Hệ thống pháp luật

BỘ CÔNG THƯƠNG
-----

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

----------

Số: 5276/QĐ-BCT

Hà Nội, ngày 29 tháng 09 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT DỰ ÁN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH NHÀ MÁY NHIỆT ĐIỆN THÁI BÌNH 1

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG

Căn cứ Nghị định số 189/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;
Căn cứ các Nghị định của Chính phủ số 131/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 11 năm 2006 về quy chế quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và số 112/2006/NĐ-CP ngày 29 tháng 9 năm 2006 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2005 về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình;
Căn cứ vào quyết định số 110/2007/QĐ-TTg ngày 18/07/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc Quy hoạch phát triển Điện lực Việt Nam giai đoạn 2006-2015 có xét triển vọng đến năm 2025;
Căn cứ vào quyết định số 48/2008/QĐ-TTg ngày 03/04/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Hướng dẫn chung lập Báo cáo NCKT dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức của nhóm 5 Ngân hàng;
Căn cứ vào Quyết định số 1274/QĐ-BCT ngày 24/10/2007 của Bộ Công Thương về việc phê duyệt quy hoạch TTĐL Thái Bình;
Xét văn bản số 400/EVN-HĐQT ngày 04 tháng 7 năm 2008 và giải trình bổ sung số 4463/EVN-TĐ ngày 19 ngày 9 năm 2008 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam về việc trình Bộ Công Thương phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình nhà máy nhiệt điện Thái Bình 1;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Năng lượng,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Phê duyệt Dự án Dự án đầu tư xây dựng công trình nhà máy nhiệt điện Thái Bình 1 do Công ty cổ phần tư vấn xây dựng điện 1 (PECC1) lập tháng 4/2008 và giải trình bổ sung lập tháng 9/2008, được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trình duyệt các văn bản nêu trên, với các nội dung chính sau đây:

1. Tên dự án: Nhà máy nhiệt điện (NMĐ) Thái Bình 1;

2. Chủ đầu tư: Tập đoàn Điện lực Việt Nam;

3. Tổ chức tư vấn lập dự án: Công ty cổ phần tư vấn xây dựng điện 1 (PECC1);

4. Chủ nhiệm lập dự án: Ông Bành Đức Vỹ, kỹ sư nhiệt điện;

5. Mục tiêu đầu tư xây dựng:

Căn cứ điện cho hệ thống điện quốc gia, góp phần đảm bảo an toàn cấp điện cho hệ thống.

Đáp ứng được Quy hoạch phát triển điện lực Việt Nam giai đoạn 2006-2015 có xét đến năm 2025 theo quyết định số 110/2007/QĐ-TTg ngày 18/07/2007 của Thủ tướng Chính phủ.

Góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, quá trình công nghiệp hóa của tỉnh Thái Bình và các khu vực lân cận.

6. Quy mô đầu tư xây dựng:

Xây dựng nhà máy điện đốt than phun với quy mô 2x300 MW và các hạng mục phụ trợ của nhà máy;

Nhà máy gồm 02 tổ máy, công suất mỗi tổ 300 MW, cấu hình của tổ máy là 01 lò + 01 tua bin + 01 máy phát;

Hệ thống đấu nối điện với lưới điện Quốc gia;

Việc đầu tư một số các hạng mục dùng chung cho TTĐL Thái Bình như: Kênh dẫn nước vào, San nền và một số hạng mục khác sẽ thực hiện theo thỏa thuận hai Chủ đầu tư dự án Thái Bình 1 và Thái Bình 2.

7. Địa điểm xây dựng:

Vị trí xây dựng của dự án thuộc khu vực xã Mỹ Lộc, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Địa điểm nằm ở phía Nam xã Mỹ Lộc, thuộc tả ngạn sông Trà Lý, cách cửa sông Trà Lý 3 km về phía Tây, cách thành phố Thái Bình 20 km về phía Đông. Vị trí xây dựng dự án có tọa độ 106o33’36’’ kinh độ Đông, 20o28’42’’ vĩ độ Bắc.

8. Diện tích sử dụng đất:

Tổng diện tích chiếm đất của dự án nhà máy điện Thái Bình 1 là 194,122 ha, trong đó:

+ Khu vực bố trí các hạng mục công trình chính: 36,191ha

+ Sân phân phối dùng chung toàn TTĐL Thái Bình: 8,128ha

+ Hành lang giao thông, kỹ thuật chung cho TTĐL: 8,921ha

+ Bãi chứa tro xỉ cho cả TTĐL: 80,411ha

(trong đó diện tích dự phòng khoảng 30 ha)

+ Kênh dẫn nước làm mát, trạm bơm nước làm mát, tuyến ống cấp nước làm mát và hành lang kỹ thuật: 18,602ha

+ Khu cảng than và dầu (độc lập cho từng nhà máy): 20,294ha

+ Sân bãi thi công cho dự án Thái Bình 1: 13,490ha

+ Khu làm việc của ban Quản lý và tư vấn: 2,691ha

+ Trạm bơm và tuyến ống cấp nước ngọt cho Thái Bình 1: 2,045ha

+ Khu trụ sở điều hành và khu công nhân vận hành, sửa chữa: 3,350ha

9. Thiết kế cơ sở

Các tổ máy trong nhà máy điện Thái Bình được thiết kế với thông số hơi cận tới hạn.

Cấu hình của tổ máy được thiết kế theo sơ đồ khối gồm 1 lò + 1 tua bin + 1 máy phát, có tái nhiệt trung gian.

i) Lò hơi:

Lò hơi công suất 300MW, sử dụng công nghệ lò than phun, có bao hơi tuần hoàn tự nhiên, có hoặc không có bơm trợ giúp tuần hoàn và có quá nhiệt trung gian.

Thông số hơi của lò là áp suất và nhiệt độ hơi chính 173at/541oC, áp suất và nhiệt độ hơi tái nhiệt 40at/(541-570)oC.

Lò hơi có khả năng vận hành ở các phụ tải trong khoảng 30% - 60% công suất định mức có đốt kèm dầu FO ở chế độ tự động.

ii) Tua bin:

Loại ngưng hơi thuần túy, đồng trục, có giá nhiệt hồi nhiệt nước cấp, công suất phát lên lưới 300MW, tốc độ quay 3000vòng/phút, thông số hơi vào phần cao áp là 166at/538oC, thông số hơi quá nhiệt trung gian là 37at/(538oC-566oC). Áp suất hơi thoát khoảng 0,081bar.

iii) Máy phát điện:

Kiểu đồng bộ 3 pha, công suất phù hợp với tua bin, mức cách điện cấp F, tần số 50Hz.

iv) Máy biến áp máy phát:

Được thiết kế theo tiêu chuẩn IEC 76.

Kiểu ngoài trời, loại 3 pha 2 cuộn dây.

Kiểm làm mát: cưỡng bức bằng dầu và không khí.

Công suất phù hợp với công suất máy phát. Điện áp phía cao áp 220kV, điện áp phía hạ áp phù hợp với điện áp máy phát.

v) Đấu nối vào hệ thống điện quốc gia:

Xây dựng đường dây 220KV mạch kép với chiều dài khoảng 30km để nối nhà máy nhiệt điện Thái Bình 1 với trạm biến áp 220KV Thái Bình.

Sân phân phối nhà máy: Số ngăn lộ ra 220KV trong dự án này của sân phân phối 220KV Thái Bình bao gồm:

- 4 lộ ĐDK – 220KV

- 1 lộ cấp điện tự dùng cho nhà máy điện Thái Bình 1.

- Áp dụng sơ đồ 3/2 (sơ đồ 3 máy cắt cho 2 thanh cái) cho sân phân phối 220KV.

vi) Cấp thải nước:

Nguồn nước làm mát cho nhiệt điện Thái Bình 1 được lấy từ sông Trà Lý, nước mưa và nước thải sau khi được xử lý sẽ được thải vào sông Trà Lý.

Cấu hình bơm nước làm mát được thiết kế theo sơ đồ 2x50% công suất cho 01 tổ máy.

vii) Thải Tro xỉ:

Phương án chủ đạo dùng trong thiết kế là phương án thải tro xỉ bằng thủy lực truyền thống có kết hợp phương án vận chuyển khô (trong trường hợp tro xỉ được tận dụng để làm vật liệu xây dựng).

viii) Cung cấp và vận chuyển nhiên liệu:

Lượng than tiêu thụ hàng năm của dự án Thái Bình 1 vào khoảng 1.530.252 tấn. Than sẽ được vận chuyển đến cảng than nhà máy bằng đường thủy, dầu FO làm nguyên liệu phụ được vận chuyển đến nhà máy bằng đường thủy. Đá vôi với nhu cầu 46.000tấn/năm được lấy từ các mỏ đá vôi thuộc địa bàn trị trấn Minh Đức và xã Minh Tân (huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng) và được vận chuyển bằng các sà lan 200 tấn về bến tiếp nhận đá vôi của nhà máy Thái Bình 1.

10. Loại, cấp công trình

Loại Công trình: Công trình Năng lượng

Cấp công trình: Công trình cấp 1

11. Phương án giải phóng mặt bằng, tái định cư

Toàn bộ phần diện tích xây dựng các hạng mục công trình nhà máy đều nằm trên phần đất nông nghiệp. EVN sẽ phối hợp với các cấp chính quyền địa phương triển khai công tác giải phóng mặt bằng. Kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng được xác định theo quy định hiện hành của Nhà nước và UBND tỉnh Thái Bình.

12. Tổng mức đầu tư của dự án

Tổng mức đầu tư của dự án: 12.961 tỷ VND

(tương đương 780.740.980 USD, tỷ giá 1 USD = 16.600 VNĐ).

Trong đó:

- Chi phí hàng hóa và dịch vụ :

- Chi phí xây dựng và các công trình xây dựng:

- Chi phí quản lý dự án:

- Chi phí tư vấn đầu tư xây dựng:

- Chi phí đào tạo và các chi phí khác:

- Thuế và lệ phí:

- Chi phí giải phóng mặt bằng và đền bù:

- Lãi trong thời gian xây dựng:

- Dự phòng:

1) Dự phòng cơ học:

2) Dự phòng trượt giá:

- Vốn lưu động:

388.828.287 USD

146.380.722 USD

2.674.924 USD

19.000.171 USD

12.418.809 USD

26.845.690 USD

11.860.803 USD

36.119.493 USD

 

61.728.321 USD

67.901.153 USD

6.982.607 USD

14. Nguồn vốn đầu tư

Vốn vay Ngân hàng hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC), theo cơ cấu vốn: 85% vốn vay JBIC và 15% vốn đối ứng của EVN.

15. Hình thức quản lý dự án: Chủ đầu tư trực tiếp quản lý dự án.

16. Tiến độ dự án

- Khởi công xây dựng nhà máy: Quý IV/2009

- Vận hành thương mại tổ máy 1: Quý IV/2012

- Vận hành thương mại tổ máy 2: Quý II/2013.

Điều 2. Trên cơ sở Thiết kế cơ sở của dự án đã được thẩm định, EVN tiếp tục giải trình để Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) dự án.

Giao Hội đồng quản trị EVN phối hợp với UBND tỉnh Thái Bình và Chủ đầu tư dự án Thái Bình 2 triển khai thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư, đầu tư các hạng mục công trình dùng chung cho hai nhà máy,…

Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Năng lượng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 3;
- VPVP;
- Bộ trưởng;
- Các Bộ: KHĐT, TC, TNMT;
- UBND tỉnh Thái Bình;
- Các Vụ: KH, HTQT;
- Cty CPNĐ Ninh Bình;
- PECC1;
- Lưu: VT, NL(2)

KT. BỘ TRƯỞNG
THƯ TRƯỞNG




Đỗ Hữu Hào

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 5276/QĐ-BCT năm 2008 về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình nhà máy nhiệt điện Thái Bình 1 do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành

  • Số hiệu: 5276/QĐ-BCT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 29/09/2008
  • Nơi ban hành: Bộ Công thương
  • Người ký: Đỗ Hữu Hào
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 29/09/2008
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản