Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4924/QĐ-UBND

Bình Định, ngày 31 tháng 12 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ TỈNH BÌNH ĐỊNH GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Giao dịch điện tử ngày 29/11/2005;

Căn cứ Luật Công nghệ thông tin ngày 29/6/2006;

Căn cứ Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về Thương mại điện tử;

Căn cứ Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 11/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển Thương mại điện tử Quốc gia giai đoạn 2014-2020;

Xét đề nghị của Sở Công Thương tại Tờ trình số 71/TTr-SCT ngày 23/10/2015 về việc phê duyệt Kế hoạch phát triển Thương mại điện tử giai đoạn 2016-2020,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh Bình Định giai đoạn 2016 - 2020”.

Điều 2. Giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này. Định kỳ tổng hợp báo cáo tình hình triển khai thực hiện cho UBND tỉnh và Bộ Công Thương theo quy định.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở Công Thương, Thông tin và Truyền thông, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- CT, PCT Phan Cao Thắng;
- PVPCN;
- Lưu: VT, K6.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phan Cao Thắng

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ TỈNH BÌNH ĐỊNH GIAI ĐOẠN 2016 – 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 4924/QĐ-UBND ngày 31/12/2015 của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định)

I. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ TỈNH BÌNH ĐỊNH GIAI ĐOẠN 2011-2015

1. Thực trạng phát triển thương mại điện tử:

Sau 5 năm triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển thương mại điện tử (giai đoạn 2011 - 2015), bước đầu đã đạt được một số kết quả tích cực, cụ thể: phổ biến tuyên truyền về lợi ích của thương mại điện tử cho cán bộ quản lý nhà nước và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xây dựng các phần mềm dịch vụ công; hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở làng nghề xây dựng website thương mại điện tử, khai thác các tiện ích của dịch vụ internet trong việc quảng bá thương hiệu sản phẩm...Qua đó, nhận thức của doanh nghiệp về lợi ích của việc ứng dụng thương mại điện tử vào hoạt động sản xuất kinh doanh ngày càng được nâng lên; cụ thể, đến năm 2015 có 99% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh kết nối internet và sử dụng email thường xuyên; có 79% doanh nghiệp tham gia giao dịch thương mại điện tử, khoảng 62% doanh nghiệp có website riêng và sử dụng phần mềm tác nghiệp phục vụ hoạt động thương mại điện tử. Số lượng doanh nghiệp đặt hàng và nhận đơn hàng trực tuyến tăng lên hàng năm đạt từ 20% - 39% trong tổng đơn hàng giao dịch. Theo đánh giá của Cục Thương mại điện tử & Công nghệ thông tin - Bộ Công Thương, giai đoạn 2011 -2015 Bình Định đã tạo bước đột phá trong việc hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh khai thác tốt lợi thế thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhờ vậy, chỉ số thương mại điện tử của Bình Định được xếp thứ hạng cao và thứ bậc năm sau tăng hơn năm trước, cụ thể: Năm 2013 được xếp vào top giữa (23/47 tỉnh thành), đến năm 2014 được xếp vào top cao (vị trí 20/63 tỉnh thành trong cả nước).

2. Một số tồn tại, hạn chế:

- Nhận thức về tầm quan trọng, lợi ích của thương mại điện tử trong các doanh nghiệp còn hạn chế; mặt khác, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hầu hết là các doanh nghiệp nhỏ, kết cấu hạ tầng thương mại điện tử đầu tư ít và chưa đồng bộ.

- Nguồn kinh phí địa phương thực hiện chương trình còn hạn hẹp và chưa tiếp cận được nguồn kinh phí hỗ trợ phát triển thương mại điện tử của Trung ương.

- Khách hàng, người tiêu dùng khi thực hiện việc mua bán, thanh toán còn e ngại việc sử dụng phương thức giao dịch hiện đại vì sợ rủi ro; giao dịch trong khâu thanh toán, đặt hàng và nhận hàng có cho chưa hợp lý.

- Lực lượng lao động có trình độ chuyên môn về công nghệ thông tin trong các doanh nghiệp còn thiếu, thường doanh nghiệp sử dụng lao động thực hiện nhiệm vụ thương mại điện tử theo hình thức kiêm nhiệm; khả năng ứng dụng các phần mềm, những tiện ích còn hạn chế, thiếu sự hướng dẫn, đào tạo chính quy, bài bản.

Tuy còn những tồn tại, hạn chế nhưng phát triển thương mại điện tử trong kinh doanh thay thế cho phương thức truyền thống sẽ là một xu thế tất yếu trong xã hội hiện đại, hội nhập và đô thị hóa. Vì vậy, trong thời gian đến cần đẩy nhanh ứng dụng thương mại điện tử nhằm giúp các tổ chức, doanh nghiệp tiếp cận hình thức kinh doanh tiên tiến, ít tốn kém, tận dụng tối đa cơ hội kinh doanh để phát triển doanh nghiệp.

II. KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ TỈNH BÌNH ĐỊNH GIAI ĐOẠN 2016-2020

1. Căn cứ pháp lý

- Căn cứ Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 11/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển Thương mại điện tử Quốc gia giai đoạn 2014-2020;

- Căn cứ Quyết định số 07/2015/QĐ-TTg ngày 02/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý và thực hiện chương trình phát triển Thương mại điện tử quốc gia;

- Căn cứ Thông tư số 47/2014/TT-BCT ngày 05/12/2014 của Bộ Công Thương Quy định về quản lý website Thương mại điện tử.

2. Mục tiêu đến năm 2020

a) Mục tiêu chung:

- Triển khai các giải pháp, hoạt động hỗ trợ phát triển lĩnh vực thương mại điện tử của tỉnh, đưa thương mại điện tử trở thành hoạt động được sử dụng, ứng dụng phổ biến trong các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, cơ sở làng nghề trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao hiệu quả trong hoạt động quản lý, điều hành của các cơ quan nhà nước.

- Hỗ trợ, tư vấn, đào tạo nguồn nhân lực ứng dụng thương mại điện tử cho các doanh nghiệp nhằm góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

b) Mục tiêu cụ thể:

* Xây dựng kết cấu hạ tầng thương mại điện tử:

Áp dụng phổ biến chứng thực chữ ký số để đảm bảo an toàn, bảo mật cho các giao dịch thương mại điện tử: Phấn đấu 50% doanh nghiệp đăng ký chữ ký số.

* Môi trường ứng dụng thương mại điện tử:

- Doanh nghiệp tiến hành giao dịch thương mại điện tử với doanh nghiệp (B2B), trong đó:

100% doanh nghiệp sử dụng thư điện tử trong hoạt động giao dịch và trao đổi thông tin.

70-80% doanh nghiệp có trang thông tin điện tử, cập nhật định kỳ thông tin hoạt động và quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp.

60-70% doanh nghiệp tham gia các website thương mại điện tử để giới thiệu, mua bán các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ liên quan tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

40-50% doanh nghiệp có ứng dụng phần mềm phục vụ hoạt động quản lý sản xuất và kinh doanh.

- Đẩy mạnh các tiện ích hỗ trợ người tiêu dùng tham gia thương mại điện tử loại hình doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C), trong đó:

80% các siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại cho phép người tiêu dùng thanh toán bằng thẻ thanh toán và thanh toán qua phương tiện điện tử khi mua sắm trực tuyến.

60% doanh nghiệp cung cấp điện, nước, vận tải, du lịch, dịch vụ, viễn thông và truyền thông,.... cho phép người tiêu dùng sử dụng phương thức thanh toán bằng thẻ thanh toán và thanh toán qua phương tiện điện tử khi mua sắm trực tuyến.

- Chính phủ với doanh nghiệp (G2B):

60% trang thông tin điện tử của các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh và UBND cấp huyện cung cấp dịch vụ hành chính công trục tuyến ở mức độ 3 và 30% dịch vụ hành chính công trực tuyến ở mức độ 4;

60% các giao dịch giữa cơ quan hành chính nhà nước với doanh nghiệp và công dân được thực hiện trực tuyến qua cổng thông tin điện tử của tỉnh và qua bộ phận một cửa điện tử,

Khuyến khích doanh nghiệp, cơ sở làng nghề trên địa bàn tỉnh xây dựng website thương mại điện tử.

* Phổ biến, tuyên truyền và đào tạo về thương mại điện tử

- 90% cán bộ quản lý nhà nước và doanh nghiệp biết đến lợi ích của thương mại điện tử.

- 500 lượt cán bộ quản lý nhà nước và doanh nghiệp tham dự các khóa đào tạo ngắn hạn về thương mại điện tử.

- 1.000 sinh viên ngành kinh tế, năm cuối cấp được nhà trường đào tạo, tập huấn về chuyên ngành thương mại điện tử, đáp ứng nhu cầu triển khai ứng dụng thương mại điện từ cho doanh nghiệp.

3. Các nhiệm vụ và giải pháp

a) Tuyên truyền, đào tạo nâng cao nhận thức về thương mại điện tử

- Triển khai pháp luật về thương mại điện tử:

Tổ chức tuyên truyền để cán bộ quản lý nhà nước, doanh nghiệp và công dân nắm vững các quy định của pháp luật về thương mại điện tử.

Tổ chức rà soát, kiểm tra để nắm bắt tình hình phát triển thương mại điện tử trên địa bàn, làm cơ sở cho việc triển khai chính sách và thực thi pháp luật về thương mại điện tử tại địa phương.

Phối hợp tổ chức hoạt động thanh tra liên ngành về lĩnh vực thương mại điện tử tại địa phương (1 lần/năm).

- Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về thương mại điện tử:

Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của cộng đồng về thương mại điện tử thông qua các hoạt động truyền thông: báo giấy, báo điện tử, truyền thanh, truyền hình, tờ rơi quảng bá về thương mại điện tử và các hình thức khác; tổ chức các sự kiện thúc đẩy phát triển thương mại điện tử; xây dựng và quảng bá chỉ số phát triển thương mại điện tử của tỉnh.

- Tập huấn phổ biến kiến thức phát triển nguồn nhân lực thương mại điện tử:

Đối tượng: Cán bộ quản lý nhà nước và doanh nghiệp

Số lượng: 05 lớp, mỗi năm tổ chức 01 lớp (khoảng 100 học viên/lớp).

Nội dung: Giới thiệu, cập nhật các mô hình thương mại điện tử trên thế giới và Việt Nam; hệ thống văn bản pháp luật về thương mại điện tử; các hoạt động thanh tra, kiểm tra, thống kê thương mại điện tử; lập kế hoạch triển khai thương mại điện tử; dịch vụ công trực tuyến; an ninh mạng, các kỹ năng khai thác, quản lý và cập nhật thông tin thương mại trực tuyến; kỹ năng tìm kiếm khách hàng trên internet; xây dựng và quản trị website thương mại điện tử; xây dựng thương hiệu trực tuyến; tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử; thực hiện các giao dịch mua bán trên môi trường internet,...

b) Phát triển và ứng dụng công nghệ, dịch vụ thương mại điện tử

Tuyên truyền, khuyến khích doanh nghiệp sử dụng phần mềm mã nguồn mở khi triển khai các ứng dụng thương mại điện tử, sử dụng các công nghệ phục vụ phát triển thanh toán trực tuyến, khuyến khích các doanh nghiệp phát triển các tiện ích thanh toán qua phương tiện điện tử, hỗ trợ người mua thanh toán trực tuyến, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử.

Khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp xây dựng kế hoạch kinh doanh dịch vụ cho thuê thiết bị tính toán, phần mềm và các dịch vụ công nghệ thông tin và viễn thông khác.

Phối hợp với đơn vị có chức năng phổ biến các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chuẩn trao đổi dữ liệu điện tử ứng dụng trong thương mại điện tử tới các doanh nghiệp, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của an toàn thông tin, quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của các bên tham gia giao dịch thương mại điện tử và lợi ích của việc sử dụng chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số trong hoạt động thương mại điện tử, hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký chữ ký số (khoảng 30 chữ ký số/năm).

Khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng chuẩn trao đổi dữ liệu điện tử trong kinh doanh, ứng dụng các công nghệ bảo mật tiên tiến để thông tin trao đổi trên môi trường mạng máy tính được đảm bảo an toàn.

c) Củng cố tổ chức, nâng cao hiệu quả và năng lực quản lý nhà nước về thương mại điện tử

- Cung cấp, cập nhật thông tin về tiềm năng xuất khẩu của tỉnh và danh bạ doanh nghiệp xuất khẩu trên Cổng thông tin xuất khẩu Việt Nam (VietnamExport):

Thu thập và cập nhật thông tin của các doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng mũi nhọn của tỉnh theo định kỳ tháng, quý, năm để giới thiệu tiềm năng xuất khẩu của tỉnh lên Cổng thông tin xuất khẩu Việt Nam (VietnamExport) tại địa chỉ www.vietnamexport.com.

- Khai thác thông tin trên Cổng thông tin thị trường nước ngoài:

Phổ biến, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu tìm hiểu thông tin về các thị trường tiềm năng tại Cổng thông tin thị trường nước ngoài của Bộ Công Thương. Hàng tháng, trên cơ sở nguồn tin khai thác từ Cổng thông tin thị trường nước ngoài, cập nhật tình hình thị trường trên Bản tin điện tử để cung cấp cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh.

- Thống kê về thương mại điện tử:

Định kỳ hàng năm xây dựng thực hiện kế hoạch điều tra thống kê thương mại điện tử: Tổ chức điều tra, thu thập số liệu thống kê về tình hình ứng dụng thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với Bộ Công Thương xử lý và công bố các số liệu thống kê định kỳ về thương mại điện tử (01 lần/năm).

d) Phát triển các sản phẩm, giải pháp thương mại điện tử

- Phát triển các sản phẩm, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước triển khai ứng dụng thương mại điện tử: Nâng cấp, chuyển đổi hệ thống vận hành phần mềm “Cơ sở dữ liệu về quản lý hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh”.

- Công tác duy trì, bảo dưỡng, nâng cấp các phần mềm đã được triển khai:

Nâng cấp, mở rộng và duy trì sàn giao dịch thương mại điện tử chuyên ngành đồ gỗ www.binhdinhwood.com theo mô hình doanh nghiệp với doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2B2C) nhằm phục vụ cho yêu cầu ngày càng phát triển của ngành hàng gỗ và đồ gỗ trên địa bàn tỉnh đáp ứng việc mở rộng phát triển thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Nâng cấp Phần mềm “Cơ sở dữ liệu về quản lý các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh” phù hợp xu thế phát triển của công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước.

Nâng cấp, mở rộng và duy trì hệ thống Phần mềm “Cơ sở dữ liệu về quản lý thị trường trên địa bàn tỉnh”.

đ) Hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ứng dụng thương mại điện tử

- Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng website thương mại điện tử:

Thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp có định hướng và xây dựng website thương mại điện tử phù hợp với mô hình, sản phẩm của doanh nghiệp; tư vấn cho doanh nghiệp triển khai quy trình bán hàng trực tuyến, quy trình kinh doanh theo mô hình B2C tiên tiến trên thế giới, cách thức tích hợp công cụ thanh toán trực tuyến, cách thức quảng bá, marketing hiệu quả cho website thương mại điện tử (hỗ trợ khoảng 50 doanh nghiệp, cơ sở làng nghề thực hiện chương trình này).

- Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử thông qua các công cụ kinh doanh điện tử (e-business):

Hàng năm, triển khai hướng dẫn doanh nghiệp sử dụng chương trình tối ưu hóa hoạt động quản lý nội bộ của doanh nghiệp thông qua các công cụ e-business cụ thể là phần mềm cơ sở dữ liệu quản lý khách hàng (CRM) nhằm hỗ trợ doanh nghiệp lưu trữ dữ liệu về khách hàng một cách liên tục (hỗ trợ khoảng 25 doanh nghiệp thực hiện chương trình này).

- Hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử theo mô hình B2C:

Xây dựng quy trình thu thập thông tin khách hàng đề xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét chứng nhận website thương mại điện tử uy tín (Safeweb).

Trong hoạt động kinh doanh trực tuyến, thực hiện gắn nhãn tín nhiệm Safeweb đảm bảo bảo vệ thông tin cá nhân theo thông lệ quốc tế hỗ trợ khách hàng yên tâm khi giao dịch với website (hỗ trợ khoảng 25 doanh nghiệp thực hiện chương trình này).

e) Khảo sát, học tập kinh nghiệp và nhiệm vụ khác

- Tổ chức đoàn đi tham quan, khảo sát học tập kinh nghiệm tại các địa phương xây dựng và triển khai kế hoạch thương mại điện tử đạt kết quả tốt; khảo sát tại một số doanh nghiệp ứng dụng thành công thương mại điện tử trong sản xuất kinh doanh.

- Theo chương trình kế hoạch, tổ chức đoàn gồm các sở, ngành liên quan và một số doanh nghiệp điển hình tham dự hội thảo, tập huấn, hội nghị do các Bộ, ngành tổ chức.

4. Kinh phí triển khai thực hiện

Tổng kinh phí dự kiến triển khai kế hoạch phát triển thương mại điện tử của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 là: 3.531.000.000VNĐ (Ba tỷ, năm trăm ba mươi mốt triệu đồng chẵn), trong đó:

- Kinh phí hỗ trợ từ Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia: 1.846.000.000 đồng (Một tỷ, tám trăm bốn mươi sáu triệu đồng chẵn).

- Kinh phí ngân sách địa phương: 1.685.000.000 đồng (Một tỷ, sáu trăm tám mười lăm triệu đồng chẵn).

Bảng tổng hợp phân bổ nguồn kinh phí:

STT

Nguồn kinh phí

Tổng cộng (triệu đồng)

Năm thực hiện (triệu đồng)

2016

2017

2018

2019

2020

1

Hỗ trợ từ Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia (70%)

1.846,0

440,0

563,0

288,0

281,0

274,0

2

Kinh phí từ Ngân sách địa phương

1.685,0

340,2

434,2

320,2

270,2

320,2

 

Cộng

3.531,0

780,2

997,2

608,2

551,2

594,2

(Có Phụ lục chi tiết kèm theo)

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Kế hoạch phát triển thương mại điện tử được tổ chức thực hiện gắn kết và đồng bộ với các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển các lĩnh vực thuộc ngành Công Thương, đặc biệt là lĩnh vực xuất khẩu, phân phối và các ngành dịch vụ khác; các đề án, chương trình phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông; các chương trình cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước.

1. Sở Công Thương

- Là đơn vị đầu mối chủ trì thực hiện Kế hoạch, có trách nhiệm phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các sở, ban ngành liên quan, Báo Bình Định, Đài Phát thanh - Truyền hình, Trung tâm Phát triển thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương) hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh ứng dụng thương mại điện tử.

- Hàng năm, căn cứ vào Kế hoạch phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016 - 2020, Sở Công Thương xây dựng Kế hoạch và dự toán chi tiết trình UBND tỉnh xem xét, quyết định phê duyệt gửi Bộ Công Thương trước ngày 30/6 để Bộ Công Thương tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ quy định hỗ trợ kinh phí cho ngân sách tỉnh để thực hiện Chương trình này. Trong quá trình thực hiện chú ý lồng ghép với các chương trình, kế hoạch dự án chuyên ngành khác có liên quan, tránh trùng lắp, lãng phí.

- Tổ chức, kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch. Tổng hợp báo cáo kết quả cho UBND tỉnh, Bộ Công Thương theo quy định.

- Tiếp nhận các kiến nghị, phản ánh của các tổ chức, cá nhân có liên quan (nếu có) trong quá trình tổ chức thực hiện để kiến nghị UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung kế hoạch cho phù hợp với tình hình thực tế.

2. Sở Thông tin và Truyền thông

- Triển khai xây dựng quy hoạch, phát triển hạ tầng viễn thông và internet tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển thương mại điện tử, đề xuất UBND tỉnh chính sách thu hút các nhà cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin - thương mại điện tử đến đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

- Phối hợp với Sở Công Thương trong việc thống kê tình hình ứng dụng thương mại điện tử của các doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ các sở, ngành, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin và thương mại điện tử; tư vấn cho doanh nghiệp về các nội dung liên quan đến công nghệ thông tin và thương mại điện tử; gắn kết sự phát triển thương mại điện tử với Chính phủ điện tử.

- Nghiên cứu, hướng dẫn triển khai các vấn đề về tích hợp chữ ký số, các chuẩn trao đổi dữ liệu.

- Phối hợp với Công an tỉnh và các cơ quan liên quan triển khai các vấn đề về an toàn, an ninh mạng; tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn về an toàn, an ninh mạng cho cán bộ công chức, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.

3. Sở Tài chính

Hàng năm, theo đề nghị của Sở Công Thương về Kế hoạch và dự toán kinh phí thực hiện thương mại điện tử, Sở Tài chính thẩm định đề xuất UBND tỉnh xem xét bố trí kinh phí thực hiện Chương trình này trong dự toán ngân sách địa phương để giao dự toán cho đơn vị triển khai thực hiện.

Các sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phối hợp triển khai thực hiện kế hoạch này./.

 

PHỤ LỤC

(Kèm theo Quyết định số: 4924/QĐ-UBND ngày 31/12/2015 của UBND tỉnh Bình Định)

ĐVT: triệu đồng

STT

Nội dung

Tổng cộng

Kinh phí thực hiện

2016

2017

2018

2019

2020

I

Tuyên truyền, đào tạo nâng cao nhận thức về thương mại điện tử (TMĐT)

622,0

140,0

140,0

126,0

114,0

102,0

a)

Triển khai pháp luật về TMĐT

88,0

20,0

20,0

18,0

16,0

14,0

 

Nguồn kinh phí: Ngân sách địa phương

88,0

20,0

20,0

18,0

16,0

14,0

b)

Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về TMĐT

223,0

50,0

50,0

45,0

41,0

37,0

 

Nguồn kinh phí: - Ngân sách địa phương (30%)

69,0

15,0

15,0

14,0

13,0

12,0

 

- Chương trình phát triển TMĐT quốc gia (70%)

154,0

35,0

35,0

31,0

28,0

25,0

c)

Tập huấn phổ biến kiến thức phát triển nguồn nhân lực TMĐT cho cán bộ quản lý nhà nước và doanh nghiệp

311,0

70,0

70,0

63,0

57,0

51,0

 

Nguồn kinh phí: - Ngân sách địa phương (30%)

103,0

23,0

23,0

21,0

19,0

17,0

 

- Chương trình phát triển TMĐT quốc gia (70%)

208,0

47,0

47,0

42,0

38,0

34,0

2

Phát triển và ứng dụng công nghệ, dịch vụ TMĐT

225,0

45,0

45,0

45,0

45,0

45,0

 

Hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký chữ ký số

225,0

45,0

45,0

45,0

45,0

45,0

 

Nguồn kinh phí: Ngân sách địa phương

225,0

45,0

45,0

45,0

45,0

45,0

3

Củng cố tổ chức, nâng cao hiệu quả và năng lực quản lý nhà nước về TMĐT

236,0

37,2

42,2

47,2

52,2

57,2

a)

Cung cấp, cập nhật thông tin về tiềm năng xuất khẩu của tỉnh và danh bạ doanh nghiệp xuất khẩu trên Cổng thông tin xuất khẩu Việt Nam - VietnamExport

95,0

15,0

15,0

20,0

20,0

25,0

 

Nguồn kinh phí: Ngân sách địa phương

95,0

15,0

15,0

20,0

20,0

25,0

b)

Khai thác thông tin trên cảng thông tin Thị trường nước ngoài

36,0

7,2

7,2

7,2

7,2

7,2

 

Nguồn kinh phí: Ngân sách địa phương

36,0

7,2

7,2

7,2

7,2

7,2

c)

Tổ chức điều tra, thu thập số liệu thống kê về tình hình ứng dụng công nghệ thông tin, TMĐT trên địa bàn tỉnh.

105,0

15,0

20,0

20,0

25,0

25,0

 

Nguồn kinh phí: Ngân sách địa phương

105,0

15,0

20,0

20,0

25,0

25,0

4

Phát triển các sản phẩm, giải pháp TMĐT

698,0

218,0

430,0

-

-

50,0

a)

Nâng cấp, chuyển đổi hệ thống vận hành phần mềm cơ sở dữ liệu về quản lý hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh ứng dụng web application

218,0

218,0

 

 

 

 

 

Nguồn kinh phí: - Ngân sách địa phương (30%)

75,0

15,0

 

 

 

 

 

- Chương trình phát triển TMĐT quốc gia (10%)

143,0

143,0

 

 

 

 

b)

Nâng cấp, mở rộng và duy trì sàn giao dịch TMĐT chuyên ngành đồ gỗ www.binhdinhwood.com theo mô hình B2B2C

380,0

 

380,0

 

 

 

 

Nguồn kinh phí: - Ngân sách địa phương (30%)

114,0

 

114,0

 

 

 

 

- Chương trình phát triển TMĐT quốc gia (10%)

266,0

 

266,0

 

 

 

c)

Nâng cấp, mở rộng và duy trì hệ thống phần mềm cơ sở dữ liệu về quản lý các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh

50,0

 

50,0

 

 

 

 

Nguồn kinh phí: Ngân sách địa phương

50,0

 

50,0

 

 

 

d)

Nâng cấp, mở rộng và duy trì hệ thống phần mềm cơ sở dữ liệu về quản lý thị trường trên địa bàn tỉnh

50,0

 

 

 

 

50,0

 

Nguồn kinh phí: Ngân sách địa phương

50,0

 

 

 

 

50,0

5

Hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ứng dụng TMĐT

1.550,0

310,0

310,0

310,0

310,0

310,0

a)

Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng website TMĐT (10 website/năm)

800,0

160,0

160,0

160,0

160,0

160,0

 

Nguồn kinh phí: - Ngân sách địa phương (30%)

250,0

50,0

50,0

50,0

50,0

50,0

 

- Chương trình phát triển TMĐT quốc gia (70%)

550,0

110,0

110,0

110,0

110,0

110,0

b)

Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng TMĐT thông qua các công cụ kinh doanh điện tử (e-business) (05DN/năm)

375,0

75,0

75,0

75,0

75,0

75,0

 

Nguồn kinh phí: - Ngân sách địa phương (30%)

112,5

22,5

22,5

22,5

22,5

22,5

 

- Chương trình phát triển TMĐT quốc gia (10%)

262,5

52,5

52,5

52,5

52,5

52,5

c)

Hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh TMĐT theo mô hình B2C xây dựng quy trình thu thập thông tin khách hàng thông qua chứng nhận website TMĐT uy tín (SafeWeb) (05DN/năm)

375,0

75,0

75,0

75,0

75,0

75,0

 

Nguồn kinh phí: - Ngân sách địa phương (30%)

112,5

22,5

22,5

22,5

22,5

22,5

 

- Chương trình phát triển TMĐT quốc gia (10%)

262,5

52,5

52,5

52,5

52,5

52,5

6

Khảo sát, học tập kinh nghiệm

200,0

30,0

30,0

80,0

30,0

30,0

a)

Tổ chức các đoàn đi tham quan, khảo sát, học tập kinh nghiệm tại các tỉnh

50,0

 

 

50,0

 

 

 

Nguồn kinh phí: Ngân sách địa phương

50,0

 

 

50,0

 

 

b)

Tham dự hội thảo, tập huấn, hội nghị trong và ngoài nước do các Bộ, ngành tổ chức

150,0

30,0

30,0

30,0

30,0

30,0

 

Nguồn kinh phí: Ngân sách địa phương

150,0

30,0

30,0

30,0

30,0

30,0

 

TỔNG CỘNG

3.531,0

780,2

997,2

608,2

551,2

594,2

 

Trong đó:

 

 

 

 

 

 

 

- Ngân sách địa phương

1.685,0

340,2

434,2

320,2

270,2

320,2

 

- Chương trình phát triển TMĐT quốc gia

1.846,0

440,0

563,0

288,0

281,0

274,0