Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH LAI CHÂU
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 54/2006/QĐ-UBND

Lai Châu, ngày 15 tháng 8 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI HUYỆN MƯỜNG TÈ GIAI ĐOẠN 2006-2010, TẦM NHÌN 2020

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH LAI CHÂU

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 87/2006/QĐ-TTg ngày 20 tháng 4 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội tỉnh Lai Châu thời kỳ 2006 - 2020;

Căn cứ Quyết định số 865/QĐ-UB ngày 30/9/2004 của UBND tỉnh Lai Châu về việc phê duyệt đề cương và dự toán kinh phí lập Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Mường Tè giai đoạn 2006-2010, tầm nhìn 2020;

Xét đề nghị của UBND huyện Mường Tè tại Tờ trình số 63/TTr-UBND ngày 03/12/2005, văn bản số 122/UBND-TH ngày 12 tháng 7 năm 2006 V/v đề nghị phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Mường tè giai đoạn 2006 -2010, tầm nhìn 2020 và văn bản thẩm định số 168/TĐ-KHĐT ngày 4 tháng 8 năm 2006 của Sở Kế hoạch và Đầu tư,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt dự án Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Mường Tè giai đoạn 2006-2010, tầm nhìn 2020 với những nội dung chủ yếu sau:

1. Mục tiêu chung:

Tận dụng tối đa tiềm năng và lợi thế so sánh về vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp xây dựng và thương mại dịch vụ, giảm dần tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp. Cải thiện rõ hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội; có cơ chế chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch phát triển và các doanh nghiệp tham gia đầu tư trên địa bàn; phát triển các ngành công nghiệp có ưu thế; mở rộng ngành nghề truyền thống và phát triển các mô hình HTX dịch vụ tổng hợp. Thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia về xoá đói giảm nghèo, ổn định dân cư, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho mọi tầng lớp lao động; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; gắn phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng - an ninh, ổn định chính trị, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia.

Giai đoạn 2006 - 2010, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, đưa Mường Tè thoát khỏi huyện đặc biệt khó khăn, tạo nền tảng để đến năm 2020 Mường Tè thoát khỏi huyện kém phát triển. Góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ Quốc gia.

2. Các mục tiêu cụ thể:

- Về kinh tế: Đến năm 2010, GDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt 5,7 triệu đồng (tăng 2,1 lần so với năm 2005, bằng 81% bình quân cả tỉnh), đến năm 2020 đạt 20,9 triệu đồng (tăng 3,1 lần so với năm 2010, bằng 84% bình quân là tỉnh).

Tốc độ tăng trưởng bình quân

Thời kỳ 2006 - 2010

Thời kỳ 2006 - 2020

GDP

12-13%

12,1%

Nông - lâm nghiệp, thuỷ sản

6-7%

6,51%

Công nghiệp - xây dựng

19-20%

17%

Dịch vụ

17-18%

15,2%

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp:

Cơ cấu kinh tế

Năm 2010

Năm 2020

Nông, lâm nghiệp, thuỷ sản

40-45%

25-30%

Công nghiệp, xây dựng

29-34%

40-45%

Dịch vụ

25-30%

30-35%

- Về xã hội: Giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên xuống dưới 2,01% vào năm 2010 và dưới 2% vào năm 2020. Đến năm 2010 không còn hộ đói, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn dưới 40% vào năm 2010 và dưới 10% vào năm 2020. Củng cố và tăng cường các kết quả giáo dục, y tế, giải quyết việc làm,

- Về môi trường: Bảo vệ diện tích rừng hiện có, nâng độ che phủ đạt trên 55% vào năm 2010 và đạt 65-74% vào năm 2020.

- Về quốc phòng, an ninh: Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân với hệ thống phòng thủ vững chắc từ thôn bản đến huyện, tỉnh, đảm bảo tính cơ động, sẵn sàng chiến đấu, chủ động đối phó với mọi tình huống.

3. Phương hướng phát triển các ngành và lĩnh vực xã hội:

3.1. Về nông - lâm nghiệp: Tận dụng và phát huy các điều kiện về tài nguyên thiên nhiên, con người, đầu tư có trọng điểm, thực hiện đổi mới cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện các vùng kinh tế, có thị trường tiêu thụ theo hướng sản xuất hàng hoá. Hình thành các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh theo hướng xuất khẩu, tạo nên cơ cấu hợp lý trong nội bộ ngành nông nghiệp. Từng bước chuyển những diện tích cây trồng hiệu quả kinh tế thấp như lúa nương sang trồng cây hàng năm, cây lâu năm, xây dựng nền nông nghiệp của huyện theo hướng sinh thái bền vững.

- Nông nghiệp: Phấn đấu đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn. Đẩy mạnh thâm canh, tăng vụ, áp dụng rộng rãi công nghệ giống và kỹ thuật canh tác tiên tiến vào sản xuất để tăng năng suất và sản lượng. Khuyến khích phát triển những cây công nghiệp ngắn ngày thích hợp với điều kiện của huyện như lạc, đậu tương, bông,… Phát triển các loại cây ăn quả, cây công nghiệp có giá trị cao như đào, cam, lê, mận, vải thiều, nhãn, thảo quả, cao su,… hình thành vùng trồng cây ăn quả hàng hoá tập trung ở các xã vùng thấp. Cung ứng giống có chất lượng cao trong chăn nuôi, làm tốt công tác thú y, vận động đồng bào chuyển đổi tập quán chăn thả truyền thống sang chăn nuôi theo các trang trại.

- Thuỷ sản: Phát triển nuôi trồng thuỷ sản, khai thác diện tích nước mặt hồ hiện có, phát triển thêm ao, hồ; tiến tới nuôi trồng tập trung, quy mô lớn khi hồ thuỷ điện Lai Châu hoàn thành.

- Lâm nghiệp: Bảo vệ và phát triển vốn rừng với cơ cấu cây trồng có lựa chọn, nâng độ che phủ rừng lên 55% vào năm 2010 và 74% vào năm 2020 để phát huy chức năng rừng phòng hộ đầu nguồn, điều tiết nguồn nước cho các công trình thuỷ điện và tạo vùng nguyên liệu cho nhà máy giấy Lai Châu và làng nghề truyền thống Bum Nưa. Giai đoạn 2006 - 2010 phấn đấu trồng mới 1.250 ha rừng và khoanh nuôi bảo vệ tái sinh tự nhiên cho 30.703 ha rừng, giai đoạn 2011 - 2020 trồng mới 3.204,8 ha rừng, khoanh nuôi tái sinh tự nhiên cho 36.609 ha rừng.

3.2. Công nghiệp - xây dựng: Tập trung ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp có ưu thế như công nghiệp thuỷ điện, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp chế biến nông - lâm đặc sản, sản xuất hàng tiêu dùng và các ngành nghề truyền thống nhằm thay đổi cơ cấu kinh tế, làm động lực thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn.

- Công nghiệp năng lượng: Cùng với việc xây dựng nhà máy thuỷ điện Lai Châu với công suất 1.200MW, đẩy mạnh xây dựng phát triển đưa lưới điện quốc gia về huyện bằng đường dây 110 KV theo trục giao thông Pa Tần – Hua Bum – Trung tâm thị trấn Mường Tè. Khảo sát, xây dựng các công trình thuỷ điện vừa và nhỏ.

- Công nghiệp khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng: Đa dạng hoá hình thức đầu tư và sản phẩm, lựa trọn quy mô sản xuất thích hợp, công nghệ sản xuất hiện đại, tiên tiến, kết hợp giữa thiết bị nhập ngoại và thiết bị sản xuất trong nước đồng thời phải phù hợp với đặc thù, thói quen sử dụng và sức mua của người dân trong vùng. Quản lý tốt công tác khai thác đá, cát, sỏi và đẩy mạnh xây dựng một số dây truyền sản xuất như gạch Tuynel, ngói xi măng loại 13 viên/1m2, gạch không nung 6 triệu viên/năm…

- Chế biến nông - lâm sản, thực phẩm: Phát triển công nghiệp chế biến nông - lâm sản, thực phẩm theo quy hoạch chung, phải gắn việc phát triển vùng nguyên liệu với giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người dân. Hình thành các vùng chăn nuôi tập trung, đồng thời phải hình thành các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, nhằm kiểm soát được dịch bệnh và vệ sinh an toàn thực phẩm. Trước mắt chuẩn bị các điều kiện để xây dựng cơ sở chế biến các sản phẩm nông nghiệp tại thị trấn huyện Mường Tè.

- Tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề truyền thống: Khôi phục các làng nghề, bản nghề truyền thống như song, mây tre đan, dệt thổ cẩm,… Chuyển đổi mô hình hoạt động theo hình thức hợp tác xã làng nghề kiểu mới cùng sản xuất và cùng tiêu thụ.

- Công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản: Đẩy mạnh việc mở rộng và kêu gọi việc hợp tác đầu tư thăm dò và khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện như vàng sa khoáng ở khu vực thị trấn Mường Tè, xã Nậm Khao, Mường Mô, Mường Tè, Bum Tở, Bum Nưa; đá ốp lát ở Mường Mô; đã phiến lợp ở Bum Nưa; sét cao lanh ở Kan Hồ;…

- Công nghiệp khác: Khuyến khích phát triển các cơ sở cơ khí sửa chữa, dịch vụ nông nghiệp nông thôn như những dụng cụ cầm tay phù hợp với tập quán lao động sản xuất của đồng bào địa phương, nhằm phục vụ sản xuất nông - lâm nghiệp và các ngành khác phát triển.

3.3. Dịch vụ, thương mại - du lịch: Đẩy nhanh phát triển các loại hình dịch vụ để đưa ngành dịch vụ trở thành ngành có tỷ trọng cao trong GDP của huyện.

- Tổ chức mạng lưới thương mại tại Trung tâm thị trấn Mường Tè, chợ trung tâm thị trấn huyện, các cửa hàng, cửa hiệu mua bán đồ tiêu dùng, tư liệu sản xuất, vật tư nông nghiệp, nông sản thực phẩm thuộc thành phần thương nghiệp quốc doanh và ngoài quốc doanh.

- Phát triển các dịch vụ công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại theo hướng trực đường chính trong huyện như tuyến đường tỉnh lộ 127, tuyến đường Pa Tần - Mường Tè - Pắc Ma.

- Tiếp tục củng cố và phát triển các dịch vụ vận tải, bưu chính - viễn thông, tài chính - ngân hàng, môi trường và các loại hình dịch vụ khác cho nông thôn như cơ giới hoá nông nghiệp, vận tải nông thôn, khuyến nông, khuyến lâm, chuyển giao công nghệ về giống sinh học, từng bước khai thác có hiệu quả tiềm năng phát triển kinh tế dịch vụ, đẩy mạnh quá trình cải tạo xây dựng nông thôn mới và công nghiệp hoá nông thôn.

- Tận dụng lợi thế của huyện giáp biên giới với Trung Quốc để đẩy mạnh việc giao lưu hàng hoá qua biên giới, tiếp cận vào thị trường đông dân và có nhiều triển vọng buôn bán.

3.4. Giao thông, thuỷ lợi, cấp nước sinh hoạt, cấp điện.

- Năm 2006 có 100% xã có đường ô tô đến trung tâm, đến năm 2010 có 30-50% mặt đường được cứng hoá và đến năm 2020 đạt từ 90 - 100% hệ thống đường giao thông đi lại được các mùa trong năm. Số hộ được sử dụng điện trên 75% vào năm 2010 và trên 90% vào năm 2020.

- Chú trọng đầu tư xây dựng các tuyến đường nội thị, ưu tiên đầu tư xây dựng phát triển hệ thống giao thông ở những vùng có tiềm năng phát triển kinh tế và dân cư tập trung, đặc biệt là hệ thống đường đến trung tâm các xã và đường giao thông liên xã, liên bản. Đẩy mạnh việc quy hoạch và đầu tư xây dựng các tuyến đường tránh ngập của dự án thuỷ điện Sơn La, Lai Châu. Tiếp tục mở mới và nâng cấp các tuyến đường ra biên giới, đường tuần tra biên giới. Đầu tư xây dựng tuyến đường Pa Tần - Hua Bum - Mường Tè - Pắc Ma và chuyển thành tuyến quốc lộ 4D kéo dài.

- Đẩy mạnh đầu tư xây dựng mới một số công trình trọng điểm kết hợp với đầu tư nâng cấp, duy tu các hệ thống đập, kênh mương để đảm bảo ổn định nước tưới cho diện tích ruộng lúa hiện có. Phấn đấu nâng cấp, sửa chữa 100 danh mục công trình vừa và nhỏ, làm mới 31 công trình.

- Tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu vực thị trấn Mường Tè như nhà làm việc các phòng ban, bến xe khách, công viên vui chơi giải trí và các công trình phúc lợi khác tại khu phố mới theo quy hoạch. Đầu tư xây dựng hoàn chỉnh 2 trung tâm cụm xã Pắc Ma và Nậm Hằng, trên cơ sở giữ gìn bản sắc, truyền thống dân tộc, hài hoà với cảnh quan tự nhiên, ổn định môi trường sinh thái, nhằm tạo tiền đề để tác động phát triển các vùng lân cận. Giai đoạn 2006-2010 tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng các trung tâm xã hiện có. Giai đoạn 2011-2020 tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng công cộng cho các trung tâm xã mới được thành lập và các trung tâm cụm xã mới như: Ka Lăng, Mường Mô, Tà Tổng.

3.5. Giáo dục đào tạo: Củng cố và giữ vững kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và xoá mù chữ, đẩy mạnh phổ cập giáo dục đúng độ tuổi, phấn đấu đến năm 2008 đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, năm 2009 đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Đến năm 2010 đảm bảo 100% số phòng học được kiên cố hoá từ nhà cấp 4 trở lên; trong toàn huyện có 1 trường mầm non, 1 trường tiểu học và 1 trường trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia. Đầu tư xây dựng 1 trường trung học phổ thông ở trung tâm cụm xã Pắc Ma, đồng thời xây dựng hoàn chỉnh tại mỗi trung tâm cụm xã 1 trường trung học cơ sở hình thức bán trú. Mở rộng và nâng cao chất lượng các trường lớp nội trú, trung tâm giáo dục thường xuyên, đặc biệt quan tâm phát triển loại hình bán trú dân nuôi, các lớp bổ túc văn hoá gần dân. Củng cố và nâng cao chất lượng cán bộ, bồi dưỡng, tăng cường kiến thức tin học và ngoại ngữ cho công chức và viên chức của huyện. Đào tạo lao động kỹ thuật về các ngành sản xuất chủ yếu như trồng trọt, chăn nuôi, cơ khí, chế biến nông - lâm sản,… bằng hình thức tập huấn tại địa phương, gửi đi đào tạo, chuyển giao kỹ thuật mới qua khuyến nông, khuyến lâm để nâng dần trình độ trong sản xuất.

3.6. Về Y tế và chăm sóc sức khoẻ cộng đồng: Củng cố, mở rộng mạng lưới các cơ sở y tế và công tác chăm sóc sức khoẻ cộng đồng. Cơ bản kiểm soát các loại dịch bệnh: Sốt rét, lao, ngăn chặn có hiệu quả HIV/AIDS. Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi, tỷ lệ trẻ sơ sinh nhẹ cân, đảm bảo trên 96% trẻ em được tiêm chủng đủ các loại vácxin. Mở rộng bảo hiểm y tế và các hình thức hỗ trợ đồng bào dân tộc các xã vùng sâu, vùng xa được chăm sóc sức khoẻ. Đầu tư nâng cấp Trung tâm y tế thị trấn Mường Tè quy mô từ 50 giường bệnh lên 90 giường bệnh. Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện.

3.7. Về dân số, lao động và việc làm.

- Tăng cường công tác dân số kế hoạch hoá gia đình, phấn đấu đến năm 2010 giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên còn 2,01% và đến năm 2020 giảm xuống dưới 2%.

- Đẩy mạnh việc đào tạo nghề, thông qua các chính sách xoá đói giảm nghèo, khuyến nông, khuyến lâm, giải quyết một phần lao động. Phấn đấu tạo công ăn việc làm, thu hút 90-95% lao động tham gia vào các ngành kinh tế và dịch vụ, hàng năm tạo việc làm cho khoảng 200-250 lao động, tăng tỷ lệ thời gian lao động nông thôn lên 75-80% và giảm tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị xuống dưới 5% vào năm 2010.

3.8. Về văn hóa thông tin, thể dục - thể thao.

- Đẩy mạnh việc nâng cấp, mở rộng hệ thống phát thanh, truyền hình, thực hiện chương trình phủ sóng truyền hình trên địa bàn huyện. Phấn đấu tới năm 2010, 80% dân số xem được truyền hình; tất cả các xã đều có điểm bưu điện văn hoá xã; phủ sóng điện thoại di động tới các trung tâm cụm xã, đồng thời đưa mức sử dụng điện thoại cố định trong huyện lên 50 người/1 máy vào năm 2010 và 30 người/ 1 máy vào năm 2020.

- Phát triển rộng khắp phong trào TDTT thường xuyên, phấn đấu đến năm 2010 có 15% dân số tập luyện TDTT thường xuyên, đến năm 2020 có 20% số người tập luyện TDTT thường xuyên và 100% các xã, thị trấn có phong trào TDTT.

3.9. Về xoá đói giảm nghèo: Đến năm 2010 không còn hộ đói, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn dưới 40% vào năm 2010 và dưới 10% vào năm 2020. Đẩy mạnh việc thực hiện tốt dự án xoá đói giảm nghèo cho dân tộc Mảng xã Hua Bum đã được xây dựng; tiếp tục xây dựng đề án xoá đói giảm nghèo cho dân tộc Mảng ở xã Hua Bum, Nậm Hằng; dân tộc Si La ở xã Nậm Khao; dân tộc La Hủ ở xã Ka Lăng, Pa ủ, Pa Vệ Sử, Bum Nưa; dân tộc Cống ở xã Nậm Khao.

3.10. Về công tác ổn định dân cư: Trong giai đoạn 2006 - 2012, tổ chức ổn định dân cư cho 1.782 hộ, trong đó: ổn định dân cư biên giới 272 hộ; di dân các xã đặc biệt khó khăn 434 hộ; tái định cư khu vực lòng hồ 1.076 hộ. Đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội để Mường Tè sắp xếp lại dân cư, cơ cấu lại sản xuất, phát triển cơ sở hạ tầng với nguồn lực to lớn từ chương trình tái định cư.

3.11. Củng cố quốc phòng - an ninh: Xây dựng vững chắc nền quốc phòng toàn dân, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, xây dựng thế trận biên phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân huyện biên giới; kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế với quốc phòng - an ninh; xây dựng khu vực phòng thủ biên giới vững chắc; bảo vệ vững chắc vùng biên giới, an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện.

4. Quy hoạch phát triển không gian, lãnh thổ.

Định hướng phát triển 2 vùng kinh tế như sau:

- Vùng kinh tế ven sông Đà: Được xác định bao gồm thị trấn huyện Mường Tè và các xã vệ tinh dọc sông Đà như Nậm Hằng, Mường Mô, Kan Hồ, Bum Nưa, Bum Tở, Nậm Khao, Mường Tè xã. Đây là vùng có tiềm năng lớn để phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp toàn diện như trồng rừng, trồng cây công nghiệp dài ngày, ngắn ngày, cây ăn quả, cây đặc sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thuỷ sản; phát triển các ngành công nghiệp điện năng, sản xuất vật liệu xây dựng, dịch vụ công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp,…

- Vùng kinh tế Lâm - nông nghiệp: Bao gồm 07 xã là Hua Bum, Pa Vệ Sử, Pa ủ, Ka Lăng, Thu Lũm, Mù Cả và xã Tà Tổng. Đây là vùng chủ yếu đảm bảo tự túc lương thực, xây dựng vốn rừng phòng hộ đầu nguồn và phòng hộ biên giới, phát triển chăn nuôi đại gia súc và cây trồng công nghiệp, dược liệu,…

5. Điều chỉnh địa giới hành chính: Trong giai đoạn 2006 - 2015, chia tách, điều chỉnh địa giới hành chính một số xã: Ka Lăng thành 2 xã; Bum Nưa thành 2 xã; Mường Mô thành 2 xã; Nậm Hằng thành 2 xã; Tà Tổng thành 02 xã.

6. Chương trình dự án ưu tiêu đầu tư: Tập trung thực hiện 06 chương trình, dự án ưu tiên, đó là: (1) Chương trình xoá đói giảm nghèo; (2) Chương trình ổn định dân cư; (3) Các dự án phát triển năng lượng điện; (4) Các dự án phát triển ngành công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp; (5) Các dự án phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; (6) Các dự án phát triển nông - lâm nghiệp.

7. Các giải pháp thực hiện quy hoạch.

- Huy động nguồn lực cho đầu tư: Tổng nhu cầu vốn đầu tư xã hội trên địa bàn huyện cần là 2.868.829 triệu đồng. Riêng giai đoạn 2006 - 2010 cần 1.632.378 triệu đồng. Để huy động được nguồn vốn trên, huyện đề ra các giải pháp sau: Tranh thủ tối đa và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn từ các chương trình dự án đầu tư của Nhà nước, các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp trong và ngoài nước,… Tăng cường phát triển sản xuất đồng thời huy động vốn nhàn rỗi trong nhân dân thông qua gửi tiền tiết kiệm, mua trái phiếu kho bạc, công trái,… Mở rộng hình thức liên doanh liên kết với các tổ chức, tư nhân trong và ngoài nước có hoạt động liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện.

- Phát triển nguồn nhân lực: ưu tiên đào tạo cán bộ tại chỗ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số, đào tạo thợ lành nghề, và có chính sách khích lệ thu hút nhân tài tham gia đóng góp cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

- Giải pháp về thị trường: Thực hiện chính sách thị trường mềm dẻo, đa dạng, thực sự coi trọng vấn đề chiếm lĩnh thị trường tại chỗ bằng cách nâng cao đáng kể chất lượng sản phẩm. Tăng cường công tác tiếp thị và nghiên cứu thị trường, gắn thị trường với sản xuất, lấy thị trường làm động lực và định hướng cho sản xuất.

- Giải pháp về khoa học công nghệ: Đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ mới vào sản xuất như đầu tư chiều sâu các cơ sở nghiên cứu giống cây trồng, vật nuôi nông - lâm nghiệp, nhằm thay đổi cơ cấu giống mới trong nông - lâm nghiệp có năng suất cao phù hợp với điều kiện tự nhiên của huyện.

- Cơ chế chính sách: Đổi mới cơ chế chính sách, tăng cường năng lực quản lý nhà nước, thực hiện tốt các chính sách mà nhà nước và tỉnh đã đề ra về phát triển kinh tế - xã hội, trên cơ sở xem xét đánh giá một cách toàn diện và khách quan về hệ thống chính sách đã và đang áp dụng trên địa bàn huyện, nhằm phát huy ưu điểm, khắc phục những tồn tại và kiến nghị nhà nước bổ sung, sửa đổi cho phù hợp. Đặc biệt chính sách dân tộc, xã hội và đặc điểm dân cư ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Chính sách đầu tư phải mang tính chọn lọc, ưu tiên đầu tư cho những lĩnh vực được khuyến khích.

Điều 2. Uỷ ban nhân dân huyện Mường Tè có nhiệm vụ:

- Chủ động công bố và triển khai thực hiện quy hoạch trên địa bàn huyện. Xây dựng kế hoạch 5 năm, kế hoạch hàng năm về phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở quy hoạch được duyệt, báo cáo UBND tỉnh và các ngành tỉnh để tổng hợp, xây dựng kế hoạch toàn tỉnh. Báo cáo UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung quy hoạch khi cần thiết.

- Phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành trong tổ chức thực hiện quy hoạch. Tích cực tham gia thực hiện các dự án của Trung ương, tỉnh đầu tư trên địa bàn. Chủ động lồng ghép các nguồn vốn của các chương trình dự án trên địa bàn để tổ chức thực hiện Quy hoạch, chịu trách nhiệm về hiệu quả của các dự án. Chủ động tìm kiếm đối tác đầu tư, xúc tiến kêu gọi đầu tư vào địa bàn theo Quy hoạch được duyệt.

- Phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể quần chúng tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia thực hiện Quy hoạch. Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát thực hiện quy hoạch và các dự án cụ thể trên địa bàn.

Điều 3. Các Sở, ban, ngành của tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình, có trách nhiệm phối hợp với Uỷ ban nhân dân huyện Mường Tè cụ thể hoá "Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Mường Tè giai đoạn 2006-2010, tầm nhìn 2020" đã được phê duyệt bằng các chương trình, dự án đầu tư phát triển trên địa bàn huyện Mường Tè.

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Các ông (bà): Chánh văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở, ban, ngành của tỉnh; Chủ tịch UBND huyện Mường Tè và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Lò Văn Giàng

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 54/2006/QĐ-UBND phê duyệt dự án Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu giai đoạn 2006-2010, tầm nhìn 2020

  • Số hiệu: 54/2006/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 15/08/2006
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lai Châu
  • Người ký: Lò Văn Giàng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản