Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TIỀN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 48/2006/QĐ-UBND

Mỹ Tho, ngày 20 tháng 9 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ CHẾ ĐỘ CHÍNH SÁCH TRỢ CẤP ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC CẤP XÃ VÀ CHÍNH SÁCH THU HÚT, TẠO NGUỒN CÁN BỘ, CÔNG CHỨC CẤP XÃ

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TIỀN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Quyết định số 40/2006/QĐ-TTg ngày 15/02/2006 của Chính phủ về phê duyệt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức giai đoạn 2006 - 2010;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này "Quy định về chế độ chính sách trợ cấp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã và chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ, công chức cấp xã".

Điều 2. Giao cho Giám đốc Sở Nội vụ phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công giúp Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 37/2003/QĐ-UB ngày 22/5/2003 của Ủy ban nhân dân tỉnh về chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức; chính sách thu hút và đào tạo nguồn cán bộ, công chức có trình độ cao; Quyết định số 13/2004/QĐ-UB ngày 24/3/2004 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 37/2003/QĐ-UB ngày 22/5/2003.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, thủ trưởng các sở, ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Thanh Trung

 

QUY ĐỊNH

VỀ CHẾ ĐỘ CHÍNH SÁCH TRỢ CẤP ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC CẤP XÃ VÀ CHÍNH SÁCH THU HÚT TẠO NGUỒN CÁN BỘ, CÔNG CHỨC CẤP XÃ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 48/2006/QĐ-UBND ngày 20/9/2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi áp dụng

Quy định này áp dụng đối với các trường hợp có quyết định cử đi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã; tạo nguồn công chức cấp xã gồm:

- Đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp tại các trường trong nước thuộc hệ chính quy, tại chức;

- Bồi dưỡng các chương trình quản lý nhà nước, tin học, ngoại ngữ, chuyên môn, nghiệp vụ theo giấy triệu tập của ngành hoặc của cơ quan quản lý nhà nước tỉnh, huyện.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Cán bộ chuyên trách cấp xã bao gồm:

- Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy, Thường trực Đảng ủy (nơi không có Phó Bí thư chuyên trách công tác đảng), Bí thư, Phó bí thư chi bộ (đối với những xã chưa thành lập Đảng bộ);

- Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân;

- Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân;

- Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bí thư Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ, Chủ tịch Hội Nông dân, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh.

2. Công chức cấp xã bao gồm các chức danh:

- Trưởng Công an (nơi chưa có lực lượng Công an chính quy);

- Chỉ huy Trưởng Quân sự;

- Văn phòng - Thống kê;

- Tài chính - Kế toán;

- Địa chính - Xây dựng;

- Tư pháp - Hộ tịch;

- Văn hóa - Xã hội.

3. Cán bộ không chuyên trách cấp xã bao gồm:

- Trưởng ban Tổ chức Đảng ủy (hoặc cán bộ phụ trách công tác Đảng);

- Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra;

- Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy (hoặc cán bộ phụ trách công tác Tuyên giáo);

- Cán bộ văn phòng Đảng ủy;

- Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc kiêm Trưởng ban Thanh tra nhân dân xã;

- Phó Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ;

- Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh;

- Phó Chủ tịch Hội Nông dân;

- Phó Bí thư xã Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh;

- Phó Công an (nơi chưa bố trí lực lượng Công an chính quy);

- Phó Chỉ huy trưởng Quân sự;

- Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ;

- Chủ tịch Hội Người cao tuổi;

- Ủy viên Thường trực Mặt trận Tổ quốc xã;

- Cán bộ Giao thông - Thủy lợi - Nông nghiệp;

- Cán bộ Văn thư - Lưu trữ - Thủ quỹ;

- Cán bộ Đài Truyền thanh;

- Cán bộ Dân số - Gia đình - Trẻ em;

- Cán bộ Thống kê Xã đội;

- Cán bộ VHTT - TDTT;

- Công an viên thường trực;

- Bí thư Chi bộ ấp;

- Trưởng ấp, khu phố;

- Phó Trưởng ấp.

Ngoài các chức danh nêu trên, khi Ủy ban nhân dân tỉnh có quy định các chức danh khác sẽ được bổ sung.

4. Những đối tượng được dự kiến diện quy hoạch tạo nguồn cho các chức danh cán bộ chuyên trách cấp xã hoặc công chức cấp xã.

Ưu tiên những người đã hoàn thành nghĩa vụ tại ngũ trong lực lượng vũ trang (quân đội, công an), thanh niên xung phong, con liệt sĩ, con thương binh có trình độ văn hóa tốt nghiệp trung học phổ thông và tương đương.

5. Đại biểu Hội đồng nhân dân xã, phường, thị trấn.

6. Một số chức danh của các đoàn thể, hội và học sinh, sinh viên trong tỉnh tham gia các lớp tập huấn tại trường Chính trị tỉnh, các trung tâm Bồi dưỡng chính trị cấp huyện.

7. Sinh viên tốt nghiệp đại học tình nguyện về công tác tại các xã, phường, thị trấn.

Điều 3. Điều kiện, tiêu chuẩn được cử đi đào tạo, bồi dưỡng

1. Điều kiện:

a. Đối với cán bộ, công chức:

- Có tên trong kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã (kể cả diện tạo nguồn công chức cấp xã) được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt hàng năm;

- Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước, hoàn thành tốt nhiệm vụ;

- Có bản cam kết phục vụ ổn định, lâu dài tại đơn vị (ít nhất gấp 3 lần thời gian được đào tạo), có xác nhận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi đang công tác;

- Có quyết định của Giám đốc Sở Nội vụ hoặc Ban Tổ chức Tỉnh ủy cử đi đào tạo đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên môn, nghiệp vụ; bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước chương trình chuyên viên, tin học, ngoại ngữ; bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ có thời gian từ 1 tháng trở lên; có quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công cử đi bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ có thời gian dưới 1 tháng.

b. Đối với diện tạo nguồn công chức cấp xã:

- Căn cứ vào kế hoạch tạo nguồn công chức cấp xã đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt hàng năm;

- Có bản cam kết của bản thân được xác nhận của chính quyền địa phương nơi cư trú.

2. Tiêu chuẩn được cử đi đào tạo:

- Đào tạo trình độ đại học: tuổi đời không quá 35 tuổi;

- Đào tạo trình độ cao đẳng và trung cấp: Tùy tình hình thực tế ở mỗi địa phương, Giám đốc Sở Nội vụ có thể xem xét từng trường hợp cụ thể;

- Về trình độ văn hóa: tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc bổ túc văn hóa.

Điều 4. Nghĩa vụ của cán bộ, công chức cấp xã (kể cả diện tạo nguồn) được quyết định cử đi đào tạo, bồi dưỡng

Cán bộ, công chức và các đối tượng tạo nguồn khi được cử đi đào tạo trình độ đại học, cao đẳng, trung học, lý luận chính trị, và bồi dưỡng quản lý nhà nước, chuyên môn, nghiệp vụ, tin học, ngoại ngữ phải:

- Hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập;

- Có ý thức trách nhiệm, thực hiện đúng theo nội qui, quy định của nơi đào tạo, bồi dưỡng;

- Thanh toán kinh phí đào tạo, bồi dưỡng đúng quy định;

- Sau khi tốt nghiệp hoặc kết thúc khóa học trở về cơ sở công tác, chấp hành nghiêm sự phân công của tổ chức cũng như của cơ quan cử đi đào tạo; phát huy tính năng động, sáng tạo trong công tác;

- Thời gian công tác ổn định tại cơ sở ít nhất gấp 3 lần thời gian được cử đi đào tạo;

Cán bộ, công chức cấp xã và các đối tượng thuộc diện tạo nguồn công chức cấp xã được hưởng chính sách trợ cấp đào tạo, bồi dưỡng mà tự ý bỏ việc hoặc tự ý bỏ học khi chưa được sự chấp thuận của cơ quan ra quyết định cử đi đào tạo, bồi dưỡng thì phải bồi thường kinh phí trong quá trình đào tạo như đã cam kết, đồng thời phải chịu xử lý kỷ luật theo quy định hiện hành.

Điều 5. Quy định hồ sơ thanh toán kinh phí đào tạo, bồi dưỡng và thu hút sinh viên tốt nghiệp đại học về cấp xã công tác

1. Hồ sơ thanh toán kinh phí đào tạo đại học, cao đẳng, trung học gồm:

- Quyết định cử đi đào tạo;

- Giấy báo trúng tuyển của người được cử đi đào tạo;

- Biên lai thu học phí (hoặc phiếu thu) của cơ sở đào tạo;

- Bảng kê đề nghị thanh toán của người được cử đi đào tạo, bồi dưỡng;

- Kết quả học tập (của năm quyết toán);

- Bằng tốt nghiệp.

2. Hồ sơ thanh toán kinh phí bồi dưỡng gồm:

- Quyết định cử đi bồi dưỡng của Giám đốc Sở Nội vụ hoặc của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công;

- Giấy triệu tập của cơ sở bồi dưỡng;

- Bảng kê đề nghị thanh toán của người được cử đi bồi dưỡng;

- Kết quả học tập, chứng chỉ hoặc Giấy chứng nhận.

3. Hồ sơ thanh toán kinh phí thu hút sinh viên tốt nghiệp đại học về cấp xã công tác.

- Quyết định tuyển dụng của cấp có thẩm quyền;

- Bản sao bằng tốt nghiệp đại học (có công chứng);

- Bản cam kết theo quy định.

Điều 6. Quy định nguồn và các khoản thanh toán kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã

Nguồn thanh toán và nội dung thanh toán:

1. Đào tạo chuyên môn và lý luận chính trị: (đại học, cao đẳng, trung cấp)

Thanh toán tiền học phí, tiền tài liệu, hỗ trợ tiền ăn từ nguồn kinh phí đào tạo của tỉnh.

Thanh toán tiền nghỉ, tiền tàu xe từ nguồn kinh phí thường xuyên của đơn vị.

2. Bồi dưỡng trong và ngoài tỉnh:

Thanh toán tiền ăn chi từ nguồn kinh phí đào tạo của tỉnh.

Thanh toán tiền nghỉ, tiền tàu xe từ nguồn kinh phí chi thường xuyên của đơn vị.

3. Thu hút sinh viên có trình độ đại học:

Chi từ nguồn kinh phí đào tạo các huyện, thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công.

- Trợ cấp thêm 15% cho đủ 100% bậc lương khởi điểm trong thời gian tập sự kể từ ngày nhận quyết định đối với sinh viên tốt nghiệp đại học về xã công tác;

- Trợ cấp thu hút một lần và trợ cấp sinh hoạt phí hàng tháng (24 tháng).

Chương II

CHÍNH SÁCH TRỢ CẤP CÁN BỘ, CÔNG CHỨC CẤP XÃ ĐƯỢC CỬ ĐI ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG

Điều 7. Đào tạo đại học, cao đẳng và trung cấp

1. Tiền học phí:

Được thanh toán tiền học phí theo hợp đồng đào tạo chính khóa của nhà trường thông qua cơ sở đào tạo hoặc phiếu thu học phí của cơ sở đào tạo.

2. Tiền tài liệu: Đối với các lớp không được cấp tài liệu thì được thanh toán theo mức khoán:

- Đại học : 300.000đ/người/năm

- Cao đẳng : 200.000đ/người/năm

- Trung cấp: 100.000đ/người/năm

3. Trợ cấp tiền ăn, tiền nghỉ:

- Học trong tỉnh: Được hỗ trợ tiền ăn với mức 15.000đ/người/ngày. Nơi nghỉ do cơ sở đào tạo đảm bảo, nếu cơ sở đào tạo không bố trí được nơi nghỉ thì được hỗ trợ 5.000 đ/người/ngày.

- Học ngoài tỉnh: Được trợ cấp 550.000đ/người/tháng đối với nam, 650.000đ/người/tháng đối với nữ. Được hỗ trợ tiền nghỉ với mức 360.000đ/người/tháng

4. Tiền tàu xe:

- Học trong tỉnh: Được thanh toán lượt đi và về cho mỗi đợt tập trung theo giá cước hiện hành.

- Học ngoài tỉnh: Được thanh toán lượt đi và về cho mỗi đợt tập trung theo giá cước hiện hành, được thanh toán thêm lượt đi và về trong dịp nghỉ tết, nghỉ hè.

Điều 8. Bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức cấp xã.

Các đối tượng được cử đi bồi dưỡng, tập huấn theo kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hàng năm được Thường trực Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, tổ chức tại các cơ sở đào tạo trong tỉnh, các Trung tâm Bồi dưỡng chính trị cấp huyện được hỗ trợ tiền ăn trong khoảng thời gian từ khi khai giảng đến bế giảng lớp học với mức: 10.000đ/người/ngày.

Chương III

CHÍNH SÁCH THU HÚT, ĐÀO TẠO NGUỒN CÔNG CHỨC CẤP XÃ

Điều 9. Sinh viên tốt nghiệp đại học về xã, phường, thị trấn công tác

1. Sinh viên tốt nghiệp các trường đại học (hệ chính quy tập trung) có chuyên ngành phù hợp với yêu cầu của địa phương, có nguyện vọng về xã, phường, thị trấn công tác (thời gian từ 5 năm trở lên), lập thủ tục theo quy định của Sở Nội vụ, được hưởng các quyền lợi sau:

- Được xét tuyển công chức;

- Được trợ cấp thêm 15% cho đủ 100% bậc lương khởi điểm trong thời gian tập sự;

- Về xã công tác:

+ Được trợ cấp thu hút một lần: 3.000.000đồng/lần/người.

+ Ngoài ra, còn được trợ cấp sinh hoạt phí trong thời gian 24 tháng, kể từ ngày nhận công tác với mức: 300.000đ/người/tháng (trừ cán bộ y tế xã có quy định riêng).

- Về phường, thị trấn công tác:

+ Được trợ cấp thu hút một lần 2.000.000đ/lần/người.

+ Ngoài ra, còn được hỗ trợ sinh hoạt phí trong thời gian 24 tháng, kể từ ngày nhận công tác với mức 200.000đ/người/tháng.

2. Sinh viên tốt nghiệp các trường đại học (hệ không chính quy) có chuyên ngành phù hợp với yêu cầu của địa phương, có nguyện vọng về xã, phường, thị trấn công tác (thời gian từ 5 năm trở lên), lập thủ tục theo quy định tại Sở Nội vụ, được hưởng các quyền lợi sau:

- Được xét tuyển công chức;

- Được trợ cấp thêm 15% cho đủ 100% bậc lương khởi điểm trong thời gian tập sự;

- Về xã nhận công tác:

+ Được trợ cấp thu hút một lần: 2.000.000đồng/lần/người

+ Ngoài ra, còn được hỗ trợ sinh hoạt phí trong thời gian 24 tháng, kể từ ngày nhận công tác với mức: 200.000đ/người/tháng.

- Về phường, thị trấn nhận công tác:

+ Được trợ cấp thu hút một lần: 1.000.000đồng/lần/người.

+ Ngoài ra, còn được hỗ trợ sinh hoạt phí trong thời gian 24 tháng, kể từ ngày nhận công tác với mức: 100.000đ/người/tháng.

Điều 10. Đào tạo nguồn công chức cấp xã

Các đối tượng trong kế hoạch tạo nguồn công chức cấp xã đã được duyệt hàng năm, có quyết định cử đi đào tạo đại học, cao đẳng, trung cấp của Giám đốc Sở Nội vụ, được hưởng chính sách trợ cấp tiền học phí, tiền ăn, tiền tài liệu như cán bộ, công chức cấp xã. Các khoản chi phí khác do cá nhân tự lực.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 11. Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã; kế hoạch tạo nguồn công chức cấp xã

Việc xây dựng quy hoạch, lập kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã, kế hoạch tạo nguồn công chức cấp xã phải được thực hiện từ cơ sở lên.

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công chịu trách nhiệm lập kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã và kế hoạch tạo nguồn công chức cấp xã, định hướng cho công tác này đến năm 2010 đáp ứng 100% đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã trong toàn tỉnh có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ (trung cấp trở lên), đúng theo Quyết định số 40/2006/QĐ-TTg ngày 15/02/2006 của Chính phủ về phê duyệt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức giai đoạn 2006 - 2010, gửi về Sở Nội vụ trước ngày 31/8 hàng năm để tổng hợp.

2. Sở Nội vụ tổng hợp kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã và kế hoạch tạo nguồn công chức cấp xã trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt đúng theo quy định.

3. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tiếp nhận, bố trí, phân công công tác cho công chức tạo nguồn cấp xã sau khi tốt nghiệp đúng chuyên môn đã được cử đi đào tạo theo quy định hiện hành.

Điều 12. Tạo nguồn, phân bổ và quản lý kinh phí đào tạo

1. Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh tạo nguồn kinh phí đào tạo và có kế hoạch phân bổ kinh phí đào tạo hàng năm theo kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng được duyệt.

2. Sở Nội vụ tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức đảm bảo đáp ứng mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã của tỉnh.

Điều 13. Cấp phát thanh toán và quyết toán kinh phí đào tạo

Việc cấp phát và quyết toán kinh phí đào tạo công chức cấp xã được thực hiện như sau:

1. Căn cứ vào kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, cơ sở đào tạo tổ chức đào tạo, bồi dưỡng theo kế hoạch.

- Các trường hợp mở lớp đào tạo, bồi dưỡng: Sở Nội vụ chuyển kinh phí đào tạo cho cơ sở đào tạo theo hợp đồng mở lớp.

- Sở Nội vụ có trách nhiệm thẩm định nội dung hợp đồng mở lớp theo Quy chế đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức.

2. Các trường hợp cá nhân được cử đi đào tạo, bồi dưỡng thực hiện thanh toán kinh phí theo Điều 6 của quy định này. Việc thanh toán kinh phí đào tạo, bồi dưỡng phải kịp thời trong niên độ ngân sách, có đầy đủ chứng từ đúng theo quy định tài chính.

3. Định kỳ hàng quý, đơn vị sử dụng, quản lý kinh phí đào tạo có trách nhiệm tổng hợp quyết toán với Sở Tài chính.

4. Riêng đối với các lớp và cá nhân đã được quyết định cử đi đào tạo, bồi dưỡng tại các cơ sở đào tạo trước khi quyết định này có hiệu lực thì tiếp tục thực hiện chế độ chính sách hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng theo quy định này cho đến khi kết thúc khóa học.

Điều 14. Triển khai thực hiện

- Giao cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công và       Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn tổ chức triển khai quy định này đến cán bộ, công chức thuộc cấp mình quản lý để thực hiện.

Trong quá trình thực hiện nếu có gì vướng mắc phản ảnh bằng văn bản thông qua Sở Nội vụ để tổng hợp trình Ủy ban nhân dân tỉnh để xem xét./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 48/2006/QĐ-UBND ban hành Quy định về chế độ chính sách trợ cấp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã và chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ, công chức cấp xã do Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang ban hành

  • Số hiệu: 48/2006/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 20/09/2006
  • Nơi ban hành: Tỉnh Tiền Giang
  • Người ký: Trần Thanh Trung
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 30/09/2006
  • Ngày hết hiệu lực: 04/09/2009
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản