Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 49/2012/QĐ-UBND

Đà Nẵng, ngày 16 tháng 11 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH QUẢN LÝ TẠM TRÚ, LƯU TRÚ TẠI DOANH NGHIỆP ĐỐI VỚI CHUYÊN GIA NƯỚC NGOÀI LÀM VIỆC Ở CÁC DOANH NGHIỆP TRONG KHU CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Pháp lệnh số 24/PL/1999/PL-UBTVQH 10 ngày 28 tháng 4 năm 2000 về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam;

Căn cứ Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định về Khu công nghiệp, Khu chế xuất và Khu kinh tế;

Căn cứ Nghị định số 34/2008/NĐ-CP ngày 25 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định về tuyển dụng và quản lý người nước ngoài làm việc tại Việt Nam; Nghị định số 46/2011/NĐ-CP ngày 17 tháng 6 năm 2011 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2008/NĐ-CP;

Theo đề nghị của Trưởng ban Ban Quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất Đà Nẵng tại Tờ trình số 17/TTr-BQL ngày 31 tháng 10 năm 2012,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành Quy định quản lý tạm trú, lưu trú tại các doanh nghiệp đối với chuyên gia người nước ngoài làm việc ở các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Điều 2. Trưởng ban Ban Quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất Đà Nẵng có trách nhiệm phối hợp với các sở, ngành và các cơ quan liên quan tổ chức triển khai thực hiện Quyết định này.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Trưởng ban Ban Quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất Đà Nẵng, Giám đốc Công an thành phố Đà Nẵng; thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Văn Hữu Chiến

 

QUY ĐỊNH

QUẢN LÝ TẠM TRÚ, LƯU TRÚ TẠI DOANH NGHIỆP ĐỐI VỚI CHUYÊN GIA NƯỚC NGOÀI LÀM VIỆC Ở CÁC DOANH NGHIỆP TRONG CÁC KHU CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 49/2012/QĐ-UB ngày 16 tháng 11 năm 2012 của Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Nẵng)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi và đối tượng điều chỉnh

Quy định này quy định việc quản lý tạm trú, lưu trú tại doanh nghiệp đối với chuyên gia nước ngoài làm việc ở các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng;

Quy định này áp dụng đối với Ban Quản lý các Khu công nghiệp & chế xuất Đà Nẵng (Ban Quản lý), Công an thành phố Đà Nẵng, UBND các quận, huyện nơi có khu công nghiệp, các cơ quan liên quan, doanh nghiệp khu công nghiệp và các chuyên gia nước ngoài làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Điều 2. Nguyên tắc thực hiện

Việc tạm trú tại doanh nghiệp của chuyên gia nước ngoài làm việc trong các Khu công nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng phải tuân thủ các quy định tại Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14/03/2008 của Chính phủ về Khu công nghiệp, Khu chế xuất và Khu kinh tế; các quy định của pháp luật Việt Nam về cư trú, nhập cảnh, xuất cảnh.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Quy định này, những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Khu công nghiệp (KCN): Khu công nghiệp được điều chỉnh theo Quy định này bao gồm:

Khu công nghiệp Hòa Khánh;

Khu công nghiệp Liên Chiểu;

Khu công nghiệp Hòa Khánh mở rộng;

Khu công nghiệp Hòa Cầm;

Khu công nghiệp Đà Nẵng;

Khu công nghiệp Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng.

2. Chuyên gia nước ngoài

Chuyên gia nước ngoài là người không có quốc tịch Việt Nam, có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao về dịch vụ, thiết bị nghiên cứu, kỹ thuật hay quản lý (bao gồm kỹ sư hoặc người có trình độ tương đương kỹ sư trở lên, nghệ nhân những ngành nghề truyền thống) và người có nhiều kinh nghiệm trong nghề nghiệp, trong điều hành sản xuất, kinh doanh và những công việc quản lý.

Chuyên gia nước ngoài theo Quy định này bao gồm cả nhà quản lý, giám đốc điều hành và các chuyên gia hướng dẫn kỹ thuật, đào tạo lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong KCN.

3. Doanh nghiệp trong khu công nghiệp: là tổ chức kinh tế có dự án đầu tư, chi nhánh trong KCN theo quy định của pháp luật, nhằm mục đích thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh tại khu công nghiệp.

4. Nơi tạm trú, lưu trú của chuyên gia nước ngoài: là khu vực được bố trí trong khuôn viên dự án đầu tư, nhưng tách biệt với khu vực nhà xưởng sản xuất. Các hạng mục xây dựng phục vụ cho việc tạm trú, lưu trú phải đảm bảo các yêu cầu cơ bản của pháp luật về nhà ở, thuận tiện cho sinh hoạt, các quy định về vệ sinh môi trường, an toàn phòng chống cháy nổ, tạo mỹ quan nơi tạm trú và khu vực lân cận.

Đối với khu nhà có nhiều tầng, công năng sử dụng phức hợp thì việc bố trí các phòng ở cho chuyên gia nước ngoài phải thuộc một hoặc một số tầng riêng, có lối đi và cầu thang riêng (không bố trí nơi ở và nơi làm việc cùng một tầng).

5. Người nước ngoài tạm trú, lưu trú trong khu công nghiệp: là nước ngoài cư trú có thời hạn tại doanh nghiệp trong khu công nghiệp.

Chương II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4. Điều kiện tạm trú, lưu trú tại doanh nghiệp

1. Đối với Doanh nghiệp:

a) Có văn bản đăng ký tạm trú, lưu trú đối với chuyên gia nước ngoài trong doanh nghiệp; việc tạm trú nhằm mục đích để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; cam kết đảm bảo an ninh, trật tự, phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường và không ảnh hưởng đến hoạt động chung, mỹ quan của khu công nghiệp;

b) Lập sơ đồ, bản vẽ nơi tạm trú, lưu trú của chuyên gia nước ngoài tại doanh nghiệp, phải đáp ứng các yêu cầu theo quy định tại Khoản 4 điều 3 của Quy định này.

- Bản sao Giấy phép lao động hoặc văn bản chấp thuận của Ban Quản lý đối với trường hợp người nước ngoài không có Giấy phép lao động;

- Bản sao hộ chiếu, thị thực người nước ngoài;

c) Các giấy tờ quy định tại Điểm a và b Khoản 1 điều này nộp tại Ban Quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất Đà Nẵng.

2. Đối với chuyên gia nước ngoài:

a) Phải tuân thủ thủ tục đăng ký và khai báo tạm trú, lưu trú theo quy định hiện hành về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam;

b) Phải có Giấy phép lao động theo quy định của nhà nước Việt Nam; Trường hợp thuộc đối tượng không phải có Giấy phép lao động theo quy định của pháp luật lao động, thì phải có văn bản chấp thuận của Ban Quản lý.

c) Không kèm theo gia đình và người thân.

Điều 5. Kiểm tra việc đáp ứng điều kiện và giải quyết thủ tục tạm trú, lưu trú

1. Sau khi tiếp nhận hồ sơ xin tạm trú, lưu trú của doanh nghiệp, Ban Quản lý chủ trì, phối hợp với Công ty Phát triển hạ tầng Khu công nghiệp, Công an phường hoặc Đồn Công an khu công nghiệp tổ chức kiểm tra nơi tạm trú, lưu trú, lập biên bản xác nhận hiện trạng để làm cơ sở giải quyết. Ban Quản lý có văn bản đồng ý (hoặc không đồng ý khi không đáp ứng các điều kiện) đề nghị tạm trú, lưu trú của doanh nghiệp.

Trên cơ sở văn bản đồng ý của Ban Quản lý, doanh nghiệp, chuyên gia nước ngoài tiến hành thủ tục đăng ký tạm trú, khai báo lưu trú tại Công an khu công nghiệp nơi doanh nghiệp đóng trụ sở hoặc Công an phường, xã, thị trấn (đối với trường hợp không có Công an khu công nghiệp); khai báo với cơ quan quản lý xuất nhập cảnh có thẩm quyền theo quy định hiện hành.

2. Khi chuyên gia nước ngoài hết thời gian tạm trú, lưu trú hoặc có sự thay đổi về nơi tạm trú, lưu trú, trong thời hạn 10 ngày, doanh nghiệp và chuyên gia nước ngoài phải thông báo bằng văn bản cho Ban Quản lý và cơ quan Công an nơi đã đăng ký tạm trú, lưu trú biết.

3. Thời hạn giải quyết tạm trú, lưu trú như sau:

- Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày doanh nghiệp nộp hồ sơ hợp lệ, Ban Quản lý tổ chức kiểm tra thực tế tại doanh nghiệp;

- Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày kiểm tra tại doanh nghiệp, Ban Quản lý có văn bản thông báo doanh nghiệp về việc tạm trú, lưu trú.

Điều 6. Thời hạn tạm trú, lưu trú

1. Căn cứ vào thời gian làm việc của chuyên gia nước ngoài được ghi trong Giấy phép lao động hoặc văn bản có liên quan và thời gian ghi trong hộ chiếu, Ban Quản lý xem xét đồng ý cho chuyên gia nước ngoài được tạm trú, lưu trú tại doanh nghiệp theo thời hạn sau:

a) Thời hạn dưới 01 tháng (đối với trường hợp lưu trú);

b) Từ 01 tháng đến dưới 03 tháng (tạm trú - đối với trường hợp làm việc dưới 03 tháng không có giấy phép lao động);

c) Từ 03 tháng đến 12 tháng (tạm trú - đối với trường hợp có giấy phép lao động hoặc làm việc trên 03 tháng nhưng không thuộc đối tượng phải có giấy phép lao động ).

2. Khi hết thời hạn tạm trú, nếu cần thiết và đáp ứng các điều kiện theo quy định này, doanh nghiệp có thể đề nghị Ban Quản lý xem xét gia hạn tạm trú.

Điều 7. Trách nhiệm của doanh nghiệp

1. Thực hiện đúng các quy định có liên quan đến việc tổ chức cho chuyên gia nước ngoài tạm trú tại doanh nghiệp.

2. Thực hiện nghiêm túc các cam kết, điều kiện cơ sở vật chất, mục đích theo nội dung quy định này.

3. Hướng dẫn chuyên gia nước ngoài làm thủ tục đăng ký, khai báo tạm trú.

4. Liên đới chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với các hành vi vi phạm của các chuyên gia nước ngoài, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy và hoạt động, mỹ quan của khu công nghiệp.

Điều 8. Trách nhiệm của chuyên gia nước ngoài

1. Tuân thủ các quy định có liên quan đến việc tạm trú tại doanh nghiệp trong khu công nghiệp.

2. Khai báo, cung cấp đầy đủ các thông tin, giấy tờ, hồ sơ tạo điều kiện thuận lợi cho công tác đăng ký, khai báo tạm trú tại doanh nghiệp.

3. Nghiêm cấm các hành vi gây rối an ninh trật tự, các hành vi khác gây ảnh hưởng đến hoạt động chung trong khu công nghiệp.

4. Chịu trách nhiệm trước pháp luật khi có các hành vi vi phạm Quy định này và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Điều 9. Trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về tạm trú, lưu trú

1. Ban Quản lý các Khu công nghiệp & chế xuất Đà Nẵng:

a) Chủ trì, phối hợp với Công an thành phố Đà Nẵng, các cơ quan liên quan triển khai thực hiện Quy định này đến các doanh nghiệp trong khu công nghiệp.

b) Căn cứ Nghị định số 29/2008/NĐ-CP và các nội dung tại Quy định này, trên cơ sở đề xuất của doanh nghiệp, tổ chức kiểm tra tình hình thực tế sản xuất của doanh nghiệp, việc đáp ứng các điều kiện theo quy định để có văn bản đồng ý hoặc không đồng ý cho chuyên gia nước ngoài tạm trú tại doanh nghiệp trong khu công nghiệp (trường hợp không đồng ý phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do).

c) Tổ chức, phối hợp với Công an thành phố Đà Nẵng các cơ quan chức năng kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật có liên quan và các quy định của Quy định này tại doanh nghiệp trong khu công nghiệp.

d) Định kỳ 06 tháng, 01 năm báo cáo UBND thành phố về tình hình tạm trú của chuyên gia nước ngoài trong các khu công nghiệp đồng thời trao đổi với Công an thành phố để phối hợp theo dõi, quản lý.

đ) Tổng hợp những vướng mắc, phát sinh trong quá trình tổ chức quản lý việc tạm trú của các chuyên gia nước ngoài kịp thời, kiến nghị UBND thành phố xem xét, giải quyết.

2. Công an thành phố Đà Nẵng:

a) Hướng dẫn triển khai Quy định này đến Công an quận, huyện, phường, xã và Đồn Công an nơi có khu công nghiệp để thực hiện thống nhất quy trình, thủ tục đăng ký tạm trú, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và các chuyên gia nước ngoài thực hiện đúng quy định.

b) Phối hợp với Ban Quản lý kiểm tra các nội dung khai báo và việc tuân thủ các điều kiện được quy định tại Quy định này và các văn bản pháp luật khác trong quá trình doanh nghiệp, chuyên gia nước ngoài thực hiện việc tạm trú tại doanh nghiệp trong khu công nghiệp.

c) Phối hợp với Ban Quản lý và các cơ quan liên quan đề xuất UBND thành phố Đà Nẵng có biện pháp xử lý hoặc kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi của doanh nghiệp trong khu công nghiệp và chuyên gia nước ngoài vi phạm Quy định này.

d) Thực hiện các biện pháp nhằm bảo đảm tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội trong các khu công nghiệp.

3. UBND các quận, huyện:

a) Tăng cường công tác chỉ đạo và tổ chức triển khai thi hành Quy định này đến UBND các phường, xã trên địa bàn có khu công nghiệp.

b) Thực hiện việc quản lý nhà nước về tạm trú của các chuyên gia nước ngoài tại doanh nghiệp trong khu công nghiệp trên địa bàn theo quy định của Quy định này và các quy định khác của pháp luật liên quan.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 10. Tổ chức thực hiện

1. Những doanh nghiệp có nhu cầu cho chuyên gia nước ngoài tạm trú tại doanh nghiệp (kể cả doanh nghiệp hiện có chuyên gia nước ngoài tạm trú nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép) phải tuân thủ và thực hiện đầy đủ các điều kiện, thủ tục theo Quy định này.

2. Đối với các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đã được cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyên gia nước ngoài tạm trú tại doanh nghiệp trước ngày Quy định này có hiệu lực, thì tiếp tục tạm trú cho thời hạn còn lại, nhưng không quá ngày 31 tháng 12 năm 2012, đồng thời doanh nghiệp phải bổ sung các điều kiện, tiêu chuẩn theo Quy định này.

Từ ngày 01 tháng 01 năm 2013 trở đi, tất cả các trường hợp tạm trú của chuyên gia nước ngoài tại doanh nghiệp trong khu công nghiệp phải tuân thủ theo quy định này.

3. Tổ chức, cá nhân nào chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ các điều kiện, nội dung theo Quy định này thì không được phép bố trí cho chuyên gia nước ngoài tạm trú tại doanh nghiệp trong khu công nghiệp.

Điều 11. Giao Ban Quản lý các Khu công nghiệp & chế xuất Đà Nẵng chủ trì, phối hợp với Công an thành phố Đà Nẵng, các cơ quan liên quan tổ chức triển khai thực hiện Quy định này. Trong quá trình tổ chức, triển khai nếu có phát sinh vướng mắc các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh về Ban Quản lý các Khu công nghiệp & chế xuất Đà Nẵng tổng hợp trình Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng xem xét, quyết định./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 49/2012/QĐ-UBND về Quy định quản lý tạm trú, lưu trú tại doanh nghiệp đối với chuyên gia người nước ngoài làm việc ở doanh nghiệp trong khu công nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng

  • Số hiệu: 49/2012/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 16/11/2012
  • Nơi ban hành: Thành phố Đà Nẵng
  • Người ký: Văn Hữu Chiến
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 26/11/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực
Tải văn bản