- 1Luật Tổ chức Chính phủ 1992
- 2Nghị quyết số 49/CP về phát triển công nghệ thông tin ở nước ta trong những năm 90 do Chính phủ ban hành
- 3Quyết định 531-TTg năm 1996 về quản lý các chương trình Quốc gia do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Nghị quyết số 27/1997/NQ-CP về ứng dụng và phát triển công nghệ tự động hóa phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước do Chính phủ ban hành
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 54/1998/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 03 tháng 3 năm 1998 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ VÀ ĐIỀU HÀNH CÁC CHƯƠNG TRÌNH KỸ THUẬT - KINH TẾ: CÔNG NGHỆ THÔNG TIN, CÔNG NGHỆ SINH HỌC, CÔNG NGHỆ VẬT LIỆU VÀ CÔNG NGHỆ TỰ ĐỘNG HOÁ
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ các Nghị quyết của Chính phủ: số 49/CP ngày 04 tháng 8 năm 1993 về phát triển Công nghệ Thông tin, số 18/CP ngày 11 tháng 3 năm 1994 về phát triển Công nghệ Sinh học, số 88/CP ngày 31 tháng 12 năm 1996 về phát triển khoa học và Công nghệ Vật liệu, số 27/CP ngày 28 tháng 3 năm 1997 về ứng dụng và phát triển Công nghệ Tự động hoá phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước;
Căn cứ Quyết định số 531/TTg ngày 08 tháng 8 năm 1996 của Thủ tướng Chính phủ về Quản lý các Chương trình quốc gia;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế Quản lý và Điều hành các Chương trình Kỹ thuật - Kinh tế về phát triển và ứng dụng Công nghệ Thông tin, Công nghệ Sinh học, Công nghệ Vật liệu và Công nghệ Tự động hoá phục vụ thời kỳ công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký,
Điều 3. Các Bộ trưởng Bộ chủ trì Chương trình kiêm Chủ nhiệm Chương trình Kỹ thuật - Kinh tế, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| Phạm Gia Khiêm (Đã ký) |
QUY CHẾ
QUẢN LÝ VÀ ĐIỀU HÀNH CÁC CHƯƠNG TRÌNH KỸ THUẬT - KINH TẾ: CÔNG NGHỆ THÔNG TIN, CÔNG NGHỆ SINH HỌC, CÔNG NGHỆ VẬT LIỆU VÀ CÔNG NGHỆ TỰ ĐỘNG HOÁ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 54/1998/QĐ-TTg ngày 03 tháng 3 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ)
I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Chương trình Kỹ thuật - Kinh tế (sau đây gọi tắt là Chương trình) là một hệ thống đồng bộ các hoạt động khoa học - công nghệ - sản xuất, các chính sách và biện pháp đầu tư, trong đó lấy công nghệ làm động lực phát triển nhằm đạt được các mục tiêu kinh tế xác định.
Chương trình phải tạo ra được năng lực công nghệ đủ mạnh để đảm bảo tính cạnh tranh của các sản phẩm chủ lực hoặc công nghệ và làm nòng cốt cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Quy chế này áp dụng cho các Chương trình Kỹ thuật - Kinh tế về Công nghệ Thông tin, Công nghệ Sinh học, Công nghệ Vật liệu và Công nghệ Tự động hoá.
Điều 2. Chương trình bao gồm các dự án Kỹ thuật - Kinh tế nhằm đạt được các mục tiêu của từng giai đoạn và mục tiêu tổng thể của Chương trình. Đối tượng quản lý là mục tiêu Chương trình, kế hoạch đầu tư được thực hiện theo dự án.
Dự án của Chương trình là tập hợp các hoạt động để tiến hành một công việc nhất định nhằm đạt được một hay nhiều mục tiêu cụ thể đã định rõ trong Chương trình với một khoản ngân sách và một thời gian thực hiện xác định.
Nội dung tổng quát của Chương trình bao gồm các hoạt động khoa học, công nghệ của các dự án Kỹ thuật - Kinh tế, xây dựng tiềm lực khoa học công nghệ, xây dựng chính sách, các luận chứng tiền khả thi cho các dự án sản xuất các sản phẩm chủ lực nhằm thực hiện các mục tiêu Chương trình.
Đầu tư sản xuất các sản phẩm chủ lực theo định hướng của Chương trình thuộc trách nhiệm của các Doanh nghiệp. Nhà nước hỗ trợ các doanh nghiệp thông qua các chính sách ưu đãi và có thể hỗ trợ một phần vốn từ ngân sách. Vốn hỗ trợ từ ngân sách được xác định và bổ sung trong nguồn vốn áp dụng kỹ thuật tiến bộ hoặc công nghệ mới vào sản xuất. Doanh nghiệp được trợ giúp về Khoa học - Công nghệ (tư vấn công nghệ, chuyển giao công nghệ, đào tạo cán bộ, thiết lập các cơ quan Khoa học - Công nghệ...).
Điều 3. Ban chủ nhiệm Chương trình được thành lập theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ chịu trách nhiệm về việc xây dựng, chỉ đạo thực hiện, quản lý và hiệu quả hoạt động của Chương trình. Chương trình tồn tại trong suốt thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và được xây dựng theo nguyên tắc mở, có thể điều chỉnh hoặc bổ sung nội dung, nếu các điều kiện cân đối hoặc mục tiêu của Chương trình thay đổi. Chương trình được chia thành các giai đoạn và bố trí vào kế hoạch 5 năm và hàng năm của Nhà nước.
II. XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH
Điều 4. Căn cứ Chiến lược phát triển Kinh tế - Xã hội và Chiến lược phát triển Khoa học - Công nghệ đến năm 2020, các Ban chủ nhiệm Chương trình tổ chức xây dựng kế hoạch tổng thể đến năm 2020, nhằm thực hiện mục tiêu chung là công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và chia thành các mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn 5 năm để thực hiện. Trước mắt xác định mục tiêu của Chương trình cần phải đạt trong giai đoạn 1998-2005.
Điều 5. Các bước xác định nội dung của Chương trình bao gồm:
- Đánh giá thực trạng tình hình của lĩnh vực mà Chương trình cần giải quyết;
- Xây dựng mục tiêu dài hạn và ngắn hạn của Chương trình, các chỉ tiêu cơ bản phải đạt được trong một khoảng thời gian cụ thể;
- Lựa chọn các sản phẩm chủ lực và các công nghệ để sản xuất các sản phẩm đã được lựa chọn;
- Phát triển các nguồn lực khoa học - công nghệ gắn với định hướng phát triển các sản phẩm chủ lực;
- Nghiên cứu xây dựng các dự án tiền khả thi sản xuất các sản phẩm chủ lực;
- Xác định tổng mức vốn và phương thức huy động các nguồn vốn của Chương trình, trong đó chia ra mức vốn theo từng năm;
- Xây dựng các chính sách và biện pháp bảo đảm thực hiện Chương trình, tổ chức triển khai sản xuất các sản phẩm chủ lực;
- Xây dựng kế hoạch, tiến độ và phân công tổ chức thực hiện Chương trình;
- Lồng ghép các nhiệm vụ của 4 Chương trình trên cùng địa bàn;
- Thực hiện hợp tác quốc tế.
Điều 6. Căn cứ vào mục tiêu, nội dung của Chương trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các Bộ, Tổng công ty nhà nước, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng và phê duyệt các dự án Kỹ thuật - Kinh tế theo quy định hiện hành làm cơ sở xem xét, bố trí kế hoạch. Kế hoạch đầu tư các dự án phải được tổng hợp chung trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Bộ, Tổng công ty nhà nước, tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương.
Điều 7. Trong quá trình xây dựng kế hoạch hàng năm và 5 năm, nếu các điều kiện cân đối hoặc mục tiêu Chương trình có thay đổi, Ban chủ nhiệm Chương trình trình Thủ tướng Chính phủ các nội dung sau:
- Đánh giá phần nội dung Chương trình đã thực hiện;
- Sự cần thiết và lý do điều chỉnh;
- Nội dung điều chỉnh;
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Tài chính tổ chức thẩm định nội dung điều chỉnh trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
III. CƠ CHẾ ĐIỀU HÀNH CHƯƠNG TRÌNH
Điều 8. Bộ trưởng Bộ chủ trì Chương trình kiêm Chủ nhiệm Chương trình chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng, chỉ đạo thực hiện, quản lý và hiệu quả hoạt động của Chương trình được giao phụ trách.
Điều 9. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham gia Chương trình chịu trách nhiệm về việc xây dựng, tổ chức thực hiện, quản lý và hiệu quả của các dự án được giao và định kỳ báo cáo Chủ nhiệm Chương trình về tình hình thực hiện các dự án này.
Điều 10. Nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Văn phòng Ban chủ nhiệm Chương trình:
1. Chủ nhiệm Chương trình chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về mọi hoạt động của Chương trình.
Phó chủ nhiệm thường trực giúp Chủ nhiệm Chương trình trong việc xây dựng kế hoạch, chỉ đạo điều hành công tác chung của Chương trình và thay mặt Chủ nhiệm Chương trình giải quyết các công việc thường xuyên của Chương trình.
Các Uỷ viên Ban chủ nhiệm Chương trình có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ được Chủ nhiệm Chương trình phân công.
2. Mỗi Ban chủ nhiệm Chương trình có Văn phòng giúp việc đặt tại Bộ chủ trì Chương trình, được sử dụng con dấu và tài khoản của Bộ chủ trì Chương trình. Chức năng cụ thể của Văn phòng do Bộ trưởng Bộ chủ trì Chương trình kiêm Chủ nhiệm Chương trình Kỹ thuật - Kinh tế quy định.
3. Ban chủ nhiệm Chương trình có các nhiệm vụ và quyền hạn:
- Xây dựng kế hoạch tổng thể, kế hoạch 5 năm và hàng năm để thực hiện Chương trình, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện các kế hoạch đó, bao gồm việc thẩm định, duyệt và phân bổ kinh phí cho các dự án của các Bộ, ngành, địa phương tham gia thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình.
- Theo dõi, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện các dự án của các Bộ, ngành, địa phương; xử lý theo thẩm quyền hoặc trình Thủ tướng Chính phủ xử lý các vấn đề nảy sinh trong quá trình thực hiện Chương trình.
- Phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng các chính sách, chế độ, biện pháp để triển khai Chương trình, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành. Ban hành các văn bản hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện các quy định của Chính phủ.
- Theo dõi, kiểm tra tình hình hoạt động của các Doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm theo định hướng của Chương trình; tư vấn cho các Cơ quan chức năng của Nhà nước về việc thực hiện các chế độ ưu đãi đối với các Doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm chủ lực; trợ giúp các Doanh nghiệp về Khoa học - Công nghệ;
- Báo cáo định kỳ theo quy định tình hình thực hiện Chương trình và phối hợp với các cơ quan có liên quan đánh giá nghiệm thu kết quả thực hiện Chương trình.
IV. CƠ CHẾ QUẢN LÝ CHƯƠNG TRÌNH
Điều 11. Nhiệm vụ của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường:
- Là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ trong việc theo dõi, tổng hợp tình hình xây dựng và triển khai thực hiện 4 Chương trình; có trách nhiệm phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trong việc quản lý, kiểm tra và đánh giá tình hình thực hiện các Chương trình; báo cáo Thủ tướng Chính phủ hàng quý và năm; phát hiện các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Chương trình và đề xuất với Thủ tướng Chính phủ các biện pháp xử lý kịp thời.
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn về phương pháp luận xây dựng Chương trình, lồng ghép các nội dung của Chiến lược, phát triển Khoa học - Công nghệ, các hoạt động Khoa học - Công nghệ vào Chương trình, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các chính sách, biện pháp và cơ chế quản lý chung cho cả 4 Chương trình.
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, các Bộ, ngành, địa phương có liên quan tổ chức đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện Chương trình theo từng giai đoạn kế hoạch 5 năm.
Điều 12. Nhiệm vụ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Tài chính cùng các Bộ, ngành, địa phương có liên quan tổ chức thẩm định Kế hoạch tổng thể và phân kỳ cho từng kế hoạch 5 năm của các Chương trình, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét để trình Quốc hội thông qua.
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Tài chính tổng hợp các nhiệm vụ, mục tiêu của các Chương trình và đề xuất cân đối các nguồn lực để đảm bảo thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình trong kỳ kế hoạch.
Điều 13. Nhiệm vụ của Bộ Tài chính:
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường cân đối mức ngân sách nhà nước dành cho các Chương trình trong tổng dự toán ngân sách nhà nước để Chính phủ xem xét, trình Quốc hội thông qua.
- Cấp phát kinh phí cho từng Chương trình, dự án đã được xét duyệt theo kế hoạch; hướng dẫn, kiểm tra các Bộ chủ trì Chương trình thực hiện các quy định tài chính - kế toán hiện hành. Tổng hợp tình hình cấp phát kinh phí hàng năm cho từng Chương trình và duyệt quyết toán kinh phí Chương trình và các dự án đã kết thúc, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường.
Điều 14. Nhiệm vụ của Bộ chủ trì Chương trình:
- Hàng năm, theo hướng dẫn xây dựng kế hoạch của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ chủ trì Chương trình đánh giá tình hình thực hiện năm, báo cáo tổng hợp, đề xuất các nhu cầu về mục tiêu, nhiệm vụ, nguồn lực cho năm kế hoạch của Chương trình bao gồm vốn ngân sách (vốn xây dựng cơ bản, vốn sự nghiệp, vốn vay và viện trợ nước ngoài của Chính phủ), vốn tín dụng trong nước, ngoài nước và vốn tự có của các đơn vị tham gia thực hiện Chương trình... gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường.
- Sau khi được Bộ Tài chính thông báo tổng mức kinh phí của Chương trình, Bộ chủ trì Chương trình chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường phân bổ dự toán chi Chương trình theo mục tiêu, nhiệm vụ được giao cho các Bộ, ngành, địa phương và gửi: Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổng hợp vào kế hoạch của từng Bộ, ngành, địa phương trình Thủ tướng Chính phủ giao chỉ tiêu kế hoạch.
- Bộ chủ trì Chương trình có trách nhiệm quản lý, điều hành và sử dụng có hiệu quả các nguồn kinh phí đầu tư cho Chương trình và báo cáo tình hình sử dụng kinh phí hàng quý, hàng năm cho các cơ quan tài chính đồng cấp để theo dõi, cấp phát và kiểm tra.
- Phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương có liên quan trong việc đánh giá nghiệm thu kết quả thực hiện Chương trình hàng năm và làm báo cáo tổng kết hoàn thành Chương trình trình Thủ tướng Chính phủ.
Điều 15. Nguồn, cơ chế cấp phát và quản lý kinh phí của Chương trình được thực hiện như sau:
Hạn mức ngân sách nhà nước dành cho các Chương trình được cân đối từ nguồn ngân sách Trung ương. Đối với các dự án do các Bộ, ngành trực tiếp quản lý, Bộ Tài chính cấp vốn trực tiếp cho các Bộ, ngành để thực hiện. Các dự án do địa phương quản lý được cấp qua Sở Tài chính - Vật giá. Đối với các dự án sử dụng vốn xây dựng cơ bản, vốn vay tín dụng trong nước, ngoài nước, vốn viện trợ (hoàn lại và không hoàn lại) phải thực hiện theo các quy định hiện hành về quản lý các nguồn vốn này.
Việc quản lý chi tiêu và thanh quyết toán kinh phí của Chương trình được thực hiện theo Quyết định 531/TTg ngày 08 tháng 8 năm 1996 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý các Chương trình quốc gia và văn bản hướng dẫn thi hành Quyết định này.
- 1Công văn số 1024/BKHCN-VPCNTT ngày 06/05/2004 của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc hướng dẫn lập, thẩm định và phê duyệt dự án năm 2005 thuộc Chương trình KT-KT về CNTT
- 2Luật Tổ chức Chính phủ 1992
- 3Nghị quyết số 49/CP về phát triển công nghệ thông tin ở nước ta trong những năm 90 do Chính phủ ban hành
- 4Quyết định 531-TTg năm 1996 về quản lý các chương trình Quốc gia do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Nghị quyết số 27/1997/NQ-CP về ứng dụng và phát triển công nghệ tự động hóa phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước do Chính phủ ban hành
- 6Nghị quyết số 18/NQ-CP về việc phát triển công nghệ sinh học ở Việt Nam đến năm 2010 do Chính Phủ ban hành
Quyết định 54/1998/QĐ-TTg về Quy chế Quản lý và điều hành các Chương trình Kỹ thuật - Kinh tế: Công nghệ thông tin, Công nghệ sinh học, Công nghệ vật liệu và Công nghệ tự động hoá do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 54/1998/QĐ-TTg
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 03/03/1998
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Phạm Gia Khiêm
- Ngày công báo: 10/04/1998
- Số công báo: Số 10
- Ngày hiệu lực: 18/03/1998
- Tình trạng hiệu lực: Đã biết