Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 498/2007/QĐ-UBND | Hạ Long, ngày 07 tháng 02 năm 2007 |
BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ VỊNH HẠ LONG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND ngày 03/12/2004;
Căn cứ Luật Di sản văn hoá ngày 12/7/2001, Luật Bảo vệ môi trường ngày 29/11/2005, Luật Thuỷ sản ngày 26/11/2003, Luật Giao thông đường thuỷ nội địa ngày 15/6/2004 và Luật Du lịch ngày 14/6/2005;
Căn cứ Quyết định số 02/2003/QĐ-BTNMT ngày 29/7/2003 của Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Quy chế bảo vệ môi trường trong lĩnh vực du lịch
Xét đề nghị của Ban Quản lý Vịnh Hạ Long tại văn bản số 119/BQLVHL-TC ngày 19/01/2007 “V/v đề nghị ban hành Quy chế Quản lý Vịnh Hạ Long”
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý Vịnh Hạ Long.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký ban hành và thay thế Quyết định số 2522/QĐ-UB ngày 04/11/1995 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Quy chế Quản lý Vịnh Hạ Long.
Các quy định của Uỷ ban nhân dân tỉnh trước đây có nội dung trái với Quyết định này thì bãi bỏ.
Điều 3. Các ông, bà: Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Trưởng Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, Thủ trưởng các ngành: Kế hoạch và đầu tư, Giáo dục - Đào tạo, Du lịch, Thuỷ sản, Giao thông- Vận tải, Xây dựng, Văn hoá- Thông tin, Tài nguyên và Môi trường, Thương mại, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố: Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn, Cô Tô, Hoành Bồ, Yên Hưng và các tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.
| TM. UBND TỈNH QUẢNG NINH |
QUẢN LÝ VỊNH HẠ LONG
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 498/QĐ-UBND ngày 07/02/2007 của UBND tỉnh Quảng Ninh)
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng:
1. Trong Quy chế này phạm vi điều chỉnh Vịnh Hạ Long (gồm Vịnh Hạ Long và Vịnh Bái Tử Long) được xác định trong tọa độ từ 20o43’ đến 21o09’ vĩ độ Bắc và 106o56’ đến 107o 37’ kinh độ Đông, (trên bản đồ Vịnh Hạ Long, số đăng ký: KHXB: 6-472/CXB-QLXB ngày 18/6/1998); Khu vực được Nhà nước Việt Nam xếp hạng Di tích danh thắng năm 1962, trong đó bao gồm khu vực đã được tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản thiên nhiên Thế giới: lần thứ nhất năm 1994 về giá trị thẩm mỹ và lần thứ hai năm 2000 về giá trị địa chất, địa mạo.
2. Mọi tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia vào các hoạt động trên vịnh Hạ Long đều phải tuân thủ các quy định của pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Quy chế này.
Điều 3. Các hành vi sau đây bị cấm:
1. Xây dựng đền, miếu, mộ chí và viết, vẽ, sơn, khắc tại các đảo, núi, hang động;
2. Làm hư hại, phá huỷ các hang động, bãi, đảo, vùng nước vịnh Hạ Long;
3. Săn bắn, khai thác các loài động, thực vật trên các đảo, núi, hang động;
4. Khai thác đá, cát, nhũ đá và các loại khoáng sản, vật liệu xây dựng khác
5. Xâm hại các hệ sinh thái: San hô, rừng ngập mặn, bãi triều, cỏ biển, hệ sinh thái đáy, hệ sinh thái rừng trên đảo;
6. Khai thác rùa biển, trứng rùa biển, cá heo và các loài thuỷ sản quý hiếm trên vịnh Hạ Long;
7. Khai thác thuỷ sản bằng cách sử dụng chất nổ, xung điện, hoá chất, cào, đào xới đáy biển, phương pháp lặn hoặc bằng các biện pháp huỷ diệt khác;
8. Xả rác thải, dầu thải; đổ bùn đất; xả nước thải, khí thải và các chất thải khác vượt quá quy định cho phép xuống Vịnh Hạ Long;
9. Tuyên truyền, giới thiệu sai lệch các giá trị Vịnh Hạ Long;
10. Các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, phát tán tài liệu phản động, truyền đạo trái phép, mê tín dị đoan, tệ nạn xã hội, ăn xin, ma tuý trên vịnh;
11. Các hoạt động khác xâm hại môi trường, giá trị vịnh Hạ Long.
Mục 1: BẢO TỒN DI SẢN VỊNH HẠ LONG
1. Khu vực bảo vệ I (Khu vực bảo vệ tuyệt đối): Là khu vực được UNESCO công nhận Di sản Thế giới, được xác định trong toạ độ: 20o43’24” đến 20o56’12” vĩ độ Bắc; 106o59’24” đến 107o20’30” kinh độ Đông, giới hạn bởi:
- Đảo Đầu Gỗ về phía Tây.
- Đảo Cống Tây về phía Đông.
- Đảo Đầu Bê về phía Nam.
- Khu vực bảo vệ I sẽ được quy hoạch chi tiết thành các khu bảo tồn tuyệt đối, khu bảo tồn sinh thái.
2. Khu vực bảo vệ II (Vùng đệm): Là khu vực bao quanh, liền kề khu vực bảo vệ I, được xác định: Phía Bắc dọc theo quốc lộ 18A, kể từ đường vào đảo Tuần Châu đến cây số 11 phường Quang Hanh, thị xã Cẩm Phả, các phía còn lại rộng từ 5 - 7 km tính từ đường ranh giới vùng bảo vệ tuyệt đối.
3. Khu vực phụ cận (Vùng phụ cận): Là những phần còn lại của Vịnh Hạ Long trong vùng bảo vệ quốc gia đã được quy định tại Quyết định số 313-VH/VP ngày 28/4/1962 của Bộ Văn hoá- Thông tin về việc xếp hạng những di tích danh thắng toàn miền Bắc, bao gồm vùng biển và đất liền xác định theo tọa độ ghi tại Điều 1 của Quy chế này.
1. Nguyên tắc chung: Đảm bảo tính nguyên vẹn giá trị Di sản Vịnh Hạ Long đặc biệt là các giá trị đã được UNESCO công nhận;
2. Yêu cầu bảo tồn:
a. Khu vực bảo vệ I: Phải được bảo tồn nguyên trạng, không được làm thay đổi cảnh quan, địa chất, môi trường, hệ sinh thái, hạn chế tới mức thấp nhất tác động của con người đối với Di sản;
b. Khu vực bảo vệ II:
- Trong vùng nước: Thực hiện bảo tồn như khu vực bảo vệ I;
- Trên đất liền: Các công trình xây dựng phải có kiến trúc phù hợp, góp phần làm tăng thêm giá trị thẩm mỹ của Vịnh Hạ Long. Các hoạt động đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng phải có các biện pháp bảo vệ các giá trị văn hoá, địa chất, địa mạo, cảnh quan môi trường, hệ sinh thái Vịnh Hạ Long.
c. Khu vực phụ cận: Các hoạt động kinh tế - xã hội phải tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành và Quy chế này, có cam kết các giải pháp bảo đảm không gây tác động xấu đến cảnh quan môi trường sinh thái Vịnh Hạ Long.
Mục 2: KHAI THÁC VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN VỊNH HẠ LONG
Điều 6. Tất cả các hoạt kinh tế - xã hội trên Vịnh Hạ Long phải tuân thủ các điều kiện sau:
1. Phải có quy hoạch cụ thể và được Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt phù hợp với Quy hoạch vùng, ngành và Quy hoạch tổng thể về bảo tồn, phát huy giá trị Di sản Vịnh Hạ Long.
2. Tuân thủ các quy định quản lý Nhà nước của ngành, lĩnh vực, các quy định của Quy chế này và các quy định khác có liên quan.
3. Giữ gìn cảnh quan môi trường, hệ sinh thái, giá trị Di sản, đảm bảo khả năng tái tạo giá trị Di sản và phát triển bền vững vịnh Hạ Long.
4. Đầu tư trang thiết bị để thu gom, xử lý chất thải và ứng phó với sự cố môi trường có thể xảy ra, thực hiện các biện pháp chống suy thoái, ô nhiễm môi trường, cải thiện điều kiện môi trường và khắc phục hậu quả do sự cố môi trường gây ra.
5. Phải đăng ký với Ban quản lý vịnh Hạ Long và chịu sự quản lý, kiểm tra, giám sát của Ban quản lý vịnh Hạ Long và các cơ quan chức năng khác
6. Đối với các Dự án, chương trình phục vụ trực tiếp công tác bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị Vịnh Hạ Long đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, định kỳ 6 tháng phải thực hiện đánh giá tác động do hoạt động của cơ sở đối với môi trường Vịnh Hạ Long
7. Khi có sự cố phải thông báo ngay với Trung tâm cứu hộ, cứu nạn vịnh Hạ Long và các cơ quan chức năng để có biện pháp giải quyết kịp thời và tham gia cấp cứu sự cố
8. Nộp các loại thuế, phí, lệ phí theo quy định.
Điều 7. Hồ sơ đăng ký hoạt động:
- Đơn xin đăng ký hoạt động
- Phương án hoạt động đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt
- Các chứng chỉ hoạt động kinh doanh có điều kiện do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp
- Hồ sơ gửi về Ban quản lý vịnh Hạ Long
Điều 8. Quy định về hoạt động tham quan - du lịch trên Vịnh Hạ Long:
1. Đối với khách thăm quan - du lịch:
- Được thăm quan tại các khu vực, tuyến, điểm đã được công bố
- Chấp hành tốt các nội quy trên các tầu du lịch, tại các điểm tham quan và sự hướng dẫn của nhân viên tại các tuyến, điểm, khu vực tham quan;
- Xả chất thải đúng nơi quy định;
- Phối hợp với các cơ quan chức năng phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm Quy chế Quản lý vịnh Hạ Long và các hành vi vi phạm khác.
2. Đối với cơ sở kinh doanh du lịch:
- Chỉ được tổ chức các hoạt động cho khách tham quan, du lịch tại các khu vực, tuyến, điểm đã được công bố.
- Xây dựng nội quy bảo vệ môi trường tại cơ sở đảm bảo phù hợp với quy định bảo vệ môi trường chung trên vịnh Hạ Long.
- Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục cho cán bộ công nhân viên chức và khách du lịch nâng cao nhận thức và thực hiện tốt Quy chế quản lý vịnh Hạ Long, nội quy bảo vệ môi trường tại cơ sở.
3. Đối với Hướng dẫn viên du lịch:
- Phải có thẻ hướng dẫn viên du lịch được cấp theo quy định
- Phải có kiến thức cơ bản về Vịnh Hạ Long và tỉnh Quảng Ninh;
- Chấp hành và hướng dẫn khách tham quan thực hiện Quy chế quản lý vịnh Hạ Long và các quy định pháp luật khác có liên quan;
- Không hướng dẫn và tuyên truyền sai lệch về giá trị Di sản vịnh Hạ Long và tỉnh Quảng Ninh; tham gia phát hiện và thông báo kịp thời cho các cơ quan có thẩm quyền các hành vi vi phạm về quy chế quản lý vịnh Hạ Long.
- Phải đăng ký hoạt động hướng dẫn với Ban quản lý vịnh Hạ Long.
4. Chủ phương tiện và người làm việc trên phương tiện vận chuyển khách tham quan Vịnh Hạ Long phải thực hiện đầy đủ các điều kiện và tiêu chuẩn theo quy định hiện hành về quản lý hoạt động tầu du lịch trên vịnh Hạ Long
5. Tầu nước ngoài vận chuyển khách du lịch đến tham quan vịnh Hạ Long phải tuân thủ pháp luật Việt Nam và Quy chế quản lý vịnh Hạ Long.
Điều 9. Quy định về hoạt động nuôi trồng thuỷ sản:
1. Nguyên tắc:
- Hạn chế và từng bước di chuyển các điểm nuôi trồng thủy sản ra khỏi khu vực bảo vệ I;
- Chỉ được phép nuôi trồng thuỷ sản theo quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Hình thức nuôi trồng thủy sản:
a. Hình thức hộ gia đình:
- Do các hộ gia đình có hộ khẩu thường trú trên vịnh Hạ Long thực hiện.
- Trong vùng nước được giao, được thuê, tại các khu dân cư đã được Uỷ ban Nhân dân tỉnh quy hoạch trên vịnh.
- Phương thức nuôi bằng lồng bè có quy mô nuôi dưới 200m2;
b. Hình thức nuôi trồng theo Dự án được duyệt:
- Tại các điểm nuôi trồng thuỷ sản đã được Uỷ ban Nhân dân tỉnh phê duyệt;
- Phương thức nuôi: Theo Dự án đã được phê duyệt.
3. Đảm bảo các điều kiện và trang bị phương tiện theo quy định, bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh môi trường, an toàn giao thông đường thuỷ và mỹ quan vùng Vịnh:
a. Két chứa nước thải, két thu hồi rác thải;
b. Thiết bị, phương tiện cứu sinh, cứu hoả, đèn tín hiệu, radio theo dõi thời tiết;
c. Nhà bảo vệ trên các bè nuôi trồng thuỷ sản phải đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật và tiêu chuẩn sau:
- Chiều cao từ 2,5m - 3m, diện tích không quá 20m2;
- Vật liệu làm nổi bằng phao nhựa tổng hợp hoặc vật liệu khác xong phải đảm bảo tính nổi an toàn; không gây ô nhiễm môi trường; không dùng phao xốp làm bệ nổi;
d. Hoạt động nuôi trồng thuỷ sản theo dự án phải thả phao, đặt biển báo xác định vùng nước nuôi trồng thuỷ sản
4. Người làm việc trên các bè nuôi trồng thuỷ sản phải có hợp đồng lao động với chủ Dự án và phải đăng ký tạm trú với chính quyền địa phương theo quy định và chịu sự giám sát của Ban quản lý Vịnh Hạ Long và các cơ quan chức năng.
Điều 10. Quy định về hoạt động khai thác thuỷ sản:
1. Vị trí khai thác:
- Không khai thác thuỷ sản tại các điểm tổ chức cho khách tham quan du lịch như: khu vực trước cửa hang động, bãi tắm, các luồng tuyến giao thông, du lịch và các khu vực đã được quy hoạch bảo tồn hệ sinh thái.
- Trong khu vực bảo vệ I, chỉ cho phép những tầu cá thủ công hoặc lắp máy dưới 12 CV khai thác thuỷ sản bằng nghề câu tay để phục vụ dân sinh và du lịch.
2. Hình thức khai thác: Nghề khai thác thủy sản được phép trên Vịnh Hạ Long: Nghề rớ, nghề câu tay.
3. Tổ chức, cá nhân thực hiện vận chuyển, thu mua thủy sản phải có giấy phép hoạt động nghề cá, có giấy phép kinh doanh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Điều 11. Quy định về hoạt động giao thông đường thuỷ:
1. Hoạt động đúng luồng, tuyến quy định;
2. Neo đậu, xếp dỡ hàng hoá đúng cảng, bến đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công bố hoặc cho phép hoạt động;
3. Phải thu gom rác thải, dầu thải, nước thải và xả thải đúng nội quy, quy định;
4. Phương tiện vận tải hành khách công cộng (không phải là phương tiện vận chuyển khách du lịch) không được đưa khách đến các điểm tham quan- du lịch trên Vịnh Hạ Long.
5. Tầu vận chuyển khách tham quan Vịnh Hạ Long thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành và quy định của Uỷ ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh.
Điều 12. Quy định về hoạt động vận chuyển, kinh doanh xăng, dầu:
1. Nguyên tắc:
- Không kinh doanh xăng, dầu trong khu vực bảo vệ I
- Không lập trạm trung chuyển xăng, dầu trên Vịnh Hạ Long
2. Các hình thức vận chuyển, kinh doanh xăng, dầu:
- Kinh doanh bán lẻ xăng, dầu: Là doanh nghiệp được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận kinh doanh bán lẻ xăng, dầu trên Vịnh Hạ Long;
- Hoạt động vận chuyển xăng, dầu phục vụ kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng và các dự án được duyệt.
3. Điều kiện hoạt động vận chuyển và kinh doanh xăng, dầu: Ngoài việc tuân thủ các điều kiện về hoạt động vận chuyển và kinh doanh xăng, dầu theo quy định hiện hành phải tuân thủ các điều kiện sau:
a. Phương tiện vận chuyển, kinh doanh xăng, dầu phải có thùng rác, két chứa chất thải và trang thiết bị phòng chống rò rỉ, tràn xăng, dầu, trang thiết bị phòng chống cháy nổ đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định pháp luật hiện hành.
b. Người làm việc trên phương tiện vận chuyển, kinh doanh xăng, dầu phải có chứng chỉ chuyên môn phù hợp với công việc đảm nhận, có giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy và các sự cố rò rỉ, tràn xăng, dầu;
Điều 13. Quy định về các hoạt động sản xuất - kinh doanh khác:
1. Tổ chức, cá nhân kinh doanh hải sản và các hoạt động kinh doanh khác trên Vịnh Hạ Long chỉ được thực hiện tại những địa điểm được Uỷ ban Nhân dân tỉnh cho phép
2. Tuân thủ quy định pháp luật về thương mại hiện hành, Quy chế quản lý Vịnh Hạ Long và có phương án đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường;
3. Không sử dụng phương tiện đeo bám tầu thuyền du lịch để bán hải sản và các mặt hàng khác;
4. Không xâm lấn luồng, tuyến giao thông, du lịch;
5. Thực hiện văn minh thương mại, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Điều 14. Quy định về hoạt động văn hoá, lễ hội, vui chơi giải trí:
1. Mọi hoạt động văn hóa lễ hội, vui chơi giải trí trên Vịnh Hạ Long phải có phương án, chương trình cụ thể được phép của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền và phải đăng ký với Ban quản lý vịnh Hạ Long.
2. Tổ chức, cá nhân tổ chức các hoạt động nêu trên phải chịu trách nhiệm về nội dung, đảm bảo an toàn, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, không gây trở ngại đến các hoạt động khác và không xâm hại đến các giá trị của Di sản.
Mục 3: HOẠT ĐỘNG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC VÀ HỢP TÁC QUỐC TẾ
- Nghiên cứu khoa học về vịnh Hạ Long;
- Bảo tồn, tôn tạo, khai thác và phát huy giá trị vịnh Hạ Long;
- Tuyên truyền giáo dục cộng đồng bảo vệ Di sản Vịnh Hạ Long
2. Các hoạt động hợp tác quốc tế phải tuân thủ pháp luật Việt Nam và Công ước quốc tế có liên quan.
1. Chấp hành các quy định có liên quan tại Quy chế này và các quy định pháp luật có liên quan khác
2. Có Đề án, chương trình cụ thể được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thẩm định trình Uỷ ban Nhân dân tỉnh phê duyệt.
3. Phải đăng ký hoạt động với Ban quản lý vịnh Hạ Long và chịu sự giám sát, kiểm tra của Ban Quản lý Vịnh Hạ Long và các cơ quan chức năng.
4. Cung cấp kết quả nghiên cứu khoa học cho Ban Quản lý Vịnh Hạ Long để phục vụ cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị Di sản.
Mục 4: HOẠT ĐỘNG CƯ TRÚ TRÊN VỊNH HẠ LONG
2. Công dân đang sống và làm việc thường xuyên trên Vịnh phải đăng ký cư trú với chính quyền địa phương và chịu sự giám sát của Ban quản lý vịnh Hạ Long.
3. Hình thức đăng ký:
Đăng ký thường trú
b. Đăng ký tạm trú
Điều 18. Đăng ký hộ khẩu thường trú trên Vịnh Hạ Long:
1. Đối tượng được đăng ký hộ khẩu thường trú trên Vịnh phải có đủ các điều kiện sau:
a. Người có vợ hoặc chồng có hộ khẩu thường trú trên Vịnh Hạ Long hoặc người có ít nhất 02 thế hệ kế trước đã sinh sống liên tục trên Vịnh;
b. Có nghề đánh bắt, nuôi trồng thuỷ sản;
c. Có nhà bè hoặc thuyền trên Vịnh;
d. Không có nhà ở trên đất liền;
2. Chỉ được đăng ký hộ khẩu thường trú tại một trong các làng chài đã được Uỷ ban Nhân dân tỉnh phê duyệt.
3. Thủ tục đăng ký hộ khẩu thường trú:
a. Theo quy định hiện hành của Nhà nước về đăng ký và quản lý hộ khẩu thường trú;
b. Phải có ý kiến xác nhận của Ban Quản lý Vịnh Hạ Long
Điều 19. Đăng ký tạm trú trên Vịnh Hạ Long:
1. Đối tượng được đăng ký tạm trú là những người có hợp đồng lao động với chủ doanh nghiệp, chủ dự án được phê duyệt hoạt động trên Vịnh Hạ Long. Thủ tục gồm:
a. Đơn xin đăng ký tạm trú
b. Văn bản đề nghị của chủ Dự án, có xác nhận của phường, xã nơi quản lý địa danh và của Ban Quản lý Vịnh Hạ Long;
c. Chỉ được đăng ký tạm trú tại các điểm thực hiện Dự án.
d. Thủ tục đăng ký tạm trú theo quy định hiện hành;
2. Đối với khách du lịch nghỉ qua đêm trên Vịnh Hạ Long (kể cả người Việt Nam và người nước ngoài): Thực hiện việc đăng ký tạm trú theo Quy định quản lý hoạt động tầu lưu trú du lịch trên Vịnh Hạ Long và các quy định có liên quan về đăng ký tạm trú;
3. Đối tượng đăng ký tạm trú thăm thân trên Vịnh Hạ Long:
a. Có giấy tờ tuỳ thân hợp lệ;
b. Phải khai báo tạm trú với cơ quan Công an địa phương nơi đến thăm thân theo quy định của Nhà nước.
4. Những trường hợp khách tham quan du lịch trong ngày thì chủ phương tiện thực hiện việc kê khai danh sách hành khách theo đúng quy định pháp luật về giao thông đường thuỷ.
Điều 20. Quyền và trách nhiệm của người được đăng ký hộ khẩu trên Vịnh Hạ Long
1. Người có đăng ký hộ khẩu thường trú:
a. Được Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố (cấp huyện) giao mặt nước để làm nhà ở kiêm nuôi trồng thuỷ sản;
b. Được thực hiện các hoạt động kinh tế - xã hội trên Vịnh theo Quy chế quản lý Vịnh Hạ Long;
c. Phải chấp hành các quy định pháp luật về cư trú;
d. Phải chấp hành Quy chế quản lý Vịnh Hạ Long, giữ gìn môi trường, cảnh quan Vịnh Hạ Long, thu gom, xử lý chất thải theo quy định, bảo đảm an ninh trật tự tại địa bàn cư trú;
e. Chịu sự giám sát, kiểm tra của chính quyền địa phương, của Ban Quản lý Vịnh Hạ Long và các cơ quan chức năng;
f. Không tự ý sử dụng mặt nước, xây dựng nhà ở, nhà bè trái phép;
g. Không tự ý di chuyển nhà ở, nhà bè ra khỏi nơi được cấp phép;
h. Tham gia tích cực vào công tác bảo tồn Di sản, bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long;
2. Đối với người đăng ký hộ khẩu tạm trú trên Vịnh:
Phải chấp hành các quy định tại mục b, c, d, e, f, g, h Khoản 1 Điều này.
1. Việc lập hộ và tách hộ sẽ được xem xét giải quyết đất ở để định cư trên đất liền, không cấp thủ tục để làm nhà nổi, định cư trên vịnh. Chỉ tách hộ và cho lập hộ mới từ những hộ gia đình đăng ký thường trú trên Vịnh khi đảm bảo các điều kiện sau:
a. Có ít nhất 3 thế hệ sống trong cùng hộ đó;
b. Người xin tách hộ đã lập gia đình và có kinh tế độc lập sau khi đã xin cấp đất làm nhà ở trên đất liền mà Chính quyền địa phương chưa có điều kiện giải quyết.
2. Thủ tục xin tách hộ, lập hộ:
a. Theo quy định hiện hành của Nhà nước về đăng ký và quản lý hộ khẩu;
b. Phải có ý kiến của Ban Quản lý Vịnh Hạ Long.
Điều 22. Công tác tổ chức quản lý khu dân cư trên Vịnh:
1. Lập và trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt quy hoạch các làng chài trên Vịnh (Quy hoạch làng chài phải thể hiện được vùng nước, khu dân cư, các tuyến giao thông trong làng và các cơ sở hạ tầng khác có liên quan).
2. Thành lập bộ máy quản lý làng chài như các khu dân cư trên đất liền.
3. Xây dựng và tổ chức thực hiện quy ước làng chài văn hoá;
Mục 5: TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI DI SẢN VỊNH HẠ LONG
Điều 23. Trách nhiệm của Ban Quản lý Vịnh Hạ Long:
1. Xây dựng các nội quy, quy chế quản lý và bảo vệ Di sản, bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long.
2. Kiểm tra, hướng dẫn, yêu cầu các tổ chức, cá nhân có tham gia các hoạt động trên Vịnh thực hiện các quy định bảo vệ Di sản, bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long.
3. Tổ chức theo dõi tình hình biến động về môi trường, hệ sinh thái và các giá trị Vịnh Hạ Long, kịp thời phát hiện hiện tượng suy thoái, ô nhiễm, sự cố về môi trường và các giá trị Vịnh Hạ Long, thông báo kịp thời cho Sở Tài nguyên - môi trường và các cơ quan chức năng, báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh, đồng thời áp dụng các biện pháp ngăn ngừa, xử lý các vi phạm và khắc phục hậu quả những tác động xấu đến môi trường và giá trị Vịnh Hạ Long;
4. Thực hiện thu gom, xử lý chất thải tại các điểm du lịch trên Vịnh Hạ Long; hợp đồng thu gom rác thải với các đơn vị hoạt động kinh tế - xã hội trên Vịnh, chuyển về nơi được xử lý theo quy định của Nhà nước.
5. Chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương liên quan:
- Xây dựng Quy hoạch: chi tiết vùng, ngành, làng chài trên Vịnh Hạ Long; Quy hoạch quản lý môi trường Vịnh Hạ Long; xây dựng các tiêu chí, điều kiện hoạt động kinh tế - xã hội trên Vịnh theo ngành, lĩnh vực nhằm cụ thể hoá Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Vịnh Hạ Long đã được Chính phủ phê duyệt;
- Xây dựng cơ chế chính sách quản lý Vịnh; Quy ước làng chài; mô hình nhà bè, nhà ở trên Vịnh.
- Phối hợp với Chính quyền địa phương tổ chức giao mặt nước cho các hộ dân được đăng ký hộ khẩu thường trú trên Vịnh Hạ Long để xây dựng nhà ở, nhà bè và cho các chủ dự án để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội đã được tỉnh phê duyệt, đồng thời tổ chức đăng ký và ký cam kết bảo vệ Di sản Vịnh Hạ Long đối với các đối tượng nêu trên.
- Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện Quy chế quản lý Vịnh Hạ Long và các quy định khác có liên quan.
- Cùng các ngành chức năng thẩm định các dự án phát triển kinh tế - xã hội trên Vịnh (cả khu vực bảo vệ I; khu vực bảo vệ II và khu vực phụ cận).
5. Thực hiện các chương trình hợp tác quốc tế về quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long.
6. Thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm theo quy định; phối hợp với các ngành, địa phương có liên quan tổ chức giám sát, kiểm tra các hoạt động kinh tế - xã hội trên Vịnh Hạ Long.
7. Chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương xây dựng và tổ chức thực hiện phương án phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, xử lý các sự cố xảy ra trên Vịnh Hạ Long.
8. Điều tra, khảo sát, đánh giá đầy đủ các giá trị vịnh Hạ Long
Điều 24. Trách nhiệm của các Ngành trong công tác quản lý Di sản Vịnh Hạ Long
Các ngành: Du lịch, Thuỷ sản, Giao thông - vận tải, Xây dựng, Tài nguyên - môi trường, Văn hoá- Thông tin, Thương mại, Kế hoạch & Đầu tư, Giáo dục & Đào tạo, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an tỉnh và Chi cục Kiểm lâm phải thực hiện nhiệm vụ quản lý các hoạt động theo chức năng, lĩnh vực của ngành, đồng thời phối hợp với Ban quản lý Vịnh Hạ Long và các ngành, địa phương liên thực hiện các nhiệm vụ sau:
1. Xây dựng Quy hoạch chi tiết vùng, ngành trên Vịnh trên cơ sở cụ thể hoá Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị Vịnh Hạ Long đến năm 2020, Quy hoạch quản lý môi trường Vịnh Hạ Long của Uỷ ban nhân dân tỉnh.
2. Xây dựng cơ chế chính sách quản lý hoạt động trên Vịnh Hạ Long theo chuyên ngành để trình Uỷ ban Nhân dân tỉnh phê duyệt; xây dựng tiêu chí, điều kiện hoạt động kinh tế - xã hội trên Vịnh theo ngành, lĩnh vực quản lý làm căn cứ để các tổ chức, cá nhân thực hiện, làm cơ sở để cùng Ban Quản lý Vịnh Hạ Long thẩm định, cấp giấy phép hoạt động và giám sát, kiểm tra các tổ chức, cá nhân thực hiện.
3. Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi ngành quản lý thực hiện Quy chế quản lý Vịnh Hạ Long và các quy định Nhà nước khác có liên quan.
4. Thẩm định các dự án phát triển kinh tế - xã hội trên Vịnh; chủ trì, cùng các ngành, địa phương liên quan thẩm định các dự án kinh tế- xã hội thuộc ngành tham gia có ảnh hưởng trực tiếp đến Vịnh Hạ Long (cả trong khu vực bảo vệ I, khu vực bảo vệ II và khu vực phụ cận).
5. Kiểm tra định kỳ, đột xuất các hoạt động kinh tế - xã hội trên Vịnh thuộc phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý đảm bảo thực hiện tốt quy định về chuyên môn và Quy chế quản lý vịnh.
1. Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với các hoạt động kinh tế - xã hội thuộc địa bàn quản lý có liên quan đến Vịnh Hạ Long theo Quy chế này.
2. Phối hợp với Ban Quản lý Vịnh Hạ Long tuyên truyền, giáo dục cộng đồng dân cư tham gia bảo vệ Di sản; điều tra, nghiên cứu khoa học về các giá trị Di sản; thẩm định và xây dựng các quy hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội; phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật có liên quan trên Vịnh Hạ Long, thực hiện quy định tại Điều 5 Quy chế này.
3. Ủy ban nhân dân: thành phố Hạ Long, thị xã Cẩm Phả, huyện Vân Đồn thực hiện công tác quản lý dân cư trên Vịnh Hạ Long thuộc địa bàn, đồng thời, phải phối hợp với Ban Quản lý Vịnh Hạ Long khi thực hiện nhiệm vụ sau:
a. Xây dựng quy hoạch các khu làng chài trên Vịnh Hạ Long, quy ước làng chài trên Vịnh; xây dựng mô hình nhà bè để ở và nuôi trồng thuỷ sản của các hộ dân có hộ khẩu thường trú trên Vịnh;
b. Tổ chức cấp mặt nước cho các hộ dân được phép đăng ký hộ khẩu thường trú trên Vịnh Hạ Long tại các làng chài đã được quy hoạch để xây dựng nhà ở và nuôi trồng thuỷ sản theo quy định; tổ chức giao mặt nước cho chủ dự án kinh tế - xã hội trên Vịnh sau khi Dự án được Uỷ ban Nhân dân tỉnh phê duyệt;
c. Lập phương án giải quyết đất ở cho các đối tượng mới tách hộ và tổ chức di chuyển dần các hộ ngư dân đang cư trú trên Vịnh lên các khu dân cư trên bờ.
4. Phối hợp với Ban Quản lý Vịnh Hạ Long và các ngành liên quan tham gia xây dựng và thẩm định các quy hoạch, các dự án kinh tế - xã hội trên vịnh; tổ chức thực hiện việc thu gom, xử lý chất thải trên Vịnh và ven bờ.
Điều 26. Các ngành, địa phương khác không thuộc trường hợp quy định tại Điều 23, 24, 25 Quy chế này căn cứ chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Ban Quản lý Vịnh Hạ Long trong việc thực hiện các quy định của Quy chế quản lý Vịnh Hạ Long đối với những vấn đề thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của ngành, địa phương mình.
Mục 6: CÔNG TÁC QUẢN LÝ ĐỐI VỚI CÁC LOẠI PHÍ, DỊCH VỤ SỬ DỤNG VÀ KHAI THÁC VỊNH HẠ LONG
Điều 27. Các loại phí trên Vịnh Hạ Long:
1. Phí tham quan Vịnh Hạ Long.
2. Phí bảo vệ môi trường.
3. Phí sử dụng mặt nước.
4. Phí neo đậu.
5. Phí an ninh trật tự.
Mức phí do Ban Quản lý Vịnh Hạ Long xây dựng, Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Cục Thuế tỉnh, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long và các ngành, địa phương liên quan thẩm tra, trình cấp có thẩm quyền quyết định.
1. Phí tham quan, phí bảo vệ môi trường, phí neo đậu nghỉ đêm trên Vịnh Hạ Long do Ban Quản lý Vịnh Hạ Long tổ chức thu hoặc hợp đồng với tổ chức, cá nhân làm công tác thu.
2. Các loại phí khác do Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định cơ quan tổ chức thu.
3. Việc thu, nộp phí thực hiện theo quy định hiện hành.
Điều 30. Sử dụng phí tham quan:
Phí tham quan Vịnh Hạ Long chỉ được sử dụng vào mục đích sau:
1. Quản lý Di sản Vịnh Hạ Long.
2. Bảo tồn, tôn tạo các điểm tham quan, các di tích trên Vịnh.
3. Xúc tiến quảng bá Di sản.
4. Khắc phục sự cố, ô nhiễm, suy thoái môi trường và các giá trị vịnh Hạ Long
5. Hỗ trợ các ngành, địa phương phối hợp quản lý Di sản, đầu tư xây dựng công trình phục vụ trực tiếp công tác bảo tồn và phát huy Di sản.
Tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc quản lý, bảo vệ, bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị Vịnh Hạ Long sẽ được biểu dương, khen thưởng theo quy định của pháp luật.
Tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định tại Quy chế này và các quy định pháp luật hiện hành khác có liên quan đến vịnh Hạ Long tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo pháp luật hiện hành.
Điều 33. Tất cả các hoạt động khai thác và phát huy giá trị vịnh Hạ Long (kể cả các Dự án phát triển kinh tế - xã hội trên vịnh) đã và đang thực hiện nếu chưa phù hợp với các quy định tại Quy chế này thì các tổ chức, cá nhân (chủ các dự án) phải tiến hành xem xét, điều chỉnh lại và trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày Quy chế mới có hiệu lực thi hành.
Điều 34. Các ngành, địa phương có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ phối hợp với Ban Quản lý Vịnh Hạ Long xây dựng quy hoạch, kế hoạch, chương trình theo ngành, lĩnh vực và địa phương để triển khai thực hiện Quy chế này phù hợp với tình hình thực tế của ngành, lĩnh vực, địa phương
Điều 35. Giao Ban Quản lý Vịnh Hạ Long chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương liên quan và các đoàn thể hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Quy chế. Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có những điều chưa phù hợp, các tổ chức, cá nhân phản ánh về Ban Quản lý Vịnh Hạ Long để tổng hợp, báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.
- 1Quyết định 3363/QĐ-UBND năm 2014 về Quy chế quản lý vịnh Nha Trang do tỉnh Khánh Hòa ban hành
- 2Quyết định 2260/QĐ-UBND năm 2012 về Quy chế phối hợp trong công tác quản lý hoạt động trên vịnh Nha Trang do tỉnh Khánh Hòa ban hành
- 3Quyết định 4216/2016/QĐ-UBND về Quy chế quản lý, bảo vệ, phát huy di sản Vịnh Hạ Long do tỉnh Quảng Ninh ban hành
- 1Luật du lịch 2005
- 2Luật Bảo vệ môi trường 2005
- 3Luật di sản văn hóa 2001
- 4Quyết định 02/2003/QĐ-BTNMT ban hành Quy chế Bảo vệ môi trường trong lĩnh vực du lịch do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
- 5Luật Thủy sản 2003
- 6Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 7Luật Giao thông đường thủy nội địa 2004
- 8Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân 2004
- 9Quyết định 3363/QĐ-UBND năm 2014 về Quy chế quản lý vịnh Nha Trang do tỉnh Khánh Hòa ban hành
- 10Quyết định 2260/QĐ-UBND năm 2012 về Quy chế phối hợp trong công tác quản lý hoạt động trên vịnh Nha Trang do tỉnh Khánh Hòa ban hành
Quyết định 498/2007/QĐ-UBND về Quy chế quản lý Vịnh Hạ Long do Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh ban hành
- Số hiệu: 498/2007/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 07/02/2007
- Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ninh
- Người ký: Vũ Nguyên Nhiệm
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 17/02/2007
- Ngày hết hiệu lực: 01/01/2017
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra