Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 51/QĐ-UB | TP. Hồ Chí Minh, ngày 07 tháng 03 năm 1979 |
BAN HÀNH QUY ĐỊNH TẠM THỜI VỀ PHÂN CẤP QUẢN LÝ GIÁ Ở THÀNH PHỐ
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính các cấp do lệnh số 51/LCT của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà công bố ngày 10-11-1962;
Căn cứ vào quyết định số 48/CP ngày 12-3-1970 của Hội đồng Chính phủ kết hợp tham khảo dự thảo mới nhất của Ủy ban Vật giá Nhà nước về phân cấp quản lý giá trình Chính phủ xin ban hành;
Xét yêu cầu cấp thiết của việc phân cấp quản lý giá trong việc thực hiện chủ trương phân cấp quản lý kinh tế ở thành phố;
Theo đề nghị của đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban Vật giá thành phố sau khi trao đổi ý kiến với Ban Tổ chức chính quyền thành phố, các sở quản lý sản xuất kinh doanh và Ủy ban nhân dân các quận, huyện,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Nay ban hành Bản quy định tạm thời về phân cấp quản lý giá ở thành phố.
Điều 2. Các đồng chí Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Chủ nhiệm Ủy ban Vật giá thành phố, thủ trưởng các sở, ban, ngành có liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện trong thành phố chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
VỀ PHÂN CẤP QUẢN LÝ GIÁ Ở THÀNH PHỐ
(Ban hành kèm theo quyết định số 51/QĐ-UB ngày 07-3-1979)
Giá cả là một vấn đề lớn có quan hệ đến công cuộc xây dựng nước nhà và đời sống của nhân dân.
Giá cả có 3 chức năng:
- Tính toán giá trị, xác định mức hao phí lao động xã hội cần thiết làm cơ sở cho việc xây dựng giá cả, thúc đẩy các ngành, các cấp, các đơn vị cơ sở phải tính toán hiệu quả kinh tế trong quá trình sản xuất và kinh doanh.
- Phát huy vai trò đòn bẩy kinh tế để kích thích sản xuất phát triển, thúc đẩy cách mạng kỹ thuật và phân công lao động mới trong xã hội, không ngừng tăng năng suất lao động, hạ giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng nhanh tổng sản phẩm xã hội và thu nhập quốc dân.
- Phân phối và phân phối lại thu nhập quốc dân một cách hợp lý giữa các khu vực của nền sản xuất xã hội, giữa các ngành, các đơn vị kinh tế, giữa các vùng, giữa xã hội và các thành viên của xã hội, giữa các tầng lớp nhân dân, góp phần giải quyết đúng đắn các mối quan hệ và các mặt cân đối trong nền kinh tế quốc dân, lãnh đạo sản xuất và hướng dẫn tiêu dùng, tăng tích luỹ xã hội và nâng cao không ngừng đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân.
Với ba chức năng trên, giá cả có liên quan đến tất cả các khâu trong quá trình tái sản xuất xã hội, từ sản xuất, phân phối đến tiêu dùng và có liên quan đến hầu hết các ngành hoạt động từ trung ương đến địa phương.
Mối liên quan đó được xác định căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ của từng ngành, từng cấp trong các mặt hoạt động kinh tế - tài chính. Với tính chất tổng hợp, công tác giá cả có liên quan chặt chẽ với những công tác tổng hợp khác, trước hết là công tác kế hoạch, tài chính, tiền tệ, lao động và đời sống. Đồng thời, công tác giá cả cũng có quan hệ mật thiết với các ngành làm nhiệm vụ sản xuất, lưu thông, phân phối trong thành phố và giữa trung ương với thành phố trong phạm vi nhiệm vụ quản lý kinh tế của từng đơn vị; cùng với sự phát triển của nền kinh tế kế hoạch hóa, mỗi loại giá đều có quan hệ với các loại giá khác, thể hiện các mối quan hệ lớn trong xã hội và đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Ở thành phố chúng ta, sản xuất hàng hóa tương đối phát triển, đồng thời cũng là nơi tiêu thụ tập trung sản phẩm của nhiều nơi khác. Thị trường thành phố sôi động, phức tạp với nhiều thành phần kinh tế, trong đó quy luật giá trị đang không ngừng tác động, kể cả hai mặt tích cực và tiêu cực. Giá cả diễn biến hàng ngày có ảnh hưởng đến tư tưởng làm ăn đúng đắn và tư tưởng làm ăn với bất cứ giá nào của những cơ quan, xí nghiệp, tập thể và cá thể, đã gây rối loạn cho việc quản lý kinh tế, trong đó có vấn đề quản lý giá cả.
Việc quản lý giá cả trong thành phố theo đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, trở thành một yêu cầu cấp bách với thành phố và là một vần đề gắn với yêu cầu cải tiến quản lý kinh tế ở thành phố.
I.- NỘI DUNG PHÂN CẤP QUẢN LÝ GIÁ
Để phát huy chức năng của giá cả phục vụ và thúc đẩy việc xây dựng và phát triển kinh tế địa phương, việc phân cấp quản lý giá cả ở thành phố phải ở mặt thích hợp với yêu cầu nhiệm vụ và đặc điểm của từng ngành trong thành phố, đồng thời phù hợp với nội dung phân cấp quản lý kinh tế chung.
Nguyên tắc của việc phân cấp quản lý giá là trên cơ sở tập trung thống nhất theo chính sách giá cả của Đảng và Nhà nước, việc chỉ đạo giá cả phải linh hoạt, kịp thời để phát huy thiết thực tác dụng của giá cả trong việc phục vụ sản xuất, tích lũy và đời sống, căn cứ vào điều lệ chung về phân cấp quản lý kinh tế, mọi công tác về giá cả phải do Ủy ban nhân dân thành phố quản lý, nhưng để sát hợp với tình hình, Ủy ban nhân dân thành phố có ủy nhiệm cho các ngành, các cấp trong thành phố quản lý giá theo chức năng của ngành và trong phạm vi mức độ liên quangiữa chức năng đóvới công tác giá của thành phố.
Ủy ban Vật giá thành phố có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân thành phố thồng nhất quản lý ở thành phố.
Các ngành, các cấp khi được Ủy ban nhân dân thành phố ủy nhiệm quản lý giá phải quán triệt những điểm cơ bản sau đây:
1) Phải có quan điểm toàn diện để giải quyết đúng đắn các mối quan hệ kinh tế (quan hệ giữa sản xuất, tiêu dùng và tích lũy) phục vụ cho nhiệm vụ chính trị, kinh tế của thành phố trong từng thời kỳ kế hoạch;
2) Phải nắm vững tác dụng chỉ đạo của các quy luật kinh tế chủ nghĩa xã hội mà vận dụng quy luật giá trị một cách đúng đắn, sáng tạo, thích hợp với điều kiện quản lý kinh tế chung của 5 thành phần kinh tế trong thành phố, nhằm thúc đẩy việc tăng cường quản lý kinh tế, tài chính, thúc đẩy việc thực hiện yêu cầu không ngừng cải tiến quản lý ở thành phố;
3) Phải tính toán hiệu quả kinh tế để có điều kiện thực hiện tái sản xuất mở rộng, tránh tư tưởng làm ăn với bất cứ giá nào.
Trong chỉ đạo và quản lý giá, phải biết sử dụng đòn xeo của giá để thúc đẩy tăng năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm trên cơ sở sản xuất phát triển và với thái độ khoa học, bình tĩnh, khách quan.
Nội dung phân cấp quản lý giá trong thành phố như sau:
A.- Ủy ban nhân dân thành phố trong phạm vi được trung ương phân cấp quản lý giá, quyết định những vấn đề lớn về giá cả có quan hệ đến sản xuất, lưu thông, tích luỹ và đến đời sống của nhân dân trong thành phố, có nhiệm vụ và quyền hạn như sau:
a) Quyết định những biện pháp cần thiết để thực hiện tốt ở địa phương: phương hướng, nhiệm vụ, phương châm, kế hoạch, chính sách giá cả do trung ương quy định.
b) Xét duyệt những phương án giá và kiến nghị lên trung ương về giá các mặt hàng do trung ương quy định.
c) Cho thi hành và quy định giá cụ thể theo chênh lệch sản phẩm những mặt hàng được trung ương chỉ đạo cho thành phố.
d) Quyết định giá những mặt hàng chủ yếu của kinh tế địa phương, có ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân, hoặc có liên quan đến nhiều ngành quản lý, ngoài phần trung ương quy định giá.
Hướng dẫn giá mua, mức phí, mức lãi hoặc giá cụ thể một số sản phẩm hàng hoá và công việc phục vụ sửa chữa ở thành phố theo nguyên tắc, chánh sách giá của trung ương.
B.- Ủy ban nhân dân thành phố ủy nhiệm việc quản lý, hướng dẫn và quy định giá cho Ủy ban Vật giá thành phố, các ngành quản lý sản xuất, kinh doanh cấp thành, Ủy ban nhân dân quận, huyện ở thành phố như sau:
1.- Ủy ban Vật giá thành phố
a) Kiến nghị với Ủy ban nhân dân thành phố những biện pháp, kế hoạch nhằm thực hiện tốt phương hướng, nhiệm vụ, phương châm, chính sách giá cả do Đảng, Chính phủ và các cơ quan liên quan ở trung ương ban hành.
b) Tổ chức điều tra, nghiên cứu, xây dựng phương án giá những mặt hàng theo chủ trương của Ủy ban nhân dân thành phố hoặc của trung ương để trình Ủy ban nhân dân thành phố quyết định hoặc kiến nghị lên Trung ương quyết định.
c) Nghiên cứu hoàn chỉnh hoặc đề xuất ý kiến về các phương án giá các mặt hàng trong phạm vi phân cấp cho địa phương, do các ngành và các đơn vị sản xuất, kinh doanh ở địa phương xây dựng, trình Ủy ban nhân dân thành phố quyết định giá.
d) Trong phạm vi được Ủy ban nhân dân thành phố uỷ nhiệm, Ủy ban Vật giá thành phố quyết định một số giá của những mặt hàng theo các loại khác, căn cứ vào giá chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố, và giá một số sản phẩm hàng hoá khác thuộc loại nhu cầu không thiết yếu hoặc phạm vi sản xuất, tiêu thụ trong địa phương không rộng lớn, căn cứ nguyên tắc, chính sách và hệ thống giá chỉ đạo của Nhà nước và của thành phố.
e) Kiểm tra, đôn đốc các ngành, các cấp, các đơn vị sản xuất, kinh doanh và sự nghiệp trong thành phố (kể cả những cơ sở thuộc trung ương đóng tại thành phố) chấp hành nghiêm chỉnh giá chỉ đạo của trung ương và thành phố, các chính sách về giá cả, các chế độ, thể lệ về quản lý vật giá, đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố và kiến nghị các ngành, các cấp trong thành phố nhữngbiện pháp cần thiết để thực hiện đúng đắn chính sách giá cả và ổn định giá cả thị trường.
g) Hướng dẫn nghiệp vụ về công tác giá cho các cơ quan, các ngành, các cấp, các đơn vị sản xuất kinh doanh thuộc thành phố quản lý.
h) Tham gia với Ủy ban Kế hoạch thành phố, Sở Tài chánh và các sở, ty chủ quản trong việc xác định giá thành sản phẩm công nghiệp địa phương (kể cả nông trường quốc doanh).
2.- Các sở, ty làm nhiệm vụ quản lý sản xuất:
a) Hướng dẫn các xí nghiệp xây dựng các định mức kinh tế - kỹ thuật và quản lý hạch toán giá thành ở cơ sở, chỉ đạo việc lập kế hoạch giá thành và giá thành kế hoạch đơn vị sản phẩm của các xí nghiệp quốc doanh, nông trường quốc doanh, báo cá giá thành loại sản phẩm do ngành mình sản xuất cho Ủy ban Kế hoạch, Sở tài chánh, Ủy ban Vật giá, Chi cục thống kê thành phố để theo dõi thực hiện.
b) Hướng dẫn các xí nghiệp xây dựng phương án và kiến nghị giá bán buôn xí nghiệp những sản phẩm hàng hoá thuộc ngành mình sản xuất, gởi cho Ủy ban Vật giá nghiên cứu trình Ủy ban nhân dân thành phố quyết định hoặc quyết định theo sự ủy nhiệm của Ủy ban nhân dân thành phố.
c) Kiến nghị giá cố định những sản phẩm do ngành mình kinh doanh.
d) Được Ủy ban nhân dân thành phố uỷ nhiệm quyết định giá điều động nội bộ những sản phẩm chưa hoàn thành (bán thành phẩm), giá công phục vụ, sửa chữa trong nội bộ ngành, giá bán buôn vật tư, giá bán lẻ sản phẩm đơn chiếc, sản phẩm chế biến thử.
Riêng Sở Nông nghiệp, Sở Giao thông Vận tải còn có nhiệm vụ:
* Sở Nông nghiệp: Hướng dẫn giá điều hoà nội bộ lúa, phân bón hữu cơ giữa các hộ nông dân, quy định giá cây trồng, hạt giống mới phát triển, loại chưa có giá chỉ đạo, hoặc loại không thuộc diện chỉ đạo của thành phố và Trung ương.
* Sở Giao thông vận tải:
- Cùng với Ủy ban Vật giá thành phố, nghiên cứu những biện pháp chấp hành giá chỉ đạo của trung ương và đề nghị với Ủy ban nhân dân thành phố ban hành giá cước vận chuyển, bốc xếp thuộc quyền thành phố chỉ đạo.
- Đề xuất và kiến nghị chính sách thuê gia công ban ngoài trong sản xuất và sửa chữa phương tiện vận tải để khai thác khả năng tiềm tàng về tay nghề, về kỹ thuật của thành phố.
3.- Các sở, ty làm nhiệm vụ quản lý lưu thông:
a) Điều tra, nghiên cứu và hướng dẫn các công ty, xí nghiệp xây dựng phương án giá bán lẻ những sản phẩm, hàng hoá do sở, ty quản lý kinh doanh, để Ủy ban nhân dân thành phố quyết định hoặc kiến nghị trung ương quyết định, hay để Ủy ban Vật giá thành phố quyết định theo ủy quyền của Ủy ban nhân dân thành phố.
b) Quản lý và huớng dẫn các xí nghiệp thương nghiệp phấn đấu giảm phí lưu thông, hạch toán phí lưu thông theo nhóm hàng và mặt hàng chủ yếu, để làm cơ sở cho giá bán buôn thương nghiệp và giá bán buôn công nghiệp.
c) Kiến nghị giá cố định những sản phẩm hàng hoá do ngành mình kinh doanh.
d) Kiểm tra việc chấp hành giá ở các công ty, xí nghiệp thuộc ngành mình.
e) Tham gia quản lý giá thị trường tự do những mặt hàng do sở quản lý kinh doanh và kiến nghị với Ủy ban nhân dân thành phố hoặc Ban Quản lý thị trường thành phố kế hoạch và biện pháp quản lý.
g) Được Ủy ban nhân dân thành phố uỷ nhiệm, hướng dẫn các công ty kinh doanh các giá mua, giá bán cụ thể những mặt hàng nông sản thực phẩm tươi sống, có tính chất thời vụ; hướng dẫn xây dụng kế hoạch thu mua và giá cả những mặt hàng ngoài kế hoạch trong và ngoài thành phố, để bổ sung lực lượng hàng hoá cho mậu dịch quốc doanh, phát huy tác dụng lãnh đạo việc ổn định giá cả thị trường. Giá hướng dẫn này phải có sự bàn bạc và thỏa thuận với Ủy ban Vật giá thành phố, căn cứ vào giá tiêu chuẩn, giá chỉ đạo bình quân, giá tối đa, giá tối thiểu của Ủy ban nhân dân thành phố quy định.
h) Được Ủy ban nhân dân thành phố uỷ nhiệm, quy định giá cho thuê, giá gia công những sản phẩm do ngành kinh doanh, giá phục vụ sửa chữa thuộc ngành mình quản lý ngoài những giá đã được cấp trên quy định và sau khi đã bán bạc với Ủy ban Vật giá thành phố.
4. Các xí nghiệp sản xuất công nghiệp
a) Xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật dưới sự hướng dẫn của sở, ty chủ quản.
b) Xây dụng kế hoạch giá thành và giá thành kế hoạch đơn vị sản phẩm, thực hiện hạch toán giá thành đơn vị sản phẩm theo đúng chế độ, thể lệ của Nhà nước và sự hướng dẫn của sở chủ quản, sau khi trao đổi ý kiến với Ủy ban Kế hoạch thành phố, Sở Tài chánh và Ủy ban Vật giá thành phố.
c) Chấp hành đúng giá chỉ đạo của Nhà nước về giá mua vật tư, giá bán sản phẩm, giá thuê mướn nhân công bên ngoài, giá cước vận chuyển bốc xếp và kiểm tra việc chấp hành đúng quy cách, phẩm chất hàng hoá của xí nghiệp sản xuất.
d) Xây dựng phương án giá những sản phẩm hàng hoá của xí nghiệp sản xuất để sở chủ quản trình Ủy ban nhân dân thành phố hoặc Ủy ban Vật giá (trong phạm vi được Ủy ban nhân dân thành phố uỷ nhiệm) xét duyệt; xây dựng phương án giá điều động nội bộ những sản phẩm hàng hoá thuộc quỳen sở chủ quản quyết định, theo sự ủy nhiệm của Ủy ban nhân dân thành phố.
5.- Đối với xí nghiệp thương nghiệp quốc doanh
a) Xây dựng phương án giá mua, giá bán những sản phẩm hàng hoá thuộc xí nghiệp kinh doanh trên cơ sở hạch toán chi phí lưu thông theo từng nhóm hàng, mặt hàng chủ yếu, kiến nghị sửa đổi những tỷ lệ thặng số, chiết khấu xét thấy chưa hợp lý (cao hoặc thấp), để nghiên cứu điều chỉnh gái bán buôn thương nghiệp, giá bán buôn công nghiệp những sản phẩm hàng hoá thuộc xí nghiệp kinh doanh.
b) Chấp hành đúng giá chỉ đạo của Nhà nước về giá thu mua, giá gia công, giá bán, giá gia công phục vụ sửa chữa, giá thuê nhân công bên ngoài, giá cước vận chuyển, bốc xếp,.. và kiểm tra việc chấp hành giá ở các cửa hàng nông sản thực phẩm và hàng tiểu, thủ công nghiệp, các cơ sở phục vụ, sửa chữa.
c) Tham gia quản lý thị trường những mặt hàng thuộc đơn vị mình kinh doanh.
6.- Các ngành kinh tế tổng hợp (Ủy ban Kế hoạch, Tài chánh, Thống kế,..)
- Cung cấp cho Ủy ban Vật giá tình hình thực hiện kế hoạch của ngành mình và cùng Ủy ban Vật giá xây dựng kế hoạch và biện pháp thực hiện phương hướng, nhiệm vụ giá cả ở thành phố và xây dựng phương án giá những mặt hàng, để Ủy ban nhân dân thành phố kiến nghị với Trung ương quyết định giá, hoặc Ủy ban nhân dân thành phố quyết định giá hay uỷ quyền quyết định giá cho Ủy ban Vật giá thành phố.
- Giám sát chặt chẽ việc hạch toán giá thành và nghiên cứu kiến nghị bổ sung điều lệ giá thành, thúc đẩy việc hạch toán kinh tế và tính toán hiệu quả kinh tế.
- Tham gia ý kiến với Ủy ban Vật giá thành phố trong việc nghiên cứu, xây dựng chính sách giá cả và gái cụ thể những mặt hàng chủ yếu.
Riêng Chi cục thống kế theo dõi và thông báo tình hình giá cả thị trường, tính toán và công bố chỉ số giá theo định kỳ và căn cứ vào hướng dẫn của Tổng cục Thống kê.
7.- Ủy ban nhân dân quận, huyện
a) Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành chính sách giá và quản lý giá cả thị trường ở địa phương mình và kiến nghị biện pháp, kế hoạch thực hiện.
b) Tham gia xây dựng phương án giá những sản phẩm hàng hoá sản xuất, thu mua ở địa phương, do các cơ quan trung ương và thành phố quản lý.
c) Quy định giá gia công, sửa chữa một số tư liệu sản xuất phục vụ nông nghiệp và tư liệu tiêu dùng thông thường ở địa phương, theo sự hướng dẫn về chính sách và nghiệp vụ của Ủy ban Vật giá thành phố.
d) Quay định giá bán sản phẩm của các hợp tác xã tiểu, thủ công nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp ngoài diện giá đã được cấp trên quy định.
e) Chỉ đạo giá tự doanh của các hợp tác xã mua bán, các hợp tác xã tiêu thụ căn cứ vào sự hướng dẫn của Nộ Nội thương, Sở Thương nghiệp và Ban Quản lý hợp tác xã mua bán thành phố.
g) Chỉ đạo giá dịch vụ và phục vụ sửa chữa trongquận theo sự hướng dẫn của sở chủ quản (Thương nghiệp, Văn hoá và Thông tin,..)
h) Chỉ đạo giá cụ thể về ăn uống theo sự hướng dẫn của Sở Ăn uống và Khách sạn.
i) Chỉ đạo giá thu mua phế liệu, phế phẩm ngoài diện quản lý giá của trung ương và các cơ quan hữa quan ở thành phố.
8.- Uỷ ban nhân dân phường, xã
a) Kiểm tra, đôn đốc việc chấp hành chính sách giá chỉ đạo thu mua của Nhà nước tại các hợp tác xã nông nghiệp, hợp tác xã mua bán, các hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp và các cơ sở thương nghiệp tư nhân.
b) Quản lý giá cả thị trường tự do trong phường, xã và giáo dục động viên nhân dân chấp hành tốt giá chỉ đạo của Nhà nước (kể cả những người làm nghề thủ công tự do).
c) Ngoài những mặt hàng được phân công, phân cấp cụ thể cho từng ngành, từng cấp nói trên, Ủy ban nhân dân thành phố ủy nhiệm cho các ngành, các cấp giải quyết một số giá cụ thể có tính cách hợp đồng tự do, giá hợp đồng không bao nhiêu.
1) Đối với những mặt hàng do các cơ quan hành chính đặt gia công cho thủ công cá thể để chuyên dùng, sửa chữa đồ đạc, dụng cụ cần thiết cho cơ quan, thuê mướn nhân công bên ngoài làm tạp vụ … thuộc phạm vi chức năng của ngành nào, thì ngành đó xét duyệt giá, sau khi tham khảo, bàn bạc lấy ý kiến của Ủy ban Vật giá thành phố.
2) Các cơ quan, xí nghiệp mua bán tự do một số sản phẩm nông nghiệp chăn nuôi như dê, thỏ, chuột bạch,..; phụ phế phẩm như rơm, lõi ngô, bẹ ngô,.. những dụng cụ, máy móc cũ, đơn chiếc thì do các cơ quan quản lý sản xuất lưu thông các quận, huyện định giá, trên cơ sở thỏa thuận giữa hai bên về mức giá cả hợp lý, sau khi đã tham khảo hoặc bàn bạc lấy ý kiến của Ủy ban Vật giá thành phố.
II.- MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ LỀ LỐI LÀM VIỆC TRONG VIỆC PHÂN CẤP QUẢN LÝ GIÁ.
Giá cả là vấn đề phức tạp. Việc nghiên cứu, quyết định phải căn cứ vào đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, phải có cơ sở khoa học và có thái độ bình tĩnh, khách quan, và phải được nhiều ý kiến tham gia, trước hết là ý kiến của các ngành liên quan, để đỡ sai sót. Vì vậy, cần có sự phối hợp giữa các ngành và có lề lối làm việc rõ ràng.
Một số quy định về lề lối làm việc:
1) Việc quản lý giá phải thực hiện theo đúng nguyên tắc tập trung, thống nhất trong lãnh đạo. Uỷ ban nhân dân thành phố là một cấp đựơc Hội đồng Chính phủ phân cấp quản lý vật giá và chịu trách nhiệm trước Hội đồng chính phủ về mọi công tác giá cả của thành phố.
2) Các ngành, các cấp trong thành phố có trách nhiệm giúp Uỷ ban nhân dân thành phố thực hiện tốt công tác quản lý giá của địa phương, trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ được quy định, và chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân thành phố về mọi công tác quản lý vật giá của mình, cấp mình phụ trách.
3) Ủy ban Vật gái thành phố có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân thành phố thống nhất quản lý và chỉ đạo công tác vật giá ở thành phố. Vì vậy đối với các phương án giá sản phẩm hàng hoá thuộc thẩm quyền quyết định của Trung ương, Ủy ban nhân dân thành phố hay Ủy ban Vật giá thành phố (trong phạm vi được ủy nhiệm) các sở, ty, các đơn vị sản xuất, lưu thông phải xây dựng gởi đến Ủy ban Vật giá thành phố để nghiên cứu và trình Ủy ban nhân dân thành phố.
Ủy ban nhân dân thành phố sẽ kiến nghị lên Trung ương nếu là những giá thuộc thẩm quyền Trung ương quản lý.
Ủy ban nhân dân thành phố sẽ quyết định nếu hàng thuộc thẩm quyền Ủy ban nhân dân thành phố quyết định.
Ủy ban Vật giá thành phố sẽ quyết định trong phạm vi được uỷ nhiệm. Thời gian nghiên cứu và quyết định giá không quá 2 tuần lễ. Nếu cần phải có thêm thời gian thì phải thông báo cho cơ quan xin duyệt giá biết lý do chậm trễ.
4) Những vấn đề về giá cả hoặc quyết định về giá do các ngành ở trung ương gởi đến các ngành cấp dưới theo hệ thống dọc ở thành phố, các sở, ty, công ty phải bàn bạc trước với Ủy ban Vật giá thành phố để xin ý kiến Ủy ban nhân dân thành phố thông qua mức giá vận dụng vào địa phương và biện pháp thực hiện trước khi cho thi hành ở địa phương.
5) Trong trường hợp nhiều ngành cùng sản xuất kinh doaah một mặt hàng, thì ngành nào sản xuất kinh donah với số lượng nhiều hơn, chịu trách nhiệm lấy ý kiến các ngành cùng có kinh doanh xây dựng phương án giá mặt hàng đó.
6) Các ngành, các cấp được Ủy ban nhân dân thành phố ủy nhiệm quyết định giá, trước khi quyết định cần tham khảo ý kiến của Ủy ban Vật giá thành phố và sau khi quyết định cần gởi văn bản quyết định giá đó cho Ủy ban Vật giá thành phố và các ngành chủ quản cấp trên để theo dõi và tham gia ý kiến khi cần thiết.
Các cơ quan được Ủy ban nhân dân thành phố uỷ nhiệm quyết định giá, không được uỷ nhiệm lại cho cơ quan cấp dưới.
7) Khi xết thấy các ngành, các cấp không chấp hành đúng giá chỉ đạo của Nhà nước, hoặc quy định giá không phù hợp với chính sách, nguyên tắc, giá tiêu chuẩn, khung giá đã ban hành thì Ủy ban Vật giá có nhiệm vụ yêu cầu các ngành, các cấp điều chỉnh lại giá. Nếu các ngành,c ác cấp chưa thống nhất ý kiến với Ủy ban Vật giá, thì Ủy ban Vật giá phải báo cáo trong thời gian ngắn nhứt các ý kiến khác nhau lên Ủy ban nhân dân thành phố để Ủy ban nhân dân thành phố xét giải quyết. Trong khi chờ đợi, các ngành, các cấp không được thi hành giá đó.
8) Các ngành, các cấp phải nghiêm chỉnh chấp hành những giá do Trung ương, Ủy ban nhân dân thành phố quyết định, hoặc Ủy ban Vật giá được ủy nhiệm quyết định. Nếu chưa thống nhất với giá được quy định, các ngành, các cấp phải báo cáo Ủy ban Vật giá thành phố, để kiến nghị với cấp có thẩm quyền quy định giá đó giải quyết. Trong khi chờ đợi, nếu Ủy ban nhân dân thành phố đã chỉ đạo cho ý kiến thi hành thì các ngành, các cấp phải tổ chức thực hiện nghiêm chỉnh giá đó.
9) Những việc tranh chấp về giá cả giữa các ngành trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố, đều do Ủy ban nhân dân thành phố giải quyết. Ý kiến giải quyết của Ủy ban nhân dân thành phố là ý kiến cuối cùng. Ủy ban nhân dân thành phố có thể uỷ quyền lại cho Ủy ban Vật giá thành phố giải quyết khi cần thiết.
Những việc tranh chấp về giá cả giữa các đơn vị sản xuất, lưu thông của ngành nào, thì do ngành đó giải quyết và báo cáo Ủy ban Vật giá thành phố biết.
10) Trên cơ sở các yêu cầu, nguyên tắc và nội dung phân cấp quản lý giá và lề lối làm việc trên đây, các ngành và các cấp phối hợp với Ủy ban Vật giá thành phố lập danh mục vật tư hàng hoá cụ thể, đề nghị được ủy nhiệm quyết định giá, trình lên Ủy ban nhân dân thành phố xét duyệt.
Danh mục được phân cấp quản lý và uỷ quyền quyết định giá, đã được xét duyệt, sẽ được xem xét điều chỉnh hàng năm cho phù hợp với sự biến đổi của vị trí mặt hàng trong sản xuất và đời sống theo yếu cầu quản lý kinh tế.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
DANH MỤC VẬT TƯ HÀNG HOÁ DO ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ QUY ĐỊNH GIÁ
1) Xác định phương hướng, nhiệm vụ giá cả, kế hoạch giá cả và các thể lệ quản lý giá ở thành phố.
2) Cho áp dụng ở thành phố các mức giá mua, giá bán và quy định giá theo chênh lệch phẩm chất, thời vụ, chủng loại đối với những hàng thiết yếu do trung ương chỉ đạo:
- Thóc gạo, bắp, khoai lang, khoai mì, bột mì, mì sợi;
- Muối, nước mắn;
- Thịt heo, heo giống;
- Cá lóc, cá trê;
- 7 loại cá biển;
- Đậu nành, đậu xanh, đậu phộng;
- Mía, đường cát;
- Thuốc lá, thuốc lá điếu;
- Điện, nước, giá cho thuê nhà ở.
3) Diện và mức giá cao (2 giá) sản phẩm tiêu thụ ở thnàh phố, giá mua khuyến khích các loại nông sản thực phẩm.
4) Mức giá hướng dẫn bình quân mua bán 5 loại rau: rau muống, bắp cải, cà rốt, cải xanh, cà chua.
5) Quy định giá gia công tiêu chuẩn chế biến lương thực, dệt, nông cụ, cơ khí, nhựa, gạch ngói, đồ mộc.
6) Ban hành đơn giá xây dựng co bản, cước bốc xếp.
7) Quy định nguyên tắc, chính sách cụ thể vận dụng vào thành phố và giá tiêu chuẩn đối với cước vận tải các loại đường và trên các loại phương tiện của thành phố.
- Giá đối với tiểu thủ công (giá bán vật tư, giá gia công, giá tiêu thụ sản phẩm);
- Giá ăn uống, bánh kẹo;
- Giá các loại dịch vụ, phục vụ;
- Giá sửa chữa;
- Giá sách báo và ấn phẩm ở địa phương;
- Giá vào thảo cầm viên;
- Giá xem biểu diễn thể thao, văn hoá nghệ thuật.
a) Cụ thể hoá theo chủng loại, theo phẩm chất những vật tư hàng hoá do trung ương (Phủ Thủ tướng, Ủy ban Vật giá Nhà nước, các Bộ, Tổng cục, trừ Bộ Nội thương) quy định giá, ngoài diện mặt hàng do Ủy ban nhân dân thành phố quản lý.
b) Giá mua bán các loại lương thực khác;
- Giá mua bán các loại thịt khác;
- Giá mua bán các loại thực phẩm tươi sống khác;
- Giá mua bán các loại nông sản khác;
- Giá mua, bán các loại rau chính, căn cứ 5 loại do Ủy ban nhân dân thành phố quy định giá bình quân.
c) Giá bán buôn xí nghiệp, bán buôn công nghiệp, bán lẻ sản phẩm quốc doanh và hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ tại thành phố (ngoài diện chỉ đạo của trung ương).
d) Giá tiêu chuẩn hoặc giá cụ thể vật tư ( bao gồm tư liệu sản xuất phục vụ công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải, vật liệu xây cất,..), hàng hoá do nhiều ngành quản lý sản xuất kinh doanh, cần thiết cho sản xuất và đời sống (bao gồm giá gia công thu mua, giá bán buôn vật tư và giá bán lẻ) ngoài diện chỉ đạo của trung ương.
e) Giá gia công thu mua đối với các hợp đồng trị giá trên 3000 đồng và giá sữa chữa cho các hợp đồng trị gái trên 300 đồng, căn cứ giá tiêu chuẩn của trung ương và chính sách giá cả đối với tiểu thủ công nghiệp vận dụng vào thành phố.
g) Giá tiêu chuẩn một số món ăn, giá các loại bánh kẹo, giá sách báo và ấn phẩm tiêu chuẩn ngoài diện chỉ đạo của trung ương.
h) Cùng với các ngành, hướng dẫn hoặc chỉ đạo cụ thể mức giá sửa chữa và giá các loại dịch vụ, phục vụ và hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao do ngành quản lý và sản xuất kinh doanh.
i) Giá vận tải và bốc xếp trong thành phố căn cứ vào nguyên tắc, chính sách giá của trung ương.
k) Giá thu mua và bán cho sản xuất tiêu dùng các loại phế liệu, phế phẩm từ vật tư hàng hoá ngoài diện chỉ đạo của trung ương.
Các sở quản lý sản xuất không được ủy quyền lại cho các công ty, xí nghiệp thuộc sở quy định giá
A.- Sở Công nghiệp
a) Tham gia với Ủy ban Kế hoạch, Sở Tài chính và Ủy ban Vật giá trong việc xác định giá thành kế hoạch sản xuất của các xí nghiệp do Sở quản lý.
b) Kiến nghị với Ủy ban nhân dân thành phố giá bán buôn xí nghiệp các sản phẩm của các xí nghiệp thuộc sở quản lý.
c) Quy định:
- Giá bán các sản phẩm là phụ tùng thiết bị lẻ, giá trị nhỏ do xí nghiệp thuộc sở quản lý ngoài kế hoạch, theo đơn giá đặt hàng lẻ của các đơn vị ngoài ngành.
- Giá bán các mặt hàng chế thử bằng kinh phí chuyên dùng với số lượng ít, chưa ra thị trường hoặc đưa ra thị trường với số lượng ít, có tính chất thăm dò, chưa có kế hoạch sản xuất kinh doanh ổn định.
- Giá bán các sản phẩm phụ do tận dụng phế liệu sản xuất ngoài chỉ tiêu kế hoạch thường xuyên của ngành.
- Giá điều động nội bộ, giá cung ứng vật tư các phụ tùng thiết bị lẻ, các khuôn mẫu, các chi tiết sản phẩm có tính chất chuyên dùng, phục vụ các xí nghiệp trong ngành (giá điều động nội bộ) hoặc phục vụ các cơ quan xí nghiệp ngoài ngành mà sản xuất có tính chất đơn chiếc và đột xuất, ngoài kế hoạch của xí nghiệp (giá cung ứng vật tư).
- Giá sửa chữa trong nội bộ ngành.
B.- Sở Thương nghiệp
a) Cụ thể hoá theo phẩm chất, chủng loại đối với những mặt hàng do Bộ Nội thương chỉ đạo, ngoài diện quản lý của Ủy ban nhân dân thành phố và Ủy ban Vật giá thành phố.
b) Hướng dẫn khung giá mua bán hàng tự doanh của các hợp tác xã mua bán.
c) Chỉ đạo khung giá hoặc quy định giá cụ thể các loại dịch vụ, phục vụ các ngành nghề do Sở kinh doanh và cải tạo; dịch vụ, sửa chữa, phục vụ đời sống do các công ty, xí nghiệp trong ngành kinh doanh phục vụ: may quần áo, sửa chữa xe đạp, sửa chữa đồng hồ.
d) Chỉ đạo linh hoạt giá mua bán các mặt hàng tươi sống theo phẩm chất, (rau, cá), những sản phẩm như tương ớt, cà, dưa muối, ốc, hến, húng lìu,.. ngoài diện quản lý và quy định giá của trung ương, Ủy ban nhân dân thành phố và Ủy ban Vật giá thành phố, căn cứ nguyên tắc, chính sách do Ủy ban nhân dân thành phố ban hành và giá tiêu chuẩn, mua bán của Ủy ban Vật giá thành phố.
e) Vận dụng sự hướng dẫn của Bộ Nội thương, quy định mức chiết khấu trong ngành với sự tham gia của Ủy ban Kế hoạch, Sở Tài chánh và Ủy ban Vật giá.
g) Quy định giá điều động nội bộ trong ngành (ngoài ngành do Ủy ban Vật giá chỉ đạo).
h) Quản lý giá gia công thu mua, bán lẻ những sản phẩm tiểu thủ công nghiệp là những mặt hàng tạp phẩm linh tinh do các công ty, xí nghiệp trong ngành tổ chức gia công thu mua của khu vực tiểu thủ công kinh doanh:
- Có tính chất thời vụ, như đồ chơi bằng gỗ, giấy, sắt tây phục vụ Tết Nguyên đán, Tết Thiếu nhi, Tết Trung thu.
- Hàng tận thu phế liệu, phế phẩm có tính chất nhất thời, sản lượng ít, không trùng với mặt hàng đã có giá chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền.
- Những mặt hàng mới từ nguồn phế liệu, phế phẩm sản xuất mới lần đầu đưa ra thị trường có tính chất thăm dò, giá trị không lớn; các loại nghề phụ sản xuất như quạt giấy, quạt nan, tăm tre, chổi cỏ, chổi tàu cau,…
i) Giá thu mua và giá bán lẻ phế liệu, phế phẩm từ hàng hoá thu nhặt trong nhân dânm ngoài diện giá chỉ đạo của trung ương và cho những loại sử dụng trong nội bộ ngành.
C.- Sở Giao thông Vận tải, Sở Xây dựng, Sở Quản lý nhà đất, Công ty Vật tư tổng hợp, Sở Nông nghiệp
Ngoài phần được ủy quyền quyết định đối với các loại sản phẩm do các đơn vị trong ngành sản xuất như nói trong điểm a và b đối với Sở Công nghiệp, các sở, công ty còn được uỷ quyền quyết định:
1) Sở Giao thông Vận tải
a- Giá cụ thể về vận tải, bốc xếp bằng phương tiện thô sơ và thủ công.
b- Giá sửa chữa các phương tiện vận tải cơ giới và thô sơ, giá sửa chữa các loại động cơ, ăc-quy ô tô và thiết bị phụ tùng vận tải trong ngành.
2) Sở Xây dựng
a- Quản lý toàn bộ đơn giá xây dựng cơ bản cho toàn thành phố, xét duyệt các dự toán xây dựng công trình với sự tham gia của Ủy ban Kế hoạch và Sở Tài chánh thành phố.
b- Quản lý và xét duyệt giá thi công xây dựng và sửa chữa nhà cửa,… của khu vực hợp tác xã xây dựng và sửa chữa.
c- Quyết định giá thu mua nguyên vật liệu phụ phục vụ cho các công ty xây dựng trong ngành, không do Nhà nước thống nhất quản lý kinh doanh và quản lý giá cả (cán cuốc, cán xẻng, phên đan, chổi quét).
3) Sở quản lý nhà đất có trách nhiệm:
a- Kiến nghị giá vận dụng chính sách giá cho thuê nhà cửa các loại ở thành phố với Ủy ban nhân dân thành phố.
b- Được ủy quyền quyết định giá sửa chữa nhà cửa, điện nước, quét vôi,.. làm cho các cơ quan, xí nghiệp và tư nhân.
4) Công ty vật tư tổng hợp:
a- Giá bán buôn vật tư các loại vật tư có giá trị thấp, không thuộc loại thiết yếu cho sản xuất, ngoài diện quản lý giá của trung ương, Ủy ban nhân dân thành phố và Ủy ban Vật giá thành phố.
b- Giá mua, giá bán các loại phế liệu từ vật tư ngoài diện chỉ đạo giá của trung ương và thành phố.
5) Sở Nông nghiệp:
a- Quyết định hoặc hướng dẫn giá mua bán các loại giống cây trồng, giống gia súc, các loại phân bón hữu cơ tiêu thụ trong phạm vi thành phố ngoài diện quản lý giá của trung ương và Ủy ban nhân dân thành phố.
b- Hướng dẫn giá điều hoà trong nội bộ hợp tác xã, tập đoàn sản xuất về tiền công, tư liệu sản xuất phục vụ nông nghiệp.
D.- Sở Lương thực
a- Quyết định giá gia công chế biến lương thực chính và phụ ngoài diện quản lý giá của trung ương và của Ủy ban nhân dân thành phố, Ủy ban Vật giá thành phố.
b- Quyết định giá mua, giá bán thứ phẩm, phế phẩm, phụ phẩm của các loại lương thực ngoài diện quản lý giá của trung ương và thành phố (tấm, cám, gạo, bột mì, ngô kém phẩm chất có số lượng ít, mài, ngô,…).
E.- Sở Ăn uống
Quyết định cụ thể giá bán các loại thức ăn, uống các loại bánh do Sở quản lý sản xuất, phục vụ cơm bữa và ăn sáng căn cứ nguyên tắc, chính sách giá đối với ăn uống do Ủy ban nhân dân thành phố quy định và dựa vào sự hướng dẫn của Ủy ban Vật giá thành phố.
G.- Sở Văn hoá và Thông tin quyết định:
a- Giá điều động nội bộ vật tư hàng hoá trong ngành;
b- Giá công sửa chữa trong ngành và đối với các hợp tác xã do ngành cải tạo và quản lý.
c- Giá mua bán các loại sách báo và ấn phẩm khác (ngoài diện quản lý của trung ương và thành phố).
d- Giá cụ thể các dịch vụ: vé xem biểu diễn nghệ thuật sân khấu, giá vé xem chiếu bóng, giá chụp ảnh.
H.- Sở Y tế
Ngoài phần được ủy quyền quy định giá như ghi trong điều a và b cho Sở công nghiệp, đối với sản phẩm của các xí nghiệp dược phẩm và hợp tác xã đông y dược do Sở quản lý sản xuất kinh doanh và cải tạo, Sở Y tế còn được ủy quyền quyết định:
a- Giá bán các mặt hàng do các xí nghiệp thuộc Sở sản xuất do tận dụng nguyên liệu tồn kho và ngoài chỉ tiêu kế hoạch thường xuyên.
b- Giá bán các thành phẩm dược liệu trong giai đoạn thăm dò, nghiên cứu và đưa ra thị trường với số lượng ít (bán trong các cuộc triển lãm và hội nghị).
c- Giá mua những dược liệu mới trồng thử hoặc những dược liệu đặc biệt mới phát hiện giá trị sử dụng.
d- Giá mua và giá bán những sản phẩm có số lượng ít, tiếp nhận của:
- Ngành hải quan và bưu điện;
- Hàng viện trợ (ngoài diện quản lý giá của trung ương và thành phố);
- Các cơ sở cũ (dược phòng tư, viện bào chế tư).
1) Giá thu mua, giá bán lẻ những sản phẩm sản xuất và tiêu thụ tại quận, huyện (ngoài diện quản lý giá của trung ương và thành phố).
2) Giá mua, bán lẻ hàng tự doanh của các hợp tác xã mua bán căn cứ vào khung giá hướng dẫn của Sở Thương nghiệp và Ban Quản lý hợp tác xã mua bán thành phố.
3) Giá công phục vụ theo sự hướng dẫn của Sở Thương nghiệp và các sở quản lý ngành nghề phục vụ.
4) Mức giá ăn uống cho từng món ăn uống cho các cơ sở thương nghiệp quốc doanh và thương nghiệp hợp tác xã căn cứ chính sách giá ăn uống của thành phố và sự hướng dẫn của Sở Ăn uống.
5) Giá gia công thu mua các mặt hàng theo các hợp đồng trị giá từ 3000đ trở xuống và giá sửa chữa theo trị giá từ 300đ trở xuống căn cứ vào nguyên tắc, chính sách giá do Ủy ban nhân dân thành phố ban hành và theo sự hướng dẫn cụ thể của Ủy ban Vật giá thành phố về diện mặt hàng, cách vận dụng giá cả và khung giá chỉ đạo.
Quyết định 51/QĐ-UB năm 1979 về bản quy định tạm thời về phân cấp quản lý giá ở thành phố do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- Số hiệu: 51/QĐ-UB
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 07/03/1979
- Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Người ký: Văn Đại
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 07/03/1979
- Ngày hết hiệu lực: 14/12/1998
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra