Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 50-TTg

Hà Nội, ngày 16 tháng 02 năm 1971

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC NGHIÊM CẤM CÁC QUỸ TRÁI PHÉP TRONG CÁC XÍ NGHIỆP, CƠ QUAN NHÀ NƯỚC

Theo luật lệ tài chính hiện hành, việc lập các loại quỹ trong xí nghiệp, cơ quan Nhà nước phải được cấp có thẩm quyền, căn cứ vào chế độ, thể lệ của Nhà nước mà cho phép như quỹ khấu hao sửa chửa lớn, quỹ xí nghiệp, quỹ ứng trước, quỹ dự phòng, quỹ mật phí, v.v…

Nhưng hiện nay, ở nhiều xí nghiệp, cơ quan Nhà nước và tổ chức xã hội được ngân sách Nhà nước trợ cấp, còn có những quỹ trái phép đã hình thành do sự xâm phạm, dưới nhiều hình thức, tài sản của Nhà nước hoặc tài sản riêng của nhân dân. Quỹ trái phép dùng để chi tiêu ngoài các chế độ, tiêu chuẩn của Nhà nước; có trường hợp dùng vào phúc lợi công cộng, phúc lợi tập thể, nhưng phổ biến là chi tiêu vào những việc không chính đáng như liên hoan ăn uống, mua sắm linh tinh, v.v…
Việc lập quỹ trái phép như trên vi phạm nghiêm trọng pháp luật Nhà nước, gây thiệt hại lớn đến tài sản của Nhà nước và của nhân dân, làm hư hỏng cán bộ và có ảnh hưởng xấu trong nhân dân. Vì vậy, căn cứ vào nghị quyết của Hội đồng Chính phủ trong phiên họp toàn thể ngày 22 tháng 01 năm 1971, Thủ tướng Chính phủ quyết định:

1. Nghiêm cấm việc lập quỹ trái phép trong các xí nghiệp, cơ quan Nhà nước thuộc tất cả các ngành, các cấp, kể cả các cơ quan Nhà nước đặt ở nước ngoài, cũng như trong các tổ chức xã hội được ngân sách Nhà nước trợ cấp.

2. Các xí nghiệp, cơ quan Nhà nước, các tổ chức xã hội từ trung ương đến cấp huyện, nếu có quỹ trái phép, đều phải:

a) Đình chỉ ngay mọi hoạt động thu chi của quỹ trái phép;

b) Tổ chức kiểm kê ngay toàn bộ tài sản (tiền và hiện vật) thuộc quỹ trái phép;

c) Nộp ngay vào ngân sách Nhà nước tất cả số tiền hiện còn trong quỹ, bao gồm tiền mặt, tiền gửi tài khoản ngân hàng, tiền gửi quỹ tiết kiệm;

d) Thu và nộp vào ngân sách Nhà nước mọi khoản tiền của quỹ đã đem cho vay hoặc giao cho bất kỳ ai sử dụng nhưng chưa tiêu đến;

đ) Nộp ngay vào ngân hàng Nhà nước, nếu là vàng bạc, kim khí quý;

e) Xử lý rành mạch các tài sản mua sắm và cơ sở sản xuất, kinh doanh lập ra bằng tiền quỹ trái phép theo đúng điều 3 dưới đây.

3. Các tài sản mua sắm bằng tiền quỹ trái phép phải điều động và phân phối cho các đơn vị có nhu cầu hiện còn thiếu trên cơ sở tôn trọng hạn mức kinh phí được Nhà nước cấp theo tiêu chuẩn, chế độ.

Các cơ sở sản xuất, kinh doanh lập ra bằng tiền quỹ trái phép phải, tùy theo tính chất và lợi ích cụ thể, đình chỉ hoạt động và thanh toán tài sản, nộp tiền vào ngân sách Nhà nước, hoặc sát nhập vào một cơ sở khác sẵn có trong ngành, hoặc giao cho ngành thích hợp nhất quản lý và sử dụng.

Việc xử lý cụ thể do đơn vị có tài sản đề nghị và Bộ Tài chính (đối với các ngành ở trung ương) hoặc Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố (đối với các ngành ở địa phương) quyết định.

Các đơn vị có tài sản phải chấp hành nghiêm chỉnh quyết định xử lý của Bộ Tài chính hoặc của Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố.

4. Thủ trưởng đơn vị, kế toán trưởng và những người trực tiếp quản lý quỹ trái phép chịu trách nhiệm thi hành quyết định này trong phạm vi đơn vị mình.

Mọi hành động giấu giếm, phân tán quỹ trái phép, duy trì quỹ trái phép trái với quyết định này, đều bị trừng trị theo pháp luật.

5. Thủ trưởng các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban hành chính khu, tỉnh, thành phố có nhiệm vụ:

- Đôn đốc thi hành quyết định này trong ngành, trong địa phương;

- Tổng hợp tình hình thi hành quyết định này trong ngành, trong địa phương, làm báo cáo gửi về Bộ Tài chính trước ngày 15 tháng 7 năm 1971;

- Tăng cường quản lý kinh tế và tài chính trong ngành, trong địa phương, tăng cường kiểm tra để chấm dứt việc lập quỹ trái phép từ nay về sau.

6. Bộ Tài chính có nhiệm vụ:

- Hướng dẫn thi hành quyết định này và sử dụng bộ máy của ngành để kiểm tra, phát hiện các quỹ trái phép;

- Tổng hợp tình hình thi hành quyết định này ở tất cả các ngành, các cấp và báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 01 tháng 8 năm 1971;

- Cùng với Ngân hàng Nhà nước tăng cường giám đốc và kiểm tra tài chính, đôn đốc các ngành, các cấp, các đơn vị cơ sở tăng cường quản lý và kiểm tra tài chính, ngăn ngừa việc lập quỹ trái phép từ nay về sau.

7. Ủy ban Thanh tra của Chính phủ, các ban thanh tra tỉnh, thành phố có nhiệm vụ theo dõi và kiểm tra việc chấp hành quyết định này và kiến nghị xử lý những vụ vi phạm.

8. Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng kiến thiết các cấp có nhiệm vụ tăng cường kiểm soát và ngăn chặn việc rút tiền thuộc các quỹ mà nguồn gốc xét không minh bạch.

9. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đặt kế hoạch thi hành quyết định này trong các lực lượng vũ trang và lực lượng công an.

10. Các tổ chức xã hội được ngân sách Nhà nước trợ cấp đặt kế hoạch thi hành quyết định này trong tổ chức mình.

11. Quyết định này phải được phổ biến cho toàn thể công nhân, viên chức Nhà nước trong tất cả các ngành, các cấp và các đơn vị cơ sở.

 

 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ




Phạm Văn Đồng