Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴ
NG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5393/QĐ-UBND

Đà Nẵng, ngày 28 tháng 9 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THEO LỘ TRÌNH CÁC GIẢI PHÁP TỔNG THỂ CHỐNG ÙN TẮC GIAO THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐẾN NĂM 2020

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương số 77/2015/QH13 ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 102/2017/NQ-HĐND ngày 07/07/2017 của Hội đồng nhân dân thành phố về việc thông qua Đề án Tăng cường vận tải công cộng kết hợp với kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân, kiểm soát và điều tiết hợp lý các phương tiện vận tải vào trung tâm thành phố;

Căn cứ Quyết định số 2526-QĐ/TU ngày 30/11/2016 của Thành ủy Đà Nẵng ban hành Đề án thực hiện Chương trình “Thành phố 4 an” trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2020;

Xét đề nghị của Sở Giao thông vận tải tại Tờ trình số 4484/TTr-SGTVT ngày 08/9/2017 về việc ban hành Kế hoạch triển khai theo lộ trình các giải pháp tổng thể chống ùn tắc giao thông thành phố đến năm 2020,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch triển khai theo lộ trình các giải pháp tổng thể chống ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố đến năm 2020.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thực hiện kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND thành phố, Giám đốc các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan thuộc UBND thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- TTTU, TT HĐND TP (để báo cáo);
- CT, các PCT UBND TP;
- Ủy ban MTTQVN TP;
- Các Sở, ban, ngành;
- UBND các quận, huyện;
- CVP, các PCVP UBND TP;
- Lưu: VT, QLĐTh, SGTVT.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Ngọc Tuấn

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THEO LỘ TRÌNH CÁC GIẢI PHÁP TỔNG THỂ CHỐNG ÙN TẮC GIAO THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐẾN NĂM 2020
(Kèm theo Quyết định số: 5393/QĐ-UBND ngày 28 tháng 9 năm 2017 của UBND thành phố Đà Nẵng)

Phần I

ĐÁNH GIÁ HIỆN TRẠNG

1. Hiện trạng

Thành phố Đà Nẵng phát triển đô thị mạnh mẽ trong thời gian qua, diện mạo đô thị đã có nhiều biến đổi sâu sắc. Bên cạnh việc đầu tư các khu đô thị mới theo quy hoạch, thành phố cũng đặc biệt quan tâm đến cải tạo các khu đô thị cũ. Nhiều tuyến đường, nút giao thông được cải tạo, mở rộng cùng với đầu tư xây dựng mới một số công trình giao thông trong khu vực nội đô đã góp phần chỉnh trang cảnh quan đô thị, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân đi lại.

Tuy nhiên, khu vực trung tâm thành phố đang chịu một áp lực ngày càng gia tăng về điều kiện hạ tầng do số lượng các tuyến đường làm mới không theo kịp với tốc độ tăng trưởng dân số. Số liệu thống kê cho thấy đến năm 2015, dân số Đà Nẵng là 1.029 nghìn người, trong đó gần 40% tập trung chủ yếu ở 02 quận Thanh Khê và Hải Châu (400.518 người), tăng gần 7% so với năm 2010; trong đó mật độ dân cư ở 09/13 phường thuộc quận Hải Châu và 04/10 phường thuộc quận Thanh Khê có mật độ dân số hơn 500 người/km2 1. Giai đoạn 2010-2015, ở khu vực 02 quận Hải Châu, Thanh Khê, tỷ lệ tăng chiều dài đường khu vực chỉ khoảng 1,63%. Mật độ đường cấp khu vực chỉ mới đạt từ 6,15-7,25 km/km2, còn thấp so với quy định (10,5 - 14,5 km/km2). Trong khi đó, nhu cầu đi lại trên địa bàn 02 địa phường này là rất lớn do đây là nơi tập trung nhiều hoạt động hành chính, thương mại - dịch vụ của thành phố2.

Cùng với sự phát triển kinh tế, sự gia tăng dân số, đời sống và thu nhập của người dân được cải thiện đáng kể, nhu cầu đi lại, mua sắm, sử dụng phương tiện cá nhân gia tăng nhanh chóng. Cho đến hết năm 2016, số lượng phương tiện cơ giới thuộc phạm vi quản lý trên địa bàn thành phố là hơn 868.640 xe các loại (bao gồm cả xe đã hết hạn sử dụng nhưng chưa làm thủ tục thu hồi), trong đó ô tô là hơn 61.210 xe, xe máy là 807.430 xe. So với năm 2010, lượng phương tiện cơ giới đã tăng 1,56 lần, đặc biệt lượng xe máy các loại (xe hai, ba bánh, xe điện) gần gấp đôi (98,72%), tập trung chủ yếu ở các quận Hải Châu (23,30%), Thanh Khê (21,54%)3.

Qua thống kê cho thấy, trong vòng 05 năm trở lại đây, số lượng phương tiện đăng kí mới trên địa bàn thành phố tăng trưởng không ngừng, tỷ lệ gia tăng phương tiện bình quân đều từ (8,58-10,46)%/năm, trong đó tỷ lệ tăng trưởng ô tô trung bình qua các năm khoảng 7,46%/năm, mô tô 12,25%/năm. Số hộ gia đình sở hữu xe ô tô đã tăng từ 1,5% (năm 2008) thành 2,10% (năm 2016). Riêng lượng mô tô các loại đăng ký năm 2016 có dấu hiệu tăng đột biến đến gần 20%. Đó là chưa kể một số lượng đáng kể xe ngoại tỉnh đang hoạt động trên địa bàn thành phố. Chỉ xét riêng số lượng xe ô tô đăng kiểm tại Trung tâm đăng kiểm Đà Nẵng nhưng có biển số ngoại tỉnh vào năm 2016 là 12.785 xe, hơn 20% số xe ô tô thành phố quản lý (trong đó xe dưới 9 chỗ là 3.636 xe chiếm 28,43%, xe tải là 7.601 xe, chiếm 59,45%), 03 tháng đầu năm 2017 là 2.470 xe (gần 20% so với cả năm 2016).

Tổng số đơn vị vận tải hành khách trên địa bàn thành phố tính đến hết năm 2016 là 436 đơn vị với 1810 xe, trong đó chỉ có 03 doanh nghiệp có trên 50 xe4, nhưng có đến 328 đơn vị kinh doanh vận tải hành khách (chiếm 75 %) chỉ có 01-03 xe (trong đó 208 đơn vị chỉ có 01 xe). Theo số liệu tổng hợp từ Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới Đà Nẵng, cho đến hết năm 2016, số lượng xe con5 đang sử dụng là 23.197 chiếc trên tổng số 43.553 xe ô tô các loại đang lưu hành (chiếm 53,26%), còn lại là xe khách6 (2.550 chiếc chiếm 5,86%) và xe tải các loại (17.806 chiếc chiếm 40,88%). Tổng số xe con thuộc sở hữu cá nhân là 15.085 chiếc, chiếm 69,65% số lượng xe ô tô thuộc sở hữu cá nhân và chiếm đến 96,49% số lượng xe ô tô hành khách.

Bên cạnh đó, nếu giữ nguyên mạng lưới vận tải công cộng như hiện nay thì đến 2020, mạng lưới công cộng chỉ có thể đáp ứng được từ 1-2% nhu cầu đi lại. Vận tải cá nhân sẽ chiếm hơn 90% tổng nhu cầu đi lại, nguy cơ ùn tắc giao thông sẽ xảy ra không chỉ tập trung ở các nút giao cắt mà sẽ mở rộng phạm vi trên các tuyến đường dẫn vào nút.

Trong bối cảnh quỹ đất dành cho hạ tầng giao thông nói chung, giao thông tĩnh nói riêng còn hạn chế, nhất là khu vực trung tâm; tình trạng dừng, đỗ xe tràn lan trên các tuyến phố chính xảy ra thường xuyên gây cản trở giao thông, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông, dẫn đến hiện tượng ùn tắc giao thông.

Trong thời gian qua, hiện tượng ùn tắc giao thông xảy ra chủ yếu vào giờ cao điểm (6h45 - 7h45 và 16h45 - 18h00) ở một số nút giao thông, trục giao thông chính khu vực trung tâm. Vị trí ùn tắc thường xuất phát từ nút giao với các trục đường có lưu lượng giao thông vào nút lớn, dẫn đến tình trạng ùn tắc tiếp đoạn đường trước đó.

2. Một số nguyên nhân chính gây ùn tắc giao thông:

Qua khảo sát, đánh giá hiện tượng ùn tắc giao thông tại các nút giao cũng như trên một số tuyến đường địa bàn thành phố trong thời gian qua, nhận thấy hiện tượng ùn tắc giao thông là do một số nguyên nhân sau đây:

a) Về hiện trạng đô thị:

- Cơ cấu quy hoạch chưa hợp lý, chưa quan tâm nhiều đến giao thông tĩnh, không gian cho vận tải công cộng,... đặc biệt cho các khu vực quy hoạch là trung tâm thương mại dịch vụ, khu vực tập trung đông người dẫn đến tình trạng chiếm dụng một phần đường phục vụ cho mục đích phương tiện lưu thông sang mục đích đậu đỗ xe, kinh doanh buôn bán.

- Nhiều khu vực được quy hoạch xây dựng cao tầng, khu thương mại dịch vụ (chung cư, khách sạn, văn phòng,...), tập trung ở trung tâm thành phố, dẫn đến tăng mật độ dân cư, tăng nhu cầu đi lại của người dân vào trung tâm. Tuy nhiên, hạ tầng giao thông kết nối ít được điều chỉnh quy mô cho phù hợp với nhu cầu mới.

- Hiện trạng quy hoạch thành phố với nhiều khu vực phân lô, tạo nên nhiều nút giao thông với mật độ lớn và khoảng cách gần, vừa giảm khả năng thông hành vừa dễ gây xung đột. Hầu hết các nút giao đều cùng mức.

b) Về hệ thống giao thông vận tải

- Hiện trạng hạ tầng giao thông khu vực trung tâm nhỏ, hẹp; tỷ lệ đất giao thông thấp nhưng lại khó khăn trong việc cải tạo nâng cấp, mở rộng. Hầu hết các tuyến đường có mặt cắt nhỏ, tổ chức giao thông hỗn hợp, các nút giao đa số đều đồng mức, gần nhau các nên dễ gây xung đột, giảm khả năng thông hành.

- Chưa đầu tư kịp thời cho hệ thống giao thông tĩnh. Dẫn đến tình trạng đậu đỗ xe tràn lan trên các tuyến đường, thu hẹp lòng đường, giảm khả năng lưu thông.

- Với đặc điểm chuyến đi ngắn, trong khi phương tiện giao thông công cộng vẫn còn hạn chế về loại hình, số lượng, chất lượng, mạng lưới bao phủ; đã dẫn đến tình trạng gia tăng phương tiện giao thông cá nhân phát triển mạnh nhưng chưa được kiểm soát.

- Cùng với sự phát triển trên lĩnh vực du lịch là tình trạng tăng trưởng số lượng phương tiện xe kinh doanh du lịch ở địa phương cũng như ở địa phương lân cận lưu thông trên địa bàn thành phố. Điều này dẫn đến mật độ xe trên đường tăng cao, đặc biệt là vào các mùa du lịch, lễ hội.

- Ngoài các nguyên nhân chính nêu trên, thì lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát còn mỏng, chưa thường xuyên, liên tục; ý thức chấp hành pháp luật trật tự ATGT của một bộ phận người điều khiển phương tiện giao thông chưa cao (tranh vượt nhau, chuyển hướng không đúng luật, không đi đúng làn đường, phân đường, không tuân thủ tín hiệu, biển báo giao thông khi vào nút giao,...) tạo nên các tình huống rất nguy hiểm, vừa dễ dẫn đến ùn tắc giao thông, vừa dễ tai nạn nhất là trong giờ cao điểm. Nếu tuyên truyền giáo dục tốt sẽ đem lại hiệu quả cao trong việc chống ùn tắc giao thông. Do đó, đây là nhiệm vụ quan trọng, là trách nhiệm của các ngành, các cấp, cả gia đình và xã hội.

3. Các giải pháp chống ùn tắc giao thông đã được triển khai

Trong thời gian qua thành phố đã triển khai thực hiện một số các giải pháp nhằm chống ùn tắc giao thông như:

a) Tuyên truyền, giáo dục ý thức, xây dựng văn hóa giao thông:

Ban ATGT thành phố, Sở GTVT, Công an thành phố, các ngành, địa phương, các mặt trận đoàn thể thường xuyên đổi mới, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông của người tham gia giao thông.

b) Về phân luồng, tổ chức giao thông:

- Tổ chức giao thông một chiều; cấm đỗ xe theo ngày chẵn, lẻ một số tuyến đường; cấm dừng, đỗ xe ô tô khách trên 16 chỗ, cấm đỗ xe theo giờ tại một số tuyến đường, khu vực. (Trong năm 2016, 2017, đã triển khai TCGT một chiều trên 6 tuyến đường và cấm đỗ xe ngày chẵn, ngày lẻ trên 30 đoạn, tuyến đường).

- Triển khai phân luồng tuyến các phương tiện tham gia giao thông (tại Quyết định số 12/2016/QĐ-UBND); trong đó điều chỉnh quy định các tuyến đường và thời gian hoạt động đối với các xe ô tô tải cho phù hợp với tình hình thực tế và hoạt động của doanh nghiệp.

- Triển khai phân luồng xe tải trên đường CMT8, Lê Đại Hành, Quốc lộ 1 và trên các tuyến đường Tôn Đức Thắng, Nguyễn Lương Bằng.

c) Cải tạo các nút giao phức tạp:

- Cải tạo, lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu giao thông tại các nút giao; Hoàn thiện vạch sơn, biển báo, tổ chức giao thông, xây dựng vịnh đỗ xe các tuyến đường; phân làn đường riêng cho xe cơ giới. Tính đến cuối tháng 8/2017, địa bàn thành phố có 138 nút đèn tín hiệu điều khiển giao thông; Trong đó, năm 2015 đã cải tạo, lắp đặt 15 nút đèn tín hiệu ĐKGT; năm 2016 lắp đặt 21 nút đèn tín hiệu ĐKGT và 8 tháng đầu năm 2017 đã lắp đặt 17 nút đèn tín hiệu.

- Đề xuất xây dựng các nút giao thông khác mức trọng điểm.

Trong đó, đã thông xe nút giao thông phía Tây cầu sông Hàn vào ngày 30/4/2017; Triển khai thi công nút giao thông khác mức Nguyễn Tri Phương - Điện Biên Phủ - Lê Độ, dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2017;

UBND thành phố đã thống nhất chủ trương đầu tư cải tạo, nâng cấp một số nút giao thông trọng điểm trên địa bàn thành phố trong giai đoạn 2016 - 2020 tại Thông báo số 311/TB-VP ngày 24/10/2016 như: nút giao thông phía Tây cầu Rồng, nút giao đường Duy Tân và đường 2/9, nút giao phía Tây cầu Tiên Sơn, nút giao Nguyễn Hữu Thọ - Lê Đại Hành...

- Định kỳ 1 năm/2 lần phối hợp các ngành, địa phương triển khai rà soát, xử lý các vị trí tiềm ẩn TNGT trên địa bàn thành phố.

d) Ứng dụng công nghệ giao thông thông minh:

- Lắp đặt hệ thống camera giám sát, xử lý vi phạm giao thông. Trong đó, năm 2016 đã đưa vào hoạt động camera giám sát giao thông tại nút phía Tây cầu sông Hàn, nút Cách Mạng Tháng Tám - Nguyễn Hữu Thọ, nút Cách mạng Tháng 8 - đường dẫn cầu Hòa Xuân, dọc đường Cách Mạng Tháng Tám (đoạn Hòa Cầm - đường dẫn cầu Hòa Xuân) và tại 10 nút giao trọng điểm. Đã triển khai xử phạt các hành vi vi phạm được phát hiện qua hệ thống camera giám sát giao thông từ ngày 01/11/2016.

- HĐND Tp, UBND Tp đã thống nhất chủ trương triển khai Dự án đầu tư xây dựng hệ thống giám sát điều khiển giao thông thông minh tại thành phố Đà Nẵng.

e) Xây dựng các bãi đỗ xe, vịnh đỗ xe và triển khai thu phí đỗ xe

- Xây dựng các bãi đỗ xe theo Quy hoạch được duyệt. Trong đó, thành phố đã thống nhất chủ trương đầu tư Bãi đỗ xe ngầm Ông ích Khiêm - Trần Cao Vân - Đống Đa. Tiếp tục sử dụng tạm thời các lô đất trống để làm bãi đỗ xe.

- Cải tạo vỉa hè làm vịnh đỗ xe trên các tuyến đường như Hải Phòng, Quang Trung, Phạm Văn Đồng, Trần Hưng Đạo.

- Đề xuất xây dựng các bãi đỗ xe lắp ghép, thông minh.

UBND thành phố đã thống nhất chủ trương cho nghiên cứu, xây dựng bãi đỗ xe nổi lắp ghép trên địa bàn quận Hải Châu gồm: khu đất 255 Phan Châu Trinh, khu đất 166 đường Hải Phòng và khu đất 125 - 129 đường Hải Phòng.

- Đề xuất triển khai việc thu phí đỗ xe:

+ Đối với các vị trí đỗ xe tập trung:

UBND thành phố đã thống nhất Phương án trông giữ xe tại 06 bãi đỗ xe tập trung và giao Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản thành phố Đà Nẵng tổ chức lựa chọn đơn vị trông, giữ xe tại 06 bãi đỗ xe.

+ Đối với việc thu phí đỗ xe trên một số tuyến đường:

UBND thành phố đã thống nhất giao UBND quận Hải Châu chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng Đề án thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố để đỗ xe ô tô trên địa bàn quận Hải Châu (thí điểm trên 02 tuyến đường Bạch Đằng và Trần Phú) để triển khai từ 01/01/2018.

f) Phát triển vận tải hành khách công cộng

Đưa vào hoạt động 5 tuyến xe buýt trợ giá đầu tiên vào ngày 10/12/2016; phối hợp UBND quận Hải Châu triển khai các thủ tục, đưa vào hoạt động tuyến xe buýt con thoi vào ngày 30/6/2017 đồng thời triển khai các thủ tục để tiếp tục đưa các tuyến xe buýt trợ giá khác (6 tuyến) vào hoạt động cuối năm 2017.

g) Xây dựng, triển khai thực hiện các Đề án kiểm soát phương tiện cá nhân, nâng cao năng lực vận tải

- UBND thành phố đã phê duyệt 03 Đề án: “Thí điểm phát triển dịch vụ xe đạp công cộng trong khu vực trung tâm thành phố”, “Hiện đại hóa Trung tâm quản lý và điều hành giao thông công cộng” nhằm đáp ứng yêu cầu điều tiết các phương thức vận tải; “Hoàn thiện mô hình tổ chức quản lý vận tải công cộng của địa phương”.

- UBND thành phố đã báo cáo HĐND thành phố ban hành Đề án “Tăng cường vận tải công cộng kết hợp với kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn, kiểm soát và điều tiết hợp lý các phương thức vận tải vào trung tâm thành phố” tại Nghị quyết số 102/2017/NQ-HĐND ngày 07/7/2017.

Đây là Đề án quan trọng, căn cơ trong việc hạn chế ùn tắc giao thông, cụ thể gồm 7 nhóm giải pháp với lộ trình giai đoạn 2017-2020, 2021-2025 và sau năm 2025:

+ Hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy hoạch:

Hoàn thiện quy hoạch điều chỉnh bổ sung hệ thống giao thông vận tải thành phố Đà Nẵng cho phù hợp với tình hình mới, đồng bộ với việc điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050; Điều chỉnh bổ sung các quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe buýt và các quy định liên quan đến quản lý VTHKCC để tăng cường chất lượng VTHKCC bằng xe buýt và từng bước hoàn thiện mô hình quản lý VTCC thành phố Đà Nẵng; Điều chỉnh, bổ sung các quy định về: quản lý và sử dụng tạm thời vỉa hè ngoài mục đích giao thông, quản lý và khai thác nơi đỗ xe; Đề xuất chính sách hỗ trợ, ưu đãi, khuyến khích phát triển VTHKCC gồm: Chính sách hỗ trợ cho các cá nhân, tổ chức bị ảnh hưởng do có nhà chờ, trạm dừng bố trí phía trước (miễn giảm thuê kinh doanh, miễn giảm phí đậu đỗ xe khu vực công cộng trong khu vực,...); Chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp vận tải công cộng (giảm, miễn thuế; giảm, miễn tiền thuê đất,...); Cơ chế đặt hàng, đấu thầu, xã hội hóa đầu tư hoạt động VTHKCC; Chính sách trợ giá cho xe buýt; Tổng kết đánh giá các loại hình vận tải hành khách thí điểm (xe chạy hợp đồng điện tử, xe điện 4 bánh, xe 4 bánh có gắn động cơ, xe buýt mui trần,...), trên cơ sở đó hoàn thiện quy hoạch vận tải trên địa bàn thành phố; Phát triển, hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông thành phố.

+ Đầu tư xây dựng để phát triển, hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông thành phố: thực hiện đảm bảo hiệu quả Chuyên đề về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng trọng điểm giai đoạn 2016 - 2025; Đầu tư cải tạo, nâng cấp các tuyến đường trong khu vực trung tâm thành phố; Đầu tư hoàn thành việc cải tạo, nâng cấp các nút giao thông trọng điểm thành các nút giao khác mức; Xây dựng các bãi đỗ xe tại khu vực trung tâm thành phố; Triển khai dự án Đầu tư xây dựng hệ thống giám sát điều khiển giao thông thông minh.

+ Hoàn thiện và mở rộng mạng lưới VTHKCC: mở rộng mạng lưới VTHKCC bằng xe buýt để đảm bảo tính bao phủ, hiệu quả của hệ thống theo tiêu chí trong phạm vi 500 m người dân có thể tiếp cận sử dụng xe buýt; Hoàn thiện và nâng cao chất lượng VTHKCC; Tăng cường kết nối với các phương thức vận tải khác; kiểm tra, giám sát chất lượng dịch vụ các tuyến buýt đang vận hành, xử lý nghiêm các vi phạm; Tăng cường cung cấp thông tin về mạng lưới các tuyến buýt; Nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt; Hoàn thiện bộ máy tổ chức của Trung tâm điều hành đèn tín hiệu giao thông và vận tải công cộng; Quảng bá vận tải công cộng thành phố.

+ Ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ viễn thông công nghệ điều khiển tự động trong quản lý giao thông: Xây dựng hợp phần hệ thống giao thông thông minh (ITS) thuộc Đề án Xây dựng thành phố thông minh hơn tại Đà Nẵng; Xây dựng cơ sở dữ liệu và phần mềm quản lý các phương tiện vận tải, từng bước tích hợp và chia sẻ dữ liệu giữa cơ quan chức năng với nhau (cấp phép lái xe - đăng ký phương tiện - đăng kiểm phương tiện) để có thể khai thác hiệu quả; Tổ chức khai thác có hiệu quả hệ thống camera giám sát đã lắp đặt.

+ Kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông: Các giải pháp tác động vào kinh tế của người sử dụng phương tiện cá nhân (thuế, phí); Tăng cường quản lý đậu đỗ xe; Hạn chế phương tiện cơ giới cá nhân hoạt động tại một số trục đường, một số khu vực; Tổ chức triển khai việc quản lý chất lượng xe máy; Xây dựng lộ trình kiểm soát việc phát triển phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông: chính sách sở hữu phương tiện ô tô, xe máy; Kiểm soát việc phát triển phương tiện ô tô cá nhân; Kiểm soát việc phát triển phương tiện xe máy.

+ Điều tiết phương tiện vận tải vào trung tâm thành phố: Thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết có liên quan đã được Hội đồng nhân dân thành phố về cấm tuyển sinh trái tuyến, Đề án Phân bổ dân cư. Không xây dựng mới các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp, không mở rộng quy mô các bệnh viện, trường học hiện có ở trung tâm thành phố; Rà soát hiện trạng, đề xuất từng bước di dời các công trình tập trung đông người, các kho hàng hóa ra khỏi khu vực trung tâm thành phố. Nghiên cứu quy hoạch lại và bổ sung các bến xe khách liên tỉnh; Ứng dụng CNTT trong việc triển khai cung ứng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Xây dựng và hoàn thiện các đề án: Thu phí phương tiện vào khu vực trung tâm thành phố, ứng dụng giao thông thông minh (ITS) vào quản lý phương tiện vận tải trên địa bàn thành phố.

+ Các giải pháp về quản lý giao thông: kiểm tra các hoạt động kinh doanh vận tải hành khách khu vực trung tâm thành phố, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; Tiếp tục tổ chức, phân luồng giao thông theo hướng: xe tải, xe khách liên tỉnh đi trên các tuyến vành đai, tuyến đường chuyên dụng và hạn chế đi vào xuyên tâm khu vực nội đô

Phần II

KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI CÁC GIẢI PHÁP TỔNG THỂ CHỐNG ÙN TẮC GIAO THÔNG ĐẾN NĂM 2020

I. Mục tiêu

Ưu tiên tập trung triển khai một số giải pháp trọng tâm nhằm ngăn chặn xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông giai đoạn 2017-2020 phù hợp với hiện trạng, quy hoạch đô thị và hạ tầng giao thông thành phố; bên cạnh việc triển khai Đề án “Tăng cường vận tải công cộng kết hợp với kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông, kiểm soát và điều tiết hợp lý các phương tiện vận tải vào trung tâm thành phố”.

II. Nội dung thực hiện

Bên cạnh thực hiện đảm bảo Kế hoạch triển khai Đề án “Tăng cường vận tải công cộng kết hợp với kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông, kiểm soát và điều tiết hợp lý các phương tiện vận tải vào trung tâm thành phố”, các cơ quan, đơn vị cần tập trung triển khai các giải pháp trọng tâm sau:

1. Rà soát, điều chỉnh Quy hoạch giao thông vận tải:

Tiếp tục đầu tư xây dựng mạng lưới giao thông bên cạnh công tác rà soát, điều chỉnh Quy hoạch giao thông vận tải theo điều chỉnh Quy hoạch chung của thành phố, phân bố lại và nâng cao hiệu quả của mạng lưới giao thông. Đồng thời rà soát lại quỹ đất, điều chỉnh Quy hoạch giao thông tĩnh và triển khai phù hợp với thực tế, nhu cầu từng khu vực.

- Chủ trì: Sở Giao thông vận tải

- Phối hợp: Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch & Đầu tư, UBND các quận, huyện, Viện QH Xây dựng và các cơ quan, đơn vị liên quan.

- Thời gian thực hiện: Năm 2018-2019 (đồng bộ với việc triển khai điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng).

2. Xây dựng mô hình tính toán, đánh giá, phân tích mạng Lưới giao thông hiện trạng, dự báo nhu cầu phát triển hệ thống mạng lưới giao thông đô thị trên toàn thành phố hoặc khu vực, làm cơ sở Quy hoạch các trục chính, phân bố lại luồng giao thông, cân đối tổng thể mạng lưới giao thông và lộ trình tổ chức giao thông, phân luồng xe, lộ trình đầu tư các trục giao thông, kể cả giao thông trên cao và giao thông ngầm.

- Chủ trì: Sở Giao thông vận tải.

- Phối hợp: Sở Xây dựng, Công an thành phố, Sở Thông tin & Truyền thông, UBND các quận, huyện và các cơ quan, đơn vị liên quan.

- Thời gian thực hiện: Năm 2017-2018.

3. Xây dựng một số nút giao thông trọng điểm, khác mức:

Cải tạo, nâng cấp một số nút giao thông trọng điểm trên địa bàn thành phố trong giai đoạn 2016 - 2020 theo chủ trương đã được UBND Tp thống nhất.

- Chủ trì: Sở Giao thông vận tải.

- Phối hợp: Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch & Đầu tư, UBND các quận, huyện, Viện QH Xây dựng và các cơ quan, đơn vị liên quan.

- Thời gian thực hiện: Năm 2017-2020.

Trong đó:

+ Phấn đấu hoàn thành các thủ tục, khởi công trong năm 2018 công trình 02 nút giao khác mức: nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý và nút giao thông phía Tây cầu Rồng.

+ Hoàn thành công tác CBĐT, thi công hoàn thành trong năm 2017, 2018 các nút giao: 2 tháng 9 - Xô Viết Nghệ Tĩnh - cầu Tiên Sơn, Nguyễn Hữu Thọ - Lê Đại Hành và các nút giao dọc tuyến xe buýt nhanh BRT.

+ Các nút giao trọng điểm khác: theo lộ trình UBND Tp thống nhất giai đoạn đến năm 2020.

4. Triển khai Dự án Đầu tư xây dựng hệ thống giám sát giao thông thông minh trên địa bàn thành phố theo hình thức BT để kết nối toàn bộ hệ thống đèn tín hiệu điều khiển tại Trung tâm, lắp đặt camera xử lý vi phạm tại các nút giao, trục đường chính

- Chủ trì: Sở Giao thông vận tải.

- Phối hợp: Công an thành phố, Sở Kế hoạch & Đầu tư, Sở Thông tin & Truyền thông, UBND các quận, huyện và các cơ quan, đơn vị liên quan.

- Thời gian thực hiện: Năm 2017-2018.

5. Triển khai đầu tư xây dựng các bãi đỗ xe

- Chủ trì: Sở Giao thông vận tải.

- Phối hợp: Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch & Đầu tư, UBND các quận, huyện, Viện QH Xây dựng và các cơ quan, đơn vị liên quan.

- Thời gian thực hiện: Năm 2017-2020.

Trong đó:

+ Năm 2017, đề xuất đầu tư xây dựng 03 bãi đỗ xe nổi, bãi đỗ xe cao tầng lắp ghép, trước mắt ưu tiên khu vực trung tâm, ven biển.

+ Năm 2018-2020: Tiếp tục đề xuất đầu tư các bãi đỗ xe nổi, lắp ghép và đề xuất đầu tư các bãi đỗ xe theo Quy hoạch được duyệt.

6. Tiếp tục triển khai các giải pháp về tổ chức giao thông: đường một chiều, cấm đỗ xe theo ngày chẵn, lẻ một số tuyến đường; cấm dừng, đỗ xe ô tô khách, cấm đỗ xe theo giờ; cải tạo các nút giao thông, lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu giao thông; lắp đặt biển báo, sơn kẻ vạch, xây dựng vịnh đỗ xe. Rà soát, điều chỉnh các quy định về phân luồng, tổ chức giao thông phù hợp với tình hình thực tế. Triển khai Đề án thu phí đỗ xe trên các tuyến đường và thu tiền trông giữ xe tại các bãi đỗ xe tập trung.

- Chủ trì: Sở Giao thông vận tải.

- Phối hợp: Công an thành phố, Sở Xây dựng, UBND các quận, huyện và các cơ quan, đơn vị liên quan.

- Thời gian thực hiện: Thường xuyên. Trong đó, định kỳ tổng kiểm tra, rà soát, đề xuất xử lý các điểm tiềm ẩn TNGT 2 lần/năm.

7. Tiếp tục đề xuất thành phố triển khai các tuyến xe buýt trợ giá trong giai đoạn 2017 - 2020 theo Quy hoạch được phê duyệt và triển khai các giải pháp tuyên truyền, nâng cao hiệu quả hoạt động xe buýt, đảm bảo tính bao phủ, hiệu quả của hệ thống.

- Chủ trì: Sở Giao thông vận tải.

- Phối hợp: Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch & Đầu tư, UBND các quận, huyện, Viện QH Xây dựng và các cơ quan, đơn vị liên quan.

- Thời gian thực hiện: 2017-2020. Trong đó,

+ Năm 2017: triển khai các thủ tục đưa 6 tuyến xe buýt trợ giá khác vào hoạt động.

+ Năm 2018-2020: tiếp tục đầu tư các tuyến xe buýt còn lại theo Quy hoạch; đến năm 2020, tổng số tuyến xe buýt là 21 tuyến, trong đó có 15 tuyến trợ giá.

8. Tiếp tục tăng cường đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông, xây dựng văn hóa giao thông, sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Đặc biệt là, biết nhường nhịn trong tham gia giao thông, không phóng nhanh vượt ẩu, không dừng, đỗ xe sai quy định, đi đúng phần đường, làn đường qua đó góp phần trong việc chống ùn tắc giao thông. Đồng thời tăng cường công tác xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền đến với cộng đồng. Đây là nhiệm vụ quan trọng và là trách nhiệm của các ngành, các cấp và toàn xã hội.

- Chủ trì: Ban An toàn giao thông thành phố

- Phối hợp: Sở Giao thông vận tải, Công an thành phố, Sở Thông tin & Truyền thông, Sở Văn hóa & Thể thao, UBND các quận, huyện và các cơ quan, đơn vị liên quan.

- Thời gian thực hiện: Thường xuyên.

9. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm. Bố trí lực lượng triển khai tuần tra, kiểm soát, hướng dẫn, xử lý vi phạm về trật tự ATGT vỉa hè, lòng đường, đường ngang qua đường sắt; tập trung xử lý theo chuyên đề như: qua hệ thống camera, đi sai phần đường, làn đường, hành vi dễ dẫn đến ùn tắc giao thông, các hành vi có nguy cơ gây tai nạn giao thông cao.

- Chủ trì: Công an thành phố

- Phối hợp: Sở Giao thông vận tải, UBND các quận, huyện và các cơ quan, đơn vị liên quan.

- Thời gian thực hiện: Thường xuyên.

III. Tổ chức thực hiện

1. Giao Sở Giao thông vận tải:

- Là cơ quan thường trực, phối hợp, theo dõi và đôn đốc các Sở, ban, ngành và các cơ quan, đơn vị được UBND thành phố giao nhiệm vụ chủ trì tổ chức triển khai thực hiện.

- Tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện trong giai đoạn 2017 - 2020. Trên cơ sở kết quả đánh giá và tình hình thực tế, tiếp tục xây dựng kế hoạch cho giai đoạn tiếp theo.

2. Các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện một cách nghiêm túc; định kỳ (6 tháng và một năm) báo cáo kết quả thực hiện về Sở Giao thông vận tải để tổng hợp báo cáo UBND thành phố.

3. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính cân đối kinh phí trình UBND thành phố quyết định trên cơ sở đề nghị kinh phí của các Sở, ban, ngành và các cơ quan, đơn vị được UBND thành phố giao thực hiện nhiệm vụ.

Trên đây là Kế hoạch triển khai theo lộ trình các giải pháp tổng thể chống ùn tắc giao thông thành phố đến năm 2020, Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu các cơ quan, đơn vị nghiêm túc triển khai thực hiện Kế hoạch này./.



1 Các số liệu dân số lấy theo Báo cáo số 1111/BC-SKHĐT ngày 29/11/2016 của Sở KH ĐT về đánh giá tình hình triển khai Đề án Phân bổ dân cư trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Đến năm 2015 thì mật độ dân số (người/km2) ở các phường Hải Châu 2 là 763, Bình Hiên - 634, Nam Dương - 629, Thuận Phước - 606, Thạch Thang - 602, Hải Châu 1 - 559, Thanh Bình - 541, Phước Ninh - 535, Bình Thuận - 526, Hòa Thuận Đông - 515 (q. Hải Châu); Tân Chính - 714, Tam Thuận - 658, Thạc Gián - 645, Vĩnh Trung - 571 (q. Thanh Khê).

2 Số liệu khảo sát hộ gia đình của dự án DaCRISS: Mỗi ngày có khoảng 1,2 triệu chuyến đi và đến khu trung tâm thành phố (quận Hải Châu và Thanh Khê), chiếm gần một nửa trong tổng số nhu cầu tại Đà Nẵng, chuyến đi từ và đến quận Hải Châu và Thanh Khê khá cao, đặc biệt là các chuyến “đi làm” và “đi học”. Quận Hải Châu thu hút nhiều nhất các chuyến “đi làm” (141.000 chuyến/ngày, cao gấp 1,2 chuyến đi phát sinh từ quận này).

3 Số liệu thống kê từ Phòng Cảnh sát giao thông các quận huyện.

4 HTX DVHT ô tô vận tải và xe du lịch Đà Nẵng - 132 xe, HTX vận tải cơ giới Hợp Nhất - 94 xe, HTX kinh doanh vận tải AHP - Chi nhánh Đà Nẵng - 67 xe.

5 Là xe ôtô được xác định theo Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, để chở người không quá 9 chỗ ngồi kể cả lái xe hoặc xe ôtô chở hàng với khối lượng chuyên chở cho phép dưới 1,5T; xe ôtô con bao gồm cả các loại xe có kết cấu như xe máy 3 bánh nhưng có tải trọng bản thân xe lớn hơn 0,4T và tải trọng toàn bộ xe cho phép nhỏ hơn 1,5T (QCVN 41:2016/BGTVT).

6 Là xe ôtô được xác định theo Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ để chở người với số lượng lớn hơn 9 người (QCVN 41:2016/BGTVT).

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 5393/QĐ-UBND năm 2017 về Kế hoạch triển khai theo lộ trình giải pháp tổng thể chống ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2020

  • Số hiệu: 5393/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 28/09/2017
  • Nơi ban hành: Thành phố Đà Nẵng
  • Người ký: Nguyễn Ngọc Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản