Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4700/QĐ-UBND

Bình Định, ngày 19 tháng 12 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH KIỂM TRA CÔNG VỤ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH NĂM 2024

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Quyết định số 3809/QĐ-UBND ngày 14 tháng 9 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 09-CTr/TU ngày 14 tháng 5 năm 2021 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội XX Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về cải cách hành chính, trọng tâm là tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính giai đoạn 2020-2025;

Căn cứ Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 20 tháng 10 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giám sát hoạt động công vụ;

Căn cứ Chỉ thị số 37-CT/TU ngày 10 tháng 8 năm 2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc và nâng cao trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu hiện nay;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch kiểm tra công vụ trên địa bàn tỉnh Bình Định năm 2024.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm triển khai thực hiện Quyết định này./.

 

 

CHỦ TỊCH




Phạm Anh Tuấn

 

KẾ HOẠCH

KIỂM TRA CÔNG VỤ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH NĂM 2024
(Ban hành kèm theo Quyết định số 4700/QĐ-UBND ngày 19 tháng 12 năm 2023 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh)

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Thông qua kiểm tra để đánh giá ưu điểm, mặt tích cực; đồng thời phát hiện những thiếu sót, khó khăn, bất cập, góp phần ngăn ngừa hành vi vi phạm kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ và đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền biện pháp xử lý.

- Đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao của cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhất là thực hiện nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh giao cho các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố. Trên cơ sở đó, kiến nghị việc thanh tra đối với các trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm các quy định của Nhà nước trong thực thi công vụ.

- Nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tác phong, lề lối làm việc và nâng cao trách nhiệm trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức.

2. Yêu cầu

- Hoạt động kiểm tra phải đảm bảo đúng quy định pháp luật, chính xác, khách quan, trung thực.

- Không làm cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức và cá nhân là đối tượng kiểm tra công vụ.

- Nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận và giải quyết công việc, thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.

II. ĐỐI TƯỢNG

1. Các sở, ban, ngành, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn (gọi tắt là các cơ quan, đơn vị, địa phương).

2. Cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại các cơ quan, đơn vị, địa phương.

III. NỘI DUNG KIỂM TRA

1. Kiểm tra việc tổ chức quán triệt, triển khai các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc, về kỷ luật, kỷ cương hành chính.

2. Kiểm tra việc thực hiện các chỉ đạo, nhiệm vụ được Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh giao trong năm 2024. Đối với các xã, phường, thị trấn, tiến hành kiểm tra việc thực hiện các chỉ đạo, nhiệm vụ được Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố và Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố giao trong năm.

3. Kiểm tra việc thực hiện quy định về kiểm soát thủ tục hành chính, cải cách thủ tục hành chính và giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính:

- Công tác tham mưu, đề xuất và chỉ đạo, điều hành, tổ chức triển khai, thực hiện các nhiệm vụ được Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh giao trên lĩnh vực kiểm soát thủ tục hành chính, cải cách thủ tục hành chính và giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính.

- Việc tham mưu công bố, công khai thủ tục hành chính theo quy định.

- Quy trình xử lý hồ sơ thủ tục hành chính điện tử trên “Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh” (Hệ thống VNPT iGate).

- Công tác quản lý, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính tại cơ quan, đơn vị; việc thực hiện công khai danh sách các tổ chức, cá nhân giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính trễ hạn theo quy định.

- Công tác tổ chức triển khai thực hiện “Quy chế phối hợp giải quyết các thủ tục hành chính về đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường và phòng cháy chữa cháy trên địa bàn tỉnh Bình Định” được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kèm theo Quyết định số 4147/QĐ-UBND ngày 09 tháng 11 năm 2023.

- Việc thực hiện quy định về xin lỗi người dân, doanh nghiệp trong công tác giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính.

- Kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính (tính đến thời điểm Tổ công tác kiểm tra công vụ đến kiểm tra):

+ Số hồ sơ đã hoàn thành việc giải quyết nhưng trễ hạn;

+ Số hồ sơ đang giải quyết quá hạn còn tồn đọng;

+ Hồ sơ trả lại cho người dân, doanh nghiệp để bổ sung thành phần hồ sơ; hồ sơ do người dân, doanh nghiệp tự rút hồ sơ.

- Việc hướng dẫn người dân, doanh nghiệp thực hiện đánh giá mức độ hài lòng đối với tác phong, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức.

- Việc hướng dẫn tổ chức, cá nhân thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến, thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công; số hóa thành phần hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo quy định.

- Kiểm tra việc triển khai thực hiện bộ nhận diện thương hiệu của Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, cấp xã.

- Công tác triển khai, thực hiện và tham mưu, đề xuất việc công bố, đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ.

4. Kiểm tra việc chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, trách nhiệm trong xử lý công việc của cán bộ, công chức, viên chức:

- Tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong giải quyết công việc.

- Tình trạng sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, không quyết định công việc thuộc thẩm quyền.

- Tình trạng chậm trễ, nhũng nhiễu, tiêu cực trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.

5. Kiểm tra việc thực hiện nội quy, quy chế làm việc của cơ quan, đơn vị, địa phương.

6. Kiểm tra việc chấp hành quy định thời gian làm việc hành chính.

7. Việc thực hiện đạo đức công vụ, giao tiếp, ứng xử trong thực thi nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức:

- Tác phong, thái độ, hành vi, lời nói khi giao tiếp, ứng xử với công dân.

- Hành vi vụ lợi, vi phạm pháp luật.

8. Kiểm tra việc thực hiện dân chủ ở cơ sở:

- Việc công khai thông tin ở xã, phường, thị trấn (14 nội dung Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn phải công khai; hình thức công khai; trách nhiệm tổ chức thực hiện việc công khai thông tin…);

- Việc tổ chức để Nhân dân bàn, quyết định và thực hiện quyết định của cộng đồng dân cư (6 nội dung Nhân dân bàn và quyết định; hình thức thực hiện; tổ chức cuộc họp của cộng đồng dân cư; trách nhiệm trong việc tổ chức để Nhân dân bàn, quyết định và thực hiện quyết định của cộng đồng dân cư);

- Việc tổ chức để Nhân dân tham gia ý kiến (9 nội dung Nhân dân tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định; hình thức Nhân dân tham gia ý kiến; trách nhiệm trong việc tổ chức để Nhân dân tham gia ý kiến);

- Trách nhiệm trong việc bảo đảm để Nhân dân thực hiện kiểm tra, giám sát.

9. Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu:

- Việc tận tụy với công việc trong thực hiện nhiệm vụ.

- Việc năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

10. Kiểm tra việc tiếp nhận, bố trí cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý.

IV. PHƯƠNG PHÁP KIỂM TRA

1. Kiểm tra theo sự chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.

2. Kiểm tra đột xuất hoặc theo thông tin phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của tổ chức, cá nhân.

3. Tiến hành khảo sát, đo lường cảm nhận của người dân và doanh nghiệp về hiệu quả và chất lượng thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức.

V. TRÌNH TỰ THỰC HIỆN KIỂM TRA

1. Tổ chức khảo sát việc thực hiện công vụ tại các cơ quan, đơn vị, địa phương theo phiếu điều tra xã hội học

- Thời gian thực hiện: Quý I năm 2024.

- Cơ quan chủ trì: Sở Nội vụ.

2. Các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện tự kiểm tra

- Thời gian thực hiện: Quý II năm 2024.

- Báo cáo kết quả cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nội vụ).

3. Tổ công tác về kiểm tra công vụ tiến hành kiểm tra tại các cơ quan, đơn vị, địa phương thuộc đối tượng kiểm tra. Trong đó, số lượng các đơn vị địa phương cấp xã cụ thể như sau:

- Kiểm tra 100% Ủy ban nhân dân thị trấn;

- Kiểm tra trên 50% Ủy ban nhân dân phường;

- Kiểm tra trên 30% Ủy ban nhân dân xã.

VI. XỬ LÝ VI PHẠM

1. Trong quá trình kiểm tra công vụ, nếu phát hiện vi phạm thì áp dụng theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật để ngăn chặn, chấn chỉnh, xử lý kịp thời hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức công vụ.

2. Các cơ quan, địa phương, đơn vị kịp thời rà soát, thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức, viên chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm, để trì trệ và không đáp ứng yêu cầu công việc được cấp có thẩm quyền giao.

3. Xử lý nghiêm minh những hành vi gây phiền hà, nhũng nhiễu, tham nhũng, tiêu cực.

VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thành lập Ban Chỉ đạo kiểm tra hoạt động công vụ do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh làm Trưởng ban. Các thành viên Ban Chỉ đạo gồm: Sở Nội vụ, Thanh tra tỉnh, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Tư pháp.

2. Sở Nội vụ

- Chủ trì, phối hợp với Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh tham mưu trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định thành lập, ban hành Quy chế hoạt động Ban Chỉ đạo kiểm tra hoạt động công vụ của tỉnh; lồng ghép việc triển khai Kế hoạch này tại “Hội nghị tổng kết, đánh giá công tác cải cách hành chính năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của tỉnh” trước ngày 15 tháng 01 năm 2024.

- Tổ chức kiểm tra hoạt động công vụ theo quy định.

- Xây dựng mẫu phiếu khảo sát, đo lường cảm nhận của người dân và doanh nghiệp về hiệu quả và chất lượng thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức.

- Tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả kiểm tra tại cơ quan, đơn vị, địa phương.

- Xây dựng dự toán kinh phí thực hiện, gửi Sở Tài chính thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.

3. Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh

- Chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ tiến hành kiểm tra nội dung liên quan đến công tác kiểm soát thủ tục hành chính, cải cách thủ tục hành chính và giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính và kiểm tra công tác tổ chức triển khai, thực hiện các nhiệm vụ được Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh giao cho các cơ quan, đơn vị, địa phương thuộc phạm vi trách nhiệm của “Tổ công tác của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về theo dõi nhiệm vụ được giao” theo Quyết định số 1837/QĐ-UBND ngày 11 tháng 5 năm 2021 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Phối hợp với Sở Nội vụ trong việc theo dõi, đôn đốc và tổng hợp, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện Kế hoạch này.

4. Sở Tài chính

Thẩm định và tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí để triển khai thực hiện Kế hoạch theo quy định.

5. Các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh

- Tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 20 tháng 10 năm 2023, Công điện số 280/CĐ-TTg ngày 19 tháng 4 năm 2023, Công điện số 968/CĐ- TTg ngày 16 tháng 10 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 37-CT/TU ngày 10 tháng 8 năm 2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các văn bản chỉ đạo việc triển khai thực hiện của Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Cung cấp đầy đủ các thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung kiểm tra và phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của thông tin, tài liệu cung cấp.

- Tạo điều kiện thuận lợi cho Đoàn kiểm tra công vụ của tỉnh thực hiện nhiệm vụ tại các cơ quan, đơn vị, địa phương thuộc phạm vi thẩm quyền quản lý.

- Xây dựng và triển khai kế hoạch kiểm tra hoạt động công vụ tại cơ quan, đơn vị, địa phương đảm bảo thiết thực, hiệu quả.

- Rà soát, thay thế, điều chuyển, xử lý công chức, viên chức không dám làm, né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm hoặc vi phạm, nhũng nhiễu, tham nhũng, tiêu cực.

Yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 4700/QĐ-UBND năm 2023 về Kế hoạch kiểm tra công vụ trên địa bàn tỉnh Bình Định năm 2024

  • Số hiệu: 4700/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 19/12/2023
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Định
  • Người ký: Phạm Anh Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 19/12/2023
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản