BỘ CÔNG NGHIỆP NẶNG *******
| VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA ******* Hà Nội, ngày 02 tháng 11 năm 1961 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH BẢN ĐIỀU LỆ TẠM THỜI TỔ CHỨC BAN THANH TRA KỸ THUẬT AN TOÀN
BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP NẶNG
Căn cứ Quyết định số 190 ngày 12 tháng 06 năm 1961 của Bộ tổ chức ban Thanh tra kỹ thuật an toàn;
Xét đề nghị của ông trưởng ban thanh tra kỹ thuật và ông Vụ trưởng Vụ Tổ chức giáo dục,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. – Nay ban hành bản điều lệ tạm thời tổ chức ban Thanh tra kỹ thuật an toàn để áp dụng trong các xí nghiệp công trường, trường học thuộc Bộ.
Điều 2. – Các văn bản trước đây của Bộ, trái với bản điều lệ này đều bãi bỏ.
Điều 3. – Ban Thanh tra kỹ thuật an toàn, Vụ Tổ chức giáo dục, Văn phòng Bộ và các Vụ, Cục có liên quan chịu trách nhiệm thi hành bản điều lệ tạm thời này.
| BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP NẶNG |
ĐIỀU LỆ
TẠM THỜI TỔ CHỨC BAN THANH TRA KỸ THUẬT AN TOÀN
Chương 1:
MỞ ĐẦU
Điều 1. – Tình hình kỹ thuật an toàn tại các xí nghiệp và công trường hiện nay chưa được tốt. Sự phát triển nhanh chóng các ngành công nghiệp khai khoán, hóa chất, luyện kim, cơ khí, điện lực và khối lượng các công tác xây lắp ngày càng tăng đòi hỏi phải thành lập một cơ quan thống nhất và lành nghề để kiểm tra việc chấp hành các nghị quyết nhằm cải thiện tình hình kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao động; để kiểm tra việc tôn trọng quy tắc an toàn trong sản xuất, bảo quản và sử dụng nguyên vật liệu thiết bị máy móc ở các xí nghiệp công trường, Trường học nhằm mục đích bảo đảm an toàn.
Cơ quan nói trên là “Ban thanh tra kỹ thuật an toàn”. Nó là một cơ quan độc lập, trực thuộc lãnh đạo Bộ.
Điều 2. – Ban Thanh tra kỹ thuật an toàn chịu trách nhiệm kiểm tra tình hình kỹ thuật an toàn trong các ngành công nghiệp khai khoáng, hóa chất, luyện kim, cơ khí, điện lực, trên các công trường xây dựng cơ bản và các xí nghiệp, kiểm tra vận hành an toàn các nồi hơi, bình chịu áp lực và các loại cần trục; kiểm tra việc tôn trọng các quy tắc thống kê, bảo quản và sử dụng đúng công dụng các loại thuốc nổ và các phương tiện để nổ.
Chương 2:
TỔ CHỨC
Điều 3. – Ban Thanh tra kỹ thuật an toàn là một bộ phận độc lập nằm trong cơ cấu tổ chức của Bộ Công nghiệp nặng và trực thuộc lãnh đạo Bộ.
Bộ máy của Ban Thanh tra kỹ thuật an toan gồm có:
1. Phòng kỹ thuật:
- Dự thảo các quy tắc an tàn mới và trình Bộ duyệt;
- Xét lại, bổ sung và sửa đổi các quy tắc an toàn hiện hành.
- Dự thảo và sửa đổi các chương trình huấn luyện về kỹ thuật an toàn;
- Thống kê và phân tích nguyên nhân gây ra tai nạn sản xuất và sự cố có liên quan với sản xuất;
- Thảo ra các tranh áp phích, khẩu hiệu về kỹ thuật an toàn để tuyên truyền trên các xí nghiệp và công trường.
- Ra thông tin về kỹ thuật an toàn và giải quyết những vấn đề kỹ thuật khác có liên quan tới việc cải thiện tình hình kỹ thuật an toàn.
2. Phân ban Thanh tra kỹ thuật an toàn trong ngành công nghiệp khai khoáng, hóa chất.
- Kiểm tra tình hình kỹ thuật an toàn ở các xí nghiệp khai khoáng, hóa chất.
- Kiểm tra khả năng chiếu đấu và lãnh đạo về phương pháp các đội cấp cứu mỏ quân sự hóa.
3. Phân ban Thanh tra kỹ thuật an toàn trong các ngành cơ điện và luyện kim.
- Kiểm tra tình hình kỹ thuật an toàn ở các xí nghiệp cơ khí, điện và luyện kim.
4. Phân ban Thanh tra kỹ thuật an toàn trong công nghiệp xây dựng.
- Kiểm tra tình hình kỹ thuật an toàn ở các công trường xây dựng cơ bản và các xí nghiệp vật liệu xây dựng.
5. Phân ban Giám sát nồi hơi.
- Kiểm tra vận hành an toàn các nồi hơi, bình chịu áp lực và các loại cần trục ở các xí nghiệp và công trường thuộc Bộ Công nghiệp nặng.
6. Văn thư
- Lưu trữ và giữ gìn tài liệu, hồ sơ báo cáo và giải quyết các vấn đề có tính chất hành chính và kế toán.
Tất cả các phân ban đều đặt dưới quyền lãnh đạo của ông trưởng ban thanh tra kỹ thuật an toàn.
Trong mỗi phân ban có một nhóm cán bộ Thanh tra thực hiện việc kiểm tra trực tiếp ở các xí nghiệp và công trường dưới sự lãnh đạo của ông trưởng phân ban.
Phòng kỹ thuật và văn thư trực thuộc ông Trưởng ban thanh tra kỹ thuật an toàn.
Chương 3:
NHIỆM VỤ
Điều 4. – Ban thanh tra kỹ thuật an toàn có những nhiệm vụ sau:
1. Kiểm tra việc chấp hành các nghị quyết của Đảng và Chính phủ, các chỉ thị của Bộ nhằm cải thiện tình hình kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao động, các biên bản và lệnh chỉ của ban thanh tra đã trao cho lãnh đạo các xí nghiệp và công trường, kiểm tra sự thực hiện các biện pháp cải thiện tình hình kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao động đã được thỏa thuận với các tổ chức công đoàn cũng như kiểm tra việc tôn trọng nghiêm chỉnh các quy tắc an toàn ở các xí nghiệp và công trường, trường học.
2. Căn cứ theo các tài liệu hướng dẫn đã được duyệt, tiến hành điều tra các vụ tai nạn và sự cố có liên quan với sản xuất; phân tích nguyên nhân gây ra tai nạn và sự cố sản xuất rồi, dựa vào cơ sở phân tích ấy cùng với các cán bộ lãnh đạo các xí nghiệp công trường và các tổ chức công đoàn cơ sở để ra các biện pháp thủ tiêu những nguyên nhân tai nạn và sự cố sản xuất, và cải thiện tình hình kỹ thuật an toàn ở xí nghiệp và công trường.
3. Kiểm tra việc lập kịp thờicác kế hoạch, biện pháp cải thiện tình hình kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao động ở các xí nghiệp và công trường.
4. Tham gia vào các ban nghiệm thu khi bàn giao sang sản xuất các xí nghiệp mới và cải tạo cũng như các nồi hơi, bình chịu áp lực và các loại cần trục.
5. Kiểm tra việc tổ chức công tác huấn luyện kiến thức kỹ thuật tối thiểu và những quy tắc an toàn cho công nhân thuộc các nghề khác nhau ở xí nghiệp và công trường.
Tham gia sát hạch kiến thức về kỹ thuật an toàn của cán bộ lãnh đạo các phân xưởng xí nghiệp và công trường.
6. Kiểm tra việc tôn trọng nghiêm chỉnh các quy tắc thống kê, bảo quản và sđược đúng công dụng các loại thuốc nổ và các phương tiện để nổ theo đúng với yêu cầu của quy tắc an toàn.
7. Kiểm tra việc áp dụng kỹ thuật mới và tự động hóa vào các quy trình sản xuất nhằm giảm nhẹ sức lao động, nâng cao hiệu suất lao động và tạo những điều kiện làm việc an toàn.
8. Kiểm tra việc bảo quản an toàn nguyên vật liệu, thiết bị, máy móc ở các xí nghiệp và công trường.
9. Kiểm tra vận hành an toàn các nồi hơi, bình chứa chịu áp lực và các loại cần trục ở các xí nghiệp và công trường.
10. Kiểm tra khả năng chiến đấu và lãnh đạo về phương pháp các đơn vị cấp cứu mỏ quân sự hóa.
11. Kiểm tra việc khai thác các mỏ được đúng kỹ thuật an toàn nhằm thực hiện sản xuất an toàn và giảm thấp sự hao mất khoáng sản trong sản xuất.
12. Cùng với các tổ chức công đoàn cơ sở tổ chức học tập về kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao động cho các cán bộ làm công tác kiểm tra bảo hộ lao động.
13. Kiểm tra việc thực hiện các chế độ bảo hộ lao động và phát hiện thiếu sót cơ quan có trách nhiệm.
Chương 4:
QUYỀN HẠN
Điều 5. – Ban Thanh tra kỹ thuật an toàn có những quyền hạn sau đây:
1. Thực hiện kiểm tra tiến hành các công tác một cách an toàn ở tất cả các xí nghiệp, công trường, trường học thuộc Bộ Công nghiệp nặng.
2. Sau khi xuất trình giấy tờ chứng nhận là cán bộ Ban Thanh tra kỹ thuật an toàn của Bộ Công nghiệp nặng, đại diện Ban Thanh tra kỹ thuật an toàn có quyền ra vào và khảo sát tất cả các xí nghiệp, công trường, các phòng thí nghiệm, kho tàng thuốc nổ và kho tàng vật liệu, các phân xưởng và các đối tượng khác thuộc diện kiểm tra vào bất cứ giờ nào.
3. Tại các xí nghiệp và các công trường thuộc diện kiểm tra của đại diện Ban Thanh tra kỹ thuật an toàn có quyền đòi xuất trình bất cứ một tài liệu kỹ thuật nào có quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp tới kỹ thuật an toàn, trong sản xuất như: Bản đồ khai thác mỏ, kế hoạch công tác, tài liệu về kỹ thuật và chế độ của các quy trình sản xuất, chương trình tổ chức công tác, các hộ chiếu kỹ thuật về khai thác và nổ mìn, sơ đồ thông giá hầm lô và các phân xưởng, sơ đồ cung cấp điện của xí nghiệp và các phân xưởng, tài liệu thiết kế, kế hoạch biện pháp, thủ tiêu các sự cố có thể xảy ra, các biên bản và tài liệu thống kê và điều tra tai nạn, sự cố xảy ra trong sản xuất, kế hoạch biện pháp cải thiện tình hình kỹ thuật an toàn và các tài liệu khác.
4. Đại diện Ban thanh tra kỹ thuật an toàn có quyền tiến hành các cuộc kiểm tra tình hình kỹ thuật an toàn ở các xí nghiệp, công trường và trường học.
Về những vi phạm quy tắc an toàn đại diện Ban có nhiệm vụ lập thành biên bản hay lệnh chỉ, trong đó phải chỉ rõ tính chất vi phạm quy tắc an toàn, thời hạn sửa chữa và gửi cho giám đốc hoặc phó giám đốc kỹ thuật xí nghiệp hay công trường.
Các cán bộ lãnh đạo xí nghiệp và công trường có nhiệm vụ nhận lấy biên bản hay lệnh chỉ để chấp hành.
5. Trong trường hợp phát hiện thấy ở xí nghiệp hay công tác những vi phạm quy tắc an toàn trực tiếp đe dọa gây ra sựcố hay tai nạn, Ban thanh tra kỹ thuật có quyền đình chỉ sản xuất tại đối tượng ấy.
Vấn đề tiếp tục làm việc của đối tượng bị đình chỉ chỉ có thể được giải quyết sau khi sửa chữa xong các vi phạm quy tắc an toàn hoặc là được Bộ cho phép.
6. Ban thanh tra kỹ thuật an toàn thông qua các tổ chức cần thiết có quyền mời các cán bộ chuyên môn của các viện, các trường và các cơ quan khác làm chuyên viên về những vấn đề kỹ thuật đặc biệt phức tạp và tranh chấp trong khi điều tra các vụ tai nạn và sự cố.
7. Ban thanh tra kỹ thuật an toàn có quyền đề nghị thi hành kỷ luật theo trách nhiệm hành chính hoặc đề nghị xử theo pháp luật những người không chịu chấp hành các biên bản và lệnh chỉ của Ban và không đảm bảo tình hình kỹ thuật an toàn ở các xí nghiệp hay công trường được tốt.
Chương 5:
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 6. – Bản điều lệ tạm thời này áp dụng trong các xí nghiệp, công trường, trường học thuộc Bộ kể từ ngày ban hành.
Điều 7. – Trong quá trình thực hiện nếu cần bổ sung, điều chỉnh thì đề nghị với Bộ.
Quyết định 532-BCNNg/KB2 năm 1961 ban hành bản điều lệ tạm thời tổ chức ban Thanh tra kỹ thuật an toàn của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nặng
- Số hiệu: 532-BCNNg/KB2
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 02/11/1961
- Nơi ban hành: Bộ Công nghiệp nặng
- Người ký: Nguyễn Văn Trân
- Ngày công báo: 22/11/1961
- Số công báo: Số 45
- Ngày hiệu lực: 17/11/1961
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định