Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 49/2001/QĐ-UB

Đà Nẵng, ngày 11 tháng 04 năm 2001

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH THEO MÔ HÌNH “MỘT CỬA” Ở CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC THUỘC THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

ỦY BAN NHÂN DÂN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân (sửa đổi) ngày 21 tháng 6 năm 1994;

Căn cứ Nghị quyết số 38/CP ngày 04 tháng 5 năm 1994 của Chính phủ về cải cách một bước thủ tục hành chính trong việc giải quyết công việc của công dân và tổ chức;

Căn cứ Quyết định số 13/2001/QĐ-TTg ngày 18 tháng 01 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chương trình cải cách hành chính của Chính phủ năm 2001;

Căn cứ Nghị quyết phiên họp UBND thành phố thường kỳ tháng 3 năm 2001;

Theo đề nghị của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính thành phố và Trưởng ban Ban Tổ chức chính quyền thành phố Đà Nẵng,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Phê duyệt Đề án Cải cách thủ tục hành chính theo mô hình “một cửa” ở các cơ quan Nhà nước thuộc thành phố Đà Nẵng.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Giao trách nhiệm cho Ban Chỉ đạo cải cách hành chính thành phố giúp UBND thành phố chỉ đạo, triển khai và kiểm trả tình hình thực hiện Đề án này.

Điều 4. Chánh Văn phòng UBND thành phố, Trưởng ban Ban Tổ chức chính quyền, Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn, Giám đốc các Doanh nghiệp thuộc UBND thành phố, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính thành phố, Chủ tịch UBND các quận, huyện, xã, phường, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi gửi:
- Như điều 4
- Chính phủ,
- Ban TC-CB Chính phủ,
- Ban Thường vụ Thành ủy,
- TTHĐND TP;
- CT, các PCV UBND TP;
- Ban Tuyên giáo Thành ủy;
- UBMT và các đoàn thể TP,
- Điện lực, Bưu điện, Cục thuế TP;
- Hải quan, Công an TP;
- Các báo, đài;
- Lưu VPUB, TCCQ.

TM. UBND THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
CHỦ TỊCH




Nguyễn Bá Thanh

 

ĐỀ ÁN

CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH THEO MÔ HÌNH "MỘT CỬA" Ở CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC THUỘC THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
(Kèm theo Quyết định số 49/2001/QĐ-UB ngày 11 tháng 4 năm 2001 của UBND thành phố Đà Nẵng)

Phần 1.

THỰC TRẠNG VỀ CÔNG TÁC CẢI CÁCH THỤ TỤC HÀNH CHÍNH Ở THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG TRONG THỜI GIAN QUA

I. THỰC TRẠNG:

Xuất phát từ nhận thức về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công tác xây dựng và hoàn thiện bộ máy Nhà nước trong giai đoạn hiện nay, sau khi trở thành một đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, thành phố Đà Nẵng đã tiến hành thực hiện công tác cải cách hành chính, trong đó chú trọng đến khâu cải cách các thủ tục hành chính và đã đạt được một số kết quả bước đầu:

- Ủy ban nhân dân thành phố đã tiến hành sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn. Hiện ở cấp thành phố có 23 Sở, Ban, Ngành và ở cấp quận, huyện có 9 - 10 Phòng chuyên môn . Một số Sở được sắp xếp theo hướng quản lý đa ngành, đa lĩnh vực như : Sở Thủy sản - Nông lâm, Sở Địa chính - Nhà đất.

- Các cấp, các ngành đã  tiến hành rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật. Qua đó, UBND thành phố đã kiến nghị Trung ương bãi bỏ hoặc bổ sung 18 văn bản không còn phù hợp. Tại địa phương, UBND thành phố đã Quyết định hủy bỏ 32 văn bản, sửa đổi bổ sung 29 văn bản không còn phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

- Cải cách thủ tục hành chính có tiến bộ, UBND thành phố đã ban hành Chỉ thị 06/2000/CT-UB ngày 25 tháng 02 năm 2000 về việc tăng cường các biện pháp đẩy mạnh việc giải quyết các yêu cầu của công dân, tổ chức ở quận, huyện, xã, phường trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Những lĩnh vực đã thực hiện tương đối tốt về cải cách thủ tục hành chính như: Địa chính - Nhà đất, cấp giấy phép xây dựng, sửa chữa nhà ở, cấp giấy phép đăng ký kinh doanh, cấp giấy phép ưu đãi đầu tư...  Bước đầu, đã tổ chức thực hiện mô hình "một cửa" ở một số lĩnh vực như : cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất ở (Tổ 60/CP), xúc tiến đầu tư, cấp giấy phép đăng ký kinh doanh, cấp giấy phép đặt Chi nhánh, Văn phòng đại diện.

- Công tác tiếp dân, giải quyết các thắc mắc, khiếu nại tố cáo của công dân tương đối kịp thời, không để xảy ra điểm nóng.

Tuy nhiên, công tác cải cách thủ tục hành chính của thành phố Đà Nẵng vẫn còn những tồn tại, yếu kém:

- Một số cơ quan, đơn vị chưa xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của mình, hoạt động còn chồng chéo, chưa phát huy tốt vai trò tham  mưu cho UBND thành phố.

- Công tác cán bộ chưa được đổi mới một cách căn bản, còn thiếu mạnh dạn trong việc luân chuyển, thay thế, trẻ hóa cán bộ. Công tác quy hoạch cán bộ mới chỉ thực hiện ở các chức danh lãnh đạo, quản lý chủ chốt. Công tác đào tạo, đào tạo lại chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ, công chức .

- Cải cách thủ tục hành chính có tiến bộ nhưng còn chậm, kết quả chưa nhiều, mô hình "một cửa" mới làm thí điểm ở một số ít cơ quan, lĩnh vực. Song chuyển biến chưa đáng kể, chưa loại trừ hết những thủ tục phiền hà cho nhân dân, gây trở ngại cho việc sản xuất - kinh doanh. Một số ngành và địa phương vẫn còn đặt ra các thủ tục hành chính không đúng với quy định của pháp luật, thủ tục hành chính chưa được công khai đầy đủ, rõ ràng, việc giải quyết các nhu cầu của công dân và tổ chức còn chậm trễ. Kỷ luật hành chính chưa nghiêm. Tệ cửa quyền, nhũng nhiễu của một số cán bộ, công chức chưa được phát hiện và xử lý kịp thời.

Nguyên nhân của những tồn tại, yếu kém  trên là :

- Sự chỉ đạo và tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành còn thiếu tập trung, chưa đồng bộ. Thủ trưởng các đơn vị chưa có quyết tâm cao.

- Trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức còn bất cập, kỹ năng hành chính còn yếu, lề lối, phong cách làm việc chậm đổi mới, còn ảnh hưởng bởi cơ chế bao cấp.

- Chưa làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính của các ngành, các địa phương, chưa sơ kết rút kinh nghiệm để xây dựng mô hình hợp lý và nhân rộng trên địa bàn. Chưa có cơ chế thích hợp để động viên khen thưởng kịp thời cũng như chưa xử lý kỷ luật một cách triệt để, nghiêm minh đối với những công chức chây lười, vi phạm hành chính hoặc không hoàn thành nhiệm vụ.

Phần 2.

CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH THEO MÔ HÌNH "MỘT CỬA"

I. SỰ CẦN THIẾT PHẢI TIẾN HÀNH CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH:

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 của BCH TW Đảng (khoá VIII) đã chỉ rõ: "Tiếp tục cải cách nền hành chính Nhà nước là yêu cầu bức xúc và là trọng tâm của việc xây dựng Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam".

- Cải cách  hành chính nói chung, cải cách thủ tục hành chính nói riêng  không những là một yêu cầu bức xúc mà đó còn là sự đòi hỏi khách quan trong công cuộc đổi mới đất nước  hiện nay. 

- Tiến hành cải cách thủ tục hành chính ở các công sở là nhằm giải quyết công việc của công dân, tổ chức được nhanh chóng, kịp thời, đảm bảo đúng pháp luật; chống phiền hà, nhũng nhiễu với nhân dân.

- Thông qua cải cách thủ tục hành chính, tiến hành sắp xếp lại tổ chức bộ máy, đánh giá đúng thực trạng cán bộ, công chức. Từ đó, có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức đủ năng lực, phẩm chất để phục vụ nhân dân.

II. QUY ĐỊNH CHUNG VỀ CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH THEO MÔ HÌNH "MỘT CỬA".

- Thực hiện mô hình "một cửa" là nguyên tắc giải quyết  các yêu cầu của công dân và tổ chức thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi Sở, Ban, ngành, UBND quận, huyện, xã, phường bao gồm : tiếp nhận hồ sơ, trả lại kết quả chỉ thông qua một địa điểm (một cửa) duy nhất do bộ phận tiếp nhận và trả hồ sơ thực hiện.

- Mọi công việc kiểm tra, xem xét, xử lý giải quyết hồ sơ thuộc yêu cầu của công dân và tổ chức là trách nhiệm của cơ quan hành chính sự nghiệp có thẩm quyền. Tổ chức và công dân không phải đi lại nhiều nơi.

- Giải quyết các yêu cầu về hành chính của công dân và tổ chức nhanh chóng, kịp thời, đúng thời hạn quy định, đúng pháp luật; chống phiền hà, nhũng nhiễu với nhân dân và tổ chức.

- Các cơ quan Nhà nước bao gồm UBND xã, phường, quận, huyện, thành phố, các cơ quan hành chính, tổ chức sự nghiệp thuộc thành phố  Đà Nẵng phải tiến hành cải cách thủ tục hành chính theo mô hình " một cửa" trong việc giải quyết công việc của công dân và tổ chức. Trong đó, tập trung ở một số lĩnh vực : Thủ tục thu hút đầu tư; cấp giấy phép ưu đãi đầu tư; Hải quan, Cấp phát tài chính; Trước bạ; Cấp giấy phép xây dựng và sửa chữa nhà ở, Cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất ở, Cho thuê nhà và đất; Đăng ký kinh doanh hành nghề; Cấp giấy phép quảng cáo; Cấp nước; Công chứng, Hộ tịch; Điện lực; Bưu điện.

III. QUY TRÌNH  VÀ GIẢI PHÁP CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH THEO MÔ HÌNH "MỘT CỬA"

1. Quy trình cải cách thủ tục hành chính theo mô hình một cửa tại "Tổ tiếp nhận và trả hồ sơ".

a. Đối với những công việc thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND xã, phường:

Uỷ ban nhân dân xã, phường cử một cán bộ có phẩm chất và năng lực trực tiếp "tiếp nhận và trả hồ sơ". Đối với UBND xã, cán bộ này là Uỷ viên phụ trách văn phòng; Đối với UBND phường, cán bộ này là cán bộ văn phòng-Thống kê tổng hợp.

Cán bộ "tiếp nhận và trả hồ sơ" có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ của công dân, tổ chức chuyển đến các bộ phận chuyên môn có liên quan. Bộ phận chuyên môn có trách nhiệm nghiên cứu, xử lý và trình lãnh đạo UBND xã, phường giải quyết. Hồ sơ sau khi được giải quyết xong, chuyển cho cán bộ "tiếp nhận và trả hồ sơ" để trả kết quả cho công dân và tổ chức đúng thời hạn theo giấy hẹn và lưu trữ đúng quy định.

b. Đối với những công việc thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND quận, huyện:

Tổ "tiếp nhận và trả hồ sơ" trực thuộc Văn phòng UBND quận, huyện có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ của công dân, tổ chức và chuyển đến phòng chuyên môn chịu trách nhiệm chính thuộc UBND quận, huyện nghiên cứu xử lý hoặc đề xuất xử lý. Những công việc liên quan đến nhiều phòng chuyên môn khác thì phòng chuyên môn chính có trách nhiệm liên hệ phối hợp trước khi xử lý và chuyển Văn phòng UBND quận, huyện để trình lãnh đạo UBND quận, huyện giải quyết. Sau khi giải quyết, hồ sơ phải được chuyển lại cho Phòng chuyên môn chịu trách nhiệm chính để lưu trữ rồi chuyển về “Tổ tiếp nhận và trả hồ sơ" để trả  kết quả cho công dân, tổ chức đúng thời hạn theo giấy hẹn.

- Sơ đồ tóm lược:

Đối với những công việc thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND quận, huyện nhưng cần có ý kiến của các Sở chuyên ngành hoặc ngược lại thì Tổ tiếp nhận hướng dẫn và có phiếu chuyển để công dân và tổ chức tự liên hệ giải quyết .

c. Đối với những công việc thuộc thẩm quyền giải quyết của các Sở, Ban, Ngành (gọi tắt là Sở):

Tổ "tiếp nhận và trả hồ sơ" trực thuộc Văn phòng Sở hoặc Phòng Tổng hợp- Hành chính của Sở có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ của công dân, tổ chức và chuyển đến Phòng chuyên môn chính thuộc Sở nghiên cứu xử lý.

* Đối với những công việc thuộc thẩm quyền giải quyết của lãnh đạo Sở thì Phòng chuyên môn chính chịu trách nhiệm nghiên cứu đề xuất xử lý hoặc liên hệ với các Phòng chuyên môn khác thuộc nội bộ Sở để phối hợp giải quyết công việc và sau đó trình lãnh đạo Sở quyết định. Khi lãnh đạo Sở quyết định xong, hồ sơ được chuyển về Tổ "tiếp nhận và trả hồ sơ" để trả lại cho công dân và tổ chức đúng thời hạn theo giấy hẹn. Hồ sơ phải được lưu trữ theo quy định.

* Đối với những công việc có liên quan đến các Sở khác thì Phòng chuyên môn chính của Sở chịu trách nhiệm liên hệ với các sở liên quan để phối hợp, xử lý và sau đó trình lãnh đạo Sở quyết định. Khi lãnh đạo Sở quyết định xong, hồ sơ  được chuyển về Tổ "tiếp nhận và trả hồ sơ "để trả lại cho công dân và tổ chức đúng thời hạn theo giấy hẹn. Hồ sơ phải được lưu trữ theo quy định. Công dân và tổ chức không phải tự liên hệ với nhiều Sở liên quan khác.

đồ tóm lược:

d. Đối với những công việc thuộc thẩm quyền quyết định của UBND thành phố:

* Nếu công việc chỉ liên quan đến một Sở thì sau khi hoàn tất các thủ tục hành chính theo mô hình "một cửa" tại sở, lãnh đạo Sở ký trình UBND thành phố quyết định. Hồ sơ sau khi được UBND thành phố giải quyết xong, Văn phòng UBND thành phố chuyển về Sở  đã trình để lưu trữ và chuyển lại Tổ "tiếp nhận và trả hồ sơ", sau đó trả lại cho công dân và tổ chức theo đúng giấy hẹn .

* Nếu công việc có liên quan đến nhiều Sở thì Phòng chuyên môn chính của Sở chịu trách nhiệm liên hệ với các Sở liên quan để phối hợp xử lý, sau đó  hoàn chỉnh thủ tục đề xuất lãnh đạo Sở ký trình UBND thành phố quyết định.

Sơ đồ tóm lược:

Phối hợp

Thực hiện phương án nói trên sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công dân và tổ chức,  giảm được phiền hà do không phải trao đổi, tiếp xúc, gặp gỡ trực tiếp người xử lý công việc hoặc phải đi lại nhiều lần, nhiều nơi, nhiều cơ quan như trước đây.

2. Các giải pháp để thực hiện cải cách thủ tục hành chính theo mô hình "một cửa":

- Công khai thủ tục hành chính : Tại nơi tiếp nhận hồ sơ các cơ quan giải quyết công việc có liên quan đến yêu cầu của công dân, tổ chức phải niêm yết công khai các nội dung sau:

a. Ngày nhận, trả hồ sơ trong tuần.

b. Hồ sơ, giấy tờ liên quan.

c. Quy trình giải quyết (nếu liên quan đến nhiều cơ quan).

d. Thời hạn giải quyết.

e. Phí và lệ phí theo quy định của Nhà nước.

f. Các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

g. Bộ phận trực tiếp giải quyết công việc.

Những nội dung trên phải được viết chữ to, rõ ràng tại địa điểm trực tiếp giải quyết công việc.

- Tăng cường cán bộ cho Tổ tiếp nhận hồ sơ : Tổ tiếp nhận phải được bố trí những cán bộ, công chức Nhà nước có đủ năng lực nghiệp vụ chuyên môn và đạo đức phẩm chất, am hiểu công việc, hiểu biết pháp luật, thông thạo kỹ năng hành chính, thái độ phục vụ ân cần, tận tình chu đáo với công dân và tổ chức.

- Quy định rõ trách nhiệm và quy trình xử lý công việc : Cán bộ, công chức khi tiếp nhận hồ sơ phải kiểm tra các loại giấy tờ cần thiết theo đúng quy định, giải thích hướng dẫn đầy đủ một lần các thủ tục, giấy tờ cần bổ sung bằng phiếu hướng dẫn. Chỉ tiếp nhận hồ sơ và cấp biên nhận cho công dân, tổ chức khi hồ sơ đã đầy đủ các giấy tờ cần thiết theo quy định. Biên nhận phải ghi rõ họ tên người nhận, thời gian nhận, các loại giấy tờ đã nhận và thời hạn trả lời kết quả giải quyết.

Cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ tiếp nhận và xử lý công việc phải chịu trách nhiệm bảo quản hồ sơ của công dân, tổ chức. Nghiêm cấm các hành vi tuỳ tiện xử lý sai, thất lạc hồ sơ, gây thiệt hại cho công dân và tổ chức. Mọi hành vi vi phạm đều phải xử lý kỷ luật theo quy định hiện hành

- Bố trí địa điểm tiếp nhận hồ sơ, trang bị phương tiện làm việc đầy đủ, sắp xếp sơ đồ vị trí làm việc khoa học, giải quyết công việc theo phương pháp liên hoàn, khép kín, tạo mọi sự thuận lợi cho công dân và tổ chức.

Phần 3.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Tăng cường sự chỉ đạo điều hành với quyết tâm cao của các cấp, các ngành trước hết đối với các Thủ trưởng cơ quan, đơn vị.  Phải coi công tác cải cách thủ tục hành chính là nhiệm vụ trọng tâm,  gắn liền với toàn bộ hoạt động chỉ đạo điều hành của cơ quan hành chính các cấp.

2. Sắp xếp ổn định tổ chức bộ máy của các Sở, Ban, Ngành, UBND quận, huyện theo hướng tinh gọn, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ đã quy định, loại bỏ các khâu trung gian tầng nấc, hoạt động thống nhất, thông suốt và đạt hiệu quả cao.

3. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có ý thức trách nhiệm, có năng lực và phẩm chất tốt, nâng cao kỹ năng hành chính, tận tâm, tận tụy phục vụ nhân dân.

4. Từng địa phương, đơn vị tiến hành rà soát, đánh giá công tác cải cách thủ tục hành chính ở địa phương mình.

- Đối với các Sở, Ban, Ngành và UBND các quận, huyện tiến hành xây dựng Đề án cải cách thủ tục hành chính theo mô hình "một cửa", bố trí bộ phận tiếp nhận hồ sơ; Đề án phải nêu rõ quy trình giải quyết từng loại công việc một cách cụ thể, thời hạn giải quyết, xử lý các mối quan hệ trong nội bộ cơ quan cũng như đối với các đơn vị có liên quan để trình UBND thành phố (qua Ban Chỉ đạo cải cách hành chính) phê duyệt trước 15 tháng 6 năm 2001.

- Các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở, xây dựng Đề án cải cách thủ tục hành chính theo mô hình "một cửa" trình Giám đốc Sở phê duyệt để tổ chức thực hiện.

- Uỷ ban nhân dân cấp Xã, Phường  xây dựng Đề án thực hiện cải cách thủ tục hành chính theo mô hình "một cửa" trình Chủ tịch UBND quận, huyện phê duyệt trước 15 tháng 6 năm 2001.

- UBND phường Nam Dương thuộc quận Hải Châu, UBND quận Hải Châu, Sở Xây dựng và Sở Tư pháp là những đơn vị, địa phương được chọn làm trước phải xây dựng Đề án xong trước ngày 15 tháng 5 năm 2001 để phê duyệt và triển khai thực hiện từ ngày 01 tháng 6 năm 2001.

- Tất cả các cơ quan Nhà nước thuộc thành phố Đà Nẵng sẽ triển khai thực hiện thủ tục hành chính theo mô hình "một cửa" kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2001.

5. Các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có trách nhiệm phổ biến, tuyên truyền việc thực hiện thủ tục cải cách hành chính theo mô hình "một cửa" ở các cơ quan Nhà nước thuộc thành phố Đà Nẵng để nhân dân biết và giám sát việc thực hiện.

6. Ban Chỉ đạo cải cách hành chính thành phố xây dựng kế hoạch theo dõi, đôn đốc, giám sát, kiểm tra việc thực hiện của các cơ quan, đơn vị sau khi Đề án được UBND thành phố thông qua. Định kỳ hàng tháng, hàng quý phải báo cáo UBND thành phố việc thực hiện đề án cải cách thủ tục hành chính theo mô hình "một cửa" ở các cơ quan Nhà nước thuộc thành phố Đà Nẵng nhằm phát hiện các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm, đề xuất UBND thành phố kịp thời xử lý đồng thời đề xuất khen thưởng những đơn vị, địa phương thực hiện tốt.

7. Cuối năm 2001, tiến hành sơ kết rút kinh nghiệm, tiếp tục hoàn chỉnh Đề án./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 49/2001/QĐ-UB phê duyệt Đề án Cải cách thủ tục hành chính theo mô hình “một cửa” ở cơ quan Nhà nước thuộc thành phố Đà Nẵng do Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng ban hành

  • Số hiệu: 49/2001/QĐ-UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 11/04/2001
  • Nơi ban hành: Thành phố Đà Nẵng
  • Người ký: Nguyễn Bá Thanh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 11/04/2001
  • Ngày hết hiệu lực: 05/06/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản