Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 525-TTg

Hà Nội, ngày 31 tháng 8 năm 1995

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ THÀNH LẬP NGÂN HÀNG PHỤC VỤ NGƯỜI NGHÈO 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Để giúp người nghèo vay vốn phát triển sản xuất góp phần thực hiện mục tiêu xoá đói, giảm nghèo.
Theo đề nghị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, và Bộ trưởng, Trưởng ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Cho phép thành lập Ngân hàng phục vụ người nghèo để giúp người nghèo vay vốn phát triển sản xuất, giải quyết đời sống góp phần thực hiện mục tiêu xoá đói giảm nghèo. Giao Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định thành lập và cấp giấy phép hoạt động.

Ngân hàng phục vụ người nghèo là tổ chức tín dụng của Nhà nước hoạt động trong phạm vi cả nước, có tư cách pháp nhân, có vốn điều lệ, có tài sản, có bảng cân đối, có con dấu, trụ sở chính đặt tại thành phố Hà Nội.

Tổ chức và hoạt động của Ngân hàng phục vụ người nghèo được quy định cụ thể trong điều lệ.

Điều 2: Ngân hàng phục vụ người nghèo có chức năng khai thác các nguồn vốn của các tổ chức và cá nhân trong nước và ngoài nước tiếp nhận các nguồn vốn tín dụng của Nhà nước đối với người nghèo và các nguồn vốn khác được Nhà nước cho phép để lập quỹ cho người nghèo vay thực hiện chương trình của Chính phủ đối với người nghèo.

Hoạt động của Ngân hàng phục vụ người nghèo vì mục tiêu xoá đói, giảm nghèo, không vì mục đích lợi nhuận, thực hiện bảo tồn vốn ban đầu, phát triển vốn, bù đắp chi phí.

Ngân hàng phục vụ người nghèo thực hiện cho vay trực tiếp đến hộ nghèo có sức lao động, nhưng thiếu vốn, được vay vốn để phát triển sản xuất, không phải thế chấp tài sản, có hoàn trả vốn vay, và theo lãi suất quy định.

Ngân hàng phục vụ người nghèo được xét miễn thuế doanh thu và thuế lợi tức để giảm lãi suất cho vay đối với người nghèo. Các rủi ro bất khả kháng trong quá trình hoạt động của Ngân hàng phục vụ người nghèo được bù đắp bằng quỹ bù đắp rủi ro theo quy chế tài chính của Bộ Tài chính. Các chính sách nói trên sẽ được quy định trong văn bản cụ thể của Chính phủ.

Điều 3: Tổ chức của Ngân hàng phục vụ người nghèo gồm có:

- Hội đồng quản trị.

- Trung tâm điều hành tác nghiệp.

1. Hội đồng quản trị: Hội đồng quản trị là cơ quan quản lý của Ngân hàng phục vụ người nghèo gồm các thành viên là đại diện có thẩm quyền của Văn phòng Chính phủ, Uỷ ban kế hoạch Nhà nước, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, Uỷ ban dân tộc miền núi, Bộ Công nghiệp và nông nghiệp thực phẩm, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam do các cơ quan cử; đại diện một số tổ chức trong nước góp vốn cho Ngân hàng phục vụ người nghèo do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ định và Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam.

Thành viên Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sau khi thống nhất với Bộ trưởng - Trưởng ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ trình Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn. Hội đồng quản trị cử thường trực Hội đồng quản trị, tổng kiểm soát. Tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng phục vụ người nghèo do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cùng cấp quyết định nhân sự cụ thể theo hướng dẫn của Hội đồng quản trị Ngân hàng phục vụ người nghèo.

2. Trung tâm điều hành tác nghiệp có Tổng giám đốc. Giúp việc Tổng giám đốc có một số Phó Tổng giám đốc và một số phòng ban chuyên môn. Tổng giám đốc, các Phó Tổng giám đốc do Hội đồng quản trị đề nghị và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước bổ nhiệm. Điều hành tác nghiệp tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, quận, huyện, thị xã thành phố trực thuộc tỉnh do Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam đảm nhiệm.

Điều 4: Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm ra quyết định phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động của Ngân hàng phục vụ người nghèo sau khi đã có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ; phối hợp với cơ quan có liên quan để triển khai thực hiện quyết định này.

Bộ trưởng - Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước chủ trì cùng Bộ trưởng Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ quyết định kế hoạch vốn hỗ trợ từ Ngân sách Nhà nước hàng năm và 5 năm cho Ngân hàng phục vụ người nghèo.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và xã hội phối hợp với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm, các cơ quan liên quan khác công bố chuẩn mực phân loại người nghèo, vùng nghèo theo từng thời điểm để làm cơ sở cho Ngân hàng phục vụ người nghèo cho vay vốn.

Bộ trưởng Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét giải quyết một số chế độ chính sách về tài chính nói tại điều 2 của Quyết định này.

Điều 5: Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, các đoàn thể nhân dân khác, động viên hội viên, đoàn viên của đoàn thể mình thực hiện chủ trương của Nhà nước cho người nghèo vay vốn phát triển sản xuất để góp phần thực hiện mục tiêu xoá đói giảm nghèo; tham gia các cơ quan chức năng của Chính phủ về xây dựng chính sách; theo dõi kiểm tra, giám sát hoạt động Ngân hàng phục vụ người nghèo.

Điều 6: Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký ban hành.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng phục vụ người nghèo có trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

Võ Văn Kiệt

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 525-TTG năm 1995 về việc thành lập Ngân hàng phục vụ người nghèo do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 525-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 31/08/1995
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Võ Văn Kiệt
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 23
  • Ngày hiệu lực: 31/08/1995
  • Ngày hết hiệu lực: 04/10/2002
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản