Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 530/QĐ-UBND

Đắk Lắk, ngày 08 tháng 3 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH TỔ CHỨC THỰC HIỆN PHONG TRÀO THI ĐUA ĐẮK LẮK CHUNG SỨC XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Thi đua - Khen thưởng ngày 26/11/2003; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua - Khen thưởng ngày 16/11/2013;

Căn cứ Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng; Nghị định số 39/2012/NĐ-CP ngày 27/4/2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 của Chính phủ; Nghị định số 65/2014/NĐ-CP ngày 01/7/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng;

Căn cứ Quyết định số 1730/QĐ-TTg ngày 05/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 45/TTr-SNV ngày 22 /02/2017,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch tổ chức thực hiện Phong trào thi đua Đắk Lắk chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020.

Điều 2. Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn, đôn đốc thực hiện và tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện Kế hoạch này theo quy định.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Nội vụ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Ban TĐKT Trung ương (b/c);
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh (b/c);
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Như Điều 3;
- BCĐ các chương trình MTQG tỉnh;
- Các PCVP UBND tỉnh;
- Lưu VT, TH (Ph 60 b).

CHỦ TỊCH




Phạm Ngọc Nghị

 

KẾ HOẠCH

TỔ CHỨC THỰC HIỆN PHONG TRÀO THI ĐUA ĐẮK LẮK CHUNG SỨC XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI GIAI ĐOẠN 2016 - 2020
(Kèm theo Quyết định số: 530/QĐ-UBND ngày (08/3/2017 của Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk)

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CầU

1. Mục đích:

Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trực tiếp tham gia thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh góp phần cải thiện đáng kể đời sống vật chất và tinh thần cho người dân trên địa bàn nông thôn.

2. Yêu cầu:

a) Việc thực hiện Phong trào thi đua Đắk Lắk chung sức xây dựng nông thôn mới phải trở thành một nhiệm vụ thường xuyên là nội dung quan trọng trong các phong trào thi đua của Sở, ban, ngành, Mặt trận tổ quốc, đoàn thể của tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và hoạt động giao ước thi đua hàng năm của Cụm, Khối thi đua.

b) Tiếp tục triển khai sâu rộng từ tỉnh tới cơ sở với nội dung, hình thức phong phú, thiết thực, hiệu quả phù hợp với thực tiễn ở từng địa phương, phát huy được sáng kiến, sáng tạo của các tầng lớp nhân dân; đẩy mạnh gắn Phong trào thi đua Đắk Lắk chung sức xây dựng nông thôn mới với cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và với các phong trào, các cuộc vận động do Trung ương, tỉnh phát động.

c) Việc công nhận biểu dương, khen thưởng các huyện, các xã đạt chuẩn nông thôn mới, khen thưởng các tập thể, gia đình và cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào phải đảm bảo thực chất, khách quan, tạo động lực thúc đẩy phong trào, tránh chạy theo thành tích, hình thức.

d) Đến năm 2018, UBND các huyện, thị xã, thành phố; các Sở, ban, ngành, đoàn thể tiến hành sơ kết Phong trào thi đua Đắk Lắk chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 và kịp thời phát hiện, bồi dưỡng các điển hình tiên tiến, các sáng kiến, kinh nghiệm hay; các mô hình, cách làm sáng tạo để nhân rộng và bổ sung kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện và tiến hành tổng kết phong trào vào năm 2020.

II. MỤC TIÊU THI ĐUA

1. Mục tiêu chung:

Xây dựng nông thôn mới của tỉnh có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ và từng bước hiện đại, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa hiệu quả kinh tế cao bền vững và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý; trong đó chú trọng các hình thức sản xuất mang tính hợp tác; gắn nông nghiệp với phát triển công nghiệp, dịch vụ; gắn xây dựng nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xây dựng xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được chú trọng bảo vệ; an ninh chính trị được giữ vững; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao nhằm góp phần thúc đẩy mạnh, nhanh và bền vững cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

2. Mục tiêu cụ thể:

a) Phấn đấu đến năm 2020 có trên 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới và có 01 đến 02 huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

b) Về hạ tầng kinh tế - xã hội: Đến năm 2020, phấn đấu 60% số xã có cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội cơ bản đạt tiêu chí nông thôn mới, cụ thể:

- Giao thông nông thôn: Đường trục xã, liên xã nhựa hóa hoặc bê tông xi măng đạt tỷ lệ tối thiểu 70%, đường trục thôn được cứng hóa đạt tỷ lệ tối thiểu 50%; đường ngõ, xóm được cứng hóa, không lầy lội vào mùa mưa đạt tỷ lệ tối thiểu 40%; đường trục chính nội đồng đảm bảo cho các phương tiện cơ giới hoạt động, được cứng hóa đạt tỷ lệ 40%.

- Thủy lợi: Đảm bảo tưới chủ động cho 82% diện tích cây trồng có nhu cầu tưới, hệ thống kênh mương được kiên cố hóa đạt tỷ lệ 60%.

- Điện: 100% thôn, buôn có điện lưới quốc gia, 100% số hộ nông thôn được sử dụng điện, ưu tiên đảm bảo điện cho sản xuất nông nghiệp.

- Trường học: 95% thôn, buôn có điểm trương trường hoặc nhóm, lớp mẫu giáo và có 70% trường học các cấp có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia.

- Cơ sở vật chất, văn hóa: 100% thôn, buôn có đất xây nhà văn hóa và 70% số thôn, buôn có nhà văn hóa đạt chuẩn theo quy định.

- Chợ nông thôn: 45% xã đạt tiêu chí chợ nông thôn mới.

- Bưu điện: 100% số xã có hệ thống thông tin truyền thông và 80% thôn, buôn có điểm dịch vụ Internet.

- Nhà ở dân cư: Cơ bản xóa nhà tạm, dột nát và có 75% số hộ gia đình có nhà ở đạt chuẩn của Bộ Xây dựng.

c) Về kinh tế và tổ chức sản xuất:

- Thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn năm 2020 đạt 46 triệu đồng.

- Giảm tỷ lệ hộ nghèo 2,5 - 3%/năm.

- Tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm thường xuyên trên 95%.

- 100% xã đạt tiêu chí hình thức tổ chức sản xuất.

d) Về văn hóa - xã hội và môi trường:

- Y tế: 100% số xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế.

- Giáo dục: Giữ vững chỉ tiêu phổ cập giáo dục trung học cơ sở; tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến lớp: Mẫu giáo 5 tuổi là 98%, tỷ lệ trẻ đi học mẫu giáo đúng độ tuổi đạt 86%, đi học tiểu học đúng độ tuổi đạt 99%, trung học cơ sở 90%, trên 90% số học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học trung học phổ thông, bổ túc văn hóa hoặc học nghề, lao động nông thôn qua đào tạo đạt trên 45%.

- Văn hóa: 75% thôn, buôn đạt tiêu chuẩn văn hóa.

- Môi trường: 95% dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; trong đó có 45% sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn quốc gia QCVN: 02/2009/BYT; tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 40,1%.

đ) Hệ thống tổ chức chính trị xã hội và an ninh, trật tự xã hội ở nông thôn:

- 100% số xã có đủ các tổ chức chính trị, xã hội, 70% tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh; 80% số xã có tổ chức chính trị và đoàn thể vững mạnh toàn diện; 90% cán bộ cấp xã đạt chuẩn.

- An ninh trật tự xã hội được giữ vững, có trên 80% số xã đạt tiêu chí 19.

III. NỘI DUNG PHONG TRÀO THI ĐUA

1. Thi đua tổ chức thực hiện các nội dung, Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 theo Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ, về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 và các nội dung được quy định tại Nghị quyết số 158/2015/NQ-HĐND ngày 10/7/2015 của HĐND tỉnh, về xây dựng nông thôn mới tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2015 - 2020 và định hướng đến năm 2030.

2. Thi đua xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế - xã hội góp phần thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc trong tỉnh.

3. Thi đua xây dựng nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, có năng suất, chất lượng, hiệu quả bền vững và có khả năng cạnh tranh cao góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân ở nông thôn.

4. Thi đua thực hiện rộng rãi và hiệu quả liên kết 4 nhà “Nhà nước - Nhà nông - Nhà khoa học - Nhà doanh nghiệp”, không ngừng mở rộng áp dụng tiến bộ, khoa học, công nghệ, kỹ thuật mới và các hình thức tổ chức sản xuất tiên tiến vào phát triển nông nghiệp và nông thôn.

IV. TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ THI ĐUA

Hàng năm các Cụm, Khối tham gia giao ước thi đua của tỉnh phải đưa các nội dung, tiêu chí của Phong trào thi đua Đắk Lắk chung sức xây dựng nông thôn mới vào giao ước thi đua hàng năm.

1. Đối với các Sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh:

a) Hoàn thành có chất lượng, đúng tiến độ các văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền.

b) Bám sát thực tiễn, nghiên cứu bổ sung kịp thời các văn bản hướng dẫn và tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng các giải pháp nhằm thúc đẩy chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh đạt mục tiêu, kế hoạch đề ra.

c) Các cơ quan, đơn vị và các thành viên trong Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của tỉnh được phân công chịu trách nhiệm chính trong tổ chức triển khai các tiêu chí của chương trình xây dựng nông thôn mới phải thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao; chủ động đăng ký với Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của tỉnh về việc tham mưu, hướng dẫn và hỗ trợ các huyện, xã trong triển khai tổ chức thực hiện.

3. Đối với huyện, thị xã, thành phố:

a) Xây dựng kế hoạch và triển khai có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, có nhiều cách làm sáng tạo; đề ra các nội dung, giải pháp sát đúng, phù hợp với tình hình và điều kiện cụ thể của địa phương.

b) Chủ động lựa chọn những tiêu chí được nhân dân đồng tình cao, thực hiện có hiệu quả cao để tập trung chỉ đạo, tạo được sự đột phá; kịp thời hỗ trợ và xử lý những vướng mắc, khó khăn trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở các xã; hàng năm thực hiện đạt và vượt mục tiêu, kế hoạch đề ra.

c) Chấp hành tốt công tác thông tin báo cáo (quý, 6 tháng, 9 tháng, năm và đột xuất) theo quy định.

d) Đến năm 2020 huyện, thị xã, thành phố phấn đấu đạt, vượt mục tiêu đăng ký và kế hoạch của tỉnh giao.

đ) Huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn nông thôn mới, có mức tăng trưởng tiêu chí tính bình quân/xã và kết quả nâng cao chất lượng tiêu chí sau khi đạt chuẩn cao nhất trong tỉnh.

e) Huyện, thị xã, thành phố tiêu biểu nhất trong nỗ lực phấn đấu tổ chức thực hiện Chương trình Xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

g) Không nợ đọng đầu tư xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới.

4. Đối với xã:

a) Hoàn thành có chất lượng, đúng thời hạn các nhiệm vụ đề ra.

b) Huy động được sự tham gia của đông đảo nhân dân, doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế xã hội và các nguồn lực khác vào xây dựng nông thôn mới.

c) Xã đạt chuẩn nông thôn mới đồng thời là xã tiêu biểu trong các xã đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới.

d) Xã đặc biệt khó khăn có nhiều nỗ lực vươn lên trong xây dựng nông thôn mới (là xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, có mức tăng mới 10 tiêu chí trở lên trong giai đoạn 2016 - 2020 (trong đó có tiêu chí giảm nghèo và thu nhập)).

đ) Xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu: Là xã đã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015, có kết quả trong phấn đấu nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 tiêu biểu.

e) Các xã trên không nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới.

5. Đối với doanh nghiệp, tổ chức kinh tế:

Hỗ trợ trực tiếp cho các xã trên địa bàn đứng chân, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thực hiện các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, thực hiện liên kết sản xuất, tăng thu nhập cho người dân, góp phần giảm nghèo, xây dựng hạ tầng cải thiện môi trường nông thôn; được Ban chỉ đạo hoặc Ban quản lý xây dựng nông thôn mới trên địa bàn (huyện, thị xã, thành phố, xã) xét và đề nghị khen thưởng.

6. Đối với cá nhân, hộ gia đình:

a) Tích cực tham gia và vận động mọi người tham gia Phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới do tỉnh, ngành, địa phương phát động; có thành tích đặc biệt xuất sắc trong tổ chức, triển khai, thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới.

b) Có số ngày công, ca máy hoặc ủng hộ bằng xây dựng công trình giải phóng mặt bằng... có tổng giá trị từ 70 triệu đồng trở lên.

7. Đối với cán bộ, công chức, viên chức có thành tích đặc biệt xuất sắc có nhiều nỗ lực, bám sát cơ sở, có sáng kiến, giải pháp hữu ích có phạm vi ảnh hưởng tích cực trong việc tham mưu xây dựng, ban hành văn bản trong tổ chức thực hiện, kiểm tra việc thực hiện hoặc đề xuất cơ chế, chính sách, hướng dẫn chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho cơ sở góp phần trong xây dựng nông thôn mới có hiệu quả thiết thực.

8. Đối tượng khác (doanh nhân, trí thức, nhà khoa học, các cá nhân ở trong và ngoài nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài...) có nhiều đóng góp cụ thể về công sức, trí tuệ, vật chất, sáng kiến hữu ích, tích cực góp phần vào chương trình xây dựng nông thôn mới (gắn với địa chỉ cụ thể); riêng đối với hộ gia đình phải có thành tích trong xây dựng, cải tạo nơi ở (nhà, công trình vệ sinh, ao, vườn, tường rào, cổng ngõ) xanh, sạch, đẹp tiêu biểu, giữ vệ sinh môi trường; sản xuất kinh doanh giỏi, có thu nhập khá và có nhiều giúp đỡ cộng đồng trong xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

V. HÌNH THỨC VÀ MỨC KHEN THƯỞNG

1. Khen thưởng của Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch nước thực hiện theo quy định tại Quyết định số 1730/QĐ-TTg ngày 05/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Phong trào thi đua Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020.

2. Khen thưởng của tỉnh thực hiện như sau:

a) Khen thưởng hàng năm:

- Tặng Cờ thi đua của UBND tỉnh:

Tặng Cờ thi đua của UBND tỉnh cho huyện hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới kèm theo thưởng kinh phí hỗ trợ xây dựng công trình phúc lợi trị giá 3.000.000.000 đồng (Ba tỷ đồng);

Tặng Cờ thi đua của UBND tỉnh cho các xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới và thưởng kinh phí hỗ trợ xây dựng công trình phúc lợi trị giá 1.000.000.000 đồng (Một tỷ đồng).

- Tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh:

Các tập thể, cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc trong đóng góp về công sức, trí tuệ, vật chất...cho chương trình xây dựng nông thôn mới thực hiện theo quy định hiện hành về công tác thi đua, khen thưởng của tỉnh.

b) Khen thưởng sơ kết vào năm 2018:

Các Sở, ban, ngành, Ủy ban Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể của tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố tiến hành sơ kết phong trào thi đua vào năm 2018 và khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu theo thẩm quyền.

c) Khen thưởng tổng kết giai đoạn 2016 - 2020:

- Đối với huyện, thị xã, thành phố: Đề nghị tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho 02 huyện, thị xã, thành phố thuộc các Cụm khối thi đua của tỉnh có nhiều nỗ lực trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua "Đắk Lắk chung sức xây dựng nông thôn mới" kèm theo thưởng kinh phí hỗ trợ xây dựng công trình phúc lợi 1.000.000.000 đồng (Một tỷ đồng).

- Đối với xã: Mỗi huyện, thị xã, thành phố đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh cho tặng Bằng khen 01 xã tiêu biểu có nhiều nỗ lực vươn lên trong xây dựng nông thôn mới và thưởng 500.000.000 đồng hỗ trợ cho xây dựng công trình phúc lợi (Năm trăm triệu đồng).

- Đối với các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế: Đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen cho các đơn vị đạt tiêu chuẩn quy định tại mục 4, phần IV của Kế hoạch này.

Mức thưởng thực hiện theo quy định hiện hành về thi đua, khen thưởng.

- Đối với tập thể, cá nhân, hộ gia đình:

Mỗi huyện, thị xã, thành phố đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 03 tập thể và 05 cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc, góp phần trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới; 03 - 05 hộ gia đình tiêu biểu hội đủ tiêu chuẩn quy định tại mục 6 phần IV của Kế hoạch này (trừ những cá nhân, hộ gia đình đạt được khen thưởng trong giai đoạn 2016 - 2020);

Mỗi Sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen cho từ 01 - 03 tập thể; 02 - 03 cá nhân trực tiếp tham gia chương trình xây dựng nông thôn mới có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua đạt tiêu chuẩn quy định tại mục 2 phần IV của Kế hoạch này (trừ những cá nhân đã được khen thưởng trong giai đoạn 2016- 2020);

Mức thưởng thực hiện theo quy định hiện hành về thi đua, khen thưởng.

3. Giấy khen của Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố; Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn:

Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; Chủ tịch UBND huyện thị xã, thành phố; Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn căn cứ quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng và tình hình thực tế của cơ quan, đơn vị địa phương để quy định cụ thể về đối tượng, tiêu chuẩn tặng Giấy khen cho các tập thể, cá nhân, hộ gia đình có công trạng, thành tích trong phong trào thi đua.

VI. THỦ TỤC, HỒ SƠ, THỜI GIAN TRÌNH KHEN THƯỞNG

1. Thủ tục, hồ sơ trình khen thưởng thực hiện theo quy định hiện hành về công tác thi đua, khen thưởng của tỉnh.

2. Quy trình và thời gian trình khen thưởng:

a) Khen thưởng của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước được thực hiện vào tổng kết giai đoạn 2016 - 2020 theo thông báo của Trung ương.

b) Khen thưởng của tỉnh:

Các huyện, thị xã, thành phố, các xã đạt chuẩn nông thôn mới trình khen thưởng ngay khi có quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới;

Các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong đóng góp về công sức trí tuệ, vật chất... trong xây dựng nông thôn mới trình khen thưởng ngay sau khi có thành tích hoặc tổng kết hàng năm;

Các tập thể, cá nhân có thành tích trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện chỉ xét và đề nghị khen thưởng vào tổng kết giai đoạn 2016 - 2020 theo thông báo của tỉnh.

c) UBND xã, phường, thị trấn và các đơn vị trực thuộc huyện, thị xã, thành phố xét và đề nghị khen thưởng hồ sơ gửi về cơ quan thường trực Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới cấp huyện trước ngày 10/01 hàng năm.

d) Cơ quan Thường trực Chương trình Xây dựng nông thôn mới cấp huyện tổng hợp và trình UBND huyện, thị xã, thành phố khen thưởng hoặc trình cấp trên khen thưởng (qua Phòng Nội vụ huyện, thị xã, thành phố) trước ngày 20/01 hàng năm.

đ) UBND huyện, thị xã, thành phố; các Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; các doanh nghiệp gửi hồ sơ trình UBND tỉnh khen thưởng (qua Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh).

e) Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh tổng hợp, xem xét và đề nghị UBND tỉnh khen thưởng và trình Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước khen thưởng thông qua Sở Nội vụ (Ban Thi đua - Khen thưởng) thời gian theo thông báo của tỉnh và Trung ương.

VII. KINH PHÍ KHEN THƯỞNG, QUẢN LÝ SỬ DỤNG KINH PHÍ KHEN THƯỞNG

1. Kinh phí khen thưởng:

a) Kinh phí khen thưởng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các tập thể, cá nhân được thực hiện theo quy định hiện hành về thi đua, khen thưởng của tỉnh.

b) Kinh phí thưởng hỗ trợ xây dựng công trình phúc lợi của các hình thức khen thưởng được cấp từ nguồn ngân sách của Trung ương, của tỉnh hỗ trợ triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - ­2020 theo năm kế hoạch.

2. Quản lý sử dụng kinh phí hỗ trợ xây dựng công trình phúc lợi và kinh phí khen thưởng:

Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh, UBND cấp huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc sử dụng kinh phí hỗ trợ đầu tư xây dựng công trình phúc lợi, kinh phí khen thưởng của các đơn vị đảm bảo sử dụng đúng mục đích, hiệu quả.

VIII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Giao Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ (Ban Thi đua khen thưởng); các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị có liên quan tổ chức triển khai các nội dung của Kế hoạch này. Tổ chức kiểm tra, đôn đốc, đánh giá, sơ kết, tổng kết và trình khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện nội dung thi đua; trong tổng kết năm, sơ kết vào cuối năm 2018 và tổng kết vào cuối năm 2020.

2. Các Sở, ban, ngành, đoàn thể, các huyện, thị xã, thành phố căn cứ vào kế hoạch và điều kiện cụ thể xây dựng kế hoạch, hướng dẫn và triển khai tổ chức thực hiện đảm bảo nội dung, chất lượng và tiến độ thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh hàng năm.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động trong việc đổi mới, đẩy mạnh Phong trào thi đua Đắk Lắk chung sức xây dựng nông thôn mới và các phong trào thi đua yêu nước tạo động lực thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu của chương trình xây dựng nông thôn mới, nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị.

3. Sở Nội vụ (Ban Thi đua khen thưởng); Hội đồng thi đua khen thưởng tỉnh kiểm tra, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức triển khai phong trào thi đua; tổng hợp báo cáo phong trào thi đua theo quy định. Thẩm định và đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh khen thưởng và đề nghị cấp trên khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua.

4. Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh có trách nhiệm phối hợp với các Sở, ban, ngành có liên quan lồng ghép có hiệu quả các nguồn lực của các chương trình mục tiêu quốc gia triển khai trên địa bàn trong tổ chức thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

5. Các Sở, ban, ngành cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện và hoàn thành có hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao trong triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 của tỉnh.

6. Các cơ quan truyền thông có trách nhiệm tuyên truyền, mở chuyên trang, chuyên mục, tăng thời lượng tuyên truyền, đẩy mạnh góp phần giáo dục, phát hiện, biểu dương, nêu gương và nhân rộng những cách làm hay, cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả, các điển hình tiên tiến trong Phong trào thi đua Đắk Lắk chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 -2020.

7. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các đoàn thể tuyên truyền, vận động các tổ chức thành viên, đoàn viên, hội viên tích cực tham gia thực hiện thắng lợi Phong trào thi đua Đắk Lắk chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 -2020.

8. Các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh có trách nhiệm cụ thể hóa phong trào thi đua phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương; chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua gắn đánh giá thi đua khen thưởng Phong trào thi đua Đắk Lắk chung sức xây dựng nông thôn mới với tiến hành sơ kết, tổng kết thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới hàng năm và giai đoạn 2016 - 2020 theo quy định.

Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu gặp vướng mắc, các cơ quan, đơn vị, địa phương phản ánh về Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh (thông qua Ban Thi đua, Khen thưởng tỉnh) để xem xét, xử lý theo quy định./.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 530/QĐ-UBND năm 2017 về Kế hoạch tổ chức thực hiện Phong trào thi đua Đắk Lắk chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020

  • Số hiệu: 530/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 08/03/2017
  • Nơi ban hành: Tỉnh Đắk Lắk
  • Người ký: Phạm Ngọc Nghị
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 08/03/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản