Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 47/2019/QĐ-UBND

Đà Nẵng, ngày 04 tháng 11 năm 2019

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ ĐẶT TÊN, ĐỔI TÊN ĐƯỜNG VÀ CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2005 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng;

Căn cứ Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

Căn cứ Thông tư số 36/2006/TT-BVHTT ngày 20 tháng 3 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) hướng dẫn thực hiện một số điều của Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng ban hành kèm theo Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2005 của Chính phủ;

Theo đề nghị của Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy chế đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 14 tháng 11 năm 2019; bãi bỏ Quyết định số 8405/QĐ-UB ngày 14/10/2008 về tiêu chí lựa chọn danh nhân, nhân vật lịch sử, địa danh và danh từ có ý nghĩa tiêu biểu để đặt tên đường, Quyết định số 10246/QĐ-UBND ngày 28/12/2010 về Quy định về cách ghi biển tên đường trên địa bàn thành phố.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND thành phố, Giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành thuộc thành phố, Chủ tịch UBND các quận, huyện và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ VHTTDL, Bộ Tư pháp;
- Cục Kiểm tra VBQLPL - Bộ Tư pháp;
- Thường trực TU, HĐND TP (để b/c),
- CT, các PCT UBND Tp;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội Tp;
- UBMTTQVN thành phố;
- Các Sở: VHTT, GTVT, XD, TNMT, TP;
- UBND các quận/huyện;
- Cổng Thông tin điện tử thành phố;
- Lưu: VT, SVHTT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Huỳnh Đức Thơ

 

QUY CHẾ

ĐẶT TÊN, ĐỔI TÊN ĐƯỜNG VÀ CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 47/2019/QĐ-UBND ngày 04 tháng 11 năm 2019 của UBND thành phố Đà Nẵng)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi áp dụng

Quy chế này quy định việc đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Điều 3. Nguyên tắc về đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng

1. Áp dụng theo nguyên tắc chung quy định tại Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2005 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng; Thông tư số 36/2006/TT-BVHTT ngày 20 tháng 3 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) hướng dẫn thực hiện một số điều của Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng ban hành kèm theo Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2005 của Chính phủ.

2. Căn cứ vị trí, quy mô, cấp độ tuyến đường và công trình công cộng, Hội đồng Tư vấn đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng thành phố (sau đây gọi tắt là Hội đồng Tư vấn) nghiên cứu lựa chọn tên gọi phù hợp, tương ứng các tiêu chí lựa chọn danh nhân, nhân vật lịch sử, địa danh và từ có ý nghĩa tiêu biểu về mặt chính trị, văn hóa, xã hội để đặt tên đường.

3. Danh nhân được chọn đặt tên đường và công trình công cộng phải là người đã từ trần trước thời điểm xét đặt tên đường ít nhất 05 năm (trừ những trường hợp đặc biệt). Tên đặt cho đường và công trình công cộng được lựa chọn từ danh mục Quỹ tên đã được UBND thành phố phê duyệt hoặc do thành viên Hội đồng Tư vấn đề xuất và thông qua.

4. Chỉ được xem xét đặt tên đối với các tuyến đường đã ổn định về quy hoạch, đã xác định được điểm đầu của đường (hướng từ phía Đông sang phía Tây hoặc từ phía Bắc vào phía Nam), có nhà dân sinh sống và hạ tầng đường bộ đã được thi công cơ bản hoàn thành.

5. Tại huyện Hòa Vang, chỉ được xem xét đặt tên đường đối với các tuyến đường đáp ứng các yêu cầu tại Khoản 4 Điều này và cận kề các tuyến đường liên huyện, quận và quốc lộ.

Chương II

ĐẶT TÊN, ĐỔI TÊN ĐƯỜNG VÀ CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG

Điều 4. Đặt tên đường và công trình công cộng

Thực hiện theo quy định tại các điều 10, 12, 13, 14 và 15 Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2005 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng.

Điều 5. Cách đặt tên đường và công trình công cộng

1. Tên các danh nhân, nhân vật lịch sử cùng thời kỳ hoặc cùng lĩnh vực hoạt động được ưu tiên đặt gần nhau, tạo thành các cụm tên đường có liên quan.

2. Trong trường hợp đường quá dài và là đường liên phường/xã, quận/huyện, căn cứ vào điều kiện cụ thể, có thể phân ra từng đoạn để đặt tên.

3. Danh nhân, nhân vật lịch sử có nhiều tên gọi, danh xưng, tước hiệu, bút hiệu thì chỉ chọn một tên phổ biến nhất để đặt tên đường, công trình công cộng.

4. Các địa danh lịch sử gắn với các sự kiện lịch sử, tên các địa danh là đơn vị hành chính xưa, tên các nhân vật lịch sử gắn liền với các sự kiện lịch sử hoặc địa danh diễn ra sự kiện lịch sử thì được ưu tiên đặt tên cho đường đi qua địa danh, công trình công cộng trên địa bàn đó.

5. Đối với các tuyến đường liên quận đủ tiêu chuẩn để đặt tên theo địa danh hành chính, điểm đầu tuyến đường thuộc địa giới hành chính của địa phương nào thì địa phương đó chịu trách nhiệm lập hồ sơ và đề xuất tên cho tuyến đường đó.

6. Đối với việc đặt tên đường tại các khu dân cư biệt lập, khép kín, chủ đầu tư dự án trình UBND thành phố xem xét, phê duyệt.

Điều 6. Đổi tên đường và công trình công cộng

1. Hạn chế tối đa việc điều chỉnh, thay đổi tên đường và công trình công cộng đã được đặt tên.

2. Đường và công trình công cộng đã đặt tên mà xét thấy không phù hợp về vị trí, không có ý nghĩa về lịch sử, văn hóa, không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc, không phải là nhân vật tiêu biểu của đất nước hoặc của địa phương, có tác động xấu trong xã hội thì đổi tên nhưng cần xem xét thận trọng và phải thực hiện theo đúng quy trình đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng.

Điều 7. Phân nhóm đặt tên đường và công trình công cộng

1. Phân nhóm đặt tên đường:

a) Nhóm 1: Đặt tên đại lộ theo danh nhân, sự kiện lịch sử có ý nghĩa đặc biệt tiêu biểu về chính trị, văn hóa, xã hội của quốc gia: Gồm các tuyến đường có vị trí đặc biệt quan trọng trong mạng lưới đô thị, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu hạ tầng kỹ thuật và cảnh quan đô thị của thành phố, có bề rộng mặt đường từ 30m, chiều dài từ 5.000m trở lên.

b) Nhóm 2: Đường được đặt tên danh nhân, địa danh, từ có ý nghĩa tiêu biểu về chính trị, văn hóa, xã hội và các phong trào cách mạng, sự kiện lịch sử nổi bật: Gồm các tuyến có bề rộng mặt đường từ 5,5m và có chiều dài từ 500m trở lên, trừ các tuyến đường được quy định tại Điểm a Khoản này.

c) Nhóm 3: Đường được đặt theo tên địa danh kèm số, tên loài hoa: Gồm các tuyến đường có bề rộng mặt đường tối thiểu từ 3,75m và có chiều dài tối thiểu từ 50m, trừ các tuyến đường được quy định tại Điểm a, b Khoản này.

2. Phân nhóm công trình công cộng:

a) Nhóm 1: Các công trình công cộng có vai trò, quy mô, vị trí quan trọng, có ý nghĩa văn hóa, xã hội, lịch sử và phục vụ nhu cầu khai thác, sử dụng chung cho cộng đồng toàn thành phố.

b) Nhóm 2: Gồm các công trình công cộng khác được quy định ngoài Điểm a Khoản này.

Chương III

XÂY DỰNG QUỸ TÊN ĐƯỜNG, CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG

Điều 8. Xây dựng quỹ tên

1. Hội đồng Tư vấn đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng do UBND thành phố quyết định thành lập và quy định chế độ làm việc, Sở Văn hóa và Thể thao là thường trực Hội đồng.

2. Cơ quan thường trực Hội đồng Tư vấn đặt đổi tên đường và công trình công cộng, chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện việc sưu tầm, biên tập và lập danh mục Quỹ tên đường và công trình công cộng; báo cáo Hội đồng Tư vấn thẩm định Quỹ trước khi trình UBND thành phố phê duyệt để lưu trữ, sử dụng phục vụ lâu dài cho công tác đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng trên địa bàn thành phố.

3. UBND các quận, huyện và các cơ quan, đoàn thể có liên quan có trách nhiệm rà soát, đề xuất danh mục bổ sung vào Quỹ tên đường, gửi về cơ quan Thường trực Hội đồng Tư vấn để tiến hành các bước thủ tục trình UBND thành phố phê duyệt.

Điều 9. Tiêu chí xây dựng quỹ tên

1. Danh nhân, nhân vật lịch sử

a) Danh nhân đất nước:

- Có công trạng, đóng góp lớn cho đất nước (bao gồm một số vị vua, quan có ảnh hưởng lớn đến đất nước trong các thời kỳ lịch sử của dân tộc hoặc các vị khởi xướng, lãnh đạo các phong trào yêu nước, cách mạng, các vị lãnh đạo tiêu biểu của Đảng và Nhà nước);

- Nổi tiếng về tài đức, có đóng góp lớn cho đất nước ở từng lĩnh vực (bao gồm các văn nhân, danh y, danh tướng ...) qua các thời kỳ lịch sử dân tộc;

- Có những kỳ tích, hành động đặc biệt vì lợi ích của đất nước, của cộng đồng, trở thành gương sáng để các thế hệ đi sau học tập (bao gồm các tấm gương hy sinh, tuẫn tiết, các chiến sĩ cách mạng có chiến công đặc biệt).

b) Danh nhân địa phương (gồm những người có công trạng tiêu biểu đối với địa phương, vùng đất Quảng Nam - Đà Nẵng):

- Có công trạng đóng góp lớn cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng vùng đất Quảng Nam và Đà Nẵng qua các thời kỳ lịch sử dân tộc, những vị tiền hiền có công khai phá vùng đất Quảng Nam - Đà Nẵng;

- Nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa ... có tác phẩm giá trị được công nhận và lưu truyền đến ngày nay;

- Các đồng chí lãnh đạo tiêu biểu của Quảng Nam - Đà Nẵng qua các thời kỳ;

- Anh hùng lực lượng vũ trang; anh hùng lao động tiêu biểu qua các thời kỳ;

- Những bà mẹ Việt Nam anh hùng tiêu biểu quê quán ở Đà Nẵng và Quảng Nam.

c) Danh nhân nước ngoài có ảnh hưởng đến lịch sử, văn hóa Việt Nam và thành phố Đà Nẵng.

2. Địa danh, từ có ý nghĩa tiêu biểu về chính trị, văn hóa, xã hội:

a) Địa danh: Địa danh phải nổi tiếng, được nhiều người dân cả nước biết đến, gắn liền với lịch sử dân tộc, có ý nghĩa và giá trị tiêu biểu về lịch sử - văn hóa của đất nước hoặc của thành phố; địa danh đã quen dùng từ xưa, đi sâu vào tiềm thức của nhân dân; hoặc tên địa phương kết nghĩa có mối quan hệ đặc biệt với thành phố Đà Nẵng.

Đối với các tỉnh, thành kết nghĩa, không nhất thiết phải lấy tên tỉnh, thành mà có thể lấy tên địa danh nổi tiếng của tỉnh, thành đó.

b) Từ có ý nghĩa tiêu biểu về chính trị, văn hóa, xã hội.

3. Tên phong trào cách mạng, sự kiện lịch sử có giá trị tiêu biểu của quốc gia hoặc địa phương.

4. Tên địa danh đặt tên kèm số: Là những địa danh đã đi sâu vào tiềm thức của nhân dân tại một khu vực dân cư nhất định trên địa bàn quận, huyện của thành phố Đà Nẵng.

5. Tên một số loài hoa đặc trưng và phổ biến.

Chương IV

THẨM QUYỀN, QUY TRÌNH, THỦ TỤC ĐẶT TÊN, ĐỔI TÊN ĐƯỜNG VÀ CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG

Điều 10. Thẩm quyền đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng

1. UBND thành phố trình HĐND thành phố quyết định đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng tại Khoản 1 và Điểm a Khoản 2 Điều 7 Quy chế này.

2. UBND các quận, huyện đặt tên, đổi tên các công trình công cộng trên địa bàn quản lý được quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 7 của Quy chế này.

Điều 11. Quy trình, thủ tục đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng

1. Hằng năm, căn cứ chỉ đạo của UBND thành phố, Sở Giao thông Vận tải có văn bản đề nghị UBND các quận, huyện cung cấp hồ sơ các tuyến đường, công trình cần đặt tên, đổi tên để thẩm định, lập báo cáo khảo sát chi tiết gửi cơ quan thường trực Hội đồng Tư vấn để triển khai xây dựng Đề án tên đường trên địa bàn thành phố.

2. Căn cứ đề nghị của Sở Giao thông Vận tải, UBND các quận, huyện có trách nhiệm lập hồ sơ đề xuất đặt tên đường, công trình công cộng; hồ sơ đáp ứng các tiêu chí về hạ tầng kỹ thuật, mật độ dân cư sinh sống và tên đường dự kiến (nếu có).

3. Trên cơ sở hồ sơ do Sở Giao thông Vận tải cung cấp, cơ quan thường trực Hội đồng Tư vấn tổ chức các bước khảo sát với sự tham gia của Chủ tịch Hội đồng Tư vấn, đại diện các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan; tổng hợp và xây dựng dự thảo Đề án tên đường trình Hội đồng Tư vấn.

4. Hội đồng Tư vấn họp thảo luận và hoàn chỉnh Dự thảo Đề án tên đường.

5. Cơ quan thường trực Hội đồng Tư vấn tham mưu công bố Dự thảo Đề án tên đường theo kết luận của Hội đồng trên các phương tiện thông tin đại chúng để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức và nhân dân địa phương.

6. Trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các cơ quan, tổ chức và nhân dân, Hội đồng Tư vấn trình UBND thành phố xem xét thông qua.

7. UBND thành phố trình HĐND thành phố.

Điều 12. Gắn biển tên đường và công trình công cộng

1. Căn cứ Nghị quyết đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng của HĐND thành phố, việc tổ chức gắn biển tên đường và bảng tên công trình công cộng thực hiện như sau:

a) Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức triển khai lắp đặt trụ biển tên đường và công trình cầu theo quy định.

b) Đối với công trình công cộng, các cơ quan quản lý công trình triển khai lắp đặt bảng tên theo quy định.

2. Nguyên tắc gắn biển tên đường theo kiểu cánh lệch, thứ tự ưu tiên cánh trên và cánh dưới như sau:

a) Tên đường trục đường chính được ghi tại cánh trên. Trong trường hợp hai đường giao nhau cùng là trục đường chính, thì căn cứ chữ đầu tên đường theo thứ tự A, B, C... để ghi tại cánh trên.

b) Tên đường có bề rộng mặt đường lớn hơn được ghi tại cánh trên. Trong trường hợp hai đường giao nhau có bề rộng mặt đường bằng nhau, thì căn cứ chữ đầu tên đường theo thứ tự A, B, C... để ghi tại cánh trên. Nếu trong trường hợp hai đường giao nhau có bề rộng mặt đường bằng nhau và được đặt cùng tên có kèm theo số, thì căn cứ thứ tự 1, 2, 3... để ghi tại cánh trên.

Chương V

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 13. Sở Văn hóa và thể thao chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành thành phố, UBND các quận, huyện, các tổ chức liên quan triển khai và hướng dẫn tổ chức thực hiện Quy chế này và những quy định khác của pháp luật có liên quan về đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng trên địa bàn thành phố. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện việc đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng trên địa bàn thành phố.

Điều 14. Khen thưởng và xử lý vi phạm

1. Tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc tổ chức thực hiện Quy chế này và những quy định khác của pháp luật về đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng sẽ được động viên, khen thưởng kịp thời theo chế độ thi đua khen thưởng hiện hành của Nhà nước.

2. Tổ chức, cá nhân vi phạm Quy chế này và những quy định khác của pháp luật về đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng thì tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 15. Điều khoản thi hành

Trong quá trình triển khai và thực hiện Quy chế, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Sở Văn hóa và thể thao để tổng hợp, báo cáo UBND thành phố xem xét sửa đổi, bổ sung kịp thời./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 47/2019/QĐ-UBND về Quy chế đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng

  • Số hiệu: 47/2019/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 04/11/2019
  • Nơi ban hành: Thành phố Đà Nẵng
  • Người ký: Huỳnh Đức Thơ
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 14/11/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản