Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5015/QĐ-UBND

Thanh Hoá, ngày 27 tháng 12 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC ĐỊA CHẤT, KHOÁNG SẢN VÀ CÔNG NGHIỆP KHAI KHOÁNG ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045 TỈNH THANH HÓA

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Luật Khoáng sản ngày 17/11/2010;

Căn cứ Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khoáng sản;

Căn cứ Nghị định số 22/2023/NĐ-CP ngày 12/5/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường;

Căn cứ Chỉ thị số 38/CT-TTg ngày 29/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản;

Căn cứ Quyết định số 334/QĐ-TTg ngày 01/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa tại Tờ trình số 936/STNMT-TNKS ngày 03/8/2023.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tỉnh Thanh Hóa.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các sở: Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Công Thương, Tài chính, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông; Cục trưởng Cục Thuế tỉnh; Giám đốc Công an tỉnh; Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh; Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Tổng Biên tập Báo Thanh Hóa, Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa và Thủ trưởng các ngành, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 2 QĐ;
- Bộ Tài nguyên và Môi trường (b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh (b/c);
- CVP, các PCVP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, CN (T12.80).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Đức Giang

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC ĐỊA CHẤT, KHOÁNG SẢN VÀ CÔNG NGHIỆP KHAI KHOÁNG ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045 TỈNH THANH HÓA
(Kèm theo Quyết định số: 5015/QĐ-UBND ngày 27 tháng 12 năm của UBND tỉnh Thanh Hóa)

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Đảm bảo triển khai thực hiện kịp thời, thống nhất và hiệu quả các mục tiêu, định hướng Chiến lược về địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 334/QĐ-TTg ngày 01/4/2023.

- Phổ biến, tuyên truyền nội dung Quyết định số 334/QĐ-TTg ngày 01/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ đến các tổ chức, cá nhân có liên quan.

2. Yêu cầu

- Xác định nhiệm vụ cụ thể, nội dung công việc, tiến độ, thời hạn hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan trong việc triển khai thực hiện Quyết định số 334/QĐ-TTg ngày 01/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ;

- Bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan có liên quan trong việc triển khai thực hiện Quyết định số 334/QĐ-TTg ngày 01/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

- Hoàn thành công tác điều tra địa chất, đánh giá các loại khoáng sản chiến lược, quan trọng trên phần đất liền, điều tra địa chất vùng biển ven bờ, hải đảo; phát hiện điều tra khoáng sản vùng biển sâu, xa bờ; điều tra các điều kiện địa chất khác nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, dự trữ khoáng sản Quốc gia, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phòng chống thiên tai.

- Quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên khoáng sản; đầu tư công nghệ khai thác, chế biến đạt trình độ các nước tiên tiến khu vực châu Á và các nước phát triển, hình thành công nghiệp khai khoáng tiên tiến, hiện đại gắn với bảo vệ môi trường, mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu và hướng tới mục tiêu đạt mức trung hòa các-bon; chấm dứt các cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản manh mún, công nghệ lạc hậu, hiệu quả kinh tế thấp, gây ô nhiễm môi trường.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Mục tiêu đến năm 2025

- Điều tra, khoanh vùng cảnh báo tai biến, trượt lở đất đá, lũ quét tại các huyện miền núi có nguy cơ cao; điều tra lập bản đồ địa chất môi trường các khu vực chứa khoáng sản độc hại, phóng xạ.

- Thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin về địa chất, khoáng sản, đồng bộ, tích hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia.

- Thăm dò đáp ứng nhu cầu khai thác, chế biến đối với các khoáng sản: cromit, vật liệu xây dựng thông thường, vật liệu san lấp.

- Chấm dứt các cơ sở chế biến khoáng sản manh mún, công nghệ lạc hậu, hiệu quả kinh tế thấp, gây ô nhiễm môi trường.

- Đầu tư có hiệu quả dự án khai thác, chế biến quặng cromit tại Cổ Định thuộc huyện Triệu Sơn và Nông Cống.

b) Mục tiêu đến năm 2030

- Hoàn thành 85% diện tích lập bản đồ địa chất, khoáng sản tỷ lệ 1/50.000 phần đất liền.

- Điều tra, đánh giá lập bản đồ tai biến địa chất, địa chất môi trường các huyện miền núi; bản đồ di sản địa chất, điều tra đánh giá cát, sỏi vật liệu xây dựng các lưu vực sông.

- Hoàn thành điều tra địa chất, đánh giá tiềm năng khoáng sản tại các khu vực biển ven bờ có triển vọng khoáng sản sa khoáng và vật liệu xây dựng.

- Hình thành các khu công nghiệp chế biến khoáng sản với công nghệ tiên tiến, có quy mô tương xứng với tiềm năng của từng loại khoáng sản, đồng bộ với phát triển hạ tầng từng khu vực.

- Hoàn thành việc chuyển đổi toàn diện công nghệ, thiết bị các cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản nhỏ lẻ, chế biến đá làm vật liệu xây dựng quy mô nhỏ đảm bảo an toàn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trước năm 2030.

- Phát triển công nghệ chế biến sâu các loại khoáng sản trên cơ sở phát huy nội lực, đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu khoa học, công nghệ, chuyển giao công nghệ, đào tạo phát triển nguồn nhân lực về địa chất, khoáng sản nhằm phục vụ chủ yếu nhu cầu nền kinh tế; xuất khẩu khoáng sản sau chế biến trên cơ sở cân đối hiệu quả đầu tư khai thác, chế biến khoáng sản đối với các khoáng sản có quy mô lớn, không giữ vai trò khoáng sản chiến lược, các khoáng sản còn lại khai thác, chế biến theo nhu cầu trong nước.

3. Định hướng chiến lược

a) Về địa chất

- Hoàn thành lập bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ 1/50.000 phần đất liền, các đảo. Điều tra địa chất khoáng sản tỷ lệ 1/500.000, điều tra, phát hiện, khoanh định các khu vực có triển vọng khoáng sản, nhất là các khoáng sản chiến lược, quan trọng.

- Đánh giá tổng thể tiềm năng khoáng sản vàng, thiếc - wolfram, đồng, niken, các khoáng chất công nghiệp, khoáng sản làm vật liệu xây dựng và các khoáng sản bổ sung thay thế cát, sỏi lòng sông.

b) Về khoáng sản

- Rà soát khoanh định các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia: Cromit, chì- kẽm, ti tan phải trên cơ sở điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, tuân thủ theo các quy định của pháp luật hiện hành.

- Hoạt động thăm dò tuân thủ theo quy hoạch phù hợp với tiềm năng từng loại khoáng sản.

- Đối với nhóm khoáng sản kim loại:

+ Hoàn thành thăm dò mới, thăm dò mở rộng các mỏ quặng sắt tại huyện Ngọc Lặc.

+ Khoáng sản vàng: chỉ thăm dò đối với các mỏ vàng gốc.

- Đối với khoáng sản không kim loại:

+ Khoáng sản làm nguyên liệu xi măng: thăm dò các mỏ đá vôi, đá sét đã được quy hoạch cho các dự án xi măng, phù hợp với nhu cầu sử dụng.

+ Khoáng sản làm nguyên liệu ốp lát, mỹ nghệ: Thăm dò các loại đá đạt tiêu chuẩn ốp lát, trang trí theo quy hoạch.

+ Nhóm khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường: Thăm dò theo quy hoạch, đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ phát triển kinh tế- xã hội.

- Các khoáng sản nước nóng, nước khoáng: Đẩy mạnh thăm dò, xác định trữ lượng, chất lượng các nguồn nước khoáng, nước nóng để khai thác, sử dụng có hiệu quả, hợp lý theo nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

c) Về công nghiệp khai khoáng

- Hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản tuân thủ quy hoạch, sử dụng công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại, bảo vệ môi trường bền vững.

- Nghiên cứu sử dụng công nghệ tiên tiến trong khai thác vật liệu xây dựng ở chân sườn đồi, núi dọc theo các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ để bảo vệ cảnh quan, môi trường, an ninh, quốc phòng.

- Sử dụng khoáng sản phải cân đối, hài hòa giữa xuất khẩu, nhập khẩu, trước hết đảm bảo nhu cầu sử dụng trong nước, cung cấp nguyên liệu cho các dự án chế biến, chỉ xuất khẩu khoáng sản đã qua chế biến đạt tiêu chuẩn xuất khẩu theo quy định, đạt hiệu quả kinh tế.

- Nhóm khoáng sản kim loại:

+ Khoáng sản vàng: Khai thác, chế biến quặng vàng phải sử dụng công nghệ tiên tiến, không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường, nguồn nước.

+ Đối với các loại khoáng sản kim loại khác: khai thác phải gắn với dự án chế biến, ưu tiên phục vụ nhu cầu trong nước.

- Khoáng sản không kim loại:

+ Khoáng sản làm nguyên liệu xi măng: Khai thác các mỏ đá vôi, đá sét đã được quy hoạch cho các dự án xi măng, phù hợp với nhu cầu sử dụng.

+ Khoáng sản cho công nghiệp vôi: khai thác đá vôi, dolomit để phát triển hợp lý ngành công nghiệp vôi, luyện kim.

+ Khoáng sản làm nguyên liệu ốp lát: Khai thác các loại đá đạt tiêu chuẩn ốp lát, trang trí phù hợp nhu cầu trong nước.

+ Nhóm khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường: Khai thác, chế biến khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường phải gắn với an toàn lao động. Kịp thời ban hành các quy định để quản lý chặt chẽ, có hiệu quả tài nguyên cát, sỏi lòng sông, cát biển, đất san lấp; khuyến khích sử dụng các khoáng sản, vật liệu chất thải công nghiệp khác thay thế cát, sỏi lòng sông.

- Các khoáng sản nước nóng, nước khoáng: việc đầu tư khai thác, sử dụng phải có hiệu quả, tiết kiệm, có biện pháp bảo vệ nguồn nước, bảo vệ môi trường, gắn với phát triển bền vững.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tuyên truyền, phổ biến nội dung Quyết định số 334/QĐ-TTg ngày 01/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ đến các sở, nan, ngành, đơn vị cấp tỉnh có liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố; triển khai việc điều tra, khoanh vùng cảnh báo tai biến trượt lở đất, đá tại các huyện miền núi có nguy cơ cao; thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin về địa chất, khoáng sản, đồng bộ, tích hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia.

- Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai đầu tư có hiệu quả dự án khai thác, chế biến quặng cromit Cổ Định thuộc huyện Triệu Sơn và Nông Cống; phối hợp với các cơ quan Trung ương hoàn thiện hệ thống pháp luật về điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng.

- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng; Nâng cao chất lượng các dự án đầu tư khai thác, chế biến khoáng sản.

- Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch này và tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện các nhiệm vụ thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của UBND tỉnh trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn theo đúng mục tiêu, định hướng tại Quyết định số 334/QĐ-TTg ngày 01/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ và các quy định pháp luật khác có liên quan.

- Tổng hợp tình hình thực hiện Quyết định số 334/QĐ-TTg ngày 01/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh và Bộ Tài nguyên và Môi trường định kỳ theo quy định.

2. Sở Tài chính

Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư cân đối và bố trí kinh phí thực hiện kế hoạch hàng năm phù hợp với điều kiện, khả năng ngân sách địa phương và theo đúng các quy định hiện hành.

3. Sở Thông tin và Truyền thông

Phối hợp với các Sở, ngành có liên quan chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh; Đài Truyền thanh - Truyền hình các huyện thị xã, thành phố tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân và cộng đồng trong việc thực hiện các mục tiêu, định hướng chiến lược khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa theo Quyết định số 334/QĐ-TTg ngày 01/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ và quy định của pháp luật liên quan.

4. Các Sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Công Thương, Tài chính, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông; Cục Thuế tỉnh; Công an tỉnh; Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh; Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp

Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao tại kế hoạch này và phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo Kế hoạch này.

5. Báo Thanh Hóa, Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa

Đưa tin về nội dung Quyết định số 334/QĐ-TTg ngày 01/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ trên Báo Thanh Hóa, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản nhằm nâng cao nhận thức cho các tổ chức và người dân trong việc phát hiện, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên khoáng sản; biểu dương những đơn vị, cá nhân làm tốt, phát hiện và đấu tranh phê phán, lên án những hành vi vi phạm pháp luật về khoáng sản.

6. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Quyết định số 334/QĐ-TTg ngày 01/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ đến UBND cấp xã và các doanh nghiệp có liên quan trên địa bàn;

- Tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch này.

- Trình Hội đồng nhân dân cấp huyện phê duyệt kinh phí để bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trong dự toán ngân sách hàng năm của địa phương.

(Nhiệm vụ cụ thể cho các ngành, UBND các huyện, thị xã, thánh phố, thời gian, đơn vị thực hiện để thể hiện chi tiết tại phụ lục kèm theo)

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Căn cứ Kế hoạch này và chức năng, nhiệm vụ được giao, Giám đốc các sở, Trưởng các ban, ngành đoàn thể, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố có liên quan:

- Xây dựng và ban hành chương trình, kế hoạch hành động, các văn bản cụ thể triển khai thực hiện Kế hoạch này; trong đó xác định rõ, đầy đủ các mục tiêu, nhiệm vụ, tiến độ thực hiện, báo cáo UBND tỉnh theo quy định.

- Báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch này về Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 30 tháng 10 hằng năm để tổng hợp, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh theo quy định.

2. Trong quá trình triển khai thực hiện, căn cứ tình hình thực tế, các cơ quan, đơn vị, địa phương nếu có khó khăn, vướng mắc kịp thời báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Tài nguyên và Môi trường) để giải quyết.

3. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan định kỳ tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch, báo cáo UBND tỉnh theo quy định./.

 

PHỤ LỤC:

DANH MỤC CÁC NHIỆM VỤ CỤ THỂ
(Kèm theo Quyết định số: 5015/QĐ-UBND ngày 27 tháng 12 năm của UBND tỉnh Thanh Hóa)

TT

Tên nhiệm vụ

Đơn vị chủ trì

Đơn vị phối hợp

Thời gian thực hiện

1

Phổ biến nội dung Quyết định số 334/QĐ-TTg ngày 01/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ đến các Sở, Ban, ngành cấp tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố; UBND các xã, phường, thị trấn và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan

Sở Tài nguyên và Môi trường

Các cơ quan tổ chức có liên quan và UBND cấp huyện, UBND cấp xã

Hàng năm

2

Đưa tin về nội dung Quyết định số 334/QĐ-TTg ngày 01/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh

Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh

Sở Tài nguyên và Môi trường, các đơn vị liên quan

Hàng năm

3

Tổ chức triển khai việc điều tra, khoanh vùng cảnh báo tai biến trượt lở đất, đá tại các huyện miền núi có nguy cơ cao

Sở Tài nguyên và Môi trường

Cơ quan, đơn vị có liên quan

Từ năm 2023-2025

4

Thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin về địa chất, khoáng sản, đồng bộ, tích hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia

Sở Tài nguyên và Môi trường

Cơ quan, đơn vị có liên quan

Từ năm 2023-2025

5

Rà soát chấm dứt các cơ sở chế biến khoáng sản manh mún, công nghệ lạc hậu, hiệu quả kinh tế thấp, gây ô nhiễm môi trường

UBND các huyện, thị xã, thành phố

Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công Thương, Sở Xây dựng và các đơn vị có liên quan

Từ năm 2023-2025

6

Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai đầu tư có hiệu quả dự án khai thác, chế biến quặng cromit Cổ Định thuộc huyện Triệu Sơn và Nông Cống; Phối hợp với các cơ quan Trung ương hoàn thiện hệ thống pháp luật về điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng

Sở Tài nguyên và Môi trường

Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương, UBND huyện Triệu Sơn, UBND huyện Nông Cống và các đơn vị có liên quan

Từ năm 2023-2025

7

Hoàn thành việc chuyển đổi toàn diện công nghệ, thiết bị các cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản nhỏ lẻ, chế biến đá làm vật liệu xây dựng quy mô nhỏ đảm bảo an toàn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trước năm 2030

- Sở Xây dựng (đối với các cơ sở khai thác, chế biến đá làm vật liệu xây dựng);

- Sở Công Thương (đối với các cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản còn lại)

Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị có liên quan.

Từ năm 2023-2030

8

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng

Sở Tài nguyên và Môi trường

Công an tỉnh, Sở Xây dựng, Sở Công Thương, Cục Thuế tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan

Hàng năm

9

Nâng cao chất lượng các dự án đầu tư khai thác, chế biến khoáng sản.

Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và Các Khu công nghiệp

Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Công Thương, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan

Hàng năm

 

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 5015/QĐ-UBND năm 2023 Kế hoạch thực hiện Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tỉnh Thanh Hóa

  • Số hiệu: 5015/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 27/12/2023
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thanh Hóa
  • Người ký: Lê Đức Giang
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 27/12/2023
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản