Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 491/2017/QĐ-UBND

Hải Phòng, ngày 06 tháng 3 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG CÁC CÔNG TRÌNH GHI CÔNG LIỆT SĨ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22/6/2015;

Căn cứ Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng ngày 29/6/2005; Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng ngày 16/7/2012;

Căn cứ Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 09/4/2013 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng; Thông tư Liên tịch số 13/2014/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 03/6/2014 của liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe, cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình đối với người có công với cách mạng và thân nhân; quản lý các công trình ghi công liệt sĩ; Thông tư số 30/2016/TT-BLĐTBXH ngày 25/10/2016 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với cán bộ, công chức, viên chức và người làm công tác quản trang tại các nghĩa trang liệt sĩ;

Xét đề nghị của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 141/TTr-SLĐTBXH ngày 05/12/2016, Báo cáo thẩm định số 62/BCTĐ-STP ngày 19/10/2016 của Sở Tư pháp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý, sử dụng các công trình ghi công liệt sĩ trên địa bàn thành phố Hải Phòng.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 20/3/2017.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc các Sở: Lao động - Thương binh và Xã hội, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài chính, Văn hóa và Thể thao, Tài nguyên và Môi trường, Nội vụ, Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, xã, phường, thị trấn, các tổ chức, cá nhân liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

Nơi nhận:
- Chính phủ;
- Bộ LĐTBXH;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL - BTP;
- TTTU, TT HĐND TP;
- Đoàn ĐBQHTP Hải Phòng;
- CT, các PCT UBND TP;
- Sở Tư pháp;
- Báo Hải Phòng; Cổng TTĐT TP; Đài PTTH Hải Phòng; Công báo thành phố;
- Như Điều 3;
- CPVP;
- Phòng VXNC;
- Lưu: VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT.
CHỦ TỊCH
PHÓ
CHỦ TỊCH




Lê Khắc Nam

 

QUY CHẾ

QUẢN LÝ, SỬ DỤNG CÁC CÔNG TRÌNH GHI CÔNG LIỆT SĨ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 491/2017/QĐ-UBND ngày 06 tháng 3 năm 2017 của Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định việc quản lý, sử dụng các công trình Nghĩa trang liệt sĩ, Đài tưởng niệm liệt sĩ, Nhà bia ghi tên liệt sĩ, Đền thờ liệt sĩ (sau đây gọi chung là các công trình ghi công liệt sĩ) và các hạng mục khác trong công trình ghi công liệt sĩ; thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong công tác quản lý và sử dụng các công trình ghi công liệt sĩ trên địa bàn thành phố Hải Phòng.

2. Đối tượng áp dụng

Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân khi tham gia vào các quan hệ thuộc phạm vi điều chỉnh của Quy chế này.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

1. Các công trình ghi công liệt sĩ được hiểu theo quy định tại Điều 60 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 09/4/2013 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.

2. Các hạng mục khác trong các công trình ghi công liệt sĩ bao gồm: Đài Tổ quốc ghi công, phần mộ liệt sĩ, Nhà bia ghi tên liệt sĩ, vườn hoa, cây cảnh, cổng, hàng rào bảo vệ khuôn viên các công trình ghi công liệt sĩ và các hệ thống điện, nước nằm trong các công trình ghi công liệt sĩ (nếu có).

Chương II

QUẢN LÝ, SỬ DỤNG CÔNG TRÌNH GHI CÔNG LIỆT SĨ

Điều 3. Phân cấp quản lý các công trình ghi công liệt sĩ

1. Công trình ghi công liệt sĩ cấp thành phố (Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ thành phố) do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý theo văn bản giao nhiệm vụ quản lý cụ thể của Ủy ban nhân dân thành phố.

2. Công trình ghi công liệt sĩ các quận, huyện (gọi chung là cấp huyện) do Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý;

3. Công trình ghi công liệt sĩ các xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) do Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý;

4. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội ở cấp huyện; công chức Văn hóa - Xã hội (phụ trách lĩnh vực Lao động - Thương binh và Xã hội) ở cấp xã giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện và cấp xã trong việc quản lý, sử dụng các công trình ghi công liệt sĩ trên địa bàn của địa phương quản lý theo phân công cụ thể của Ủy ban nhân dân cấp huyện và cấp xã.

5. Việc sử dụng các công trình ghi công liệt sĩ phải đảm bảo đúng quy định, đúng mục đích, đúng đối tượng, phù hợp với phong tục tập quán, quy hoạch của từng địa phương và quy hoạch chung của thành phố.

Điều 4. Sử dụng các công trình ghi công liệt sĩ

1. Các công trình ghi công liệt sĩ được sử dụng vào các mục đích sau:

a) Là nơi để an táng hài cốt liệt sĩ, ghi danh, ghi công, tưởng niệm hoặc thờ cúng các liệt sĩ.

b) Tổ chức các sự kiện tưởng niệm, đền ơn đáp nghĩa, sinh hoạt truyền thống cách mạng.

c) Tiếp đón khách đến thăm viếng liệt sĩ.

2. Tùy thuộc vào tính chất, mục đích, nội dung của từng sự việc, cơ quan quản lý các công trình ghi công liệt sĩ thực hiện việc sử dụng các công trình ghi công liệt sĩ đảm bảo đúng nguyên tắc quy định tại Điều 3 của Quy chế này.

Điều 5. Quản lý các công trình ghi công liệt sĩ

1. Các nội dung quản lý các công trình ghi công liệt sĩ bao gồm:

a) Tiếp nhận, tổ chức an táng hài cốt liệt sĩ do các địa phương, đơn vị quy tập bàn giao theo phân cấp quản lý.

b) Lập, quản lý hồ sơ, sơ đồ mộ liệt sĩ, danh sách mộ liệt sĩ; theo dõi, cập nhật quản lý mộ liệt sĩ; lưu giữ và bảo quản hồ sơ mộ liệt sĩ theo quy định.

c) Quản lý, bảo vệ, chăm sóc mộ liệt sĩ và các hạng mục khác trong công trình ghi công liệt sĩ.

d) Tổ chức đón tiếp, hướng dẫn thân nhân liệt sĩ và nhân dân thăm viếng mộ liệt sĩ.

đ) Giải quyết các thủ tục về thăm viếng, giới thiệu thăm viếng, cất bốc, di dời mộ liệt sĩ trong các nghĩa trang liệt sĩ theo thẩm quyền.

e) Phục vụ các lễ viếng nghĩa trang, lễ truy điệu, lễ cầu siêu tổ chức tại nghĩa trang thuộc thẩm quyền quản lý.

g) Lập kế hoạch xây dựng, cải tạo, nâng cấp công trình ghi công liệt sĩ báo cáo cơ quan có thẩm quyền quyết định.

h) Huy động các nguồn hỗ trợ hợp pháp để xây dựng, tôn tạo, nâng cấp, sửa chữa các hạng mục của công trình ghi công liệt sĩ theo thẩm quyền và quy định của pháp luật liên quan.

2. Các cơ quan được phân công quản lý các công trình ghi công liệt sĩ tùy theo quy mô, tính chất của công trình thực hiện bố trí người làm công tác quản trang (đối với cấp thành phố, cấp huyện hoặc cấp xã) hoặc thành lập Ban quản lý hoặc Tổ quản lý các công trình ghi công liệt sĩ (đối với cấp huyện) để thực hiện các nội dung quản lý công trình ghi công liệt sĩ theo quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Đối với các công trình ghi công liệt sĩ đã được xếp hạng di tích theo quy định của pháp luật, cơ quan được phân công quản lý các công trình ghi công liệt sĩ thực hiện việc quản lý trên cơ sở các quy định của pháp luật về quản lý di sản văn hóa, đồng thời đáp ứng được các yêu cầu quản lý của công trình ghi công liệt sĩ. Việc quản lý thuộc lĩnh vực nào do cơ quan quản lý nhà nước lĩnh vực đó hướng dẫn thực hiện nhưng phải đảm bảo sự thống nhất về mục đích và có sự phối hợp trong công tác quản lý.

Chương III

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN, TỔ CHỨC, CÁ NHÂN TRONG VIỆC QUẢN LÝ, SỬ DỤNG CÁC CÔNG TRÌNH GHI CÔNG LIỆT SĨ

Điều 6. Trách nhiệm của cơ quan được phân công quản lý công trình ghi công liệt sĩ

1. Thực hiện các nội dung về quản lý các công trình ghi công liệt sĩ được quy định tại khoản 1, Điều 6 của Quy chế này theo phân cấp quản lý các công trình ghi công liệt sĩ.

2. Phối hợp giải quyết việc tiếp đón, an táng liệt sĩ theo yêu cầu của thân nhân liệt sĩ, người thờ cúng liệt sĩ về địa phương trong trường hợp địa phương đó không có nghĩa trang liệt sĩ (cả ở cấp huyện và cấp xã) để thống nhất thực hiện phù hợp với thẩm quyền quản lý, thực tiễn của địa phương và nguyện vọng chính đáng của thân nhân liệt sĩ.

3. Thực hiện điều phối việc tiếp nhận, an táng hài cốt liệt sĩ về nghĩa trang liệt sĩ thuộc xã khác (trong phạm vi quản lý của cấp huyện), phù hợp với thực tiễn và nguyện vọng của thân nhân liệt sĩ hoặc người thờ cúng liệt sĩ trong trường hợp nghĩa trang nơi thân nhân liệt sĩ, người thờ cúng liệt sĩ đề nghị chuyển mộ liệt sĩ về đã không còn mộ để tiếp nhận hài cốt liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ đó cũng không thể mở rộng thêm diện tích.

4. Quyết định việc phân công người làm công tác quản trang, Ban quản lý hoặc Tổ quản lý nghĩa trang liệt sĩ theo thẩm quyền và phân cấp quy định; quy định nhiệm vụ của người quản trang, nhiệm vụ, cơ cấu, nội dung hoạt động của Ban quản lý hoặc Tổ quản lý phù hợp với tính chất, quy mô của công trình ghi công liệt sĩ và nội dung quản lý của Quy chế này sau khi có ý kiến phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền.

Điều 7. Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân đến viếng, tham quan, sinh hoạt truyền thống tại các công trình ghi công liệt sĩ trên địa bàn thành phố

1. Chấp hành đầy đủ các nội quy, quy định của cơ quan quản lý công trình ghi công liệt sĩ và hướng dẫn của người quản trang.

2. Có trách nhiệm giữ gìn, bảo quản các công trình ghi công liệt sĩ; không tự ý lắp đặt, cải tạo, làm thay đổi kết cấu, thiết kế, mỹ quan của các công trình ghi công liệt sĩ.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 8. Trách nhiệm của các cơ quan nhà nước

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

a) Triển khai, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc thực hiện Quy chế này; theo dõi, tổng hợp và báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố tình hình triển khai thực hiện Quy chế.

b) Tổng hợp nhu cầu và kế hoạch kinh phí xây dựng, sửa chữa, nâng cấp công trình ghi công liệt sĩ hàng năm báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, quyết định.

c) Tham mưu với Ủy ban nhân dân thành phố phân bổ kinh phí do Trung ương hỗ trợ theo quy định hiện hành.

c) Thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với công trình Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ theo phân cấp quản lý.

d) Chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị, địa phương trong việc xây dựng và quản lý các công trình ghi công liệt sĩ.

e) Tham mưu trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt thực hiện chi trả kinh phí phụ cấp người quản trang theo quy định của pháp luật hiện hành.

2. Các Sở, ban, ngành:

Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Ủy ban nhân dân cấp huyện trong việc xây dựng, quản lý, sử dụng các công trình ghi công liệt sĩ trên địa bàn thành phố.

3. Ủy ban nhân dân cấp huyện:

a) Tổ chức triển khai thực hiện Quy chế này tại địa phương; xây dựng quy chế viếng các công trình ghi công liệt sĩ, nội quy quản lý công trình ghi công liệt sĩ tại địa phương theo thẩm quyền quản lý.

b) Tuyên truyền, vận động nhân dân trong việc nâng cao ý thức giữ gìn, bảo quản các công trình ghi công liệt sĩ trên địa bàn.

c) Hàng năm, lập kế hoạch xây dựng, nâng cấp, sửa chữa, duy tu các công trình ghi công liệt sĩ thuộc quyền quản lý gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, quyết định;

d) Bố trí ngân sách địa phương hoặc từ nguồn huy động xã hội hóa từ cộng đồng để bổ sung nguồn vốn xây dựng, nâng cấp, sửa chữa công trình ghi công liệt sĩ thuộc thẩm quyền quản lý.

đ) Phân công người làm công tác quản trang để quản lý, bảo vệ, chăm sóc các công trình ghi công liệt sĩ;

4. Ủy ban nhân dân cấp xã:

a) Tổ chức triển khai thực hiện Quy chế này tại cấp xã; xây dựng quy chế viếng các công trình ghi công liệt sĩ, nội quy quản lý công trình ghi công liệt sĩ tại địa phương theo thẩm quyền và phân cấp quản lý.

b) Tuyên truyền, vận động nhân dân trong việc nâng cao ý thức giữ gìn, bảo quản các công trình ghi công liệt sĩ trên địa bàn.

c) Lập kế hoạch xây dựng, nâng cấp, sửa chữa, duy tu các công trình ghi công liệt sĩ thuộc quyền quản lý để chủ động bố trí ngân sách địa phương và huy động xã hội hóa để duy tu, sửa chữa công trình. Trường hợp vượt quá khả năng của địa phương và nguồn huy động xã hội hóa thì lập kế hoạch gửi Phòng Lao động - Thương binh và Xã Hội để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện để xem xét, giải quyết.

d) Phân công người làm công tác quản trang để quản lý, bảo vệ, chăm sóc các công trình ghi công liệt sĩ.

đ) Tiếp nhận hài cốt liệt sĩ từ địa phương khác theo sự điều phối của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.

5. Các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan khác:

Phối hợp với các cơ quan được phân công quản lý công trình ghi công liệt sĩ để tổ chức thực hiện Quy chế này và các hoạt động có liên quan đến công tác quản lý, sử dụng các công trình ghi công liệt sĩ theo chức năng, nhiệm vụ và phân công của Ủy ban nhân dân thành phố.

Điều 9. Nguồn kinh phí thực hiện

Kinh phí thực hiện quản lý các công trình ghi công liệt sĩ thực hiện theo quy định tại Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 09/4/2013 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng; Thông tư Liên tịch số 13/2014/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 03/6/2014 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe, cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình đối với người có công với cách mạng và thân nhân, quản lý các công trình ghi công Liệt sĩ và các quy định hiện hành khác có liên quan; Thông tư số 30/2016/TT-BLĐTBXH ngày 25/10/2016 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với cán bộ, công chức, viên chức và người làm công tác quản trang tại các Nghĩa trang liệt sĩ và các văn bản có liên quan khác.

Điều 10. Khen thưởng và xử lý vi phạm

1. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích trong quản lý, sử dụng hoặc có những đóng góp tích cực trong việc xây dựng, tu bổ, tôn tạo, nâng cấp các công trình ghi công liệt sĩ được xem xét, khen thưởng theo quy định.

2. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm, phá hoại các công trình ghi công liệt sĩ, tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Điều 11. Điều khoản khác

Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật được viện dẫn trong Quy chế này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện theo hướng dẫn của các văn bản đã được sửa đổi, bổ sung, thay thế./.