Hệ thống pháp luật

BỘ QUỐC PHÒNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4696/QĐ-BQP

Hà Nội, ngày 05 tháng 11 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC THỰC HIỆN HỖ TRỢ ĐỐI VỚI THÂN NHÂN LIỆT SĨ ĐANG CÔNG TÁC TRONG QUÂN ĐỘI

BỘ TRƯỞNG BỘ QUỐC PHÒNG

Căn cứ Nghị định số 35/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng;

Căn cứ Kết luận của Thường vụ Quân ủy Trung ương về việc thực hiện một số chính sách đối với thân nhân liệt sĩ đang công tác trong Quân đội;

Xét đề nghị của Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị tại Tờ trình số 1551/TTr-CT ngày 05 tháng 8 năm 2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Đối tượng áp dụng

Sĩ quan; quân nhân chuyên nghiệp; công nhân, viên chức quốc phòng; hạ sĩ quan, binh sĩ; lao động hợp đồng đang công tác trong Quân đội (kể cả các doanh nghiệp quân đội) là bố đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng và con đẻ của liệt sĩ.

Điều 2. Nội dung hỗ trợ

Đối tượng quy định tại Điều 1 Quyết định này, được thực hiện một số nội dung hỗ trợ như sau:

1. Về đào tạo, bố trí, sử dụng

a) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng, được ưu tiên tuyển chọn đi đào tạo tại các học viện, nhà trường trong và ngoài Quân đội theo quy định; được bố trí công tác ở đơn vị gần nơi cư trú để có điều kiện chăm sóc gia đình;

b) Hạ sĩ quan, binh sĩ được ưu tiên cử tuyển hoặc dự tuyển vào các trường trong và ngoài Quân đội theo quy định; sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nếu đủ điều kiện, được ưu tiên chuyển chế độ phục vụ sang quân nhân chuyên nghiệp hoặc công nhân, viên chức quốc phòng;

c) Công nhân, viên chức quốc phòng có thời gian công tác từ 12 tháng trở lên, nếu có nguyện vọng, được chuyển chế độ phục vụ sang quân nhân chuyên nghiệp theo quy định;

d) Lao động hợp đồng có đủ điều kiện được ưu tiên tuyển dụng công nhân, viên chức quốc phòng.

2. Về thời gian phục vụ trong Quân đội

Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, nếu có nguyện vọng, được kéo dài thời hạn phục vụ tại ngũ không quá 5 năm so với tuổi quy định.

3. Về nhà ở

Gia đình thân nhân liệt sĩ có khó khăn về nhà ở thì được hỗ trợ về nhà ở theo quy định tại Điều 3 Quyết định này.

Điều 3. Đối tượng, điều kiện, định mức và thủ tục hỗ trợ về nhà ở

1. Đối tượng, điều kiện hỗ trợ

a) Đối tượng, điều kiện được hỗ trợ:

Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng đã lập gia đình, thuộc các trường hợp sau đây, nếu có nguyện vọng thì được hỗ trợ một lần về nhà ở, gồm:

- Trường hợp chưa có nhà ở (đang ở nhà bố mẹ, thuê nhà, mượn nhà hoặc ở nhờ nhà người khác);

- Tự tạo lập hoặc tự mua nhà ở nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn, chưa được hỗ trợ kinh phí từ chương trình nhà tình nghĩa, nhà đồng đội;

- Đã có nhà ở nhưng hư hỏng, xuống cấp cần phải sửa chữa (kể cả đối tượng đã được xây tặng nhà tình nghĩa, nhà đồng đội hoặc đã được hỗ trợ kinh phí từ nguồn quỹ nhà tình nghĩa, nhà đồng đội từ năm 2005 trở về trước, nhà ở hư hỏng, xuống cấp);

Trường hợp cả vợ và chồng là thân nhân của liệt sĩ thì được hỗ trợ một người; ưu tiên hỗ trợ đối với những người có khó khăn trước; ít khó khăn sau.

b) Không thực hiện hỗ trợ nhà ở đối với người đã có nhà ở riêng, gồm các trường hợp sau:

- Đã được thụ hưởng chính sách nhà ở, đất ở theo quy định của Nhà nước và của Bộ Quốc phòng;

- Đã được tặng nhà tình nghĩa, nhà đồng đội hoặc đã được hỗ trợ kinh phí từ nguồn quỹ nhà tình nghĩa, nhà đồng đội khi tự tạo lập hoặc tự mua nhà ở từ năm 2006 đến nay.

2. Mức hỗ trợ

- Mức hỗ trợ đối với đối tượng quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều này là 70.000.000 đồng/trường hợp/nhà;

- Trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mức hỗ trợ do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định;

- Khuyến khích các đơn vị hỗ trợ thêm cho các đối tượng bằng các nguồn khác, bảo đảm công bằng.

3. Thủ tục hỗ trợ về nhà ở

- Đối tượng làm Đơn đề nghị, có xác nhận của chính quyền địa phương cấp xã nơi đối tượng cư trú; kèm 01 ảnh ngôi nhà hiện đang ở, bản sao hộ khẩu gia đình, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hợp đồng mua nhà ở chính sách, nhà ở xã hội (nếu có); báo cáo chỉ huy đơn vị quản lý trực tiếp;

- Cấp Trung đoàn hoặc tương đương trở lên tổ chức xác minh, lập biên bản về thực trạng nhà ở của đối tượng;

- Công văn, kèm theo hồ sơ, danh sách đề nghị của đơn vị theo phân cấp.

4. Việc hỗ trợ về nhà ở, phấn đấu thực hiện xong trước dịp Kỷ niệm 70 năm Ngày thương binh, liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2017); từ năm 2018, việc hỗ trợ về nhà ở được đưa vào kế hoạch hoạt động Đền ơn đáp nghĩa hằng năm.

5. Việc thực hiện các chế độ hỗ trợ phải bảo đảm dân chủ, công khai, công bằng và minh bạch; đúng đối tượng quy định.

Điều 4. Nguồn kinh phí

Nguồn kinh phí hỗ trợ về nhà ở được trích từ Quỹ điều tiết lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp quân đội, số tiền là 30.000.000.000 đồng; từ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của Bộ Quốc phòng, số tiền là 16.000.000.000 đồng. Trong đó:

- Năm 2016, trích từ Quỹ điều tiết lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp quân đội, là 17.000.000.000 đồng; Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của Bộ Quốc phòng, là 6.000.000.000 đồng;

- Năm 2017, trích từ Quỹ điều tiết lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp quân đội, là 13.000.000.000 đồng; Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của Bộ Quốc phòng, là 10.000.000.000 đồng;

- Từ năm 2018 trở đi, sử dụng từ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa do các đơn vị được giữ lại và từ cân đối Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của Bộ Quốc phòng.

Điều 5. Tổ chức thực hiện

1. Tổng cục Chính trị, chỉ đạo cơ quan chức năng

a) Cục Chính sách:

- Chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan, chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện Quyết định này;

- Chủ trì, chỉ đạo triển khai thực hiện nội dung hỗ trợ về nhà ở; tổng hợp, thẩm định hồ sơ, danh sách theo đề nghị của các đơn vị; trình Thủ trưởng Tổng cục Chính trị phê duyệt; đề nghị Cục Tài chính bảo đảm kinh phí hỗ trợ về nhà ở cho các đơn vị;

- Phối hợp với các cơ quan liên quan làm tốt công tác tuyên truyền, biểu dương các đơn vị, doanh nghiệp quân đội, các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện hỗ trợ đối với thân nhân liệt sĩ đang công tác trong Quân đội;

- Tổng hợp và đề xuất những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Quyết định này, báo cáo Bộ Quốc phòng xem xét quyết định.

b) Cục Cán bộ:

Chủ trì, triển khai thực hiện nội dung hỗ trợ quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 2 Quyết định này đối với đối tượng thuộc phạm vi quản lý.

2. Bộ Tổng Tham mưu chỉ đạo Cục Quân lực

Chủ trì, triển khai thực hiện nội dung hỗ trợ quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 2 Quyết định này đối với đối tượng thuộc phạm vi quản lý.

3. Cục Tài chính/BQP

Bảo đảm kinh phí; phân cấp cho các đơn vị theo phê duyệt của Tổng cục Chính trị; kiểm tra, chỉ đạo thanh quyết toán đúng quy định.

4. Thanh tra Bộ Quốc phòng

Phối hợp các cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng, nắm tình hình và kiểm tra việc sử dụng theo quy định.

Điều 6. Hiệu lực và trách nhiệm thi hành

1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/10/2015.

2. Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ trưởng, Chủ nhiệm TCCT;
- Các đồng chí Thứ trưởng BQP;
- BTTM, TCCT;
- Các đơn vị trực thuộc Quân ủy TW (59);
- Văn phòng BQP, Văn phòng TCCT;
- Các Cục: Chính sách, Tài chính, Cán bộ, Quân lực, Tuyên huấn;
- Vụ Pháp chế/BQP;
- Thanh tra BQP;
- Báo QĐND, Trung tâm PT-TH Quân đội;
- Cổng TTĐT BQP;
- Cổng TTĐT Ngành Chính sách QĐ;
- Lưu: VT, KHTH, THBĐ; Q85.

BỘ TRƯỞNG




Đại tướng Phùng Quang Thanh

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 4696/QĐ-BQP năm 2015 thực hiện hỗ trợ đối với thân nhân liệt sĩ đang công tác trong Quân đội do Bộ trưởng Bộ Quóc phòng ban hành

  • Số hiệu: 4696/QĐ-BQP
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 05/11/2015
  • Nơi ban hành: Bộ Quốc phòng
  • Người ký: Phùng Quang Thanh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/10/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản