Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4779/QĐ-UBND

Đồng Nai, ngày 24 tháng 11 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ CƯƠNG “ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI GIAI ĐOẠN 2021 - 2030”

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị định số 109/2018/NĐ-CP ngày 29 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ về nông nghiệp hữu cơ;

Căn cứ Quyết định số 885/QĐ-TTg ngày 23 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030;

Căn cứ Quyết định số 5317/QĐ-BNN-CBTTNS ngày 28 tháng 12 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Quyết định ban hành Kế hoạch hành động của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 5458/TTr-SNN ngày 10 tháng 11 năm 2021.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt đề cương và dự toán kinh phí thực hiện lập đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021 - 2030 (Kèm theo Quyết định) với các nội dung chủ yếu sau:

1. Tên Đề án: “Phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021 - 2030”.

2. Mục đích, yêu cầu lập đề án

a) Mục đích

- Triển khai thực hiện nhiệm vụ đề ra trong Kế hoạch triển khai thực hiện sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021 - 2030.

- Xác định được cụ thể các vùng tập trung có tiềm năng theo quy mô, địa điểm, cây trồng, vật nuôi để phát triển theo hướng hữu cơ đến năm 2030.

- Xác định được cụ thể các dự án, mô hình điểm về phát triển nông nghiệp hữu cơ tập trung thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025.

Hình thành các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản hữu cơ hướng đến xuất khẩu;

Nâng cao năng lực sản xuất, sức cạnh tranh nông sản lợi thế của tỉnh Đồng Nai.

b) Yêu cầu: Định hướng phát triển, phương án đề xuất, vùng tập trung phát triển nông nghiệp hữu cơ phải phù hợp với định hướng chung về phát triển nông nghiệp nói riêng và phát triển kinh tế xã hội nói chung theo các quy hoạch của tỉnh Đồng Nai và có tính khả thi cao.

3. Phạm vi đối tượng nghiên cứu của đề án

a) Đối tượng nghiên cứu

- Cơ quan quản lý nhà nước: Các cơ quan, đơn vị có liên quan cấp tỉnh, huyện, xã.

- Tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp: Hộ cá thể, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp.

- Tổ chức chính trị - xã hội có liên quan: Hội Nông dân, Liên minh Hợp tác xã,...

- Các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ được nghiên cứu và bố trí phát triển tập trung với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc thù của tỉnh Đồng Nai.

b) Phạm vi nghiên cứu

- Phạm vi về không gian: Điều tra, nghiên cứu tổng hợp trên địa bàn toàn tỉnh, tập trung vào đánh giá thực trạng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, các nhân tố tác động đến sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung để đề xuất phương án phát triển nông nghiệp hữu cơ.

- Phạm vi về nội dung: Các nhân tố nghiên cứu giải quyết tập trung vào công nghệ sản xuất, tổ chức sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm; tổ chức hệ thống quản lý kiểm soát sản xuất và tiêu thụ nông sản.

- Phạm vi về thời gian: Chuỗi số liệu hiện trạng được phân tích trong giai đoạn 2015 - 2020. Số liệu định hướng được xác định đến năm 2030.

4. Phương pháp nghiên cứu lập đề án

- Kế thừa các nghiên cứu đã có: Kế thừa tài liệu của các chương trình, dự án liên quan tới sản xuất nông nghiệp và sản xuất nông nghiệp hữu cơ đã thực hiện trên địa bàn tỉnh từ năm 2015-2020 (số liệu thứ cấp) và các kết quả điều tra về sản xuất nông nghiệp tại địa bàn các huyện.

- Điều tra, khảo sát thực địa tại các huyện và doanh nghiệp, người sản xuất để thu thập và khai thác thông tin phục vụ lập đề án. Điều tra theo phương pháp chọn các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ/đang chuyển đổi hữu cơ hiện có và các mô hình dự kiến phát triển nông nghiệp hữu cơ bằng các phiếu điều tra với các câu hỏi mở theo các nội dung đã được chuẩn bị trước.

- Phương pháp thống kê: Sử dụng nguồn số liệu thống kê và số liệu điều tra được từ các huyện, các cơ sở sản xuất... Từ đó, tổng hợp hệ thống số liệu phục vụ xây dựng đề án.

- Phương pháp phân tích hiệu quả kinh tế, tài chính: Sử dụng các phần mềm SPSS, Excel để xử lý phiếu điều tra đánh giá hiệu quả của sản xuất nông nghiệp truyền thống và hiệu quả sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

- Phương pháp phân tích mẫu đất, nước: Lấy mẫu phân tích đất, nước làm cơ sở xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về chất lượng môi trường đất, nước của các vùng tiềm năng.

- Ngoài các mẫu đại diện theo vùng dự kiến phát triển nông nghiệp hữu cơ, vận dụng các kết quả nghiên cứu, quan trắc môi trường đất, nước hiện có tại các đề tài, dự án đã và đang tiến hành thực hiện trên địa bàn tỉnh để tổng hợp, phân tích môi trường đất, nước trong tiềm năng phát triển sản xuất theo hướng hữu cơ.

5. Nội dung đề cương

- Các khái niệm có liên quan.

- Tổng quan về nông nghiệp hữu cơ trên thế giới và ở Việt Nam.

- Hiện trạng và dự báo khả năng phát triển nông nghiệp hữu cơ ở Đồng Nai.

Để đánh giá thực trạng nông nghiệp hữu cơ cũng như các yếu tố tác động đến nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh cần điều tra đánh giá các nội dung sau:

Khái quát thực trạng ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Nai đến năm 2020;

Điều tra, đánh giá thực trạng sản xuất nông nghiệp hữu cơ

Một số các dự báo liên quan

Đánh giá các nguồn lực có liên quan đến phát triển nông nghiệp hữu cơ.

Phân tích, đánh giá khả năng phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Đồng Nai.

- Quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2021 - 2030.

- Tổ chức thực hiện.

6. Sản phẩm của Đề án

- Báo cáo tổng hợp Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021 - 2030.

- Bản đồ định hướng phát triển vùng nông nghiệp hữu cơ năm 2030 tỉnh Đồng Nai.

- Số liệu phân tích mẫu đất, mẫu nước theo tiêu chuẩn hữu cơ.

- Đĩa CD chứa báo cáo và bản đồ.

7. Tổ chức thực hiện

- Cơ quan chủ quản đầu tư: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Chủ đầu tư: Chi cục Phát triển nông thôn và Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản.

- Cơ quan tư vấn thực hiện: Thực hiện đấu thầu rộng rãi, để lựa chọn đơn vị tư vấn thực hiện lập đề án.

8. Tiến độ thực hiện Đề án: 08 tháng sau khi Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai phê duyệt đề cương Đề án “Phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021 - 2030”; hoàn thành trình tự thủ tục, hồ sơ lựa chọn đơn vị tư vấn và thực hiện việc ký kết hợp đồng dịch vụ tư vấn thực hiện lập đề án.

9. Dự toán kinh phí và nguồn vốn thực hiện

- Tổng dự toán: 4.709.567.000 đồng (Bốn tỷ, bảy trăm lẻ chín triệu, năm trăm sáu mươi bảy ngàn đồng). Chi tiết được trình bày ở phụ lục đính kèm.

- Nguồn vốn thực hiện: Từ nguồn kinh phí sự nghiệp trong kế hoạch hàng năm giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Y tế; Hội Nông dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, Thủ trưởng các đơn vị và cá nhân có liên quan chịu thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Chủ tịch, các PCT. UBND tỉnh;
- Chánh, các PCVP. UBND tỉnh;
- Cổng Thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: VT, KTN.
(Khoa/754.Qdpheduyetnnhuuco)

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Võ Văn Phi

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 4779/QĐ-UBND năm 2021 phê duyệt đề cương "Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2030"

  • Số hiệu: 4779/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 24/11/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Nai
  • Người ký: Võ Văn Phi
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 24/11/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản