Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 487/QĐ-UBND | Quy Nhơn, ngày 06 tháng 7 năm 2009 |
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY HOẠCH BÁO CHÍ IN TỈNH BÌNH ĐỊNH ĐẾN NĂM 2020
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Báo chí và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí ngày 12 tháng 6 năm 1999;
Căn cứ Quyết định số 388/QĐ-TTg ngày 13/5/2005 và Chỉ thị số 37/2006/CT-TTg ngày 29/11/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị về một số biện pháp tăng cường lãnh đạo và quản lý báo chí;
Căn cứ Văn bản số 4295/BTTTT-CBC ngày 30/12/2008 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc Hướng dẫn tổ chức thực hiện công tác quy hoạch, sắp xếp lại mạng lưới báo chí in toàn quốc;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy hoạch báo chí in tỉnh Bình Định đến năm 2020”.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
BÁO CHÍ IN TỈNH BÌNH ĐỊNH ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 487/QĐ-UBND ngày 06/7/2009 của UBND tỉnh)
Báo chí in là công cụ chính trị, tư tưởng của Đảng, Nhà nước, của các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội và là diễn đàn của nhân dân. Thời gian qua báo chí in ở Bình Định đã phát triển khá, chuyển tải những chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với cán bộ, nhân dân; nội dung phong phú, hình thức đẹp, khuôn khổ đúng quy định của pháp luật, phục vụ nhu cầu đọc của cán bộ, nhân dân trong tỉnh. Tuy nhiên một số báo chí in ở Bình Định chưa nghiêm túc thực hiện đúng quy định của Luật báo chí, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí và các văn bản pháp quy của Nhà nước; đối tượng phục vụ không nhiều, chất lượng nội dung thấp, nội dung trùng lặp, kinh phí sử dụng hầu hết dựa vào ngân sách nhà nước…Với những thuận lợi, vướng mắc như vậy cần phải có quy hoạch, sắp xếp lại mạng lưới in cho phù hợp với nhu cầu bạn đọc và phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh;
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ban Thường vụ Tỉnh Ủy và Hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông; Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng “Quy hoạch, sắp xếp lại mạng lưới báo chí in tỉnh Bình Định giai đoạn 2009 – 2020” nhằm phát triển hệ thống báo chí in ở địa phương phù hợp với quy hoạch chung của cả nước và điều kiện phát triển cụ thể của tỉnh.
TÌNH HÌNH HOẠT ĐỘNG BÁO CHÍ IN
I. Thực trạng mạng lưới báo chí in tỉnh Bình Định thời gian qua.
1. Tình hình và hoạt động của các cơ quan báo chí in.
Thực hiện chủ trương của Chính phủ, từ năm 2000 tỉnh đã có báo cáo Quy hoạch báo chí in và được Bộ Văn hóa - Thông tin đồng ý cấp phép gồm có 7 đơn vị: Báo Bình Định, Tạp chí Văn nghệ Bình Định, Tạp chí Văn hóa Bình Định, Tạp chí Khoa học và công nghệ, Tạp chí Người làm báo Bình Định, Tạp chí Nguyệt san Bình Định và Tạp chí Công đoàn Bình Định (Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép cuối năm 2008). Bên cạnh các cơ quan báo chí in của tỉnh, còn có các đơn vị báo chí in ở Trung ương, các tỉnh, thành phố đặt văn phòng đại diện tại thành phố Quy Nhơn như: Thông tấn xã Việt Nam, báo Thanh niên, báo Tuổi trẻ, báo Đời sống và Pháp luật; phóng viên đăng ký hoạt động tại Bình Định của một số báo như: Nhân dân, Lao động, Nông nghiệp Việt Nam, Dân số và Gia đình, Tiền phong, Du lịch.
Các báo được in ở Bình Định để phát hành nhanh trong tỉnh và khu vực gồm có: báo Nhân dân, Thanh niên, Tuổi trẻ, Bóng đá, Lao động, Thể thao hàng ngày, Thể thao thành phố Hồ Chí Minh.
Trên địa bàn tỉnh hiện nay có 8 đơn vị ra bản tin định kỳ do Sở Thông tin và Truyền thông cấp phép (theo sự Ủy quyền của Bộ Thông tin và Truyền thông và UBND tỉnh) gồm: Bản tin Thông báo nội bộ của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Bản tin Hội đồng nhân dân tỉnh, Bản tin Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bản tin Sở Y tế, Bản tin Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bản tin Sở Tư pháp, Bản tin Sở Thông tin và Truyền thông, Bản tin Sở Công thương.
Ngoài báo chí in, ở Bình Định còn có nhu cầu lớn về xuất bản các tài liệu tuyên truyền phục vụ các nhiệm vụ chính trị như: Lịch sử Đảng bộ các cấp, thông báo khoa học, tập san, kỷ yếu kỷ niệm ngày thành lập cơ quan, đơn vị, các tài liệu lịch sử-chính trị địa phương, các tài liệu nghiên cứu, giới thiệu lịch sử, văn hóa-nghệ thuật...
Nhìn chung sau 8 năm thực hiện Quy hoạch báo chí, cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý báo chí đã tạo điều kiện cho báo chí in địa phương phát triển, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị, tư tưởng, văn hóa góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Báo chí in đã phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, biểu dương phong trào thi đua yêu nước, đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí và các tệ nạn xã hội, đã góp phần tích cực trong việc cập nhật thông tin đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của nhân dân, đảm đương tốt vai trò là tiếng nói của Đảng và Nhà nước, đồng thời là diễn đàn để các tầng lớp nhân dân tham gia ý kiến xây dựng, bảo vệ đất nước, xây dựng tỉnh nhà. Cụ thể như sau:
1.1. Báo Bình Định (thuộc Tỉnh ủy Bình Định) trong 10 năm trở lại đây, báo Bình Định liên tục tăng số lượng, chỉ số phát hành đáng kể, từ 4 kỳ/tuần đến nay tăng lên 7 kỳ/tuần, trở thành một trong những số ít tỉnh trong khu vực ra nhật báo; mỗi ngày phát hành 6.700 tờ; khuôn khổ 28 x 41 cm; nội dung tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phản ánh tâm tư nguyện vọng và đóng góp ý kiến của nhân dân, đáp ứng nhu cầu của bạn đọc; hình thức đẹp, hấp dẫn được phát hành qua bưu điện và tự phát hành. Nguồn nhân lực: tổng số cán bộ công chức 58 người (trong đó có 40 hội viên Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Bình Định, 19 phóng viên, biên tập viên được Bộ TT&TT cấp thẻ nhà báo); đối tượng phục vụ rộng rãi cho cán bộ, nhân dân trong tỉnh. Kinh phí hoạt động do ngân sách tỉnh cấp 100%.
1.2. Tạp chí Nguyệt san Bình Định (thuộc cơ quan Báo Bình Định) định kỳ xuất bản 1 kỳ/tháng, mỗi số phát hành 2.500 bản; hình thức đẹp, khuôn khổ 19 x 28 cm; nội dung tuyên truyền các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước và những hoạt động văn hóa-xã hội trong tỉnh; đối tượng phục vụ các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, các doanh nghiệp, cán bộ, công nhân, viên chức, nhân dân; hình thức phát hành qua bưu điện, tự phát hành; nguồn nhân lực: biên tập viên và phóng viên nằm trong biên chế của Báo Bình Định. Kinh phí hoạt động của cơ quan 100 %.
1.3. Tạp chí Văn nghệ Bình Định (thuộc Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh) định kỳ xuất bản 2 tháng/kỳ, mỗi số phát hành 600 bản; hình thức đẹp; khuôn khổ 16 x 24; nội dung tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phản ánh các hoạt động văn học - nghệ thuật của tỉnh Bình Định, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và địa phương. Nguồn nhân lực: tổng số cán bộ công chức 09 người, (trong đó 9 hội viên Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Bình Định, 5 phóng viên, biên tập viên được Bộ TT&TT cấp thẻ nhà báo); đối tượng phục vụ cán bộ, hội viên Hội VH-NT trong tỉnh và bạn đọc cả nước, giao lưu gửi tặng Hội Văn học-Nghệ thuật các tỉnh, thành phố trong cả nước; hình thức phát hành qua bưu điện, tự phát hành. Kinh phí hoạt động do ngân sách tỉnh cấp 100%.
1.4. Tạp chí Văn hóa Bình Định (thuộc Sở Văn hóa,Thể thao và Du lịch), định kỳ xuất bản 3 tháng/kỳ, mỗi số phát hành 1.000 bản; hình thức đẹp, trang nhã; khuôn khổ 18 x 26 cm; nội dung tuyên truyền các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, nhiệm vụ quản lý nhà nước, hướng dẫn nghiệp vụ chuyên ngành, khai thác và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và các giá trị văn hóa, thể thao, du lịch của tỉnh, tinh hoa văn hóa trong nước và thế giới, phản ánh các hoạt động văn hóa của tỉnh. Nguồn nhân lực: tổng số cán bộ công chức 06 người (có 06 hội viên Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Bình Định, 4 biên tập và phóng viên được Bộ TT&TT cấp thẻ nhà báo); đối tượng phục vụ cán bộ, nhân dân trong tỉnh, cán bộ trong ngành; hình thức phát hành qua bưu điện, tự phát hành. Kinh phí hoạt động do ngân sách tỉnh cấp 100%.
1.5. Tạp chí Khoa học - Công nghệ Bình Định (thuộc Sở Khoa học Công nghệ) định kỳ xuất bản 1 tháng/kỳ, mỗi số phát hành 1.500 bản; hình thức được, khuôn khổ 19 x 27; nội dung tuyên truyền các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất trong công nghiệp, nông, lâm, ngư nghiệp. Nguồn nhân lực: tổng số cán bộ, công chức 04 người (có 2 hội viên Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Bình Định, một phó Tổng biên tập được Bộ TT&TT cấp thẻ nhà báo); đối tượng phục vụ cán bộ lãnh đạo tỉnh, huyện, các ban ngành, đoàn thể của tỉnh, các trường đại học, cao đẳng, các nhà nghiên cứu khoa học, nhân dân; hình thức phát hành qua bưu điện, tự phát hành. Kinh phí hoạt động do ngân sách tỉnh cấp 100% .
1.6. Tạp chí Người làm báo Bình Định (thuộc Hội Nhà báo tỉnh) định kỳ xuất bản 3 tháng/kỳ, mỗi số phát hành 500 bản; hình thức, khuôn khổ 20 x 28cm; nội dung tuyên truyền các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước trên lĩnh vực báo chí. Nguồn nhân lực: tổng số cán bộ công chức 04 người (có 03 hội viên Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Bình Định, 2 biên tập viên được Bộ TT&TT cấp thẻ nhà báo); đối tượng phục vụ cán bộ lãnh đạo tỉnh, huyện, các ban ngành, đoàn thể của tỉnh và hội viên Hội nhà báo; phát hành qua bưu điện, tự phát hành. Kinh phí hoạt động do ngân sách tỉnh cấp 100% .
1.7. Tạp chí Công đoàn Bình Định (thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Định) định kỳ xuất bản 1 tháng/kỳ, mỗi số phát hành 2.500 bản; hình thức được, khuôn khổ 20 x 28 cm; nội dung tuyên truyền các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước và của tổ chức công đoàn, thông tin, phản ánh các hoạt động, phong trào công nhân, viên chức lao động và hoạt động công đoàn. Nguồn nhân lực: tổng số cán bộ công chức 07 người (chưa có hội viên Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Bình Định và chưa có biên tập viên, phóng viên được Bộ TT&TT cấp thẻ nhà báo). Đối tượng phục vụ các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, các doanh nghiệp, cán bộ, công nhân, viên chức, đoàn viên công đoàn người lao động; hình thức phát hành qua bưu điện, tự phát hành. Kinh phí hoạt động do ngân sách nhà nước cấp 10%, tự chủ về tài chính của cơ quan 90%.
1.8. Các bản tin gồm có:
- Bản tin Sản xuất và thị trường Nông lâm thủy sản (thuộc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn) định kỳ xuất bản 04 số/tháng, mỗi số phát hành 1.010 bản. Bản tin Công thương (thuộc Sở Công thương tỉnh) định kỳ xuất bản 01 số/tháng, mỗi số phát hành 400 bản. Bản tin Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) định kỳ xuất bản 2 tháng/số, mỗi số phát hành 300 bản. Bản tin Thông tin và Truyền thông (thuộc Sở Thông tin và Truyền thông định kỳ xuất bản 2 tháng/ số, mỗi số phát hành 300 bản. Bản tin Nông dân Bình Định (thuộc Hội Nông dân Việt Nam tỉnh Bình Định) định kỳ xuất bản 3 tháng/ số, mỗi số phát hành 1.500 bản. Bản tin Thông tin nội bộ (thuộc Ban Tuyên giáo Tỉnh Ủy) định kỳ xuất bản 01 số/tháng, mỗi số phát hành 3.500 bản.
Nhìn chung các bản tin hình thức đơn giản; khuôn khổ theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông, thống nhất 19 x 27 (riêng bản tin của Ban Tuyên giáo Tỉnh Ủy có khuôn khổ 14 x 20). Nội dung tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước; các chủ trương, giải pháp thực hiện của tỉnh có liên quan đến từng lĩnh vực, từng ngành, từng đoàn thể. Phản ánh các hoạt động của từng lĩnh vực, từng ngành, từng đoàn thể; hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn cho chuyên ngành ở cơ sở; nguồn nhân lực hầu hết do cán bộ lãnh đạo và cán bộ chuyên môn của sở, ngành, đoàn thể kiêm nhiệm thực hiện thông qua cấp trưởng hoặc phó chịu trách nhiệm và trực tiếp làm Trưởng Ban biên tập. Hầu hết nội dung các bản tin thực hiện đúng tôn chỉ mục đích. Đối tượng phục vụ cán bộ lãnh đạo tỉnh, huyện, từng cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, các doanh nghiệp, cán bộ, công nhân, viên chức, nhân dân tùy từng loại bản tin; hình thức phát hành qua bưu điện và tự phát hành. Kinh phí hoạt động do ngân sách tỉnh cấp 100%.
2. Công tác quản lý nhà nước về báo chí:
Báo chí in có vai trò quan trọng tác động mạnh mẽ, tích cực vào quá trình ổn định chính trị, phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Sở Thông tin và Truyền thông là cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, được giao nhiệm vụ giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về báo chí tại địa phương và các văn phòng đại diện, phóng viên thường trú tại Bình Định. Trong thời gian qua Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy chế phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí và cải chính trên báo chí; phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh Ủy, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức họp giao ban báo chí hàng tháng, hàng quý để nhận định công tác báo chí trong tháng, trong quý, đồng thời định hướng công tác thông tin tuyên truyền trong thời gian tới. Mở các lớp bồi dưỡng kiến thức cơ bản công tác quản lý cho lãnh đạo, cán bộ chuyên trách Phòng Văn hóa và Thông tin cấp huyện về các Luật báo chí, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật báo chí, các Nghị định của Chính phủ và Thông tư hướng dẫn của Bộ TT&TT về hoạt động, quản lý báo chí. Phối hợp với cơ quan chủ quản báo chí in trong công tác chỉ đạo, quản lý hoạt động báo chí để hoạt động này ngày càng phát triển phục vụ kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ chính trị - kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng. Tập hợp và tổ chức thống kê văn phòng đại diện các báo và phóng viên thường trú tại Bình Định theo chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông để theo dõi quản lý trên địa bàn.
Cấp phép bản tin của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định của Bộ, đồng thời kiểm tra các bản tin thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích phục vụ chuyên ngành. Tăng cường kiểm tra việc thực hiện chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về hoạt động của báo chí.
Ủy ban nhân dân tỉnh đã tăng cường chỉ đạo các cơ quan báo chí, cơ quan quản lý báo chí trên địa bàn tỉnh thực hiện đúng những quy định của nhà nước về hoạt động báo chí góp phần tác động tích cực đến phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao dân trí, đời sống tinh thần cho cán bộ, nhân dân. Nhìn chung những năm qua công tác quản lý nhà nước về báo chí đã từng bước đi vào ổn định, tạo điều kiện cho báo chí địa phương phát triển.
3.Ưu điểm và hạn chế:
3.1. Ưu điểm:
Các cơ quan báo chí in trong tỉnh cơ bản thực hiện đúng Luật báo chí, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật báo chí; hoạt động đúng tôn chỉ mục đích, làm tốt chức năng tuyên truyền, thông tin kịp thời những chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến nhân dân và là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, góp phần tích cực trong việc nâng cao dân trí, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, hợp tác quốc tế, xây dựng quê hương, đất nước. Hệ thống báo chí in trong tỉnh không bị lôi cuốn vào khuynh hướng thương mại hóa.
3.2. Hạn chế-tồn tại:
Bên cạnh những mặt mạnh, hoạt động báo chí in trong tỉnh còn bộc lộ những khuyết nhược điểm cần khắc phục:
- Báo chí in còn nặng về mô tả, tính chiến đấu chưa cao, chưa phản ánh đầy đủ và kịp thời thực tiễn đời sống phong phú của nhân dân, nhất là các vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo chưa được quan tâm phản ánh đúng mức. Các chuyên mục dành cho thiếu nhi, đồng bào miền núi trên các báo, tạp chí, nhìn chung còn nghèo nàn. Còn ít những bài nghiên cứu, phóng sự, điều tra sâu sắc, có giá trị phát hiện vấn đề và đề xuất phương hướng, biện pháp giải quyết sát hợp với thực tiễn. Đôi lúc còn xảy ra hiện tượng đưa tin, bài chưa chính xác, thiếu nhạy bén về chính trị, hiệu quả thông tin thấp, rút tít - đặt tên cho tin, bài không phù hợp với nội dung bài viết. Ảnh thời sự báo chí chất lượng nhìn chung còn thấp. Một số tạp chí do khó khăn về tài chính hoặc cán bộ nên việc xuất bản, phát hành ấn phẩm không đúng quy định của giấy phép.
- Một số bản tin cách trình bày thiếu khoa học, nội dung còn trùng lặp, chồng chéo, chưa phù hợp với tôn chỉ, mục đích.
- Một số đơn vị Báo nộp lưu chiểu chậm và không đầy đủ, một vài đơn vị còn vi phạm quy định về tỷ lệ quảng cáo trên báo chí, nhất là vào các thời điểm trước và sau tết, lễ.
- Việc kiểm tra, xử phạt những vi phạm trong hoạt động báo chí trong tỉnh còn vị nể, ngại đụng chạm.
3.3. Nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại:
- Một số tạp chí, bản tin cơ quan chủ quản chưa quan tâm đúng mức, còn khoán trắng các hoạt động cho Ban biên tập; một số Biên tập viên của các cơ quan hoạt động báo chí chưa nhạy bén về tình hình chính trị, chưa bám sát các văn bản luật và các văn bản dưới luật về công tác báo chí, nắm bắt thông tin phản ánh chưa đầy đủ, nghiệp vụ chuyên môn của một số biên tập viên, phóng viên còn hạn chế.
- Đội ngũ cán bộ Cơ quan quản lý nhà nước về báo chí còn mỏng, thiếu kinh nghiệm trong công tác quản lý nên năng lực quản lý báo chí còn hạn chế; cơ sở vật chất, phương tiện, điều kiện theo dõi hoạt động phục vụ cho công tác quản lý báo chí chưa đảm bảo.
QUY HOẠCH, SẮP XẾP MẠNG LƯỚI BÁO CHÍ IN TỈNH BÌNH ĐỊNH ĐẾN NĂM 2020.
- Xây dựng quy hoạch phát triển báo chí in trên địa bàn tỉnh phải phù hợp với hệ thống báo chí in trên toàn quốc và sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Phấn đấu phát triển báo chí in ngang tầm khu vực và báo chí in cả nước. Thực hiện ngày càng tốt nhiệm vụ tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, những thành tựu của đất nước, những hoạt động phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh; đồng thời báo chí in là cầu nối của Đảng, Nhà nước với nhân dân, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân đến với Đảng và Nhà nước, góp phần ổn định chính trị, nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu văn hóa lành mạnh của nhân dân.
- Nâng cao hiệu quả hoạt động của báo chí in, tạo điều kiện cho báo chí hoạt động đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của nhân dân, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh và khai thác có hiệu quả các hoạt động báo chí. Chú trọng đưa báo chí in đến vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người; khắc phục tình trạng ra báo chí kém chất lượng, chạy theo thương mại.
- Phát triển phải đi đôi với quản lý tốt, đảm bảo an ninh - quốc phòng, đảm bảo an toàn thông tin. Ngăn ngừa, khắc phục khuynh hướng sai trái, vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức báo chí; kiên quyết đấu tranh chống các lực lượng thù địch lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí tuyên truyền xuyên tạc gây hại cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
- Tuân thủ đúng Luật báo chí, các quy định của Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND tỉnh. Tăng cường tính định hướng và chất lượng toàn diện cho các báo, tạp chí, không tăng số lượng tờ báo.
- Hạn chế tối đa việc xuất bản báo chí in sử dụng nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước; từng bước xoá bỏ bao cấp, tự chủ về tài chính theo lộ trình phù hợp.
- Sắp xếp, ổn định hệ thống báo chí in trong toàn tỉnh, duy trì các cơ quan báo, tạp chí hoạt động có hiệu quả. Khắc phục sự chồng chéo, lãng phí, mất cân đối, hiệu quả xã hội thấp. Rà soát, giảm bớt những tạp chí, bản tin không đủ các điều kiện để hoạt động theo đúng quy định của Luật Báo chí, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật báo chí, Nghị định của Chính phủ, Quy chế xuất bản bản tin của Bộ Thông tin và Truyền thông. Đối với tạp chí của các sở, ngành có sự trùng lặp về nội dung, số lượng phát hành thấp, phạm vị thông tin hẹp, hiệu quả tuyên truyền không cao, đối tượng phục vụ không nhiều thì xem xét chuyển thành đặc san xuất bản không định kỳ hoặc bản tin xuất bản định kỳ.
- Tập trung đầu tư tờ Báo in chủ lực thuộc Đảng bộ tỉnh (Báo Bình định) và duy trì một số tạp chí phù hợp.
- Đối với các cơ quan đã có đặc san hoặc bản tin khi sáp nhập cơ quan thì chỉ thực hiện một đặc san hoặc bản tin.
1. Báo chí của cơ quan Đảng:
- Báo Bình Định.
2. Hội chính trị -xã hội - nghề nghiệp:
- Tạp chí Văn nghệ Bình Định (Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh).
3. Các bản tin của các sở, ngành của tỉnh.
- Một số đơn vị, cơ quan có hoạt động rộng, phục vụ đông đối tượng.
1. Báo Bình Định (thuộc Tỉnh Ủy Bình Định):
- Xuất bản nhật báo, trong đó từ thứ 2 đến thứ 7 in 12 trang, chủ nhật in 16 trang, khuôn khổ 18 x 41cm.
- Nội dung phổ biến, tuyên truyền các chủ trương đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, những chủ trương phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội của tỉnh; kêu gọi đầu tư vào Bình Định, quảng bá thu hút khách du lịch, phục vụ rộng rãi cán bộ, nhân dân trong tỉnh; đồng thời phản ánh tâm tư, nguyện vọng và sự góp ý của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
- Hình thức đẹp, khuôn khổ theo quy định của pháp luật.
- Phạm vi phát hành trong tỉnh và giao lưu với các tỉnh, thành phố, phát hành qua bưu điện và tự phát hành.
- Kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo, biên tập viên, phóng viên… đủ năng lực điều hành và hoạt động.
- Lộ trình:
+ Số lượng phát hành, cơ chế, chính sách hoạt động: giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan trình UBND tỉnh xem xét, quyết định trong từng thời kỳ (2009-2010; 2011-2015; 2016-2020).
+ Đảm bảo số lượng báo phát hành đến các cơ quan, doanh nghiệp, xã, phường, thị trấn, thôn, bản, làng và đông đảo nhân dân để kịp thời thông tin, tuyên truyền những chủ trương, chính sách của Trung ương và của tỉnh (tỉnh sẽ có chính sách tài trợ phát hành báo chí cho các huyện miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa).
- Bình Định nguyệt san (là ấn phẩm thuộc Báo Bình Định):
+ Giai đoạn 2009-2010: giữ nguyên như hiện nay.
+ Giai đoạn 2011-2020: không xuất bản ấn phẩm Bình Định nguyệt san để tập trung nâng cao chất lượng cho Báo Bình Định.
2 Tạp chí Văn nghệ Bình Định (thuộc Hội Văn học Nghệ thuật Bình Định).
- Nội dung phổ biến, tuyên truyền các chủ trương đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các hoạt động văn học-nghệ thuật trong và ngoài tỉnh.
- Hình thức đẹp, khuôn khổ theo quy định của pháp luật.
- Phạm vi phục vụ cho cán bộ, hội viên, nhân dân trong tỉnh và giao lưu, trao đổi với Hội văn học nghệ thuật các tỉnh, thành phố; phát hành qua bưu điện và tự phát hành.
- Kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo, biên tập viên, phóng viên… đủ năng lực điều hành và hoạt động.
- Lộ trình:
+ Số lượng phát hành, cơ chế, chính sách hoạt động: giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan trình UBND tỉnh xem xét, quyết định trong từng thời kỳ (2009-2010; 2011-2015; 2016-2020).
+ Kinh phí hoạt động do ngân sách tỉnh cân đối, bố trí trong dự toán được giao hàng năm cho Hội.
3. Bản tin
3.1. Bản tin Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Lộ trình:
+ Giai đoạn 2009 đến năm 2010: giữ nguyên tạp chí Văn hóa Bình Định như hiện nay.
+ Đến năm 2011: chuyển sang Bản tin Văn hóa, Thể thao và Du lịch xuất bản định kỳ;
+ Số lượng phát hành, cơ chế, chính sách hoạt động: giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan trình UBND tỉnh xem xét, quyết định trong từng thời kỳ (2009-2010; 2011-2015; 2016-2020).
3.2. Bản tin Công đoàn Bình Định
- Lộ trình:
+ Giai đoạn 2009 đến năm 2010: giữ nguyên tạp chí Công đoàn Bình Định như hiện nay.
+ Đến năm 2011: chuyển sang Bản tin Công đoàn Bình Định xuất bản định kỳ.
+ Số lượng phát hành, cơ chế, chính sách hoạt động: giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan trình UBND tỉnh xem xét, quyết định trong từng thời kỳ (2009-2010; 2011-2015; 2016-2020).
3.3. Bản tin Khoa học - Công nghệ
- Lộ trình:
+ Giai đoạn 2009 đến năm 2010: giữ nguyên tạp chí Khoa học – Công nghệ Bình Định như hiện nay.
+ Đến năm 2011: chuyển sang Bản tin Khoa học – Công nghệ Bình Định xuất bản định kỳ.
+ Số lượng phát hành, cơ chế, chính sách hoạt động: giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan trình UBND tỉnh xem xét, quyết định trong từng thời kỳ (2009-2010; 2011-2015; 2016-2020).
3.4. Bản tin Người làm báo Bình Định
- Lộ trình:
+ Giai đoạn 2009 đến năm 2010: giữ nguyên tạp chí Người làm báo Bình Định như hiện nay.
+ Đến năm 2011: chuyển sang Bản tin Người làm báo Bình Định xuất bản định kỳ;
+ Số lượng phát hành, cơ chế, chính sách hoạt động: giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan trình UBND tỉnh xem xét, quyết định trong từng thời kỳ (2009-2010; 2011-2015; 2016-2020).
3.5. Bản tin của Ban Quản lý khu kinh tế Bình Định.
-Lộ trình:
+ Giai đoạn 2009-2010: thành lập mới, giao Ban quản lý đặt tên; xuất bản bản tin định kỳ.
+ Đến năm 2011: có thể nâng lên thành đặc san.
+ Số lượng phát hành, cơ chế, chính sách hoạt động: giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan trình UBND tỉnh xem xét, quyết định trong từng thời kỳ (2009-2010; 2011-2015; 2016-2020).
3.6. Các bản tin khác:
Lộ trình:
+ Giai đoạn 2009-2020: giữ nguyên các bản tin đã có: Bản tin Thông báo nội bộ của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Bản tin Thông tin Hội đồng nhân dân của thường trực HĐND tỉnh, Bản tin Sản xuất và thị trường nông, lâm, thủy sản Bình Định của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bản tin Tư pháp Bình Định của thường trực Hội đồng phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh, Bản tin Công thương Bình Định của Sở Công Thương, Bản tin Thông tin và Truyền thông của Sở Thông tin và Truyền thông.
Kiện toàn đội ngũ lãnh đạo, biên tập viên kiêm nhiệm, đảm bảo nội dung có chất lượng.
+ Giai đoạn: 2011-2020: Thành lập mới một số bản tin thuộc: Sở Y tế, Sở Tài nguyên và Môi trường, Hội Nông dân tỉnh, Tỉnh đoàn, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Hội làm vườn tỉnh và một số sở, ngành, địa phương…có đủ điều kiện theo quy định về thành lập bản tin
* Nguồn kinh phí thực hiện xuất bản bản tin định kỳ của các sở, ngành, đoàn thể (kể cả các loại bản tin thành lập mới): Sử dụng kinh phí do ngân sách Nhà nước cân đối bố trí trong nguồn kinh phí nghiệp vụ hàng năm cho đơn vị. Đối với những đặc san, bản tin xuất bản phục vụ một số các nhiệm vụ chính trị theo chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh; những đặc san, bản tin có phạm vi phát hành rộng, có giá trị thiết thực phục vụ đông đảo công chúng, giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan trình UBND tỉnh xem xét, quyết định hỗ trợ thêm kinh phí.
Các sở, ngành, đoàn thể, huyện, thành phố… xuất bản đặc san nhân sự kiện quan trọng, thì xin giấy phép xuất bản của cơ quan có thẩm quyền.
4. Đối với Báo chí Trung ương và các tỉnh, thành phố:
Thực hiện đúng chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, hướng dẫn của Bộ Thông tin và truyền thông. Tỉnh tạo điều kiện tốt nhất để các văn phòng đại diện các báo Trung ương, các tỉnh, thành phố; phóng viên thường trú hoạt động tại Bình Định và các cơ quan báo chí in, phát hành báo tại Bình Định.
CÁC GIẢI PHÁP VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp Ủy Đảng, chính quyền đối với hoạt động báo chí in.
2. Các cơ quan quản lý nhà nước về báo chí in tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, tạo điều kiện để báo chí in thực hiện tốt Luật báo chí và các văn bản chỉ đạo, quản lý báo chí của Đảng và Nhà nước.
3. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cơ quan báo chí, các biên tập viên và phóng viên.
4. Có chính sách đầu tư từ ngân sách tỉnh và các cơ quan chủ quản báo chí phù hợp để hoạt động báo chí ngày càng có hiệu quả, nâng cao chất lượng về vật chất, trang thiết bị công nghệ.
5. Xây dựng cơ chế, chính sách phát triển nguồn nhân lực: kiện toàn đội ngũ cán bộ quản lý báo chí có trình độ, năng lực và uy tín, đảm bảo cho hoạt động báo chí địa phương phát triển lành mạnh, phù hợp với xu thế phát triển thông tin hiện đại. Xây dựng chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ biên tập viên, phóng viên, chính sách bảo vệ quyền lợi người làm báo, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và cạnh tranh ngày càng cao trong lĩnh vực báo chí để thu hút nhân tài.
6. Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ công tác phát hành báo in cho các xã vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo; mở rộng mạng lưới phát hành báo in đến thôn, bản, làng, nhất là báo Nhân dân, báo Bình Định đến tất cả các cơ quan, xí nghiệp, xã, phường, thị trấn, thôn, bản, làng trong ngày. Tuyên truyền cán bộ, nhân dân đọc, xem báo. Các loại tạp chí, bản tin phát hành đến cơ sở của chuyên ngành.
Căn cứ Đề án quy hoạch, sắp xếp mạng lưới báo chí in tỉnh Bình Định đến năm 2020, UBND tỉnh yêu cầu:
1. Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh Ủy định hướng công tác tuyên truyền hàng tuần, tháng, quý, bảo đảm cho báo chí in hoạt động đúng định hướng chính trị của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
2. Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý, theo dõi việc triển khai thực hiện theo Quy hoạch đảm bảo đúng tiến độ. Có trách nhiệm thẩm định việc cấp giấy phép hoạt động cho những cơ quan, đơn vị hoạt động báo chí in theo quyền hạn, nhiệm vụ được giao. Chủ trì phối hợp với các ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác quản lý nhà nước về báo chí in, thường xuyên kiểm tra, thanh tra hoạt động báo chí in trên địa bàn tỉnh trong việc tuân thủ các quy định của nhà nước; đề nghị biểu dương khen thưởng kịp thời, đồng thời xử lý hoặc đề nghị xử lý đối với những trường hợp vi phạm pháp luật.
3. Hội Nhà báo Bình Định tăng cường công tác quản lý hội viên, bồi dưỡng giáo dục đạo đức nhà báo cho các hội viên; phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan báo chí trong việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên-người làm báo trong tỉnh.
4. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính chủ trì, phối hợp cân đối nguồn vốn đầu tư theo các đề án, dự án trên lĩnh vực báo chí in đã được UBND tỉnh phê duyệt, tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí hàng năm đảm bảo để báo chí in hoạt động có hiệu quả.
5. Các Sở, ngành có liên quan, Tổng biên tập các báo, tạp chí, UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện ./.
- 1Quyết định 364/QĐ-UBND năm 2009 thành lập Ban Chỉ đạo Quy hoạch Báo chí in tỉnh Bình Phước giai đoạn 2009 - 2020
- 2Quyết định 13/2009/QĐ-UBND phê duyệt đề án quy hoạch báo chí in trên địa bàn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2009 - 2020
- 3Quyết định 2587/QĐ-UBND năm 2011 phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển báo chí, phát thanh, truyền hình, in ấn, xuất bản và phát hành đến năm 2020 do tỉnh Hải Dương ban hành
- 4Quyết định 4080/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt Đề cương và dự toán kinh phí “Quy hoạch phát triển xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm tỉnh Bình Định đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030"
- 5Báo cáo 29/BC-UBND năm 2016 về quy hoạch báo chí tính Thanh Hóa đến 2025
- 1Chỉ thị 37/2006/CT-TTg về việc thực hiện kết luận của Bộ Chính trị về một số biện pháp tăng cường lãnh đạo và quản lý báo chí do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Luật Báo chí 1989
- 3Luật Báo chí sửa đổi 1999
- 4Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 5Công văn số 4295/BTTTT-CBC về việc hướng dẫn tổ chức thực hiện công tác quy hoạch, sắp xếp lại mạng lưới báo chí in toàn quốc do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành
- 6Quyết định 364/QĐ-UBND năm 2009 thành lập Ban Chỉ đạo Quy hoạch Báo chí in tỉnh Bình Phước giai đoạn 2009 - 2020
- 7Quyết định 13/2009/QĐ-UBND phê duyệt đề án quy hoạch báo chí in trên địa bàn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2009 - 2020
- 8Quyết định 2587/QĐ-UBND năm 2011 phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển báo chí, phát thanh, truyền hình, in ấn, xuất bản và phát hành đến năm 2020 do tỉnh Hải Dương ban hành
- 9Quyết định 4080/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt Đề cương và dự toán kinh phí “Quy hoạch phát triển xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm tỉnh Bình Định đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030"
- 10Báo cáo 29/BC-UBND năm 2016 về quy hoạch báo chí tính Thanh Hóa đến 2025
Quyết định 487/QĐ-UBND năm 2009 quy hoạch báo chí in tỉnh Bình Định đến năm 2020
- Số hiệu: 487/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 06/07/2009
- Nơi ban hành: Tỉnh Bình Định
- Người ký: Nguyễn Văn Thiện
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra