Tiếp tục phát triển các loại cây có giá trị như thuốc lào, ớt, khoai tây, ngô...ở các khu vực nhỏ lẻ hiện có. Khuyến khích xây dựng các nông trại, vườn cây ăn quả lâu năm, kết hợp các làng nghề để phát triển loại hình du lịch sinh thái, dã ngoại.
5.3. Phân bố và quy mô các không gian phát triển
5.3.1. Không gian phát triển công nghiệp
Phát triển huyện Quảng Xương đến năm 2045 có 1 khu công nghiệp và 9 cụm công nghiệp tổng diện tích khoảng 925 ha bao gồm:
* Các khu, cụm công nghiệp bổ sung
- Khu công nghiệp Lưu Bình tại khu vực xã Quảng Lưu, Quảng Bình, Quảng Lộc, diện tích 500 ha (theo định hướng quy hoạch tỉnh Thanh Hóa);
- CCN Tân Trạch tại thị trấn Tân Phong và xã Quảng Trạch, diện tích 60 ha (theo Quyết định số 2073/QĐ-UBND, ngày 16/6/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh v/v phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương đến năm 2035);
- Cụm công nghiệp Quảng Văn (sau năm 2030), diện tích 60 ha (khai thác lợi thế dọc tuyến Quốc lộ 47C kéo dài).
* Các cụm công nghiệp điều chỉnh quy mô:
- CCN Nham Thạch: Điều chỉnh diện tích từ 15 ha thành 16,8 ha (mở rộng trên cơ sở quỹ đất có thể bố trí được);
- CCN Quảng Yên: Điều chỉnh diện tích từ 65 ha thành 60,0 ha (Quyết định số 4036/QĐ-UBND ngày 14/10/2021);
- CCN, TTCN nghề cói (xã Quảng Khê - Quảng Chính): Điều chỉnh diện tích từ 40 ha thành 20,0 ha; (thu hẹp nhằm phát triển về một phía tuyến đường nối Quốc lộ 45 với đường ven biển);
- CCN Nam Thành phố Thanh Hóa: Điều chỉnh khu công nghiệp Nam thành phố diện tích từ 150 ha thành cụm công nghiệp Nam thành phố, phần diện tích trong địa bàn huyện Quảng Xương khoảng 23,2 ha.
* Các cụm công nghiệp giữ nguyên quy mô:
- CCN Cống Trúc, diện tích 75 ha;
- CCN Tiên Trang, diện tích 50 ha;
- CCN Quảng Ngọc, diện tích 60 ha.
5.3.2. Không gian phát triển du lịch
Tập trung phát triển nhanh và bền vững ngành du lịch trong mối liên hệ chặt chẽ với thành phố Sầm Sơn, thành phố Thanh Hóa và các điểm du lịch lân cận. Sản phẩm chủ lực là du lịch biển, ngoài ra phát triển thêm các loại hình du lịch khác bổ trợ, sớm đưa Quảng Xương trở thành một trọng điểm du lịch của tỉnh và miền Bắc.
- Phát triển khu du lịch ven biển huyện Quảng Xương với diện tích khoảng 1.400 ha, phía Đông đường ven biển, kéo dài từ xã Quảng Hải đến Quảng Nham. Phát triển loại hình du lịch biển với các chức năng: nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, chợ du lịch kết hợp ẩm thực, thể thao, du lịch cộng đồng...
- Xây dựng khu đô nghỉ dưỡng khoáng nóng tại xã Quảng Yên với quy mô khoảng 200ha (giai đoạn đầu khoảng 100ha). Định hướng xây dựng khu đô thị gắn với dịch vụ lịch tập trung, đồng bộ. Tổ chức kiến trúc cảnh quan độc đáo, hiện đại, phát triển đa dạng thêm các loại hình dịch vụ để bổ trợ cho sản phẩm du lịch chính là tắm nước khoáng nóng.
- Xây dựng điểm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Farmstay tại khu vực xã Quảng Lưu, diện tích khoảng 60 ha.
- Bảo tồn, tôn tạo phát huy giá trị các di tích, đặc biệt là di tích Quốc gia để khai thác phát triển du lịch, xây dựng khu tưởng niệm bến phà Ghép với công trình kiến trúc mang tính biểu tượng để khơi dậy truyền thống, niềm tự hào, đồng thời là điểm tham quan du lịch.
- Các làng nghề được khôi phục, tổ chức thành các khu vực tập trung để nâng cao giá trị sản xuất, tạo thành điểm du lịch làng nghề. Tại CNN Quảng Chính tổ chức một khu vực trưng bày, giới thiệu sản phẩm kết hợp tham quan du lịch, mua sắm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ cói để phục vụ du khách và cung cấp sản phẩm phục vụ cho khu du lịch ven biển.
- Hình thành tuyến du lịch nội huyện: khu du lịch ven biển - Bến phà Ghép - điểm du lịch làng nghề cói - tuyến du lịch Sông Lý - Khu đô nghỉ dưỡng khoáng nóng tại xã Quảng Yên - Cụm di tích Quốc gia đền thờ Hoàng Bùi Hoàn đền thờ Bùi Sỹ Lâm; các tuyến du lịch ngoại huyện tuân thủ theo quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của tỉnh.
5.3.3. Định hướng phát triển các công trình hạ tầng xã hội
a) Hệ thống công trình Y tế:
- Định hướng đến năm 2030, nâng cấp mở rộng Bệnh viện đa khoa huyện Quảng Xương đạt quy mô 400 giường bệnh.
- Xây dựng mới bệnh viện đa khoa tại khu vực Cống Trúc, quy mô 400 - 500 giường bệnh.
Từng bước nâng cao chất lượng các hoạt động khám chữa bệnh, đẩy mạnh công tác y tế dự phòng, phấn đấu tỷ lệ các xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế 100% vào năm 2025.
b) Hệ thống công trình Giáo dục:
Tuân thủ theo định hướng của tỉnh về đề án sắp xếp các trung học trường phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh theo hướng tinh gọn bộ máy, đảm bảo khoảng cách hợp lý giữa các trường. Mạng lưới giáo dục phổ thông trung học của huyện cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu và bán kính phục vụ. Vì vậy giữ nguyên hệ thống các trường trung học phổ thông, dành quỹ đất để mở rộng quy mô đủ đáp ứng với sự phát triển dân số theo từng giai đoạn.
Bổ sung trường THPT tại khu vực xã Quảng Nhân quy mô khoảng 1.000 học sinh phục vụ khu vực phía Đông Bắc huyện.
c) Hệ thống công trình hành chính, văn hóa - thể thao:
Sau khi huyện Quảng Xương trở thành thị xã, Khu trung tâm văn hóa, thể thao từng bước được di chuyển về khu vực Cống Trúc, bao gồm các các công trình thể thao văn hóa như:
Thư viện, quy mô tối thiểu 0,5ha;
Bảo tàng tổng hợp, quy mô tối thiểu 1ha;
Cung triển lãm, quy mô tối thiểu 1ha;
01 Thiết chế văn hóa tổng hợp đa chức năng cấp đô thị gồm cung văn hóa, cung thiếu nhi, nhà hát, rạp chiếu phim, quy mô tối thiểu 3,2ha.
Quảng trường trung tâm gắn với công trình biểu tượng hoặc tượng đài;
Sân thể thao cơ bản, quy mô tối thiểu 1ha;
Sân vận động, quy mô tối thiểu 2,5ha;
Trung tâm thể dục thể thao, quy mô tối thiểu 3ha.
5.3.4. Hệ thống công trình thương mại dịch vụ
Hệ thống chợ tuân thủ theo quy hoạch phát triển hệ thống chợ của tỉnh đến năm 2025. Sau năm 2025 điều chỉnh nâng cấp chợ Cống Trúc thành chợ hạng 2, bổ sung thêm chợ du lịch kết hợp khu ẩm thực tại khu vực xã Quảng Thái để phục vụ khu du lịch ven biển.
Xây dựng các trung tâm thương mại lớn cấp vùng tại các khu vực đầu mối cửa ngõ như: thị trấn Tân Phong, Cống Trúc, đô thị Tiên Trang. Xây dựng, mở rộng và phát triển điểm thương mại tại trung tâm cụm xã Quảng Ngọc.
6. Định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật
6.1. Định hướng phát triển giao thông
6.1.1. Giao thông đường bộ
a) Quốc lộ:
Quốc lộ 1A: Quy hoạch đạt tiêu chuẩn đường cấp III, 4 làn xe. Cắm mốc giới hạn hành lang an toàn đường bộ tính từ đất của đường bộ trở ra mỗi bên là 13m (đoạn qua đô thị tuân thủ theo quy hoạch chung đô thị). Khu vực từ nút giao Quảng Phong kéo dài về phía Nam bố trí đường gom.
Quốc lộ 45: Thuộc nhóm quốc lộ chính yếu khu vực Miền Trung và Tây Nguyên. Đoạn qua huyện Quảng Xương quy mô đường cấp III-IV, 2-4 làn xe.
Quốc lộ 10 kéo dài: Thuộc nhóm quốc lộ chính yếu khu vực phía Bắc. Xây dựng mới tuyến với quy mô đường cấp III, 2-4 làn xe.
Đường bộ ven biển: Xây dựng tuyến đoạn qua huyện Quảng Xương là đường đô thị, lộ giới 48,0m.
b) Đường tỉnh:
Đường tỉnh 504: Nâng cấp đoạn từ Quảng Ngọc đến Quốc lộ 45 đạt quy mô đường cấp III, 4 làn xe. Kéo dài tuyến từ điểm giao với Quốc lộ 45 đi huyện Đông Sơn.
Đường tỉnh 511: Giữ quy mô đường cấp III, mở rộng nền đạt 4 làn xe.
Xây dựng mới tuyến nối QL 45 với đường bộ ven biển tại xã Quảng Nham, đạt tối thiểu quy mô đường cấp IV.
Xây dựng mới đoạn từ QL 47C kéo dài nối với đường Thái Bình, đạt quy mô đường cấp III, 4 làn xe.
c) Đường huyện:
- Nâng cấp, mở rộng các đoạn hiện có và xây dựng mới một số đoạn để hoàn chỉnh kết nối toàn tuyến, đạt tiêu chuẩn đường cấp IV, từ 2 đến 4 làn xe. Các tuyến, đoạn tuyến còn lại được nâng cấp, chỉnh tuyến các đoạn khó khăn đạt tối thiểu đường cấp IV, 2 làn xe. Đảm bảo kết nối tốt các khu vực trong huyện.
- Xây dựng mới tuyến đường từ cầu Thắng Phú đi QL1A, đạt tiêu chuẩn đường cấp IV, 2 đến 4 làn xe.
d) Bến xe khách:
Xây dựng 02 bến xe khách cấp huyện loại 4:
Bến xe phía Bắc: đặt tại khu vực thị trấn Tân Phong, diện tích khoảng 2,0 ha.
Bến xe phía Nam: đặt tại đô thị Tiên Trang, diện tích khoảng 1,0 ha.
6.1.2. Giao thông đường thủy nội địa
a) Tuyến sông Yên:
Đoạn từ phao số 0 (cửa Lạch Ghép) đến cầu Ghép: giữ cấp 2 đường thủy nội địa (ĐTNĐ), bảo đảm tàu trọng tải đến 600 tấn có thể lưu thông.
Đoạn từ cầu Ghép đến cầu Vạy: giữ cấp 4 ĐTNĐ, cho tàu trọng tải tối đa 100 tấn có thể lưu thông.
Nâng cấp cầu Ghép, cầu Vạy đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật cấp 4 ĐTNĐ.
b) Tuyến sông Hoàng:
Nâng cấp đạt cấp 5 ĐTNĐ. Nâng cấp cầu Trà, cầu Ngọc Lẫm mới, cầu Đa My mới, cầu Phúc Vọng mới đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật cấp 5 ĐTNĐ.
c) Cảng, bến thủy nội địa:
- Cải tạo mở rộng nâng công suất Cảng cá Quảng Nham đáp ứng quy mô năng lực 60 lượt/400 CV, tổng lượng thủy sản qua cảng khoảng 3.000 tấn/năm trở lên.
- Xây dựng 03 bến thủy nội địa trên tuyến sông Yên: Ngọc Trà, Vua Bà, Cầu Vạy. Bến hàng hóa, công suất dự kiến 50.000 tấn/năm, tiếp nhận tàu trọng tải 100 tấn.
6.2. Định hướng chuẩn bị kỹ thuật
a) Định hướng cao độ nền
- Khu vực dọc Quốc lộ 1A bao gồm: thị trấn Tân Phong; xã Quảng Ninh; đô thị Cống Trúc và xã Quảng Khê, cao độ xây dựng tối thiểu với đất dân dụng Hxd ≥ 2,6m.
- Khu vực ven biển phía Đông của huyện Quảng Xương thuộc xã Quảng Hải, Quảng Lưu, Quảng Thái, Tiên Trang, Quảng Thạch, Quảng Nham, cao độ xây dựng tối thiểu tại đây Hxd ≥ 2,9m.
- Khu Vực phía Tây huyện Quảng Xương (dọc theo hệ thống sông Lý, sông Hoàng) bao gồm các xã Quảng Yên, Quảng Hòa, Quảng Hợp, Quảng Long, Quảng Văn, Quảng Ngọc, Quảng Phúc, Quảng Trường, cao độ xây dựng tối thiểu với đất dân dụng Hxd ≥ 2,2m.
- Khu vực phía Nam huyện Quảng Xương bao gồm các xã Quảng Trung, Quảng Chính cao độ xây dựng tối thiểu với đất dân dụng Hxd ≥ 2,8m.
b) Thoát nước mặt
Diện tích huyện được chia làm 5 tiểu vùng thuộc 3 vùng tiêu úng:
- Tiểu vùng 1 (tiêu ra sông Hoàng) - thuộc vùng tiêu sông Hoàng xã Quảng Phúc: Nạo vét, giải tỏa ách tắc trên sông Hoàng. Xây dựng trạm bơm Quảng Trung; lưu lượng thiết kế 1,66m3/s.
- Tiểu vùng 2 (tiêu trực tiếp ra biển) - thuộc vùng tiêu sông Lý: khu vực ven biển phía Đông Bắc: Tiêu tự chảy hoàn toàn nhờ độ dốc địa hình.
- Tiểu vùng 3 (tiêu qua đê sông Yên) - thuộc vùng tiêu sông Lý: khu vực phía Nam: cần thay hệ thống đóng mở của 03 cống tiêu thủy sản thuộc xã Quảng Trung
- Tiểu vùng 4 (tiêu ra hệ thống sông Lý) - thuộc vùng tiêu sông Lý: khu vực trung tâm huyện: Cần đầu tư nạo vét, cải tạo và sửa chữa toàn bộ hệ thống tiêu sông Lý.
- Tiểu vùng 5 (tiêu ra cống sông Đơ và cống Trường Lệ) - thuộc vùng tiêu sông Rào, sông Đơ: xã Quảng Hải: Cần nạo vét trục tiêu sông Rào.
6.3. Định hướng cấp nước
- Nguồn cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất:
Nguồn cấp nước cho khu vực vùng huyện Quảng Xương lấy từ hệ thống kênh Bắc Bái Thượng, sông Hoàng, sông Lý.
- Nhà máy nước:
Mở rộng, nâng công suất 03 nhà máy nước hiện có, tổng công suất khoảng 72.000 m3/ngđ, bao gồm:
Nhà máy nước Quảng Xương tại xã Quảng Thịnh, TP Thanh Hóa: Nâng cấp công suất 22.000 m3/ngđ, phục vụ cho thị trấn Tân Phong và các xã :Quảng Trạch, Quảng Đức, Quảng Định, Quảng Ninh, Quảng Bình, Quảng Khê, Quảng Trung, Quảng Chính.
Nhà máy nước An Bình (xã Quảng Văn): công suất 15.000 m3/ngđ, phục vụ cho các xã: Quảng Hợp, Quảng Hòa, Quảng Ngọc, Quảng Văn, Quảng Trường, Quảng Yên, Quảng Long, Quảng Phúc.
Nhà máy nước Miền Trung (xã Quảng Lưu): công suất 35.000m3/ngđ, phục vụ cho các xã: Quảng Nham, Quảng Thạch, Tiên Trang, Quảng Lộc, Quảng Thái, Quảng Lưu, Quảng Nhân, Quảng Hải, Quảng Giao.
- Mạng lưới cấp nước:
Sử dụng đường ống cấp nước HPDE, được quy hoạch ngầm dọc theo các trục đường giao thông. Chi tiết thông số mạng lưới đường ống cấp nước sẽ được triển khai chi tiết trong các quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết.
6.4. Định hướng cung cấp năng lượng
Nguồn điện: Nguồn điện cấp cho huyện Quảng Xương được lấy từ các trạm biến áp 110kV Quảng Xương, trạm biến áp 110kV Nam Thành phố Thanh Hóa, trạm 110kV Sầm Sơn thông qua đường dây 35kV và 22kV.
- Trạm biến áp:
- Nâng công suất trạm biến áp 110kV Quảng Xương, từ 40MVA - 110/35/22kV lên 2x63MVA - 110/22kV.
- Xây dựng mới trạm 110kV Quảng Xương 2 giai đoạn đầu 40MVA-110/22kV, giai đoạn tiếp theo nâng cấp lên (40 63) MVA-110/22kV.
- Lưới điện:
Xây dựng tuyến đường dây 220kV từ trạm 500kV Thanh Hóa tới trạm 220kV Sầm Sơn.
Xây dựng mới tuyến điện 110kV từ trạm 110kV Quảng Xương tới trạm 110kV Quảng Xương 2 rồi tới trạm 220kV Sầm Sơn để tạo thành mạch vòng cấp điện giữa các trạm 110kV và 220kV.
6.5. Định hướng phát triển hạ tầng viễn thông thụ động
6.5.1. Điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng
Tiếp tục duy trì nâng cấp các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng tại các trung tâm giao dịch viễn thông, các Bưu cục cấp II, cấp III, điểm bưu điện - văn hóa xã, đáp ứng nhu cầu cung cấp các dịch vụ bưu chính, viễn thông công cộng phục vụ cấp ủy Đảng, Chính quyền và nhu cầu sử dụng dịch vụ của nhân dân trên địa bàn.
6.5.2. Hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động
a) Mạng điện thoại cố định, Internet cố định: Đầu tư nâng cấp các trạm chuyển mạch cố định, trạm truy nhập quang hiện có, đầu tư xây dựng mới các trạm truy nhập quang tại các khu đô thị mới, Khu công nghiệp, cụm công nghiệp mới, đáp ứng nhu cầu cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet, truyền hình qua mạng viễn thông.
b) Mạng thông tin di động: Đầu tư xây dựng mới các cột ăng ten thu phát sóng thông tin di động 4G/5G và thế hệ mới sau 5G tại khu dân cư hiện hữu và các khu dân cư mới, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp mới, khi lập các đồ án quy hoạch.
c) Mạng truyền dẫn:
- Đầu tư xây dựng mới các tuyến cáp quang ngầm dọc các tuyến giao thông đường bộ xây dựng mới, đấu nối các trạm viễn thông huyện Quảng Xương với các trạm Host trung tâm của tỉnh.
- Đối với các hệ thống cáp viễn thông hiện hữu, thực hiện cải tạo, chỉnh trang đảm bảo mỹ quan và an toàn cho người dân theo lộ trình: Loại bỏ các đường dây cáp, sợi cáp không còn sử dụng; Thực hiện bó gọn, gia cố hệ thống dây cáp; Hạ ngầm các tuyến cáp treo thuộc các khu vực trung tâm đô thị; Hạ ngầm các tuyến cáp treo tại các ngã tư, nút giao thông và tuyến cáp cắt ngang qua đường giao thông.
d) Quỹ đất để xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động: Bố trí quỹ đất để xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động khi quy hoạch chung xây dựng đô thị, quy hoạch chung vùng xã, quy hoạch phân khu chức năng, quy hoạch chi tiết đô thị, quy hoạch chi tiết điểm dân cư nông thôn đáp ứng nhu cầu cung cấp các dịch vụ viễn thông phục vụ nhu cầu sinh hoạt dân cư và phục vụ sản xuất, kinh doanh.
6.6. Định hướng thoát nước thải, quản lý chất thải rắn và nghĩa trang
6.6.1. Định hướng thoát nước thải:
- Lưu lượng nước thải sinh hoạt dự kiến: 53.000 m3/ngđ, dự kiến bố trí 05 trạm xử lý nước thải sinh hoạt, bao gồm:
Nhà máy XLNT tại Thị trấn Tân Phong, công suất 18.000m3/ngđ;
Nhà máy XLNT tại xã Quảng Lộc, công suất 13.000m3/ngđ;
Nhà máy XLNT tại xã Quảng Phúc, công suất 5.200m3/ngđ;
Nhà máy XLNT tại xã Quảng Trung, công suất 5.800m3/ngđ;
Nhà máy XLNT tại xã Quảng Lưu, công suất 11.000m3/ngđ.
- Các trạm xử lý theo đồ án: Quy hoạch chung đô thị Cống Trúc; Quy hoạch chung xây dựng khu du lịch, đô thị ven biển, huyện Quảng Xương (từ Nam Sầm Sơn đến đô thị Quảng Lợi); Quy hoạch chi tiết Khu đô thị du lịch ven biển tại xã Quảng Nham và Quảng Thạch được thay thế bằng các trạm bơm nước thải về nhà máy XLNT tập trung theo quy hoạch.
- Đối với khu vực nông thôn: nước thải được xử lý sơ bộ trong các hộ gia đình qua hệ thống bể tự hoại sau đó thoát chung vào hệ thống thoát nước mưa.
6.6.2. Định hướng quy hoạch chất thải rắn:
- Định hướng toàn bộ chất thải rắn của huyện sẽ được thu gom về khu liên hiệp xử lý chất thải rắn tổng hợp tại xã Đông Nam, huyện Đông Sơn.
- Trước mắt không mở rộng và xây dựng mới các khu xử lý có công suất nhỏ, các bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt tại các đô thị từng bước sẽ đóng cửa, cải tạo, xử lý, tái sử dụng đất.
6.6.3. Định hướng quy hoạch nghĩa trang:
- Bố trí 02 khu vực nghĩa trang tập trung cấp vùng, bao gồm:
Nghĩa trang tại xã Quảng Trạch, có diện tích 15 ha, phục vụ khu vực phía Bắc huyện.
Nghĩa trang tại xã Quảng Ngọc, có diện tích 35 ha, phục vụ khu vực phía Đông, phía Nam huyện.
- Nghĩa trang mới phải được quy hoạch chi tiết, phân khu rõ ràng, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, tạo sự ngăn cách với đất nông nghiệp, có trồng cây xanh cách ly; có điểm thu gom và xử lý chất thải rắn.
- Các nghĩa trang còn lại hoặc các khu mộ nhỏ lẻ trong các khu vực sẽ được đóng cửa hoặc di dời đến vị trí các nghĩa trang quy hoạch mới theo lộ trình.
6.7. Định hướng hệ thống thủy lợi
- Hệ thống thủy lợi trên địa bàn huyện đã được quy hoạch, hệ thống kênh mương đã ổn định, hiện tại đang đáp ứng tốt nhu cầu tưới, tiêu. Do đó chưa cần mở thêm các tuyến mới, mà chỉ cần cải tạo, kiên cố hóa thêm ở các đoạn mương đất các tuyến hiện có để đảm bảo khả năng tiêu thoát nước.
- Cải dịch một số đoạn kênh đi qua các khu đô thị và khu, cụm công nghiệp (như kênh Tân Trạch - đoạn qua CCN Nam thành phố mở rộng; kênh Hùng Bình - đoạn qua CNN Cống Trúc...) cho phù hợp với định hướng phát triển không gian và tăng hiệu quả sử dụng đất.
7. Giải pháp quản lý và bảo vệ môi trường:
- Phát triển kinh tế, xã hội, đô thị hóa phải đi đôi với bảo vệ môi trường nhằm mục tiêu phát triển bền vững. Trên cơ sở đó xây dựng các giải pháp, kế hoạch bảo vệ môi trường, bao gồm:
- Phát triển đô thị phải gắn liền với xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ cho các khu dân cư, đô thị tránh phát sinh chất thải ra môi trường.
- Kiểm soát môi trường tại các khu, cụm công nghiệp, các khu du lịch, các dự án khi triển khai phải đảm bảo đầy đủ các giải pháp bảo vệ môi trường theo quy định, tăng cường giám sát kiểm tra định kỳ.
- Xây dựng chương trình quan trắc, bố trí các điểm quan trắc môi trường nước tại các vị trí nguồn tiếp nhận nước thải, vùng nước biển ven bờ, môi trường đất, không khí tại các khu vực trọng điểm.
8. Các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư
Tập trung thu hút đầu tư vào các dự án khu lịch khoáng nóng Quảng Yên, du lịch ven biển, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư triển khai sớm đưa dự án vào hoạt động tạo động lực chính để phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu.
Bảng thống kê các dự án ưu tiên đầu tư trên địa bàn huyện Quảng Xương đến năm 2030
TT | Tên dự án | Quy mô dự kiến | Nguồn vốn |
A | Nhóm dự án quy hoạch |
|
|
1 | Lập QHC đô thị Tiên Trang | 1.031 ha | Ngân sách |
2 | Lập QHC xây dựng xã | 24 xã | Ngân sách |
3 | Lập QHC khu công nghiệp Lưu Bình | 500 ha | Ngân sách |
4 | Lập QHCT các Cụm CN |
| D. Nghiệp |
5 | Lập QHCT các khu du lịch, khu đô thị, Khu dân cư mới…. |
| Ngân sách, D. Nghiệp |
B | Nhóm dự án hạ tầng kỹ thuật |
|
|
1 | Đường vành đai 3 | Lộ giới 76m | Ngân sách |
2 | Quốc lộ 10 | Lộ giới 53m | Ngân sách |
3 | Đường nối Quốc lộ 47C đến đường Thái Bình | Lộ giới 48m | Ngân sách |
4 | Đường ven biển | Lộ giới 48m | Ngân sách |
5 | Đường nối đường ven biển với nút giao đường bộ cao tốc Vạn Thiện | Lộ giới 50m | Ngân sách |
6 | Đường Quảng Định - Quảng Lộc | Lộ giới 36m | Ngân sách |
7 | Đường Bắc Nam 1, Bắc Nam 2 | Lộ giới 36m | Ngân sách |
8 | Đường Thanh Niên kéo dài | Lộ giới 25m | Ngân sách |
9 | Đường Nam TP Thanh Hóa đi Nam TP Sầm Sơn | Lộ giới 50m | Ngân sách |
10 | Đường sát mép nước | Lộ giới 30m | Ngân sách |
11 | Dự án hạ tầng các khu dân cư đô thị |
| Ngân sách |
C | Nhóm dự án hạ tầng kinh tế |
|
|
1 | Đầu tư hạ tầng KCN Lưu Bình | S=500 ha | D. Nghiệp |
2 | Đầu tư hạ tầng CNN Tân Trạch | S=60 ha | D. Nghiệp |
3 | Đầu tư hạ tầng CCN Tiên Trang | S=50 ha | D. Nghiệp |
4 | Khu đô thị nghỉ dưỡng khoáng nóng tại xã Quảng Yên | S=200 ha | D. Nghiệp |
5 | Khu đô thị du lịch ven biển tại xã Quảng Nham và xã Quảng Thạch | S=220 ha | D. Nghiệp |
6 | Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng farmstay tại khu vực xã Quảng Lưu | S=60 ha | D. Nghiệp |
7 | Xây dựng các khu thương mại tại thị trấn Tân Phong, đô thị Tiên Trang | S=15 ha | D. Nghiệp |
8 | Xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Quảng Hòa, TT Tân Phong | S=300 ha | D. Nghiệp |
D | Nhóm dự án hạ tầng XH |
|
|
1 | Nâng cấp bệnh viện đa khoa huyện | 340 giường | Ngân sách |
2 | Xây dựng bệnh viên đa khoa Cống Trúc | 500 giường | D. Nghiệp |
3 | XD trường liên cấp tại thị trấn Tân Phong | 1,5 ha | D. Nghiệp |
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. UBND huyện Quảng Xương có trách nhiệm:
- Phối hợp với đơn vị tư vấn hoàn chỉnh hồ sơ quy hoạch để đóng dấu, lưu trữ theo quy định.
- Tổ chức công bố rộng rãi nội dung quy hoạch được duyệt trong thời gian 15 kể từ ngày quy hoạch được phê duyệt.
- Tổ chức bàn giao hồ sơ, tài liệu quy hoạch cho địa phương, các đơn vị liên quan làm cơ sở để quản lý và tổ chức thực hiện theo quy hoạch được duyệt.
- Tổ chức, chỉ đạo chính quyền địa phương quản lý chặt chẽ, thực hiện đầu tư quỹ đất theo quy hoạch được duyệt.
- Lập kế hoạch tổ chức thực hiện quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng, quy hoạch nông thôn.
- Lập chương trình, dự án ưu tiên đầu tư hàng năm và dài hạn, xác định các biện pháp thực hiện quy hoạch xây dựng trên cơ sở huy động mọi nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước bằng các cơ chế chính sách theo quy định hiện hành của Nhà nước.
2. Sở Xây dựng và các ngành chức năng liên quan theo chức năng nhiệm vụ của mình có trách nhiệm hướng dẫn, quản lý thực hiện theo quy hoạch và các quy định hiện hành của pháp luật.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính; Chủ tịch UBND huyện Quảng Xương; Viện trưởng Viện Quy hoạch - Kiến trúc Thanh Hóa và Thủ trưởng các ngành, các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1Quyết định 168/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
- 2Quyết định 758/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050
- 3Quyết định 497/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch xây dựng vùng huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương đến năm 2040
- 4Quyết định 3283/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt đồ án Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2045
- 1Luật Xây dựng 2014
- 2Nghị định 44/2015/NĐ-CP Quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng
- 3Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 4Thông tư 12/2016/TT-BXD quy định về hồ sơ của nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch đô thị và quy hoạch xây dựng khu chức năng đặc thù do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành
- 5Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch 2018
- 6Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019
- 7Nghị định 72/2019/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 37/2010/NĐ-CP về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị và Nghị định 44/2015/NĐ-CP hướng dẫn về quy hoạch xây dựng
- 8Quyết định 168/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
- 9Quyết định 758/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050
- 10Quyết định 497/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch xây dựng vùng huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương đến năm 2040
- 11Quyết định 3283/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt đồ án Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2045
Quyết định 5445/QĐ-UBND năm 2021 phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2045
- Số hiệu: 5445/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 28/12/2021
- Nơi ban hành: Tỉnh Thanh Hóa
- Người ký: Mai Xuân Liêm
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 28/12/2021
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực