Hệ thống pháp luật

BAN CHỈ ĐẠO QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG TRUNG ƯƠNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 52-QLTT/TW

Hà Nội, ngày 03 tháng 3 năm 1993

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA BAN CHỈ ĐẠO QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG TRUNG ƯƠNG BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP GIỮA CÁC ĐỊA BÀN TRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG, CHỐNG BUÔN LẬU VÀ CÁC HÀNH VI KINH DOANH TRÁI PHÁP LUẬT 

BAN CHỈ ĐẠO QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG TRUNG ƯƠNG

Căn cứ Nghị định số 398-HĐBT ngày 6/12/1991 của Hội đồng Bộ trưởng về tổ chức chỉ đạo quản lý thị trường;
Để thi hành Quyết định số 114-TTg ngày 21/11/1992 của Thủ tướng Chính phủ về những biện pháp cấp bách nhằm ngăn chặn và bài trừ tệ tham nhũng và buôn lậu;
Để có cơ sở thực hiện sự phối hợp công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu và các hành vi kinh doanh trái pháp luật giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
Sau khi lấy ý kiến các ngành có liên quan ở Trung ương và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố
,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Nay ban hành bản Quy chế phối hợp giữa địa bàn trong công tác quản lý thị trường chống buôn lậu và các hành vi kinh doanh trái pháp luật, kèm theo Quyết định này.

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành.

Điều 3: Uỷ ban nhân dân, Ban chỉ đạo quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Đội kiểm tra thị trường thuộc Ban chỉ đạo quản lý thị trường Trung ương chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Quyết định này.

 

Vũ Trọng Nam

(Đã ký)

 

QUY CHẾ

PHỐI HỢP GIỮA CÁC ĐỊA BÀN TRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG, CHỐNG BUÔN LẬU VÀ CÁC HÀNH VI KINH DOANH TRÁI PHÁP LUẬT.
(Ban hành kèm theo Quyết định số 52-QLTT/TƯ ngày 3/3/1993 của Ban Chỉ đạo quản lý thị trường Trung ương)

Chương 1:

QUY ĐỊNH CHUNG

1. Chống đầu cơ, buôn lậu, sản xuất và buôn bán hàng giả, kinh doanh trái phép, trốn thuế, lậu thuế và tổ chức quản lý tốt thị trường trên từng địa bàn là trách nhiệm trực tiếp của Uỷ ban nhân dân và các ngành chức năng của địa phương.

Theo sự chỉ đạo thống nhất của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, mỗi ngành phải tổ chức thực hiện nhiệm vụ quản lý thị trường, chống đầu cơ, buôn lậu... theo đúng chức trách của mình. Đồng thời có sự phối hợp công tác giữa các ngành có liên quan mà Ban chỉ đạo quản lý thị trường tỉnh, thành phố có chức năng giúp Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tổ chức sự phối hợp đó.

2. Cùng với việc phát huy sức mạnh tổng hợp trên từng địa bàn, giữa các tỉnh, thành phố có sự phối hợp hành động nhất là với các địa bàn trọng điểm và giữa các khu vực giáp ranh, thực hiện sự "tác chiến" liên hoàn, sự hỗ trợ mạnh mẽ giữa "điểm" và "diện", tránh những sơ hở, để đạt được mục tiêu cụ thể trong từng thời gian. Sự phối hợp này được tiến hành theo sự hướng dẫn của Ban chỉ đạo quản lý thị trường Trung ương hoặc do tỉnh, thành phố chủ động.

3. Lợi ích cao nhất của sự phối hợp này là ngăn chặn, đẩy lùi được tệ buôn lậu và các hành vi kinh doanh trái pháp luật khác. Căn cứ để thực hiện sự phối hợp hoạt động là các chủ trương, chính sách và pháp luật hiện hành. Không ai được vì lợi ích cục bộ mà từ chối sự phối hợp hoặc phối hợp một cách hình thức, phát sinh thêm sơ hở hoặc sự lủng củng trong quản lý: nơi lỏng nơi chặt, nơi bắt nơi thả.

Chương 2:

NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP PHỐI HỢP CÔNG TÁC

Trong từng thời gian, Ban chỉ đạo quản lý thị trường Trung ương và địa phương cần đề ra mục tiêu cụ thể để phối hợp các lực lượng, các địa bàn nhằm thực hiện được mục tiêu đó. Đây là yêu cầu quan trọng nhất của sự phối hợp.

Thường xuyên thì phối hợp với nhau trong các việc sau:

1. Cung cấp thông tin cho nhau về hoạt động của bọn buôn lậu, về kế hoạch công tác của địa phương, về các dự báo thị trường, về vụ việc xảy ra.

Các địa phương tạo mọi điều kiện cho nhau nắm được một cách chủ động vấn đề phức tạp có thể diễn ra trên thị trường; kịp thời phát hiện và theo dõi chặt chẽ các đối tượng phạm pháp; cung cấp tình hình, tư liệu giúp cho việc thẩm tra xác minh hoặc phối hợp điều tra, xác minh vụ việc.

2. Phối hợp huy động lực lượng có chức năng của các bên tham gia kiểm tra và bắt giữ. Việc phối hợp này bao gồm:

- Huy động người của cơ quan có liên quan cùng phối hợp kiểm tra, bắt giữ.

- Cung cấp kịp thời các phương tiện, điều kiện làm việc để bắt giữ được đối tượng phạm pháp.

- Tiến hành các công việc điều tra, xác minh vụ việc phù hợp với pháp luật.

- Tiến hành hoặc tạo điều kiện cho việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế cần thiết theo đúng pháp luật đối với đương sự.

- Tổ chức bảo vệ lực lượng thực hiện nhiệm vụ kiểm tra.

3. Phối hợp trong việc xem xét, xử lý các vụ việc đã phát hiện được. Việc xử lý các vụ việc trên địa bàn nào, của lực lượng nào thì địa phương đó hoặc lực lượng đó chủ động xem xét để xử lý theo đúng thẩm quyền mà pháp luật quy định. Những vụ việc có sự phối hợp phát hiện, kiểm tra hoặc điều tra xác minh thì các địa phương, các cơ quan thuộc các ngành chức năng phải cùng trao đổi thống nhất về mức độ sai phạm, hình thức xử lý rồi quyết định việc xử lý. Nếu có ý kiến khác nhau trong chủ trương xử lý thì địa phương chủ trì quyết định và chịu trách nhiệm hoặc trước khi quyết định thì tranh thủ ý kiến cơ quan chức năng của Nhà nước cấp Trung ương. Sau khi có quyết định xử lý, phối hợp giữa các địa phương trong việc thực hiện quyết định xử lý.

4. Cùng với việc phối hợp đầy đủ về trách nhiệm, thực hiện sự hình thành và phân bổ "Quỹ chống các hành vi kinh doanh trái pháp luật" giữa các bên một cách công bằng, theo sự đóng góp của mỗi bên trên cơ sở các quy định hiện hành của Nhà nước.

Chương 3:

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Bản Quy chế này là cơ sở để thực hiện sự phối hợp công tác quản lý thị trường, chống đầu cơ, buôn lậu, sản xuất và buôn bán hàng giả, kinh doanh trái phép, trốn lậu thuế giữa các địa phương trong khu vực với nhau.

Tỉnh, thành phố chủ động tổ chức sự phối hợp với các địa bàn lân cận và giữa các huyện, xã trong phạm vi địa phương mình.

Khi cần thiết, Ban chỉ đạo quản lý thị trường Trung ương hoặc Bộ phận phía Nam của Ban chỉ đạo quản lý thị trường Trung ương sẽ chủ trì tổ chức sự phối hợp trong từng khu vực.

Sự phối hợp tác chiến trong những vụ việc cụ thể chỉ đưa lại kết quả thiết thực khi có kế hoạch rõ ràng. Kế hoạch đó phải được xác định mục tiêu và mức độ cần đạt, phân công cụ thể các lực lượng trên từng địa bàn và sự thống nhất chỉ huy...

Sau mỗi lần thực hiện kế hoạch phối hợp cần kịp thời rút kinh nghiệm.

Các ngành có chức năng ở Trung ương cần có sự thống nhất chỉ đạo, hướng dẫn để cấp dưới của ngành hành động được đồng bộ, nhất quán với nhau.

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 52-QLTT/TW năm 1993 về quy chế phối hợp giữa các địa bàn trong công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu và các hành vi kinh doanh trái pháp luật do Ban Chỉ đạo quản lý thị trường trung ương ban hành

  • Số hiệu: 52-QLTT/TW
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 03/03/1993
  • Nơi ban hành: Ban Chỉ đạo quản lý thị trường Trung ương
  • Người ký: Vũ Trọng Nam
  • Ngày công báo: 31/05/1993
  • Số công báo: Số 10
  • Ngày hiệu lực: 03/03/1993
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản